Các nhà tâm lý học như Carl Jung cùng những người thuộc trường phái này
nhấn mạnh đến sự quan trọng của những yếu tố văn hóa, trong đó có tôn
giáo, đối với đời sống cá nhân. Qua những kinh nghiệm kể lại của những
người trở về từ cõi chết, những hình ảnh liên quan đến tôn giáo của họ
xuất hiện khi họ sắp qua đời. Điều ấy có thể giải thích theo hai khía
cạnh khác nhau. Về phương tiện tôn giáo, những tín đồ tin tưởng mình đã
thấy Phật A-di-đà, đức Quán Thế Âm, Thượng đế hay thiên thần đến rước họ
đi. Về phương diện tâm lý, người ta cho rằng chính bộ não chúng ta đã
tạo ra những hình ảnh đó bằng cách gia tăng sản xuất những chất hóa học
làm cho giây phút cuối cùng đời ta được êm dịu.
Dù chúng ta tin theo cách giải thích của tôn giáo hay của các nhà tâm lý
thì cũng đều tốt cả, vì cả hai bên đều xác nhận tính cách tốt đẹp của
giây phút cuối đời người liên quan đến niềm tin tôn giáo của mỗi cá
nhân. Như thế, cách đối xử nhân đạo nhất đối với những người sắp từ giã
cõi đời hay vừa mới qua đời là tổ chức những nghi lễ tôn giáo theo niềm
tin lâu nay của họ. Những hình ảnh, những âm thanh, những lời cầu nguyện
tích cực mà họ đã nghe quen sẽ tác động vào tâm thức của họ, gợi lên
những hình ảnh an lành và tốt đẹp mà họ mang sẵn từ khi còn nhỏ trong
tôn giáo của mình, tạo cho họ những giây phút thoải mái và bình an vào
những giây phút cuối.
Có những người có thói quen tai hại là đi thuyết phục kẻ đang bị bệnh
nặng hay đang hấp hối hoặc gia đình họ bỏ đạo cũ để theo đạo của mình.
Họ không biết rằng như vậy là họ đang làm một điều ác, một điều trái với
lòng nhân đạo, vì gây những xung đột nội tâm cho người đang đối diện cái
chết cùng những khó khăn, rối rắm cho gia đình của người sắp qua đời.
Hai chuyên gia tâm lý Holmes và Rahe nghiên cứu về những nguyên nhân gây
căng thẳng đưa đến bệnh tật đã liệt kê sự thay đổi sinh hoạt tôn giáo là
một trong những nguyên nhân. Những người khỏe mạnh mà còn bị căng thẳng
tinh thần khi thay đổi sinh hoạt tôn giáo, huống gì là những kẻ bệnh tật
hay đang hấp hối? Và bất hạnh nhất cho gia đình của người qua đời là
không thể cầu nguyện và bày tỏ tình thương yêu của mình theo nghi thức
tôn giáo của gia đình.
Khi thấu suốt những nguyên nhân và hậu quả tai hại nói trên, là người
Phật tử tu hạnh từ bi, chúng ta tuyệt đối không nên thuyết phục những
người khác bỏ đạo vào những lúc họ đang cận kề với cái chết rồi thuyết
giảng cho họ nghe về đạo của mình mà họ trước đó chẳng có kinh nghiệm
gì, hiểu biết gì, cũng chẳng có niềm tin gì.
Dù đang theo đạo nào, chúng ta tuyệt đối tránh không nên tạo ra sự sợ
hãi trong lòng người đang bị bệnh bằng cách hứa hẹn theo đạo mình thì sẽ
lên Thiên đàng hay Cực Lạc, còn nếu không theo đạo mới thì sẽ bị đọa địa
ngục, làm cho họ bị thêm nhiều áp lực bên cạnh những khổ đau vì bệnh tật
họ đang phải chịu đựng.
Hãy tôn trọng những giây phút cuối cùng của người bệnh. Nếu biết ai có
thể cử hành các nghi lễ theo tôn giáo của họ thì mời đến lo giúp. Chỉ
trên bình diện tâm lý mà thôi thì những nghi lễ thuộc tôn giáo của mỗi
người thực hành lâu nay vốn có rất nhiều lợi ích giúp cho họ an tâm đối
diện với những giây phút khó khăn cuối đời mình và đem đến cho họ niềm
an vui lần cuối. Làm được điều trên, chúng ta cũng đối xử nhân đạo với
gia đình người chết vì họ có thể tham dự các lễ cầu nguyện cho thân nhân
họ theo những nghi thức tôn giáo của họ, làm giảm đi rất nhiều sự đau
đớn của tử biệt.
Về phương diện tôn giáo, chính niềm tin vào tôn giáo cùng sự cầu nguyện
và tụng đọc kinh sẽ giúp cho người giã từ cuộc đời này đối diện và biết
rõ những gì xảy ra cho họ nơi cõi bên kia, đó không phải là cõi chết như
chúng ta lầm tưởng mà là sự tiếp nối của cõi sống. Điều này không những
được ghi trong kinh điển mà còn do hàng ngàn người chết đi rồi sống lại
tường thuật qua sách vở hay trong các cuộc khảo cứu.
Khi họ nghe được những âm thanh, thấy được những hình ảnh cùng tiếp nhận
những lời cầu nguyện tích cực từ thân nhân và những tu sĩ thuộc tôn giáo
mà họ đã quen thuộc lâu nay thì họ sẽ tiếp nhận dễ dàng. Do đó, sự
chuyển tiếp đến cuộc sống tương lai sẽ tốt đẹp cho họ theo chiều hướng
tích cực.
Những người còn sống, tức là thân nhân, bạn bè, những nhà tu hành cùng
tín đồ, nên khuyến khích người sắp chết hướng về hình ảnh tốt đẹp thuộc
niềm tin của họ mà cầu nguyện để họ có được sự bình an. Nếu họ là con
chiên của Chúa thì hình ảnh đức Chúa là điều họ rất cần. Nếu họ là Phật
tử, hình ảnh đức Phật hay đức Quán Thế Âm Bồ Tát nên treo phía trước hay
đặt bên cạnh giường bệnh khi họ đến bệnh viện. Nếu bệnh viện không có
thì xin các vị tu sĩ của các nhà thờ hay chùa.
Đừng vì sự cố chấp của mình mà phạm vào tội ác đối với người sắp từ giã
cuộc đời hay vừa mới qua đời cùng gia đình họ bằng cách cử hành những lễ
nghi tôn giáo mà họ không tin, không có kinh nghiệm, không hiểu biết ý
nghĩa và gia đình họ không thể nào biểu lộ những cảm xúc cùng tình
thương đối với người quá cố theo lễ nghi tôn giáo đó cả.
Tôn giáo nào cũng dạy người tín đồ phải có lòng thương yêu đồng loại.
Tình thương yêu thật sự không đòi hỏi kẻ khác phải tin theo mình mới
thương. Khi sống với tình thương yêu trong lành thì ta có sự hiểu biết
chân thật, thương mến kẻ sống cũng như những người đã qua đời, biết rõ
những giá trị của các nền văn hóa khác biệt trong đó có các lễ nghi tôn
giáo liên hệ mật thiết với đời sống cá nhân lúc sống cũng như khi qua
đời, và làm những gì tốt đẹp nhất cho họ để họ được thật sự hạnh phúc.