Lam lũ chất phác, mộc mạc chân thành,
Dùng thân giáo bảo khuyên con cháu,
Gắng trở nên hiếu thảo hiền lành!
Thiết tha tu hành, lợi danh chẳng tạo,
Rõ vô thường dứt tuyệt ghét thương,
Lâm chung ngồi Tây Phương trực đáo!
Sa Di ni Thích Nữ Diệu Chánh, thế danh là Lê Thị Bực sinh năm 1923, nguyên quán ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Sư cô là chị Ba trong gia đình có năm anh em.
Khi tuổi trưởng thành, bà Lê Thị Bực kết hôn với ông Phạm Văn Dự, sinh được bốn trai, sáu gái. Chuyên sống bằng nghề nông.
Do vì gia cảnh bần hàn nghèo khó, chân lấm tay bùn, phải nhọc nhằn vất vả để tạo ra chén cơm manh áo. Vốn dĩ bản tánh sẵn có của bà là rất hiền lành, chân thật, rộng lòng bao dung và thương người. Nắng dãi mưa dầm đã vun bồi nghị lực và ý chí nhẫn nại cần mẫn của bà ngày một cao hơn, mọi nghịch cảnh và bất hạnh xảy ra trong cuộc đời, bà xem như là định số đã an bày, mà tất cả bởi cái nhân ở quá khứ do mình trót lỡ gây tạo ra, mà hiện giờ nó vừa chín muồi, nên bà đều vui vẻ đón nhận không một lời than trời oán người. Như lời nhắc nhở của Cổ đức:
“Xin khuyên tất cả người ta,
Không nên nuôi những xấu xa trong lòng.
Làm ác gặp ác không sai chạy,
Luật trả vay vạn đại bất di;
Giàu sang quyền thế bực gì,
Cũng trong nhân quả khó đi ra ngoài.
Xem sử tích xưa nay đủ thấy,
Làm việc gì việc ấy trả cho;
Đúng như là đã hẹn hò,
Luật trời báo ứng bao giờ cũng linh.
Cơ thưởng phạt chớ khinh mà mắc,
Biết bao nhiêu nhân vật đã lầm:
Tưởng rằng chẳng có luật âm,
Không ngờ quả báo đúng tâm của mình...
Muốn về Phật đừng mang nợ thế,
Nợ thế còn không thể thoát phàm;
Thoát phàm nợ thế phải kham,
Nợ còn dù Thánh cũng cam chịu đền.
Nợ tiền phải trả tiền khó trốn,
Nợ mạng thì đền mạng không sai,
Nợ nào trả nấy dầu ai,
Muốn cho giải thoát đừng gây nợ trần...
Đường về Phật lợi danh chẳng buộc,
Chốn Liên Hoa chỉ rước từ tâm;
Hỡi ai đường Phật muốn tầm;
Liên Hoa muốn đến phải tâm cho từ.”
Đối với con cháu, dâu rể trong nhà, bà chưa từng quạu quọ la rầy mắng chửi, luôn giữ thái độ ôn hòa chỉ dạy, thường dùng thân giáo nhiều hơn ngôn giáo.
Đối với làng xóm láng giềng bà chưa hề mích lòng một ai. Vì thế bà được mọi người thương yêu kính mến!
Đến năm 1984, ông bạn đường lìa đời, bà cảm nhận sâu sắc về lý vô thường: Vạn vật đều đổi thay biến hoại, có sinh tất nhiên phải có hoại diệt; có hợp ắt phải có tan; có sống thì phải đến lúc chết đi! Đúng như lời nhận định:
“... Cuộc đời là giả tạm nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác… rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quý, đi theo những vặt vụn, tiểu ti eo hẹp.”
Kể từ đó, bà phát tâm trường trai, sớm chiều lễ Phật tinh tấn tu hành.
Người anh ruột thứ Hai của bà là một liên hữu thâm niên đã hướng dẫn pháp môn Tịnh Độ cho bà.
Cũng từ đó, bà mạnh mẽ tham gia các công tác từ thiện xã hội, như: bắc cầu, làm đường, bố thí gạo cho người nghèo, sửa chữa chùa chiền… nhất là bà rất ưa thích phóng sanh. Có bao nhiêu tiền đều làm hết bấy nhiêu.
Mặt khác, những khóa tu niệm Phật ở chùa Nam An tổ chức, bà đều tham dự chưa lần nào thiếu vắng; còn phần kinh giảng sám kệ, bà ham thích đọc lắm, dù rằng phải ráp vần từng chữ, từng câu!
***
Năm 2007 bà phát tâm xuất gia (lúc đó tuổi bà đã 84), được Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác trụ trì chùa Nam An đặt cho pháp danh là Diệu Chánh.
Mặc dầu tuổi đã cao nhưng sức khỏe của sư cô rất tốt, khi nhập chúng tu học, tất cả các thời khóa tu của chùa sư cô đều thực hành đầy đủ. Buổi công phu khuya thường bắt đầu vào lúc 3 giờ rưỡi, khi lên chánh điện ai đọc tụng gì thì đọc tụng, còn sư cô thì cứ ngồi niệm Phật miết vậy thôi! Chừng xong thì các vị sư cô trẻ đều có phận sự lo đi làm lao tác, riêng sư cô thì tiếp tục đi kinh hành cho đến giờ điểm tâm sáng. Điểm tâm xong, sư cô cầm sô nước ra ngoài sân chùa chà rong bám trên những tấm gạch tàu. Vừa làm chậm rãi vừa niệm Phật mãi cho đến giờ cơm trưa.
Năm 2010, sư cô cùng năm, sáu liên hữu đi tu Phật thất ở chùa Hoằng Pháp. Rồi kế tiếp ra tu Phật thất tại chùa Huê Lâm thuộc khu vực Bà Rịa Vũng Tàu. Lần này, sư cô được Ban Tổ Chức tặng giấy khen là một trong những hành giả cao tuổi có thời gian ngồi niệm Phật dài nhất.
Đến năm 2011 lúc sư cô đã 88 tuổi, đôi chân của sư cô hơi yếu, cô con gái Út rước sư cô về nhà để tiện bề phụng dưỡng.
Lúc nào có con cháu ghé thăm, sư cô đều khuyên rán lo tu hành, kính tin Tam Bảo, làm lành niệm Phật. Băng đĩa mà sư cô thường nghe là của Thầy Chân Hiếu nói về những lời khai thị của Tổ Ấn Quang; nhưng thích nhất vẫn là đĩa: “Kinh Niệm Phật Ba La Mật” do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch. Sư cô thường ngồi niệm Phật rất lâu. Ngoài hai thời công phu chính ra, lúc nào sư cô cũng lần chuỗi niệm Phật, nên xâu chuỗi không rời khỏi tay.
Sư cô có hai người cháu nội, một vị pháp danh là Tuệ Tu đang tu ở Vĩnh Long, còn vị kia pháp danh là Tịnh Liên hiện tu tại chùa Hưng Thiền ở Cao Lãnh. Mùa hạ năm 2013, sư cô có đi cúng dường Trường Hạ nơi đây. Khi tác pháp dâng tịnh tài, Sư Ông khuyên sư cô khi đau yếu bịnh hoạn thì đừng có đi điều trị làm chi, chỉ nên cố gắng niệm Phật và phát nguyện cầu sanh Tây Phương!
Đến khoảng tháng 8, tháng 9 năm ấy, có lần sư cô nói với cô Út:
- Mẹ muốn chừng nào mẹ về với Đức Phật A-di-đà, thì mẹ ngồi!
Cô Út hỏi lại:
- Mẹ chắc ngồi được không đó! Ngồi vững vàng không ạ?
Sư cô nói:
- Mẹ chắc là… ngồi được!
Đầu năm 2014, sư cô bị đau lưng, con cháu đưa sư cô đến Bệnh Viện Đa Khoa Cao Lãnh. Sau khi chụp hình bác sĩ chẩn đoán là bị “thoái hóa cột sống”, sư cô điều trị ở đây mười ngày. Khi về nhà, sư cô uống thuốc sơ sài qua loa, thường thoa dầu nóng nơi vùng lưng mà thôi, chủ yếu là gia tăng công phu niệm Phật.
Qua tết Trung Thu năm 2014, một hôm đang ngồi niệm Phật gần hai tiếng đồng hồ từ 6 giờ đến 8 giờ tối, đột nhiên sư cô niệm Phật lớn lên. Sau đó hỏi ra mới biết trong lúc đó sư cô thấy hình Đức Phật A-di-đà bay qua bay lại trước mặt, vì mừng quá nên sư cô mới niệm Phật lớn lên như thế!
***
Đến ngày mùng 2 tháng 9 năm 2014, sư cô vẫn khỏe mạnh ăn uống bình thường. Cô Út dự định mua tấm nhựa để chắn tấm vách chỗ sư cô thường tắm vì sợ nước chạm ổ điện rất nguy hiểm, và nước dễ làm mục vách ván. Sư cô bèn nói với cô Út:
- Mẹ chỉ tắm một, hai lần nữa thôi, chớ đâu có tắm hoài đâu mà con sợ!
Khuya đêm đó sư cô phát cơn đau lưng và mệt, sư cô kêu con cháu xúm lại hộ niệm cho mình, và đi mời Ban Hộ Niệm của chú Tư Bồ Đề. Con cháu vây quanh hộ niệm cho sư cô, tới 4 giờ sáng thì Ban Hộ Niệm của chú Tư Bồ Đề khoảng mười mấy người vừa kịp đến. Sau khi trưởng đoàn khai thị xong, sư cô ngồi niệm Phật chung với mọi người, ngồi chừng vài tiếng đồng hồ sư cô liền hỏi chú Tư rằng:
- Tui nằm, được không chú Tư?
Chú liền đáp:
- Bà cụ muốn nằm thì cứ nằm; cụ muốn ngồi thì cứ ngồi. Tùy theo sức khỏe của mình!
Vì vậy, sau ba, bốn giờ thì sư cô nằm xuống độ chừng mười lăm hoặc hai mươi phút rồi ngồi dậy, mà gần suốt ngày như thế. Âm thanh niệm Phật của sư cô mọi người đều nghe rất rõ, thỉnh thoảng sư cô có xen phát nguyện cầu sanh Tây Phương.
Trước khi mất nửa giờ, sư cô vẫn còn niệm ra tiếng.
Hộ niệm mãi cho đến 4 giờ 15 chiều thì sư cô an tường trút hơi thở sau cùng trong tư thế ngồi dựa lưng vào một người cháu, hai tay kết ấn để xuôi xuống, gương mặt hết sức hoan hỷ, tươi đẹp. Nhằm ngày mùng 3 tháng 9 năm 2014, sư cô hưởng thọ 91 tuổi.
Qua tám tiếng đồng hồ sau thì thấy các khớp xương mềm mại, đỉnh đầu ấm nóng trong khi toàn thân đều lạnh, khuôn mặt rạng rỡ tràn đầy niềm vui của một hành giả Tịnh Tông chắc chắn đã vĩnh viễn xa lìa biển khổ!
Cuộc hộ niệm vẫn được duy trì cho đến giây phút lo phần hậu sự, tức là ngày hôm sau mới hoàn mãn.
***
Vào tuần thất thứ hai, người rể thứ Tám của sư cô nằm mộng, sư cô cho biết:
- Mẹ đã vãng sanh Tịnh Độ rồi!... Con rán niệm Phật và phát nguyện cầu vãng sanh Tây Phương!
Nói xong, sư cô dạy cho chú phát nguyện vãng sanh. Trong giấc chiêm bao, chú đã phát nguyện y theo sư cô dạy. Vì thường ngày chú cũng có niệm Phật nhưng chưa phát nguyện cầu sanh Cực Lạc!
(Thuật theo lời Phạm Thị Nho, cô con gái Út của sư cô và Phạm Hồng Nhã, cháu nội của sư cô.)