Mùa thu năm 1861, Shyama Charan Lahiri vừa được 33 tuổi và đang làm nhân
viên kế toán phục vụ trong quân đội Anh. Một hôm, hết sức bất ngờ, người
nhận được lệnh điều động lên Ranikhet, nơi có một tiền đồn quân sự vừa
được thành lập.
Chuyến đi đến nhiệm sở mới dài năm trăm dặm, khá vất vả vì phải đi nhiều
chặng, có lúc đi ngựa, có lúc đi xe... Và sau khoảng một tháng thì người
đến nơi, một vùng núi non hiểm trở đã nằm hẳn dưới chân dãy Hy Mã Lạp
Sơn.
Công việc quả thật vô cùng nhàn tản, hầu như chẳng có gì. Vì thế, phần
lớn thời gian trong ngày được người dùng để dạo chơi, thăm thú những
vùng phụ cận. Người ta cho biết đây là một trong những vùng thường xuất
hiện các vị đạo sĩ, tu sĩ ẩn tu đã chứng ngộ.
Một buổi chiều kia, khi người đang đi dạo ven một khu rừng gần đó thì
bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Theo hướng đó, người leo lên một vách
núi cheo leo của ngọn Drongiri mà tìm đến, trong lòng lo ngại sẽ không
kịp quay lại để về nhà trước khi trời tối. Tuy vậy, có một sức hấp dẫn
lạ kỳ trong tiếng gọi khiến cho người không sao cưỡng lại được mà phải
náo nức đi theo.
Vượt qua khỏi vách núi, người băng qua một khoảng trống nhỏ và đến trước
một hang động. Hai bên đều là vách núi dựng đứng, rõ ràng không còn một
lối đi thứ hai nào có thể dẫn đến đây ngoài lối đi mà người vừa vượt
qua.
Trong ánh nắng chiều đã sắp tắt, Shyama Charan Lahiri nhìn thấy một
thanh niên lực lưỡng khoảng chừng hơn hai mươi tuổi đang ngồi trong tư
thế thiền định. Kỳ lạ thay, thanh niên này có hình dáng giống hệt như
chàng, chỉ khác một điều là có mái tóc màu đỏ hung.
Người thanh niên mở mắt nhìn thầy, đưa tay làm một cử chỉ đón tiếp và
cất giọng nói trìu mến bằng tiếng Bắc Ấn:
– Con đã đến rồi, Lahiri.
Ngạc nhiên vì cách xưng hô này cũng như vì sự gặp gỡ quá bất ngờ, Shyama
Charan Lahiri tiến đến thật gần để nhìn cho kỹ. Bất ngờ, người cảm thấy
như có những nét quen thuộc mơ hồ nào đó trong hình dáng người thanh
niên và khung cảnh động núi nơi đây, nhưng trong một lúc không sao nhớ
ngay ra được.
Người thanh niên đứng dậy, đưa tay nắm lấy tay Shyama Charan Lahiri. Một
sức mạnh kỳ lạ khiến cho người không hề ngần ngại mà đưa tay cho anh ta
ngay, và sau đó đi theo anh ta vào động núi.
Hóa ra hang động nhìn từ bên ngoài vào thật ra chỉ là một cửa động. Sau
khi bước vào, một con đường hẹp bên trong đưa hai người đi quanh co một
lát và dẫn đến một khoảng sân rộng, có những tảng đá nằm rải rác đều đặn
có vẻ như được bố trí để làm ghế ngồi. Phía cuối khoảng sân có một gò đá
tự nhiên cao hơn, bên trên là một tảng đá lớn bằng phẳng. Người thanh
niên lạ mặt đưa Shyama Charan Lahiri lên tảng đá ấy. Từ đây có thể phóng
tầm mắt nhìn ra bao quát hết cả khoảng sân rộng, như một khán đài lý
tưởng. Quả thật, các ghế đá trong sân được sắp xếp theo hàng lối nghiêm
chỉnh. Rõ ràng đây là một nơi được dùng vào mục đích thuyết giảng cho
đám đông.
Khi cả hai đã lên đến tảng đá bằng phẳng nằm trên cao nhất, người thanh
niên đưa tay chỉ vào một tảng đá nhỏ hơn bên cạnh, ra hiệu cho Shyama
Charan Lahiri ngồi xuống. Sau đó, anh ta bắt đầu nói bằng một giọng đều
đều:
– Lahiri Mahsaya! Ngay tại đây, trên bục giảng này, con đã từng trợ lực
với ta rất nhiều năm trong việc thuyết pháp. Ngày hôm nay nhiệm vụ của
con đã đổi khác, nhưng ta muốn con hãy nhớ lại quá khứ của mình để có
thể thuận tiện hơn cho việc tu tập.
Cùng với lời nói này, người thanh niên đưa tay đặt lên đỉnh đầu Shyama
Charan Lahiri và ấn nhẹ xuống. Một sức mạnh lạ lùng khiến người ngay lập
tức phải ngồi xuống tảng đá. Một luồng hơi nóng dễ chịu bắt đầu tỏa ra
từ người thanh niên, và khung cảnh chung quanh bất chợt sáng lên trong
một thứ ánh sáng huyền ảo, bất chấp lúc bấy giờ mặt trời đã tắt hẳn.
Trong một lát thì Shyama Charan Lahiri nhớ lại quá khứ của mình.
Chính ngay tại đây, trong động đá này, người đã từng là môn đệ thân cận
nhất của đức Babji trong rất nhiều tiền kiếp. Và đức Babji chính là
người thanh niên đã đưa thầy vào đây. Mặc dù là một vị tu sĩ ẩn cư đã
vào Hy Mã Lạp Sơn này không biết tự bao giờ, nhưng đức Babji không hề
chịu sự chi phối của tuổi già. Ngài luôn luôn giữ vóc dáng của một thanh
niên hai mươi lăm tuổi, bất chấp ngày tháng trôi qua và nhiều thế hệ đệ
tử đã qua bàn tay dìu dắt, đào tạo của ngài.
Sau khi nhớ ra được quá khứ, Shyama Charan Lahiri liền quỳ xuống lễ bái
đức Babji với tấm lòng thành kính và một sự xúc động vô hạn. Và cùng lúc
đó, những kinh nghiệm tâm linh trong việc tu tập thiền định lập tức trở
lại cùng với người. Shyama Charan Lahiri ngồi xuống tảng đá quen thuộc
của mình và bắt đầu nhập vào thiền định.
Hai người cùng ngồi yên trong bầu không khí tịch lặng qua nhiều giờ đồng
hồ. Cuối cùng, đức Babji ra khỏi thiền định và gọi Shyama Charan Lahiri:
– Lahiri Mahsaya! Chúng ta không có nhiều thời gian lắm. Con còn phải
trở về với nhiệm vụ của mình ở chốn thế tục. Hôm nay ta cho gọi con đến
đây là để giúp con rút ngắn thời gian tu tập trong kiếp này bằng cách
nhớ lại những kinh nghiệm quá khứ đã đạt được. Ngoài ra, ta cũng muốn
dặn dò con đôi điều.
– Bạch sư phụ, xin người cứ dạy bảo.
– Từ trước đến nay, pháp môn thiền định của ta không truyền dạy cho
những đệ tử có căn cơ thấp. Tuy nhiên, những năm sắp tới đây sẽ có rất
nhiều biến động trong thế cuộc, đòi hỏi con người cũng phải có những chỗ
dựa tinh thần chắc chắn để giữ vững được thiện căn. Vì vậy, ta cho phép
con truyền rộng pháp môn này cho tất cả mọi người, như một vũ khí để
giúp người ta chống lại sự suy thoái tinh thần quá nhanh chóng trong
thời đại mới.
– Bạch sư phụ, như vậy có phải là làm giảm thấp giá trị của pháp môn
thiền định hay chăng?
– Giá trị của một pháp môn được xác định thật sự bởi những hành giả đạt
đến chứng ngộ tuyệt đối nhờ vào pháp môn ấy. Không phải vì có nhiều
người tu tập không đạt đến chứng ngộ hoàn toàn mà có thể làm suy giảm
giá trị của một pháp môn. Mặt khác, cho dù không đạt đến sự giải thoát
tuyệt đối, nhưng người ta có thể giảm nhẹ sự đau khổ trước mắt bằng vào
việc tu tập thiền định. Và đó là một nguồn lợi lạc rất lớn mà chúng ta
không thể không mang đến cho tất cả mọi người.
Cuộc trao đổi đến đây thì bắt đầu chuyển hướng, xoay quanh một số vấn đề
về việc tu tập thiền định mà đức Babji muốn chàng thanh niên Shyama
Charan Lahiri, tức thầy Lahiri Mahsaya, cần phải chú trọng nhiều hơn khi
truyền dạy pháp môn thiền định một cách phổ cập. Chính những lời chỉ dạy
quý báu này về sau đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ truyền nối
nhau trong việc tu tập pháp môn thiền định.
Đến gần sáng thì hai thầy trò chia tay nhau. Thầy Lahiri Mahsaya có cảm
giác như mình đã trở nên một con người mới. Bao nhiêu những ham muốn,
dục vọng của đời sống thế tục bỗng nhiên tiêu tan không còn chút hấp
dẫn, quyến rũ nào đối với người. Người nhận ra lý vô thường của vạn vật
mà chỉ những bậc chân sư đã chứng ngộ mới có thể trải nghiệm được một
cách hoàn toàn. Hơn thế nữa, người thấy tinh thần trở nên minh mẫn, sáng
suốt và có thể nhớ lại tất cả những chi tiết dù là vụn vặt nhất trong
các đời sống quá khứ.
Sau đó ít lâu liền có lệnh của đơn vị thuyên chuyển thầy trở về Danapur.
Tại đây, thầy bắt đầu công cuộc truyền bá pháp môn thiền định mà không
bao lâu đã được mọi người khắp nơi biết đến. Số môn đệ đến thọ giáo với
thầy ngày càng đông đảo, có lúc lên đến mấy ngàn người.
Trong số đó, có cả hoàng tử của vua Isvari Narain Sinha Bahadur cùng với
Quốc vương Yotindra Mohan Thakhur.
Năm 1886, thầy Lahiri Mahsaya chính thức hưu trí, từ bỏ công việc của
một người thế tục và dành trọn thời gian cho việc truyền bá đạo pháp,
dắt dẫn môn đệ. Tuy vậy, thầy luôn giảng pháp tại tịnh thất của mình mà
rất ít khi dời gót đến bất cứ nơi đâu.
Mùa đông năm 1895, thầy Lahiri Mahsaya rời bỏ thân xác phàm tục sau một
quãng thời gian thuyết giáo không mệt mỏi, để lại sự thương tiếc cho
hàng ngàn tín đồ và các bậc tu sĩ đạo hạnh khác.