Dù đã trải qua rất nhiều thử thách và đạt được những thành quả nhất định
trong tu tập, nhưng sư phụ vẫn nhiều lần từ chối không chịu làm lễ xuất
gia để tôi chính thức trở thành một tu sĩ. Nguyên nhân của việc này chưa
bao giờ được người nói ra, nhưng tôi đoán là người muốn cho tôi thanh
toán xong chương trình ở bậc đại học.
Và rồi ngày tôi học xong đại học cũng đã đến. Kỳ thi tốt nghiệp cử nhân
văn khoa của đại học Calcutta đã được định ngày, và tôi ráo riết chuẩn
bị cho kỳ thi bằng cách ... cầu nguyện.
Vâng, đó là sự thật. Vì qua chuyện kể của tôi, hẳn bạn đọc cũng đã thấy
rõ là tôi chẳng dành bao nhiêu thời gian cho việc học tập ở nhà trường.
Còn hơn thế nữa, những chương trình học cùng với bài vở luyện tập chưa
bao giờ lôi cuốn được sự chú ý của tôi theo bất cứ ý nghĩa nào. Tuy
nhiên, tận đáy lòng tôi vẫn mong sẽ thỏa mãn được ước nguyện của cha tôi
là hoàn tất chương trình đại học, và thêm vào đó, sư phụ Śrỵ Yukteswar
cũng đã nói dứt khoát là người muốn tôi tốt nghiệp đại học như một tiền
đề cho sự nghiệp hoằng hóa sau này. Giờ đây, giây phút quyết định đã gần
kề. Tôi có thể nhận được mảnh bằng cử nhân văn khoa của trường đại học
hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc... lời cầu nguyện của
tôi có được đáp ứng hay không, bởi vì tôi phải thú thật là tôi đã không
học hành nghiêm túc theo như chương trình quy định.
Kết quả kỳ thi hoàn toàn bất ngờ đối với chính bản thân tôi. Tôi được
điểm ưu môn triết học, và đủ điểm trung bình cho tất cả các môn khác.
Như vậy, tôi chính thức được công nhận trở thành một Cử nhân văn chương.
Phải nói thật lòng là về sau tôi cũng rất ít khi dùng đến danh hiệu cử
nhân theo sau tên gọi như hầu hết các ông cử đều làm. Tôi không xem đây
là một kết quả học tập thật sự của mình, mà chỉ là một ân huệ nhiệm mầu
để giúp tôi được dễ dàng hơn trên con đường hoằng pháp mà thôi.
Sau khi tôi nhận bằng cử nhân, cha tôi đề nghị tôi nhận một chức vụ
trong công ty đường sắt, với hy vọng là tôi sẽ tiếp nối những công việc
của người. Tôi cương quyết từ chối và trình bày việc này với sư phụ Śrỵ
Yukteswar. Để kết luận, tôi nói:
– Bạch thầy, xin thầy hãy cho con được chính thức xuất gia.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, sư phụ đáp lại thản nhiên như đã chuẩn bị
từ trước:
– Được, nếu con đã quyết tâm, ngày mai chúng ta sẽ tổ chức lễ xuất gia
cho con.
Như vậy là ước mơ của tôi đã sắp trở thành hiện thực. Sau khi đáp ứng
tất cả những gì mà cha tôi yêu cầu, tôi nghĩ là người sẽ không còn lý do
gì để từ chối việc xuất gia của tôi. Và sự ưng thuận của cha tôi quả
thật đã được đưa ra ngay vào tối hôm đó. Cha tôi nói:
– Thế cũng tốt. Chính bản thân cha cũng mong muốn có được cuộc sống xuất
gia, nhưng không phải mọi người đều có thể thực hiện được một ước mơ như
thế. Cha hy vọng là con sẽ kiên trì theo đuổi con đường xuất thế. Đó là
niềm tự hào rất lớn cho gia đình ta.
° ° °
Lễ xuất gia của tôi được cử hành hết sức đơn giản. Sư phụ đã lược bỏ hầu
hết các lễ nghi phiền toái và chỉ giữ lại những gì là cốt yếu. Thêm vào
đó, người cho tôi một đặc ân mà không phải người đệ tử nào cũng có được,
đó là được quyền tự chọn lấy một pháp danh cho mình.
Tuy bất ngờ trước đề nghị này của sư phụ, tôi cũng suy nghĩ trong một
lát rồi đáp:
– Bạch thầy, con sẽ lấy pháp danh là Yognanda.
Pháp danh này kết hợp hai ý nghĩa, với từ Yoga thể hiện pháp môn tu mà
tôi đã chọn và từ nanda có ý nghĩa là niềm an lạc hạnh phúc có được nhờ
việc thực hành tu tập.
Sư phụ rất hài lòng với pháp danh mà tôi đã chọn. Người trịnh trọng
tuyên bố:
– Được. Kể từ nay con sẽ không còn là Mukunda Lal Ghosh, mà sẽ là tu sĩ
Yognanda thuộc hệ phái Swmi.
Hệ phái Swmi khởi đầu từ đức tổ sư Shankara, là một hệ phái đã được
truyền nối qua nhiều thế kỷ, với nhiều vị tăng sĩ đạo hạnh cao thâm và
nêu cao tôn chỉ sống cuộc sống thanh bần, thực hành hạnh bố thí.
Rất nhiều tu sĩ thuộc hệ phái Swmi đã thể hiện cụ thể hạnh nguyện của
mình qua việc tham gia các chương trình cứu tế hay giáo dục trong xã
hội. Đôi khi, họ mở rộng hoạt động ra cả ở nước ngoài. Người tu sĩ thuộc
hệ phái này luôn biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng, thay vì chỉ mưu
tìm sự thanh thản cho riêng bản thân mình. Tuy vậy, ngay trong những
hoạt động xã hội bận rộn nhất, họ cũng không bao giờ xao lãng công phu
tu tập hành trì.
Thật ra, hệ phái Swmi không phải là một dòng thiền. Những tu sĩ thuộc hệ
phái này có thể chọn tu theo nhiều pháp môn khác nhau. Riêng sư phụ Śrỵ
Yukteswar là một người đã chọn pháp môn thiền định và đạt đến chỗ uyên
áo thâm sâu. Chính gương sáng của người đã khiến cho tôi quyết tâm chọn
pháp môn thiền định để nối bước theo người. Và cũng phù hợp theo với
hạnh nguyện của người, cuộc đời tôi về sau đã trở thành một chiếc cầu
nối để pháp môn này được trực tiếp truyền từ Ấn Độ sang phương Tây.
° ° °
Sau khi tôi chính thức trở thành một tu sĩ, theo đuổi đời sống xuất gia,
đáng buồn thay, dự báo đầu tiên của tôi lại là một tin chẳng tốt đẹp
chút nào.
Một buổi sáng tinh mơ, khi tôi đang nhập định, tôi bỗng mơ hồ cảm thấy
có điều gì đó không hay đang sắp xảy đến cho gia đình tôi. Quả thật, cho
dù người ta đã chọn một đời sống xuất gia thì những quan hệ máu huyết
ruột thịt cũng vẫn không thay đổi.
Lần đầu tiên tiên trong đời, tôi bất ngờ có thể định tâm để đọc được
chính những dự cảm của mình. Tôi biết điều không hay sắp tới đó chính là
việc anh Ananta của tôi sắp qua đời một cách bất ngờ, cho dù anh vẫn còn
rất trẻ. Đây là một kinh nghiệm mà tôi đã nhiều lần chứng kiến ở sư phụ
Śrỵ Yukteswar, nhưng bản thân tôi thì chưa từng được nếm trải.
Mấy hôm sau, tôi liền trở về quê cũ ở Gorakhpur để thăm anh Ananta đang
ở đó. Ngay trong thời gian tôi ở thăm, anh bất ngờ ngã bệnh. Tôi đã tận
tình săn sóc anh bằng tất cả khả năng của mình, nhưng tôi biết anh sẽ
không sao qua khỏi.
Không muốn chứng kiến cảnh đau lòng này một cách vô ích, tôi nhanh chóng
thu xếp một chuyến đi đường biển sang Miến Điện và Nhật Bản. Tôi đã lên
tàu trong sự thất vọng của cha tôi vì người không sao hiểu được là tôi
đã thấy trước mọi việc.
Tôi lưu lại hải cảng Kobé mấy ngày rồi lại theo đường biển trở về Ấn Độ.
Thật là một chuyến đi không có mấy ích lợi, chỉ là vì tôi không sao chịu
nổi việc bất lực đứng nhìn anh mình hấp hối.
Khi tôi ghé lại Thượng Hải trên đường về, ông bác sĩ đi theo tàu là
Misra đã tháp tùng tôi cùng đi dạo trong thành phố. Chúng tôi mua một số
quà tặng để mang về cho thân nhân trong nước. Bất chợt, tôi buông rơi
một món quà đang cầm trên tay và kêu lên:
– Anh Ananta đã mất rồi!
Bác sĩ Misra nhìn tôi hoài nghi, nhưng ông cũng nói theo cách an ủi:
– Xin đại đức đừng quá bi quan. Còn phải đợi xem có tin tức gì không đã.
Khi chúng tôi về đến Calcutta, em trai út của tôi là Bishnu đã đợi tôi
trên bến. Tôi và bác sĩ Misra cùng lên bờ một lượt. Và trước sự kinh
ngạc đến ngẩn người của ông bác sĩ, em tôi thông báo việc anh Ananta đã
mất, đúng vào ngày mà chúng tôi ghé lại Thượng Hải. Ông lắc đầu:
– Có lẽ tôi phải đề nghị thêm một năm học nữa về thần giao cách cảm cho
các sinh viên y khoa ở trường đại học.
Cha tôi đón tôi về nhà với thái độ thân tình mà người rất hiếm khi bày
tỏ. Ông ôm chầm lấy tôi, vỗ về trên lưng tôi và nói:
– Con đã về! Con đã về!
Bây giờ thì ông đã hiểu được lý do khiến tôi đột ngột bỏ ra đi. Tôi ở
lại nhà mấy hôm để an ủi cha trong lúc người đang hết sức buồn đau vì
cái chết của anh tôi.
Nhưng rồi không bao lâu sau đó, một tai họa khác lại giáng xuống cho gia
đình tôi. Có điều, lần này thì tôi đã không đến nỗi hoàn toàn bất lực.
° ° °
Em gái tôi, Nalini, là một người gầy yếu từ thuở nhỏ. Thật ra, cho đến
thời niên thiếu thì tôi cũng chẳng mập mạp gì hơn em. Chỉ đến khi gặp
được sư phụ Śrỵ Yukteswar và được chữa khỏi chứng bệnh đau dạ dày kinh
niên thì tôi mới bắt đầu trở nên mập mạnh, thậm chí là lực lưỡng nữa.
Nhưng trường hợp của em gái tôi thì hoàn toàn khác. Nó không bị bệnh tật
gì cả, chỉ là từ bé đến lớn chưa bao giờ thấy nó lên cân hay mập mạp ra
chút nào, cho dù được ăn uống tẩm bổ bằng bất cứ thứ gì. Thân hình nó
gầy ốm dưới mức trung bình, như một bộ xương cao lêu nghêu và khô đét.
Khi đến tuổi trưởng thành, gia đình thu xếp chuyện hôn nhân cho nó với
một bác sĩ trẻ ở Calcutta. Anh chàng tên là Panchanon Bose, chưa từng
được nhìn mặt cô dâu lần nào trước ngày đám cưới.
[2]
Tuy nhiên, anh chàng nhận được một món tiền hồi môn rất lớn để bù lại
cho cô vợ... quá gầy.
Ngày đám cưới, tất cả gia đình và cả những người thân trong gia tộc đều
quy tụ đông đảo. Tôi làm quen với người em rể mới bằng một nụ cười rất
cởi mở đến nỗi anh chàng cho rằng tôi là người duy nhất để anh ta dám
“trút bầu tâm sự” trong lúc này. Anh mon men đến gần tôi vào một lúc
thuận tiện, rồi đưa mắt ra hiệu về phía Nalini, anh hỏi tôi:
– “Cái đó” là cái gì vậy?
Tôi trả lời anh chàng một cách hóm hỉnh:
– À, “cái đó” là một bộ xương để cho ông khám nghiệm đấy, thưa bác sĩ!
Cả hai chúng tôi đều bật cười vang sau lời đùa cợt ấy, và kể từ đó Bose
xem tôi không chỉ là anh rể mà còn là người bạn thân để anh ta có thể kể
lể tâm tình. Nhiều lần, anh chàng nói với tôi:
– Anh ạ, vợ em quả là một trường hợp lạ thường. Em đã thử đủ mọi phương
cách, mọi thứ thuốc bổ dưỡng... nhưng hầu như là không có lấy một chút
tác dụng nào cả.
Và tôi biết điều đó đã phần nào làm cản trở hạnh phúc trong cuộc sống
hôn nhân của vợ chồng em tôi.
Một ngày kia, tôi đến thăm Bose và định ra về mà không cho em gái tôi
biết, nhưng khi tôi vừa ra đến cửa thì nó đã từ trên lầu gọi xuống:
– Anh Mukunda, em có chuyện muốn nói với anh.
Tôi liền quay trở lại. Hóa ra, “chuyện muốn nói” lại chính là sự gầy gò
kinh niên bất trị của nó. Nalini nói với tôi qua làn nước mắt:
– Nếu anh đã nhờ vào con đường tu tập mà có được sức khỏe như hôm nay,
tại sao anh không giúp em với? Em thật là đau khổ khi phải mang thân
hình gầy ốm xấu xí này suốt cả đời. Em không còn tin tưởng chút nào vào
thuốc men và sự tẩm bổ nữa.
Vừa nói, Nalini vừa mở nắp chai thuốc bổ và trút cả vào giỏ rác nơi góc
phòng.
Tôi im lặng cảm thông với đứa em tội nghiệp của mình. Một lát, tôi bảo
nó:
– Anh chỉ sợ là em không có đủ đức tin.
– Không, em sẽ làm được. Chỉ cần anh hướng dẫn cho em phải làm những gì.
Tôi lặng lẽ ra về. Hai hôm sau, tôi đến thăm vợ chồng Nalini và mang đến
cho nó một giỏ rau tươi với mấy quả cà chua thật lớn. Chỉ ngồi chơi một
lát rồi ra về, tôi thậm chí không gặp Nalini vì lúc ấy em tôi đang ở
trên lầu.
Hai tháng sau, Bose gặp tôi trên đường phố và mừng rỡ kéo tôi lại, thông
báo với một vẻ rất bí mật:
– Em chưa dám nói cho ai biết, nhưng quả thật vợ em đã lên được 2 kí-lô
trong vòng 2 tháng qua. Thật kỳ lạ, từ hôm anh ghé chơi đến nay nó từ
chối dứt khoát không dùng thịt, cá, trứng... chỉ toàn ăn cơm với các
loại rau cải... thế mà lại lên cân mới quái chứ!
Tôi không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, chỉ đáp lại:
– Thế à!
Bose không hề biết rằng việc em gái tôi ăn chay chính là đã hiểu được
lời chỉ dạy của tôi. Chính tôi cũng đã cầu nguyện cho sức khỏe và đức
tin của nó. Ngoài việc nó lên cân, tôi tin rằng nó còn đạt được nhiều
điều khác nữa trong tinh thần.
Nửa năm sau thì Nalini đã có tầm vóc của một phụ nữ bình thường. Sức
khỏe cũng rất khả quan, không còn những lần ốm đau vặt vãnh như trước
đây. Nalini vẫn tiếp tục ăn chay.
Và vào thời điểm ấy thì tôi có việc phải sang Nhật Bản ít lâu. Khi trở
về, tôi được biết là Nalini đã ngã bệnh trong khi tôi đi vắng. Tôi vội
vã đến thăm và rất ngạc nhiên khi thấy chưa bao lâu mà nó đã chỉ còn da
bọc xương, nằm thoi thóp mê man trên giường bệnh. Bose mừng rỡ khi thấy
tôi đến:
– Anh đây rồi! Trong những ngày còn tỉnh táo, Nalini luôn miệng gọi tên
anh.
Hóa ra là Nalini mê man đã hai hôm nay rồi. Bose và các bạn bác sĩ khác
bạn anh đã xác định là Nalini mắc chứng thương hàn, kèm theo bệnh kiết.
Nhưng thuốc men của họ dường như đều vô hiệu.
Từ nhà em gái trở về, tôi âm thầm cầu nguyện cho nó. Ngày hôm sau, trong
lúc nhập định tôi dự cảm được là em tôi sẽ qua khỏi căn bệnh này nhờ vào
sự thành tâm chú nguyện của tôi, nhưng với định lực của mình tôi vẫn
không thể cứu thoát nó khỏi một sự thương tổn nặng nề nhất định nào đó.
Một tuần sau, trước sự kinh ngạc của tất cả các bác sĩ người Anh và
người Ấn tại Calcutta, em gái tôi dần dần bình phục như một phép lạ. Tuy
nhiên, điều họ không ngờ được là đôi chân em đã không còn cử động được
nữa. Sau khi xác định chúng đã bị liệt, họ tuyên bố là Nalini xem như
tàn tật suốt đời.
Tôi tìm gặp sư phụ Śrỵ Yukteswar với tâm trạng tuyệt vọng trước sự mất
mát quá lớn lao cho cuộc đời của em gái tôi. Sư phụ tỏ vẻ hết sức cảm
thông và bảo tôi:
– Nalini là một đứa con gái ngoan và có đức tin. Con không cần phải lo
cho nó. Đến cuối tháng này thì đôi chân của em con sẽ bắt đầu cử động
được thôi.
Tôi vui mừng vô hạn vì biết chắc lời nói của sư phụ không hề sai lệch
bao giờ. Tôi lễ bái tạ ơn sư phụ về lời chúc phúc tốt lành đó. Khi tôi
đã bước ra đến cửa, sư phụ gọi tôi trở vào và nói:
– Ta cần nói thêm điều này nữa. Các bác sĩ sẽ nói với em con là nó không
có khả năng sinh sản. Nhưng không cần thiết phải để cho nó đau khổ vì
việc đó. Con hãy nói cho nó biết là trong năm tới nó sẽ sinh một đứa con
gái, và ba năm sau là một đứa con gái khác nữa.
° ° °
Trường hợp của em gái tôi đã trở thành một thách thức chưa từng có và
đập tan hoàn toàn sự hoài nghi của các bác sĩ Tây y ở Calcutta. Bởi vì
đúng như dự báo của sư phụ Śrỵ Yukteswar, đôi chân của em tôi đã cử động
bình thường trở lại. Hơn thế nữa, kết luận về chứng vô sinh của Nalini
đã hoàn toàn sai lầm khi em gái tôi lần lượt hạ sinh hai bé gái đúng như
lời sư phụ Śrỵ Yukteswar đã tiên đoán.
Để đáp lại những phước lành ấy, vợ chồng Nalini trở thành một trong
những cặp vợ chồng sùng đạo nhất ở Calcutta. Hơn thế nữa, Nalini đã phát
nguyện ăn chay trường suốt cuộc đời mình. Về sau, một trong hai đứa con
gái của em tôi đã xuất gia trở thành nữ tu sĩ.