Mặc dù đã nhiều lần thất bại trong việc tìm lên vùng núi Hy Mã Lạp Sơn,
tôi vẫn không hoàn toàn từ bỏ giấc mơ đã ôm ấp từ thuở bé. Tuy nhiên, Hy
Mã Lạp Sơn lúc này đối với tôi là một nơi thắng cảnh thiên nhiên với
nhiều thánh tích đáng chiêm bái hơn là một nơi cần phải tìm đến để thực
hành công phu tu tập.
Cách đây hai năm, tôi đã xin với cha tôi mọi phí tổn và cả vé xe lửa để
đi Kashmir cùng với sư phụ Śrỵ Yukteswar. Vào giờ chót, sư phụ đã từ
chối không chịu đi và chuyến du hành ấy đành phải hủy bỏ.
Trong dịp hè năm nay, tôi lại muốn thực hiện chuyến đi một lần nữa. Và
dĩ nhiên cha tôi vui vẻ giúp tôi trong phạm vi khả năng của ông. Sau khi
nghe tôi trình bày ý định, ông đã mang về cho tôi 6 vé xe lửa hạng nhất
đi Kashmir và một khoản tiền lộ phí là 10 ru-pi.
Tôi mang tất cả đến đạo viện trình với sư phụ và cố thuyết phục người
cùng đi với chúng tôi một chuyến lên vùng Kashmir. Tôi dùng từ “chúng
tôi” vì với những vé xe lửa đã chuẩn bị, tôi dự định sẽ mời Kanai,
Rajendra, Auddy và một người bạn nữa cùng đi. Sư phụ mỉm cười trước sự
phấn khởi của tôi về chuyến đi và trả lời theo cách không chắc chắn:
– Thầy cũng muốn đi cùng các con, nhưng hãy đợi đến lúc ấy xem sao.
“Lúc ấy” nghĩa là thời điểm lên đường mà tôi đã định, tức là vào thứ Hai
tuần sau đó. Tôi cũng khá bận rộn để chuẩn bị, vì thứ Bảy và Chủ nhật
tôi phải tham dự đám cưới của một người anh họ được tổ chức ngay tại nhà
tôi ở Calcutta. Mặc dù vậy, sáng sớm thứ Hai tôi vẫn kịp có mặt tại đạo
viện với tất cả những hành lý cần thiết được chuẩn bị chu đáo.
Rajenda đón tôi ngoài cổng và thông báo:
– Sư phụ không muốn đi.
Tôi vào tìm gặp sư phụ để xác định lại lời từ chối ấy. Sư phụ nhìn tôi
một lúc lâu rồi nói:
– Tốt hơn là con không nên đi vào lúc này. Hơn nữa, thầy không nghĩ là
con có thể xoay xở được đủ điều kiện để thực hiện chuyến đi.
Tôi hơi khó hiểu về nhận xét của sư phụ, nhưng cảm thấy thất vọng tràn
trề và lòng tự ái bị xúc phạm. Không có sư phụ, chắc chắn là Kanai cũng
sẽ không đi. Tôi có thể vẫn cứ thực hiện chuyến đi của mình, nhưng cần
phải tìm thêm một người giúp việc đi theo để coi sóc hành lý trong
chuyến đi vì chúng tôi quá ít người. Và tôi đã quyết định như vậy.
Tôi bảo Rajendra và Auddy chờ nơi đạo viện, trong khi tôi đi tìm người.
Trước tiên, tôi nghĩ đến Behari, một người giúp việc cũ của gia đình tôi
mà hiện đang làm cho một công chức ở Serampore này. Lần trước, khi
Behari nghe tôi sắp xếp đi Kashmir, anh chàng đã rất muốn đi đến nỗi
tình nguyện không nhận thù lao nếu được tôi cho theo. Tiếc rằng chuyến
đi ấy đã bị hủy bỏ. Lần này, tôi tin là anh ta sẽ nhảy nhổm lên vì vui
mừng khi bất ngờ được tôi gọi tham gia.
Tôi gặp Behari bên ngoài nhà người chủ mới của anh. Anh rất vui mừng
được gặp tôi và vẫn bày tỏ thái độ kính trọng như xưa. Nhưng thật lạ
lùng là khi tôi nói đến việc đi Kashmir thì anh ta lạnh lùng từ chối và
đi một mạch vào nhà, không thèm quan tâm đến việc bỏ tôi lại một mình
ngoài sân không ai tiếp chuyện. Đợi một lúc lâu, tôi không còn đủ kiên
nhẫn liền rung chuông gọi cửa. Người chủ nhà bước ra và cho biết Behari
đã đi chợ bằng ngõ sau.
Tôi hơi khó hiểu trước thái độ thay đổi đột ngột đến kỳ lạ của Behari.
Nhưng bây giờ tôi không có thời gian để suy nghĩ nhiều thêm nữa. Tôi cần
phải tìm một người khác. Tôi nghĩ đến người chú của tôi là Sarada Ghosh
đang làm luật sư tại tòa án Serampore. Ông có một người giúp việc tháo
vát tên là Lal Dhari. Hy vọng là ông có thể cho anh ta đi theo giúp tôi
trong chuyến đi này. Tôi liền đến thẳng pháp đình để tìm chú.
Ông vui vẻ đón tiếp tôi với phong cách trầm tĩnh, điềm đạm cố hữu của
mình. Tôi mở đầu ngay vấn đề:
– Cháu đang chuẩn bị cho một chuyến du ngoạn lên vùng Kashmir để thăm
thú vùng Hy Mã Lạp Sơn.
Chú tôi tỏ ra rất phấn khởi trước tin đó:
– Ồ, thật là thú vị. Chính chú đây cũng ao ước được lên vùng ấy một lần
nhưng chưa có dịp. Vậy cháu có cần chú giúp đỡ gì trong việc này không?
Câu hỏi thật cởi mở và hoàn toàn thích hợp để tôi đưa ra đề nghị của
mình:
– Thưa chú, mọi thứ đều đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, cháu cần một người
đi theo để mang hành lý và phục vụ trong chuyến đi. Không biết chú có
thể vui lòng để cho Lal Dhari theo giúp cháu một thời gian được chăng?
Ngay lập tức, ông thay đổi sắc mặt và thậm chí đánh mất cả bản tính trầm
tĩnh xưa nay của mình. Ông đứng bật dậy từ chỗ ngồi và quát thét:
– Đồ ích kỷ! Mày muốn đưa người giúp việc của tao đi chơi rông trong khi
công việc nhà thì chú mày đây phải nai lưng ra làm chắc?
Tôi hối hả rút lui ngay không dám nói thêm lời nào, và tự nhủ lại thêm
một chuyện khó hiểu nữa trong ngày hôm nay. Tôi có cảm giác như những
chuyện này có liên quan đến lời nhận xét bí ẩn sáng nay của sư phụ Śrỵ
Yukteswar.
Cuối cùng thì có lẽ chúng tôi cũng vẫn ra đi, vì các bạn tôi đã sẵn sàng
trước cổng đạo viện để chờ tôi. Khi tôi vào chào sư phụ, người trầm ngâm
một lúc rồi nói:
– Mukunda, con hãy nán lại với thầy thêm một lúc nữa. Hãy bảo các bạn
con đi trước đến Calcutta và chờ ở đó. Con sẽ bắt kịp họ và cùng đáp
chuyến xe lửa chiều.
Tuy không hiểu gì, nhưng tôi vui vẻ vâng lời sư phụ. Các bạn tôi chất
hành lý lên một chiếc xe ngựa và đi trước đến Calcutta. Họ sẽ chờ tôi ở
ga xe lửa.
Chỉ ngay khi xe ngựa vừa đi khuất được một lát thì tôi nghe quặn đau
trong ruột. Cơn đau nổi lên từng chặp và chỉ trong một lúc thì tôi đã
toát cả mồ hôi ướt đẫm trên trán, ngã quỵ xuống tại chỗ và quặn người
lại tưởng như không sao chịu đựng nổi.
Sư phụ và Kanai khiêng tôi lên giường. Người nhìn tôi với cặp mắt hiền
từ thương xót nhưng rất bình tĩnh. Trong khi tôi rên xiết vì đau đớn thì
người quay sang nói với Kanai:
– Hãy để ta săn sóc cho Mukunda. Con đến tìm bác sĩ và bảo ông ta mang
theo đầy đủ dụng cụ để phẫu thuật ruột thừa tại chỗ. Chúng ta không có
đủ thời gian để đưa bạn con đến bệnh viện tại Calcutta đâu.
Khi Kanai đã rời đi, tôi tưởng chừng như ngất đi liên tục vì những cơn
đau. Sư phụ ngồi xuống cạnh tôi trên giường, đặt tay lên chỗ đau và nói:
– Con hãy cố gắng chịu đựng. Thầy sẽ không giúp được gì nhiều hơn là
việc giữ lại mạng sống cho con. Nhưng sự đau đớn lần này sẽ giúp con giũ
bỏ được hết ác nghiệp trong quá khứ.
Những lời nói của sư phụ có tác dụng như một liều thuốc an thần cực
mạnh. Tuy cơn đau không hề thuyên giảm nhưng tôi nghe tinh thần mình
được trấn tĩnh lại, và tự nghĩ những công phu tu tập của mình rõ ràng là
cần phải được vận dụng vào lúc này.
Việc mổ ruột thừa tại chỗ là khá mạo hiểm vào lúc ấy. Nhưng sau khi khám
cho tôi xong, bác sĩ cũng hoàn toàn đồng ý đó là giải pháp duy nhất phải
làm. Ông cũng báo trước là tôi phải chịu đựng đau đớn nhiều vì trong
điều kiện ở đây ông không dám lạm dụng thuốc gây mê.
Những giờ đồng hồ sau đó đối với tôi là cả một thế kỷ dài, nhưng cuối
cùng rồi tôi cũng vượt qua được. Sư phụ bảo đưa tôi vào nằm trong phòng
của người để tự tay chăm sóc cho tôi. Với sức mạnh tinh thần có được từ
sự động viên trực tiếp của sư phụ, tôi cũng dần dần thấy khỏe lại.
Các bạn tôi phải một chuyến leo cây vào hôm đó. Họ rất tức giận, nhưng
khi trở về đạo viện và nghe kể lại mọi chuyện, họ đều mừng thay cho tôi
về chuyện này. Không biết sự việc sẽ ra sao nếu như mọi việc đã suôn sẻ
từ sáng sớm và tôi đang ngồi trên xe lửa vào lúc lên cơn đau ruột thừa?
Về phần tôi, tôi lại thêm một lần nữa biết được sự can thiệp hết sức
khéo léo của sư phụ trong việc bảo vệ và chăm sóc cho tôi.
° ° °
Hai tuần sau đó, sư phụ nói với tôi:
– Sức khỏe con hiện nay đã tạm ổn. Thầy sẽ cùng đi với con lên Kashmir
một chuyến để thỏa mãn ước mơ của con.
Thông báo này của sư phụ như một món quà quá bất ngờ và làm tôi sung
sướng đến cực độ. Ngay lập tức, tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và chuyến đi
được khởi hành ngay trong ngày sau đó.
Nhóm chúng tôi cả thảy 6 người, đáp xe lửa đi Kashmir và dừng chân trạm
đầu tiên tại Simla, một thành phố nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Chúng
tôi dạo chơi trên những con đường dốc và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng
núi non hiểm trở.
Sau đó, chúng tôi rời Simla và cũng tiếp tục đi bằng xe lửa đến
Rawalpindi. Từ đây, chúng tôi thuê một chiếc xe song mã để đi đến
Srinagar, thủ phủ của Kashmir. Chuyến đi bằng xe ngựa này dự trù kéo dài
trong bảy ngày. Trời nắng gắt nên khí hậu nóng bức. Tuy nhiên, phong
cảnh miền núi non xanh tươi xinh đẹp trải rộng mênh mông ở cả hai bên
đường đã làm cho chúng tôi không cảm thấy mệt nhọc lắm.
Auddy tỏ vẻ thích thú khi được nhìn ngắm phong cảnh của vùng này, và
điều đó làm tôi có phần tự hào vì đã khởi xướng ra chuyến đi. Sư phụ
biết được ý nghĩ ấy của tôi. Người kề tai tôi nói nhỏ vừa đủ để tôi
nghe:
– Thật ra Auddy đang nghĩ đến việc hút thuốc lá nhiều hơn là ngắm cảnh.
Việc hút thuốc trước mặt sư phụ tất nhiên là không thể được. Nhưng tôi
thật không tin anh bạn Auddy của tôi lại là người nghiện thuốc lá. Tôi
biết anh ta khá lâu và chưa phát hiện ra điều ấy bao giờ. Tôi liền nói
với sư phụ ý nghĩ ấy. Sư phụ cười và nói:
– Được rồi, chỉ trong chặng đường sắp tới con sẽ được biết sự thật.
Khi xe ngựa dừng ở trạm nghỉ để ngựa uống nước. Tôi nghe Auddy lễ phép
thưa với sư phụ:
– Bạch thầy, con muốn được ngồi ở phía trước với người đánh xe để hóng
gió mát.
Sư phụ gật đầu. Một lát, người quay sang nói với tôi:
– Không phải gió, mà là thuốc lá đã lôi cuốn Auddy ra ngồi phía trước.
Xe lại tiếp tục đi. Được một quãng xa, sư phụ vỗ vai tôi và bảo:
– Giờ thì con có thể nhìn xem Auddy nó hóng gió như thế nào rồi.
Tôi liền vén tấm rèm cửa sổ, thò đầu ra ngoài để nhìn về phía trước. Quả
thật, Auddy đang nhả khói mù mịt như ống khói xe lửa. Có lẽ anh ta đã
xin một điếu của người đánh xe, vì trong hành lý chúng tôi mang theo
không có thuốc lá.
Tôi nói với sư phụ:
– Sư phụ nói đúng. Nhưng từ lâu con không hề biết là anh ta nghiện thuốc
lá.
Trên suốt chặng đường, chúng tôi nghỉ ở những quán trọ rất đơn sơ và tự
nấu ăn với những món đã mang theo. Phong cảnh ngày càng trở nên hùng vĩ
hơn với những con suối, thác nước, thung lũng và vực thẳm với những sườn
núi cheo leo... Tất cả đều được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của rừng
cây rậm rạp. Tôi cảm thấy quả thật không uổng công mình đã bao lâu ấp ủ
cuộc hành trình này.
Chúng tôi vào Srinagar theo một con đường nhỏ có hai hàng cây cổ thụ
chạy dài ven đường che mát và thuê phòng ở một nhà trọ nhỏ. Dân địa
phương cho chúng tôi biết là khí hậu của mùa hè năm nay có phần dễ chịu
hơn mọi năm vì ban ngày không quá nóng và ban đêm không quá lạnh.
Sư phụ đưa chúng tôi đến thăm viếng những ngôi đền cổ và một số thánh
tích ở nơi đây. Trong số đó có đạo viện Shankara mà về sau tôi sẽ xây
dựng đạo viện của mình ở Los Angeles giống hệt theo như kiến trúc của
nó.
Sau hai tuần lưu lại Kashmir, tôi sắp xếp ra về để kịp chuẩn bị cho ngày
tựu trường. Sư phụ còn muốn ở lại với Kanai và Auddy thêm một thời gian
nữa. Trước khi tôi về, sư phụ nói với tôi:
– Có lẽ thầy sắp ngã bệnh rất nặng ở đây.
Tôi trố mắt ngạc nhiên:
– Nhưng thầy đang rất khỏe?
– Đúng vậy, nhưng đó là chuyện của hôm nay. Còn vài ba hôm nữa lại là
chuyện khác.
Tôi biết sư phụ không nói đùa, nên bịn rịn không muốn ra về. Sư phụ bảo
tôi:
– Cho dù con có ở lại cũng chẳng làm được gì. Hãy về đi và cứ yên tâm là
dù bệnh nặng đến đâu thì ta cũng chưa bỏ con mà đi đâu.
Biết tính sư phụ, tôi không dám nói gì thêm nữa. Tôi hiểu rằng một khi
người đã quyết định điều gì thì đều có những lý do chính đáng mà chỉ sau
khi mọi việc đã xảy ra chúng tôi mới có thể hiểu được.
Điều mà tôi có thể tự an ủi khi lên đường ra về là niềm tin vào trí tuệ
sáng suốt của sư phụ. Tôi tin là người có thể dự báo trước mọi việc thì
cũng có thể biết phải làm gì để những điều tồi tệ nhất không thể xảy ra,
vì không phải cho riêng người, mà còn là cho tất cả chúng tôi, những môn
đệ của người.
Khi về đến Serampore được hai ngày, tôi nhận được điện tín của Auddy gửi
về:
– Sư phụ bệnh rất nặng!
Tôi biết là thầy đã không nói đùa với tôi. Tôi liền gửi một bức điện cho
sư phụ theo địa chỉ nhà trọ:
– Xin thầy giữ lời đã hứa với con.
Tôi không biết Auddy và Kanai có hiểu gì không, nhưng chắc chắn là sư
phụ biết tôi muốn nói gì. Một tuần sau, Kanai gửi tiếp cho tôi một bức
điện, nội dung viết:
– Có lẽ sư phụ sẽ không qua khỏi.
Tôi hốt hoảng nhất thời, nhưng rồi bình tĩnh lại. Tôi không tin là sư
phụ lại không biết trước được sự ra đi của chính mình. Tôi liền gửi cho
Kanai và Auddy một bức điện khác:
– Hãy yên tâm, sư phụ không thể ra đi vào lúc này.
Năm ngày sau, tôi nhận điện của Auddy gửi về:
– Thầy đã khỏe và sẽ về trong tuần tới.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng thì tôi cũng đã giữ vững được niềm tin
vào sư phụ. Người đã không để tôi phải thất vọng bao giờ.
Sư phụ trở về gầy ốm hơn trước nhiều, nhưng đôi mắt người vẫn không hề
đánh mất sự tinh anh. Khi tôi hỏi về căn bệnh của sư phụ, Kanai đã kể
lại với tôi:
– Thật là khó hiểu. Sư phụ ngã bệnh rất đột ngột. Người không ăn uống gì
trong nhiều ngày. Cơ thể sốt rất cao nhưng người vẫn luôn giữ được sự
bình thản chịu đựng. Chỉ trong một tuần, sư phụ suy sụp một cách khủng
khiếp và một đêm kia người rơi hẳn vào trạng thái mê man không còn chút
dấu hiệu gì của sự sống ngoài hơi thở vẫn đều đều thật nhẹ. Chính vào
hôm đó tôi đã đánh điện khẩn cho anh vì nghĩ rằng sư phụ sẽ không qua
khỏi. Chúng tôi rất ngạc nhiên về bức điện trả lời của anh, nhưng quả
thật nó làm chúng tôi bớt lo lắng. Và qua hôm sau thì sư phụ bắt đầu
khỏe lại. Chỉ trong vòng năm ngày, người ăn uống bình thường và đề nghị
chúng tôi sắp xếp việc đi về.
Tôi tin rằng mình tự hiểu được nguyên nhân sư phụ ngã bệnh, cho dù người
không nói ra bao giờ. Qua kinh nghiệm bản thân trong lần đau ruột thừa
và lời khuyên của sư phụ, tôi hiểu rằng bệnh khổ cũng là một trong những
hình thức mà người tu tập thọ lãnh các ác nghiệp của chính mình trước
đây. Sư phụ có thể đã chấp nhận một cơn bệnh khổ để giũ bỏ những ác
nghiệp từ lâu xa trong quá khứ, tạo điều kiện cho sự chín muồi của công
phu tu tập hành trì.
Với tâm từ bi thương xót tất cả sinh linh, những vị chân sư đôi khi cũng
phát nguyện tự mình gánh chịu những nghiệp quả xấu cho người khác. Trong
những trường hợp đó, các vị tự mang lấy bệnh khổ vào bản thân mình,
nhưng không hề bị ảnh hưởng về mặt tinh thần mà chỉ là những đau đớn về
mặt thể xác mà thôi!
Khi tôi mang ít trái cây cho sư phụ và bày tỏ lòng lo lắng về sự gầy ốm
của người, sư phụ bật cười vang và nói:
– Như thế lại hóa hay. Có mấy bộ quần áo đã quá chật từ lâu ta không
dùng đến. Bây giờ lại có thể dùng đến chúng được rồi.