Năm 1935.
Tôi đã trải qua đúng 15 năm trên đất Mỹ. Công cuộc hoằng pháp đã tiến
hành đúng như dự tính, và với những hoạt động không ngừng nghỉ của tôi
trong suốt 15 năm đó, những việc cần làm hầu như đều đã được làm xong.
Tôi đã thành lập thêm một đạo viện nữa ở California. Những đạo viện của
tôi đều được hợp pháp hóa, được chính thức công nhận như những tổ chức
giáo dục phi thương mại và được phép nhận tiền đóng góp của công chúng.
Ngoài ra tôi cũng đã hình thành được một mạng lưới phát hành những sách
vở, tạp chí do chúng tôi thực hiện, với nguồn lợi tức hàng năm khá lớn
được đóng góp vào cho những hoạt động giáo dục của các đạo viện.
Tôi cảm thấy đã đến lúc quay về Ấn Độ.
Khi tôi công bố tin này, hầu hết các đệ tử của tôi đều thấy bất ngờ và
không vui. Họ vẫn còn quyến luyến và không nghĩ là có thể tự lực tu tập
tốt khi thiếu đi sự hướng dẫn của tôi. Nhưng đối với tôi thì đó lại
chính là lý do mà tôi cần phải rời khỏi họ một thời gian. Người đệ tử tu
tập không thể dựa mãi vào sự dắt dẫn của thầy mà cần phải biết tự mình
vươn tới giải thoát. Vì thế, bất chấp những sự luyến lưu bịn rịn, tôi
vẫn giữ nguyên quyết định của mình.
Trước khi lên đường trở về Ấn Độ, tôi nói với các đệ tử của mình:
– Các con hãy yên tâm, thầy sẽ trở lại với các con một ngày gần đây.
Tôi rời New York vào ngày 9 tháng 6 năm 1935, trên chuyến tàu Europa.
Cùng đi với tôi trong chuyến hồi hương này còn có hai đệ tử đã lớn tuổi
là ông Richard Wright và bà Ettie Bletch.
° ° °
Khi tàu đến Luân Đôn, tôi nhận được lời mời thuyết pháp tại giảng đường
Caxton Hall. Một vị nhân sĩ người Anh là ông Francis Younghusband giới
thiệu tôi với các thính giả Luân Đôn. Sau buổi thuyết pháp, tôi đi tham
quan một số nơi rồi tiếp tục hành trình.
Tôi rời Luân Đôn trên chuyến tàu Rajputana. Tàu về đến cảng Bombay của
Ấn Độ vào ngày 22 tháng 8 năm 1935. Sau bao nhiêu năm xa cách, giờ đây
tôi cảm thấy thật thoải mái khi có thể ngửa mặt lên trời và hít một hơi
dài đầy căng buồng phổi thứ không khí trong lành quen thuộc của quê nhà.
Mặc dù vậy, tôi cũng đã dự đoán trước những ngày tháng bận rộn sẽ bắt
đầu ngay từ khi đặt chân lên mảnh đất quê hương mình. Bạn bè và thân
quyến chờ đón tôi ngay trên bến cảng với những tràng hoa tươi và những
cái ôm choàng siết chặt đầy tình thân ái. Chúng tôi đến khách sạn Taj
Mahal để đăng ký phòng. Ngay lập tức, chúng tôi bị vây quanh tại đó bởi
các phóng viên báo chí và các nhiếp ảnh viên. Phải vất vả lắm chúng tôi
mới có thể thỏa mãn được một phần những yêu cầu của họ.
Chúng tôi ký gửi chiếc xe Ford mang theo từ Hoa Kỳ cho Sở hỏa xa, rồi
lên tàu đi Calcutta.
Đến ga Howrah, chúng tôi được tiếp đón bởi một số người đông đảo ngoài
sức tưởng tượng của tôi. Việc tiếp đón không chỉ là đông đảo mà còn có
tổ chức hẳn hoi. Vị Tiểu vương Kasimbazar và em trai tôi là Bishnu cùng
phụ trách Ủy ban tổ chức. Tôi không thể nào ngờ được rằng việc tiếp đón
chúng tôi lại long trọng và nồng nhiệt đến thế.
Cha tôi đã ôm chặt lấy tôi như thể ông sẽ không bao giờ buông tôi ra
nữa. Những năm xa cách đã làm cho tình cảm của ông không thể kiềm chế
trong lòng như xưa. Rồi ông khóc nức nở như trẻ con vì vui sướng. Tất cả
những người thân, bạn bè, ai ai cũng đều rưng rưng những giọt lệ vui
mừng.
° ° °
Hôm sau, tôi đi Serampore để viếng thăm sư phụ Śrỵ Yukteswar. Chúng tôi
đi bằng xe hơi, do ông Wright lái. Xe chạy ngang qua những hàng quán đơn
sơ cất dọc hai bên đường mà đã lâu tôi không nhìn thấy. Một trong những
quán cơm bên đường này là nơi tôi đã từng dùng bữa trưa trong suốt những
năm học đại học. Khi gần đến nơi, xe rẽ vào một con đường hẹp chạy giữa
hai bên là những bức tường. Đi hết đoạn đường này, rẽ trái là chúng tôi
sẽ trông thấy được đạo viện.
Sau nhiều năm sống trên đất Mỹ, hôm nay được nhìn thấy lại khung cảnh
thân thương này, lòng tôi bồi hồi xúc động. Chỉ có điều, ngôi nhà hai
tầng này ngày xưa đối với tôi là to lớn, đồ sộ biết bao, thì giờ đây tôi
có cảm giác như nó thật nhỏ nhoi và đơn sơ quá. So với những cơ sở mà
tôi đã xây dựng trên đất Mỹ thì ngôi đạo viện này quả thật chẳng thấm
vào đâu. Tuy vậy, tôi cảm thấy một bầu không khí ấm áp và yên tĩnh vô
cùng quen thuộc mà đã quá lâu tôi phải xa rời.
Chúng tôi đậu xe bên ngoài và đi bộ vào, băng qua khoảng sân nhỏ của đạo
viện. Càng lúc, tâm trạng của tôi càng thêm hồi hộp. Khi đếm bước trên
những bậc thềm bằng đá, tôi cảm thấy quả tim nhỏ bé của tôi rộn lên như
muốn nhảy vọt ra bên ngoài. Và kìa, sư phụ Śrỵ Yukteswar đã bất ngờ xuất
hiện ngay bên trên cầu thang, trong dáng điệu cao quý của một nhà hiền
triết.
Tôi bước đến quỳ mọp dưới chân sư phụ với tất cả sự thành kính. Khi tôi
đứng dậy, sư phụ ôm chầm lấy tôi trong một cử chỉ vô cùng thân thiết.
Tất cả chúng tôi đều im lặng, không ai nói ra lời nào. Nhưng trong im
lặng, chúng tôi hoàn toàn hiểu thấu được lòng nhau, hiểu thấu được những
tình cảm sâu xa mà trong thời gian xa cách chúng tôi đều đã phải giấu
kín tận đáy lòng. Đôi mắt sáng long lanh của sư phụ Śrỵ Yukteswar biểu
lộ một niềm hạnh phúc vô biên khi gặp lại được người học trò mà người
yêu mến.
Rồi hai vị đệ tử của tôi cũng đến trước mặt sư phụ và quỳ xuống kính lễ
người. Tôi giới thiệu họ với sư phụ, và người cúi xuống xoa đầu tỏ ý ban
phước lành.
Sau đó chúng tôi cùng vào phòng khách. Nơi đây vẫn bài trí như xưa không
có gì thay đổi. Sư phụ vẫn ngồi trên tấm nệm trải trên sàn gạch. Chúng
tôi ngồi trên những chiếc chiếu bằng rơm trải quanh đó và tựa người vào
những cái gối gòn lớn màu vàng sậm.
Sư phụ Śrỵ Yukteswar và tôi trao đổi nhau bằng tiếng Bengale, mặc dù sư
phụ có thể nói được tiếng Anh. Có lẽ người muốn nhắc nhở tôi về cội
nguồn mà từ đó tôi đã ra đi. Tôi trình bày sơ qua với sư phụ về một số
những việc đã làm. Người lắng nghe và thỉnh thoảng đưa ra một vài nhận
xét, vẫn chính xác và sắc bén như xưa, mặc dù năm ấy thầy đã 81 tuổi!
Căn phòng cũ kỹ có vẻ như đã lâu không được tu sửa gì. Màu vôi trên các
bức vách tường đã loang lổ nhiều nơi vì thời gian. Tôi vô cùng xúc động
khi nhìn thấy bức ảnh của tôi chụp chung với các vị đại biểu quốc tế hồi
dự Đại hội tôn giáo ở Boston, được treo ngay bên cạnh bức chân dung của
đức thầy Lahiri Mahsaya. Và đó là những vật trang trí hầu như duy nhất
trong căn phòng đơn sơ này.
Sau đó, tôi dâng lên sư phụ những món quà mà tôi đã mang về cho người từ
nước Mỹ. Và chúng tôi cùng dùng cơm trưa thân mật trong nhà ăn của đạo
viện. Lúc này tôi mới có thời gian chào hỏi và thăm lại các huynh đệ cũ
ở nơi đây. Ai nấy đều lộ rõ vẻ vui mừng ra mặt vì sự trở về của tôi.
Chúng tôi còn lưu lại đạo viện suốt buổi chiều hôm ấy để hàn huyên tâm
sự, và ra về khi mặt trời đã xế bóng. Niềm vui hội ngộ vẫn còn lâng lâng
trong lòng tôi trên suốt chặng đường trở lại Calcutta.
° ° °
Trong thời gian sau đó, tôi thường xuyên đến đạo viện để thăm viếng sư
phụ. Sinh hoạt thường ngày của người vẫn đều đặn như xưa. Và tôi vô cùng
sung sướng được sống trở lại những giây phút bên cạnh thầy như ngày nào,
khi mà tôi không phải lo nghĩ bất cứ chuyện gì vì mọi việc đều có sư phụ
đứng ra lo liệu.
Một hôm, tôi nhận lời thuyết pháp tại giảng đường Albert Hall ở
Calcutta. Nhân dịp này, sư phụ đồng ý đến tham dự. Người ngồi trên hàng
ghế danh dự cùng với vị Quốc vương Santosh và viên thị trưởng thành phố
Calcutta. Sau buổi thuyết pháp rất đông người nghe này, sư phụ không
bình phẩm gì nhưng tôi nhìn thấy sự hài lòng trong ánh mắt người.
Hôm sau, người gọi tôi đến trước mặt và nói:
– Yognanda! Thầy đã lớn tuổi rồi nên sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Kể từ nay thầy muốn giao lại tất cả mọi việc cho con. Trước hết, con hãy
chọn cho thầy một người phụ trách đạo viện ở Puri. Và sau đó, thầy muốn
con xem xét việc tiếp quản và thay thầy điều hành mọi việc.
Tôi rưng rưng nước mắt. Quả thật tôi đã biết thế nào cũng phải đến ngày
hôm nay, nhưng vẫn không sao tránh được xúc động. Sư phụ đã quá già. Đó
là sự thật. Tôi không ngại việc thay thế thầy trong lúc này vì tôi biết
mình đã có đủ năng lực, nhưng tôi cảm thấy một nỗi buồn vô hạn khi linh
cảm thấy sự ra đi vĩnh viễn sắp đến của người thầy kính yêu.
Ngay ngày hôm sau, tôi cho gọi đến một người đệ tử ở Ranchi là Swami
Sebnanda và giao phó việc điều hành đạo viện Puri.
Khi sắp đến ngày thánh lễ Kumbha Mela được cử hành tại Allahabad. Tôi
nói với sư phụ là tôi muốn tham dự thánh lễ này. Sư phụ có vẻ ngần ngại,
nhưng rồi người cũng không ngăn cản tôi.
Hôm đó là ngày 23 tháng 1 năm 1936. Chúng tôi đến nơi cử hành thánh lễ.
Số người tham dự lên đến gần hai triệu người, từ khắp mọi nơi đổ về, làm
cho thành phố trở nên huyên náo và tấp nập lạ thường. Chỉ trong những
dịp như thế này người ta mới có thể dễ dàng nhận thấy được sức sống tâm
linh vẫn luôn tiềm tàng trên đất nước Ấn Độ từ nhiều ngàn năm qua, và
các tu sĩ bao giờ cũng được dành cho một sự kính trọng từ mọi tầng lớp
xã hội. Người ta vẫn luôn tin rằng chính nhờ giới tu sĩ mà tất cả mọi
người đều có thể được hưởng những sự may mắn, phúc lạc và bình an.
Ngày đầu tiên, chúng tôi đi tham quan cảnh vật chung quanh thành phố. Bờ
sông Hằng đông ngẹt cả người. Người ta đến đây tắm gội trong dịp này
theo một niềm tin đã có từ xa xưa là sẽ rửa sạch được mọi tội lỗi. Dọc
theo bờ sông, các tu sĩ ngồi xếp bằng rải rác khắp đây đó và các tín đồ
sùng kính dâng lễ vật cúng dường cho họ. Còn có cả những đoàn voi, ngựa
và lạc đà diễu hành ngang qua trước mặt công chúng, được trang hoàng với
nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau. Chúng tôi còn chứng kiến cả một cuộc
rước lễ của những tu sĩ khỏa thân, những người chủ trương sống hoàn toàn
theo tự nhiên.
Chúng tôi được dịp tiếp xúc với rất nhiều tu sĩ thuộc các dòng tu khác
nhau. Họ cũng đều quy tụ về đây với mục đích tham dự thánh lễ và gặp gỡ
những người đồng đạo. Một cách rất tự nhiên, họ tụ tập thành từng nhóm
nhỏ ngay bên lề đường hoặc trên những bãi đất trống. Mỗi người một trang
phục khác nhau nhưng tất cả đều biểu lộ nét trầm tĩnh và an lạc của
những người đã xuất gia tìm đạo.
Các nhà tu khổ hạnh hình thù kỳ quái cũng xuất hiện khắp nơi. Có người
để mình trần và bôi đất bùn trộn với tro lên khắp người. Lại có những
người khác để tóc dài đến hơn một mét! Họ quấn thành lọn rồi cột lại
thành búi trên đỉnh đầu.
Những thuật sĩ làm trò uốn lượn hoặc các trò ảo thuật khác cũng tìm về
đây rất đông. Họ biểu diễn ngay bên đường để giúp vui cho cuộc lễ mà
không đòi hỏi một khoản thù lao nào.
Trong khung cảnh náo nhiệt ồn ào đó, thỉnh thoảng lại ngân vang tiếng
chuông chùa, lấn át tất cả những âm thanh khác.
Ngày tiếp theo, chúng tôi đến thăm một số các đạo viện trong vùng. Người
ta cũng đã dựng lên những túp lều tạm để làm chỗ trú ngụ cho một số tu
sĩ đạo cao đức trọng.
Vị sư trưởng của một trong các đạo viện mà chúng tôi đến viếng là người
đã thực hành tịnh khẩu trong chín năm qua, và ngài chỉ dùng toàn trái
cây mà không động đến bất cứ loại thức ăn nào khác. Chúng tôi cũng gặp
một tu sĩ mù tên là Pragla Chaksu, người nổi tiếng là tinh thông tất cả
kinh điển và được mọi người rất kính trọng.
Tôi cũng thực hiện một buổi thuyết pháp ngắn ngủi, và sau đó đến thăm
một đạo viện khác. Tại đây, tôi gặp gỡ tu sĩ Krishnan, người có vóc dáng
lực lưỡng và khuôn mặt rất khôi ngô tuấn tú. Ông này đã thuần phục được
một con sư tử, lúc nào cũng nằm cạnh ông khi ông ngồi thiền. Điều đặc
biệt là con sư tử không còn ăn thịt như đồng loại của nó mà chỉ ăn cơm
với sữa. Con vật cũng biết sùng kính người chủ nhân đức độ của nó.
Sau đó, chúng tôi đến viếng một vị tu sĩ trẻ nhưng là một học giả nổi
tiếng. Vị này tên là Kara Patri, đã có học vị tiến sĩ của Đại học
Bénarès và còn được tôn xưng danh hiệu Shasti, một danh hiệu chỉ dành
cho những vị bác học đã tinh thông tất cả thánh kinh của các tôn giáo.
Chúng tôi được biết vị tu sĩ này đã chọn cuộc sống lang thang không nhà
từ khi còn rất trẻ. Tôi hỏi ông ta:
– Khi trời rét, ngài có mặc thêm chiếc áo nào khác hay không?
Tu sĩ nhoẻn miệng cười:
– Tất nhiên là không, bởi vì tôi chỉ sở hữu duy nhất có một chiếc áo. Và
tôi cho như thế là quá đủ.
Sau đó, ông vui vẻ kể cho tôi nghe về cuộc sống phiêu dạt không hề định
cư ở bất cứ nơi đâu, với sự thanh thản vì không bao giờ bận tâm lo nghĩ
bất cứ điều gì... Tôi bỗng thấy hối tiếc vì từ trước mình đã không chọn
lấy một cuộc sống như ông.
Tôi lại hỏi ông:
– Thế ngài có mang theo kinh sách gì không?
– Không. Khi tôi thuyết pháp, tôi chỉ dùng trí nhớ. Những kinh điển tôi
học được đều nằm trong trí nhớ của tôi.
– Thế ngài có thường bận rộn vì một công việc gì khác nữa không?
– À, thỉnh thoảng tôi có nhu cầu phải đi dạo trên bờ sông Hằng.
Tôi biết mình còn quá nhiều những nhiệm vụ đang chờ đón, không thể nghĩ
đến việc thong thả dạo chơi trên bờ sông Hằng như ông, nhưng khi nghe
ông nói tôi cũng chợt thấy thèm thuồng một đời sống vô tư không bận bịu.
Chúng tôi còn tiếp tục trao đổi rất nhiều về những kinh nghiệm tâm linh
trên đường tu tập. Tôi lấy làm kinh ngạc xiết bao khi thấy vị tu sĩ trẻ
này đã có được những trình độ tu chứng không hề thua kém những vị tu sĩ
đã khổ tu lâu năm.
Khi nghe tôi kể sơ qua về công cuộc hoằng pháp ở Hoa Kỳ, ông tỏ vẻ khâm
phục và nói:
– Thật ra những người như tôi dù có muốn cũng không có khả năng làm được
những việc như thế. Đại đức quả là đã đóng góp to lớn vào việc truyền bá
đạo pháp.
Khi chúng tôi chia tay ra về, tôi nói với ông Wright:
– Người ấy là một ông vua không cần ngai vàng.
Buổi chiều, chúng tôi dùng cơm trên một chiếc chiếu trải trên mặt đất,
dưới bầu trời trong xanh với những vì sao mọc sớm lung linh sáng ở
phương xa.
Chúng tôi tiếp tục lưu lại nơi hành lễ trong hai ngày nữa rồi mới lên
đường đi Agra, dọc theo con sông Jumma. Sau đó tôi đến viếng lăng mộ cổ
Taj Mahal, và cuối cùng ghé đến thăm tu sĩ Keshab ở đạo viện Brindaban.