Một hôm, sư phụ Śrỵ Yukteswar và một nhóm đệ tử đang ngồi bàn luận về
đạo lý. Tôi từ Ranchi vừa về thăm thầy, có dẫn theo một nhóm học sinh ở
Thiếu Sinh Học Đường.
Trong khi sư phụ và chúng tôi đang nói chuyện, nhóm học sinh của tôi bắt
đầu tranh cãi ngày càng lớn tiếng về một đề tài khá lý thú: có hay không
có việc phục sinh của chúa Giê-su.
Vì các em nói lớn tiếng nên tất cả chúng tôi đều nghe thấy. Sư phụ Śrỵ
Yukteswar liền bảo tôi gọi các em vào giảng đường. Sau khi sắp xếp cho
các em ngồi quây quần chung quanh, thầy mới vui vẻ nói:
– Ta không đứng về phía nào trong các con cả, nhưng ta muốn kể cho các
con nghe một chuyện mà chính ta đã chứng kiến, cũng có thể xem là một
trường hợp phục sinh.
Lời nói của thầy có tác dụng rất lớn. Ngay lập tức các em im phăng phắc,
không còn một tiếng xì xào bàn tán nào nữa cả. Tất cả đều hết sức chú ý
lắng nghe. Thầy bắt đầu kể:
– Ngày ấy, ta còn đang tu tập bên cạnh đức thầy Lahiri Mahsaya. Ta có
một người bạn tu rất thân thiết tên là Rma. Tính tình anh ta rất nhút
nhát, ít giao tiếp vì thích sống cô độc. Ngay cả khi có thắc mắc cần đến
sự giải thích của đức thầy Lahiri Mahsaya, anh cũng chỉ đến gặp thầy vào
những lúc đêm khuya hoặc sáng sớm, khi có ít các đệ tử khác quy tụ bên
cạnh đức thầy. Mặc dù vậy, Rma có một kinh nghiệm tâm linh khá vững chãi
và rất tinh tấn trong việc tu học.
Sư phụ Śrỵ Yukteswar dừng lại, khuôn mặt lộ vẻ xúc cảm khi nhớ lại
chuyện cũ:
– Ngày kia, Rma bất ngờ đau nặng. Các bác sĩ giỏi đều được mời đến,
nhưng bệnh tình không có vẻ gì là khả quan lắm. Rma ngày càng suy yếu
một cách nhanh chóng. Khi ấy, ta liền đến tìm đức thầy Lahiri Mahsaya và
khẩn cầu người cứu lấy tính mạng của Rma. Thầy yên lặng một lát rồi nói:
“Các bác sĩ đang tận tình cứu chữa. Con cứ yên tâm, Rma rồi sẽ khỏi
bệnh.” Nhưng khi ta trở lại chỗ giường bệnh của Rma thì một trong hai vị
bác sĩ thất vọng thông báo: “Vị tu sĩ này chỉ còn sống được khoảng vài
giờ nữa thôi.” Quá hốt hoảng, ta trở lại với đức thầy Lahiri Mahsaya để
chuyển đạt tin dữ này, nhưng thầy có vẻ như không quan tâm. Thầy nói:
“Rma rồi sẽ khỏi bệnh.”
Sư phụ Śrỵ Yukteswar lặng yên một lúc rồi mới kể tiếp:
– Khi ta quay lại phòng của Rma thì các bác sĩ đã bỏ về. Họ để lại một
mảnh giấy ghi mấy dòng vắn tắt: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng rất
tiếc là trường hợp này không thể nào cứu chữa được nữa.” Khi ấy, Rma
đang hấp hối. Nhưng ngay trong lúc ấy anh mở mắt nhìn ta và nói:
“Yukteswar, anh hãy nhớ nói với sư phụ cầu phúc cho tôi trước khi hỏa
táng.” Nói xong lời trăn trối này rồi, Rma liền trút hơi thở cuối cùng.
Một đệ tử từ bên ngoài vào mang cho sư phụ một tách trà nóng. Người dừng
lại để nhấp một ngụm trà rồi tiếp tục:
– Ta liền đến chỗ đức thầy Lahiri Mahsaya để báo tin về cái chết của
Rma. Thầy vẫn lặng thinh không tỏ vẻ lo lắng gì. Một lát, thầy bảo ta:
“Yukteswar, con hãy giữ bình tĩnh. Mọi việc rồi sẽ qua đi.” Vẫn không
hiểu được ẩn ý trong câu nói của thầy, ta òa lên khóc vì sự đau đớn đã
kiềm chế quá lâu. Rma dù sao cũng là người bạn thân nhất của ta trong
đạo viện.
Cả giảng đường không còn một tiếng động nào khác ngoài tiếng kể chuyện
trầm trầm của sư phụ. Tất cả mọi người dường như đều nín thở lắng nghe:
– Đức thầy Lahiri Mahsaya lặng lẽ để yên cho ta bộc lộ cảm xúc. Một lát
sau, khi ta đã nguôi bớt cơn xúc động, thầy nói: “Śrỵ Yukteswar, ta rất
buồn mà thấy con đã không có đủ đức tin.” Ta vô cùng kinh ngạc, ngẩng
lên nhìn thầy. Thầy Lahiri Mahsaya nói tiếp: “Chẳng phải là ta đã bảo
với con Rma sẽ khỏi bệnh hay sao?” Rồi thầy nhìn quanh, chỉ tay vào một
cái đèn dầu phộng đang đặt trên mặt bàn: “Giờ thì con hãy lấy dầu trong
đèn này, nhỏ vào miệng Rma đúng 7 giọt.” Ta càng thêm quá sức ngạc
nhiên, buột miệng kêu lên: “Bạch thầy, nhưng Rma đã chết lâu rồi!” Thầy
Lahiri Mahsaya nhìn ta và nói: “Ta thấy là con vẫn còn chưa có đủ đức
tin.”
Sư phụ trầm ngâm một lát, rồi quay sang nhìn tôi. Tôi thầm hiểu được ý
nghĩa cái nhìn của người.
– Ta tự biết lỗi ngay lúc ấy, liền quỳ xuống xin sám hối. Thầy Lahiri
Mahsaya cười hoan hỷ rồi bảo: “Thôi con đi đi.” Ngay lập tức, ta đến chỗ
Rma và làm đúng như lời thầy dặn. Khi ấy, thân thể Rma đã cứng đờ vì tắt
hơi quá lâu rồi. Thật không thể nào ngờ được, ngay sau đó Rma co giật
mấy cái rồi từ từ mở mắt ra. Trong khi ta còn chưa thể tin hẳn vào mắt
mình, thì Rma đã từ từ ngồi dậy và nói: “Anh Yukteswar, tôi phải đi đến
chỗ sư phụ ngay bây giờ.”
Tôi nghe rõ tiếng thở ra thật mạnh của các em thiếu sinh khi nghe sư phụ
kể đến đoạn này. Quả thật, nếu không phải chính miệng sư phụ nói ra thì
thật khó lòng tin được một câu chuyện như thế. Sư phụ Śrỵ Yukteswar lại
tiếp tục:
– Khi ta và Rma đến chỗ thầy Lahiri Mahsaya, cả hai đều quỳ lạy. Rma
muốn tạ ơn cứu mạng, còn ta thật hết sức ân hận vì thấy mình quả thật đã
chưa có đủ đức tin. Thầy Lahiri Mahsaya nói: “Śrỵ Yukteswar! Lẽ ra Rma
đã không phải chết. Nhưng cái chết của bạn con là một bài học về đức tin
cho con đó.” Ta cúi đầu ghi nhớ lời dạy ấy. Và từ đó về sau, ta chẳng
bao giờ nghi ngờ bất cứ điều gì thầy Lahiri Mahsaya nói ra.
Một em thiếu sinh lúc đó liền đứng lên thưa hỏi:
– Bạch tôn sư, có phải việc phục sinh đã nhờ đến 7 giọt dầu phộng?
Sư phụ Śrỵ Yukteswar bật cười:
– Không phải là dầu phộng, mà thật ra là có thể dùng bất cứ món gì. Vấn
đề là thầy Lahiri Mahsaya muốn tạo ra một điểm tựa cho kẻ còn kém đức
tin mà thôi. Nếu không thế, chỉ cần một lời nói hoặc ý nghĩ của thầy là
mọi việc sẽ diễn ra, chứ không phải phụ thuộc vào dầu phộng hay một món
thuốc men nào khác cả!
Sau khi các em thiếu sinh đã được cho ra ngoài, sư phụ Śrỵ Yukteswar gọi
tôi lại và nói:
– Ta biết con đang thu thập rất nhiều chuyện kể về đức thầy Lahiri
Mahsaya. Điều đó sau này có thể trở thành một trong những phương tiện
rất tốt để giúp con truyền pháp. Ta muốn rằng con hãy viết lại một tiểu
sử của đức thầy Lahiri Mahsaya để phổ biến cho mọi người đều được biết.
Tôi cúi đầu vâng lời thầy dạy. Tự trong thâm tâm, tôi cũng đã cảm thấy
cần phải ghi lại một cách chi tiết và cụ thể về cuộc đời của bậc tôn sư
siêu việt này. Bởi vì ngài đã từ trần từ năm 1895, và có nguy cơ thời
gian sẽ làm phai mờ đi tất cả những gì linh diệu và mầu nhiệm mà ngài đã
thực hiện ở thế gian này. Tôi tự nhủ sau này sẽ viết lại tất cả những gì
tôi đã được biết về thầy Lahiri Mahsaya. Và đó cũng là một trong những
động cơ thúc đẩy tôi thực hiện tập hồi ký này.
Đức thầy Lahiri Mahsaya ra đời vào ngày 30 tháng 9 năm 1828, tại làng
Ghurni, huyện Nadia, gần Krishnagar, thuộc tỉnh Bengale. Gia đình thuộc
dòng tộc Bà-la-môn, ngài là con út của ông Gaur Mohan Lahiri và người vợ
kế là Muktakashi, được cha mẹ đặt cho tên gọi là Shyama Charan Lahiri.
Ngay khi ngài còn thơ ấu thì người mẹ đã sớm rời bỏ cõi đời. Những năm
đầu đời ngài sống tại huyện Nadia và đã biết ngồi thiền từ khi mới được
ba tuổi.
Năm năm sau khi ngài ra đời, tức là vào năm 1833, một trận lụt lớn đã
xảy ra và nước sông Jalangi cuốn trôi làng mạc của cải đổ về sông Hằng.
Tài sản của gia đình Lahiri và một ngôi đền thờ do họ xây dựng đã sụp đổ
hoàn toàn.
Ông Gaur Mohan Lahiri khi ấy liền đưa gia đình rời khỏi Nadia và đến
định cư tại Bénarès. Về sau, ông cũng xây dựng ở đây một ngôi đền thờ
khác. Ông giáo dục con cái theo đạo lý và đặc biệt chú ý thực hành hạnh
bố thí. Điều đặc biệt là ông có một kiến thức rất bao quát và thông thạo
cả những tri thức thời hiện đại vừa mới du nhập vào xứ Ấn.
Shyama Charan Lahiri là một cậu bé rất thông minh, được cha cho theo học
hầu hết các môn triết lý cổ và cả kinh Phệ-đà theo truyền thống
Bà-la-môn. Cậu thường biện bác thắng được cả những người rất uyên bác về
các môn học này. Lớn lên, trở thành một thanh niên tốt bụng, Shyama
Charan Lahiri phát triển thể lực rất mạnh mẽ, giỏi bơi lội và các môn
thể thao khác nữa.
Năm 1846, việc hôn nhân được gia đình sắp xếp giữa chàng trai Lahiri và
cô Kashi Moni, con gái của một gia đình danh tiếng trong vùng. Gia đình
sống rất hạnh phúc vì bà Kashi Moni đã trở thành một người vợ mẫu mực
chu toàn mọi trách nhiệm trong gia đình. Họ sinh được hai người con trai
là Tincuri và Ducuri.
Năm 1851, Shyama Charan Lahiri nhận công việc kế toán cho một bộ phận
quản trị hành chánh của quân đội Anh. Ông liên tục được thăng chức rất
nhiều lần trong thời gian phục vụ, và cũng do đó mà đã lần lượt thuyên
chuyển qua rất nhiều nơi như Gazipur, Mirijapur, Danapur, Naini Tal,
Bénarès... Khi gia đình đến sống ở Garudeswar Mohulla thì ông Gaur Mohan
Lahiri qua đời. Shyama Charan Lahiri phải đảm trách tất cả mọi công việc
gia đình.
Năm 33 tuổi, Shyama Charan Lahiri gặp được tôn sư Babji ở gần Ranikhet,
trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó ngài được truyền thụ pháp môn thiền định.
Là một người có căn cơ siêu phàm xuất chúng, không bao lâu ngài đã tiếp
thu được hoàn toàn những điều chỉ dạy của tôn sư và được chân truyền để
nối tiếp việc truyền thừa pháp môn thiền định, trở thành đức thầy Lahiri
Mahsaya.
Bằng vào kinh nghiệm thực chứng của bản thân, đức thầy Lahiri Mahsaya đã
tiếp nhận và dắt dẫn hàng ngàn môn đệ, khiến cho pháp môn thiền định
được truyền rộng ra khắp nơi. Ngài có rất nhiều đệ tử tu tập thành công
mà trong số đó thì sư phụ Śrỵ Yukteswar là một điển hình.