a. Kiến thức chung
Bệnh trĩ là một bệnh rất thường gặp, nhưng có lẽ bạn ít khi nghe nhắc
đến. Lý do rất dễ hiểu. Trừ ra với những người rất thân thuộc, còn thì
người ta rất ngại nhắc đến chứng bệnh này với bất cứ ai. Và nếu không
may bạn mắc phải, thì thật có lẽ không còn gì khó chịu, bực dọc hơn, bởi
vì nó tra tấn bạn gần như mỗi ngày.
Người lớn tuổi, thường là từ 50 tuổi trở lên, dễ mắc bệnh trĩ. Có thể ở
nhiều mức độ khác nhau, nhưng có chừng 50% người lớn tuổi chịu ảnh hưởng
của chứng bệnh này. Chưa thể nói chắc chắn được nguyên nhân nào gây
bệnh, nên vấn đề hiện nay đối với bệnh chỉ là các biện pháp điều trị
triệu chứng. Tuy nhiên, táo bón kéo dài có thể là điều kiện dễ dàng cho
bệnh phát sinh.
Người mắc bệnh trĩ phải đau đớn, khó chịu mỗi lần đi tiêu. Bởi vì những
mạch máu nơi hậu môn sưng tấy lên và trở nên rất nhạy cảm.
Có hai loại trĩ. Trĩ nội là loại trĩ khó phát hiện, vì chỗ sưng tấy nằm
bên trong hậu môn. Bệnh không gây đau, nhưng thỉnh thoảng bạn có thể
nhìn thấy ít máu vấy quanh cục phân, hoặc giấy vệ sinh sau khi đi tiêu.
Ngoài ra, bạn vẫn cảm thấy như chưa đi tiêu xong, vẫn còn những cơn mót
rặn, trong khi thật sự tất cả phân đã được đưa ra ngoài rồi.
Trĩ ngoại là loại bệnh gây khổ sở cho nhiều người hơn. Chỗ sưng tấy ở
hậu môn lồi hẳn ra bên ngoài, làm cho người bệnh rất đau đớn mỗi lần đi
tiêu. Có thể chảy máu ở nhiều mức độ, do người bệnh cố sức rặn để đưa
phân ra, hoặc cũng có thể chỉ cần do giấy vệ sinh chùi nhẹ vào.
Nếu không được chữa trị, bệnh có thể kéo dài trở thành kinh niên. Tuy
nhiên, sẽ không dẫn đến biến chứng nguy hiểm nào, trừ ra những trường
hợp nhiễm trùng khi điều kiện vệ sinh không được đảm bảo.
Nhiều người cho rằng bệnh trĩ là một bệnh rất khó chữa khỏi, và thường
tái phát. Điều đó không đúng. Thực ra bạn chỉ cần lưu tâm chăm sóc chỗ
đau cẩn thận và đừng phạm những sai lầm đáng tiếc nào (gây nhiễm trùng
hoặc dùng thuốc quá liều... ) bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian. Có thể
giải quyết bằng phẫu thuật, nhưng điều đó không cần thiết, thường chỉ là
vì bệnh nhân muốn được khỏi ngay mà không cần thời gian chờ đợi.
Một điều cần chú ý nữa là, chảy máu trong bệnh trĩ là máu tươi, màu đỏ
sáng. Nếu bạn nhìn thấy máu trong phân không phải màu đỏ tươi mà hơi bầm
đen, đó không phải chảy máu do bệnh trĩ mà là ở một nơi nào khác trong
đường ruột. Cần khám bác sĩ ngay để xác định. Ngoài ra, thông thường thì
lượng máu chảy ra rất ít. Nếu bạn nhìn thấy quá nhiều máu, hoặc việc
chảy máu bị kéo dài, bạn cần đến sự giup đỡ của bác sĩ ngay. Bệnh trĩ
không gây ra ung thư, nhưng chảy máu nhiều ở hậu môn có thể không phải
do bệnh trĩ mà là dấu hiệu của ung thư.
b. Những điều nên làm
– Tránh để táo bón kéo dài. Dùng nhiều thức ăn có chất sơ để phân đi ra
được dễ dàng.
– Khi mắc bệnh, cố kiềm chế cảm giác muốn rặn nhiều khi đi tiêu. Nên để
phân ra tự nhiên. Có thể bạn cần phải kiên nhẫn hơn để làm được điều đó,
nhưng phải biết rằng với bệnh trĩ thì việc bạn cố sức rặn để đưa phân ra
chỉ làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn mà thôi.
– Uống thật nhiều nước lọc. Lượng nước nhiều trong cơ thể sẽ giúp làm
mềm phân và giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể dùng thêm nước
ép trái cây, rau quả, thay vì chỉ dùng toàn nước lọc. Tuy nhiên cần
tránh xa cà-phê và thức uống có cồn như các loại rượu, bia.
– Tránh dùng các loại thuốc nhuận tràng nhằm mục đích dễ đi tiêu hơn.
Thực tế là những loại thuốc ấy có thể gây ra các biến chứng khác trong
đường ruột, khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
– Để giảm sự khó chịu sau những lần đi cầu, bạn có thể ngồi và ngâm sâu
hậu môn vào trong một chậu nước ấm. Biện pháp này có thể giúp bạn dễ
chịu hơn và giảm nhẹ cảm giác đau rát. Có thể ngâm mỗi lần chừng 20
phút, nhiều lần mỗi ngày.
– Đối với một số người, dùng khăn mềm ép chặt vào hậu môn một lúc cũng
có thể giúp giảm đau. Có thể ngâm khăn trong nước mát hoặc nước lạnh,
nếu bạn cảm thấy dễ chịu hơn với nhiệt độ thấp.
– Dùng giấy mềm hoặc vải sạch để làm vệ sinh sau khi đi tiêu, tránh chà
xát nhiều và quá mạnh nơi hậu môn.
– Tránh làm những việc nặng phải gắng sức nhiều, cũng không nên chọn các
động tác thể dục hàng ngày cần nhiều sức lực. Tuy nhiên, nên duy trì
những hoạt động nhẹ nhàng, vừa sức đều đặn hàng ngày.
– Tránh những loại thức ăn có nhiều gia vị cay, nóng. Chế độ ăn nhiều
rau cải, trái cây là rất tốt. Tránh ăn những thức ăn ít chất sơ như
phó-mát, bánh mỳ, thịt...