a. Kiến thức chung
Dị ứng là trường hợp cơ thể có những phản ứng nhất định nào đó đối với
một hoặc nhiều tác nhân trong môi trường. Những phản ứng này khác nhau ở
mỗi người, mỗi trường hợp. Dị ứng gây cho bạn cảm giác khó chịu, mỏi mệt
có vẻ như muốn nhuốm bệnh. Các triệu chứng có thể đơn giản như hắt hơi,
chảy mũi nước hoặc nghẹt mũi. Nhưng cũng có thể nghiêm trọng đến mức như
ngất xỉu, rũ rượi mà không rõ nguyên nhân.
Một số người khi dị ứng có cảm giác ngứa ở lớp màng nhầy trong mắt hoặc
trong mũi. Do cảm giác ngứa không kiềm chế được, họ thường làm cho tình
trạng trở nên tồi tệ hơn nhiều khi liên tục chà xát vào những nơi này.
Những người nhạy cảm hơn đôi khi cũng có cảm giác ngứa, nhưng kèm theo
đó là hắt hơi, chảy mũi nước, chảy nước mắt và một số triệu chứng khác
rất giống với chứng cảm lạnh. Khi triệu chứng kéo dài, nạn nhân trở nên
yếu ớt, mệt lả, ho thường xuyên, ngứa cổ họng, mất cảm giác thèm ăn. Kèm
theo đó là giảm khả năng nếm, ngửi mùi vị và khả năng tập trung sự chú
ý.
Trong một số ít trường hợp, dị ứng phát triển thành những bệnh nghiêm
trọng hơn như viêm xoang, khối u trong mũi hoặc nhiễm trùng trong tai.
Hầu hết các dạng dị ứng rơi vào hai nhóm. Nhóm dị ứng phụ thuộc vào mùa
trong năm, thường là những dị ứng với một loại phấn hoa hay một tác nhân
nào đó từ cây cỏ. Loại dị ứng này xuất hiện theo mùa trong năm là vì chỉ
vào thời điểm đó trong năm mới có tác nhân gây dị ứng.
Nhóm thứ hai là nhóm dị ứng gần như thường xuyên, có thể xảy ra bất cứ
lúc nào. Các tác nhân gây dị ứng nhiều khi rất đơn giản và gần gũi, như
bụi, mốc hoặc thậm chí các con thú vật nuôi như mèo, ngựa... hoặc cũng
có thể là khói hay một mùi hương nào đó... Vì các tác nhân này có thể
gặp bất cứ lúc nào, nên người bị dị ứng loại này luôn luôn bị đe dọa bởi
môi trường chung quanh.
Cách duy nhất để hoàn toàn thoát khỏi dị ứng là tránh xa không tiếp xúc
với tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Thực tế là
không phải bao giờ bạn cũng có thể biết được tác nhân gây dị ứng, nhất
là khi tác nhân ấy được truyền qua không khí. Thậm chí dời chỗ ở từ nơi
này đến nơi khác có khi cũng chẳng giúp ích gì, vì nơi chỗ ở mới có khi
vẫn có sẵn những tác nhân gây dị ứng đang chờ đón bạn.
Những người bị dị ứng theo mùa nhưng không biết được chính xác tác nhân
gây dị ứng để tránh né, thường phải lẫn tránh bằng cách thường xuyên ở
trong nhà và đóng chặt các cửa sổ trong thời gian có thể xảy ra dị ứng.
Máy điều hòa không khí có thể giúp ích trong trường hợp này, vì nó lọc
sạch các tác nhân gây dị ứng truyền qua không khí.
Thường rất dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng của dị ứng và cảm lạnh.
Tuy nhiên, bạn có thể nghĩ đến dị ứng nếu như:
_ Các triệu chứng kéo dài hơn một tuần
_ Diễn tiến liên tục
_ Xuất hiện và chấm dứt vào cùng một thời điểm như nhau mỗi năm
_ Thấy khó chịu hoặc gia tăng mạnh các triệu chứng khi tiếp xúc với một
tác nhân nào đó
Đối với những người bị dị ứng theo mùa, hiện tượng dị ứng có thể xuất
hiện rất sớm từ thời thơ ấu, chúng phát triển càng nặng nề hơn cho đến
giai đoạn trưởng thành. Khi lớn tuổi, có thể dần dần giảm bớt, nhưng
không bao giờ hoàn toàn mất hẳn.
Một nghiên cứu gần đây ở trường đại học California-San Diego nhận thấy
những người bị dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người
khác.
Đến nay vẫn chưa có các loại thuốc hoặc phương pháp nào để điều trị dị
ứng. Người ta chỉ có thể can thiệp bằng các loại kháng histamin hoặc các
thuốc giảm sung huyết để giảm nhẹ các triệu chứng mà thôi. Bạn cần có
hướng dẫn cụ thể của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng các loại
thuốc này.
Các loại thuốc kháng histamin đặc biệt hữu hiệu để làm mất cảm giác ngứa
ở mắt và chảy mũi nước. Sau khi dùng thuốc có thể có tác dụng ngay, và
hiệu lực của thuốc kéo dài từ 3 đến 6 giờ. Tác dụng phụ kèm theo của
thuốc là gây buồn ngủ. Vì vậy một số người không muốn dùng các loại
thuốc này. Trong thời gian dùng thuốc, cần tránh những công việc như lái
xe hoặc vận hành máy móc, vì có thể dẫn đến nguy hiểm do buồn ngủ. Đôi
khi, một hiệu thuốc nào đó không có tác dụng đối với bạn, nhưng nếu bạn
đổi sang dùng một hiệu khác cũng trong nhóm này, kết quả có thể sẽ khả
quan hơn. Một số người dị ứng với phấn hoa chẳng hạn, có thể được bác sĩ
chỉ định dùng thuốc kháng histamin trong suốt mùa có phấn hoa đó. Những
trường hợp này cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng sử dụng. Dùng quá nhiều
hay quá ít thuốc đều dẫn đến kết quả bất lợi. Không được dùng loại thuốc
này nếu có các chứng bệnh như hen suyễn, vết loét trong hệ tiêu hóa, các
bệnh về phổi kinh niên, nhịp thở ngắn, khó thở, khó đi tiểu... Nếu bạn
có tiền sử bệnh, cần nói cho bác sĩ điều trị biết.
Các loại thuốc giảm sung huyết cũng được dùng để giảm nhẹ triệu chứng.
Tác dụng phụ của loại này ngược lại với thuốc kháng histamin, nghĩa là
nó có thể làm mất cơn buồn ngủ do thuốc kháng histamin gây ra. Thuốc có
dạng viên, dạng nước và dạng phun bụi để phun vào mũi. Thuốc viên và
thuốc nước có thể được dùng trong thời gian dài, nhưng đừng bao giờ dùng
loại thuốc phun vào mũi liên tục quá 3 ngày. Quá 3 ngày, loại thuốc này
có thể bắt đầu gây sung huyết. Vì thế, nên chọn dùng thuốc viên hoặc
thuốc nước. Ngoài việc theo đúng các hướng dẫn về liều lượng dùng thuốc,
bạn còn phải đặc biệt cẩn thận nếu bạn đang có các bệnh như tiểu đường,
bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp. Bạn phải nói rõ cho bác sĩ điều trị
biết và có ý kiến hướng dẫn.
b. Những điều nên làm
– Kiên nhẫn và quan sát tinh tế để tìm ra các tác nhân gây dị ứng.
Thường thì bạn có thể tìm ra được chúng nhờ vào sự lặp lại nhiều lần ở
những điều kiện giống nhau.
– Nếu bạn may mắn tìm được tác nhân gây dị ứng, thì cách tốt nhất là tạo
mọi điều kiện để tránh xa chúng. Nên biết rằng nếu bạn đã dị ứng với một
tác nhân nào đó, hầu như hiện tượng ấy sẽ không bao giờ dứt hẳn.
– Nếu bạn nuôi thú vật, không nên để cho chúng tập thói quen vào nhà
thường xuyên, nhất là không cho chúng lên ghế bọc nệm, giường nệm...
Chúng có thể để lại đó những tác nhân gây dị ứng.
– Trong một số lớn trường hợp, tác nhân gây dị ứng có thể nằm ở đệm,
chăn mền, gối... Bạn có thể thử thay thế từng món để tìm ra.
– Giữ vệ sinh tốt trong nhà. Các vật dụng dễ ẩm mốc cần thỉnh thoảng
được mang phơi nắng. Bụi trong nhà cần được lau chùi thường xuyên, nhất
là những nơi bạn ít đến như kho chứa. Bụi gây dị ứng có thể tích tụ từ
đó để rồi lan ra trong không khí.
– Không hút thuốc, và nên tập thói quen không cho phép người khác hút
thuốc trong nhà của bạn.