a. Kiến thức chung
Nhiễm trùng đường tiết niệu rất thường gặp, nhất là đối với phụ nữ.
Khoảng 20% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất là một lần
trong đời. Trong số đó, chừng một phần ba tiếp tục nhiễm trùng lần nữa
trong vòng ba tháng. Ba phần tư trong số này lại nhiễm trùng lần tiếp
theo trong vòng 2 năm.
Dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên dễ nhận ra thường là đi tiểu đêm. Song
song theo đó, bạn có thể thấy bàng quang như căng đầy lên, có cảm giác
nóng rát khi đi tiểu.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn nam giới, vì đường dẫn nước tiểu từ bàng
quang ra âm hộ rất ngắn. Do đó, vi khuẩn từ âm hộ rất dễ dàng xâm nhập
vào bàng quang và gây viêm nhiễm. Hậu môn cũng là nơi thường có vi khuẩn
bám lại, để rồi từ đó sẽ có dịp xâm nhập vào đường tiểu qua cửa mình.
Ngoài ra, âm hộ phụ nữ rất dễ có vi khuẩn tích tụ, nếu không được làm
sạch đúng mức.
Giao hợp nam nữ đôi khi cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết
niệu cho phụ nữ. Do sự cọ xát khi giao hợp, vi khuẩn bị đẩy lên bàng
quang dễ hơn, vì lỗ tiểu nằm rất gần cửa âm đạo. Thậm chí có khi dương
vật là nguồn mang vi khuẩn đến, nếu không có những biện pháp vệ sinh
thích hợp.
Nếu số lần giao hợp xảy ra khá thường xuyên, nhất là đối với những lần
đầu tiên của một người phụ nữ, có thể có viêm nhiễm nhẹ xảy ra trong
khoảng 36 đến 48 giờ sau khi giao hợp, và sẽ tự qua khỏi khi cơ thể
người phụ nữ quen dần đi.
Trong thời gian mang thai, phụ nữ càng dễ nhiễm trùng hơn, do sự dãn nở
rộng hơn của ống dẫn nước tiểu.
Khi bị nhiễm trùng, số lần đi tiểu trong ngày tăng lên rất nhiều, và
thường có cảm giác muốn đi tiểu rất gấp. Khi đi tiểu có cảm giác ngứa
hoặc nóng gắt, trong khi bàng quang như căng tức lên. Có thể có một ít
máu trong nước tiểu, sốt nhẹ, hơi đau quặn trong bụng và cơ thể mỏi mệt,
không được khỏe.
Khám và điều trị ngay khi phát hiện là điều cần thiết. Nếu để kéo dài,
nhiễm trùng có thể lan đến thận và gây thương tổn lâu dài, làm cho vấn
đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.
Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu cần dùng đến kháng sinh theo
hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không thể tự dùng thuốc ở nhà, nhưng có một số
việc bạn có thể cần biết và làm được để giảm nhẹ vấn đề hơn.
b. Những điều nên làm
- Đừng bao giờ “nín tiểu”. Bạn phải đi tiểu ngay khi cảm thấy có nhu
cầu. Có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó giúp bạn phòng ngừa rất hiệu quả
việc nhiễm trùng đường tiết niệu. Đơn giản là vì mỗi lần đi tiểu, nước
tiểu sẽ đẩy sạch ra những vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào đường tiểu. Hơn
nữa, nước tiểu giữ lại trong bàng quang là môi trường cho vi khuẩn sinh
sôi nảy nở. Thường xuyên làm trống bàng quang là chặn đứng khả năng sinh
trưởng của chúng. Nín tiểu còn làm cho bàng quang căng phồng hơn mức
bình thường. Điều này làm rút ngắn khoảng cách mà vi khuẩn phải đi qua
để xâm nhập. Hơn nữa, sau một thời gian nín tiểu, bạn thường không thể
đưa hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Lượng nước tiểu còn lưu lại
là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn được giữ lại và sinh trưởng.
- Uống nhiều nước lọc mỗi ngày. Điều này giúp đi tiểu thường xuyên hơn,
nhờ đó giảm thấp nguy cơ nhiễm trùng.
- Đối với nữ giới, sau khi đi tiêu và dùng giấy vệ sinh, phải chùi từ
phía trước ra sau, không làm ngược lại. Nếu không, bạn sẽ đưa vi khuẩn
từ phía hậu môn ra âm hộ và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc nhiễm
trùng. Nếu có thói quen đi tiêu mỗi ngày một lần, bạn có thể kết hợp tắm
sau khi đi tiêu sẽ đảm bảo an toàn hơn. Khi tắm, bạn có thể làm sạch hậu
môn và âm hộ dễ dàng hơn là dùng giấy vệ sinh.
- Không dùng loại quần lót bằng nylon, vì không được thoáng khí, gây
nóng và ẩm, tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn sinh trưởng. Dùng loại
cotton sẽ giúp giữ mát và hút ẩm tốt hơn. Bên ngoài cũng nên chọn loại
quần thoáng rộng, không quá chật.
- Sau mỗi lần giao hợp, phụ nữ nên đi tiểu ngay. Cho dù việc giao hợp
không tạo ra vi khuẩn, nhưng động tác khi giao hợp thường làm đẩy sâu
những vi khuẩn đang có sẵn trong âm hộ vào đường tiểu. Việc đi tiểu sau
khi giao hợp giúp đẩy sạch những vi khuẩn này ra bên ngoài.
- Giữ vệ sinh tốt cho âm hộ. Thay băng vệ sinh thường xuyên. Ngoài việc
nhiễm trùng đường tiết niệu, vệ sinh âm hộ không tốt còn dẫn đến nhiễm
trùng âm đạo nữa.
- Không dùng băng vệ sinh loại dài, nên chọn loại có bề rộng.
- Không dùng các loại chất khử mùi hôi. Những hóa chất này thật ra tạo
điều kiện dễ gây nhiễm trùng hơn.
- Hạn chế việc vệ sinh âm hộ bằng bơm thụt. Cách làm này làm mất khả
năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm
nhập. Nếu cần thiết phải sử dụng phương pháp này, nên chọn loại nước rửa
tốt, không pha chế bằng hóa chất.
- Trước mỗi lần giao hợp phải đảm bảo làm sạch cả âm hộ và dương vật.
Điều này còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác nữa.
- Nếu bạn đang dùng phương pháp đặt vòng để tránh thai, có thể xem xét
việc dùng một phương pháp khác. Vòng tránh thai thường ép vào bàng quang
và làm cho bạn không thể đưa hết lượng nước tiểu trong bàng quang ra bên
ngoài. Vòng tránh thai được lưu lại từ 8 đến 10 giờ. Thời gian này tạo
điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
- Cuối cùng, khi phát hiện những dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu,
bạn nên đi khám và điều trị ngay. Việc trì hoãn có thể dẫn đến những vấn
đề nghiêm trọng hơn về sau.