a. Kiến thức chung
Béo phì là trường hợp trọng lượng cơ thể tăng cao hơn mức bình thường,
một cách thiếu cân đối, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Trọng
lượng cơ thể của một người được xem là bình thường khi các thành phần
trong cơ thể cân đối và không có các yếu tố dễ gây bệnh. Một người to
khỏe không được xem là béo phì, bởi vì cho dù trọng lượng cơ thể lớn
nhưng hoàn toàn cân đối, khỏe mạnh. Trọng lượng trung bình, cũng như hậu
quả của việc tăng cân thường khác nhau ở mỗi lứa tuổi.
Trong hầu hết các trường hợp, béo phì thường dễ nhận ra do lớp mỡ thừa
của cơ thể. Người béo phì thực ra không có sức khỏe bằng một người bình
thường có trọng lượng cơ thể tương đương. Ngoài ra, béo phì cũng là
nguyên nhân khiến cho dễ phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi cơ thể bạn đột ngột tăng cân nhanh trong một giai đoạn nhất định nào
đó, bạn có thể có nguy cơ bị béo phì. Cơ thể bình thường tăng cân khá
chậm và đều đặn, do sự tăng đều các yếu tố trong cơ thể. Trong khi đó,
tăng cân nhanh đột ngột thường chỉ là sự tích lũy mỡ thừa, xảy ra khi sự
vận động của bạn không tiêu thụ hết năng lượng quá nhiều đưa vào cơ thể.
Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh
nguy hiểm khác, cao hơn nhiều so với người bình thường. Hơn nữa, trọng
lượng cơ thể gia tăng theo cách này thường làm cho bạn yếu đi, thay vì
là khỏe mạnh hơn. Điều may mắn là, béo phì hoàn toàn có thể khống chế
được bằng vào một số hiểu biết nhất định.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là những nguyên nhân chính dẫn đến
béo phì, đồng thời cũng là những yếu tố quyết định để giúp bạn khôi phục
lại tình trạng bình thường của cơ thể.
Nếu bạn nghiện thuốc lá, khi bạn bỏ thuốc có thể sẽ tăng cân nhanh.
Trường hợp này chưa hẳn dẫn đến béo phì. Bởi vì kèm theo với tăng cân,
thường còn có nhiều biểu hiện tích cực khác của sự hoàn thiện sức khỏe.
Vấn đề được giải thích qua một cuộc nghiên cứu kéo dài 13 năm, với các
đối tượng theo dõi rộng rãi bao gồm đàn ông, phụ nữ, da đen, da trắng,
người nghiện thuốc, người không hút thuốc và người đã bỏ hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trung bình sau khi một người bỏ hút thuốc,
có thể tăng cân từ 2 đến 5 kilogam. Tuy nhiên, sau khi tăng cân, trọng
lượng cơ thể những người này được so thấy tương đương với nhóm người
không hút thuốc lá. Nói cách khác, khi bạn hút thuốc lá, bạn đã bị giảm
cân, và khi bỏ thuốc lá, thực ra là bạn lấy lại được trọng lượng đã mất
mà thôi. Hơn nữa, không có dấu hiệu xấu nào khác kèm theo việc tăng cân.
Có thể bạn sẽ lo lắng khi thấy mình tăng cân nhanh. Tuy nhiên, một cuộc
nghiên cứu gần đây đi đến kết luận là sự tăng cân sau độ tuổi 75 không
còn là dấu hiệu đáng lo ngại nữa. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên
162 người đàn ông ở độ tuổi từ 75 trở lên, kéo dài hơn hai năm và ghi
nhận tình trạng sức khỏe cũng như tỷ lệ tử vong của họ.
Theo kết quả nghiên cứu, sự tăng cân sau tuổi 75 không còn có dấu hiệu
ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Ngược lại, tỷ lệ tử vong trong số những
người gầy hơn lại cao hơn, độ tuổi trung bình thấp hơn. Các nhà nghiên
cứu cho rằng, những người gầy hơn do có những chứng bệnh khác từ trước
–nguyên nhân khiến cho họ gầy hơn – nên sức khỏe không tốt bằng những
người tăng cân nhiều.
b. Những điều nên làm
– Cơ thể cần vận động đầy đủ. Nếu bạn làm những công việc thường ngày ít
vận động – công việc bàn giấy chẳng hạn – bạn cần có những chương trình
luyện tập, vận động bổ sung trong sinh hoạt thường ngày. Tập thể dục là
tốt nhất và phù hợp với mọi lứa tuổi. Nếu bạn đang độ tuổi sung sức, nên
chọn thêm một môn thể thao thích hợp để tham gia.
– Chọn các món ăn giảm chất béo, giàu chất xơ (fiber). Trong chế độ ăn
này, rau cải, trái cây, ngũ cốc đều là những loại có thể chọn. Thịt, mỡ
động vật là những thứ nên tránh.
– Quan tâm đặc biệt đến bữa ăn điểm tâm của bạn. Nhiều người nhịn ăn
điểm tâm khi muốn giảm cân. Điều đó không đúng. Bữa ăn sáng giúp bạn cân
đối nhu cầu, do đó bạn sẽ không ăn quá nhiều, thường là các thức ăn giàu
chất béo, vào các bữa ăn khác trong ngày. Một thực tế nữa là người không
ăn sáng thường có khuynh hướng hay ăn vặt, dẫn đến tăng cân thay vì giảm
cân.
– Khi chọn một chế độ dinh dưỡng để theo đuổi lâu dài, bạn cần có sự góp
ý của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng. Những bữa ăn được chọn lựa
đúng đắn đôi khi có thể có tác dụng hơn cả những phương thức điều trị
bằng thuốc, nhất là trong trường hợp béo phì.