Dù anh đã tạo sát nghiệp rất nặng nề, nhưng rất may mắn là lúc gần cuối đời anh đã gặp được thiện tri thức giới thiệu cho cách thức liễu sinh thoát tử đơn giản nhất, thẳng tắt nhất bằng câu VẠN ĐỨC HỒNG DANH, nên anh đã chân thành sám hối, đồng thời buông xả mọi duyên trần tục để chí tâm niệm Phật. Khi tín - nguyện - hạnh được đủ đầy, khi tâm anh hợp nhất với tâm Phật, nên anh đã thấy Phật! Do đó anh được sanh sang cõi Phật an lành là điều hết sức tất nhiên!
Anh Nguyễn Văn Quận sinh năm 1969, cư ngụ tại xã Phú Lộc, Thị xã Tân Châu, tỉnh Đồng Tháp. Cha là ông Nguyễn Văn Tòng, mẹ là bà Bùi Thị Hoa. Anh là anh thứ Ba trong một gia đình có sáu anh em.
Năm 21 tuổi anh thành hôn với chị Tú Thị Sang, sinh được một trai một gái. Lúc đầu anh nuôi sống gia đình bằng nghề “xiệc cá” (chích điện bắt cá). Bởi vì cảm thấy nghiệp sát quá nặng nên thời gian sau, anh đã tặn tiện xén bớt cái ăn cái mặc và mọi thứ chi dụng khác để dành dụm tiền, cuối cùng cũng đã mua được vài công đất nên nghỉ nghề xiệc cá, thỉnh thoảng anh đi làm thuê làm mướn thêm để cho sự sinh hoạt gia đình ổn định hơn.
Anh ăn chay trường từ thuở thiếu niên, sáng chiều lễ Phật. Sau khi lập gia đình một thời gian, do nghề nghiệp để mưu sinh nên anh trở lại dùng chay kỳ mỗi tháng bốn ngày.
Anh có bản tính hiền lành, hiếu thuận, ưa thích cùng mọi người làm các việc từ thiện như: sưu tầm thuốc Nam để cung ứng cho các phòng thuốc, giúp đỡ, quan tâm những người xung quanh và nhiều việc khác, nên xóm giềng ai cũng mến thương.
***
Vào khoảng giữa năm 2009 anh phát bệnh. Ban sơ anh điều trị bằng thuốc Nam, nhưng bệnh cứ dây dưa kéo dài mãi. Đến đầu tháng 11 ra Bệnh Viện Đại Học Y Dược, bác sĩ chẩn đoán là khối u gan, nên đề nghị phẫu thuật, anh đồng ý. Khi lên ca mổ bác sĩ rạch chữ L xong thì may lại, không xử lý được gì cả vì bệnh đã đến giai đoạn bó tay! Thời gian nhập viện là mười tám ngày.
Xuất viện về nhà, duyên may gặp được Ban Hộ Niệm Liên Xã Vĩnh Xương đến an ủi và khai thị, khuyên anh phát tâm trường trai trở lại, đồng thời niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Kế đó bày cho anh phương pháp dùng gạo lứt muối mè số 7. Anh áp dụng theo, từ đó bụng dần dần hết sưng, sức khỏe khôi phục khá nhiều. Được hơn một tháng, khi ‘ăn ra’ do không có người hướng dẫn đúng cách nên anh đã bị bội thực, bụng sưng lớn trở lại, bệnh tình ngày một nguy ngập.
Qua tết Nguyên Đán, trưởng Ban Hộ Niệm đã đến khai thị về lý vô thường và lẽ thật của sự khổ, anh tỉnh ngộ rất dễ dàng. Do bụng to như cái trống, muốn sống mà sống không được, muốn chết mà chết không xong, từng cơn mệt kịch liệt, từng cơn đau đớn dữ dội hoành hành, lắm khi phải nhăn mặt nhíu mày. Toàn thân thì nóng như lửa đốt, mỗi ngày vợ con phải mua ít nhất là một cây nước đá dùng khăn nhúng nước để lau và đắp cho anh. Quả là:
“Bệnh tật chưa hề nể mặt ai,
Từ trên vua chúa đến ăn mày.
Bất luận trẻ, già, ngu hay dại,
Nào phân mập, ốm, gái cùng trai.
Nhân ác gieo nhiều, nhiều đau đớn,
Tự làm tự chịu chẳng ai bày.
Đã khổ rán chuyên tu Tịnh nghiệp,
Trực đáo Tây Phương hết trả vay!
***
Bệnh đeo xác thịt bởi nợ nần,
Phải mau sám hối nguyện tu thân!
Nhức nhói càng tăng càng niệm Phật,
Đớn đau rán chịu chớ nổi sân.
Cảnh sống khổ vui toàn mộng mị,
Biết trần giả tạm chớ mê trần.
Ẩn nhẩn bền lòng trì Lục tự,
Cực Lạc Tây Phương sẽ dự phần.”
Mặc dù thống khổ cùng cực nhưng anh hoan hỉ nhẫn chịu chẳng hề hờn giận rên than. “Mưa dầm thấm đất”, Ban Hộ Niệm đã cộng tu và khai thị hằng đêm, ngoài ra còn mang cho anh những đĩa niệm Phật vãng sanh, nhờ thế tín tâm của anh đối với pháp môn Tịnh Độ mỗi lúc một sâu chắc, lòng cầu sanh Tịnh Độ khẩn thiết hơn. Ban đầu anh còn lo lắng đến vợ con, gởi gắm vợ con cho người chị thứ Hai. Chị mới khuyên anh rằng:
- Thôi em rán buông xả, cứ niệm Phật để vãng sanh đi! Mấy đứa con của em đã khôn lớn hết rồi, em đừng bận tâm đến nữa!
***
Sau đó anh dốc hết tâm, niệm Phật ròng rã, hành trì suốt ngày đêm. Mỗi tối Ban Hộ Niệm đến thấy anh nằm mệt đừ, lúc đại chúng niệm Phật anh cũng chắp tay niệm theo, khi buổi cộng tu hoàn mãn mọi người cáo từ ra về thì anh khỏe khoắn trở lại, y như người bình thường không đau đớn gì cả. Nhiều lần như thế nên anh cũng từng than:
- Sao mà kỳ quá chị Bảy ơi! Sao em khỏe lại nữa rồi!
Phần đông các bệnh nhân khi lên cơn đau, cơn mệt, Ban Hộ Niệm đến hộ niệm tới chừng được hết mệt, hết đau thì người ta mừng; còn anh thì ngược lại, anh buồn. Theo ý anh thì nghĩ rằng: khỏe lại cũng đồng nghĩa là Phật sẽ lâu tới rước!
Đến ngày 21 tháng 2 năm 2010, anh nằm chiêm bao thấy Tây Phương Tam Thánh hào quang chiếu sáng rực rỡ, từ trên hạ xuống nói với anh rằng:
- Con chưa đầy đủ công đức. Con rán niệm Phật thêm, chừng nào đủ rồi Ta sẽ rước con đi!
Khi tỉnh giấc anh thuật lại cho mọi người biết. Từ đó lòng anh tràn đầy niềm vui mừng, lộ hẳn ra nơi gương mặt, trên mặt lúc nào cũng toe toét tươi cười. Ba ngày kế tiếp anh ngưng ăn, chỉ uống một ít nước, nằm chắp tay niệm Phật suốt đêm. Mãi đến ngày 29 thêm hai lần nữa, anh cũng lại nằm mộng được thấy Phật.
Sáng ngày 30 anh nhờ người nhà tắm rửa rồi khiêng anh từ nhà bếp ra hàng ba trước nhà, vì anh luôn nằm trên chiếc võng. Trưa hôm đó, cô Bảy nhúng khăn vào thau nước đá lau cho anh. Anh nói:
- Chị Bảy bữa nay tắm cho em mát quá! Em thương anh Bảy chị Bảy quá thương rồi, và thương đồng đạo quá! Nữa em mà về trên trển được rồi là em quay trở lại liền!
Sau đó khiêng võng đưa anh vào nhà, thân quyến và Ban Hộ Niệm vây quanh trợ niệm. Mắt anh luôn chăm chú hướng về ngôi Tam bảo, tay chắp nơi ngực, miệng niệm Phật theo mọi người. Đến 3 giờ chiều anh mỉm cười rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Nhằm ngày 30 tháng 2 năm 2010, anh hưởng dương 41 tuổi.
***
Cuộc hộ niệm vẫn tiếp tục duy trì. Có ông anh vợ thứ Hai hay tin anh mất, khi đến nơi thấy anh nằm trên võng với tư thế như vậy, ông bèn cất tiếng:
- Sao mà không ẳm nó xuống để ngay ngắn lại, mà để như vầy, nữa cắt nhượng chớ làm sao mà kéo ra!
Vì mẹ ông mới mất ở tuần lễ trước, qua hơn một giờ thì các khớp xương của bà cứng đơ cứng còng. Nên vừa nói xong, ông bước vô chuẩn bị ra tay để sửa. Chị ruột của anh thấy thế bèn ngăn lại. Ông tức giận liền bỏ ra ngoài. Những người lối xóm cứ xầm xì với nhau:
- Trừ ra cắt nhượng …chớ làm sao!
Và có vài âm thanh phụ họa theo:
- Lo niệm riết… chắc sình quá!
***
Hộ niệm đến 4 giờ sáng hôm sau, gương mặt anh vẫn còn cười toe toét, tay vẫn còn chắp lại nơi ngực. Ai tới thăm nhìn thấy cũng đồng nói anh nằm ngủ anh cười, chớ không ai nói là anh chết cả. Khi sờ thăm thi thể thì thấy các khớp xương mềm mại, bụng không còn cứng, các nơi đều lạnh duy chỉ còn đỉnh đầu ấm nóng.
(Thuật theo lời Nguyễn Thị Nga là chị thứ Hai của anh và Tú Thị Sang vợ của anh.)