Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 54 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 54


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.54 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.65 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
CHƯƠNG III
NGŨ BÁCH KẾT TẬP

[966a19] Sau khi đức Thế Tôn bát-niết-bàn giữa rừng Sa-la,[1] trong khu vườn của người Mạt-la,[2] thành Câu-thi,[3] những người Mạt-la rửa xá-lợi[4] của Phật xong, dùng kiếp-bối sạch gói lại, lấy năm trăm trương điệp theo thứ tự quấn lại, để trong kim quan bằng sắt, rồi đổ đầy dầu thơm vào; sau đó để xá lợi vào giữa và đậy nắp lại. Rồi lại làm cái quách bằng gỗ, đặt kim quan vào giữa. Bên dưới chất một đống củi bằng loại gỗ thơm. Khi ấy, thủ lĩnh của người Mạt-la cầm lửa đốt. Bấy giờ, chư Thiên liền làm cho lửa tắt. Các Đại Mạt-la Tử khác lần lượt cầm cây đuốc lớn để đốt. Chư Thiên cũng đều dập tắt ngọn lửa. A-na-luật nói với những người Mạt-la rằng:
«Không cần phải khổ nhọc như vậy. Chư Thiên dập tắt lửa của các ông.»
Họ hỏi A-na-luật:
«Thưa Đại đức, vì sao Chư Thiên lại dập tắt lửa?»
A-na-luật trả lời:
«Vì Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp cùng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị hiện trên lộ trình đến đây, còn đang ở giữa hai nước Ba-bà và Câu-thi. Trưởng lão nghĩ rằng, ‘Ta có thể thấy được xá-lợi Phật, khi chưa thiêu hay chăng?’ Chư Thiên biết tâm niệm của Ca-diếp như vậy, cho nên đã dập tắt lửa.»
Những người Mạt-la nói:
«Đại đức A-na-luật, nay tạm đình hoãn, chìu theo ý Chư Thiên vậy.»
Bấy giờ, Ma-ha Ca-diếp cùng đại tỳ-kheo Tăng gồm năm trăm vị đang trên đường đi giữa hai nước kia, gặp một người Ni-kiền[5] cầm cành hoa mạn-đà-la[6] từ chỗ đức Thế Tôn Niết-bàn ngược chiều đi đến. Ca-diếp thấy, bèn hỏi:
«Ông từ đâu đến đây?»
Người ấy trả lời:
«Tôi từ thành Câu-thi đến.»
Ca-diếp lại hỏi:
«Có biết đức Thế Tôn của chúng tôi không?»
Trả lời:
«Biết.»
Lại hỏi:
«Nay Ngài còn tại thế chăng?»
Trả lời:
«Không còn tại thế. Nhập Niết-bàn trước đây bảy ngày rồi. Tôi từ đó cầm nhánh hoa này đến đây.»
Ca-diếp nghe rồi, không vui. Trong số đó, có những tỳ-kheo chưa ly dục, nghe đức Thế Tôn đã Niết-bàn, liền gieo mình xuống đất. Cũng như cây bị chặt gốc ngã xuống; các vị chưa ly dục này cũng lại như vậy. Khóc than rằng:
«Ôi! Đức Thiện thệ Niết-bàn sao quá sớm vậy? Ôi! Con mắt sáng của thế gian sao tắt nhanh vậy? Ôi! Chánh pháp mà chúng ta tuân thừa sao có thể diệt tận?»
Có vị lăn tròn dưới đất. Cũng như khúc cây, các tỳ-kheo chưa ly dục này cũng lại như vậy. Than khóc sầu não rằng:
«Ôi! Đức Thiện thệ sao Niết-bàn quá sớm vậy?»
Khi ấy Bạt-nan-đà Thích tử[7] cũng ở trong chúng, nói với các tỳ-kheo:
«Thôi đủ rồi! Các Trưởng lão, đừng khóc nữa, đừng quá ưu sầu. Chúng ta nay đã thoát khỏi vị Ma-ha-la[8] ấy rồi. Lão ấy khi còn sống thường dạy chúng ta: ‘Cái này nên; cái này không nên. Phải làm điều này, không được làm điều này.’ Nay chúng ta được tự do làm theo ý muốn của mình. Muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi.»
Đại Ca-diếp nghe như vậy không vui, liền bảo các tỳ-kheo rằng:
«Hãy đứng lên! Nhanh chóng cầm y bát để kịp thời thấy xá-lợi của đức Thế Tôn trước khi chưa thiêu.»
Các tỳ-kheo nghe Ca-diếp nói liền vội vã ôm cầm y bát để đi. Đại Ca-diếp cùng năm trăm vị đến thành Câu-thi rồi, ra khỏi thành, vượt qua sông Hê-lan-nhã,[9] đến chùa Thiên quan,[10] chỗ tôn giả A-nan, nói:
«Này A-nan, tôi muốn kịp thấy xá-lợi Thế Tôn khi chưa thiêu.»
Tôn giả A-nan trả lời:
«Muốn kịp thấy xá-lợi của đức Thế Tôn khi chưa thiêu, thật là khó. Vì sao vậy? Xá-lợi đức Thế Tôn đã được tắm rửa, được bọc bằng kiếp-bối mới, rồi dùng năm trăm trương điệp tuần tự quấn lại, để trong kim quan bằng sắt, đổ đầy bằng dầu thơm, rồi để vào trong một cái quách bằng gỗ. Dưới cái quách chất một đống củi bằng cây thơm. Nay sắp sửa đốt. Cho nên khó có thể thấy được.»
Bấy giờ, Đại Ca-diếp từ từ bước đến chỗ kim quan đựng xá-lơi của Phật. Khi ấy cái quan và cái quách liền tự mở ra, chân đức Thế Tôn hiện ra. Đại Ca-diếp thấy dấu bánh xe dưới bàn chân Thế Tôn có vết bẩn, liền hỏi tôn giả A-nan:
«Nhan dung của đức Thế Tôn đoan chánh, thân thể bằng sắc vàng, ai làm bẩn dấu bánh xe dưới chân?»
Tôn giả A-nan trả lời với Đại Ca-diếp:
«Bạch Đại đức Ca-diếp, tâm người nữ[11] mềm yếu. Khi kính lễ đức Thế Tôn, người ấy khóc. Nước mắt rớt xuống đó, rồi lấy tay nắm nên làm bẩn chân đức Thế Tôn.»
Đại Ca-diếp nghe nói, không vui, rồi kính lễ dưới chân đức Thế Tôn. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, chư Thiên, đại chúng cũng đều kính lễ chân đức Thế Tôn. Bấy giờ, chân đức Thế Tôn hoàn lại trong kim quan, không còn hiện nữa. Đại Ca-diếp buồn than, nói kệ, nhiễu quanh kim quan bảy vòng, rồi lửa không châm mà tự nhiên cháy.
Đại Ca-diếp, sau khi lễ hỏa thiêu xá-lợi rồi, vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, kể lại rằng:
«Trên đường đi về đây, tôi nghe Bạt-nan-đà nói với các tỳ-kheo như sau: ‘Thôi đủ rồi! Các Trưởng lão, đừng khóc nữa, đừng quá ưu sầu. Chúng ta nay đã thoát khỏi vị Ma-ha-la ấy rồi. Lão ấy khi còn sống thường dạy chúng ta: Cái này nên, cái này không nên; phải làm điều này, không được làm điều này. Nay chúng ta được tự do làm theo ý muốn của mình. Muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi.’»
Đại Ca-diếp nói:
«Nay, chúng ta hãy cùng nhau luận Pháp, Tỳ ni. Chớ để cho ngoại đạo nói thêm nhiều điều, biếm nhẽ rằng, ‘Pháp và Luật của Sa-môn Cù-đàm như khói. Khi Thế Tôn ấy còn sống, mọi người cùng học giới. Nay người ấy mất rồi, không còn ai học giới nữa.’ Các Trưởng lão, nay hãy lựa chọn cá tỳ-kheo đa văn, trí tuệ, là những vị A-la-hán.»
Bấy giờ, chọn được bốn trăm chín mươi chín vị đều là A-la-hán, đa văn trí tuệ. Các tỳ-kheo đề nghị:
«Nên chọn tôn giả A-nan ở trong số này.»
Đại Ca-diếp nói:
«Chớ chọn A-nan vào trong số đó.»
Hỏi:
«Vì sao vậy?»
Đáp:
«Vì A-nan còn có ái, nhuế, bố, si. Người có ái nhuế bố si thì không nên chọn vào trong số đó.»
Khi ấy, các tỳ-kheo lại nói:
«Tôn giả A-nan là người cúng dường[12] Phật, thường đi theo Phật, đích thân thọ nhận giáo pháp từ đức Thế Tôn. Đây đó, những chỗ nghi vấn, chắc chắn tôn giả đã thưa hỏi đức Thế Tôn. Vậy nên cần được chọn vào trong số đó.»
Rồi tôn giả được chọn vào trong số.
Các tỳ-kheo đều nghĩ, «Chúng ta nên chọn chỗ nào mà tập hội để luận [967a1]Pháp và Tỳ-ni, chỗ mà ẩm thực và ngọa cụ được đầy đủ không thiếu?» Tất cả đều nói, «Chỉ có thành Vương-xá là nơi mà phòng xá, ẩm thực và ngọa cụ được đầy đủ dồi dào. Nay chúng ta nên đến đó tập hợp để luận Pháp và Tỳ ni.»
Bấy giờ, Đại Ca-diếp liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Các tỳ-kheo này được Tăng sai. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đến thành Vương-xá tập hội để luận Pháp và Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, tất cả đều đến Tỳ-xá-ly.
Khi ấy, A-nan đang trên đường đi, nơi chỗ thanh vắng, tâm tự suy nghĩ rằng, «Ví như con trâu nghé mới sanh còn bú sữa, cùng năm trăm con trâu lớn đồng đi. Nay ta cũng như vậy. Là hàng hữu học, còn có việc phải làm,[13] mà cùng đi với năm trăm vị A-la-hán!»
Bấy giờ, các Trưởng lão đều đến Tỳ-xá-ly. A-nan cũng đang trụ tại Tỳ-xá-ly. Các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, các bà-la-môn, ngoại đạo đều đến thăm hỏi. Mọi người tụ hội đông đảo.
Bấy giờ, có tỳ-kheo Bạt-xà Tử[14] có đại thần lực, đã đặng thiên nhãn, biết được tâm trí của người khác, suy nghĩ: «Hiện nay, A-nan cũng đang ở tại Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các bà-la-môn ngoại đạo đều đến thăm hỏi. Mọi người tụ hội đông đảo. Nay ta nên quán sát xem A-nan là người hữu dục hay vô dục?» Sau khi quán sát biết A-nan là người hữu dục chứ chẳng phải vô dục. Tỳ-kheo lại nghĩ, «Nay ta nên khiến cho A nan sanh tâm yểm ly.» Vì muốn khiến tôn giả A-nan sanh tâm yểm ly, nên Bạt-xà Tử liền nói bài kệ:
Dưới gốc cây chỗ khuất,
Tâm tư hướng Niết-bàn.
Tọa thiền đừng buông lung.
Nói nhiều để làm gì?
Tôn giả A-nan nghe tỳ-kheo Bạt-xà Tử nói pháp yểm ly rồi, liền ở riêng một mình, tinh tấn không buông lung, tịch nhiên, không loạn động. Đây là pháp vị tằng hữu[15] của A-nan. Bấy giờ, tôn giả A-nan ở chỗ đất trống, trải giường giây, hầu hết suốt đêm đi kinh hành, đến lúc gần sáng, khi tướng bình minh sắp xuất hiện, thân mỏi mệt, nghĩ rằng, «Nay ta quá mỏi mệt, cần ngồi một chút.» Nghĩ xong, liền ngồi; rồi nghiêng mình muốn nằm. Trong khoảnh khắc, khi đầu chưa đến gối, bỗng nhiên tâm đắc vô lậu giải thoát. Đây là pháp vị tằng hữu của tôn giả A-nan.
A-nan đắc A-la-hán rồi, liền nói kệ:
Đa văn, nói rất nhiều.
Thường hầu hạ Thế Tôn.
Đã đoạn sanh tử xong
Nay Cù-đàm[16] muốn nằm.
Các tỳ-kheo từ Tỳ-xá-ly đến thành Vương xá, nói:
«Trước khi luận Pháp và Tỳ-ni, chúng ta cần làm việc gì? Sửa soạn phòng xá, ngọa cụ trước, hay luận Pháp, Tỳ-ni trước?»
Tất cả đều nói, tu bổ phòng xá, ngọa cụ trước.
Bấy giờ, Đại Ca-diếp vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng. Trong số này, Đà-hê-la Ca-diếp làm Thượng tọa. Trưởng lão Ba-bà-na là Thượng tọa thứ hai.[17] Đại Ca-diếp là Thượng tọa thứ ba. Trưởng lão Đại Châu-na là Thượng tọa thứ tư.
Bấy giờ, Đại Ca-diếp biết Tăng sự liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tập hợp để luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Khi ấy, tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, bạch Đại Ca-diếp:
«Tôi trực tiếp nghe từ đức Phật, ghi nhớ lời Phật có dạy rằng, ‘Từ nay về sau, vì các tỳ-kheo bỏ các giới nhỏ tiểu tiết.’»[18]
Ca-diếp hỏi A-nan:
«Ông có hỏi đức Thế Tôn, giới nào là giới nhỏ tiểu tiết hay không?»
Tôn giả A-nan trả lời:
«Lúc ấy tôi sầu ưu nên quên, không hỏi điều đó.»
Các tỳ-kheo đều nói:
«Đến đây. Tôi sẽ nói với ông, trong giới nhỏ tiểu tiết.»
Hoặc có vị nói, trừ bốn ba-la-di, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di và mười ba sự, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, mười ba việc, và hai bất định, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, mười ba việc, hai bất định, và ba mươi việc, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Hoặc nói, trừ bốn ba-la-di, cho đến chín mươi việc, ngoài ra là giới nhỏ tiểu tiết. Đại Ca-diếp bảo các tỳ-kheo:
«Các Trưởng lão! Nay, trong chúng mỗi vị nói một cách, không biết giới nào là giới nhỏ tiểu tiết. Từ nay về sau, nên cùng nhau lập ước chế: ‘Nếu trước đây, những gì đức Phật không chế cấm thì nay không nên chế cấm. Trước đây những gì đức Phật chế cấm thì nay không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những gì mà đức Phật đã quy định.»
Đại chúng đều lập chế hạn như vậy.
Đại Ca-diếp[19] nói với A-nan:
«Ông là người đầu tiên thỉnh cầu Phật độ người nữ xuất gia ở trong Phật Pháp, mắc tội đột-kiết-la. Nay nên sám hối.»
Tôn giả A-nan trả lời:
«Bạch Đại đức, điều này tôi không cố ý làm. Ma-ha Ba-xà-ba-đề có đại ân đối với đức Phật. Phật mẫu qua đời, nuôi nấng Thế Tôn. Bạch Đại đức, nay tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.»
Đại đức Ca-diếp lại nói:
«Ông khiến Thế Tôn phải ba lần yêu cầu ông làm thị giả, mà ông nói không làm, phạm đột-kiết-la tội. Nay ông nên sám hối.»
Tôn giả A-nan trả lời với Đại Ca-diếp:
«Điều này, tôi không cố ý làm. Bởi vì làm thị giả Phật là việc rất khó, nên tôi nói là tôi không thể. Nay, tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.»
Đại đức Ca-diếp lại nói:
«Ông vá y Tăng-già-lê cho đức Phật, dùng chân đạp để vá, mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.»
A-nan trả lời Đại đức Ca-diếp:
«Điều này, tôi không cố ý làm. Chẳng phải tôi có tâm khinh mạn mà làm như vậy. Vì không có ai cầm nên tôi phải làm như vậy. Nay, tôi đối với việc này, không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.»
Ca-diếp nói:
«Đức Thế Tôn muốn Niết-bàn, ba phen nói với ông. Ông không thỉnh đức Thế Tôn ở lại thế gian một kiếp hay hơn một kiếp, để cho vô số người được lợi ích, vì thương tưởng thế gian, vì sự an lạc cho chư thiên, nhân loại. Ông mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.»
Tôn giả A-nan thưa:
«Bạch Đại đức Ca-diếp, điều này không phải tôi cố làm, mà do ma ám tâm tôi, khiến tôi không thỉnh Phật ở đời thêm nữa. Trong đây, tôi không tự thấy có tội, nhưng vì kính tín Đại đức, nên xin sám hối.»
Ca-diếp lại nói:
«Đức Thế Tôn bảo ông lấy nước, ông không lấy, mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.»
A-nan thưa:
«Điều nầy không phải tôi cố ý làm. Nhưng vì lúc ấy có năm trăm chiếc xe đi ngang qua phía trên dòng nước, nên nước bị đục. Sợ đức Thế Tôn uống bị bệnh, nên tôi không lấy.»
Ca-diếp nói:
«Khi ấy ông lấy thì hoặc do oai thần của Phật, hoặc chư Thiên khiến cho nước được trong.»
A-nan nói:
«Trong đây, tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.»
Ca-diếp lại nói:
«Ông không thưa hỏi đức Thế Tôn, giới nhỏ tiểu tiết, là những giới nào, mắc tội đột-kiết-la. Nay nên sám hối.»
Ông A-nan thưa:
«Điều này, chẳng phải tôi cố ý làm, mà vì lúc ấy tôi sầu ưu, không nhớ để thưa hỏi đức Thế Tôn giới nào là giới nhỏ, tiểu tiết. Trong đây, tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên xin sám hối.»
Ca-diếp lại nói:
«Ông không ngăn người nữ, để cho họ làm bẩn chân đức Phật. Mắc tội đột-kiết-la. Nay phải sám hối.»
Tôn giả A-nan thưa:
«Điều này chẳng phải tôi cố làm, mà là do người nữ tâm mềm yếu nên khi kính lễ chân Phật, [968a1] khóc chảy nước mắt, lấy tay lau, làm bẩn chân đức Phật. Trong đây tôi không tự thấy có tội. Nhưng vì kính tín Đại đức nên nay xin sám hối.»
Khi ấy, Đại Ca-diếp liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Ưu-ba-ly Pháp Tỳ-ni. Đây là lời tác bạch.»
Khi ấy Ưu-ba-ly liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Thượng tọa Ca-diếp hỏi, tôi đáp. Đây là lời tác bạch.»
Đại Ca-diếp liền đặt câu hỏi:
«Giới ba-la-di thứ nhất, duyên khởi tại chỗ nào? Ai là người phạm đầu tiên?»
Ưu-ba-ly trả lời:
«Duyên khởi, đầu tiên tại Tỳ-xá-ly. Tu-đề-na Ca-lan-đà Tử là người phạm đầu tiên.»
«Giới thứ hai, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại thành Vương-xá. Tỳ-kheo Đà-ni-già,[20] con ông thợ đồ gốm, phạm đầu tiên.»
Lại hỏi:
«Giới thứ ba, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tai Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu phạm đầu tiên.»
Lại hỏi:
«Giới thứ tư, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại Tỳ-xá-ly. Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu phạm đầu tiên.»
Lại hỏi:
«Giới thứ nhất của Tăng tàn, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Ca-lưu-đà-di là người phạm đầu tiên.»
Như vậy, lần lượt tùy theo chỗ phát khởi đầu tiên như phần đầu đã nói.
Lại hỏi:
«Giới thứ nhất, bất định pháp, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Người phạm đầu tiên là Ca-lưu-đà-di.»
Giới thứ hai cũng vậy.
Lại hỏi:
«Ni-tát-kỳ ba-dật-đề, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo phạm đầu tiên.»
Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói.
Lại hỏi:
«Ba-dật-đề, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại Thích-sí-sấu. Tỳ-kheo Tượng Lực Thích tử là người phạm đầu tiên.»
Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói.
Lại hỏi:
«Ba-la-đề-đề-xá-ni duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc là duyên khởi.»
Thứ hai, thứ ba, thứ tư, như phần đầu đã nói.
Lại hỏi:
«Thứ nhất, chúng học pháp, duyên khởi đầu tiên ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo phạm đầu tiên.»
Như vậy, lần lượt, như phần đầu đã nói.
Giới riêng của tỳ-kheo-ni, như luật đã nói.
Lại hỏi:
«Đầu tiên cho phép thọ đại giới, duyên khởi ở chỗ nào?»
«Tại Ba-la-nại, năm tỳ-kheo.»
Lại hỏi:
«Đầu tiên cho phép thuyết giới ở đâu?»
«Tại thành Vương xá, vì các niên thiếu tỳ-kheo.»
Lại hỏi:
«Đầu tiên cho phép an cư ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo là duyên khởi.»
Lại hỏi:
«Ban đầu duyên khởi tự tứ ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo là duyên khởi.»
Như vậy, lần lượt hỏi cho đến Tỳ-ni Tăng nhất.
Bấy giờ, các vị tập hợp tất cả phần việc của tỳ-kheo thành một nhóm gọi là «Luật tỳ-kheo.» Phần việc của tỳ-kheo-ni thành một nhóm gọi là «Luật tỳ-kheo-ni.» Tất cả các pháp liên hệ thọ giới thành một nhóm gọi là «Kiền độ Thọ giới.» Tất cả các pháp bố-tát thành một nhóm gọi là «Kiền độ Bố-tát.» Tất cả các pháp an cư thành một nhóm gọi là «Kiền độ An cư.» Tất cả các pháp tự tứ thành một nhóm gọi là «Kiền độ Tự tứ.» Tất cả các pháp liên hệ sử dụng da thuộc thành một nhóm gọi là «Kiền độ Da thuộc.» Tất cả các pháp liên hệ y phục thành một nhóm gọi là «Kiền độ Y.» Tất cả các pháp liên hệ sự dùng thuốc thành một nhóm gọi là «Kiền độ Dược.» Tất cả các pháp liên hệ Ca-thi-na y thành một nhóm gọi là «Kiền độ Ca-thi-na y.» Hai bộ luật, tất cả những Kiền độ, Điều bộ, Tỳ-ni Tăng nhất, tập hợp lại gọi là «Tỳ-ni tạng.»
Bấy giờ, Đại Ca-diếp liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi A-nan Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Khi ấy, tôn giả A-nan liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Đại Ca-diếp hỏi, tôi trả lời. Đây là lời tác bạch.»
Đại đức Ca-diếp liền hỏi A-nan:
«Kinh Phạm động[21] được nói ở chỗ nào? Tăng nhất,[22] nói ở đâu? Tăng thập,[23] nói tại chỗ nào? Kinh nói về việc thế giới thành bại,[24] nói ở đâu? Kinh Tăng-kỳ-đà,[25] nói ở chỗ nào? Kinh Đại nhơn duyên,[26] nói ở đâu? Kinh Thiên đế Thích hỏi,[27] nói ở đâu?»
Tôn giả A-nan đều trả lời như được nói trong Kinh Trường A-hàm.
Các vị liền tập hợp tất cả các kinh dài lại gọi là «Trường A-hàm», tất cả kinh trung gọi là «Trung A-hàm.» Từ một việc, cho đến mười việc; từ mười việc cho đến mười một việc gọi là «Tăng nhất.» Nhặt lượm[28] những điều liên quan đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, chư Thiên, Đế Thích, Ma, Phạm vương, tập lại gọi là «Tạp A-hàm.»
Như thị sanh kinh,[29] Bổn kinh,[30] Thiện nhơn duyên kinh,[31] Phương đẳng kinh,[32] Vị tằng hữu kinh,[33] Thí dụ kinh,[34] Ưu-bà-đề-xá kinh,[35] Cú nghĩa kinh,[36] Pháp cú kinh,[37] Ba-la-diên kinh,[38] Tạp nan kinh,[39] Thánh kệ kinh[40]: các kinh như vậy tập hợp lại thành Tạp tạng. Có nạn không nạn ràng buộc tương ưng với nhau, tập hợp lại thành A-tỳ-đàm tạng. Bấy giờ, những lời dạy của đức Phật được tập hợp lại thành Ba tạng.
Bấy giờ, Trưởng lão Phú-la-na[41] nghe tại thành Vương-xá, có năm trăm vị A-la-hán cùng nhau tập hợp Pháp Tỳ-ni, liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo, đến thành Vương-xá, chỗ Đại Ca-diếp nói:
«Tôi nghe Đại đức cùng năm trăm vị A-la-hán cùng nhau tập hợp Pháp Tỳ-ni, tôi cũng muốn dự nghe pháp.»
Đại Ca-diếp, vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng vì số tỳ-kheo này hỏi lại Ưu-ba-ly, cho đến tập hợp thành Ba Tạng như trên đã nói.
Phú-la-na thưa Đại đức Ca-diếp rằng:
«Tôi nhất trí tất cả, chỉ trừ tám việc.[42] Thưa Đại đức, chính tôi nghe từ đức Phật và nhớ kỹ không quên, đức Phật cho phép: ngủ với thức ăn, nấu thức ăn trong giới, tự mình nấu thức ăn, tự mình lấy thức ăn, thọ thực lúc sáng sớm, từ người kia mang thức ăn đến, nếu có tạp quả, hoặc nước trong ao chảy ra mà có vật có thể ăn được thì được ăn. Tám trường hợp trên Phật đều cho phép không làm pháp dư thực mà được ăn.»
Đại Ca-diếp trả lời:
«Thật đúng như lời Thầy nói. Đức Thế Tôn vì lúc mất mùa, lúc gạo khan hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó, đã từ mẫn đối với tỳ-kheo nên cho phép tám việc như vậy. Khi nào được mùa lúa gạo đầy đủ thức ăn nhiều thì Phật liền chế cấm, không cho phép làm như vậy.»
Phú-la-na lại nói:
«Thưa Đại đức Ca-diếp, đức Thế Tôn là bậc Nhất thiết tri kiến, không bao giờ cấm rồi lại mở; mở rồi lại cấm.»
Đại Ca-diếp trả lời:
«Vì đức Thế Tôn là bậc nhất thiết trí kiến nên mới cấm rồi lại mở, mở rồi lại cấm. Này Phú-la-na, chúng ta nên lập chế ước như vầy: Những gì đức Phật không cấm thì không nên cấm. Những gì đức Phật chế cấm thì không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những chế giới của đức Phật.»[43]
Tại thành Vương xá, năm trăm vị A-la-hán, cùng nhau kiết tập Pháp Tỳ-ni, cho nên gọi là: «Tập Pháp Tỳ ni ngũ bách nhơn.»
CHƯƠNG IV.
THẤT BÁCH KẾT TẬP

[968c19] Sau khi đức Thế Tôn Bát-niết bàn một trăm năm, tại Tỳ-xá-ly, các tỳ-kheo người Bạt-xà[1] thi hành mười việc, nói là pháp thanh tịnh, được đức Phật cho phép: được phép hai ngón tay lấy thức ăn, được phép giữa xóm làng, được phép trong chùa, được phép về sau hứa khả, được phép thường pháp, được hòa, được phép muối ngủ chung, được phép uống rượu xà-lâu-la, được phép chứa ngọa cụ không cắt rọc, được nhận vàng bạc.[2] Ngày bố-tát, đàn-việt cúng vàng bạc, họ chia cho nhau.
Bấy giờ, có Da-xá Già-na Tử[3] nghe tỳ-kheo Tỳ-xá-ly làm việc như vậy, liền đến chỗ tỳ-kheo người Bạt-xà, thì thấy họ khuyên đàn-việt khi bố-tát cúng dường vàng bạc cho chúng Tăng. Giữa Tăng, họ xướng, chia phần cho tỳ-kheo Già-na Tử. Tỳ-kheo liền nói:
«Tôi không nhận.»
«Tai sao vậy?»
«Sa-môn Thích tử không được thọ nhận và cất giữ vàng bạc. Sa-môn Thích tử xả bỏ châu báu, không đắm nơi sự trang sức đẹp.»
Vào một ngày khác, họ phân chia xong, mang đến cho tỳ-kheo [969a1] Già-na Tử. Già-na Tử nói:
«Tôi không cần. Trước đây tôi đã nói Sa-môn Thích tử xả bỏ châu báu, không đắm vào sự trang sức đẹp đẽ.»
Họ liền nói:
«Ưu-bà-tắc nơi Tỳ-xá-ly giận. Thầy đến giáo hóa khiến cho họ hoan hỷ.»
Rồi sai người cùng đi. Tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử đến Tỳ-xá-ly, chỗ ưu-bà-tắc, nói:
«Thật sự các người giận lời nói của tôi phải không? Tôi nói: Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc, xả bỏ trân bảo, không đắm vào việc trang sức đẹp đẽ. Này, ưu-bà-tắc, khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bấy giờ trong cung, quần thần của Vua, tập họp nói Sa-môn Thích tử được nhận vàng bạc, không xả bỏ châu báu, say đắm vào việc trang sức cho đẹp. Bấy giờ, trong nhóm quần thần kia có đại trưởng giả Châu Kế[4] nói với các đại thần rằng: ‘Không được nói Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc, không xả bỏ châu báu, đắm say vào việc trang sức cho đẹp. Tại sao vậy? Vì Sa-môn Thích tử không những không được phép nhận vàng bạc, mà còn xả bỏ châu báu, không đắm say vào việc trang sức đẹp.’ Bấy giờ, trưởng giả Châu Kế vì các đại thần giải thích nói rõ ràng, khiến họ hiểu và hoan hỷ. Sau đó, một thời gian Trưởng giả Châu Kế đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên trước kia bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ, rồi thưa: ‘Con giải thích rõ ràng, khiến họ hoan hỷ. Bạch đức Thế Tôn, con nói như vậy có trái với Thánh chỉ, không như pháp đã dạy sao?’ Đức Phật dạy ông trưởng giả: ‘Như lời ông nói là đúng pháp, đúng sự thật, không trái với giáo pháp đức Thế Tôn. Tại sao vậy? Vì Sa-môn Thích tử không được phép nhận lấy vàng bạc; xả bỏ châu báu, không đắm vào việc trang sức cho đẹp. Người nào nhận lấy vàng bạc tức là thụ hưởng ngũ dục. Thọ ngũ dục thì không phải Sa-môn Thích tử. Này ông Trưởng giả! Nếu thấy Sa-môn Thích tử nào cầm nắm vàng bạc, quyết định người ấy không phải là sa-môn Thích tử. Ta có nói, cho phép, ai cần tre, lau, cỏ, cây, được phép cầu xin; nhưng không bao giờ được phép tự mình nhận lấy vàng bạc.’[5] Này Lê-xa, vì nhân duyên trên nên sa-môn Thích tử không được phép nhận lấy vàng bạc, xả bỏ châu báu, không đắm say vào việc trang sức cho đẹp.
«Này Lê-xa, lại có một hôm, khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ-hoàn. Ngài bảo các tỳ-kheo, có bốn trường hợp khiến cho mặt trời, mặt trăng không sáng tỏ, đó là A-tu-la, khói mây, sương và bụi. Bốn trường hợp này khiến cho mặt trời mặt trăng không sáng tỏ. Sa-môn Bà-la-môn cũng có bốn việc ô nhiễm bụi bẩn khiến cho sa-môn bà-la-môn không chói sáng. Đó là, nếu sa-môn bà-la-môn nào không thể trừ bỏ việc uống rượu, thì đây là bụi bẩn thứ nhất; hoặc có sa-môn bà-la-môn nào làm pháp ái dục, không thể xả ly, thì đây là bụi bẩn thứ hai; hoặc có sa-môn bà-la-môn nào nhận lấy vàng bạc, không xả bỏ sự trang sức cho tốt đẹp, thì đây là bụi bẩn thứ ba; hay có sa-môn, bà-la-môn nào dùng tà mạng để nuôi sống, không thể đoạn trừ, thì đây là bụi bẩn thứ tư, đó gọi là bốn việc. Vì bốn việc này cho nên khiến sa-môn bà-la-môn ô uế không sáng tỏ, không có sự sáng chói. Đức Thế Tôn nói kệ:
Sa-môn, bà-la-môn
Bị bẩn bởi tham dục,
Bị ngu si che lấp
Ái trước nơi sắc đẹp.
Uống rượu, tâm tán loạn;
Rồi làm pháp ái dục;
Nhận lấy vật quý báu;
Đây là kẻ vô trí.
Sa-môn bà-la-môn
Nuôi sống bằng tà mạng.
Phật nói đây là xấu.
Như mặt trời bị che,
Ánh sáng không chiếu soi,
Ô uế không tinh sạch.
Bị che bởi bóng tối,
Người bị ái dục sai,
Tạo ác, không thiện nghiệp,
Người si đâu hành đạo?
Oán tắng lại càng thêm
Lại thọ thân đời sau.
«Này Ly-xa, vì những nhân duyên như vậy, các ông nên biết, Sa-môn Thích tử không được thọ nhận vàng bạc, trừ bỏ sự trang sức. Các ông không tin lời nói của tôi hay sao?»
Ly-xa nói:
«Không phải tôi không tin. Tôi rất kính tín đối với Ngài. Ngài có thể cư trú tại Tỳ-xá-ly này. Chúng tôi sẽ cung cấp y phục ẩm thực y dược, và tất cả thứ cần dùng.»
Bấy giờ, tỳ-kheo Già-na tử vì các Ly-xa giải bày khiến họ được hoan hỷ rồi, cùng tỳ-kheo sứ giả kia trở về chỗ tỳ-kheo Bà-xà Tử.[6] Từ xa thấy tỳ-kheo Già-na Tử đến, Bà-xà Tử liền hỏi tỳ-kheo sứ giả rằng:
«Tỳ-kheo Già-na Tử đã giải thích khuyến dụ các Ly-xa khiến họ tin tưởng rồi phải không?»
Tỳ-kheo sứ giả trả lời:
«Vâng. Họ đã kính tín Già-na Tử. Chúng ta chẳng phải Sa-môn Thích tử.»
Tỳ-kheo Bà-xà Tử hỏi:
«Tại sao vậy?»
Sứ giả liền đem nhân duyên trước trình bày đầy đủ. Tỳ-kheo Tỳ-xá-ly nói với tỳ-kheo Già-na tử rằng:
«Trước đây Thầy mắng chửi chúng Tăng. Thầy có thấy tội hay chăng?»
Già-na Tử trả lời:
«Tôi không mắng chửi chúng Tăng.»
Vị kia liền tập chúng để cử tội.
Tỳ-kheo Già-na Tử liền nghĩ: «Tránh sự này nếu được Trưởng lão Ly-bà-đa[7] trợ bạn ta thì có thể chấm dứt như pháp.»
Già-na tử liền hỏi thăm người khác để biết Ly-bà-đa hiện ở đâu. Người được hỏi trả lời: «Nghe nói ở bên bờ sông Bà-kha.»[8] Già-na Tử liền đến bên Sông Bà-kha. Ly-bà-đa lúc ấy không có ở đó. Già-na Tử hỏi: «Ly-bà-đa hiện ở đâu?» Người ở tại đó trả lời: «Nghe nói hiện ở nước Già-na-ủy-xà.[9] Già-na Tử liền đến nước đó, nhưng cũng không gặp Ly-bà-đa. Hỏi, được biết Ly-bà-đa hiện ở tại nước A-già-lâu-la.[10] Già-na Tử đến nước đó, lại cũng không có Ly-bà-đa, và hỏi tiếp được biết Ly-bà-đa hiện ở nước Tăng-già-xa.[11] Già-na tử liền đến đó, gặp được Ly-bà-đa hiện đang ở tại đó.
Bấy giờ, chúng đang tập hợp, Già-na Tử hỏi vị đệ tử thị giả của Ly-bà-đa rằng:
«Đại đức Trưởng lão Ly-bà-đa của Thầy có đến trong chúng không?»
Vị thị giả trả lời:
«Ngài sẽ đến.»
Khi ấy, Ly-bà-đa đến thuyết pháp cho chúng nghe xong, quá nữa đêm, cầm ni-sư-đàn trở về lại thất.
Khi ấy, Da-xá Già-na Tử cũng ở trong chúng nghe pháp rồi, quá nửa đêm cầm ni-sư-đàn đến chỗ Ly-bà-đa, nghĩ rằng: «Bây giờ là thời gian thích hợp. Ta sẽ trình bày đầy đủ nhân duyên để Ly-bà-đa nghe.»
Già-na tử liền hỏi Ly-bà-đa:
«Kính thưa Đại đức Thượng tọa, được phép hai ngón tay lấy thức ăn[12] hay không?»
Ly-bà-đa hỏi lại:
«Hai ngón tay lấy thức ăn, là thế nào?»
Già-na Tử thưa:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, được dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn không?»
Ly-bà-đa nói:
«Không được làm như vậy.»
Già-na tử hỏi:
«Điều này đức Phật chế cấm tại chỗ nào?»[13]
Ly-bà-đa trả lời:
«Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm phép dư thực mà ăn, cho nên Phật chế cấm. Già-na Tử lại hỏi:
«Thưa Đại đức Trưởng lão, được giữa xóm làng[14] hay không?»
Ly-bà-đa hỏi lại:
«Được giữa xóm làng, là thế nào?»
Già-na Tử nói:
«Thưa Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, đi đến khoảng giữa hai thôn, được ăn.»
Ly-bà-đa nói:
«Không được làm như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Điều này đức Phật chế cấm ở chỗ nào?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn, cho nên đức Phật chế cấm.»
Già-na Tử hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, được trong chùa[15] hay không?»
Ly-bà-đa hỏi:
«Được trong chùa, là thế nào?»
Già-na Tử trả lời:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, nghĩa là ở trong chùa được biệt chúng yết-ma.»
Ly-bà-đa nói:
«Không [970a1] được làm như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Đức Phật chế cấm điều này ở đâu?»
«Tại thành Vương xá. Chế cấm trong Kiền độ Bố-tát.»
Già-na Tử hỏi:
«Kính Đại đức Trưởng lão, được phép hứa khả sau[16] hay không?»
Ly-bà-đa hỏi lại:
«Thế nào là được phép hứa khả sau?»
Già-na Tử thưa:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, tại nội giới, được phép biệt chúng yết-ma nếu sau đó được hứa khả.»
Ly-bà-đa nói:
«Không được làm như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Điều này đức Phật chế cấm ở chỗ nào?»
«Tại Thành Vương xá. Cấm chế thuộc trong Kiền độ Bố-tát.»
Già-na Tử lại hỏi:
«Được thường pháp[17] hay không?»
Ly-bà-đa lại hỏi:
«Thế nào gọi là được thường pháp?»
Già-na Tử thưa:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, việc này làm như vậy rồi, nói như vậy, xưa nay làm như vậy.»
Ly-bà-đa nói:
«Tỳ-kheo biết chăng? Nên quán sát Tu-đa-la, Tỳ-ni, nghiệm xét Pháp Luật. Nếu không quán sát Tỳ ni không nghiệm xét Pháp Luật, mà trái nghịch Pháp thì, nếu đã làm không nên làm, chưa làm cũng không nên làm. Nếu quán sát Tu-đa-la, Tỳ-ni, kiểm xét Pháp Luật, cùng Tu-đa-la mà cùng pháp luật tương ưng, không trái với pháp sẵn có, thì những điều đã làm hay chưa làm đều nên làm.»
Già-na tử hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, được hòa[18] hay không?»
Ly-bà-đa hỏi:
«Thế nào là được hòa?»
«Bạch Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, dùng tô du, mật, sanh tô, thạch mật, tô, hòa chung lại, được ăn không?»
Ly-bà-đa nói:
«Không được làm như vậy.»
Già-na Tử lại hỏi:
«Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không tác pháp dư thực mà ăn, nên Phật đã chế cấm.»
Già-na tử lại hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, muối ngủ chung[19] được phép không?»
Ly-bà-đa hỏi lại:
«Muối ngủ chung được phép, là thế nào?»
«Bạch Đại đức Trưởng lão, dùng muối ngủ chung nêm trong thức ăn rồi ăn.»
Ly-bà-đa nói:
«Không được làm như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Điều này được đức Phật chế ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Trong Kiền độ Dược đã chế cấm.»
Già-na Tử lại hỏi:
«Bạch Trưởng lão Đại đức, được uống ruợu xà-lâu-la[20] hay không?»
Ly-bà-đa nói:
«Không được uống như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?»
«Tại nước Câu-thiểm-di. Vì Trưởng lão tỳ-kheo Sa-già-đà[21] nên Phật đã chế cấm.»
Già-na Tử lại hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, được phép cất chứa tọa cụ không cắt rọc[22] hay không?»
Ly-bà-đa nói:
«Không được cất chứa như vậy.»
Già-na tử hỏi:
«Điều này đức Phật chế cấm tại chỗ nào?»
«Tại nước Xá-vệ. Vì Nhóm sáu tỳ-kheo nên chế cấm.»
Già-na Tử lại hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, được phép nhận vàng bạc[23] hay không?»
Ly-bà-đa nói:
«Không được thọ nhận như vậy.»
Già-na Tử hỏi:
«Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?»
«Tại thành Vương-xá, vì Bạt-nan-đà Thích Tử nên đã chế cấm.»
Già-na tử thưa:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, tại Tỳ-xá-ly, tỳ-kheo Bà-xà Tử thi hành mười điều này mà nói là như pháp thanh tịnh, là Phật cho phép. Ngày bố-tát họ khuyến khích đàn-việt cúng dường vàng bạc cho chúng Tăng, rồi sai người phân chia.»
Ly-bà-đa nói:
«Thầy đừng nói với người khác.»
«Tại sao vậy?»
«Sợ các tỳ-kheo chỗ hiểu biết không đồng nhau, đưa đến tỳ-kheo không hòa hợp. Tỳ-kheo, Thầy có thể đến trong núi A-vu-hằng hà,[24] nơi đó có tỳ-kheo Tam-phù-đà[25] là đồng Hoà thượng với tôi, cùng với sáu mươi tỳ-kheo Ba-la-ly Tử[26] chung sống. Các vị ấy đều là những người dũng mãnh tinh tấn, không hề có sự sợ sệt. Thầy đem nhân duyên ấy trình bày đầy đủ với các vị ấy đó, rồi cùng hẹn đến bên bờ sông Bà-kha, tôi cũng sẽ đến đó.»
Khi ấy tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử liền đến núi kia, chỗ ở của Tam-phù-đà và đem nhân duyên ấy trình bày đầy đủ với các vị ấy, và hẹn đến bờ sông Bà-kha, sẽ gặp Đại đức Ly-bà-đa cũng đến đó.
Bấy giờ, tỳ-kheo Bà-xà Tử ở Tỳ-xá-ly nghe tỳ-kheo Da-xá Già-na Tử đi các nơi tìm trợ bạn, liền đem chiếc y tốt nhất ở Tỳ-xá-ly đến chỗ người đệ tử của Ly-bà-đa nói:
«Tôi đem chiếc y tốt nhất này đến đây để cúng cho Đại đức Ly-bà-đa. Nhưng thôi, nay không cúng nữa mà xin cúng cho Thầy. Thầy nhận cho.»
Vị đệ tử của Ly-bà-đa nói:
«Thôi! thôi! Tôi không nhận.»
Tỳ-kheo Bà-xà Tử ân cần khuyên, có tánh cách bắt ép khiến cho vị kia nhận. Khi vị kia nhận rồi Bà-xà Tử nói:
«Thưa Trưởng lão, tỳ-kheo hai nước Ba-di-na[27] và Ba-lê[28] cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Lành thay! Trưởng lão bạch giùm tôi lên Đại đức Thượng tọa rằng, ‘tỳ-kheo hai nước Ba-di-na và Ba-lê cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Lành thay! Đại đức hãy trợ tỳ-kheo Ba-di-na.»
Vị kia liền trả lời:
«Đại đức Trưởng lão Ly-bà-đa được nhiều người tôn kính. Tôi không dám thưa.»
Vị kia bị cưỡng bức quá, liền đến chỗ Ly-bà-đa bạch:
«Kính bạch Đại đức, tỳ-kheo hai nước Ba-di-na và Ba-lê cùng nhau tranh cãi. Đức Thế Tôn xuất thế tại Ba-di-na. Nguyện xin Đại đức hãy trợ tỳ-kheo Ba-di-na.»
Ly-bà-đa liền trả lời:
«Ngươi ngu si, muốn kéo ta vào trong bộ chúng bất tịnh chăng? Ngươi hãy đi! Ta không cần ngươi.»
Vị kia bị đuổi rồi liền đến Tỳ-xá-ly, chỗ tỳ-kheo Bà-xà Tử thưa:
«Trưởng lão, trước đây tôi nói với Thầy, Đại đức Ly-bà-đa được nhiều người tôn kính. Tôi không dám nói. Nay tôi bị khiển trách.»
Vị kia hỏi, bị khiển trách thế nào?
«Ngài khiển trách, đuổi tôi đi.»
Vị kia lại hỏi:
«Thầy bao nhiêu hạ?»
«Tôi mười hai hạ.»
«Thầy đã mười hai hạ mà còn sợ bị đuổi hay sao?»
«Ngài ấy không chịu tôi làm thị giả, làm sao không sợ?»
Bấy giờ, Ly-bà-đa cùng các tỳ-kheo nói:
«Nay chúng ta hãy đến ngay chỗ đã phát sinh tránh sự.»
Các vị ấy đi bằng thuyền theo sông Hằng đến đó. Gặp lúc trời nóng, mệt mỏi, nên ghé thuyền vào bờ để nghỉ khỏe nơi bóng mát.
Lúc ấy, tại thôn Bà-sưu[29] có Trưởng lão đang trên đường đi, suy nghĩ: «Trong việc tranh cãi này, nay ta nên xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni để biết ai là pháp ngữ, ai là phi pháp ngữ.» Vị kia liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni; nghiệm xét Pháp Luật, nên biết tỳ-kheo nước Ba-lê là pháp ngữ; tỳ-kheo bước Ba-di-na là phi pháp ngữ.
Bấy giờ, có vị trời không hiện hình, khen ngợi:
«Lành thay, thiện nam tử, như người quan sát biết tỳ-kheo Ba-lê là như pháp ngữ, tỳ-kheo Ba-di-na là phi pháp ngữ.»
Bấy giờ, các Trưởng lão liền cùng nhau đến Tỳ-xá-ly. Tại Tỳ-xá-ly có Trưởng lão là Nhứt Thiết Khứ[30] là bậc tối thượng tọa trong Diêm-phù-đề. Khi ấy, Tam-phù-đà nói với Ly-bà-đa rằng:
«Nay, ta nên đến trong thất thượng tọa Nhất Thiết Khứ nghỉ đêm, để nói việc này cho Thương tọa nghe.»
Hai người cùng đến đó. Ban đêm Trưởng lão Nhất Thiết Khứ tọa thiền tư duy đã trải qua một thời gian lâu, Ly-bà-đa suy nghĩ: «Thượng tọa này, tuổi đã già, khí lực suy yếu, mà còn tọa thiền lâu thế này huống là ta, tại sao không ngồi như vậy?» Ly-bà-đa liền cũng ngồi tư duy trong một thời gian lâu. Trưởng lão Nhất Thiết Khứ lại nghĩ: «tỳ-kheo khách này đi đường xa mỏi mệt còn tọa thiền tư duy như thế này, huống là ta mà không ngồi lâu.» Vì vậy Trưởng lão kia lại ngồi tư duy một thời gian lâu nữa. Khi trời đã sáng hẳn, Trưởng lão Nhất Thiết Khứ nói với Ly-bà-đa rằng:
«Thưa Trưởng lão, đêm nay ngài tư duy pháp gì?»
Ly-bà-đa trả lời:
«Trườc kia tôi còn là bạch y, thường tập từ tâm. Đêm nay tôi tư duy và nhập vào tam muội từ.»
Vị kia liền nói:
«Như vậy là đêm nay ngài nhập tiểu định.»
«Tại sao vậy?»
«Từ tâm tam muội là tiểu định.»
Ly-bà-đa hỏi lại Đại đức Nhất Thiết Khứ:
«Đêm nay Ngài tư duy pháp gì?»
Nhất Thiết Khứ nói:
«Trước đây, khi tôi còn là bạch y, tập pháp Không. Đêm nay phần nhiều tôi nhập vào tam muội Không.»
Ly-bà-đa nói:
«Như Thế là đêm nay Đại đức tư duy pháp đại nhơn.»
«Tại sao vậy?»
«Pháp đại nhơn là nhập tam muội Không. »
Ly-bà-đa liền nghĩ:
«Bây giờ, chính là lúc ta có thể đem nhân duyên trước đây nói cho Đại đức Nhất Thiết Khứ biết.»
Vị kia hỏi:
«Kính thưa Đại đức Trưởng lão, được phép dùng hai ngón tay để lấy thức ăn hay không?»
«Thế nào là dùng hai ngón tay lấy thức ăn?»
«Thưa Đại đức, ăn đủ rồi, [971a1] xả oai nghi, không làm pháp dư thực, được phép dùng hai ngón tay để lấy thức ăn?»
Đáp:
«Không được làm như vậy.»
«Điều này được đức Phật chế chỗ nào?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn nên đức Phật đã chế cấm.»
Trình bày từng điều một như trên, cho đến ngày bố-tát thọ nhận vàng bạc rồi sai người phân chia, như trên.
Vị kia liền nói:
«Đừng nên nói với người khác. Sợ nhơn tâm không đồng, đưa đến việc không hòa hợp.»
Thượng tọa Nhất Thiết Khứ là đệ nhất Thượng tọa. Tam-phù-đà là đệ nhị Thượng tọa. Ly-bà-đa là đệ tam Thượng tọa. Bà-sưu Thôn là đệ tứ Thượng tọa. Tôn giả A-nan là Hòa thượng của các vị ấy đó.
Trưởng lão Nhất Thiết Khứ là người hiểu biết Tăng sự, nên bấy giờ Thượng tọa liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Khi ấy, tỳ-kheo Ba-di-na nói tỳ-kheo Ba Lê rằng:
«Các Thầy có thể mời người bình đáng.[31]»
Tỳ-kheo Ba Lê liền nói:
«Thượng tọa Nhất Thiết Khứ, Ly-bà-đa, Da-xá, Tô-mạn-na[32] là người bình đáng của chúng tôi.»
Tỳ-kheo Ba-lê nói với tỳ-kheo Ba-di-na rằng:
«Các Thầy cũng nên mời người bình đáng.»
Tỳ-kheo kia liền nói:
«Trưởng lão Tam-phù-đà, Ba-sưu Thôn, Trưởng lão Sa-lưu,[33] Bất-xà-tô-ma[34] là người bình đáng của chúng tôi.»
Trong số đó có tỳ-kheo A-di-đầu[35] có khả năng làm người khuyến hoá.[36] Các tỳ-kheo kia nói:
«Nên ghi tên tỳ-kheo này vào trong túc số. Tại sao vậy? Ở tại chỗ này, vị kia khuyến hóa cho chung ta.»
Do vậy, vị kia được ghi vào túc số.
Các Thượng tọa liền nghĩ: «Nếu chúng ta hỏi sự việc này ở trong chúng thì sợ sanh ra tránh sự khác, không biết ai nói đúng, ai nói sai. Nay, chúng ta nên lựa chọn, rồi bình luận nơi chỗ riêng biệt.» Rồi các Trưởng lão lại nghĩ, «Chúng ta nên bình luận sự việc nơi nào cho thích hợp?» Bèn nói, «Trong rừng Bà-lê[37].»
Bấy giờ, Trưởng lão Nhất Thiết Khứ liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là tỳ-kheo đã được Tăng cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trong rừng Bà-lê, luận Pháp Tỳ ni. Các tỳ-kheo khác không được có mặt. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch như vậy rồi nên yết-ma, sai hai, ba tỳ-kheo lấy dục của các tỳ-kheo khác đến trong rừng Bà-lê.
Khi ấy, Thượng tọa Nhất Thiết Khứ dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng. Các Thượng tọa đều tập hợp. Thượng tọa Nhất Thiết Khứ liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch .»
Khi ấy, Ly-bà-đa liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Thượng tọa Nhất Thiết Khứ Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Thượng tọa Nhất Thiết Khứ lại liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Ly-bà-đa hỏi, tôi trả lời Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Ly-bà-đa hỏi:
«Thưa Đại đức Thượng tọa, được dùng hai ngón tay tịnh hay không?»
Vị được hỏi liền hỏi lại:
«Hai ngón tay tịnh là thế nào?»
«Thưa đại Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, được dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn?»
Vị được hỏi trả lời:
«Không được làm như vậy.»
«Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Vì có vị không tác pháp dư thực mà ăn, cho nên Phật đã chế cấm.»
Đây là việc thứ nhất phi pháp, phi tỳ ni, phi lời Phật dạy.
Sau khi đồng thuận nơi chỗ riêng rồi, liền bỏ xuống một xá-la. Kiểm xét như vậy từng việc một, cho đến việc thứ mười, tất cả đều là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Cứ một việc như vậy là bỏ xuống một xá-la. Rồi các Trưởng lão kia nói như vầy:
«Nay chúng ta đã đồng thuận nơi chỗ riêng biệt mười việc này rồi, bây giờ chúng ta ở giữa Tăng kiểm nghiệm như vậy. Vì sao? Để mọi người đều được biết.»
Các Trưởng lão đều đến Tỳ-xá-ly.
Thượng tọa Nhất Thiết Khứ tập hợp tỳ-kheo Tăng rồi tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng luận Pháp Tỳ ni. Đây là lời tác bạch.»
Trưởng lão Ly-bà-đa liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hỏi Thượng tọa Nhất Thiết Khứ pháp này. Đây là lời tác bạch.»
Khi ấy, thượng tọa Nhất Thiết Khứ liền tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Ly-bà-đa hỏi Pháp Tỳ ni, tôi trả lời. Đây là lời tác bạch.»
Ly-bà-đa liền hỏi:
«Bạch Đại đức Trưởng lão, dùng hai ngón tay, tịnh hay không?»
Nhất Thiết Khứ hỏi lại:
«Hai ngón tay tịnh, là thế nào?»
«Thưa Đại đức Trưởng lão, ăn đủ rồi, xả oai nghi, không làm pháp dư thực, dùng hai ngón tay lấy thức ăn để ăn.»
Thương tọa Nhất Thiết Khứ nói:
«Không được làm như vậy.»
«Điều này được đức Phật chế cấm ở đâu?»
«Tại nước Xá-vệ. Nhơn có vị không làm pháp dư thực mà ăn nên Phật đã chế cấm.»
Đây là việc thứ nhất phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy.
Kiểm nghiệm giữa Tăng xong, bỏ xuống một xá-la. Như vậy tuần tự kiểm xét cho đến việc thứ mười, tất cả đều phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy.
Mỗi việc kiểm nghiệm giữa Tăng xong, đều bỏ xuống một xá-la. Tại Tỳ-xá-ly, bảy trăm vị A-la-hán tập hợp để luận Pháp Tỳ-ni, cho nên gọi là «Thất bách tập Pháp Tỳ ni.»


Chú thích:
[1] Sa-la lâm 娑羅林. Pali: sālavana. Khu rừng của những cây sa-la, chỗ Phật nhập niết-bàn. Trương A-hàm 4 (T01n1 tr.24b26): «Bấy giờ Thế tôn ở tại Câu-thi-na-kiệt, rừng Sa-la, giữa cặp cây sa-la» Cf. D. ii. 137: iṅgha me tvaṃ antarena yamaka-sālānaṃ uttara-sīsakaṃ mañcakaṃ paññāpehi, «A-nan, hãy dọn gường nằm cho Ta giữa cặp cây sa-la, đầu hướng về phía bắc.» Phiên dịch danh nghĩa 3 (T54n2131, tr.1100b18): Sa-la, đây gọi là kiên cố 堅固... vì đông cho đến hạ không thay đổi…Hoa nghiêm âm nghĩa dịch là cao viễn 高遠…» Cây mọc từng cặp, nên gọi là sa-la song thọ 娑羅雙樹; Pali: yamaka-sālā.
[2] Mạt-la 末羅. Tên của một bộ tộc lớn thời Phật. Hán dịch là «lực sĩ.» Bộ tộc này chia làm hai nhánh. Một đóng thủ phủ ở Pāvā (Ba-hoà hay Ba-bà) và một ở Kusināra (Câu-thi-na). Trường A-hàm 4, đã dẫn: «Phật bảo A-nan, ngươi hãy vào Câu-thi-na-kiệt báo cho những người Mạt-la biết, nửa đêm hôm nay Như lai sẽ nhập niết-bàn giữa cặp cây sa-la trong vườn Sa-la.»
[3] Câu-thi thành 拘尸城. Pali: Kusinārā (Skt. Kuśinagara/ Kuśinagarī/Kuśigrāmaka, 拘尸那竭: Câu-thi-na-kiệt). Thủ phủ của người Mạt-la.
[4] Xá-lợi 舍利; Pali: sarīra, thân thể, nhục thể. Đây nói nhục thân của Phật trước khi hỏa thiêu; không phải xá-lợi sau khi hỏa thiêu.
[5] Cf. Vin. ii (Pañcasatikakkhandaṃ) 184: một người ājīvaka, tà mạng ngoại đạo.
[6] Mạn-đà-la hoa 曼陀羅華; Pali: mandārava, loại hoa được coi là chỉ có ở trên Trời, không có trong thế gian này.
[7] Bạt-nan-đà Thích tử, người được đề cập rất nhiều trong các nhân duyên Phật chế giới. Nhưng, Vin.ii. 184 nói: Subhadda, một tỳ-kheo xuất gia khi tuổi đã già, nói lên điều này. Đây không phải là Subhadda (Tu-bạt), người Bà-la-môn được Phật độ cuối cùng, mà nguyên là một người thợ hớt tóc. Một số điều luật Phật chế do việc làm sai trái của ông này.
[8] Ma-ha-la 摩訶羅; Phiên dịch danh nghĩa 5 (T54n2131 tr.1137c16): «Đây gọi là vô tri 無知.» Phiên âm từ Skt. mahālla: người già yếu, già lão, vô tri.
[9] Hê-lan-nhã 醯蘭若. Pali: Hiraññavatī (Skt. Hiraṇyavatī), cũng nói là Hi-liên-thiền, hay Kim hà. Con sông ở bìa rừng Sa-la, chỗ Phật nhập niết-bàn.
[10] Thiên quan tự 天觀寺. Trương A-hàm, đã dẫn: 天冠寺. «Sau khi qua sông Hi-liên-thiền, đến chùa Thiên quan thì hoả thiêu.»
[11] Trường A-hàm, dd., «có một lão mẫu.»
[12] Cúng dường 供養; chỉ (người) phục vụ, hay thị giả. Pali: upaṭṭhāka; xem Phần iii, Ch.iii, An cư Cht. 3.
[13] Hữu tác 有作. Vì còn phải tu tập. Khi một vị chứng quả A-la-hán, vị ấy được nói là «Đã làm những điều cần làm» (Pali: kataṃ karanīyaṃ: sở tác dĩ biện).
[14] Bạt-xà Tử 跋闍子; Pali: Vajjiputta. Vị tỳ-kheo này thuộc Vương tộc Licchavī, dòng họ Vajjī.
[15] Pháp đặc biệt duy chỉ A-nan có. Xem Trung A-hàm 8, kinh 33 «Thị giả». Trường A-hàm 4, (T01n1 tr.25c21): Phật nói 4 pháp kỳ đặc của A-nan. Cf. D.ii. 145: cattārome bhikkhave acchariyā abbhutā dhammā ānande.
[16] A-nan thuộc Vương tộc họ Thích, nên tự gọi mình là Cù-đàm.
[17] Đà-hê-la Ca-diếp 陀醯羅迦葉 , Ba-bà-na 婆婆那, và Đại Châu-na 大周那. Tăng kỳ 32 (T22n1425, tr.490c21): ba vị Thượng thủ, thứ tự: Đại Ca-diệp 大迦葉, Na-đầu-lô 那頭盧, Ưu-ba-na-đầu-lô 優波那頭盧. Thập tụng 60 (tr. 446a4), bốn vị Thượng thủ của Diêm-phù-đề: đệ nhất Thượng tọa, trưởng lão A-nhã Kiều-trần-như; đệ nhị Thượng tọa, trưởng lão Quân-đà; đệ tam Thượng tọa, trưởng lão Thập Lực Ca-diếp; đệ tứ Thượng tọa, trưởnglão Ma-ha Ca-diếp.
[18] Tạp toái giới 雜碎戒. Trường A-hàm 4 (tr.26a 29): tiểu tiểu giới. Pali: khudā-nukhudakāni sikhāpadāni, các học xứ nhỏ, và không quan trọng.
[19] Luật Pali, Vin. ii. 189, các tỳ-kheo trưởng lão nêu tội, không phải chỉ một mình Đại Ca-diếp. Trong đây, chỉ luận 5 tội đột-kiết-la của A-nan. Thập tụng 60, đã dẫn, 6 đột-kiết-la.
[20] Đà-ni-già 陀尼伽. Trên kia, phiên âm là Đàn-nị-ca.
[21] Kinh Phạm động 梵動經. Trường A-hàm 14, kinh số 21, Phạm động, No 1(21). Tương đương Pali, D.1. Brahmajāla-suttanta.
[22] Kinh Tăng nhất 增一經. Trường A-hàm 9, kinh số 11, Tăng nhất, No (11). Tương đương Pali, không có. Như kinh Thập thượng, No 1(10)
[23] Kinh Tăng thập 增十經. Trường A-hàm 9, kinh số 10, Thập thượng, No 1(10). Tương đương Pali, D. 34. Dasuttara-suttanta.
[24] Kinh Thế giới thành bại 世界成敗經. Trường A-hàm 18-22, kinh số 30, Thế ký, No 1(30). Không có Pali tương đương.
[25] Kinh Tăng-kỳ-đà 僧祇陀經. Trường A-hàm 8, kinh số 9, Chúng tập, No 1(9). Tương đương Pali, D. 33. Saṅgīti-suttanta.
[26] Kinh Đại nhân duyên 大因緣經. Trường A-hàm 10, kinh số 13, Đại duyên phương tiện, No 1(13). Tương đương Pali, D. 15. MahāNidāna-suttanta.
[27] Kinh Thiên đế Thích vấn 天帝釋問經. Trường A-hàm 10, kinh số 14, Thích Đề-hoàn Nhân vấn, No (14). Tương đương Pali, D. 21. Sakkapañha-suttanta.
[28] Tạp 雜; được hiểu là «nhặt lượm những điều tạp toái, linh tinh», sát nghĩa Skt. saṃykta (Pali: saṃyutta): liên kết những sự kiện có liên hệ nhau.
[29] Như thị sanh kinh 如是生經. Skt. itivṛttaka/ ityukta, Pali: itivuttka, 1 trong 9 hay 12 phần giáo; phiên âm là y-đế-mục-đa-già, cũng dịch là bản sự, gồm những chuyện cổ không thuộc bản sanh.
[30] Bổn kinh 本經. Skt. Pali: jātaka, chỉ bản sanh truyện, những chuyện về tiền thân của Phật.
[31] Thiện nhơn duyên kinh 善因緣經. Skt. nidāna, tập họp những giải đáp của Phật do các đệ tử hỏi trong nhiều nhân duyên khác nhau.
[32] Phương đẳng kinh 方等經. Skt. vaipulya, âm là tỳ-phật-lược, dịch là phương đẳng hay phương quảng, xiển dương nghĩa lý quảng đại bình đẳng, tức diễn rộng nhưng ẩn ý vi mật trong các lời dạy của Phật.
[33] Vị tằng hữu kinh 未曾有經. Skt. adbhuta-dharma, âm a-phù-đa-đạt-ma, tập họp nhưng điều ly kỳ, hiếm có trên đời.
[34] Thí dụ kinh 譬喻經. Skt. avadāna, âm a-ba-đà-na, gồm những chuyện ngụ ngôn để răn dạy đạo đức.
[35] Ưu-bà-đề-xá kinh 優婆提舍經. Skt. upadeśa, dịch là luận nghị, giải thích và biện luận ý nghĩa lời Phật.
[36] Cú nghĩa kinh 句義經. Skt. padārtha, không có Hán.
[37] Pháp cú kinh 法句經. Skt. dharmapada, tuyển tập những bài kệ của Phật.
[38] Ba-la-diên kinh 波羅延經. Tương đương Pali: Pārāyana-vagga (phẩm đáo bỉ ngạn), phẩm thứ năm của Suttanipāta, Tiểu bộ Pali (Khuddaka-Nikāya).
[39] Tạp nan kinh 雜難經. Không có Hán.
[40] Thánh kệ kinh 聖偈經. Tương đương Pali: Theragathā (Trưởng lão kệ) và Therīgathā (Trưởng lão ni kệ), tuyển tập những bài kệ của các Thánh đệ tử, thuộc Tiểu bộ Pali (Khuddaka-Nikāya).
[41] Phú-la-na 富羅那. Vin. ii. 289: bấy giờ, Trưởng lão Purāṇa cùng với 500 tỳ-kheo từ Nam sơn (Dakkhiṇāgiri) về Vương-xá để tham dự kết tập. Vị Trưởng lão này không được đồng nhất với Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, cũng gọi là Mãn Từ Tử (Skt. Pūrṇa-maitrāyani-putra, Pali: Puṇṇa-Mantāni-putta), 1 trong 10 Đại đệ tử.
[42] Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.191c27): bảy điều.
[43] Ngũ phần, và Cūḷavagga còn kết thêm pháp phạm-đàn (brahmadaṇḍa).
[1] Bạt-xà Tử, xem cht. trên.
[2] So sánh 10 điều của Pali, Vin.ii. 294. Xem giải thích ở đoạn sau.
[3] Da-xá ca-na Tử 耶舍迦那子. Pali: Yasa-Kākaṇḍakaputta, đệ tử của A-nan.
[4] Châu Kế 珠髻. Xem, Phần I Ch, v. Ba dật đề 18. Pali: Maṇicūlaka, một người thôn trưởng. Vin.ii. 296; S. iv. 325.
[5] Pali, S. iv. 326: tiṇaṃ tiṇatthikena pariyesitabbaṃ… na...kenaci pariyāyena jātaruparajataṃ sāditabbaṃ pariyesitabbaṃ, «ai cần cỏ thì xin cỏ…nhưng không vì bất cứ nhân duyên gì cho phép cầu xin vàng bạc.»
[6] Bà-xà Tử; trên kia, âm là Bạt-xà Tử.
[7] Ly-bà-đa 離婆多. Pali: Revata, vị trưởng lão này sống ở Soreyya, «thông bác, tinh thông A-hàm, Luật, Mattika…», Vin.ii. 299. Trùng tên với Revata, vị trưởng lão em út của ngài Xá-kợi-phất.
[8] Bà-kha 婆呵. Pali: Payāga. Lộ trình từ Payāga đến Soreyya của Revata, phỏng lại lộ trình Phật đi từ Verañja (Tỳ-lan-nhã, chỗ Xá-lợi-phất thỉnh Phật chế giới cho tỳ-kheo) đến Bārāṇasī, ngang qua Soreyya, Saṅkassa và Kaṇṇakujja.
[9] Già-na-ủy-xà 伽那慰闍. Pali: Kaññakujja. Xem cht. 8 trên.
[10] A-già-lâu-la 阿伽樓羅. Pali: Aggaḷapura, Vin.ii. 299.
[11] Tăng-già-xa 僧伽賒. Pali: Saṅkassa. Xem cht. 8 trên.
[12] Đắc nhị chỉ sao 得二指抄. Pali: dvaṅgulakappa, nhị chỉ tịnh, được giải thích: dvaṅgulāya chāyāya vītivattāya, (được phép ăn quá trưa) khi bóng chưa quá hai ngón tay. Liên hệ điều luật phi thời thực. Vin.ii. 230.
[13] Xem Phần i, Ch. v. Ba-dật-đề 35.
[14] Đắc thôn gian 得村間. Pali, ibid. : gāmantarakappo. thôn gian tịnh; như Tứ phần.
[15] Đắc tự nội 得寺內. Pali: āvāsakappo, trú xứ tịnh.
[16] Đắc hậu thính khả 得後聽可. Pali: anumatikappo, tùy hỷ tịnh; giải thích: kappati bhante vaggena saṅghena kammaṃ kātuṃ, āgate bhikkhū anumesāmāti, được phép tác yết ma biệt chúng, nếu các tỳ-kheo đến sau nói, «chúng tôi tuỳ hỷ.»
[17] Đắc thường pháp 得常法. Pali: āciṇṇakappo, thường hành tịnh, «Được phép làm, vì Hoà thương của tôi, A-xà-lê của tôi đã làm như thế.» Vin.ii. 301.
[18] Đắc hoà 得和. Pali: amathitakappa, được phép nếu chưa ngưng kết: đã ăn xong (túc thực), được phép uông sữa (khīra), nếu sữa chưa thành sữa đông (lạc). Vin. ii. 301.
[19] Diêm cộng túc 鹽共宿, chỉ muối để dành cách đêm. Pali: siṅgiloṇakappo, giác diêm tịnh, được phép mang muối theo trong cái sừng, khi ăn, lấy ra dùng.
[20] Xa-lâu-la tửu 飲闍樓羅酒. Pali: kappati jalogiṃ pātuṃ, được phép uống rượu pha. Rượu jalogi (xa-lâu-la), chỉ rượu loãng, hay nước trái cây để lâu mà chưa lên men thành rượu. Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.192b01): rượu cất mà chưa chín.
[21] Xem Phần I, Ch. v Ba-dật-đề 51.
[22] Bất cát tiệt tọa cụ 不割截坐具. Ngũ phần 30 (T22n1421 tr.192b01): làm tọa cụ tuỳ ý lớn nhỏ. Pali: adasakaṃ nisīdanaṃ, tọa cụ không làm viền.
[23] Pali: kappati jātarūparajaṃ. Như Tứ phần.
[24] A-vu-hằng hà sơn 阿吁恒河山. Pali: Ahogaṅgā, tên một ngọn núi ở Bắc Ấn, nằm bên thượng lưu sông Hằng (uddhaṃ Gaṅgāya).
[25] Tam-phù-đà 三浮陀. Pali: Sambhūta.
[26] Ba-la-ly Tử 波羅離子. Pali: Pāṭheyyakā (Pāveyyakā), các tỳ-kheo người Pāva (Bà-ba hay Ba-hòa, xem trên), một thủ phủ của người Vajjī. Trong kết tập này, họ đứng về phía Revata. Họ được gọi là những người phương Tây.
[27] Ba-di-na 波夷那. Pāciṇakā, các tỳ-kheo phương Đông, nhưng người ủng hội 10 điểm của Vajjiputtaka.
[28] Ba-lê 波梨. Trên kia phiên âm là Pa-la-ly Tử; xem cht. 26.
[29] Bà-sưu thôn 婆搜村. Pali: Sahajāti, tên một thị trấn, chỗ của Sāḷha. Ngũ phần 30: Sa-lan 沙蘭.
[30] Nhất Thiết Khứ 一切去. Pali: Sabbakāmi.
[31] Bình đáng nhân 平當人. Ngũ phần (T22n1421 tr.193c21): đoán sự chủ 斷事主. Pali: ubbāhikāya, bối thẩm đoàn.
[32] Tô-mạn-na 蘇曼那. Pali: Sumana.
[33] Sa-lưu 沙留. Pali: Sāḷha. Tức trên kia nói Trưởng lão người Bà-sưu thôn.
[34] Bất-xà-tô-ma 不闍蘇摩. Pali: Khujjasobhita.
[35] A-di-đầu 阿夷頭. Pali: Ajita, bấy giờ mới 10 hạ, nhưng được tham dự, làm người phu tòa (āsana-paññāpaka) sắp chỗ cho bồi thẩm đoàn.
[36] Khuyến hoa 勸化. Ngũ phân: phu toà 敷座. Pali: āsana-paññapaka, xem cht. 35 trên.
[37] Bà-lê lâm 婆梨林. Pali: Vālikārāma, Tăng viện Vālika ở Vesāli.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.201.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập