Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 60 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 60

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.6 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
212. Bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la[183] nào mà Ta cho phép, các ngươi nên làm như vậy.[184] Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta không cho phép, thì các ngươi không được tùy thuận, nên chê trách. Hãy làm như vậy. Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta ngăn cản, thì các ngươi không nên làm. Những ba-đà-xá, a-nậu ba-đà-xá, tiện-xà-na, a-nậu-tiện-xà-na, ác-xoa-la, a-nậu-ác-xoa-la nào mà Ta không ngăn cản, các ngươi nên tuỳ thuận, không nên chê trách.
213. Bấy giờ, Xá-lợi-phất cùng với năm trăm tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng với năm trăm tỳ-kheo-ni; A-nan-phân-đề[185] cùng với năm trăm ưu-bà-tắc; Tỳ-xá-khư Mẫu[186] cùng với năm trăm ưu-bà-di, như trong kiền độ Câu-thiểm-di[187] đã nói.
Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo:
214. Tỳ-kheo đến trong Tăng, trước hết phải có năm pháp: nên đến với từ tâm, nên tự ti xem mình như cái khăn lau bụi, nên khéo léo biết việc ngồi việc đứng, nếu thấy Thượng tọa thì không được ngồi yên, nếu thấy hạ tọa thì không được đứng dậy. Tỳ-kheo đến trong Tăng không được bàn nói chuyện của thế tục, nên tự nói pháp, hay thỉnh người nói pháp, nếu thấy trong Tăng có sự việc bất khả, tâm không nhịn yên, thì nên im lặng. Tại sao vậy? Sợ tăng phân hóa. Tỳ-kheo trước hết phải có năm pháp này, sau đó mới đến trong Tăng.
215. Này Xá-lợi-phất, có năm pháp này tỳ-kheo ở trong Tăng không được nói.
Lại có năm pháp ở trong Tăng nên nói. Ở đây có sáu pháp[188] như trên đã nói trong pháp tự tổn giảm.
216. Có năm pháp để cử tội người khác: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, khéo léo việc nói năng, có ức niệm, có trí tuệ. Đó là năm.
Có năm pháp nên cử tội người khác: có tâm từ bi, vì muốn lợi ích, khiến tăng trưởng, khiến sám hối, thanh tịnh. Có năm pháp như vậy nên cử tội người.
Muốn cử tội người nên có năm pháp, như đã nói ở trên trong «Kiền độ Ngăn.»[189]
217. Có năm cử tội phi pháp: phi thời chứ không phải đúng thời, không thật chư không phải như thật, tổn giảm chứ không lợi ích, thô lỗ chứ không nhu hòa, sân nhuế chứ không từ tâm. Đó là năm.
218. Có năm cử tội như pháp: (ngược với câu trên).
Bất thiện, thiện; phi tỳ-ni, tỳ-ni; thế gian, xuất thế gian; tổn giảm, lợi ích; cũng nói như vậy.
Có năm câu, không có câu thứ ba: thời cùng phi thời, câu này không có câu thứ ba. Thật cùng không thật, câu này không có câu thứ ba. Tổn giảm với có lợi ích, câu này không có câu thứ ba. Thô lỗ với nhu hòa, câu này không có câu thứ ba. Sân nhuế với từ tâm, câu này không có câu thứ ba. Đó là năm câu không có câu thứ ba.
219. Nói năm lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả Hòa Thượng, xả đồng Hòa Thượng.» Cứ mỗi năm lời như vậy làm thành một hạng mục, cho đến «...phi sa-môn Thích tử.»[190]
220. Đức Như Lai ra đời thấy có sự lỗi lầm nên vì năm nghĩa lợi mà chế giới cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an lạc, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ tin rồi tăng trưởng.[191] Đó là năm. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài cũng như vậy.
221.Đức Như lai ra đời thấy các tỳ-kheo có sự lỗi lầm nên vì năm nghĩa lợi mà chế yết-ma ha trách cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an vui, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ tin rồi Tăng trưởng. Đó là năm. Cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.
Mỗi năm pháp làm thành một hạng mục cũng như vậy. Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy.[192]
VI. SÁU PHÁP
1. Có sáu phi pháp ngăn nói giới, ngăn phá giới vô căn, tác hay bất tác,[193] phá kiến; phá oai nghi cũng như vậy. Đó là sáu.
Có sáu như pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên).
2. Có sáu pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, rộng tụng hai bộ giới tỳ-ni, có khả năng về ngôn ngữ, luận biện nghĩa cú rõ ràng, không vì Phật xuất gia mà phạm trọng tội, [1009a1] hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là sáu pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni.
3. Tỳ-kheo đặt nghi vấn cho tỳ-kheo bằng sáu pháp: hoặc tính tuổi đời, hoặc tính tuổi hạ, hoặc dùng tính thọ đại giới, hoặc nghiệm yết-ma, hoặc phạm, hoặc y trên pháp. Đó là sáu.
4. Có sáu chỗ phát sanh sự phạm:[194] hoặc có phạm do thân khởi chẳng phải tâm hay miệng, hoặc có phạm khởi nơi miệng không do thân hay tâm, hoặc có phạm từ thân và miệng khởi không do tâm, hoặc có phạm từ thân và tâm khởi chẳng phải do miệng, hoặc có phạm khởi từ miệng và tâm chẳng phải do thân, hoặc có phạm từ thân, miệng và tâm khởi. Đó là sáu.
5. Có sáu gốc rễ của đấu tranh, như trong A-hàm[195] đã nói.
6. Có sáu trường hợp ăn trộm phạm ba-la-di: tự mình lấy, hoặc chỉ thị lấy, sai phái người đi lấy, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi chỗ cũ.[196] Đó là sáu.
6. Lại có sáu (trường hợp khác): với tưởng chẳng phải của mình, ý tưởng không tạm lấy, ý tưởng chẳng phải thân tình, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi chỗ cũ. Đó là sáu.
VII. BẢY PHÁP
1. Có bảy phi pháp ngăn thuyết giới: ngăn bằng ba-la-di vô căn, cho đến ác thuyết vô căn.[197] Đó là bảy.
2. Có bảy tụ phạm:[198] ba-la-di cho đến ác thuyết. Đó là bảy.
3. Có bảy loại tinh: sắc đỏ, cho đến sắc lạc tương.[199] Đó là bảy.
4. Có bảy diệt tránh, như trên, trong văn giới đã nói.[200]
5. Có bảy pháp gọi là trì luật: biết phạm, biết không phạm, biết nhẹ, biết nặng, biết hữu dư, biết vô dư, rộng tụng hai bộ tỳ-ni. Đó là bảy.
6. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: rộng tụng tỳ-ni. Đó là bảy.
7. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: trụ tỳ-ni không lay không động. Đó là bảy.
8. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: khéo hay diệt tránh sự. Đó là bảy.
9. Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như. Pháp thứ bảy: tự nhớ biết các đời sống trước, với đủ các hình thức khác nhau.[201] Đó là bảy.
Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: bằng thiên nhãn thấy chúng sanh chết đây sanh kia làm một câu mẫu. Đó là bảy.
Lại có bảy: sáu pháp đầu đồng như trước. Pháp thứ bảy: bằng lậu tận được vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, hiện đời này được quả chứng, «sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, quyết không còn tái sanh nữa.». Đó là bảy.
10. Không cung kính có bảy: không kính Phật, Pháp, Tăng, giới, định, phụ mẫu và thiện pháp. Đó là bảy.
11. Cung kính có bảy (ngược với câu trên).
12. Xả giới có bảy lời: «Tôi xả Phật, Pháp, Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê.» Đó là bảy. Cho đến «...phi sa-môn Thích tử» cũng như vậy.[202]
13. Do bảy nghĩa mà đức Như lai ra đời vì các tỳ-kheo chế giới: nhiếp thủ đối với Tăng, khiến Tăng hoan hỷ, khiến Tăng an vui, khiến kẻ không tin thì tin, kẻ đã tin tăng trưởng, kẻ khó điều khiến điều, người tàm quý được yên vui. Đó là bảy. Cũng vậy: mỗi bảy pháp làm thành một hạng mục, cho đến «chánh pháp tồn tại lâu dài» cũng như vậy.[203]
14. Do bảy nghĩa mà đức Như Lai ra đời vì các tỳ-kheo chế yết ma ha trách: từ «nhiếp thủ đối với Tăng,» cứ mỗi bảy pháp làm thành hạng mục, cho đến «chánh pháp tồn tại lâu dài» cũng như vậy.[204] Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy, cũng như yết-ma ha trách làm thành hạng mục.
VIII. TÁM PHÁP
1. Có tám sự ngăn thuyết giới một cách phi pháp; ngăn bằng phá giới vô căn, tác hay bất tác; phá kiến vô căn, tác bất hay tác; phá oai nghi vô căn, tác bất hay tác, phá chánh mạng vô căn, tác hay bất tác.[205] Đó là tám.
2. Có tám như pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên).
3. Có tám pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới; đa văn; tụng hai bộ giới tỳ-ni; có khả năng ngôn ngữ luận; biện nghĩa câu chữ rõ ràng, từ đại tánh xuất gia như sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ; hình mạo đoan chánh; không vì Phật nên xuất gia mà phạm trọng tội; hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là tám.
4. Có tám pháp không thể vượt qua,[206] như trong «Kiền độ Tỳ-kheo-ni» đã nói.
5. Bạch y có tám pháp nên tác pháp úp bát:[207] mạ báng tỳ-kheo, làm cho (tỳ-kheo) thiệt hại, không làm cho lợi ích, làm cho (tỳ-kheo) không có trú xứ, làm cho tỳ-kheo đấu loạn nhau, trước tỳ-kheo mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Đó là tám.
6. Tỳ-kheo có tám pháp khiến bạch y không tin: mạ báng bạch y, gây thiệt hai (cho bạch y), là mất lợi ích (của bạch y), làm cho (bạch y) không có chỗ ở, làm cho bạch y đấu loạn nhau, trước bạch y mà hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Đó là tám. Tỳ-kheo có tám pháp như vậy nên trao cho pháp yết-ma ngăn không đến nhà bạch y, như trên đã nói.
7. Có tám pháp nên sai làm bạn người sai phái: có khả năng nghe, có khả năng nói, tự mình hiểu rõ, khiến người hiểu rõ, có khả năng ghi nhận, có khả năng ghi nhớ không mất, biết tốt xấu, nói ý nghĩa lý thú. Đó là tám.
8. Bấy giờ đức Thế Tôn ở bên ao Già-già tại thành Chiêm-bà. Ngày mười lăm có trăng, là ngày thuyết giới, Ngài ngồi chỗ đất trống cùng chúng Tăng đông đủ xoay quanh bốn bên. Khi ấy, có tỳ-kheo bằng kiến, văn, nghi mà cử tội tỳ-kheo kia. Khi bị cử tội, tỳ-kheo kia liền dùng dư ngữ (nói quanh) để trả lời.[208] Do đó có sự sân hận nổi lên. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nên thẩm định hỏi người kia. Người kia ở trong Phật pháp chẳng có ích gì,[209] không tăng trưởng gì. Giống như người nông phu làm ruộng lúa, cỏ dại mọc lẩn với lúa. Lúa và cỏ dại giống nhau không khác, nhưng nó làm hại lúa. Cho đến khi trổ bông, kết hạt, mới biết nó không phải là lúa. Biết nó không phải là lúa rồi, phải nhanh chóng nhổ trừ tận gốc. Tại sao vậy? Vì sợ nó làm hại lúa. Tỳ-kheo cũng như vậy. Có ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết loại cỏ dại, khác với tỳ-kheo. Đã biết là khác rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi. Tại sao vậy? Sợ nó làm phương hại thiện tỳ-kheo.
«Thí như người nông phu sẩy thóc, đón chiều gió mà rê đi thóc lép, giữ lại thóc tốt. Tại sao vậy? Vì sợ nó làm xấu lúa tốt. Cũng vậy, ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết là loại thóc lép, cỏ rác, trong tỳ-kheo. Biết rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi.
«Giống như có người cần cây để làm lan can giếng. Người ấy ra khỏi thành, cầm búa vào rừng, gõ khắp hết các loại cây. Cây nào có ruột chắc thật thì âm thanh chắc thật. Cây nào bộng ruột thì âm thanh rỗng như tiếng ghè vỡ. Nhưng cây rỗng ruột ấy có gốc, thân, nhánh lá giống như cây chắc ruột không khác. Chỉ khi nào gõ vào mới biết bên trong trống rỗng. Biết nó rỗng ruột rồi, thì chặt bỏ nhánh lá, róc bỏ những chỗ thô kệch, sau đó mới đẻo chuốt làm cho trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài, đem dùng rào giếng. Cũng vậy, ác tỳ-kheo tới lui, đứng ngồi, nhiếp trì y bát như thiện tỳ-kheo không khác, chừng nào mà chưa bị phát hiện tội. Khi tội đã phát hiện rồi, mới biết là loại thóc lép, cỏ rác, cây rỗng ruột giữa các tỳ-kheo. Đã biết là khác rồi, nên hoà hiệp chúng mà diệt tẫn nó đi. Tại sao vậy? Sợ nó làm phương hại thiện tỳ-kheo.»
Đức Phật nói kệ:
Sống chung, biết tánh hạnh,
Ganh tị, ưa sân hận.
Giữa chúng, nói lời hay,
Chỗ khuất làm phi pháp.
Phương tiện bày vọng ngữ,
Kẻ sáng hay giác tri.
[1010a1]Cỏ dại nên trừ bỏ
Cho đến cây bộng ruột.
Tự nói là sa-môn
Hư vọng nên diệt tẫn
Đã tác diệt tẫn rồi,
Đuổi người ác, phi pháp;
Người thanh tịnh sống chung
Nên biết là sáng chói.
Hòa hợp cùng diệt tẫn
Hòa hợp dứt gốc khổ.
Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ tin ưa thọ trì.
8. Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay Ta nói cho các ngươi về tám thứ ngựa dữ và tám hạng người dữ.[210] Các ngươi lắng nghe! Những gì là tám? Hoặc có ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn khiến cho nó chạy tới, nó lại gặc đầu dậm chân không chịu đi. Hoặc có thứ ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựa vào hai bên cây gọng mà không bước tới. Hoặc có thứ ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại lộn nhào ngã xuống đất làm cho đầu gối bị thương, lại gãy gọng xe. Hoặc có thứ ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại bước lui chứ không đi tới. Lại có thứ ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại chạy ra ngoài đường làm cho hỏng bánh xe, gãy trục. Lại có loại ngựa dữ, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó không sợ người cầm cương, cũng không sợ roi, mà cố nhai cái hàm sắt, chạy lung tung không có cách nào ngăn chận. Lại có loại ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựng hai chân trước lên, đứng như người, phun nước bọt ra. Hoặc có loại ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại ngồi hay nằm xuống. Đó là tám thứ ngựa dữ.
«Tám hạng người ác là những gì? Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lại nói: «Tôi không nhớ, tôi không nhớ.» Cũng như con ngựa dữ khi tra dàm dùng roi muốn nói đi tới mà lại gặc dậm chân không đi. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia không nói phạm, không nói không phạm, mà ngồi trơ im lặng. Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại dựa hai bên gọng xe không chạy tới. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi cử tội vị kia. Vị kia nói như sau: «Trưởng lão cũng phạm tội thì làm sao cử tội người khác?» Cũng như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại lộn nhào ngã xuống đất, làm cho đầu gối bị thương lại gãy gọng xe. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lại nói: «Trưởng lão si mê, cần phải được dạy, lại muốn dạy tôi.» Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại đi lui. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo dùng kiến văn nghi cử tội vị kia, vị kia lại nói chuyện khác để trả lời nên sanh ra sân nhuế. Cũng như con ngựa dữ kia khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà lại chạy ra ngoài đường làm cho gãy trục, hư bánh xe. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia không sợ chúng Tăng cũng không sợ phạm, không nhận sự cử tội, bèn lấy tọa cụ để trên vai ra đi, không thể quở trách hay ngăn cấm được. Như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới mà nó không sợ người cầm cương, cũng không sợ roi, cắn cái hàm sắt vụt chạy không thể cấm ngăn được. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia lật ngựơc y uất-đa-la-tăng, giữa chúng Tăng đưa tay lên nói: «Các thầy muốn dạy tôi sao?» Cũng như con ngựa dữ kia khi tra khi dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại đứng hai chân trước lên như người, phun nước bọt ra. Ta nói người này cũng như vậy. Hoặc có tỳ-kheo Hoặc có tỳ-kheo bằng kiến văn nghi mà cử tội vị kia. Tỳ-kheo kia nói: «Trưởng lão không cho tôi y bát, ngọa cụ, thuốc men, thì tại sao lại dạy tôi?» Nói xong liền xả giới, chọn con đường dưới,[211] đến chỗ các tỳ-kheo nói: «Đại đức, tôi đã thôi tu, ngài vừa ý lắm phải không?» Cũng như con ngựa dữ kia, khi tra dàm dùng roi muốn nó chạy tới, nó lại ngồi hay nằm xuống. Ta nói người này cũng lại như vậy. Đó là tám hạng người ác.
«Ta đã nói về tám thứ ngựa dữ và tám loại người dữ rồi, như điều Thế Tôn cần làm vì từ mẫn đối với các đệ tử, Ta đã nói đầy đủ cả rồi. Nay các thầy hãy đến trụ nơi trống vắng, dưới gốc cây, tu tập thiền định, đừng phóng dật để rồi sau này phải hối hận. Đây là lời răn dạy của ta.»
Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì.
9. Bấy giờ, đức Thế tôi ở tại nước Câu-tát-la, cùng với một ngàn hai trăm năm năm mươi tỳ-kheo, du hành trong nhân gian. Giữa đường thấy có một đám lửa cháy lớn. Thấy vậy, đức Phật đến bên đường, dưới một gốc cây, trải chỗ ngồi ngồi, bảo các tỳ-kheo:[212]
«Các ngươi thấy đám lửa lớn đang cháy kia không?
Nếu người nào ôm lấy ngọn lửa kia thì liền sẽ bị đốt cháy tiêu hết da thịt, xương cốt. Lại có người ôm lấy sát lợi nữ, bà-la-môn nữ, tỳ-xá nữ, thủ-đà-la nữ, vuốt ve và hôn. Hai việc làm trên, việc nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Bạch Đại đức, nếu ôm lấy sát lợi nữ, v.v.. vuốt ve và hôn; việc này tốt hơn. Vì sao vậy? Vì nếu ôm lấy lửa thì liền sẽ bị cháy tiêu hết da thịt, gân cốt, bị đại khổ thống không thể chịu nổi!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay Ta nói với các ngươi, thà là ôm lấy lửa kia để rồi bị cháy hết da thịt, gân cốt, thì việc này vẫn là điều tốt hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn này mà đọa ác đạo. Còn nếu chẳng phải sa-môn mà tự nói là sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, tự nói là tịnh hạnh, phá giới làm điều ác, hoàn toàn không trì giới, oai nghi, tà kiến, nơi chỗ khuất kín làm điều tội lỗi. Bên trong trống rỗng, hư nát, bên ngoài hiện ra là hoàn thiện. Vì ăn đồ ăn của tín thí mà không tiêu được nên phải đọa vào ba đường ác, thọ khổ lâu dài. Cho nên các ngươi cần phải trì tịnh giới mới ăn của người tín thí; dùng các thứ cần thiết như y phục, ngọa cụ, thuốc men, mới có thể khiến cho tín thí được đại quả báo, và mục đích của người xuất gia làm sa-môn cũng được thành tựu.
«Này các tỳ-kheo, các ngươi nên cầm cây kích đốt nóng chích vào chân, hay là nhận sự lễ bái dưới chân của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ? Hai việc như vậy, việc nào là tốt hơn?
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Nên nhận sự lễ bái dưới chân của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ. Tại sao vậy? Vì dùng cây kích đốt nóng chích vào chân phải chịu sự đại thống khổ!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay Ta bảo các ngươi, thà dùng cây kích nóng chích vào thân còn hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn này mà đọa vào ba đường ác. Nếu chẳng phải sa-môn mà tự nói là sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, tự nói là tịnh hạnh, phá giới làm điều ác, hoàn toàn không trì giới, oai nghi, tà kiến, nơi chỗ khuất kín làm điều tội lỗi. Bên trong trống rỗng, hư nát, bên ngoài hiện ra là hoàn thiện. Vì ăn đồ ăn của tín thí mà không tiêu được nên phải đọa vào ba đường ác, thọ khổ lâu dài. Cho nên các ngươi cần phải trì tịnh giới mới ăn của người tín thí; dùng các thứ cần thiết như y phục, ngọa cụ, thuốc men, mới có thể khiến cho tín thí được đại quả báo, và mục đích của người xuất gia làm sa-môn cũng được thành tựu.
«Này các tỳ-kheo, nên tự cầm búa nóng chém vào thân vào đầu mình, hay là nhận bàn tay của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ vuốt ve thân thể? [1011a1] hai việc này việc nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Bạch Đại đức, nên nhận bàn tay của thiện nam tử, thiện nữ nhơn có tâm tín mộ vuốt ve thân thể. Tại sao vậy? Vì cầm búa nóng chém vào thân vào đầu phải thọ đại khổ thống!»
«Này các tỳ-kheo, nay Ta bảo các ngươi nên cầm búa nóng chém vào thân vào đầu, việc này mới là tốt hơn. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác. Còn lại, văn cú như trên đã nói.
«Này các tỳ-kheo, các ngươi nên lấy sắt nóng làm y để đốt cháy hết thân này, hay là nhận mặc các loại y tốt của thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ? Hai việc này việc nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Bạch Đại đức, nên nhận các loại y tốt. Tại sao vậy? Vì loại y bằng sắt nóng kia đốt cháy thân hình, phải chịu đại khổ thống!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay ta bảo các ngươi là nên nhận lấy y bằng sắt nóng kia để đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên ấy mà đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói.
«Này các tỳ-kheo, nên nuốt hoàn sắt nóng cháy cả ngũ tạng rồi tuôn tháo ra ngoài, hay là nhận thức ăn cúng dường của kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ? Hai việc này việc nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Nên nhận thức ăn cúng dường kia. Tại sao vậy? Nuốt hoàn sắt nóng kia phải chịu đại khổ thống!» Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay ta bảo các ngươi, thà là nuốt hoàn sắt nóng. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà không đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói.
Nhận các thứ cháo cũng như vậy.
«Này các tỳ-kheo, nên nằm trên giường sắt nóng để tự đốt cháy hết thân hình, hay là nhận các loại giường tốt, ngọa cụ tốt của thiện nam tử thiện nữ nhơn tín mộ để ngồi nằm? Hai việc này điều nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Nên nhận các thứ giường, ngọa cụ tốt kia. Tại sao vậy? Vì ngồi nằm trên giường sắt nóng tự đốt cháy thân hình thọ đại khổ thống!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nay ta bảo các ngươi, thà nhận giường, tọa cụ bằng sắt nóng kia để tự đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác.» Còn lại, văn cú như trên đã nói.
«Này các tỳ-kheo, nên ở trong nhà bằng sắt nóng để thân hình bị đốt cháy, hay là nhận phòng nhà của thiện nam tử, thiện nữ nhơn tín mộ để ngủ nghỉ? Hai việc này điều nào là tốt hơn?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Nên nhận phòng nhà kia để nghỉ ngơi. Tại sao vậy? Vì ở trong phòng nhà bằng sắt nóng sẽ bị thiêu đốt thân hình thọ đại thống khổ!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Thà ở trong nhà sắt nóng kia để tự đốt cháy thân hình. Tại sao vậy? Vì không do nhơn duyên này mà đọa vào ba đường ác.» Ngoài ra như trên đã nói.
Khi đức Thế Tôn nói những lời này, có sáu mươi vị tỳ-kheo máu tuôn ra từ lỗ chân lông nơi mặt; sáu mươi vị tỳ-kheo xả giới thôi tu; sáu mươi vị tỳ-kheo đặng tâm vô lậu giải thoát; số đông tỳ-kheo viễn trần ly cấu, đặng con mắt pháp thanh tịnh.
IX. CHÍN PHÁP
1. Nhà bạch y có chín pháp, chưa làm đàn-việt thì không được làm. Đến nhà đó, (tỳ-kheo) không được ngồi. Chín pháp gì? Thấy tỳ-kheo không hoan hỷ đứng dậy; không hoan hỷ tác lễ; không hoan hỷ mời tỳ-kheo ngồi; không hoan hỷ khi tỳ-kheo ngồi; giả sử (tỳ-kheo) có nói điều gì, người ấy cũng không tín thọ; nếu có y phục ẩm thực, và những thứ mà (tỳ-kheo) cần dùng, thì khinh mạn tỳ-kheo nên không cho; hoặc có nhiều mà cho ít; hoặc có thứ tinh tế mà cho thứ thô xấu; hoặc cho mà không có lòng cung kính. Đó là nhà bạch y có chín pháp thì không được đến.
2. Lại có chín pháp chưa làm đàn-việt thì nên làm đàn-việt, đã làm thì (tỳ-kheo) nên đến và ngồi (ngược nghĩa câu trên).
3. Có chín sự ngăn thuyết giới không như pháp: dẫn bằng chứng sự phá giới vô căn mà ngăn vì tác, ngăn vì bất tác, hay ngăn vì vừa tác vừa bất tác; phá kiến, phá oai nghi cũng như vậy.[213] Đó là chín.
4. Có chín như pháp ngăn thuyết giới (ngược nghĩa câu trên).
5. Có chín lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các phạm hạnh, xả giới.» Đó là chín. Cũng vậy, mỗi mỗi chín lời làm thành một hạng mục, cho đến «... phi sa-môn Thích tử» cũng như vậy.[214]
6. Đức Như Lai ra đời thấy có sự lầm lỗi nên vì chín nghĩa mà chế giới cho các tỳ-kheo: nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến đoạn hữu lậu vị lai.[215] Đó là chín.
Đức Như Lai ra đời, thấy có sự lỗi lầm nên vì chín lợi nghĩa mà chế yết-ma ha trách cho các tỳ-kheo: từ nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến đoạn hữu lậu vị lai. Đó là chín.
Cho đến bảy diệt tránh cũng như vậy.
X. MƯỜI PHÁP
1. Có mười thứ y: y câu-xa, y kiếp-bối, y khâm-bạt-la, y sô-ma, y xoa-ma, y xá-nậu, y gai bố, y sí-di-la, y câu-giá-la, y sai-la-ba-ni.[216] Đó là mười thứ y nên nhuộm làm màu y ca-sa để thọ trì.
2. Có mười thứ y phấn tảo:[217] y trâu nhơi, y chuột gặm, y bị cháy, y nguyệt thủy, y sản phu,[218] y thần miếu, y gò mả, y nguyện, y thọ Vương chức,[219] y vãng hoàn. Đó là mười loại y.
3.Có mười sự ngăn thuyết giới phi pháp: không được kể vào trong ba-la-di;[220] chẳng phải xả giới; không được kể vào trong xả giới; tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng;[221] không trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng;[222] không được kể vào trong sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng; phá giới XE "phá giới" không được thấy, nghe, nghi phá kiến XE "phá kiến" không được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi XE "phá oai nghi" không được thấy, nghe, nghi.[223] Đó là mười.
4. Có mười như pháp ngăn thuyết giới (trái với câu trên).
5. Lại có mười sự ngăn thuyết giới phi pháp: không phạm biên tội, không được kể vào biên tội, không phạm tỳ-kheo-ni, không được kể vào phạm tỳ-kheo-ni, không tặc tâm thọ giới, không được kể vào tặc tâm thọ giới, không phá nội ngoại đạo, không được kể vào phá nội ngoại đạo, chẳng phải huỳnh môn, không được kể vào huỳnh môn.[224] Đó là mười.
6. Có mười pháp ngăn thuyết giới (ngược với câu trên).
7. Có mười pháp nên sai giáo thọ tỳ-kheo-ni: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, rộng tụng hai bộ giới tỳ-ni, có khả năng về ngôn ngữ, biên thuyết rõ ràng, từ đại tánh xuất gia như sát-lợi bà-la-môn cư sĩ, hình mạo đoan chánh, tỳ-kheo-ni cung kính, đủ khả năng vì tỳ-kheo-ni nói pháp khiến được hoan hỷ, không vì Phật xuất gia, mặc áo ca sa mà phạm trọng tội; hai mươi hay hơn hai mươi hạ. Đó là mười.
8. Bấy giờ, đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
«Các ngươi không được lúc nào cũng cử tội các tỳ-kheo khác.[225] Tại sao? Nếu thân oai nghi không thanh tịnh mà cử tội tỳ-kheo khác thì khiến người ấy nói rằng: «Thưa Trưởng lão, trước phải tự mình tịnh thân oai nghi đã.» Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo thân oai nghi thanh tịnh thì lời nói kia không phát sanh. Lời nói không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, không đa văn, không rộng tụng hai bộ tỳ-ni cũng như vậy (như trong «năm pháp» đã nói).
9. Lại nữa Ưu-ba-ly, nếu muốn cử tội tỳ-kheo khác thì nên tu tập năm pháp: đúng thời không được phi thời, chân thật không được không chân thật, lợi ích không được tổn giảm, dịu dàng không được thô lỗ, từ tâm không được sân nhuế. Này Ưu-ba-ly, cử tội tỳ-kheo khác phải có mười pháp này, sau đó mới cử.
10. Có mười sự nhận thẻ phi pháp:[226] không hiểu rõ vấn đề mà nhận thẻ, không cùng với người như pháp mà nhận thẻ, muốn khiến cho người phi pháp nhiều mà nhận thẻ, biết có nhiều người phi pháp mà nhận thẻ, muốn khiến Tăng bị phá mà nhận thẻ, biết Tăng muốn phá mà nhận thẻ, do tiểu tội mà nhận thẻ, không như sự thấy biết mà nhận thẻ, phi pháp nhận thẻ, biệt chúng nhận thẻ. Đó là mười.
11. Có mười sự nhận thẻ như pháp (ngược với câu trên).
12. Đức Như lai ra đời, thấy có sự lầm lỗi, [1012a1] vì mười nghĩa mà chế giới cho các tỳ-kheo: từ nhiếp thủ đối với Tăng, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.[227] Đó là mười.
13. Có mười hạng người không được lễ bái: tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, thọ giới với tâm giặc, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, với tâm ác làm thân Phật ra máu. Đó là mười.
14. Tỳ-kheo có mười thứ oai nghi không được lễ bái: khi đại hành, khi tiểu hành, khi khỏa thân, khi cạo tóc, khi nói pháp, khi xỉa răng, khi súc miệng, khi uống, khi ăn, lúc ăn trái cây. Đó là mười.
15. Uống rượu có mười điều mất mát: sắc diện xấu, kém sức khỏe, mắt không sáng, ưa nổi sân, mất của, thêm bệnh, gây đấu tranh, tiếng xấu đồn khắp, không trí tuệ, chết đọa vào địa ngục. Đó là mười.
16. Người xuất gia vào cung vua, đến chỗ của thể nữ, có mười điều tai hại:
Nếu vua đang cùng phu nhân hòa hợp. Khi tỳ-kheo vào cung đến chỗ thể nữ, phu nhơn thấy tỳ-kheo bèn cười, tỳ-kheo thấy phu nhơn cũng cười. Vua sẽ nghĩ: «Tỳ-kheo hoặc đã làm việc như vậy, hoặc sẽ làm việc như vậy.» Đó là tai hại thứ nhất khi người xuất gia vào trong cung vua đến chỗ của thể nữ.
Lại nữa, Vua khi say cùng phu nhơn hòa hợp, rồi không nhớ; sau phu nhơn có thai, vua nghĩ: «Tỳ-kheo tới lui trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ hai.
Lại nữa, Thái tử của vua muốn làm phản giết Vua. Vua nghĩ: «Tỳ-kheo tới lui trong cung nội, làm quân sư cho việc này. Đây là tỳ-kheo xúi dục.» Đó là điều tai hại thứ ba.
Lại nữa, điều mật của Vua trong cung bị lộ ra ngoài. Vua nghĩ: «Tỳ-kheo này tới lui trong cung nội. Đây là do tỳ-kheo này truyền đạt.» Đó là điều tai hại thứ tư.
Lại nữa, Vua mất bảo vật hay tợ bảo vật, nghĩ: «Tỳ-kheo này tới lui trong cung nội của ta. Tỳ-kheo này lấy đi.» Đó là điều tai hại thứ năm.
Lại nữa, hoặc Vua cất nhắc kẻ thấp kém lên địa vị cao, người ngoài không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ sáu.
Lại nữa, Vua hạ chức người ở địa vị cao, người ngoài không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ bảy.
Lại nữa, hoặc vô sự nhân duyên phi thời mà Vua tập hợp bốn bộ binh; người không bằng lòng, nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ tám.
Lại nữa, hoặc Vua tập hợp binh nửa đường rồi trở lại, người không bằng lòng nghĩ: «Tỳ-kheo này vào trong cung. Đây là việc làm của tỳ-kheo.» Đó là điều tai hại thứ chín.
Lại nữa, Vua đang ở trong chỗ thể nữ, cho xuất voi ngựa tốt, nữ nhơn xinh đẹp. (Tỳ-kheo) thấy tâm sanh ái trước, chẳng phải pháp của tỳ-kheo. Đó là điều tai hại thứ mười.
17. Có mười pháp không được trao đại giới cho người: Không thể dạy đệ tử tăng giới, tăng tâm, tăng huệ học, tăng oai nghi, tăng tịnh hạnh, tăng Ba-la-đề-mộc-xoa học, không thể dạy xả ác kiến, đệ tử không an lạc nơi trú xứ này, không thể dời đến trú xứ khác an lạc, nếu có nghi hối phát sanh không thể như pháp như tỳ-ni để khai giải quyết đoán, không đủ mười hạ. Đó là mười.
18. Có mười pháp nên trao đại giới cho người (ngược nghĩa câu trên).
19. Có mười pháp không được trao đại giới cho người: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không thể dạy đệ tử A-tỳ-đàm. Tỳ-ni, không thể dạy xả ác kiến trụ thiện kiến, không biết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát, không đủ mười hạ. Đó là mười.
20. Có mười pháp nên trao đại giới cho người (ngược nghĩa với câu trên).
21. Có mười pháp không được sai đoán sự ở trú xứ khác: không thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, không đa văn, không rộng tụng hai bộ giới, không thiện xảo ngôn ngữ khiến người khai giải, không thể vấn đáp dạy dỗ quở trách như pháp diệt tẫn khiến được hoan hỷ, có tránh sự khởi không khéo hay diệt, không biết Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết nói Ba-la-đề-mộc-xoa, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Đó là mười.
22. Có mười pháp không được sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: sáu câu như trên; không giải đoán rõ việc đấu tranh, không biết tránh sự khởi, không biết tránh sự diệt, không biết hướng đến chỗ diệt tránh sự. Đó là mười.
23. Có mười pháp nên sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: (ngược với câu trên).
24. Có mười pháp không được sai đoán sự riêng ở trú xứ khác: sáu câu đầu như trên; có ái, có nhuế, có bố, có si. Đó là mười.
25. Có mười pháp nên sai đoán sự riêng ở trú xứ khác (ngược với câu trên).
26. Bấy giờ, A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Bạch Đại đức, vì nhân duyên gì khiến Tăng chưa có tránh sự mà khởi tránh sự; có tránh sự lại không trừ diệt được?»
Đức phật bảo A-nan:
«Cử tội tỳ-kheo khác, không phạm nói phạm, phạm nói không phạm, nhẹ nói nặng, nặng nói nhẹ, phi pháp nói pháp, pháp nói phi pháp, phi tỳ-ni nói tỳ-ni, là tỳ-ni nói phi tỳ-ni, phi chế lại chế, chế lại đoạn. Do những nhơn duyên này khiến Tăng chưa sanh tránh sự lại sanh tránh sự, đã có tránh sự thì không trừ diệt được.»
A-nan lại hỏi Phật:
«Bạch Đại đức, do nhơn duyên gì khiến Tăng chưa có tránh sự không sanh tránh sự, đã có tránh sự thì được trừ diệt?»
Đức Phật trả lời cho A-nan: (ngược với câu trên).
27. Phật bảo A-nan tiếp:
«Có mười loại gốc rễ của tranh cãi, cần nên biết, khéo dùng phương tiện để được trừ diệt. Mười loại là gì? (ngược với câu trên).
28. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Kính bạch Đại đức, nói là Tăng vỡ, cho đến mức nào được gọi là Tăng vỡ? Ai phá vỡ hòa hợp Tăng?»
Đức Phật trả lời: mười sự như trên. Do mười sự này mà tìm cầu bè đãng, hoặc sai người tìm cầu, rồi thuyết giới bố-tát yết-ma biệt bộ. Cho đến mức đó, được gọi là Tăng vỡ. Đó gọi là phá vỡ hòa hợp Tăng.
Ưu-ba-ly hỏi về hoà hợp Tăng (ngược với câu trên).
XI. MƯỜI MỘT PHÁP
1. Có mười một lời xả giới: «Tôi xả Phật, xả pháp, xả Tăng, xả Hòa thượng, xả đồng Hòa thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả tịnh hạnh tỳ-kheo, xả Ba-la-đề-mộc-xoa, xả tỳ-ni, xả học sự.» Đó là mười một. Cũng vậy, cứ mỗi mỗi mười lời làm thành một hạng mục, cho đến «... phi sa-mônThích tử» cũng như vậy.
2. Bấy giờ đức Thế Tôn ở trong rừng thành Bất-thi,[228] bảo các tỳ-kheo rằng:
«Tỳ-kheo ở bất cứ chỗ nào cũng không được đấu tranh, mạ lị nhau, tuôn ra lời như đao kiếm, bươi móc việc tốt việc xấu. Khi nhớ đến còn không vui huống là sống với nó. Các ngươi quyết định nên biết ba pháp nhanh chóng dập tắt, nên biết ba pháp tăng trưởng. Ba pháp gì? Niệm xuất ly, niệm không sân nhuế, niệm không tật đố. Ba sự này nhanh chóng dập tắt. Ba pháp làm cho tăng trưởng là gì? Niệm tham dục, niệm sân nhuế, niệm tật đố. Ba pháp này làm tăng trưởng. Vì vậy, bất cứ ở chỗ nào nếu đấu tranh, mạ lị lẫn nhau, miệng tuôn ra lời như đao kiếm, bươi móc xấu tốt nhau, khi nhớ đến còn không vui huống là sống với nó; cho nên các ngươi quyết định nên biết ba pháp tổn giảm, và ba pháp tăng trưởng này.
Nếu tỳ-kheo ở bất cứ chỗ nào mà không cùng đấu tranh nhau. (ngược nghĩa với câu trên).
3. Trường hợp nếu có đấu tranh, hai bên đều không nhẫn nhịn, lòng ôm lấy sự cấu uế, ghét nhau, hại nhau, tăng trưởng [1013a1] sân hận, không khéo điều phục, không nhận lời dạy bảo nhau, cùng mất sự cung kính, thì nên biết tránh sự này càng lúc càng trở thành kiên cố, không thể như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt được.
Nếu tỳ-kheo đấu tranh nhau, hai bên đều có thể nhẫn nhịn, lòng không ôm cấu uế, không ghét nhau, hại nhau, không tăng trưởng sân nhuế, khéo điều phục, nghe lời dạy bảo của nhau, không mất cung kính, thì tránh sự này không kiên cố, sẽ được như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà chấm dứt.
Nếu tỳ-kheo cùng nhau tranh cải, mà hai bên đều không nhẫn nhịn, lòng ôm cấu uế, ghét nhau, hại nhau, tăng trưởng sân nhuế, không khéo điều phục, không nhận sự dạy bảo của nhau, cùng mất sự cung kính. Trường hợp này, khi tránh sự khởi lên nếu không dùng một pháp nào trong bảy diệt tránh để chấm dứt, thì nên biết tránh sự này càng lúc càng trở thành kiên cố, không được như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt.
Nếu tránh sự như pháp được chấm dứt... (ngược với câu trên).
Nếu tỳ-kheo cùng đấu tranh nhau mà không cho Thượng, trung, hạ tọa bình nghị thì không nhập, không tương ưng với Tu-đa-la,[229] Tỳ-ni pháp luật. Nếu khi tránh sự khởi lên mà không dùng một trong bảy pháp diệt tránh để chấm dứt, thì tránh sự này sẽ đưa đến tăng trưởng kiên cố, không được như pháp, như luật, như lời Phật dạy để chấm dứt.
Nếu tránh sự như pháp diệt... (ngược với nghĩa trên).
Nếu không cùng với vị trì Luật, trì Pháp, trì Ma-di, cùng bình nghị tránh sự, thì tránh sự tăng trưởng cũng như câu trên đã nói.
Nếu tránh sự như pháp chấm dứt... (thì cũng như câu trên).
4. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ưu-ba-ly:
«Các ngươi chớ nên lúc nào cũng cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Nếu cử tội người khác mà thân không thanh tịnh, khẩu không thanh tịnh thì người khác liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết tự mình phải tịnh thân, khẩu, oai nghi đã.» Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo thân, khẩu thanh tịnh thì người kia không thể nói gì được.
Lại nữa, này Ưu-ba-ly, muốn cử tội tỳ-kheo khác, mà mạng không thanh tịnh, ít nghe, không tụng Tu-đa-la, thì khi cử tội, người kia liền nói: «Thưa Trưởng lão, trước hết phải tự thanh tịnh mạng của mình, tụng Tu-đa-la đã.»
Này Ưu-ba-ly, nếu cử tội tỳ-kheo khác mà mình không đa văn, không biết tỳ-ni, biện thuyết không rõ ràng, được ví dụ như con dê trắng, nếu cử tội người thì người kia sẽ nói: «Trưởng lão phải học tỳ-ni, học cách nói trước đã.» Này Ưu-ba-ly, cử tội tỳ-kheo khác mà mình đa văn, tụng tỳ-ni, nói năng biện thuyết rõ ràng thì người kia không nói gì được. Này Ưu-ba-ly, bởi vậy cho nên tỳ-kheo nên biết như vậy.
5. Nếu tỳ-kheo mà người ấy đối với mình có yêu, có kính, thì nên cử tội. Hoặc không yêu nhưng mà kính, thì nên cử. Hay không kính nhưng yêu, thì nên cử. Nếu không yêu không kính nhưng có thể khiến người ấy bỏ ác trở về thiện được thì nên cử. Nếu người ấy mà không yêu không kính cũng không thể khiến cho bỏ ác hành thiện, nhưng có tỳ-kheo mà người ấy coi trọng, tôn kính tin tưởng, có thể khiến cho bỏ ác hành thiện, thì nên cử. Nếu không yêu không kính, không thể khiến cho bỏ ác hành thiện, lại không có tỳ-kheo mà người ấy coi trọng, tôn kính tin tưởng, không thể khiến cho bỏ ác hành thiện. Thì này Ưu-ba-ly, Tăng nên xả trí liền, đuổi đi, và nói: «Dù Trưởng lão muốn đi đến nơi nào, nơi đó cũng sẽ đối với thầy mà tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, ngăn a-nậu-bà-đà, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ. Thí như ông thầy dạy ngựa, con ngựa dữ khó dạy liền gộp cả yên cương mà đuổi nó đi; tỳ-kheo này cũng lại như vậy. Người như vậy không được đến họ cầu thính. Đây tức là thính.
Đức Phật dạy như vậy. Ưu-ba-ly sau khi nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì.
6. Ưu-ba-ly bạch Phật:
«Bạch Đại đức, bằng bao nhiêu pháp để khơi dậy sự việc cho tỳ-kheo?»
Đức Phật dạy:
«Việc của tỳ-kheo được khơi dậy bằng ba pháp: phá giới, phá kiến, phá oai nghi.»
Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Sự việc được khởi lên bằng ba sự này, lại phải bằng bao nhiêu pháp để tác cử?»
Đức Phật dạy:
«Nên bằng ba pháp kiến, văn, nghi để cử.»
Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Bằng ba sự khởi sự; bằng ba pháp để tác cử, bên trong (người tác cử) phải có bao nhiêu pháp, sau đó mới cử?»
Đức Phật dạy:
«Bên trong người ấy phải có năm pháp mới nên tác cử. (như trước đã nói, «đúng thời chứ không được phi thời»[230]).
7. Đức Thế Tôn ở bên ao nước, tại nước Bạt-xà, bảo các tỳ-kheo:
«Các ngươi nói Ta vì y phục, ẩm thực, thuốc men chữa bệnh, giường nằm, ngọa cụ mà nói pháp phải không?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Bạch Đại đức, chúng con không dám sanh ý nghĩ như vậy. Chúng con không dám nói đức Thế Tôn vì y phục, cho đến ngọa cụ mà nói pháp.»
Đức Phật dạy:
«Nếu không nghĩ như vậy, thì nghĩ thế nào?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Chúng con có nghĩ rằng đức Thế Tôn dũ lòng từ đối với chúng sanh nên nói pháp.»
Đức Phật dạy:
«Các ngươi nếu thật sự có ý nghĩ như vậy thì đối với pháp mà ta đã giác ngộ chứng tri là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám chánh đạo, các ngươi nên hoan hỷ hòa hợp tu học. Nếu đã hoan hỷ hòa hợp tu học thì nếu có tỳ-kheo nào phạm giới, các ngươi không được vội vã cử tội mà nên tự quán sát: “Mong sao cho không gây phiền não cho chính mình, cũng không khiến hại người. Người phạm tội kia phải chăng không ưa sân hận, không kết oán hiềm, không khó giác ngộ, tự mình có thể trừ tội, có thể bỏ pháp bất thiện, trụ nơi thiện pháp?” Quán sát như vậy rồi, cần phải cân nhắc, đắn đo, nếu thấy có thể gây phiền não cho mình song sẽ không hại người. Người phạm kia có tội lại không ưa sân nhuế, không khó tỉnh ngộ, sớm có thể trừ tội, có thể bỏ pháp bất thiện, trụ thiện pháp. Tỳ-kheo kia nên nghĩ rằng: “Tuy ta bị một ít phiền não, nhưng đối với vị kia không có hại, chỉ có ái, có lợi ích, có thể khiến cho vị ấy bỏ pháp bất thiện, mà trụ nơi thiện pháp.” Thế thì nên cử tội.
«Tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Ta cử tội người khác, sẽ tự chuốc lấy phiền não cho chính mình, nhưng không hại người kia. Vị kia có tội, ưa sân nhuế, nhưng dễ được giải ngộ, có thể nhanh chóng xả tội.”» Còn lại, như trên đã nói.
«Tỳ-kheo lại nghĩ: “Nếu cử tội người khác, ta sẽ tự chuốc lấy phiền não hại. Vị có tội kia ưa sân nhuế, khó có thể giải ngộ, không sớm xả tội. Nếu ta cử tội, tác pháp ức niêm, mà vị ấy sẽ dùng những lời quanh co khác để trả lời ta, rồi lại sanh sân nhuế, thì người như vậy nên xả trí, không cần phải cử tội thêm nữa.”
«Tỳ-kheo hòa hợp, hoan hỷ như vậy, mà có những lời tranh cãi trong A-tỳ-đàm, thì nên nói: “Thưa các Trưởng lão, văn và nghĩa của những điều được nói đều tương ưng, ta không nên tranh cãi nhau.” Có tỳ-kheo khác nào, mà lời nói được mọi người tin dùng, cũng nên nói: “Thưa các Trưởng lão, văn và nghĩa của những điều được nói đều tương ưng, ta không nên tranh cãi nhau.” Lại còn có tỳ-kheo khác nữa, mà lời nói được mọi người tin dùng, thì cũng nên nói như vậy.
«Lại nói như sau: “Thưa Trưởng lão, văn cú những gì đã được nói tuy khác nhau nhưng nghĩa thì đồng. Đây chỉ là việc nhỏ. Ta đừng tranh cãi nhau nữa.” Nếu có ai được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. Lại còn người khác được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy.
«Lại nói như vầy: “Thưa Trưởng lão, văn của những gì được nói thì đồng, nhưng nghĩa thì khác,” cũng như vậy.
«Lại nói như vầy: “Thưa Trưởng lão, văn và nghĩa của những gì đã được nói đều khác. Ta đừng tranh cãi nhau nữa.” Nếu có ai được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy. Lại còn người khác được nhiều người tin, mà lời nói được tin dùng, thì cũng nên nói như vậy.
«Nếu nói lời nói như vậy, mà chúng Tăng hòa hợp có tránh sự khởi, nên cùng hoà hợp tập trung lại. Sau khi tập trung rồi, nên tác pháp quán sát như vầy: “Nếu chúng ta tranh chấp nhau, đối với pháp sa-môn có gây lưu nạn hay không? Thầy nghĩ thế nào?” Tỳ-kheo nào thấy được chánh lý thì nên nói lời này: “Pháp đấu tranh đối với sa-môn tức là lưu nạn.” Lại hỏi: “Học giả có ai thấy đây là điều đáng quở trách hay không?” Vị kia nói: “Theo ý tôi, đối với pháp sa-môn mà gây lưu nạn tức là đáng quở trách.” Lại hỏi: “Nếu đối với pháp sa-môn các lưu nạn là pháp đáng quở trách, nhưng có thể tiến đến thiện căn, đắc quả sa-môn hay không?” Có tỳ-kheo thấy chánh lý nói: “Theo ý tôi, điều đáng quở trách thì không thể tiến đến thiện căn, không thể đắc sa-môn quả.” Nếu làm như vậy mà tránh sự được chấm dứt thì nên nói với tỳ-kheo kia rằng: “Thầy vì chúng tôi mà chấm dứt tránh sự này.” Tỳ-kheo kia nên trả lời: “Tôi không biết được tâm của người khác. Duy chỉ tin tưởng nơi đức Phật mà thôi. Đức Thế Tôn có lúc vì tôi nói pháp tối thắng thượng diệu, chỉ bày thiện ác. Cứ như pháp mà tôi nghe từ đức Thế Tôn như vậy, nay nói lại cho thầy.” Nếu tỳ-kheo kia nghe rồi liền xả bỏ tránh sự. Khi tỳ-kheo này nói lời như vậy, đã không tự đề cao mình cũng không hạ thấp người. Như vậy, các tỳ-kheo khác không có chỗ nào để quở trách được.”
Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau nghe, hoan hỷ, tin ưa thọ trì.
8. Có mười ba hạng người, chưa thọ đại giới thì không được cho thọ, nếu đã thọ thì nên diệt tẫn:[231] tự nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, với ác tâm làm thân Phật ra máu, phi nhơn, súc sanh, hai căn. Đó là mười ba hạng người nếu chưa thọ đại giới thì không được cho thọ; đã thọ đại giới thì nên diệt tẫn.
9. Bấy giờ đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
«Các Ngươi không được lúc nào cũng cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Nếu tỳ-kheo muốn cử tội tỳ-kheo khác mà thân không thanh tịnh thì vị kia sẽ nói: “Thưa Trưởng lão, trước hết tự mình nên tịnh thân đã.” Nếu cử tội tỳ-kheo khác mà thân mình được thanh tịnh thì vị kia sẽ không nói được gì.»
Cũng vậy, miệng không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, không đa văn, không tụng Tỳ-ni, không quán Tu-đa-la, biện thuyết không rõ ràng, dụ như con dê trắng, đối với thiện tỳ-kheo thân nghiệp không từ hoà, cũng như vậy.
10. «Lại nữa, Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo muốn xuất tội của người, không khiến cho có tội. Có phạm thì cử, không phạm thì không cử. Căn cứ theo tự ngôn của tỳ-kheo đó, cho yết-ma tự ngôn, khéo hay nói năng rõ ràng có lợi ích.
«Lại nữa, này Ưu-ba-ly, tỳ-kheo cử tội người khác nên có năm pháp: đúng thời không phi thời... (như năm pháp như trên đã nói).
11. «Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo nào có mười bảy pháp này thì nên cử tội tỳ-kheo khác.
12. Có hai mươi hai pháp không được trao đại giới cho người: không biết pháp không, biết phi pháp, cho đến không biết thuyết, không biết phi thuyết, không biết tội có thể sám hối, không biết tội không thể sám hối, không biết sám hối, không biết sám hối thanh tịnh. Có hai mươi hai pháp như vậy không được trao đại giới cho người.
Có hai mươi hai pháp nên trao đại giới cho người (ngược với câu trên).
13. Bấy giờ đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Do hai mươi hai hành tướng để biết người bình đoán sự: thọ trì đủ hai trăm năm mươi giới, đa văn, khéo giải A-tỳ-đàm, Tỳ-ni, không cùng người tranh cãi, cũng không kiên trụ nơi việc này, người đáng quở trách thì quở trách rồi sau đó mới an trú, người nên dạy dỗ thì dạy dỗ rồi sau đó mới an trú, nên diệt tẫn thì diệt tẫn rồi sau đó mới an trú, không ái, không nhuế, không bố, không si, không nhận thức ăn của bộ này, cũng không nhận thức ăn của bộ kia, không nhận y bát, tọa cụ, ống đựng kim của bộ này cũng không nhận y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của bộ kia, không cung cấp bộ này, cũng không cung cấp bộ kia, không cùng với bộ này vào xóm, cũng không cùng với bộ kia vào xóm, không cùng kỳ hẹn cũng không đến nơi kia, đến sau thì ngồi sau. Có hai mươi hai hành tướng này thì biết đó là người bình đoán sự.»
Đức Phật dạy như vậy. Các tỳ-kheo sau nghe, hoan hỷ, phụng hành.


Chú thích:
[183] Các thành phần của ngôn ngữ: ba-đà-xá 波陀舍 (Skt., Pali: pada, cú, câu hay mệnh đề), a-nậu-ba-đà-xá 阿[少/兔]波陀舍 (Skt., Pali: anupada, tùy cú), tiện-xà-na 便闍那 (Skt. vyañjana: văn, từ ngữ ), a-nậu-tiện-xà-na 阿[少/兔]便闍那 (Skt., Pali: anuvyañjana: tùy văn), ác-xoa-la 惡叉羅 (Skt. akṣara, Pali: akkhara, tự, tự mẫu, âm tiết), a-nậu-ác-xoa-la 阿[少/兔]惡叉羅 (Skt. anu-akṣara, tùy tự).
[184] Câu này có thể hiểu như sau: «Những âm vận, từ ngữ, cú pháp nào mà Ta chấp thuận, các ngươi hãy theo đó mà làm.» Điều này liên hệ việc chuyển thể kinh Phật sang ngôn ngữ Sanskrit chuẩn của Vệ-đà mà Phật không cho phép. Xem phần iv, chương ii «Tạp sự», đoạn 17, cht. 62.
[185] A-nan-phân-để 阿難分坻; phiên âm của Skt. (Pali) Anāthapiṇḍika, dịch là Cấp Cô Độc. Các đoạn trên kia phiên âm là A-nan-bân-để 阿難邠坻, dịch là Cấp Cô Độc Thực.
[186] Tỳ-xá-khư Mẫu, trên kia cũng nói là Tỳ-xá-khư Vô-la-di Mẫu. Pali: Visākhā-Magāra-Matā.
[187] Xem, bản Việt, phần iii, chương ix «Câu-thiểm-di», đoạn 5.
[188] Gồm sau hạng mục cho 5 pháp «nên nói» và «không nên nói.» Như các hạng mục 180-185 trên
[189] Bản Hán, phần iii, chương xi «Già kiền-độ.» Bản Việt, phần iii, chương xiv «Già yết-ma.»
[190] Xem các hạng mục, «Một pháp», hạng mục 1 & 2; «Hai pháp», hạng mục 126; «Ba pháp», hạng mục 153; «Bốn pháp», hạng mục 56.
[191] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57.
[192] Chi tiết, xem «Bốn pháp», hạng mục 58.
[193] Xem phần iii, ch. xiv «Già yết-ma» đoạn 2, các cht. 7, 8, 9.
[194] Pali, Vin. v. 92, 133: cha āpattisamuṭṭhānā, sáu tội đẳng khởi.
[195] Xem Trường A-hàm 8 (T01n01 tr.51c26): lục tránh bản. Xem thêm, Trung A-hàm 52 (T01n26 tr.753c9). Thập tụng 50 (T23n1435 tr.367a07), lục tránh bản 六諍本: 1. sân hận bất ngữ, 2. ác tánh dục hại, 3. tham tật, 4. siểm khúc, 5. vô tàm quý, 6. ác dục tà kiến. Tham chiếu Pali, Saṅgi, D. iii. 246: cha vivādamulāni.
[196] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 129.
[197] Ngăn bằng bảy thiên tội. Xem phần iii. Ch. xiv «Già yết-ma», đoạn 2 «Già thuyết giới.»
[198] Bảy thiên tội, hay bảy tụ tội. Pali: sattāpattikkhandhā. Xem mục «Năm pháp», hạng mục 93.
[199] Xem phần i, tăng-già-bà-thi-sa 1. Bản Việt, quyển 1, tr. 93.
[200] Bản Việt, quyển 2, tr. 975.
[201] Để bản: sử 使. Các bản khác: canh 更. Tham chiếu Pali, Vin. v. 135: thành tựu bảy pháp được gọi là tỳ-kheo trì luật (nhiều tụ bảy như Hán): biết tội, không tội... nhớ nhiều đời quá khứ khác nhau (anekavihitaṃ pubbenivāsanṃ anussarati).
[202] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 219.
[203] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57; «Năm pháp», hạng mục 220.
[204] Xem hạng mục 13 trên.
[205] Xem mục «Sáu pháp», hạng mục 1.
[206] Tức «Tám kỉnh pháp.»
[207] Xem phần iv, chương ii «Tạp sự», đoạn 27 «Úp bát.»
[208] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 12.
[209] Để bản: vô sở nhiệm 無所任. Các bản khác: vô sở trụ.
[210] Xem Tạp A-hàm 33 (T02n99 tr.235a6). Pali, A. viii. 14. Assakhaluṅka.
[211] Thủ ư hạ đạo 取於下道. Nghiã là trở lại đời sống thế tục. Hán dịch sát nghĩa đen, cf. Pali: hīnāya āvattati.
[212] Tham chiếu Pali, A. iv. 128: Aggikkhandhopama.
[213] Xem phần iii, chương xiv, đoạn 2 «Già yết-ma.» Về ý nghĩa tác và bất tác, xem các cht. 7, 8, 9 cũng trong đoạn dẫn trên.
[214] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 219.
[215] Xem trên, «Hai pháp», hạng mục 136; «Ba pháp», hạng mục 156; «Bốn pháp», hạng mục 57; «Năm pháp», hạng mục 220.
[216] Xem phần i, tỳ-kheo, ni-tát-kỳ 1, cht. 8; bản Việt, quyển 1, tr.236. Phiên âm ở đây có vài chỗ khác với phiên trong đoạn dẫn trên. Xem thêm, Phần iii, chương vi «Y».
[217] Xem phần iii, chương vi «Y», cht. 7.
[218] Trong bản: sơ sản y. Có bản chếp: sơ hư. Trên kia, đoạn đã dẫn (cht. 217) nói là «y sản phụ.»
[219] Trong bản Hán: lập Vương y. Trên kia, đoạn đã dẫn (cht. 217) nói là «y thọ Vương chức.»
[220] Thập tụng 33: Tỳ-kheo phạm ba-la-di, nhưng chưa được Tăng nêu tội. Nghĩa là, chưa bị buộc tội là phạm ba-la-di.
[221] Thập tụng 33: tuỳ thuận Tăng sự như pháp.
[222] Thập tụng 33: không khinh Tăng, tức không chống đối các quyết định như pháp của Tăng.
[223] Xem phần iii, chương xiv, đoạn 2, và xem giải thích ở đoạn 3 về 10 như pháp.
[224] 10 trong 13 già nạn. Không được nhận là tỳ-kheo, mặc dù có thọ giới.
[225] Xem «Năm pháp» hạng mục 206.
[226] Xem phần iii, chương xvi, mục iii.2(ii.c).
[227] Xem bản Việt, quyển 1, tr. 25, các cht. 31, 32.
[228] Bất-thi thành lâm 不尸城林.
[229] Trong bản, tu-đố-lộ 修妒路.
[230] Xem mục «Năm pháp», hạng mục 215; «Mười pháp», hạng mục 9.
[231] Đây nói đủ 13 già nạn. Xem phần iii, chương i «Thọ giới.»

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.70.205 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập