Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 34 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 34

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.89 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 1.11 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
v. A-xà-lê
Bấy giờ các tỳ-kheo mới thọ giới, Hòa thượng mạng chung, không biết ai giáo thọ. Do không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp không khác. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau cho phép có pháp của A-xà-lê[168] và pháp của đệ tử.[169] A-xà-lê đối với đệ tử như con, đệ tử đối với A-xà-lê tưởng như cha, trên dưới dạy bảo nhau, trên dưới phụng sự nhau. Có như vậy ở trong Phật pháp mới thêm sự lợi ích, mới lưu truyền rộng rãi.»
Pháp thức thỉnh A-xà-lê như sau: người thỉnh để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại đức một lòng thương tưởng, con tên là..., nay cầu Đại đức làm vị y chỉ, nguyện Đại đức vì con làm y chỉ, con y chỉ nơi Đại đức mà an trú.»
Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.
Vị Đại đức nên nói:
«Được, tôi cho ông y chỉ. Ông chớ buông lung.»
Các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tác pháp y chỉ. Tỳ-kheo mới thọ giới cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa ăn chính ăn phụ lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ, mà các thầy là tỳ-kheo mới thọ giới tại sao nhận người y chỉ để không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh, trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la, như bà-la-môn nhóm họp.»
Các tỳ-kheo quở trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
«Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều chẳng nên làm. Này tỳ-kheo, tại sao đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ mà các ông là tỳ-kheo mới thọ giới, lại nhận người khác y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ.»
Khi các tỳ-kheo kia nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ, thì có tỳ-kheo mười tuổi kia ngu si, không trí tuệ, cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo kia: «Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Mà các thầy tuy mười tuổi, nhưng ngu si, lại cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.»
Tỳ-kheo quở trách rồi, đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
«Các ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc chẳng nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Các ông tuy mười tuổi mà ngu si lại cho người y chỉ, để rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh... cho đến như pháp của bà-la-môn nhóm họp.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ.»
Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Có tỳ-kheo kia tự xưng rằng, tôi mười tuổi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Song vị kia cho người y chỉ rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học [804a1] giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo kia: «Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà thầy tự nói, tôi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Cho rồi mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
«Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà ông tự nói có trí tuệ, để cho người y chỉ, cho y chỉ rồi, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp?»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
Từ nay về sau nên chế pháp A-xà-lê, khiến cho hành pháp A-xà-lê. A-xà-lê đối với đệ tử nên tác pháp như vầy, nên phụng hành pháp như vầy: (A-Xà-lê đối với đệ tử phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của Hòa thượng đối với đệ tử. Đệ tử đối với A-xà-lê phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Văn đồng nên không chép ra).[170]
vi. Y chỉ và dứt y chỉ
Bấy giờ các đệ tử không thừa sự cung kính Hòa thượng, cũng không thuận pháp của đệ tử. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau nên cho tác pháp khiển trách.[171]» Các tỳ-kheo không biết khiển trách như thế nào.
Đức Phật dạy:
Cho phép khiển trách bằng năm cách. Hòa thượng nói như sau:
«Nay ta quở trách ngươi: ‹Ngươi đi đi!›, ‹Ngươi đừng vào phòng ta.›, ‹Ngươi đừng làm việc gì cho ta.›,‹Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.›, ‹Ta không nói chuyện với ngươi.›» Đó gọi là năm việc Hòa thượng quở trách đệ tử.
A-xà-lê quở trách đệ tử cũng có năm cách, nói:
«Nay ta quở trách ngươi: ‹Ngươi đi đi!›, ‹Ngươi đừng vào phòng ta.›, ‹Ngươi đừng làm việc gì cho ta.›,‹Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.›, ‹Ta không nói chuyện với ngươi.›» Đó gọi là năm việc A-xà-lê quở trách đệ tử.
Đức Thế Tôn cho phép khiển trách. Các tỳ-kheo không biết nên khiển trách vì chuyện gì. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy:
«Đệ tử có năm việc, Hòa thượng, A-xà-lê nên khiển trách đệ tử: không biết xấu, không biết hổ, không nghe lời dạy, làm điều phi oai nghi, không cung kính. Đệ tử có năm việc như vậy Hòa thượng, A-xà-lê cần phải quở trách.
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà dâm nữ.
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến nhà phụ nữ.[172]
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà đồng nữ lớn.[173]
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà huỳnh môn.
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến tinh xá của tỳ-kheo-ni.
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến tinh xá của thức-xoa-ma-na, sa-di-ni.
«Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa xem bắt ba ba, rùa.
«Đệ tử có năm việc như vậy thì Hòa thượng, A-xà-lê nên tác pháp quở trách.»
Đức Thế Tôn cho phép khiển trách đệ tử. Các tỳ-kheo lại khiển trách suốt đời.
Đức Phật dạy: «Không được khiển trách suốt đời.»
Vị ấy khiển trách suốt mùa an cư.
Đức Phật dạy: «Không được như vậy.»
Vị kia khiển trách người bệnh. Trong khi Hòa thượng, A-xà-lê không trông nôm người bệnh, tỳ-kheo khác cũng không trông nôm khiến cho người bệnh khốn đốn.
Đức Phật dạy: «Không được khiển trách người bệnh.»
Vị kia khiển trách người vắng mặt. Các tỳ-kheo nói: «Ngươi bị khiển trách.» Đương sự nói: «Con không bị khiển trách.»
Đức Phật dạy: «Không nên quở trách người vắng mặt.»
Vị kia không nói rõ tội lỗi mà quở trách, các đệ tử nói: «Con phạm tội gì mà bị quở trách?»
Đức Phật dạy: «Không nên không nói rõ tội trạng mà khiển trách. Nên nói rõ tội trạng như vầy: ‹Ngươi phạm tội như vậy, như vậy.›»
Người bị khiển trách rồi lại cung cấp vật dụng và chịu sai khiến.
Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.»
Vị kia đã tác pháp quở trách rồi vẫn nhận sự cung cấp và sai khiến người ấy.
Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.»
Ngưòi khiển trách rồi mà vẫn ở đó y chỉ.
Đức Phật dạy: «Không được như vậy.»
Vị kia đã tác pháp khiển trách rồi mà vẫn cho người ấy y chỉ.
Đức Phật dạy: «Không được như vậy.»
Người bị quở trách rồi không sám hối Hòa thượng, A-xà-lê, bèn đi.
Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.»
Người bị quở trách rồi bèn ở bên các tỳ-kheo khác, không chấp sự cho Hòa thượng, A-xà-lê, mà cũng không chấp sự các tỳ-kheo khác.
Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.»
Người bị quở trách rồi không có người hướng dẫn việc tùy thuận nên bỏ đi xa hoặc thôi tu, hoặc không tin ưa Phật pháp.
Đức Phật dạy: «Những vị khác nên với ý nghĩ vì Hòa thượng, A-xà-lê của vị ấy khuyên họ sám hối để thầy trò hòa hợp.»
Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo dụ dẫn đệ tử người khác đi. Các tỳ-kheo đến bạch đức Phật.
Đức Phật dạy: «Không được dụ dẫn đệ tử người khác đi. Nếu dụ dẫn đi thì nên như pháp trị.»
Vị Hòa thượng, A-xà-lê kia hoặc phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, đối với pháp sa-môn không lợi ích. Các tỳ-kheo đến bạch Phật.
Phật dạy: «Cho phép dụ dẫn đi, với ý nghĩ khuyên bảo để cho vị ấy được thêm lớn sự lợi ích đối với pháp sa-môn.»
Người bị quở trách rồi, không chịu đến Hòa thượng, A-xà-lê để sám hối. Đức Phật dạy: «Bị quở trách rồi, nên đến Hòa thượng, A-xà-lê sám hối.» Pháp thức sám hối: người sám trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Bạch đại đức. Nay con xin sám hối. Con không dám tái phạm.»
Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không cho phép thì mỗi ngày ba lần, sáng, trưa, chiều xin được sám hối. Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không thì phải hạ ý tùy thuận,[174] cầu phương tiện để giải bày tội phạm kia. Người ấy hạ ý tùy thuận không trái nghịch, cầu giải bày tội lỗi thì vị thầy nên nhận sự sám hối. Nếu không nhận sự sám hối sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, có tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần y chỉ. Quan sát phòng xá, thấy chỗ a-lan-nhã có một cái hang, liền có ý nghĩ: «Nếu được sự y chỉ sẽ ở nơi đây.» Vị ấy đem việc này nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần phải y chỉ cho phép y chỉ chỗ khác, nếu nội trong ngày trở về lại được. Nếu không được, thì tỳ-kheo mới thọ giới mà ưa ở chỗ nhàn tịnh, được cho phép sống không y chỉ.»
Bấy giờ tỳ-kheo cựu trú[175] mới thọ giới cần y chỉ, nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn chế giới không được sống không y chỉ.» [805a1] Vị kia bèn bỏ trú xứ đi,[176] trú xứ bị hư hoại.[177] Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, trường hợp tỳ-kheo cựu trú mà mới thọ giới cần y chỉ, cho phép sống không y chỉ. Vì thủ hộ trú xứ.»
Có tỳ-kheo nghĩ quyết định ra ngoài giới rồi đi luôn. Nhưng khi ra ngoài giới, trong ngày ấy lại trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật, trường hợp như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:
«Trường hợp đó mất y chỉ.»
Hòa thượng, A-xà-lê có ý nghĩ quyết định ra ngoài giới và đi luôn, không trở lại. Nhưng trong ngày lại trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật trường hợp này có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:
«Mất y chỉ.»
Có tỳ-kheo bạch với Hòa thượng, A-xà-lê, tạm thời ra ngoài giới. Sau khi ra ngoài giới, trong ngày trở về lại. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:
«Không mất y chỉ.»
Có Hòa thượng, A-xà-lê, nghĩ rằng tạm thời ta ra ngoài giới, trong ngày, vị ấy trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:
«Không mất y chỉ. »
Có các tỳ-kheo dẫn người thọ giới ra ngoài giới, mời nhóm sáu tỳ-kheo đến trao giới cho họ. Nhóm sáu tỳ-kheo không đến nên không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem vấn đề này bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, nếu người tác pháp ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, a-phù-ha-na, tác yết-ma, hoặc lập chế, hoặc thọ giới, hoặc người được chúng sai, hoặc có việc cần giải bày, những việc như vậy, kêu đến mà không đến thì phải như pháp trị.»
Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác yết-ma. Thượng tọa nói: «Tôi không tụng.» Tỳ-kheo lại thưa với trung tọa, hạ tọa tác bạch, các vị cũng lại nói: «Tôi không tụng.» Vì vậy bị trở ngại, không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng bạch yết-ma. Nếu không sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới, ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác bạch. Thượng tọa nói: ‹Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.› Tỳ-kheo lại thưa với trung tọa, hạ tọa tác bạch, quý vị cũng nói: ‹Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.› Nên không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo năm tuổi phải bạch yết-ma cho thuộc lòng. Nếu không thuộc sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới, ra ngoài giới, nghe có giặc đến; tất cả đều sợ sệt, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau, có tám việc nạn và các duyên khác cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người; chứ không được quá.»
Nạn xứ là: một, nạn Vua; hai, nạn giặc cướp; ba, nạn nước; bốn, nạn lửa; năm, bệnh; sáu, nhơn sự; bảy, phi nhơn; tám, sâu thất-lê-sa trùng.[178] Các nhơn duyên khác là: chúng họp nhiều, tọa cụ ít, hoặc nhiều người bệnh; cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người. Hoặc chúng tập đông mà phòng xá ít; hoặc trời mưa dột, thì cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba vị.
Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Nếu có các việc quan trọng, có được phép một lần có thể tác pháp yết-ma cho hơn hai, ba vị hay không?»
Đức Phật dạy:
«Không được quá.»
Có vị nhờ người nhận y chỉ. Phật dạy:
«Không được làm như vậy. »
Có vị nhờ người trao y chỉ, Phật dạy:
«Không được làm như vậy. »
Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, đệ tử nghĩ rằng: «Hòa thượng, A-xà-lê đi không lâu sẽ trở về, ta vẫn sống theo y chỉ cũ.» Do đó, hiện sống mà không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép, khi Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, ngay trong ngày đó phải xin y chỉ khác, nếu không nhận sẽ như pháp trị.»
Các đệ tử đi xa ra ngoài giới, nghĩ rằng chúng ta đi không lâu sẽ trở về, nên vẫn sống với y chỉ nơi Hòa thượng, A-xà-lê như cũ; cho nên, trong thời gian đó, sống không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ. Nhưng không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước khi cầu y chỉ.»
Tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ, các vị ấy nghĩ: «Đức Thế Tôn chế giới, tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ; không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước hết phải thọ y chỉ đã.» Vì mệt mỏi nên ngay khi thọ y chỉ, bị té xỉu, bị bất tỉnh, khiến ngả bệnh. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đức Thế Tôn. Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ, được phép rửa chân trước, uống nước trước, nghỉ khỏe một chút rồi mới cầu thọ y chỉ.»
Có vị không lựa chọn người để nhận y chỉ, trúng ông thầy phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, đã tác pháp y chỉ, bị tác pháp tẫn, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, hoặc bị cử tội, không có điều lợi ích đối với hạnh của sa-môn. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, không được không lựa chọn vị thầy để nhận y chỉ.»
Có thầy không lựa chọn người mà cho y chỉ, trúng người đệ tử phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, hoặc bị tẫn, đã tác y chỉ, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, bị tác pháp cử tội. Đức Phật dạy:
«Không được không lựa chọn người mà cho y chỉ.»
Bấy giờ có tỳ-kheo mới thọ giới, cần phải y chỉ, nhưng bị bệnh nên có ý nghĩ, «Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.» Vì vậy, vị ấy liền bỏ trú xứ đi, nên bệnh tình trầm trọng. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới cần phải y chỉ. Nếu bị bệnh, được phép sống không y chỉ.»
Có tỳ-kheo mới thọ giới cần y chỉ. Nhưng vì nuôi bệnh, nên có ý nghĩ, «Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.» Vị kia liền bỏ người bệnh đi. Người bệnh phải mạng chung. Các tỳ-kheo đến bạch Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mới thọ giới nếu nuôi bệnh được sống không y chỉ.»
Hòa thượng, A-xà-lê của các tỳ-kheo bị chúng Tăng trao pháp tác yết-ma, trao pháp quở trách, trao pháp tẫn, tác y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:
«Không mất y chỉ.»
Các đệ tử kia bị chúng Tăng trao cho tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, cho đến tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử yết-ma. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy:
«Không mất y chỉ.»
Hòa thượng, A-xà-lê bị chúng Tăng tác yết-ma diệt tẫn. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy:
«Mất y chỉ.»
Các đệ tử kia bị chúng Tăng tác pháp yết-ma diệt tẫn. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy:
«Mất y chỉ.»
Thế Tôn du hóa đến thành La-duyệt. Bấy giờ, Uất-bề-la Ca-diếp dẫn các đồ chúng bỏ nhà học đạo. Đệ tử của San-nhã dẫn hai trăm năm mươi đệ tử bỏ nhà học đạo. Con của đại phú hào quý trong thành La-duyệt, cũng xuất gia học đạo. Đại chúng đông như vậy đang trụ tại thành La-duyệt. Các đại thần nói với nhau rằng: «Nay các ngoại đạo xuất gia học đạo, xuân-thu-đông-hạ thường du hành trong nhân gian. [806a1] Sa-môn Thích tử này tập trung ở nơi đây, không du hành nơi khác. Có lẽ vì nơi đây là tối thắng vậy.» Các tỳ-kheo nghe, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn bảo ông A-Nan:
«Ông đến từng phòng, rao nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Nay đức Thế Tôn muốn đến phương nam du hóa trong nhơn gian. Vị nào muốn tùy tùng thì tùy ý.›»
Tôn giả A-nan vâng lời dạy đức Phật, đến từng phòng nói với các tỳ-kheo: ‹Nay đức Thế Tôn muốn du hóa phương nam. Các tỳ-kheo nào muốn tháp tùng thì tùy ý.›
Bấy giờ các vị tân tỳ-kheo với lòng tin sâu đậm, thưa Tôn giả A-nan rằng:
«Nếu Hòa thượng, A-xà-lê của chúng con đi thì chúng con sẽ đi. Nếu quý ngài không đi thì chúng con cũng không đi. Tại sao vậy? Chúng con là tỳ-kheo mới thọ giới, đi thì cần phải cầu y chỉ khác, khi trở về phải thọ lại. Người ta sẽ bảo là chúng con bộp chộp không có quyết chí.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn dẫn một số ít tỳ-kheo du hành phương nam. Sau khi trở về thành Vương-xá, đức Thế Tôn quan sát số tỳ-kheo du hành ít, biết mà Ngài vẫn hỏi Tôn giả A-nan:
«Vì lý do gì các tỳ-kheo đi ít như vậy?»
Tôn giả A-nan trình bày đầy sự việc lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo năm tuổi có trí tuệ đối với tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ; tỳ-kheo năm tuổi nên thọ y chỉ với tỳ-kheo mười tuổi. Nếu ngu si không có trí tuệ thì phải y chỉ trọn đời.»
«Có năm pháp bị mất y chỉ:[179] 1. Thầy khiển trách. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Vào trong giới trường.
«Lại có năm pháp: 1. Chết. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Năm tuổi hay quá năm tuổi.
«Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ , hoặc gặp Hòa thượng cũ.
«Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, gặp Hòa thượng, A-xà-lê thôi tu.
«Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử thôi tu.
«Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc Hòa thượng, A-xà-lê mạng chung.
«Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử mạng chung.
«Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, trở lại ở ngay chỗ Hòa thượng. Đó gọi là năm pháp mất y chỉ.»
viii. Phẩm chất Hoà thượng
«Có năm pháp không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: giới không thành tựu, định không thành tựu, trí tuệ không thành tựu, giải thoát không thành tựu, giải thoát tri kiến không thành tựu. Năm pháp này không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Nếu thành tựu năm pháp này thì được trao giới cụ túc cho người (ngược lại với nghĩa trên).
«Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: Tự thân giới không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ nơi giới. Tự thân định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ đối với định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc. «Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại nữa, nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không tín, không tàm, không quí, biếng nhác, quên nhiều. Năm pháp trên thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. «Ngược lại, với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại nữa, có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: phá tăng thượng giới, phá tăng thượng kiến, phá tăng thượng oai nghi, ít học, không trí tuệ. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại có năm pháp này nếu thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không chăm sóc bệnh cho đệ tử, không thể nhờ người chăm sóc cho đến khi lành hay qua đời; đệ tử không thích sống trú xứ này mà không thể phương tiện gởi đi chỗ khác; đệ tử có điều nghi không thể giải quyết được như pháp, như luật, như lời Phật dạy; không thể giáo thọ để bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến; hoặc dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết điều gì phạm, không biết điều gì không phạm, không biết điều gì khinh, không biết điều gì trọng, dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết giáo thọ đệ tử tăng thượng oai nghi,[180] tăng thượng tịnh hạnh,[181] tăng thượng Ba-la-đề-mộc-xoa, bạch và yết-ma.[182] Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.
«Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, không biết bạch, không biết yết-ma. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.
«Năm pháp sau đây nếu thành tựu thì được trao giới cụ túc cho người: biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, biết bạch, biết yết-ma. Năm pháp này nếu thành tựu thì được phép trao giới cụ túc cho người.
«Cũng như vậy không được cho y chỉ và được cho y chỉ, không được nuôi sa-di và được nuôi sa-di, đều như trên.»
ix. Ngoại đạo xuất gia
Khi đức Phật ở tại thành La-duyệt, thì bấy giờ trong thành có lõa thể ngoại đạo tên là Bố-tát,[183] có khả năng luận nghị, thường tự tuyên bố: «Tại đây có sa-môn Thích tử nào có thể cùng ta biện luận thì mời đến.» Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
«Tôi có thể cùng ông biện luận.»
Các tỳ-kheo đem việc này bạch đến đức Phật. Phật dạy:
«Luận có bốn loại: Nghĩa rốt ráo, văn không rốt ráo. Văn rốt ráo, nghĩa không rốt ráo. Văn, nghĩa đều rốt ráo. Văn, nghĩa đều không rốt ráo.
Biện có bốn:[184] pháp biện, nghĩa biện, liễu liễu biện và từ biện. Nếu luận sư có bốn biện tài này mà nói văn nghĩa đều bị cụt, điều này không xảy ra. Nay, Xá-lợi-phất thành tựu bốn món biện tài này, mà nói văn nghĩa đều bị cụt; điều này không thể có.
Lõa hình kia liền vấn nghĩa Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất trả lời lại. Lõa hình liền dùng năm trăm bức nạn để nạn vấn Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất liền tương ứng với năm trăm bức nạn để trả lời, rồi dùng nghĩa sâu sắc để nạn vấn lại. Lõa hình bị nạn vấn không thể giải thích được, Lõa hình kia liền khởi ý nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Sa-môn Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta hãy theo xuất gia học đạo.»
Ông đến trong Tăng-già-lam. Từ xa trông thấy Bạt-nan-đà Thích tử, liền nghĩ: «Sa-môn Thích tử, ít người biết đến mà còn có trí tuệ như vậy, huống là người được biết đến nhiều, đâu có thể không giỏi hơn.» Lõa hình đến chỗ Bạt-nan-đà thưa: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Bạt-nan-đà liền độ cho làm đệ tử, trao giới cụ túc. Sau đó, lõa hình hỏi Bạt-nan-đà về nghĩa lý, Bạt-nan-đà không thể trả lời được. Lõa hình lại sanh [807a1] ý nghĩ này: «Sa môn Thích tử ngu ám. Không hiểu biết gì. Ta hãy thôi tu.» Lõa hình liền khoác áo ca-sa mà qua chúng ngoại đạo. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép ngoại đạo có bốn tháng cộng trú[185] ở trong Tăng, bằng pháp bạch nhị yết-ma.»
Nên tác pháp cho như vầy: Trước hết cho họ cạo tóc, mặc áo ca-sa, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con vốn là ngoại đạo, tên ... , quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con cầu xuất gia hành đạo trong giáo pháp đức Thế Tôn. Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
«Con vốn là ngoại đạo, tên ... , đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi. Con xin theo đức Như Lai xuất gia học đạo. Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
Nên dạy thọ giới: trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, cho đến trọn đời không chứa vàng bạc vật báu là giới của sa-di. Mười giới sa-di này trọn đời không được phạm. Ngoại đạo kia trước hết nên đến trong chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy ngoại đạo ấy thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Con vốn là ngoại đạo, tên ..., theo chúng Tăng xin bốn tháng cọng trú. Nguyện chúng Tăng dũ lòng thương cho con bốn tháng cộng trú »
Lần thứ hai, lần thứ ba thưa như vậy.
Rồi bảo ngoại đạo kia đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người vốn là ngoại đạo tên là... kia, nay đến xin chúng Tăng bốn tháng cọng trú. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho ngoại đạo tên... kia bốn tháng cọng trú. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người vốn là ngoại đạo tên là... kia theo chúng Tăng xin bốn tháng cọng trú. Nay Tăng cho ngoại đạo kia bốn tháng cọng trú. Trưởng lão nào chấp nhận cho người ấy bốn tháng cọng trú thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»
«Chúng Tăng đã chấp thuận cho ngoại đạo kia bốn tháng cộng trú rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Ngoại đạo kia hành pháp cọng trú rồi, khiến tâm các tỳ-kheo vui vẻ, sau đó mới đến trong Tăng thọ giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma.
Thế nào gọi là ngoại đạo không thể khiến cho tâm các tỳ-kheo hoan hỷ? Ngoại đạo kia tâm cố chấp trì theo pháp của ngoại đạo bạch y, không gần gũi tỳ-kheo mà gần gũi ngoại đạo, không tùy thuận tỳ-kheo mà tập tụng dị luận, hoặc khi nghe người nói việc không tốt của ngoại đạo, bèn giận dữ, hoặc nghe người chê bai thầy dạy, ngoại đạo cũng sanh lòng giận dữ; nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp, Tăng thì vui mừmg hớn hở. Hoặc có ngoại đạo khác đến khen ngợi việc tốt của ngoại đạo thì vui mừng hớn hở; hoặc có thầy của ngoại đạo đến nghe khen ngợi việc của ngoại đạo cũng vui mừng hớn hở; hay nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp,Tăng cũng vui mừng hớn hở. Đó gọi là ngoại đạo không thể khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ.
Thế nào gọi là ngoại đạo khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ? Nghĩa là ngược lại với các điều trên. Đó gọi là ngoại đạo cộng trú tâm ý điều hòa khiến các tỳ-kheo hoan hỷ.
Bấy giờ có một ngoại đạo, chúng Tăng cho bốn tháng cọng trú. Khi cọng trú thì có tâm chánh quyết định. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu đã có tâm chánh quyết định chánh thì nên bạch tứ yết-ma cho thọ giới cụ túc.»[186]
x. Các già nạn (1)
1. Bấy giờ, Lõa hình Bố-tát nghe những lời này liền nghĩ, «Sa-môn Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta nên trở lại xuất gia học đạo.» Bố-tát liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy:
«Đây là kẻ phá hoại nội ngoại đạo, ở trong pháp của Ta không thể trưởng ích. Nếu chưa thọ giới cụ túc thì không nên cho thọ giới cụ túc. Đã thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
2. Thế Tôn du hóa tại thành La-duyệt. Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt bảo người trong nước rằng: «Ai muốn xuất gia học đạo trong sa-môn Thích tử thì được phép ở trong pháp của Như Lai để tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ.»
Bấy giờ có một người đầy tớ đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Con muốn xuất gia làm tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia làm đạo. Sau đó lần lượt đi khất thực trong nhân gian, bị người chủ cũ bắt. Vị này kêu la:
«Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi! »
Các cư sĩ ở gần hỏi:
«Tại sao ngươi kêu la lớn tiếng như vậy?»
Đáp:
«Người này bắt tôi.»
Các cư sĩ hỏi người kia:
«Tại sao bắt người ta?»
Người kia nói:
«Người ấy là gia nô của tôi.»
Cư sĩ nói:
«Ông nên thả ra, chứ không được bắt. Người không thể nào bắt được đâu, có thể sẽ bị nhà quan phạt. Tại sao vậy? Người nên biết, Vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh bất cứ ai có khả năng ở trong hàng sa-môn Thích tử xuất gia học đạo, được phép ở trong giáo pháp của đức Như Lai khéo tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ. Vì vậy người đừng nên gây trở ngại.»
Người chủ kia liền thả tỳ-kheo ấy ra. Nhưng giận dữ, la lớn:
«Thật là tai họa! Đầy tớ của tôi mà tôi không được tự do bắt. Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn đầy tớ tụ họp.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật bảo:
«Từ nay về sau không được độ đầy tớ. Nếu độ sẽ như pháp trị.»
3. Bấy giờ có một tên giặc cướp ở tù vượt ngục, chạy đến trong vườn Tăng, thưa với các tỳ-kheo rằng: «Con muốn xuất gia học đạo.» Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Quan giám ngục kiểm tra danh bộ tù nhơn, hỏi người coi tù:
«Kẻ trộm ở tù tên này nay ở đâu?»
Người coi tù trả lời:
«Kẻ trộm ở tù, tên này vượt ngục; theo sa-môn Thích tử xin xuất gia rồi.»
Quan giám ngục cơ hiềm:
«Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn giặc tập trung.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau không được độ kẻ giặc. Nếu độ sẽ như pháp trị.»
4. Bấy giờ có người mắc nợ, trốn tránh chủ nợ, đến trong vườn thưa với các tỳ-kheo:
«Xin quý thầy độ con xuất gia làm đạo.»
Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Vị ấy khất thực trong nhân gian, bị người chủ nợ bắt, liền lớn tiếng kêu:
«Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!»
Các cư sĩ ở gần nghe liền hỏi:
«Tại sao thầy kêu la lớn tiếng vậy?»
Vị này nói:
«Người này bắt tôi.»
Các cư sĩ hỏi người kia:
«Tại sao ông bắt người này?»
Người kia trả lời:
«Người này mắc nợ tôi.»
Các cư sĩ nói với người kia rằng:
«Ông nên thả chứ không được bắt. Có thể ông bắt thì không đòi được nợ mà lại bị quan phạt. Tại sao vậy? Vì Vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh ‹Nếu ai có khả năng có thể xuất gia học đạo thì được phép theo ý muốn tu phạm hạnh, để dứt sạch nguồn gốc khổ.› Vì vậy ông đừng nên gây trở ngại.»
Người chủ nợ nghe xong liền thả vị tỳ kheo và giận dữ nói:
«Mắc nợ tôi mà tôi không được quyền đòi! Cứ theo việc này suy ra thì sa-môn Thích tử đều là bọn trốn nợ.»
Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau không được độ người mắc nợ. Nếu độ sẽ như pháp trị.»
5. Một thời đức Phật du hóa tại Ca-lan-đà Trúc viên thành La-duyệt. Bấy giờ có mười bảy cậu bé là bạn quen thân với nhau.[187] [808a1] Lớn nhất là mười bảy tuổi, nhỏ nhất là mười hai tuổi. Giàu nhất là tám trăm ngàn, nghèo nhất là tám mươi ngàn. Trong đó có một cậu tên là Ưu-ba-ly,[188][189] Sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Hai ông bà lại nghĩ: «Nếu cho nó học viết chữ thì cũng vất vả thân xác.[190] Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?» Nghĩ như vậy xong, hai ông bà nói: «Nên cho nó học toán số, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Rồi lại nghĩ: «Học toán cũng vất vả thân xác. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn? Ta nên cho nó học nghề họa tượng, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Rồi lại nghĩ: «Nghề họa tượng sợ mệt nhọc con mắt của con ta. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn, không mệt nhọc con mắt?» Rồi lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử khéo tự nuôi thân, an lạc, không hề có các khổ não. Ta nên cho con ta xuất gia hành đạo trong pháp của sa-môn Thích tử, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.» Một thời gian sau, nhóm đồng tử mười bảy người nói với cậu Ưu-ba-ly rằng: cha mẹ chỉ có một đứa con nên rất thương yêu, chưa bao giờ xa cách, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cha mẹ nghĩ rằng: «Ta nên cho con ta học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?» Hai ông bà tự nghĩ và nói: «Ta nên cho nó học viết chữ.
«Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo?»
Ưu-ba-ly nói:
«Tôi đâu xuất gia làm gì? Các bạn tự mình xuất gia đi.»
Nhóm các cậu mười bảy người, lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy với Ưu-ba-ly rằng:
«Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo. Tại sao vậy? Nay chúng ta cùng nhau vui đùa, khi đến đó chúng ta cũng đùa giỡn vui chơi với nhau.»
Ưu-ba-ly nói với các cậu bé rằng:
«Các bạn chờ tôi một chút. Tôi phải xin phép cha mẹ tôi đã.»
Ưu-ba-ly liền đến chỗ cha mẹ thưa:
«Thưa ba má, nay con muốn xuất gia làm đạo. Ba má cho phép con.» Cha mẹ Ưu-ba-ly nói:
«Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!»
Ưu-ba-ly thưa như vậy ba lần để xin cha mẹ được xuất gia. Hai ông bà cũng trả lời:
«Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!»
Lúc bấy giờ hai ông bà được Ưu-ba-ly ba lần ân cần thưa xin, bèn nhớ lại, «Trước đây chúng ta có ý này: Chúng ta nên cho con mình học nghề gì để sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Sau đó chúng ta định cho con mình học kinh thơ, cho đến họa tượng, để sau khi chúng ta qua đời, con của chúng ta có nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Nhưng rồi chúng ta vẫn lo sợ nhãn lực của con chúng ta bị lao nhọc. Cuối cùng chúng ta suy nghĩ: Duy chỉ có sa-môn Thích tử là khéo tự nuôi thân, không có các khổ não. Nếu như con của chúng ta xuất gia trong đó chắc chắn có thể sống thoải mái, không có các khổ não.»
Bấy giờ hai ông bà nói với Ưu-ba-ly:
«Nay thật đúng lúc ba má cho con xuất gia.»
Bấy giờ Ưu-ba-ly đến chỗ nhóm các cậu mười bảy người nói:
«Ba má tôi đã cho tôi xuất gia. Các bạn muốn xuất gia thì nay là đúng lúc.»
Các cậu liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:
«Bạch Đại đức, chúng con muốn xuất gia học đạo. Xin các Đại đức cho phép chúng con xuất gia làm đạo.»
Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Các cậu còn nhỏ, mới đây đã quen sống vui đùa, ăn một bữa không chịu nổi, nên đến giữa đêm bị đói, lớn tiếng đòi ăn, kêu la:
«Cho tôi ăn! Cho tôi ăn!»
Các tỳ-kheo nói:
«Các ngươi chờ một chút. Đợi sáng, chúng Tăng có thức ăn gì sẽ cho các ngươi ăn. Nếu không có sẽ cùng các ngươi khất thực. Tại sao vậy? Vì trong đây không có chỗ để nấu ăn.»
Bấy giờ đức Thế Tôn trong đêm tư duy nơi yên tịnh nghe tiếng trẻ khóc la, biết mà vẫn cố hỏi Tôn giả A-nan:
«Tại sao trong đêm có tiếng khóc la của trẻ nhỏ?»
Tôn giả A-nan đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
«Không được trao giới cụ túc cho người chưa đủ tuổi hai mươi. Tại sao vậy? Tuổi chưa đủ hai mươi không thể nhẫn chịu được các thứ lạnh nóng, đói khát, gió mưa, muỗi mòng, độc trùng; không nhẫn nhịn được tiếng ác; hoặc trong thân có các khổ thống không thể chịu đựng được; lại không thể giữ được giới một ngày ăn một bữa. Nếu ai độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, thì sẽ như pháp trị.»
Phật bảo:
«A-nan nên biết, người đủ hai mươi tuổi mới kham nhẫn được các việc như trên.»
6. Lúc bấy giờ, trong cương giới nước Ma-kiệt xuất hiện năm loại bệnh: một là bệnh hủi, hai là bệnh ung thư, ba là bệnh hủi trắng, bốn là bệnh càn tiêu,[191] năm là bệnh điên cuồng.[192] Người trong nước kia bị các chứng bệnh này, bèn đến nơi Kỳ-bà Đồng tử[193] nói:
«Yêu cầu ông chữa bệnh cho chúng tôi, tôi sẽ tặng ông tài vật như vậy... như vậy...»
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Tôi không thể trị bệnh cho các người được.»
Các người bệnh lại nói:
«Xin ông cứu giúp cho. Chúng tôi sẽ đem tất cả gia tài sự nghiệp và vợ con để cung cấp cho ông sai khiến.»
Kỳ-bà Đồng tử trả lời:
«Tôi không thể chữa bệnh cho các người được.»
Các bệnh nhân nói với nhau rằng: «Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến chỗ chữa bệnh kia.»
Bấy giờ các người bệnh đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:
«Chúng con muốn xuất gia học đạo.»
Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia. Kỳ-bà Đồng tử chữa bệnh cho Phật và Tăng tỳ-kheo, cung cấp thuốc tiêu xổ, hoặc cần canh thì cấp canh, thứ nào cần kiêng cử thì kiêng cử. Hoặc cung cấp loại canh bằng thịt chim đồng, tùy theo bệnh mà cung cấp thực đơn để cho căn bệnh được lành. Lành rồi họ không tu nữa. Kỳ-bà Đồng tử trên đường đi gặp họ, hỏi:
«Hình như ông trước đây có xuất gia phải không?»
Họ trả lời:
«Tôi đã từng xuất gia.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi:
«Tại sao ông thôi tu?»
Họ trả lời:
«Trước đây tôi mắc bệnh đến nhờ ông chữa, tôi nói: ‹Ông chữa, tôi sẽ đem tài vật như vậy, như vậy để trả ơn cho ông.› Ông nói: ‹Tôi không thể chữa.› Tôi yêu cầu lần thứ hai, tôi nói: ‹Tôi sẽ đem hết gia tài sự nghiệp và bản thân tôi như vợ con tôi cung cấp cho ông sai sử,› ông cũng vẫn không chịu chữa. Chúng tôi tự nói với nhau rằng: ‹Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến nơi phòng chữa bệnh kia để chữa. Nơi đó người này sẽ vì ta mà chữa.› Chúng tôi vì chữa bệnh nên đến trong Tăng-già-lam quyền biến thưa xin xuất gia để chữa bệnh chứ bản thân chúng tôi không có lòng tin đối với Phật pháp và chúng Tăng mà xuất gia.»
Kỳ-bà Đồng tử nghe như vậy rồi, không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch với đức Thế Tôn:
«Trước kia con vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ việc nhà Vua, mà các tỳ-kheo độ những người có năm chứng bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, càn tiêu và điên cuồng. Cúi xin [809a1] đức Thế Tôn dũ lòng thương ra lệnh các tỳ-kheo từ nay về sau đừng độ những người có năm chứng bệnh này xuất gia làm đạo nữa.»
Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử biết đức Thế Tôn nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, đi quanh ba vòng rồi cáo lui. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Các ông nên biết, Kỳ-bà Đồng tử trước kia vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ công việc của nhà Vua, mà các tỳ-kheo lại độ những người có năm chứng bệnh như vậy. Từ nay về sau không được độ những người có năm chứng bệnh như vậy mà trao giới cụ túc. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.»
xi. Dữ học giới
Một thời, đức Phật ở tại thành La-duyệt. Trong thành này có một tỳ-kheo tự là Nan-đề,[194] thường ưa tọa thiền, được định của thế tục, tâm giải thoát.
Một lúc nọ, từ Tứ thiền xuất định, thì có ma nữ đến đứng trước mặt. Tỳ-kheo kia nắm lấy, muốn phạm giới. Ma nữ liền ra ngoài. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài. Ma nữ ra ngoài lan can nhà. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài lan can nhà. Ma nữ kia ra giữa sân. Tỳ-kheo cũng đến giữa sân. Ma lại ra ngoài chùa. Tỳ-kheo cũng ra ngoài chùa. Bên ngoài chùa có một con ngựa mới chết. Bấy giờ ma đến nơi con ngựa chết liền biết mất, thân trời không thấy nữa. Bấy giờ tỳ-kheo Nan-đề hành bất tịnh hạnh với con ngựa chết. Hành bất tịnh hạnh rồi, Nan-đề hoàn toàn không có tâm che dấu, liền nghĩ: «Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới: Nếu tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che dấu, sẽ không phạm ba-la-di chăng? Nay ta nên thế nào đây?» Nan-đề liền nói với tỳ-kheo quen thân rằng:
«Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới, người nào làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm dâm, bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Tôi sẽ không phạm ba-la-di chăng? Lành thay, trưởng lão vì tôi đến bạch với đức Thế Tôn. Ngài dạy như thế nào tôi sẽ phụng hành như thế ấy.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng:
«Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di bằng pháp bạch tứ yết-ma như vầy: bảo tỳ-kheo Nan-đề đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Nan-đề phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến xin Tăng cho giới ba-la-di. Cúi xin Tăng cho tôi giới ba-la-di. Từ mẫn cố.»
Lần thứ hai,lần thứ ba cũng nói như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che dấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đại đức nào chấp thuận Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
«Tăng đã đồng ý cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Cho giới ba-la-di rồi, mỗi việc, mỗi việc phải tùy thuận phụng hành. Pháp tùy thuận phụng hành là: không được trao giới cụ túc cho người; không được cho người y chỉ; không được nuôi sa-di; nếu sai giáo thọ tỳ-kheo-ni thì không được nhận, dù đã sai cũng không được đến giáo thọ; không được thuyết giới cho Tăng; không được hỏi đáp Tỳ-ni trong Tăng; không được nhận làm người tri sự cho Tăng; không được nhận làm người xử đoán cho Tăng; không được nhận làm người sứ mạng cho Tăng; không được sáng sớm vào tụ lạc xẩm tối mới về. Phải gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi ngoại đạo bạch y; phải thuận tùng pháp của tỳ-kheo; không được nói việc của thế tục; không được tụng luật trong chúng, nếu không có người tụng thì được phép; không được tái phạm tội này hay các tội khác, hoặc tội tương tợ hay tùng sanh, hoặc nặng hơn; không được phi Tăng yết-ma và tác yết-ma; không được nhận sự trải chỗ ngồi, nước rửa chân, lau guốc dép, xoa chà nơi thân và lễ bái, nghinh đón, thăm hỏi của tỳ-kheo thanh tịnh; không được nhận sự cầm nắm y bát của tỳ-kheo thanh tịnh; không được cử tội tỳ-kheo thanh tịnh, tác ức niệm, tác tự ngôn trị; không được làm chứng cho người chơn chánh; không được ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới, tự tứ; không được cùng tỳ-kheo thanh tịnh tranh luận. Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, khi Tăng thuyết giới yết-ma, đến hay không đến, Tăng không phạm.
Các tỳ-kheo nói như sau: Nếu tỳ-kheo được cho giới ba-la-di rồi, vị ấy lại phạm dâm bất tịnh hạnh thì có cho lại giới ba-la-di lần thứ hai không? Đức Phật dạy:
«Không cho, mà phải diệt tẫn.»
xi. Sa-di xuất gia
1. Bấy giờ đức Phật ở tại vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, giữa những người họ Thích.[195] Đến giờ, Ngài khoác y bưng bát vào thành Ca-duy-la-vệ khất thực. Khất thực xong, ra khỏi thành. Vào lúc đó mẹ của La-hầu-la[196] cùng La-hầu-la ở trên lầu cao, thấy đức Phật đi đến, nói với La-hầu-la rằng:
«Người đang đi đến là cha của con.»
La-hầu-la liền vội vàng xuống lầu, đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn đưa tay sờ lên đầu La-hầu-la. La-hầu-la tự nghĩ rằng: «Từ nhỏ đến nay mình chưa từng có được cảm giác sung sướng nào cực kỳ dịu dàng như thế này.»
Đức Phật hỏi:
«Con có thể xuất gia học đạo hay chăng?»
La-hầu-la thưa:
«Con có thể xuất gia.»[197]
Đức Phật đưa một ngón tay cho La-hầu-la và dẫn về trong Tăng-già-lam, bảo Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
«Ông độ cậu bé La-hầu-la này như pháp sau đây: cho cạo tóc, dạy mặc ca-sa, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
«Con là La-hầu-la, quy y Phật, quy y Pháp, quy Tăng tỳ-kheo. Con ở trong pháp của Như Lai xuất gia học đạo. Đức Như Lai là bậc Chí chơn Đẳng chánh giác của con!»[198]
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
«Con là La-hầu-la, đã quy y Phật, Pháp, Tăng. Con xuất gia học đạo trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác của con !» Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
Nên dạy thọ giới, nói: Trọn đời không được giết hại là giới của sa-di, cho đến không cầm vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di. Mười giới này của sa-di trọn đời không được phạm.
Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời dạy của đức Như Lai, độ đồng tử La-hầu-la, rồi dẫn đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân xong, đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Thế Tôn:
«Con đã độ La-hầu-la xong. Việc phân phòng xá, ngọa cụ cho sa-di như thế nào?»
Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, từ đại tỳ-kheo trở xuống, theo thứ tự phân chia.
Bấy giờ các sa-di nhỏ đại tiểu tiện, khạc nhổ, làm bẩn giường dây dệt,[199] tọa cụ, ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau không được cho sa-di ngồi, nằm trên giường dây dệt. Nếu có thể giữ gìn sạch sẽ, không làm bẩn, thì mới cho nằm ngồi.»
[810a1] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:
«Nếu khi chúng Tăng được phẩm vật cúng dường, thì phân cho sa-di như thế nào?»
Phật bảo Tôn giả:
«Nếu chúng Tăng hòa hợp thì nên chia đều. Nếu không hòa hợp thì nên cho phân nửa. Nếu không hòa hợp nữa thì cho một phần ba. Nếu không như vậy thì chúng Tăng không được chia. Nếu chia, sẽ như pháp trị.»
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
«Bữa đại thực, tiểu thực, chia cho sa-di như thế nào?»
Đức Phật dạy:
«Tùy đại Tăng, chia theo thứ tự.»
Bấy giờ Vua Thâu-đầu-đàn-na[200] nghe đức Phật độ La-hầu-la xuất gia, buồn khóc, đến trong Tăng-già-lam, chỗ đức Phật Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Thế Tôn xuất gia, tôi còn một chút hy vọng nơi Đồng tử Nan-đà, sẽ kế thừa gia nghiệp. Nhưng rồi Thế Tôn lại độ cho xuất gia. Nan-đà xuất gia rồi, tôi vẫn còn một chút hy vọng nơi La-hầu-la, sẽ kế thừa sự nghiệp, không bị tuyệt tự. Nay Thế Tôn lại độ La-hầu-la xuất gia. Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không cho, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Cúi xin đức Thế Tôn từ nay về sau bảo các tỳ-kheo không được độ xuất gia những người con mà cha mẹ không đồng ý.»
Đức Thế Tôn im lặng chấp thuận thỉnh cầu Vua. Vua biết đức Thế Tôn nhận lời yêu cầu của mình bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng, cáo lui.
Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo:
«Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không đồng ý, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Từ nay về sau, cha mẹ họ không cho phép thì không được độ xuất gia. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.»
2. Phật du hóa tại vườn Cù-sư-la, Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ có con của người thợ công xảo[201] đến trong Tăng-già-lam yêu cầu các tỳ-kheo cho xuất gia hành đạo. Các tỳ-kheo liền cho xuất gia hành đạo. Cha mẹ của nó đến trong Tăng-già-lam khóc than và hỏi các tỳ-kheo: «Có thấy đứa nhỏ hình dáng như vậy, như vậy đến đây không?» Tỳ-kheo không thấy nên trả lời không thấy. Cha mẹ nó liền đến các phòng tìm, thấy được con họ, nên cơ hiềm nói:
«Sa môn Thích tử không biết thẹn, nói láo. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Có chánh pháp nào như vậy? Độ con nít của tôi xuất gia mà nói không có?»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
«Các ông khéo nghe, từ nay về sau, nếu muốn cạo tóc để độ người tại trong Tăng-già-lam thì phải bạch tất cả Tăng. Nếu tập hợp không được thì đến từng phòng để thưa cho biết, rồi sau mới cạo tóc. Nếu Tăng tập hợp được thì phải tác bạch rồi sau mới cho cạo tóc.»
Văn tác bạch như vầy:
«Đại đức tăng xin lắng nghe! Người có tên là... nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu... cạo tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... nầy cạo tóc. Đây là lời tác bạch.»
Nếu muốn độ cho xuất gia trong Tăng-già-lam nên bạch tất cả Tăng. Bạch rồi mới được phép xuất gia. Và tác bạch như vầy:
«Đại đức tăng xin lắng nghe! Người có tên là..., nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu..., cho xuất gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.»
Bạch như vậy rồi sau mới cho xuất gia. Hướng dẫn người xuất gia mặc áo ca-sa, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bảo họ chắp tay thưa:
«Con tên là... quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
«Con tên là...đã quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Trao giới cho họ như vầy:
1- Trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
2- Trọn đời không ăn trộm là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
3- Trọn đời không dâm dục là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
4- Trọn đời không nói dối là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
5- Trọn đời không uống rượu là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
6- Trọn đời không được đeo tràng hoa, thoa đồ thơm vào mình là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
7- Trọn đời không ca múa, xướng hát và cố ý xem nghe là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
8- Trọn đời không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
9- Trọn đời không ăn phi thời là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
10- Trọn đời không cầm nắm sanh tượng vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.
Đây là mười giới của sa-di, trọn đời không được phạm. Nếu giữ được thì trả lời: Được.
3. Bấy giờ, có một sa-di nhỏ. Chúng Tăng không cho phép vào ở trong chùa gần xóm,[202] và chỗ a-lan-nhã, nên sa-di nọ bị con beo làm hại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Không được ngăn cả hai đường biên[203] đối với sa-di nhỏ.»
Trường hợp chùa ở trên biên của thôn mà không phải a-lan-nhã, lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Trường hợp chỗ a-lan-nhã mà không có chùa ở biên thôn, vị kia lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Vị kia lại ngăn ông sa-di không cho phép đến chỗ nhiều người, nơi nhà tắm, nhà ăn, nhà kinh hành, ông sa-di không có chỗ để nghỉ đêm. Đức Phật dạy:
«Không được ngăn vào chỗ nhiều người, cho đến chỗ nhà kinh hành.»
Nếu trên tầng gác chỗ nhiều người ngủ, dưới tầng gác chỗ nhiều người đi, dưới tầng gác chỗ nhiều người ngủ, trên tầng gác chỗ nhiều người đi thì cho phép nói: «Đừng vào chỗ tôi ngủ.»
Bấy giờ có sa-di không hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê, cũng không hầu hạ các vị khác, nên ngăn không cho sa-di nhận vật lợi dưỡng trong Tăng. Đức Phật dạy:
«Không được ngăn; vì đây là vật của thí chủ.»
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau nên nói với ông sa-di rằng: Ngươi nên như pháp hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê và chúng Tăng. Nếu Tăng phân công theo thứ tự thì nên làm.»
4. Bấy giờ có tỳ-kheo trưởng lão dẫn một đứa trẻ nít xuất gia, vào thôn khất thực, đến chỗ chợ quán, nó thấy bánh và cơm, chìa tay ra và nói: «Cho tôi bánh. Cho tôi cơm.»
Các trưởng giả thấy, đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, vi phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là Chánh pháp? Xuất gia mà còn có con, dẫn đi theo!›
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau không được độ trẻ nít dưới mười hai tuổi.»[204]
Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan gặp phải trường hợp có một đứa trẻ nhỏ con của nhà đàn-việt, mà gia đình đều chết hết. Tôn giả dẫn nó đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật biết mà cố vẫn hỏi:
«Đứa nhỏ này là con ai?»
Tôn giả A-nan đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn hỏi:
«Tại sao không độ cho nó xuất gia?»
Tôn giả thưa:
«Trước đây đức Thế Tôn có chế giới không được độ người dưới mười hai tuổi, cho con nên không độ.»
Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan:
«Đứa trẻ này có thể đuổi quạ, có thể trì giới, có thể ăn một bữa được [811a1] không? Nếu có thể thì cho phép độ nó xuất gia.»
5. Bấy giờ Bạt-nan-đà có nuôi hai sa-di, một tên là Kế-na, thứ hai tên là Ma-khư,[205] không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh với nhau. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau không được nuôi hai sa-di.»
Bấy giờ, có một đứa nhỏ đến trong Tăng-già-lam chơi. Một tỳ-kheo nói pháp cho nó như vầy:
«Con nên biết, địa ngục là khổ, súc sanh là khổ, ngạ quỷ là khổ. Phật ra đời là điều khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát lâu năm mới nở một lần. Tại sao con không xuất gia làm đạo?»
Thiếu nhi thưa:
«Nếu Đại đức làm Hòa thượng thì con sẽ xuất gia.»
Tỳ-kheo kia vì đã có nuôi một sa-di rồi nên nghĩ: «Thế Tôn chế giới không được nuôi hai sa-di.» Vị ấy nghi, nên không dám nuôi hai sa-di. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:
«Nếu có khả năng dạy cho nó trì giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, phúng tụng thì cho phép nuôi.»
Bấy giờ có vị tuổi chưa đủ hai mươi mà thọ giới cụ túc, sau đó sanh nghi. Các tỳ-kheo đến thưa hỏi đức Phật, đức Phật Nói:
«Từ nay về sau, nếu thọ giới cụ túc rồi, có sự nghi ngờ như vậy, cho phép tính thêm tháng ở trong thai, hoặc tính tháng nhuần, hoặc tính mỗi lần thuyết giới mười bốn ngày cho đủ. Nếu đạt được A-la-hán tức là đã xuất gia thọ giới cụ túc vậy.»
3. Nhân và sự như pháp
i. Kết và giải tiểu giới
Bấy giờ có người muốn thọ giới, nên ra ngoài cương giới. Nhóm sáu tỳ-kheo đến ngăn việc thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:
«Các ông khéo nghe đây! Từ nay về sau, nếu người không đồng ý chưa ra ngoài cương giới; thì ở ngoài cương giới nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới bằng bạch nhị yết-ma rồi trao giới.»
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng tập hợp một chỗ kết tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp lại một chỗ kết tiểu giới. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng tập hợp lại một chỗ để kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận kết tiểu giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Nếu người nào không đồng ý, ở ngoài cương giới mà ngăn; không thành ngăn.
Các vị kia không giải giới mà đi. Các tỳ-kheo nghe, bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, nên giải giới rồi mới đi.»
Nên giải giới bằng bạch nhị yết-ma rồi đi. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Các trưởng lão chấp nào thuận chúng Tăng giải giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng chấp thuận giải giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
ii. Hoà thượng như pháp
Trường hợp không có Hòa thượng mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: «Không được.»
Khi thọ giới, có hai Hòa thượng, được hay không? Đức Phật dạy: «Không được.»
Với ba Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy: «Không được.»
Thọ giới cụ túc với số đông Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy:
«Không được thọ giới cụ túc.»
Thọ giới với Hòa thượng chín tuổi, được gọi là thọ giới cụ túc; nhưng Chúng Tăng có tội.
iii. Truyền tứ y
1. Phật du hóa tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, trong nước mất mùa, cơm gạo khan hiếm, khất thực khó được, nhân dân bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường. Có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn tự cạo tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia thọ giới. Sau đó, phẩm vật cúng dường cho chúng Tăng không được nhận nữa. Các tỳ-kheo nói với thiếu niên:
«Ông vào trong thôn khất thực.»
Thiếu niên hỏi:
«Chúng Tăng không có thức ăn sao?»
Các tỳ-kheo nói:
«Không.»
Thiếu niên nói:
«Tôi sẽ phải làm sao đây!»
Các tỳ-kheo nói:
«Ông phải đi khất thực.»
Thiếu niên nói:
«Nếu phải khất thực thì ở đây khất thực, bên kia cũng khất thực, tôi sẽ trở về lại bên kia để khất thực. Thiếu niên kia liền thôi tu.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép trao tứ y[206] trước.»
2. Bấy giờ lại có một thiếu niên ngoại đạo đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, «Con muốn xuất gia.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia và trước hết trao pháp tứ y. Ngoại đạo kia nói:
«Thưa Đại đức, tôi có thể thọ hai y là y khất thực và y thọ hạ tọa. Tôi có khả năng thọ trì hai y này. Còn nạp y và hủ lạn dược, tôi không thể thọ trì hai y này. Tại sao vậy? Ai mà có thể đụng chạm đến hai thứ này.» Do vậy, thiếu niên liền thôi tu không xuất gia. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy:
«Ngoại đạo này không xuất gia, có điều mất mát. Nếu xuất gia, sẽ chứng được đạo.»
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, trước hết thọ giới rồi sau mới thọ tứ y.»
iv. Các già nạn (2)[207]
7. Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một đại tướng dũng kiện đến trong Tăng-già-lam, nói với các tỳ-kheo:
«Tôi muốn xuất gia làm đạo.»
Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Sau đó, trong nước của Vua Ba-tư-nặc, nhân dân nổi loạn,[208] cần phải dùng binh lực để chinh phạt. Xuất quân lần đầu bị quân của bọn phản loạn đánh bại. Lần thứ hai cũng bị đánh bại. Nhà Vua liền hỏi:
«Kiện tướng của ta hiện nay ở đâu?»
Các quan tả hữu tâu:
«Ông ấy xuất gia làm đạo trong sa-môn Thích tử rồi!»
Nhà Vua liền cơ hiềm:
«Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn,[209] nhiều ham muốn, không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà độ vị đại tướng dũng kiện của Ta xuất gia làm đạo. Như vậy có gì là chánh pháp? Cứ theo trường hợp này mà suy sét thì Sa-môn Thích tử đều là các nhà quan.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đầy đủ lên đức Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau không được độ các quan, nếu độ sẽ như pháp trị.»
8. Tỳ-kheo cho người không có y bát xuất gia thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo nói với vị ấy rằng:
«Thầy vào thành khất thực.»
Vị ấy trả lời:
«Tôi không có y bát.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau, kẻ không có y bát không được thọ giới cụ túc.»
Có nhiều người mượn y bát của người khác thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi, người chủ đòi lại. Vị ấy bị loã hình, ngồi xổm, hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau không được mượn y bát để thọ giới cụ túc. Người cho mượn y nên bảo họ xin rồi cho. Nếu không cho, thì phải trả đúng giá.
9. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi đến bên sông Hắc ám, trong số đó có một tỳ-kheo nói:
«Trong số này, đã từng có bạch y cùng với người mặc áo ca-sa hành dâm.»
Mọi người hỏi:
«Tại sao thầy biết?»
Vị ấy nói:
«Tôi là một người trong số đó.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy:
«Nếu người phạm đến tỳ-kheo-ni thì ở trong pháp luật của ta không có trưởng ích, không được cho xuất gia thọ đại giới. Nếu đã xuất gia thọ đại giới rồi thì nên diệt tẫn.»
10. Phật ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ trong nước lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được, mọi người đều bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và Tăng tỳ-kheo lại nhận được nhiều món cúng dường. Bấy giờ có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, [812a1] bèn nghĩ: «Nên làm cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia?» Thiếu niên kia liền tự cạo tóc mặc áo ca-sa, tay bưng bình bát, vào trong chúng ăn.
Các tỳ-kheo hỏi rằng: «Thầy bao nhiêu tuổi?»
Vị kia không biết.
Lại hỏi: «Thầy thọ giới lúc nào?»
Vị kia trả lời không biết.
Các tỳ-kheo hỏi tiếp: «Hòa thượng của thầy là ai?» «A-xà-lê thầy là ai?»
Vị kia cũng nói: «Không biết.»
Các tỳ-kheo lại hỏi: «Thầy là ai?»
Vị kia nói: «Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Vì thấy Phật và Tăng nhận được nhiều vật cúng dường bèn nghĩ: ‹Bằng cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia.› Tôi bèn tự cạo râu tóc, mặc áo ca-sa vào trong chúng để tìm cầu thức ăn.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, người vào đạo với tặc tâm thì ở trong giáo pháp của ta không có lợi ích nào. Không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng,[210] cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, cùng yết-ma mà không thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới. Hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, mà không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới;[211] hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo mà không đến chỗ ba tỳ-kheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, hay ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới.[212]
Trong đây,[213] người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Người như vậy, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.[214]
Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, mà không đến chỗ ba tỳ-kheo hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Nếu người ấy chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.
Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.
Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo hoặc Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.
Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng, yết-ma mà không cùng thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.[215]
Trong số người vào đạo với tâm giặc, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»[216]


Chú thích:
[168] A-xà-lê 阿闍梨, giáo sư, quỹ phạm sư. Pali (Vin.i. 60): ācariya (Skt. ācārya).
[169] Đệ tử, ở đây Pali: antevāsika; xem cht. 154 trên.
[170] Tiểu chú trong nguyên bản.
[171] Ha trách 呵責. Cảnh cáo hay đuổi cảnh cáo. Đây muốn nói là dứt y chỉ. Pali (Vin.i. 53): paṇāmita: đuổi (đệ tử).
[172] Phụ nữ 婦女; đây chỉ đàn bà đã có chồng.
[173] Đại đồng nữ 大童女; con gái lớn tuổi nhưng chưa chồng.
[174] Thuận ý Thầy, để cho bị đuổi.
[175] Cựu trú 舊住; thường trú tại một trú xứ.
[176] Vì chỗ cũ không có thầy để y chỉ.
[177] Không có người thường trú coi, nên chùa bị sập.
[178] Thất-lê-sa trùng 失梨[沙/虫]虫. Pali (Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 113): sirīsapa, loài bò sát (rắn, rết các thứ).
[179] Cf. Mahāvagga, Vin.i. 61, nissayapaṭippassadhika.
[180] Tăng thượng oai nghi 增上威儀. Pali (Vin. i. 64): abisamācārikā, tăng thượng hành nghi, oai nghi tế hạnh, oai nghi lễ tiết.
[181] Tăng thượng tịnh hạnh 增上淨行. Pali, ibid., ādibrahma- cāriyikā, căn bản phạm hạnh, những nguyên tắc căn bản cho đời sống tịnh tu. Bản Hán đọc adhi- (tăng thượng), thay vì ādi- (tối sơ, căn bản).
[182] Đọc bạch và yết-ma riêng cho đủ năm pháp.
[183] Bố-tát 布薩. Pali (Vin. i. 69): yo so aññatitthiyapubbo, một người nguyên trước kia là ngoại đạo.
[184] Tứ biện 四辯法辯義辯了了辯辭辯. Xem Câu-xá 27 (T29, tr.142a22), có 4 vô ngại giải Skt. catasraḥ pratisaṃvidaḥ; Pali: catasso paṭisambhidā): pháp (Skt. dharma), nghĩa (Skt. artha), từ (Skt. nirukti), biện (Skt. pratibhāna).
[185] Cộng trú 共住. Pali (Vin. i. 67): parivāsa; từ này cũng dùng trong tăng-già-bà-thi-sa; nhưng phiên âm là ba-lợi-bà-sa, hoặc dịch là biệt trú.
[186] Pali (Vin.i. 71), có hai trường hợp vốn ngoại đạo nhưng không cần bốn tháng cọng trú: 1. Các nhà khổ hạnh bện tóc thờ lửa; 2. Những người gốc họ Thích-ca.
[187] Thập thất quần đồng tử 十七群童子. Xem Phần I, Ch.v. Ba-dật-đề 65.
[188] Ưu-ba-li 優波離. Pali (Vin.i. 77): Upāli.
[189] Pali: lekhaṃ sikhassati.
[190] Pali: học viết thì đau ngón tay.
[191] Càn tiêu 乾痟; không rõ bịnh gì. Từ nguyên nói: tiêu, bịnh đầu thống. Có lẽ là bịnh lao. Xem cht. 191 dưới.
[192] Lại 癩, ung 癰, bạch lại 白癩, càn tiêu 乾痟, điên cuồng 顛狂. Pali, Vin. i. 72, năm chứng bịnh: kuṭṭhaṃ (phung hủi), gaṇḍo (ung nhọt), kilāso (chàm vảy), soso (lao phổi), apamāro (động kinh).
[193] Kỳ-bà Đồng tử 童子. Pali, Jīvaka-komārabhacca, vị y sỹ trị bịnh nhi đồng tên là Jīvaka. Bản Hán đọc là -kumāra: đồng tử hay vương tử, thay vì -komārabhacca: y sĩ nhi đồng, hay y sỹ của vương tử.
[194] Ngũ phần 28 (T22n2421, tr.182c10): một tỳ-kheo tọa thiền, không nói tên. Tăng kỳ 26 (T22n1425, tr.441a28): tỳ-kheo Thiền Nan-đề, phân biệt với các Nan-đề cùng tên khác. Thập tụng 57 (T23n1435 tr.425a14): tỳ-kheo khất thực tên là Nan-đề.
[195] Hán: Thích-súy-sấu 釋翅搜; phiên âm cách số 6 (ư cách), số nhiều, śakyeṣu (Skt.) hay sakkesu (Pali).
[196] La-hầu-la mẫu 羅[目*侯]羅母. Pali: Rahulamātā.
[197] Pali, Vin.i. 82 kể như sau: Rāhula đứng trước Phật nói: «Cái bóng của Sa-môn mát quá.» Rồi đi theo sau Phật, nói: «Bạch Sa-môn, cho con di sản.» (dāyajjaṃ me, samaṇa, dehi) Phật liền dẫn về tinh xá.
[198] Đọc đúng, nên đọc: «Như Lai, Chí chân... là Thế Tôn của con.» Xem mục «Tam ngữ đắc giới» ở trên.
[199] Chức thằng sàng 織繩床.
[200] Thâu-đầu-đàn-na 輸頭檀那. Trên kia, âm là Duyệt-đầu-đàn. Xem đoạn I. Thích thị thế phổ & cht. 3. Pali, Vin. i. 82, Suddhodana.
[201] Xảo sư 巧師. Pali (Vin.i. 76): kammārabhaṇḍu, người thợ rèn đầu trọc.
[202] Vin. i. 83: các sa-di phạm luật, các tỳ-kheo không biết trị pháp như thế nào; Phật dạy: cho phép cấm chỉ (anujāmi, bhikkave, āvaraṇaṃ kātun ti). Các tỳ-kheo bèn cấm sa-di vào Tăng viên...
[203] Lưỡng biên 兩邊; chỉ đường biên của thôn xóm, và bìa rừng. Rừng không có thú dữ gọi là a-lan-nhã.
[204] Pali, Vin.i. 79, không được độ con nít dưới 15 tuổi (na ūnapannarasavasso dārako pabbājetabbo).
[205] Kế-na 罽那 và Ma-khư 摩佉. Pali: Kaṇḍaka và Mahaka.
[206] Tứ y 四依; xem giải thích đoạn sau. Pali, Vin. i. 58, cattāro nissayā.
[207] Tiếp theo nhân duyên già nạn thứ 6 ở trên.
[208] Vin. i. 73: quốc cảnh của Ma-kiệt-đà, dưới thời vua Bimbisāra có loạn. Nhưng phần lớn quân sĩ đã xuất gia, nên quân số thiếu.
[209] Người biên tập thuật sự theo quán tính, nên gán cho Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nói điều chỉ trích Tăng như vậy. Tham chiếu, Pali, ibid., trước khi xuất quân, Vua (Bimbisāra) tập hợp tướng lãnh, thấy thiếu mấy viên dũng tướng, nên hỏi và được tâu trình. Vua liền tự thân đến hầu Phật. Thỉnh nguyện, không xuất gia cho quan viên chưa được Vua cho phép. Bởi vì, có những vua chúa không tin Phật, nhân sự việc này sẽ chỉ trích. Vua không chống đối việc các tướng tá xuất gia.
[210] Đến chỗ có từ bốn tỳ-kheo trở lên, gọi là đến chỗ Tăng.
[211] Đến chỗ có ba tỳ-kheo trở xuống, vì không túc số, nên chỉ có thể thuyết giới mà không thế làm các yết-ma.
[212] Trở lên, nêu các trường hợp được gọi là tặc tâm xuất gia.
[213] Từ đây trở xuống, phân biệt các trường hợp tặc tâm nhưng không bị diệt tẫn.
[214] Chỉ dự nghe thuyết giới, chứ không dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên tuy tặc tâm, nhưng không bị diệt tẫn. Các trường hợp tiếp theo cũng vậy.
[215] Trường hợp không dự nghe thuyết giới, nhưng đã dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên phải bị dệt tẫn.
[216] Hết quyển 34.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Sống thiền


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.239.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập