Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
Đức Phật nói với ông Ca-diếp:
«Đêm vừa qua, Thích Đề-hoàn Nhơn mang phẩm vật đến cúng dường tôi và nghe pháp nên có ánh sáng đó.»
Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Thích Đề-hoàn Nhơn mang phẩm vật đến cúng dường nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực rồi trở về rừng cũ.
Bấy giờ, Phạm Thiên vương muốn dâng phẩm vật cúng dường lên đức Như Lai, tỏa ánh sáng soi khắp bốn phương trong đêm tối, như một vừng lửa lớn, hơn ánh sáng trước, trong sạch không tỳ vết. Ông chấp tay kính lễ đức Như Lai rồi đứng phía trước. Trong đêm ông Ca-diếp thức dậy thấy trong khu rừng có ánh sáng chiếu soi bốn phương như một vừng lửa lớn, trong sạch không tỳ vết, hơn ánh sáng trước. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.»
Rồi ông hỏi:
«Đêm vừa rồi có áng sáng lớn hơn so với ánh sáng trước, ánh sáng ấy do đâu mà có?»
Đức Phật nói với ông Ca-diếp:
«Đêm vừa rồi Phạm Thiên vương đến nghe pháp, cho nên có ánh sáng đó.»
Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực nên mới khiến Phạm Thiên vương đến nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc [795a1] A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng kia.
Bấy giờ, Ca-diếp tổ chức một cuộc tế lễ lớn. Dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ông nghĩ rằng: «Trong cuộc tế lễ này của ta, dân chúng tập hợp đông. Đại Sa-môn không đến chẳng là điều tốt sao? Tại sao vậy? Vì nay trong tế lễ này của ta, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Nếu Đại Sa-môn có mặt, với tướng mạo đoan chánh trên đời rất ít có của Sa-môn, dân chúng thấy ắt sẽ bỏ ta, thờ cúng Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.» Đức Thế Tôn biết Ca-diếp nghĩ như vậy nên Ngài đi lên Uất-đơn-việt[117] lấy gạo lúa tám tự nhiên,[118] và ngồi nghỉ ban ngày tại suối lớn A-nậu.[119]
Ca-diếp lại nghĩ: «Hôm nay Đại Sa-môn sao không đến thọ thực. Ta có lễ cúng lớn, nhân dân trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?» Nghĩ xong, Ca-diếp liền bảo người để phần. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.»
Rồi ông hỏi:
«Đại Sa-môn, sao ngày hôm qua không đến? Ngày hôm qua tôi có lễ cúng lớn, nhiều người tập hợp. Tôi có nghĩ: ‹Hôm nay Đại Sa-môn không đến. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?› Và tôi có để phần.»
Đức Phật nói với ông Ca-diếp:
«Tôi cũng biết trước ý ông nghĩ. Ông nghĩ rằng, ‹Hôm nay đại Sa-môn không đến thì đại tế đàn của ta thành tựu. Tại sao vậy? Vì trong đại tế đàn của ta hôm nay, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Đại Sa-môn với tướng mạo đoan chánh, mọi người thấy, họ sẽ bỏ ta thờ kính Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.› Tôi biết trong tâm ông nghĩ như vậy nên tôi đến Uất-đơn-việt lấy gạo lúa tám tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn A-nậu.»
Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn nầy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại thần lực, biết những điều trong tâm ta đã nghĩ nên đến Uất-đơn-việt lấy gạo lúa tám tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn A-nậu. Đại Sa-môn tuy có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng cũ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá,[120] liền nghĩ: ‹Làm sao có nước để giặt chiếc y này?› Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhơn biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến trước Như Lai, dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ. Thích Đề-hoàn Nhơn thưa:
«Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.»
Đức Thế Tôn lại nghĩ: «Nên giặt y trên cái gì đây?» Thích Đề-hoàn Nhơn biết đức Như Lai nghĩ như vậy, liền đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa:
«Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.»
Đức Thế Tôn lại nghĩ: «Giặt rồi lại phơi ở đâu?» Thích Đề-hoàn Nhơn lại cũng biết đức Như Lai đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức để trước đức Phật và thưa:
«Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.»
Đức Thế Tôn giặt và phơi y rồi lại nghĩ: «Bây giờ Ta hãy xuống ao Chỉ đất[121] này tắm.» Ngài liền cởi y xuống tắm. Tắm xong đức Thế Tôn nghĩ: «Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?» Khi ấy, bên bờ ao có một cây ca-hưu[122] lớn, trước đó nó nghiêng mình ra phía ngoài. Nhưng khi đức Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, nó liền xoay trở lại, nghiêng mình vào phía trong. Đức Thế Tôn vịn vào nó để lên khỏi ao. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.»
Rồi ông hỏi:
«Đại Sa-môn, sao nay có cái ao đẹp thế này, mà trước đây không thấy có?»
Đức Phật nói với Ca-diếp:
«Gần đây tôi nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá, liền nghĩ: ‹Làm sao có nước để giặt chiếc y này?› Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhơn biết tôi nghĩ như vậy, liền dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ, rồi thưa: ‹Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.›
«Ca-diếp nên biết, ao này gọi là ‹ao Chỉ đất›, cũng như miễu thần không khác.»
Ca-diếp lại hỏi:
«Do đâu mà có hòn đá vuông vức lớn như thế này, trước đây không có?»
Đức Phật nói:
«Tôi lại nghĩ: ‹Nên giặt y trên cái gì đây?› Thích Đề-hoàn Nhơn biết Tôi nghĩ như vậy, liền đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa: ‹Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.›»
Ca-diếp lại hỏi:
«Hòn đá thứ hai do đâu mà có, trước đây cũng không thấy?»
Đức Phật nói:
«Tôi giặt y rồi, nghĩ: ‹Giặt rồi lại phơi ở đâu?› Thích Đề-hoàn Nhơn lại cũng biết Tôi đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức đến thưa với Tôi rằng, ‹Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.›»
Ca-diếp hỏi tiếp:
«Đại thọ trên bờ ao này, trước kia nghiêng xa phía ngoài, tại sao nay lại nghiêng vào phía trong? »
Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi giặt và phơi y rồi lại nghĩ: ‹Bây giờ Ta hãy xuống ao này tắm.› Tôi liền cởi y xuống tắm. Tắm xong, Tôi nghĩ: ‹Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?› Khi ấy, bên bờ ao có một cây ca-hưu lớn, trước đó nó nghiêng ra phía ngoài. Nhưng khi Tôi nghĩ như vậy rồi, nó liền xoay trở lại, nghiêng mình vào phía trong. Tôi vịn vào nó để lên khỏi ao. »
Rồi Ngài nói với Ca-diếp:
«Nên biết, giống như cây thần không khác.»
Khi ấy, Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu! thật là kỳ diệu! Có đại thần lực nên Thích Đề-hoàn Nhơn mới cung cấp những thứ cần dùng và mới khiến các vật vô tình theo ý muốn của Sa-môn.» Ca-diếp nói, «Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã đắc A-la-hán. Tuy nhiên không như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong trở về lại khu rừng cũ.
Bấy giờ ông Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời ăn cơm.» Đức Thế Tôn biết ý nghĩ đó, liền hóa năm trăm vị tỳ-kheo, khoác y bưng bát, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị tỳ-kheo khoác y bưng bát đi đến, lại nghĩ: «Than ôi, các tỳ-kheo từ đâu đến? Ta làm sao đủ thức ăn để mời.» Đức Thế Tôn liền thâu thần túc, khiến năm trăm vị tỳ-kheo này biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do thần lực của Đại Sa-môn biến hiện thế này.» Sau đó Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.» Đức Thế Tôn dùng thần lực hóa thành năm trăm vị Phạm chí bện tóc, tay xách bình tắm, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị Phạm chí búi tóc, tay xách bình tắm đi đến, liền nghĩ: «Than ôi, năm trăm Phạm chí đến, thức ăn ở đâu đủ để mời.» Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị Phạm chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.» Ca-diếp lại nghĩ: «Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.» Đức Thế Tôn lại hóa năm trăm vị Phạm chí thờ lửa, cách thạch thất không xa, đều cùng nhau kính lễ thần lửa. Ca-diếp thấy vậy, nghĩ: «Than ôi, họ ở đâu đến? Thức ăn làm sao có đủ để mời.» Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị Phạm chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.»
Bấy giờ, các Phạm chí đệ tử ông Ca-diếp mỗi ngày ba lần xuống nước để tắm. Nhưng quá lạnh không thể chịu nổi, họ rét run. Bấy giờ đức Phật liền hóa năm trăm lò sưởi mà không có lửa khói và bảo các Phạm chí tự mình sưởi ấm. Các Phạm chí nghĩ: «Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.» Các Phạm chí đều muốn bửa củi mà không thể bửa được. Các phạm chí nghĩ: «Đây là do đại lực của Đại Sa-môn làm nên.» Sau đó [796a1] bửa được. Họ lại nghĩ: «Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.» Họ muốn đưa búa lên, mà không thể đưa được; họ nghĩ: «Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.» Sau đó lại đưa búa lên được, họ cũng nghĩ, do Đại Sa-môn làm ra. Các Phạm chí muốn hạ búa xuống không thể hạ được, họ nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại hạ búa được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Các Phạm chí muốn nhen lửa không thể nhen được, nghĩ rằng: do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại nhen được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Họ muốn tắt lửa, không thể tắt được, nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại tắt được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Họ xách bình tắm muốn đổ nước ra mà không đổ được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm ra. Sau đó lại đổ được, họ cũng nghĩ do Đại Sa-môn làm ra. Các Phạm chí muốn thôi không trút nước vào bình tắm nữa, vẫn không thôi được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại thôi được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên.
Lúc bấy giờ, bốn phía có đám mây đen kéo đến, trời mưa lớn như trút nước xuống, nước lụt lên đến ngang lưng, Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, bậc nhất trong loài người này, có lẽ bị nước cuốn mất.» Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đi trên một chiếc thuyền bằng một cây đại thọ, đến để cứu đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang kinh hành nơi vùng đất khô ráo bên ngoài, như mấy bữa trước. Ca-diếp thấy đức Phật đi kinh hành nơi vùng đất khô ráo như trước, như trong nhà, bèn nghĩ: «Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu, thật là kỳ diệu, nên mới khiến những vật vô tình vẫn xoay theo ý muốn của mình. Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã được A-la-hán. Tuy nhiên vẫn không như ta đắc A-la-hán.»
Qua một ngày khác, ông Ca-diếp lại đến chỗ đức Thế Tôn mời ngài thọ thực. Phật bảo Ca-diếp về trước, Ngài sẽ đến sau. Sau khi bảo Ca-diếp về, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Ngài biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của Ca-diếp mà xuất hiện. Thấy vậy, Ca-diếp nói:
«Đại Sa-môn này có đại thần đức, bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà nay lại có mặt nơi thuyền ta trước.»
Đức Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi bảo ông về trước, sau đó trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, tôi biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của ông mà xuất hiện.»
Ca-diếp nghĩ và nói:
«Đại Sa-môn này có đại thần lực nên bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà rồi chỉ trong khoảnh khắc đã có mặt trên thuyền. Đại Sa-môn này có thần lực, đã đạt A-la-hán. Tuy nhiên không như đạo chân thật của ta.» Đức Thế Tôn biết trong tâm Ca-diếp nghĩ như vậy, liền nói:
«Ông thường xưng rằng ‹Đại Sa-môn tuy đã đạt A-la-hán nhưng không như ta đặng A-la-hán. Nay Tôi quán sát, thấy ông chẳng phải là A-la-hán, cũng chẳng phải là hướng A-la-hán đạo.»
Ca-diếp nghĩ và nói:
«Đại Sa-môn này có đại oai thần nên biết điều ta nghĩ trong tâm. Đại Sa-môn này có thần túc lớn tự tại, chứng đắc A-la-hán. Nay ta hãy theo đại Sa-môn để tu phạm hạnh.»
Ca-diếp liền đến trước đức Phật thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, nay con muốn theo đức Như Lai để tu phạm hạnh.»
Đức Phật nói với ông Ca-diếp:
«Ông có năm trăm người đệ tử theo ông học phạm hạnh. Ông nên nói cho họ biết. Nếu họ có ý vui theo thì tùy sở thích mà tu hành.»
Ca-diếp liền đến chỗ đệ tử, nói:
«Các ngươi biết chăng? Nay thầy muốn theo Sa-môn Cù-đàm để tu phạm hạnh. Nếu tâm các ngươi muốn thì tùy ý các ngươi.»
Các người đệ tử thưa:
«Từ lâu chúng con đã có lòng tin đối với đại Sa-môn, chỉ chờ đợi ý của thầy mà thôi.»
Bấy giờ năm trăm người đệ tử liền đem dụng cụ thờ lửa của Bện tóc như tịnh y, bình tắm, ném xuống dòng nước sông Ni-liên-thiền,[123] rồi đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên.
Bấy giờ đức Thế Tôn vì năm trăm người tuần tự nói pháp tối thắng khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Năm trăm người liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tinh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Phật bảo:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Bấy giờ, người em giữa của ông Ca-diếp tên là Na-đề Ca-diếp,[124] cư trú bên dưới dòng sông Ni-liên-thiền có ba trăm đệ tử. Người em ấy được trong chúng tôn trọng, là bậc thầy của họ. Ngay lúc ấy, trong chúng có một vị đệ tử đến dòng sông Ni-liên-thiền, bỗng thấy trong dòng nước có dụng cụ thờ lửa, tóc bện, bình tắm, tịnh y, trôi trên dòng nước. Thấy vậy, người đệ tử vội vã chạy đến chỗ Na-đề Ca-diếp báo:
«Thưa thầy, hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có dụng cụ thờ lửa, tóc, tịnh y, bình tắm, trôi trên dòng nước. Không biết Đại sư ở trên đó có bị kẻ ác hãm hại hay chăng?»
Na-đề Ca-diếp bảo một người đệ tử:
«Ngươi đến gấp núi Tượng đầu[125] báo với Già-da Ca-diếp[126] rằng: ‹Hiện nay trên dòng sông Ni-liên-thiền có dụng cụ thờ lửa đủ tất cả thứ đang trôi bồng bềnh trên đó. Ông phải đến mau để cùng với anh của ông đến xem có thể đại huynh đã bị kẻ ác hãm hại rồi chăng?»
Già-da Ca-diếp là người em nhỏ của Uất-bề-la Ca-diếp đang cư trú trong núi Tượng đầu, có hai trăm người đệ tử, ông là bậc thầy ở trong chúng.
Người đệ tử vâng lời Na-đề Ca-diếp, liền đến chỗ Tiểu sư Già-da Ca-diếp thưa:
«Tiểu sư có biết chăng, thầy của con nói hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có bình tắm, tịnh y, tóc, các dụng cụ thờ lửa đang trôi. Tiểu sư phải đến đó để thăm đại huynh phải chăng đã có kẻ ác hãm hại?»
Tiểu sư nghe nói rồi liền dẫn hai trăm đệ tử đến chỗ ở Na-đề Ca-diếp. Khi đến nơi, Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp lại nói với một người đệ tử rằng:
«Ngươi phải mau mau đến chỗ đại huynh để thăm, phải chăng đã có kẻ ác hãm hại Đại huynh?»
Bấy giờ người đệ tử vâng lời hai vị thầy liền đến chỗ đại huynh. Khi đến nơi, thưa xong và hỏi:
«Sao, Đại sư theo Đại Sa-môn này tu học phạm hạnh có tốt hơn chăng?» Ca-diếp trả lời:
«Các ngươi nên biết, ta theo đức Thế Tôn xuất gia học đạo, thật là cực kỳ thắng diệu.»
Người đệ tử kia trở về chỗ hai vị thầy báo:
«Hai Tôn sư nên biết, Đại sư của con đã dẫn các đệ tử đến chỗ Đại Sa-môn xuất gia tu phạm hạnh rồi!»
Bấy giờ hai vị thầy nghĩ rằng: «Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà để tu phạm hạnh, điều ấy chắc chắn là không hư dối! Tại sao vậy? Anh của ta thông minh, ít trần cấu, có nhiều trí tuệ mà dẫn các đệ tử đến thọ học nơi kia, chắc chắn có sự suy nghĩ kỹ. Chúng ta không thể không đến đó để thọ học.»
Bấy giờ Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp đều dẫn các đệ tử đến chỗ đại huynh. Đến nơi, họ thưa hỏi người anh rằng:
«Đại huynh, chỗ này tốt đẹp hơn chăng?»
Ông Ca-diếp trả lời với hai người em rằng:
«Nơi đây là chỗ rất tốt. Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà, theo Đại Sa-môn tu phạm hạnh, thật là cực kỳ thắng diệu.»
Hai người em thưa với ông anh rằng:
«Chúng em cũng muốn theo Đại Sa-môn tu học phạm hạnh.»
Bấy giờ, Uất-bề-la Ca-diếp dẫn hai người em và đệ tử của họ gồm năm trăm người đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, Uất-bề-la Ca-diếp đến trước đức Phật thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, con có người em giữa tên là Na-đề Ca-diếp, cư trú bên sông Ni-[797a1]liên-thiền, thường giáo thọ ba trăm đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Người em thứ ba của con cư trú tại núi Tượng đầu, giáo thọ hai trăm người đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Nay hai em của con đều muốn đến cầu tu học phạm hạnh trong giáo pháp của Thế Tôn. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép họ xuất gia thọ giới cụ túc, tu phạm hạnh.»
Đức Thế Tôn nhận lời, và tuần tự vì họ nói pháp tối thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Phật bảo:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Đức Thế Tôn độ một ngàn Phạm chí này thọ giới cụ túc rồi, dẫn đến trong núi Tượng đầu. Ở đây hiện có một ngàn Tăng tỳ-kheo, Ngài dùng ba việc để giáo hóa.[127] Một là giáo hóa thần túc, hai là giáo hóa ức niệm, ba là giáo hóa thuyết pháp.
Giáo hóa bằng thần túc[128] là một hóa thành vô số, hoặc vô số trở lại thành một; trong ngoài thông suốt, vách đá đều xuyên qua được, như đi giữa hư không, không có gì trở ngại; ngồi kiết già giữa hư không, cũng như con chim bay qua lại khắp nơi; vào đất như xuống nước, chìm nổi tự tại; đi trên nước như đi trên đất mà không bị chìm; thân bốc khói lửa, như vừng lửa lớn; mặt trời, mặt trăng kia có thần đức lớn, không chỗ nào không chiếu soi, mà có thể dùng tay sờ đến; thân cao đến trời Phạm Thiên, tới lui không trở ngại. Đó gọi là đức Thế Tôn dùng thần túc để giáo hoá một ngàn vị tỳ-kheo.
Giáo hóa bằng ức niệm[129] là nói rằng, «Ngươi nên[130] suy nghĩ điều này. Ngươi chớ suy nghĩ điều này. Ngươi nên niệm tưởng điều này. Người chớ niệm tưởng điều này. Hãy diệt cái này. Hãy thành tựu cái này.» Đó gọi là đức Như Lai dùng sự ức niệm để giáo hóa cho một ngàn vị Tỳ-kheo.
Giáo hóa bằng sự thuyết pháp[131] là dạy rằng, «Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy.
Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ.
«Cho đến ý cũng vậy.»[132]
Bấy giờ đức Thế Tôn dùng ba việc này để giáo thọ một ngàn Tỳ-kheo. Một ngàn tỳ-kheo nhờ sự giáo thọ bằng ba việc này rồi, liền đạt được tâm vô lậu giải thoát, phát sanh trí vô ngại giải thoát.
iv. Vua Bình-sa
Đức Thế Tôn sau khi giáo hóa một ngàn vị tỳ-kheo này rồi liền nghĩ: «Trước đây Ta có nhận lời mời của Vua Bình-sa[133] và có hứa, nếu khi thành Phật, đắc nhất thiết trí, thì trước hết ta sẽ đến thành La-duyệt. Nay Ta hãy đến đó để thăm Vua Bình-sa.»
Nghĩ xong, đức Phật liền sửa y phục, dẫn một ngàn vị đại tỳ-kheo, đều là cựu học của các Phạm chí bện tóc. Tất cả, đã đắc định, nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát.
Từ quốc giới nước Ma-kiệt, đức Phật du hóa tuần tự đến Trượng lâm.[134][135][136] Tốt đẹp thay, nếu được gặp vị A-la-hán như vậy. Nay ta hãy tự thân đến đó để kính thăm Đại Sa-môn Cù-đàm. Nơi đây, đức Thế Tôn nghỉ dưới cây bàng chúa Ni-câu-luật Thiện trụ. Vua Bình-sa nghe, Sa-môn Cù-đàm xuất thân từ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, dẫn một ngàn đệ tử du hóa đến nước Ma-kiệt. Họ là cựu học của các Phạm chí bện tóc, đã đắc định, nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát; từ quốc giới nước Ma-kiệt, du hành tuần tự đến Trượng lâm, nghỉ dưới cây bàng chúa Ni-câu-luật Thiện trụ. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm rất lớn, không ai không nghe biết. Tiếng đồn rằng, Ngài là Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa chư thiên và thế gian, giữa các chúng Ma hoặc Thiên ma và Phạm thiên chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, mà tự mình chứng biết, đắc thần thông trí chứng, tự mình an trú, rồi nói pháp cho người; pháp ấy, khởi đầu, khoảng giữa, và đoạn cuối đều thiện xảo; có nghĩa vị sâu xa, được trình bày đầy đủ, với các phạm hạnh được tu tập.
Bấy giờ, Vua Bình-sa chuẩn bị một vạn hai ngàn cộ xe, dẫn theo tám vạn bốn ngàn người hộ giá trước sau, với oai thế của Vương quyền, ra khỏi thành La-duyệt để đến viếng thăm đức Thế Tôn. Vua Bình-sa đến trong Trượng lâm, đến chỗ xe có thể đến, tức thì xuống xe, đi bộ vào rừng. Từ xa trông thấy tướng mạo thù thắng tuyệt diệu của đức Thế Tôn, giống như sắc vàng tía, Vua sanh tâm hoan hỷ, đến trước đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt, hoặc kính lễ sát chân Ngài rồi ngồi, hoặc có người đưa tay lên chào hỏi rồi ngồi, hoặc có người tự xưng danh tánh rồi ngồi, hoặc có người vòng tay, chắp tay hướng về đức Như Lai rồi ngồi, hoặc có người im lặng mà ngồi xuống.
Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt suy nghĩ, «Không biết Đại Sa-môn học phạm hạnh của Uất-bề-la Ca-diếp, hay là Uất-bề-la Ca-diếp và đệ tử học phạm hạnh của đại Sa-môn Cù-đàm?» Bấy giờ đức Thế Tôn biết ý nghĩ người trong nước như vậy, liền dùng bài kệ nói với Uất-bề-la Ca-diếp:
Các ông thấy sự gì,
Mà bỏ việc thờ lửa?
Nay Ta hỏi Ca-diếp:
Sao bỏ đồ thờ lửa?
Ca-diếp lại dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn:
Ẩm thực, các mỹ vị,
Ái dục, nữ, tế tự.[137]
Tôi thấy là cấu bẩn;
Nên bỏ đồ thờ lửa.
Đức Thế Tôn lại dùng bài kệ hỏi ông Ca-diếp:
Ẩm thực, các mỹ vị,
Trong đó không có lạc;
Trên trời và thế gian,
Hãy nói, chỗ nào lạc?
Ca-diếp lại cũng dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn:
Tôi thấy dấu tịch tĩnh,
Ba cõi không trở ngại;[138]
Không khác không thể khác,[139]
Nên không ưa thờ lửa.
Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt lại nghĩ:
«Đại Sa-môn nói hai bài kệ, Uất-bề-la Ca-diếp cũng nói hai bài kệ. Chúng ta cũng chưa phân biệt được là Đại Sa-môn thọ học nơi Ca-diếp hay là Ca-diếp và đệ tử thọ học nơi Đại Sa-môn?» Đức Thế Tôn biết họ nghĩ như vậy, nên bảo ông Ca-diếp:
«Ông đứng dậy. Hãy quạt sau lưng Ta!»
Ca-diếp vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bay lên trên hư không rồi hạ xuống, kính lễ sát chân đức Phật, lấy tay xoa bóp chân Như Lai, hôn chân Ngài rồi tự xưng tên họ và nói:
«Đức Thế Tôn là Thầy của con. Con là đệ tử.»
Nói xong, Ca-diếp lấy quạt, đứng phía sau đức Như Lai hầu quạt. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt nói với nhau:
«Không phải Đại Sa-môn Cù-đàm đến học phạm hạnh nơi Ca-diếp; mà là Ca-diếp và chúng đệ tử đến học phạm hạnh nơi Đại Sa-môn Cù-đàm.»
Đức Thế Tôn biết người trong nước Ma-kiệt không còn nghi ngờ nữa, tuần tự vì họ nói pháp, khiến cho họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt, Vua Bình-sa đứng đầu, gồm tám vạn bốn ngàn người, mười hai na-do-tha loài trời đều dứt sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, [798a1] thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.»
Vua Bình-sa thấy pháp, đặng pháp, đến trước đức Phật bạch:
«Kính bạch đức Thế Tôn, xưa kia khi còn là Thái tử, trong lòng con có sáu ước nguyện:[140] 1. Khi thân phụ mãn phần, con lên ngôi làm Vua. 2. Khi con đang trị nước, nguyện Phật ra đời. 3. Cho con được gặp đức Thế Tôn. 4. Được thấy đức Như Lai rồi, sanh tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. 5. Phát tâm hoan hỷ rồi được nghe chánh pháp. 6. Nghe pháp rồi tức thì được sự tín giải.
«Nay phụ vương của con đã mạng chung. Con được lên ngôi Vua, đang trị vì mà gặp Phật ra đời, chính mình thấy được Phật. Thấy Phật rồi phát tâm hoan hỷ, ở chỗ đức Phật đã phát tâm hoan hỷ rồi liền được nghe pháp. Nghe pháp rồi liền được tín giải. Kính bạch đức Thế Tôn, nay chính là lúc, cúi xin cung thỉnh Ngài vào thành La-duyệt.»
Khi ấy, đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua Bình-sa. Rồi đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, khoác y, dùng oai thần của mình dẫn một ngàn tỳ-kheo là cựu học Phạm chí bện tóc, đã đạt được định, đã nhuần nhuyễn, vĩnh viễn được giải thoát; cùng với một vạn hai ngàn chiếc xe, tám vạn bốn ngàn dân chúng trước sau hộ giá; thảy đều nương oai thần của Phật mà vào thành La-duyệt. Vào lúc ấy, gặp khi trời mưa, nhưng phía trước, phía sau và ngay chỗ đức Thế Tôn đi thì vòm trời trong sáng, bên trên có mây che. Đức Thế Tôn hiện sự biến hóa này để vào thành La-duyệt.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhơn hóa làm một người bà-la-môn tay cầm gậy bằng vàng, bình tắm bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân tại không trung, cách mặt đất bốn ngón tay, dẫn đường đi trước đức Như Lai, và dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng.
Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt đều nghĩ, «Đây là oai thần của ai mà hóa làm người bà-la-môn cầm gậy vàng, bình tắm bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân ở không trung, cách đất bốn ngón tay, đi trước đức Như Lai để dẫn đường và dẹp đường, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng?» Nhân dân nước Ma-kiệt nói với Thích Đề-hoàn Nhơn bằng bài tụng:
Ai hóa làm Phạm chí,
Hiện ở trước chúng Tăng;
Khen tụng công đức Phật,
Ông đang thừa sự ai?
Thích Đề-hoàn Nhơn dùng kệ trả lời cho nhân dân nước Ma-kiệt:
Đấng Dõng mãnh, giải hết[141]
Ái dục và ẩm thực;
Hổ thẹn, niệm, biết đủ.
Tôi đệ tử vị ấy.
Trong đời không ai bằng,
Không thấy ai như vậy;
Chí chơn, Phật Như Lai,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Diệt dục và sân nhuế,
Vô minh đã dứt sạch;
A-la-hán lậu tận,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Như người vớt kẻ trôi,
Cù-đàm là thuyền pháp;
Chiến thắng, qua bờ kia,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Đã vượt bốn dòng thác,[142]
Hay nói pháp bất tử;
Pháp tối thắng vô ngại,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Bấy giờ vua Bình-sa nước Ma-kiệt lại nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn dẫn các đệ tử vào thành La-duyệt, Ngài vào vườn nào trước, ta sẽ đem khu vườn này dâng cúng để lập tịnh xá.» Bấy giờ, các khu vườn trong thành La-duyệt chỉ có Trúc viên khu Ca-lan-đà[143] là hơn hết. Đức Thế Tôn biết trong tâm của vua Ma-kiệt nghĩ như vậy. Ngài liền dẫn đại chúng đến Trúc viên. Vua liền xuống voi, tự tay xếp yên voi thành bốn lớp, trải trên mặt đất, mời Phật an toạ. Đức Thế Tôn liền đến ngồi. Vua Bình-sa bưng bình tắm bằng vàng đựng nước dâng đức Như Lai để Ngài rửa sạch[144] và bạch Phật rằng:
«Các khu vườn trong thành La-duyệt này, Trúc viên này là hơn hết. Nay con xin dâng cúng đức Như Lai. Mong Ngài thọ nhận cho.»
Đức Phật bảo nhà Vua:
«Nay Vua nên đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Vì nếu Như Lai có riêng vườn và sản vật của vườn; phòng xá và vật dụng trong phòng xá; y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, thì chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, sa-môn, bà-la-môn không thể sử dụng được.»
Vua thưa:
«Nay con xin đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn dũ lòng thương xót thọ nhận Trúc viên, rồi nói lời chú nguyện:
Gieo trồng các cây vườn,
Làm cầu, thuyền qua sông,
Quả vườn, các ao tắm,
Và chỗ ở cho người:
Những người làm việc ấy,
Ngày đêm phước thêm lớn.
Trì giới, theo chánh pháp;
Người kia được sanh thiên.
Bấy giờ, Vua Bình-sa kính lễ sát chân Phật rồi lấy một chiếc ghế nhỏ[145] ngồi phía trước Ngài để nghe pháp. Đức Thế Tôn tuần tự vì nhà Vua nói pháp khuyến hóa khiến tâm được hoan hỷ. Phát tâm hoan hỷ rồi, nhà Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ đức Phật và cáo lui.
v. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên
Khi đức Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong thành này có một Phạm chí tên là San-nhã[146] với hai trăm năm mươi người đệ tử, mà Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà[147] là bậc thượng thủ. Bấy giờ Tôn giả A-thấp-ti[148] hầu đức Như Lai. Đến giờ, Tôn giả khoác y bưng bát vào thành khất thực, nhan sắc an lạc, các căn tịch định, y phục tề chỉnh, bước đi khoan thai, không nhìn ngó hai bên, oai nghi đĩnh đạc. Bấy giờ Ưu-bà-đề-xá vào vườn xem coi, thấy oai nghi của Tôn giả A-thấp-ti như vậy bèn sanh ý nghĩ: «Tỳ-kheo này oai nghi đầy đủ, nay ta có thể đến hỏi đạo lý.» Nhưng rồi lại nghĩ: «Tỳ-kheo này đang đi khất thực. Không phải giờ để ta hỏi đạo lý. Ta nên đợi vị này khất thực xong rồi sẽ hỏi.» Ưu-bà-đề-xá đi theo sau để chờ. Tỳ-kheo A-thấp-ti vào thành La-duyệt khất thực rồi, để bình bát xuống đất, xếp y tăng-già-lê. Ưu-bà-đề-xá nghĩ rằng: «Tỳ-kheo này khất thực đã xong. Nay chính là lúc ta có thể hỏi được.» Nghĩ như vậy xong, liền đến hỏi:
«Ông là ai ? Ai là thầy của ông? Ông học pháp gì?»
Tôn giả trả lời:
«Thầy tôi là Đại Sa-môn. Ngài là Thế Tôn của tôi. Tôi theo học nơi Ngài.»
Ưu-bà-đề-xá lại hỏi:
«Thầy Đại Sa-môn của ông nói những pháp gì?»
Tôn giả trả lời:
«Tôi tuổi còn non trẻ,[149] mới xuất gia, chưa có thể trình bày được những nghĩa lý sâu xa. Nay tôi chỉ lược nói những nghĩa thiết yếu.»
Ưu-ba-đề-xá nói:
«Tôi chỉ thích nghe điều thiết yếu, khỏi phiền nói rộng.»
Tôn giả A-thấp-ti nói:
«Ông nên biết, đức Như Lai nói về nhơn duyên các pháp sanh, cũng nói nhơn duyên pháp diệt. Nếu pháp do nhơn nào mà sanh, đức Như Lai nói nhơn đó. Nếu pháp do nhơn nào diệt, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa nầy. Đây là những lời dạy của Thầy tôi.[150]»
Ưu-ba-đề-xá nghe rồi liền hết các trần cấu, đạt được sự trong sạch của con mắt pháp. Ưu-ba-đề-xá nghĩ rằng: «Chỉ chừng ấy pháp cũng đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức trăm ngàn na-do-tha kiếp vốn chưa từng được thấy.»
Ưu-ba-đề-xá với Câu-luật-đà trước đây có lời cam kết: «Nếu ai đặng pháp mầu trước sẽ nói cho nhau.» Bấy giờ Ưu-ba-đề-xá liền đến chỗ Câu-luật-đà. Câu-luật-đà thấy Ưu-ba-đề-xá đến bèn nói như vầy:
«Nay nhan sắc của bạn an lạc, các căn tịch định, [799a1] như có sở đắc cái gì. Bạn thấy được pháp chăng?»
Ưu-ba-đề-xá trả lời:
«Đúng như lời của bạn nói.»
Câu-luật-đà nói:
«Bạn được những pháp gì?»
Ưu-ba-đề-xá nói:
«Đức Như Lai kia nói về nhơn duyên pháp sanh; cũng nói về nhơn duyên pháp diệt. Nếu pháp sanh do bởi nhân gì, đức Như Lai nói nhân. Nếu pháp diệt do bởi nhân gì, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa ấy.»
Khi Câu-luật-đà nghe nói như vậy rồi liền dứt sạch các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Câu-luật-đà nghĩ: «Chỉ bằng chừng ấy pháp đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức ngàn na-do-tha kiếp chưa hề được thấy.›
Câu-luật-đà hỏi:
«Không biết hiện nay đức Thế Tôn ở chỗ nào?»
Ưu-ba-đề-xá nói:
«Như Lai hiện ở tại Ca-lan-đà trong Trúc viên.»
Câu-luật-đà nói với Ưu-ba-đề-xá rằng:
«Hôm nay chúng ta có thể cùng đến chỗ đức Như Lai kính lễ, hỏi chào và nói rằng, Ngài là thầy của chúng ta.»
Ưu-ba-đề-xá nói:
«Trước chúng ta có hai trăm năm mươi đệ tử theo ta tu phạm hạnh. Ta nên cho họ biết việc này rồi tùy ý họ muốn.»
Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá cùng Câu-luật-đà đến chỗ các đệ tử nói:
«Các ngươi nên biết, hai người chúng tôi muốn theo Đại Sa-môn học phạm hạnh. Tùy ý các ngươi muốn thế nào thì muốn.»
Các đệ tử đều nói:
«Bọn chúng con từ trước theo Thầy thọ học. Nay đại sư còn theo Đại Sa-môn cầu học, huống là chúng con đâu không theo học. Những gì Thầy đã chứng đắc, chúng con cũng sẽ chứng đắc.»
Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử dẫn nhau đến Trúc viên. Vào lúc ấy, đức Thế Tôn đang vì vô số trăm ngàn chúng nói pháp. Từ xa thấy Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử đến, Ngài bảo các tỳ-kheo:
«Hai người đang đến từ xa ấy, một người tên là Ưu-ba-đề-xá, người thứ hai tên là Câu-luật-đà. Trong hàng đệ tử của Ta, hai người này là bậc tối thượng thủ, trí tuệ vô lượng, vô thượng, sẽ đạt được hai giải thoát.»[151] Trước khi chưa đến Trúc viên, hai người cùng là bạn đã được Như lai thọ ký.
Hai người cùng các đệ tử đến chỗ đức Như Lai đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự nói thắng pháp khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi, sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Phật bảo:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Bấy giờ Thế Tôn đang dừng chân tại thành La-duyệt. Khi ấy Tôn giả Uất-bề-la Ca-diếp cùng các đệ tử xuất gia học đạo, lại có hai trăm năm mươi phạm chí từ San-nhã cũng xuất gia học đạo. Các con nhà hào quý tộc tánh trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Bấy giờ, các trưởng giả trong thành La-duyệt tự cảnh giác với nhau rằng: «Các người có con nên tự giữ gìn cẩn thận. Vợ thì có phu chủ cũng phải giữ gìn cẩn thận. Hiện nay, có Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm chí. Rồi họ đi theo, nay đã đến đây. Coi chừng họ sẽ dẫn người ở đây đi nữa.» Các tỳ-kheo khất thực nghe người ta nói: «Đại Sa-môn này dẫn các phạm chí tự nguyện đi theo đến đây. Nay lại dẫn người ở đây đi nữa.» Các tỳ-kheo nghe đều ôm lòng hổ thẹn, đến chỗ đức Thế Tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
«Khi các ông vào trong thành La-duyệt khất thực, nghe các trưởng giả nói rằng, ‹Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm chí, rồi dẫn họ theo. Nay họ sẽ độ những người ở đây dẫn đi nữa›, các ông nên dùng bài kệ này trả lời với họ:
«Như Lai đại thế lực,
Dẫn đi bằng Chánh pháp.
Được dẫn bằng Chánh pháp,
Các người lo sợ gì?»
Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, vào thành La-duyệt khất thực, nghe các ông trưởng giả nói như vậy, liền dùng kệ này trả lời:
Như Lai đại thế lực,
Dẫn đi bằng Chánh pháp.
Được dẫn bằng Chánh pháp,
Các người lo sợ gì?
Các ông trưởng giả nghĩ: «Như chúng ta nghe, đại Sa-môn dẫn người đi bằng Chánh pháp, đâu phải là bằng phi pháp.» 2. Hòa thượng pháp
i. Hoà thượng truyền giới
Bấy giờ Tôn giả Uất-bề-la Ca-diếp dẫn các đệ tử xuất gia học đạo. Đệ tử[152] của San-nhã phạm chí dẫn hai trăm năm mươi đệ tử xuất gia học đạo. Con các hào tộc trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Đại chúng tập trung và sống nơi thành La-duyệt. Bấy giờ những người chưa được giáo giới không xét biết oai nghi của mình, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh.[153] Lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp bà-la-môn nhóm họp. Bấy giờ có một tỳ-kheo bệnh, không có đệ tử, không ai chăm sóc, phải mạng chung. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:
«Từ nay về sau cho phép cầu thỉnh Hòa thượng.[154] Hòa thượng chăm sóc đệ tử[155] với tâm ý đó là con. Đệ tử chăm sóc Hòa thượng với tâm ý đó là cha.[156] Trên dưới kính trọng lẫn nhau, chăm sóc cho nhau. Có như vậy chánh pháp mới được lâu bền, mới được lợi ích rộng lớn.»
Pháp thỉnh Hòa thượng như sau: Hãy dạy để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Con tên là..., nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng. Cúi xin Đại đức vì con làm Hòa thượng. Con nương theo Đại đức được thọ giới cụ túc.»
Lần thứ hai, thứ ba cũng thưa như vậy.
Hòa thượng nên trả lời, «Được.» Hoặc nói, «Như vậy.» Hoặc nói, «Sẽ dạy bảo ngươi.» Hoặc nói, «Thanh tịnh chớ buông lung.»
Phật dạy:
«Từ nay về sau nên bỏ pháp thọ giới cụ túc bằng tam ngữ. Từ nay về sau cho phép phải đủ mười vị mới trao cho giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma.»
Phép thọ cụ túc như sau:
Người muốn thọ giới cụ túc phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Con tên là..., theo tỳ-kheo tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Con tên... nay đến giữa Tăng cầu thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Cúi xin Tăng vì lòng thương tưởng tế độ con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người này tên là..., theo tỳ-kheo tên là... cầu thọ giới cụ túc. Người có tên... này, nay đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Người này tên ..., theo tỳ-kheo tên ... cầu thọ giới cụ túc. Nay người có tên... đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Vậy, trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
«Tăng đã đồng ý cho người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi nhi nhận như vậy.»
ii. Tuổi hạ của Hoà thượng
[800a1] Bấy giờ các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn chế giới cho phép trao giới cụ túc cho người. Tỳ-kheo mới thọ giới vội trao giới cụ túc cho người, mà không đủ khả năng giáo thọ. Vì không đủ khả năng giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn hiềm trách tỳ-kheo kia: «Đức Thế Tôn chế giới, cho phép trao giới cụ túc cho người. Nhưng các ông mới thọ giới tỳ-kheo, sao lại vội trao giới cụ túc cho người để rồi không thể giáo thọ cho họ được. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.›
Bấy giờ Tôn giả Hòa-tiên[157] mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi:
«Đây là tỳ-kheo nào?»
Tôn giả thưa:
«Đó là đệ tử của con.»
Đức Phật hỏi:
«Nay ông bao nhiêu tuổi?»
Tôn giả thưa:
«Bạch Thế Tôn, con hai tuổi.»
Đức Phật lại hỏi:
«Đệ tử của ông mấy tuổi?»
Tôn giả thưa:
«Một tuổi.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách:
«Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người; làm sao giáo thọ cho người được?»
Vào lúc đó có các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên, cũng đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn nói:
«Vừa rồi có tỳ-kheo Hòa-tiên mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến Ta, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Ta biết mà vẫn cố hỏi: ‹Tỳ-kheo này là ai?› Hòa-tiên nói, ‹Đệ tử của con.› Ta hỏi, ‹Ông bao nhiêu tuổi?› Hòa-tiên thưa, ‹Con hai tuổi.› Ta hỏi, ‹Đệ tử của ông mấy tuổi?› Hòa-tiên thưa, ‹Một tuổi.› Ta liền dùng vô số phương tiện quở trách: ‹Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người, làm sao giáo thọ cho người được?› Như Lai cho phép trao giới cụ túc cho người, nhưng ngươi mới thọ giới tỳ-kheo lại vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.»
Bấy giờ Phật dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người.»
Bấy giờ các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người. Có tỳ-kheo mười tuổi mà ngu si, vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn.
Các tỳ-kheo, nghe trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo này rằng: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được trao giới cụ túc cho người. Thầy dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si sao lại vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp cácTăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia:
«Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Ông dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si, sao lại vội trao giới cụ túc cho người, không biết giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới trao giới cụ túc cho người.»
Các tỳ-kheo khi nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người, bèn tự nói là: «Tôi đủ mười tuổi, có trí tuệ, được phép trao giới cụ túc cho người.» Rồi vội trao giới cụ túc cho người mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia, nói: «Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người. Tại sao thầy lại tự nói là có trí tuệ, vội trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợpTăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
«Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Tại sao các thầy tự nói mình có trí tuệ, để rồi trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ được? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.»
iii. Phận sự của Hoà thượng
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau phải chế pháp tắc của Hòa thượng, bắt buộc phải làm theo pháp Hòa thượng. Hòa thượng đối với đệ tử phải có phận sự như vầy, nên thực hành pháp như vầy:
«Nếu đệ tử bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, [801a1] tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng đối với đệ tử ấy không tác pháp yết-ma. Nếu trường hợp phải tác pháp, thì khiến cho đúng pháp. Nếu Tăng đối với đệ tử ấy tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên liệu lý như pháp, khiến đệ tử thuận tùng Tăng không trái nghịch, cần cầu, trừ bỏ tội lỗi, khiến cho Tăng sớm vì đệ tử giải pháp yết-ma.
«Trường hợp đệ tử phạm tăng tàn, Hòa thượng nên liệu lý như pháp. Cần cho ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần cho bổn nhật trị thì cho bổn nhật trị. Cần cho ma-na-đỏa thì cho ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội.
«Nếu đệ tử bị bệnh, Hòa thượng nên chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc cho đến khi lành hay mạng chung. Nếu đệ tử không thích sống nơi trú xứ này, nên tự mình đưa đi hay nhờ người đưa đi đến trú xứ khác.
«Nếu đệ tử có điều nghi, nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giáo dục đúng như pháp để trừ nghi. Nếu đệ tử sanh ác kiến, nên giáo thọ khiến cho bỏ ác kiến, an trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai pháp để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ là dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, dạy học vấn, tụng kinh. Dùng y thực nhiếp hộ là cho y thực, giường, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh theo khả năng có thể.
«Từ nay về sau chế pháp tắc cho Hòa thượng như vậy. Hòa thượng nên làm như vậy. Nếu Hòa thượng không làm thì như pháp trị.»
iv. Phận sự của đệ tử
Bấy giờ có Hòa thượng đối với đệ tử thì thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành đúng pháp của đệ tử. Họ không bạch với Hòa thượng[158] khi vào thôn, đến nhà bạch y; hoặc đi theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳ-kheo khác, hoặc cho, hoặc nhận, hoặc giúp đỡ các việc, hoặc nhận sự giúp đỡ của người khác, hoặc cạo đầu cho người, hoặc nhờ người khác cạo đầu. Không bạch với Hòa thượng vào phòng tắm; hoặc xoa kỳ thân cho người, hoặc nhờ người xoa kỳ thân mình. Hoặc không bạch với Hòa thượng mà ban ngày đến các phòng khác trong trú xứ, hoặc đến nơi gò mả, hoặc ra ngoài giới, hoặc đến phương khác.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo kia, nói: «Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử? Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến, (không bạch mà) đến phương khác?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo quở trách tỳ-kheo kia:
«Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử? Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến, (không bạch mà) đến phương khác?»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau nên chế pháp của đệ tử. Đệ tử phụng hành pháp gì, khiến cho đệ tử đối với Hòa thượng phải phụng hành pháp đệ tử. Pháp của đệ tử là:
«Nếu Hòa thượng bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử phải nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng đừng vì Hòa thượng tác pháp yết-ma. Nếu phải tác pháp thì khiến cho nhẹ bớt. Nếu Tăng vì Hòa thượng tác pháp yết-ma, tác pháp quở trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử nên liệu lý như pháp, khiến Hòa thượng thuận tùng Tăng, không trái nghịch. Cần cầu, trừ tội, khiến Tăng mau giải yết-ma.
«Trường hợp Hòa thượng phạm tăng tàn, đệ tử nên liệu lý như pháp. Cần hành ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần trao bổn nhật trị thì trao bổn nhật trị. Cần trao ma-na-đỏa thì trao ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội.
«Nếu Hòa thượng bị bệnh, đệ tử phải chăm sóc hoặc nhờ người chăm sóc cho đến khi mạnh khoẻ hay mạng chung. Nếu ý của Hòa thượng không muốn ở trú xứ này thì nên tự dời hay nhờ người khác dời.
«Nếu Hòa thượng có điều gì nghi ngờ thì nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giải quyết như pháp. Nếu Hòa thượng sanh ác kiến thì khuyên khiến cho bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai việc để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ: là khuyên khiến cho tăng giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, tụng kinh. Y thực nhiếp hộ: là phải cúng dường y thực, giường nệm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh, vật cần dùng theo khả năng của mình có thể.[159]
«Từ nay về sau nên chế pháp cho đệ tử. Pháp của đệ tử là như vậy, nên phụng hành, nếu không phụng hành thì như pháp trị.»
«Đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành pháp của đệ tử.[160] Đệ tử không thưa với Hòa thượng thì không được vào thôn, không được đến nhà người, không được theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳ-kheo khác; không được cho, không được nhận, không được giúp đỡ các việc, không được cạo đầu cho người khác, không được nhờ người khác cạo đầu, không được vào nhà tắm để tắm, không được xoa kỳ thân cho người, không được nhờ người xoa kỳ thân, không được ban ngày đến phòng (khác) của trú xứ, không được đến nơi gò mả, không được ra ngoài giới, không được đến phương khác.
«Đệ tử nên mỗi sáng sớm vào phòng Hòa thượng thọ pháp, tụng kinh hỏi nghĩa; nên đem đổ đồ tiểu tiện, nên bạch giờ cơm; cung cấp tháo đậu hoặc phân bò, tro để rửa tay.
«Nếu có thức ăn gì thì nên nhận phần của Hòa thượng. Nếu trong Tăng có lợi dưỡng, nên nhận cho Hòa thượng. Nên đem tháo đậu, tăm xỉa răng trao cho Hòa thượng để Hòa thượng rửa tay, súc miệng. Có thức ăn dâng cho Hòa thượng. Trong Tăng có lợi dưỡng nên bạch với Hòa thượng, ‹Có phẩm vật như vậy là phần của Hòa thượng.›
«Đệ tử muốn xin phép Hòa thượng vào thôn, nói: ‹Con xin phép vào thôn, bạch Hòa thượng, được không?› Nếu Hòa thượng nói: ‹Không được vào›, thì hỏi: ‹Vậy lấy thức ăn ở đâu?› Nếu Hòa thượng nói: ‹Lấy thức ăn tại chỗ nào đó›, thì nên như lời dạy, đến đó để lấy. Nếu Hòa thượng trả lời: ‹Tôi vào thôn›, đệ tử nên rửa tay, nhẹ nhàng lấy y từ trên giá, đừng cho nhầm lộn; lấy an-đà-hội trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, ong không; kế đó lấy dây buộc, lấy tăng-kỳ-chi,[161] uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, bọ cạp, ong không, trao cho Hòa thượng. Nên xếp tăng-già-lê máng trên đầu hay trên vai. Kế đó lấy bình bát, dùng tháo đậu, tro, phân bò, rửa cho sạch, đựng vào trong đãy lưới, hoặc lấy khăn tay gói lại, hoặc để trong đãy đựng bát, rồi mang đi. Nên lấy áo lót cho Hòa thượng. Lại lấy những vật rửa chân, tấm dạ để nằm, chăn, trao cho Hòa thượng.
«Khi Hòa thượng xuất hành, nên lấy đôi guốc đi đường của Hòa thượng ra ngoài phòng. Khi ra khỏi phòng xá nên coi lại cửa, lấy tay xô thử cánh cửa có chắc hay không. Nếu không chắc, phải đóng lại. Nếu chắc rồi thì bỏ sợi dây vào trong. Xem khắp bốn bên, cất chìa khóa chỗ kín. Nếu sợ người thấy hay sợ không chắc, bị người thấy, thì nên đem theo, hoặc dời chỗ khác kín và chắc. Mời Hòa thượng đi trước. Trên đường đi gặp người quen biết, nên khéo lời chào hỏi với thiện tâm ghi nhớ. Khi đi, nên tránh người đi đường.
«Khi thầy muốn vào thôn, [802a1] nên tạm dừng lại bên đường, để bát xuống một bên, lấy y tăng-già-lê từ trên đầu hay trên vai xuống, trương ra xem coi có rắn, bọ cạp, loài ác trùng hay không, rồi mới trao cho Hòa thượng. Nếu bên ngoài thôn có khách xá hay quán bán hàng hay phường hội, thì nên đem đôi guốc đi đường gởi trong đó, rồi hỏi Hòa thượng: ‹Thưa thầy, con có đi theo hay không?› Nếu thầy nói đi thì đi. Nếu nói không cần đi, thầy bảo chờ chỗ nào đó, thì chờ.
«Nếu Hòa thượng vào thôn mà trở ra không đúng giờ, thì nên nghĩ như sau, ‹Vào thôn khất thực, đây là phần dành Hòa thượng, đây là phần thuộc về mình.›
«Khi thầy ra khỏi thôn, nên đến chỗ gởi đôi guốc đi đường lấy lại, rồi ghé bên đường, để bình bát xuống đất, xếp tăng-già-lê, máng lại trên đầu hay trên vai. Giữa đường gặp người quen biết nên với thiện ý hỏi chào. «Nếu Hòa thượng dùng cơm chỗ nào thì nên quét dọn cho sạch, trải tọa cụ, bình nước sạch đầy đủ, đồ tắm rửa, đồ đựng thức ăn. Nên trao cho Hòa thượng ghế ngồi tắm, hòn đá rửa chân, khăn lau chân.
«Từ xa thấy Hòa thượng đến, liền đứng dậy nghinh đón, rước bình bát nơi tay, dặt trên đế để bát[162] hay trên dàn để bát,[163] hoặc treo nơi đầu võng; lấy tăng-già-lê trên đầu hay trên vai, trương ra xem có mồ hôi, đất bẩn hay không, hoặc bị bùn nhơ hay phân chim v.v... Nếu có các thứ bẩn ấy thì đem giặt cho sạch, vắt ráo nước, trương ra phơi trên giường cây hay giường dây. Lại nên trải chỗ ngồi cho Hòa thượng; mang guốc dép, đá rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước cho Hòa thượng. Đập đôi guốc rồi nên để bên tả, chỗ đất không ẩm thấp. Nếu chỗ đất bị ẩm thấp thì nên dời chỗ khác. Hòa thượng rửa chân rồi nên đổ nước, đem hòn đá rửa chân, khăn lau chân để lại chỗ cũ, rồi rửa tay mình cho sạch, trao nước sạch cho Hòa thượng rửa tay.
«Mình có thức ăn gì nên đem dâng lên Hòa thượng và thưa: ‹Đây là phần ăn của con, mời Hòa thượng dùng.› Nếu Hòa thượng dùng thì phải đứng hầu, cung cấp các thứ cần dùng. Sau bữa ăn, có sữa, nước nấu cao, nước muối chua, nước đại mạch, rau hay củ, nên dâng cho thầy. Nếu nóng thì quậy cho nguội, cần nước thì dâng nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng thầy đồng ăn. Hòa thượng dùng rồi nên rước bình bát nơi tay đem rửa. Mình ăn rồi, còn thức ăn dư, nên cho người hoặc phi nhơn, hay đổ nơi chỗ đất sạch không có cỏ, hoặc chỗ nước sạch không có quăng. Lấy đồ đựng thức ăn rửa sạch để lại chỗ cũ. Lấy tọa cụ, đồ rửa chân, bình tịnh thủy, bình súc miệng để trở lại chỗ cũ; đem dẹp sạch sẽ chỗ ăn.»
Có người dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ. Các tỳ-kheo thấy đều nhờm gớm.
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau không được dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ; mà nên dùng đồ để đựng thức ăn dư riêng, như đồ bể hay đồ cũ, sọt bằng tre, hoặc dùng chổi quét cho sạch. Bình bát dùng để ăn phải là thứ tốt và tinh-khiết mới thọ trì.
«Khi vào phòng Hòa thượng, nên để ý xem có bụi đất hay không; nếu có phải lau quét. Giường dây, giường cây, tọa cụ, nệm lớn mện nhỏ, gối, chăn, mền, chân giường,[164] đồ trải dưới đất, nên ghi nhớ chỗ để của nó, rồi đem ra ngoài hong phơi. Khi lau quét, dọn dẹp trong phòng nên để ý, nếu có ống đựng kim chỉ, dao, hoặc vải y rách cũ, cho đến một vài viên thuốc cũng phải để chỗ dễ thấy, để người chủ thấy lấy.
«Nên lau quét trên các cây móc y, trên cọc, hoặc trên móc long nha,[165]v.v… Nếu trong phòng bị hư mục, hay bị chuột làm ổ, thì phải tu bổ sửa sang lại; cần trét thì trét, cần nện thì nện, cần làm cho bằng thì làm cho bằng, cần dùng nước bùn rưới lên trên cho sạch sẽ thì nên dùng nước bùn rưới lên cho sạch, nên dùng đất trải lên trên cho khô ráo thì làm cho khô ráo. Trong phòng, thảm ngồi nếu không được trải ngay thẳng thì sửa lại cho ngay thẳng. Nếu đã ngay thẳng rồi thì phải để như cũ. Trước hết lau chân giường, xếp giường dây, chân giường dây đem để trong phòng. Trên giường, lấy mệm lớn mệm nhỏ, gối, chăn, y để trong phòng. Trải nệm lớn trước, trải nệm nhỏ sau, chăn gối để ngay bên trên.»
Có người lấy y thường mặc và y không thường mặc để chung một chỗ, bấy giờ bị lẫn lộn. Phật dạy:
«Từ nay về sau không nên đem y thường mặc để chung một chỗ với y không thường mặc. Mỗi thứ nên để riêng một chỗ.»
Có người lấy đãy đựng bình bát, đãy đựng giày guốc, ống đựng kim, đồ đựng dầu để chung một chỗ. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy. Từ nay về sau, đãy dựng bình bát, ống đựng kim để một chỗ; đãy đựng guốc dép, đồ đựng dầu để một chỗ.»
«Nên ở trong phòng mà đặt cây gài cửa cẩn thận, đừng cao quá, thấp quá. Ra ngoài phòng, cần xem lại ngưỡng cửa. Trước sân có đất bụi không sạch, phải quét cho sạch. Nên lấy bình nước sạch rửa cho sạch, rồi lấy đầy bình nước để lại chỗ cũ.
«Lại nên trao cho Hòa thượng bình đầy nước, bình tắm rửa, đồ đựng cơm nước.
«Đến giờ tắm, nên đến thưa với Hòa thượng xem ngài có muốn tắm không. Nếu ngài cần tắm nên vào trong nhà tắm trước, xem dưới đất có bẩn thì phải quét dọn cho sạch. Cần rưới nước thì rưới nước. Cần quét thì quét. Có nước không sạch, cần đổ thì đổ. Cần đem nước vào thì đem. Cần đem củi vào thì đem. Cần bửa củi thì bửa. Cần đem bếp vào thì đem vào. Nên vì Hòa thượng trao đầy đủ phương tiện nơi nhà tắm,[166] như bình và ghế nhỏ ngồi, dụng cụ cạo đất, đồ đựng nước, đồ đựng bùn đất, tháo đậu, các dụng cụ tắm rửa. Vị ấy nên thưa với Hoà thượng trước khi nhen lửa. Nhen lửa rồi phải thưa thầy biết để thầy vào tắm. Nếu Hòa thượng bệnh yếu hay quá già, mình nên dìu Hòa thượng vào, hay mời Hòa thượng ngồi trên giường cây, giường dây, hay dùng y khiêng Hòa thượng vào. Khi vào trong nhà tắm, nên rước y nơi tay Hòa thượng. Trong nhà tắm có móc áo, hoặc móc long nha, hay giá y thì đem y máng nơi đó. Nếu có dầu thì đem dầu thoa mình Hòa thượng. Đồ đựng dầu nên để dưới đất, lấy sợi dây cột lên cây trụ hay móc long nha. Nếu Hòa thượng già yếu bệnh hoạn, nên dìu Hoà thượng vào nhà tắm. Khi đến, nên lấy ghế ngồi tắm, bình tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, tháo đậu, các dụng cụ để tắm. Nếu có khói xông vào mặt Hòa thượng, phải lấy khăn ngăn khói. Nếu đầu và lưng Hòa thượng bị nóng thì lấy khăn che lại.
«Vị ấy nên bạch với Hòa thượng, sau mới vào nhà tắm. Nếu Hòa thượng đã vào trước, sợ trong nhà tắm ồn không dám vào nên khởi ý nghĩ: ‹Nay ta không vì mình, mà vào vì Hòa thượng tắm rửa.› Có thể nghĩ như thế rồi vào. Vào rồi, nên xoa chà thân thể cho Hòa thượng. Nên đứng sau Hòa thượng. Nếu muốn xoa chà thân thể người khác hay nhờ người khác xoa chà thân thể thì nên bạch với Hòa thượng, sau đó mới xoa chà hay nhờ xoa chà. Vị ấy nên rửa cho Hòa thượng rồi mới rửa cho mình. Nếu Hòa thượng quá già bệnh hoạn, ốm yếu thì nên dìu Hòa thượng ra khỏi phòng tắm, lấy ghế mời Hòa thượng ngồi, lấy khăn lau thân thể, lấy khăn lau mặt, lấy khăn lau mắt trao cho Hòa thượng rồi nên để cục đá rửa chân, lấy nước rửa chân, lấy [803a1] khăn lau chân, trao xong nên lấy nước rửa chân, đập giũ hay lau guốc dép trao cho Hòa thượng. Kế đến lấy y trương ra xem, đập giũ trao cho Hòa thượng. Nếu có thuốc nhỏ con mắt hoặc bột thơm, trao cho Hòa thượng. Hoặc có nước cam, nước mật, rửa tay rồi trao cho Hòa thượng. Nếu Hòa thượng già yếu bị bệnh gầy ốm, thì nên lấy giường dây, giường cây mời Hòa thượng ngồi lên trên, hoặc dùng y khiêng Hòa thượng trở vào trong phòng. Khi vào trong phòng rồi, lấy tay sửa soạn chỗ nằm, xem xét trải ngọa cụ, mời Hòa thượng nằm. Trước hết trao áo lót cho Hòa thượng, sau đó lấy y hay chăn phủ lên mình Hòa thượng. Khi ra khỏi phòng, nhớ đóng cửa phòng, rồi đến nhà tắm xem xét lại bình nước, bình tẩy dục, dao cạo mồ hôi, ghế ngồi tắm, bình đựng nước, đồ đựng bùn đất, thuốc bột, tháo đậu, các vật dùng để tắm, phải để lại vị trí cũ của nó. Nếu trong nhà tắm có chứa nước không sạch, phải đổ đi. Nên tắt lửa thì tắt, nên vùi lửa thì vùi, nên đóng cửa thì đóng, nên đem khóa cửa đi thì đem đi.
«Đệ tử mỗi ngày ba lần nên đến thăm hỏi Hòa thượng. Đệ tử nên vì Hòa thượng làm hai việc nhọc nhằn không được từ khước: một là sửa soạn phòng xá, hai là may vá và giặt y phục. Hòa thượng như pháp dạy vẽ điều gì, đệ tử phải phụng hành. Nếu Hòa thượng sai đi đâu, làm việc gì thì không được từ nan, viện cớ không đi. Nếu từ nan thì sẽ như pháp trị. Từ nay về sau quy định người đệ tử tu theo pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Nếu đệ tử không phụng hành pháp của đệ tử sẽ như pháp trị.»[167] Chú thích:
[117] Xem cht. 92 trên.
[118] Xem cht. 93 trên.
[119] A-nậu đại tuyền 阿耨大泉. Skt. Anavatapta; Pali: Anottata, một trong 7 hồ lớn trên Đại Tuyết sơn. Cf. Mahāvagga, Vin. i. 28: Phật lên Uttarakuru, khất thực và ăn bên hồ Anottata, rồi nghỉ ngay tại đó.
[120] Quý giá phẩn tảo 貴價糞掃. Y phẩn tảo (Pali: paṃsukūla; Skt. pāṃśukūla) là vải lượm từ các đống rác và trong bãi tha ma. Cf. Vin.i. 28: bhagavato paṃsukūlaṃ uppapannaṃ hoti, «Thế Tôn nhận được một tấm y phẩn tảo.» Không có từ phẩm định «quý giá.»
[121] Chỉ địa trì 指地池.
[122] Ca-hưu thọ 迦休樹. Pali: atha kho kakudhe adhivatthā devatā, khi ấy vị thần ngụ trên cây kakudha, cây mồng gà (?).
[123] Ni-liên-thiền 尼連禪. Pali: Nerañjarā (Skt. Nairañjanā).
[124] Na-đề Ca-diếp 那提迦葉. Nadī-kassapa, «Ca-diếp Sông», vì sống bên bờ sông. Vin. i. 33.
[125] Xem cht. 19 trên.
[126] Già-da Ca-diếp 伽耶迦葉. Pali: Gayā-Kassapa, Vin.i. 34. Về Gayā, xem cht. 19 trên.
[127] Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 «Kiên cố» (T01, tr.101c8), có ba thần túc: thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Xem Tập dị môn 6 (T26, tr.389b17), ba thị đạo: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Cf. Pali, Saṅgīti, D. iii. 222: tīṇi pāṭihāriyāni, iddhi-pāṭihāriyaṃ, ādesanā-pāṭihāriyaṃ, anusāsani-pāṭihāriyaṃ.
[128] Thần túc giáo hoá 神足教化; hay thần biến thị đạo, dùng thần thông để dẫn người vào đạo.
[129] Ức niệm giáo hoá 憶念教化; hay ký tâm thị đạo, hướng dẫn bằng cách đọc biết tâm ý của người. Truyện kể trên, Phật nhiều lần nói lên ý nghĩ của Ca-diếp, khiến ông cuối cùng quy phục.
[130] Hán: nhữ đương… mạc…汝當…莫, «ngươi nên…chớ…» Có thể bản Hán hiểu sai về thị đạo này. Cf. Pali, Kevaddha-sutta, D. i/ 213: …bhikkhu para-sattānam…cittampi ādisati…evampi te mano itthampi te mano itipi te cittaṃ, «Tỳ-kheo nói lên tâm tư của các chúng sinh khác…«Như vậy là ý của ngươi, thế này là ý của ngươi, tâm ngươi nghĩ rằng…»
[131] Thuyết pháp giáo hoá 說法教化; hay giáo giới thị đạo, hướng dẫn bằng sự khuyên răn dạy bảo.
[132] Tĩnh lược: «Tai…, tiếng…, thức của tai…, cho đến ý…, pháp…»
[133] Xem cht. 7 trên.
[134] Trượng lâm 杖林. Pali: laṭṭhivane, trong rừng cây cọ.
[135] Thiện trụ Ni-câu-luật thọ vương 善住尼拘律樹王. Pali: …suppatiṭṭhite cetiye, nghỉ trong miếu Suppatiṭṭhita (Thiện trụ).
[136] Pali: kevala-paripunnaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, «Ngài thuyết minh phạm hạnh; phạm hạnh ấy tuyệt đối viên mãn, thanh tịnh.»
[137] Cf. Pali, Vin.i. 35: rūpe ca sadde ca atho rase ca/ kāmitthiyo cābhivadanti yaññā, «Các tế tự ca ngợi sắc, thanh, vị, dục và nữ.»
[138] Pali. ibid.: disvā padaṃ santam anūpadhīkaṃ, akiñcanaṃ kāmabhave assattaṃ, sau khi thấy con đường an tĩnh, không vướng mắc; con đường không vướng gì cả, không tồn tại trong cõi dục.
[139] Bất dị, bất khả dị 不異不可異. Pali: anaññathābhāvim anaññaneyyaṃ, (con đường) không đổi khác, không lạc hướng.
[140] Pali: năm ước nguyện. Không có nguyện thứ 4 của bản Hán.
[141] Nhất thiết giải 一切解, theo nghĩa là «thấu hiểu tất cả.» Tham chiếu Pali: sabbadhi danto, được chế ngự trong mọi trường hợp; tức các căn hoàn toàn được nhiếp phục. Trong bản Hán, sabbadhi (mọi trường hợp) được đọc là sabbadhī: thấu hiểu tất cả.
[142] Chỉ bốn bộc lưu: dục, hữu, kiến và vô minh. Xem Tập dị môn 8 (T26, tr. 399b29)
[143] Ca-lan-đà Trúc viên 迦蘭陀竹園. Pali: Kalandakanivāpa-Veḷuvana, chỗ nuôi sóc trong khu rừng Trúc. Trúc lâm, hay rừng Trúc (Veḷuvana) là lạc viên (uyyāna) của Vua Bimbisāra. Kalandaka, hay Ca-lan-đà, là một khu trong rừng Trúc; không phải là vườn Trúc có tên là Ca-lan-đa như thường hiểu theo văn Hán.
[144] Nghi lễ tiếp nhận khu Rừng.
[145] Nguyên Hán: tiểu sàng 小床, cái giường nhỏ.
[146] San-nhã phạm chí 刪若梵志. Pali (Vin. i.39): Sañco paribbājako; thường được đồng nhất với Sañjaya-Belaṭṭhiputta, một trong sáu tôn sư ngoại đạo đương thời Phật.
[147] Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà 優波提舍拘律陀. Ưu-ba-đề-xá (Pali: Upatissa) là tên khác của Xá-lợi-phất (Sāriputta). Câu-luật-đà (Pali: Kolita) là tên khác của Mục-kiền-liên (Moggallāna).
[148] A-thấp-ti 阿濕卑. Pali: Assaji, một trong năm tỳ-kheo đầu tiên.
[149] Niên ấu trỉ 年幼稚. Hán nói theo sáo ngữ; hoặc nuốn nói tuổi đạo con non trẻ. Pali: …navo acirapabbajito, người mới (thọ tỳ-kheo), xuất gia chưa bao lâu.
[150] Pali (Vin.i. 40): ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ tathāgato āha/ tesañca yo nirodho, evaṃvādi mahāsamaṇo, «Những pháp gì sinh khởi do nhân, Như lai nói nhân của các pháp đó, và cũng nói sự diệt tận của chúng. Đó là lời dạy của Đại Sa-môn.»
[151] Hai giải thoát, chỉ huệ giải thoát và câu (phần) giải thoát. A-la-hán không chứng diệt tận định, gọi là huệ giải thoát, tức chỉ do huệ kiến mà giải thoát các phiền não. Chứng diệt tận định, được gọi là câu giải thoát, tức là do cả năng lực của huệ và định mà giải thoát phiền não, và giải thoát các chướng; quả A-la-hán cao nhất. Xem Câu xá 25 (T29, tr.131c11). Pali, Vin.i. 42: sāvakayugam... aggaṃ bhaddayugaṃ, một đôi thượng túc đệ tử; một đôi hiền triết.
[152] Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nguyên là đệ tử của San-nhã. Xem đoạn kể trên.
[153] Bất tịnh thực 不淨食 và bất tịnh bát 不淨缽, nhận thức ăn không như pháp, và dùng bình bát không đúng quy định. Tham chiếu Pali, Vin. i. 44: khi mọi người đang ăn, họ đưa bát ngay trên thức ăn, trên gia vị, trên thức uống để nhận phần dư.
[154] Hoà-thượng 和尚. Pali (Vin. i. 45): upajjhāya (Skt. upādhyāya), hoặc âm là Ô-ba-đà-da 鄔波馱耶; dịch là thân giáo sư 親教師.
[155] Đệ tử 弟子. Pali: saddhivihārika, chỉ đệ tử là người đang sống chung trong cùng một trú xứ. Phân biệt với đệ tử thị giả, luôn luôn đi theo hầu thầy, Pali gọi là antevāsika (Skt. antevāsa). Và đệ tử chỉ đến thọ giáo thôi, gọi là sāvaka (Skt. śrāvaka; dịch là Thanh văn).
[156] Hán: nhi ý 兒意, và phụ ý 父意. Pali: puttacitta (tâm của người con), pitucitta (tâm của người cha).
[157] Tống-Nguyên-Minh: Hoà-tiên 和先; bản Cao-li: Bà-tiên 婆先. Pali (Vin.i. 59): Upasena (Vaṅgataputta); được nói là em ngài Xá-lợi-phất.
[158] Từ «không bạch Hoà thượng» này đọc thông xuống các đoạn dưới. Nghĩa là, đệ tử không hỏi xin phép Hoà thượng, mà tự ý làm.
[159] Đoạn văn này, bản Hán theo quán tính nên sao nguyên pháp Hoà thượng vào pháp đệ tử.
[160] Trong bản Hán, nguyên câu này dư.
[161] Tăng-kỳ-chi 僧祇支, yếm của tỳ-kheo-ni. Xem Phần II, Ni luật, Ba-đạt-đề 160 & cht. 316. Trong đoạn văn này, tăng-kỳ chi hiểu là phú kiên y, tức y để trùm vai. Pali: saṃkacchika.
[162] Bát chi 缽榰 (Tống-Nguyên-Minh 枝).
[163] Bát sàng 缽床.
[164] Sàng chi 床榰 (Tống-Nguyên-Minh: 支).
[165] Long nha 龍牙, răng rồng hay ngà voi, hay các vật tương tự dùng làm đinh móc đóng trên vách tường để máng áo chăn các thứ; một loại gạc nai. Pali: nāgadantaka; cf. Vin.ii. 152
[166] Hán: ôn thất 溫室; nhà ấm; tức nhà tắm có nước nóng. Thường chỉ chung nhà tắm. Pali: jantāghara.
[167] Hết quyển 33.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.34.148 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.