Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích XXI. CHỨA BÁT DƯ[108]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá- vệ.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa bát. Cái nào tốt thì họ trì, cái nào không tốt thì để đó. Thường tìm tòi bát tốt như vậy cất chứa thành nhiều.
Bấy giờ, có các cư sĩ đến tham quan các phòng. Thấy nhóm sáu tỳ-kheo[109] chứa cất nhiều bát. Thấy vậy đều cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử mong cầu không nhàm chán, không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng rằng, Ta biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Cất chứa nhiều bát như nơi cửa hàng của thợ đồ gốm.»
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao chứa bát, cái tốt thì thọ trì, cái xấu để đó, thường tìm cầu bát mới chứa cất thành nhiều?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà rằng:
«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại chứa bát, cái tốt thì thọ trì, cái xấu để đó, thường tìm cầu bát mới chứa cất thành nhiều?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Bạt-nan-đà là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nó như vầy:
Tỳ-kheo nào, chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, Tôn giả A-nan nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma ,[110] ý muốn dâng cúng cho Đại Ca-diếp vì Đại Ca-diếp thường dùng loại bát của nước này.
Khi ấy, Đại Ca-diếp không ở đó. Tôn giả nghĩ: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới, ‹Tỳ-kheo nào chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Nay ta nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma, [622a1] muốn dâng cúng cho ngài Đại Ca- diếp, song ngài không có ở đây. Không biết làm thế nào.» Tôn giả A-nan đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế tôn:
«Bạch Thế tôn, Thế tôn đã vì tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.› Mà nay con vừa nhận được chiếc bát quý giá của nước Tô-ma, muốn dâng cúng cho Đại Ca-diếp, song Đại Ca-diếp không có ở đây, con không biết làm thế nào.»
Đức Thế tôn hỏi Tôn giả A-nan:
«Đại Ca-diếp bao lâu sẽ về?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Sau mười ngày, Đại Ca-diếp sẽ về.»
Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện tùy thuận nói pháp, khen ngợi hạnh đầu đà nghiêm chỉnh, thiểu dục tri túc và những vị ưa xuất ly, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo chứa bát dư cho đến mười ngày.»
Nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, chứa bát dư, không tịnh thí,[111] được phép chứa trong hạn mười ngày. Quá hạn, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Bát: Có sáu loại : bát thiếc, bát nước Tô-ma, bát nước Ô-già-la,[112] bát nước Ưu-già-xa,[113] bát đen, bát đỏ.[114] Đại thể có hai loại: bát bằng thiếc và bát bằng đất.[115] Bát lớn chứa ba đấu, bát nhỏ chứa một đấu rưỡi.[116] Đây là dung lượng của bát, nên thọ trì như vậy, nên tịnh thí.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, chứa đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong mười ngày đều thành ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai không nhận được, ngày thứ ba nhận được, ngày thứ tư nhận được, như vậy cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong chín ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được, ngày thứ ba không nhận được (như vậy chuyển lần xuống đến ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên[117]).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai, ngày thứ ba không nhận được, ngày thứ tư nhận được, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một, khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong tám ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát; ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được; ngày thứ năm nhận được (như vậy chuyển lần xuống cho đến ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như vậy*).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư không nhận được bát; ngày thứ năm nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong bảy ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm không nhận được bát; ngày thứ sáu nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong sáu ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ bảy, ngày thứ tám ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu không nhận được bát, ngày thứ bảy nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong năm ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được bát; ngày thứ tám nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy không nhận được bát; ngày thứ tám nhận được bát, cho đến ngày thứ mười nhận được bát, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong bốn ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên*).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám không nhận được bát, ngày thứ chín, ngày thứ mười nhận được bát, số bát nhận được trong ba ngày đến ngày mười một khi bình minh xuất hiện đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên).
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín không nhận được bát; ngày thứ mười nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong hai ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được; ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, đặt câu văn cũng như trên).
Nếu Tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát; ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười không nhận được bát, ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong một ngày, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát không tịnh thí; ngày thứ hai được bát tịnh thí, ngày thứ ba được bát, cho đến ngày thứ mười được bát không tịnh thí, đến ngày thứ mười một khi bình minh xuất hiện, số bát nhận được trong chín ngày đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu tỳ-kheo ngày thứ nhất nhận được bát, ngày thứ hai nhận được bát không tịnh thí. Ngày thứ ba được bát tịnh thí. Ngày thứ tư được bát không tịnh thí (như vậy chuyển xuống cho đến ngày thứ mười được bát không tịnh thí,và tịnh thí, đặt câu văn cũng như trên*). Sai cho người (đặt câu văn cũng như vậy). Hoặc mất (câu văn cũng như trên*). Hoặc cố làm cho hư hoại (câu văn cũng như vậy*). Hoặc làm phi bát (câu văn cũng như vậy*). Hoặc khởi ý thân hữu lấy (câu văn cũng như trên*). Hoặc quên đi (câu văn cũng như trên*). Tất cả đều ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Nếu bát phạm ni-tát-kỳ mà không xả, lại đổi bát khác thì phạm một ni-tát-kỳ và một đột-kiết-la.
Bát phạm ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả phạm đột-kiết-la.
Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng lên thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., đã chứa bát dư, quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả bát rồi phải sám hối, vị nhận sám trước hết phải tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch như vậy rồi mới nhận sự sám hối của vị kia. Nên nói với tỳ-kheo kia rằng:
«Hãy tự trách tâm mình!»
Vị ấy thưa:
«Xin vâng.»
Tăng nên hoàn bát lại cho tỳ-kheo này bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả bát lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., đã chứa bát dư quá mười ngày, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả bát lại cho tỳ-kheo này, các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả bát lại cho tỳ-kheo có tên... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»
«Tăng đã chấp thuận trả lại bát cho tỳ-kheo có tên... này rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»
Nếu đã xả bát trong Tăng rồi, Tăng không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la.
Nếu chuyển tịnh thí hoặc sai cho người, hoặc cố làm cho hư, hoặc làm phi bát, hoặc [623a1] dùng thường xuyên,[118] tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Trong mười ngày. Hoặc tịnh thí. Hoặc sai cho người. Hoặc tưởng bị cướp đoạt, bị mất, bị phá hư, bị nước cuốn trôi thì không phạm. Nếu bát bị đoạt, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi nên lấy dùng, hoặc người khác cho dùng. Hoặc tỳ-kheo nhận gởi bát qua đời, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị giặc cướp, hoặc gặp ác thú hại, hoặc bị nước cuốn trôi, không sai cho người. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXII. ĐỔI BÁT MỚI[119]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử bát bị vỡ, nên vào thành Xá-vệ nói với một cư sĩ rằng:
«Ông biết cho. Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.»
Bấy giờ, có cư sĩ nọ liền vào trong chợ mua cái bát cúng cho. Bạt-nan-đà lại đến nhà cư sĩ khác cũng nói rằng:
«Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.»
Các cư sĩ kia cũng liền đến chợ mua bát cúng dường.
Bạt-nan-đà bị vỡ một cái bát mà cầu tìm nhiều bát để chứa cất. Sau đó, một thời gian các cư sĩ có cơ hội gặp nhau. Có một cư sĩ nói với các cư sĩ khác rằng:
«Tôi được phước vô lượng.»
Các cư sĩ hỏi:
«Nhờ việc gì mà bạn được phước vô lượng?»
Đáp rằng:
«Tôn giả Bạt-nan-đà bị vỡ cái bát. Tôi mua cái bát cúng cho, nên được phước vô lượng.»
Các cư sĩ mỗi người đều tự nói:
«Chúng tôi cũng được phước vô lượng.»
Các cư sĩ khác hỏi rằng:
«Do nhơn duyên gì quý vị đều được phước vô lượng?»
Các cư sĩ trả lời rằng:
«Bạt-nan-đà bị bể cái bát, chúng tôi cũng đến chợ mua bát cúng cho Bạt-nan-đà.»
Các cư sĩ cơ hiềm nói:
«Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, mong cầu không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng rằng, ‹Ta biết chánh pháp.› Như vậy thì có chánh pháp gì? Bị vỡ một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất. Đàn-việt tuy cúng dường không nhàm chán mà người thọ nhận phải biết đủ chứ!»
Trong số các Tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Sao thầy bị vỡ một cái bát lại tìm cầu nhiều bát để chứa cất?» Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại bể một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo:
«Bạt-nan-đà này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ [120] trao cho, khiến thọ trì cho đến khi vỡ; đó là điều hợp thức.[121] B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Năm chỗ trám: khoảng cách giữa hai chỗ trám bằng hai ngón tay.
Tỳ-kheo nào bát bị bể dưới năm chỗ trám mà không chảy rỉ, lại tìm cầu bát mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu trám đủ năm chỗ mà không rỉ chảy lại tìm cầu bát mới, đột-kiết-la.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng trong trú xứ đó. Nên đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là..., bát đã bị bể, dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên... này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng:
«Hãy tự trách tâm mình!»
Tỳ-kheo kia thưa:
«Xin vâng.»
Bát của vị tỳ-kheo này nếu là loại bát quý giá tốt thì nên cất lại, và lấy cái bát kém nhất trao cho vị ấy, bằng bạch nhị yết-ma, nên trao như vầy: Trong Tăng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:[122]
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao bát cho tỳ-kheo có tên này. Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, đã xả cho Tăng. Nay Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên... này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên là... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý, xin hãy nói.»
«Tăng đã đồng ý trao bát lại cho tỳ-kheo có tên... này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»
Bát của tỳ-kheo kia nên đem tác bạch rồi hỏi Tăng, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem bát này theo thứ tự hỏi Thượng tọa. Đây là lời tác bạch.»
Bạch như vậy rồi nên đem bát trao cho Thượng tọa. Nếu Thượng tọa muốn nhận bát (mới) này thì trao cho, rồi lấy bát (cũ) của Thượng tọa trao cho vị kế. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận. Không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận. Cũng không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát tối hạ; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la.[123] Nếu vị Thượng tọa thứ hai lấy chiếc bát này thì nên lấy chiếc bát của vị Thượng tọa thứ hai trao cho vị Thượng tọa thứ ba. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận, không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận, và không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát xấu nhất; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la.
Như vậy lần lượt cho đến vị hạ tọa. Hoặc đem bát của tỳ-kheo này trả lại cho tỳ-kheo này; hoặc đem bát vị tối hạ trao cho. Khi trao, nên bạch nhị yết-ma để trao. Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên... thọ trì cho đến khi vỡ. Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem cái bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên... thọ trì cho đến khi vỡ. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao bát cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»
«Tăng đã đồng ý trao bát cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»
Tỳ-kheo kia nên giữ gìn bát này không được để chỗ đá gạch có thể rơi, không được để dưới cây gậy dựng đứng và dưới con dao dựng đứng, không được để dưới vật treo, không được để giữa đường đi, không được để trên hòn đá, không được để dưới gốc cây có trái, không được để chỗ đất không bằng phẳng.
Tỳ-kheo không được dùng một tay mà nắm hai cái bát, trừ có kê ngón tay ở giữa. Không được dùng một tay cầm hai cái bát mà mở cửa, trừ phi có chú ý. Không được để trong ngưỡng cửa, dưới cánh cửa. Không được để dưới giường dây, giường cây, trừ để tạm. Không [624a1] được để trung gian giữa giường dây và giường cây. Không được để đầu góc của giường cây và giường dây, trừ để tạm. Không được đứng mà quậy bát cho đến đủ để khiến bát bị vỡ. Tỳ-kheo kia không được cố tâm làm cho bát hư hoại, không được cố ý khiến cho mất hoặc cố làm cho hư hỏng. Không nên dùng làm phi bát.[124]
Xả bát ở trong Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Nếu ai bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la.
Nếu làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc cố làm mất, làm hỏng, dùng làm phi bát hay dùng thường xuyên,[125] tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Năm chỗ trám bị rỉ chảy. Hoặc dưới năm chỗ trám mà rỉ chảy, tìm cầu bát mới. Hoặc đến xin nơi thân lý, nơi người xuất gia, vì người khác xin, người khác vì mình xin. Hoặc không xin mà được. Hoặc họ cúng cho Tăng, theo thứ tự được. Hoặc mình có phương tiện mua để chứa. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIII. XIN CHỈ SỢI[126]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử muốn may tăng-già-lê, nên vào thành, đến nhà một cư sĩ, nói rằng:
«Ông biết không? Tôi muốn may tăng-già-lê, nên cần chỉ sợi.»
Cư sĩ liền cúng chỉ sợi. Bạt-nan-đà lại đến các nhà cư sĩ khác, cũng nói rằng: «Tôi muốn may tăng-già-lê, nên cần chỉ sợi.»
Bạt-nan-đà xin khắp mọi nơi như vậy, thu hoạch được một số lượng chỉ sợi rất nhiều nên nghĩ rằng: «Lúc khác, ở nơi khác, ta lại xin chỉ sợi nữa, để đủ may tăng-già-lê. Y phục của tỳ-kheo khó có được, ta nên sắm luôn ba y. Nay ta nên đem số chỉ sợi này bảo thợ dệt, dệt ba y.»
Nghĩ xong liền đem chỉ đến chỗ thợ dệt, tự tay xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt. Các cư sĩ thấy vậy cơ hiềm rằng:
«Các ông xem kìa, Bạt-nan-đà Thích tử tự xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt dệt ba y.»
Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Sao lại tìm cầu nhiều chỉ sợi, rồi khiến thợ dệt dệt ba y; tự tay xe chỉ, tự đứng coi thợ dệt dệt ?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà:
«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại tìm cầu nhiều chỉ sợi, tự tay xe sợi, tự đứng coi thợ dệt, dệt ba y?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự mình xin chỉ sợi, khiến thợ dệt không phải thân quyến[127] dệt làm ba y , ni-tát-kỳ ba-dật- đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Tự mình xin: chính mình xin khắp nơi.
Chỉ sợi: có mười loại,[128] như trên tức là chỉ dệt mười loại y như trên.
Thợ dệt không phải thân quyến, người cho chỉ chẳng phải thân quyến: không phải thân quyến[129] thì phạm.
Thợ dệt chẳng phải thân quyến; người cho chỉ hoặc thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Thợ dệt chẳng phải thân quyến; người cho chỉ là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc không phải thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến; người cho chỉ hoặc là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm. Hoặc thợ dệt là thân quyến, hoặc chẳng phải thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Thợ dệt là thân quyến; người cho chỉ chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Thợ dệt là thân quyến; người cho chỉ hoặc thân quyến hoặc chẳng phải thân quyến: chẳng phải thân quyến thì phạm.
Nếu tỳ-kheo tự mình xin chỉ khiến thợ dệt y, phạm xả đọa. Nếu xem thợ dệt dệt, hoặc tự mình dệt, hoặc tự mình quay chỉ, đều phạm đột-kiết-la.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.
Khi xả, đương sự nên đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng toạ, kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã tự mình cầu xin nhiều chỉ sợi, khiến thợ dệt dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tự mình cầu xin nhiều chỉ sợi khiến thợ dệt dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi mới thọ sám, nên nói với tỳ-kheo rằng:
«Hãy tự trách tâm ngươi!»
Tỳ-kheo phạm tội thưa:
«Xin vâng.»
Tăng nên hoàn y lại cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một vị khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tìm cầu nhiều chỉ sợi khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt y, phạm xả đoạ. Nay xả cho Tăng, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng hoàn y lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã tìm cầu nhiều chỉ sợi, khiến thợ dệt chẳng phải thân quyến dệt y, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên…. này. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên... này thì im lặng. Vị nào không đồng ý nên nói.»
«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»
Đương sự đã xả y giữa Tăng rồi, Tăng không trả y lại phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc tự mình làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc làm cho hư hoại, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Thợ dệt là thân quyến, người cho chỉ là thân quyến. Hoặc tự mình dệt cái đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, đựng kim, hoặc làm dây lưng ngồi thiền. Hoặc làm dây lưng thường, hoặc làm mão, làm bít tất, làm khăn trùm cho ấm, hoặc khăn gói. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIV. CHỈ DẪN THỢ DỆT[130]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một cư sĩ là bạn quen tri thức của Bạt-nan-đà Thích tử, đem chỉ tốt, bảo thợ dệt, dệt chiếc y như vậy, như vậy để cúng cho Bạt-nan-đà Thích tử. Cư sĩ đưa chỉ cho thợ dệt rồi, có việc cần đi qua thôn khác. Người thợ dệt kia đến trong Tăng-già-lam nói với Bạt-nan-đà Thích tử rằng:
«Đại đức, chưa từng có người nào được phước như ngài.»
Bạt-nan-đà hỏi:
«Chuyện gì mà biết tôi là người có phước đức?»
Ông thợ dệt nói:
«Người cư sĩ có tên mỗ đem số chỉ này đến tôi, nói: ‹Bạt-nan-đà Thích tử là bạn quen của tôi, ông vì tôi dệt làm [625a1] y như vậy, như vậy để cúng cho ngài›. Do đó tôi biết Đại đức là người có phước đức.»
Bạt-nan-đà lại hỏi:
«Có thật như vậy không?»
Ông thợ dệt dệt trả lời:
«Thật như vậy.»
Bạt-nan-đà nói:
«Nếu muốn dệt y cho tôi thì phải dệt cho rộng, dài, đẹp, bền chắc, tỉ mỉ, mới đúng là y tôi thọ trì. Nếu không phải là thứ y mà tôi cần thọ trì thì tôi không cần.»
Ông thợ dệt nói:
«Loại y như Đại đức nói thì số chỉ này không đủ để dệt thành y.»
Bạt-nan-đà nói rằng:
«Ông cứ dệt, tôi sẽ tìm thêm chỉ đem đến cho đủ.»
Sáng hôm ấy, Bạt-nan-đà đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn, rồi nói với vợ cư sĩ rằng:
«Trước đây ông cư sĩ có đem chỉ đến thợ dệt bảo dệt y cho tôi, nay số chỉ ấy không đủ để dệt.»
Vợ cư sĩ nghe nói liền đem cái rương đựng chỉ ra và nói với Bạt-nan-đà rằng:
«Cần nhiều hay ít tùy ý ngài cứ lấy.»
Bấy giờ, Bạt-nan-đà lựa lấy những thứ chỉ tốt theo ý muốn của mình, rồi đem đến thợ dệt nói rằng:
«Tôi đã cung cấp đủ số chỉ như đã hứa. Ông cứ dệt thành y cho tôi.»
Thợ dệt bảo rằng:
«Nếu dệt theo kiểu y mà Đại đức nói, thì phải trả thêm tiền công cho tôi.»
Bạt-nan-đà nói:
«Ông cứ dệt như vậy. Tôi sẽ trả thêm tiền công.»
Bấy giờ, thợ dệt dệt y xong, đem đến cho vợ cư sĩ. Cũng lúc ấy, ông cư sĩ vừa từ nơi khác về, hỏi vợ rằng:
«Trước đây tôi đưa chỉ cho thợ dệt, bảo dệt y cho Bạt-nan-đà Thích tử. Nay y ấy đã dệt xong chưa?»
Người vợ bảo rằng:
«Y ấy đã dệt xong rồi. Nó đây này.»
Người chồng bảo đem y đến xem. Người vợ mở rương ra cho chồng xem. Ông chồng nói với vợ rằng:
«Y này không phải là kiểu y mà trước đây tôi bảo thợ dệt dệt.»
Bà vợ bảo:
«Chính y này đây.»
Ông chồng nói rằng:
«Chỉ mà bữa trước tôi đưa bảo thợ dệt dệt y, thì đây không phải là y đó.»
Bấy giờ, bà vợ mới trình bày đầy đủ nhơn duyên cho chồng. Hai vợ chồng mở y ra xem. Khi ấy, Bạt-nan-đà lại đến nhà cư sĩ, hỏi rằng:
«Trước đây hai ông bà bảo thợ dệt dệt y cho tôi, có phải cái này không?»
«Vâng chính cái này đây.»
«Như vậy có thể cho tôi nhận.»
Cư sĩ liền cơ hiềm rằng:
«Sa-môn Thích tử thọ nhận không biết nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự nói ‹Tôi biết chánh pháp.› Nhưng như vậy thì làm gì có chánh pháp? Đến nơi người xin y, tuy kẻ cho không nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ! Cho đến chỗ vắng cũng không được nói năng.»
Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực nghe như vậy rồi, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Sao lại tham lam đi xin y nơi người?»
Hiềm trách rồi về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: «Sao lại tham lam đi xin y nơi người?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Thế tôn.
Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà:
«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại tham lam đi xin y nơi người?»
Dùng vô số phương tiện, đức Thế tôn quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này lần đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, có cư sĩ[131] hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì tỳ-kheo dệt làm y. Tỳ-kheo kia bèn đến nhà thợ dệt nói rằng: ‹Ông biết chăng? Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho khéo, khiến cho rộng, dài, bền chắc, tỉ mỉ. Tôi sẽ trả công cho ít nhiều.› Tỳ-kheo kia trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn; nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Khi đức Thế tôn, vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ, có các cư sĩ cúng y cho tỳ-kheo với yêu cầu tùy ý, thưa:
«Đại đức cần loại y nào?»
Các tỳ-kheo nghi, không dám trả lời. Đức Phật dạy:
«Nếu trước đó họ yêu cầu tùy ý mà cúng y, thì nên tùy ý trả lời.»
Hoặc có cư sĩ muốn dâng y quý giá cho tỳ-kheo mà tỳ-kheo ấy là vị thiểu dục tri túc, muốn được y không quý giá, mà nghi không dám nói, đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép vị thiểu dục tri túc đòi hỏi y không quý giá theo ý muốn của mình.»
Từ nay về sau sẽ nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì tỳ-kheo dệt làm y. Tỳ-kheo kia trước không được yêu cầu tùy ý, mà lại đến chỗ thợ dệt nói rằng: ‹Ông biết chăng? Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho khéo, khiến cho rộng, dài, bền chắc, tỉ mỉ. Tôi sẽ trả công cho ít nhiều.› Tỳ-kheo kia trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn; nếu nhận được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Cư sĩ, vợ cư sĩ: cũng như trên.
Tỳ-kheo trước không được yêu cầu tùy ý,[132] bèn đến tìm cầu y; nếu được y, ni-tát-kỳ ba-dật-đề; không được y, đột-kiết-la.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, đột-kiết-la.
Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là…, trước đó không được yêu cầu tùy ý, bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết nên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước đó không được nhận yêu cầu tùy ý bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng:
«Hãy tự trách tâm ngươi!»
Vị tỳ-kheo kia thưa:
«Xin vâng.»
Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo này liền, bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước không được yêu cầu tùy ý, lại đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, trước không được yêu cầu tùy ý, bèn đến tìm cầu được y tốt, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả lại y cho tỳ-kheo có tên này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»
«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Tỳ-kheo kia, trong Tăng đã xả y rồi mà Tăng không hoàn lại, đột-kiết-la. Nếu có người bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu chuyển làm tịnh thí hoặc sai cho người, hoặc tự làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm cho hư, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Trước đã được yêu cầu tùy ý đến tìm cầu biết đủ, tìm cầu giảm thiểu. Hoặc đến nơi thân lý xin, hoặc không xin mà được thì không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXV. ĐOẠT LẠI Y[133]
A. DUYÊN KHỞI
[626a2] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, người đệ tử của Tôn giả Nan-đà có khả năng khuyến hóa khéo léo, được Bạt-nan-đà bảo rằng:
«Nay ông cùng tôi du hành trong nhân gian. Tôi sẽ biếu y cho ông.»
Đệ tử của Tôn giả Nan-đà chấp thuận. Bạt-nan-đà liền trao y cho. Sau đó, các tỳ-kheo khác nói với đệ tử của Tôn giả Nan-đà rằng:
«Vì cớ gì mà ông cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian? Bạt-nan-đà là người si, không biết tụng giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.»
Tỳ-kheo kia liền đáp rằng:
«Nếu thật vậy thì tôi sẽ không đi theo nữa.»
Sau đó, Bạt-nan-đà bảo rằng:
«Ông cùng tôi du hành trong nhơn gian.»
Đệ tử của A-nan-đà liền đáp:
«Thầy tự đi. Tôi không thể đi theo thầy được.»
Bạt-nan-đà nói rằng:
«Sở dĩ trước đây tôi cho ông y là muốn ông cùng tôi du hành nhơn gian. Nay ông không đi thì trả y lại cho tôi.»
Tỳ-kheo nói rằng:
«Đã cho rồi, không trả lại.»
Bấy giờ, Bạt-nan-đà nổi giận, liền cưỡng đoạt lấy y lại. Tỳ-kheo kia lớn tiếng bảo:
«Đừng làm vậy, đừng làm vậy!»
Các tỳ-kheo ở phòng gần nghe tiếng kêu la, đều tập trung lại, hỏi tỳ-kheo này rằng:
«Sao thầy la lớn tiếng?»
Khi ấy, tỳ-kheo mới đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với các tỳ-kheo.
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà rằng:
«Tại sao đã cho y tỳ-kheo rồi, vì giận hờn mà đoạt lại?»
Hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lại một cách đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn tập họp Tăng tỳ-kheo quở trách Bạt-nan-đà:
«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại vì giận hờn mà đoạt y đã cho người lại?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Thế tôn nói với các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa cho đến chánh pháp lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã cho y cho tỳ-kheo khác; sau vì giận hờn tự mình đoạt hay sai người đoạt lại nói rằng: ‹Hãy trả y lại tôi, tôi không cho ngài.› Nếu tỳ-kheo kia trả y, tỳ-kheo này nhận lấy, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Y: có mười loại, như trên đã nói.
Nếu tỳ-kheo nào đã cho y cho tỳ-kheo, sau đó vì giận hờn hoặc tự mình đoạt lại, hay sai người đoạt lại, lấy đem cất, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu đoạt lại mà không dấu cất, phạm đột-kiết-la.
Nếu y được máng trên cây, để trên tường, trên rào, trên nọc, trên móc áo[134], trên giá y, hoặc trên giường cây, giường dây, hoặc trên nệm nhỏ nệm lớn, trên ghế nhỏ; hoặc trải trên đất; lấy khỏi chỗ của nó, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Lấy mà không lìa khỏi chỗ, đột-kiết-la.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.
Khi xả cho Tăng, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau ăn năn, vì giận hờn đoạt lại, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên bảo với người kia rằng:
«Hãy tự trách tâm ngươi!»
Tỳ-kheo kia thưa:
«Xin vâng.»
Tăng nên trả y lại cho tỳ-kheo này liền bằng bạch nhị yết-ma như vầy: trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng nên lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo rồi, sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đoạ, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên… Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã cho y tỳ-kheo , sau vì giận hờn đoạt lấy lại, phạm xả đoạ, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này, trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý nên nói.»
«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Nếu trong Tăng, đã xả y rồi mà Tăng không trả lại, đột-kiết-la. Nếu có ai bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la.
Nếu chuyển làm tịnh thí, hoặc tự làm ba y, hoặc sai cho người, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc cố làm hư hoại, hoặc đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Không vì giận hờn mà nói: «Tôi hối tiếc, không muốn cho y cho thầy, trả y lại cho tôi.» Nếu người kia cũng biết tâm người này có sự hối tiếc, liền trả y lại. Hoặc người khác nói: «Tỳ-kheo này hối tiếc, nên trả y lại cho người ta.» Hoặc mượn y của người khác mặc; người khác mặc mà không hợp đạo lý đoạt lấy lại thì không phạm. Nếu sợ mất y hoặc sợ hư hoại, hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng phải diệt tẫn, hoặc vì việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn; vì các trường hợp trên đoạt lấy lại mà không cất chứa. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [135] Chú thích:
[108] Pali, Nissaggiya 21, atirekapatta, Vin. iii. 240. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 20.
[109] Đoạn sau, nói là Bạt-nan-đà.
[110] Tô-ma quốc 蘇摩國. Một trong 16 đại quốc thời Phật, theo liệt kê của Trung A-hàm 55 (T1n26, tr.772b17). Liệt kê này không đồng nhất với Trường A-hàm 5 (Kinh Xà-ni-sa), và các bản Pali (A.vii.43 v.v.). Phiên Phạn ngữ 8 (T54n2130, tr.1035a18): Tô-ma, dịch là Nguyệt 月. Bát sản xuất tại nước Tô-ma được xem là 1 trong 6 loại bát hợp pháp.
[111] Căn bản 22: không phân biệt. Xem cht. 14, Ni-tát-kỳ 1. Pali không có chi tiết này.
[112] Ô-già-la quốc 烏伽羅國; địa danh sản xuất bát. Pali không đề cập. Có thể Pali là Ugga-nigama, một thị trấn trong Vương quốc Kosala.
[113] Ưu-già-xa quốc 憂伽賒國; địa danh chưa rõ.
[114] Pali: bát có hai loại, ba cỡ, như bản Hán, nhưng không nói xuất xứ của bát. Các bộ khác cũng không nói xuất xứ như Tứ phần.
[115] Thiết bát, nê bát 鐵缽泥缽. Pali: ayopatta, mattikapatta.
[116] Pali, Vin.iii. 243, bát có ba cỡ . Lớn, lượng một āḷhaka cơm; trung, một nāḷika cơm; nhỏ, một pattha. Thập tụng 7 (T.1435, tr. 53b): cỡ lớn, ba bát-tha cơm; cỡ nhỏ, một bát-tha.
[117] Tiểu chú trong bản Hán.
[118] Cho chóng hư. Xem Ni-tát-kỳ 1.
[119] Pali, Nissaggiya 22, ūnapañcabandhana. Ngũ phần, ni-tát-kỳ 19.
[120] Pali: yo ca tassā bhikkhuparisāya pattapariyanto, tối hạ bát của chúng tỳ-kheo đó. Ngũ phần 5 (T. 1421, tr.34a), Thập tụng 8 (T. 1435, tr.54b), Căn bản 22 (T. 1442, tr.745c): chúng trung tối hạ bát.
[121] Nguyên Hán: thử thị thời 此是時. Ngũ phần, Thập tụng: thị pháp ưng nhĩ. Căn bản: thử thị kỳ pháp. Pali: ayaṃ tattha sāmīcī, đó là tiến trình hợp thức; giải thích: ayaṃ tattha anudhammatā, điều đó là sự tuỳ thuận pháp tánh trong đây.
[122] Thập tụng, nt., gọi là yết-ma Tăng sai «hành mãn thủy bát nhân,» người thực hiện nghi thức bát đầy nước. Tức Tăng sai tỳ-kheo đổi bát. Đưa bát phạm xả, vì là tốt nhất, cho Thượng tọa lớn nhất. Nếu Thượng tọa nhận bát mới này, lấy bát cũ của Thượng tọa trao cho vị Thượng tọa kế. Lần lượt xuống đến tối hạ tọa. Cho đến khi, trong chúng không ai muốn đổi nữa, thì lấy bát được đổi cuối cùng trao cho tỳ-kheo phạm xả. Pali gọi đây là yết-ma Tăng sai người nhận bát để đổi (bhikkhu pattagāhāpako).
[123] Văn hơi tối. Tham khảo Pali: na ca tassa anuddayatāya na gahetabbo. yo na gaṇheyya, āpatti dukkaṭassa, «(vị kế tiếp) không nên vì sự thương tưởng vị ấy (?) mà không nhận. Ai không nhận, phạm đột-kiết-la.» Câu văn Pali cũng không rõ, vì đại từ tassa có thể chỉ tỳ-kheo phạm xả, cũng có thể chỉ cho vị Thượng tọa vừa đổi bát. Bản dịch Anh hiểu nghĩa thứ hai. Nhưng hiểu nghĩa thứ nhất, thì tỳ-kheo này không nhận bát, để cuối cùng tỳ-kheo phạm xả vẫn nhận được bát tốt như ý muốn. Vì vậy, tỳ-kheo nào không nhận vì lý do này phạm đột-kiết-la.
[124] Phi bát dụng 非缽用; sử dụng không đúng chức năng của bát.
[125] Cho chóng vỡ.
[126] Pali, Nissaggiya 26: Suttaviññatti. Ngũ phần, Ni-tát-kỳ 11. Tăng kỳ, Ni-tát-kỳ 26. Thập tụng, Căn bản, Ni-tát-kỳ 23.
[127] Pali: tantavāyehi, bởi những người thợ dệt, không phân biệt thân lý hay không thân lý.
[128] Pali: sáu loại chỉ để dệt sáu loại y cho phép. Ngũ phần cũng không phân biệt.
[129] Các bản Tống-Nguyên-Minh không có câu lặp này.
[130] Pali: Nissaggiya 27, Mahāpeskāra. Ngũ phần, Ni-tát-kỳ 12. Tàng kỳ, Ni-tát-kỳ 27.
[131] Pali: aññātako gahapati, cư sĩ không phải bà con. Thập tụng, Căn bản: phi thân lý cư sĩ, cư sĩ phụ.
[132] Tự tứ thỉnh 自恣請. Pali: pubbe pavārito, được yêu cầu nói sở thích.
[133] Tăng kỳ, Ni-tát-kỳ 24. Pali, Nissaggiya 25, cīvara-acchindana.
[134] Long nha dặc; xem cht. trên
[135] Bản Hán, hết quyển 9.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.20.148 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.