BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
[XXVI-b]
23. Bốn Vị Sa Di
Thân thiện giữa thù địch ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến bốn vị Sa-di.
Bà vợ của người Bà-la-môn nọ sửa soạn
một bữa ăn cho bốn vị Sa-môn được đặc biệt chọn mời. Bà bảo ông chồng:
- Ông hãy đến tinh xá và bảo họ chọn
cho bốn vị Bà-la-môn lão thành, rồi rước về nhé!
Ông Bà-la-môn đến tinh xá, thưa:
- Xin chọn cho bốn vị Bà-la-môn và đưa
họ ra gặp tôi.
Những vị được chọn rơi nhằm bốn chú
Sa-di mới lên bảy tuổi nhưng đã đắc quả A-la-hán, gồm các Tôn giả Samkicca, Pandita, Sopàka và Revata. Bà vợ
người Bà-la-môn chuẩn bị các chỗ ngồi rất lộng lẫy, sang trọng và đứng chờ. Vừa
thấy bóng các Sa-di, bà đã giận sôi lên, nổ một tràng dài nghe như muối kêu
trên lò lửa:
- Ông đến tinh xá mà đưa về bốn đứa trẻ
nít chẳng lớn bằng cháu chắt ông.
Bà không chịu mời các chú ngồi lên chỗ
đã soạn sẳn, lại trải chỗ ngồi khác thấp hơn và kêu họ:
- Ngồi đây này!
Xong bà bảo ông chồng:
- Ông ơi, ông đi mời vài vị Sa-môn lão
thành về đây.
Ông Bà-la-môn đến tinh xá, gặp Tôn giả
Xá-lợi-phất, thưa:
- Xin mời Ngài về nhà tôi.
Ông đưa Tôn giả về nhà. Thấy các vị
Sa-di ngồi đó, Tôn giả hỏi:
- Các Sa-môn này đã thọ trai chưa?
- Dạ, chưa.
Khi biết chủ nhà chỉ nấu bốn phần ăn,
Tôn giả nói:
- Xin mang trả bát cho tôi.
Rồi Tôn giả ôm bát, rồi nhà ông
Bà-la-môn. Bà vợ hỏi:
- Thầy ấy nói gì thế?
- Thầy nói:"Các viï Sa-môn ngồi
đây đáng được thọ nhận vật thực. Xin trả bát cho tôi". Nói xong thầy ấy
cầm bát và đi về.
Bà vợ bảo:
- Chắc ổng không muốn ăn, thôi ông đi
mau lên, kiếm một vị Sa-môn khác đưa về đây.
Ông Bà-la-môn trở lại tinh xá lần nữa,
và gặp Tôn giả Mục-kiền-liên, cũng thưa như trước và dẫn Tôn giả về nhà. Ngài
Ðại Mục-kiền-liên thấy các chú Sa-di, cũng hỏi y như Tôn giả Xá-lợi-phất và cầm
bát đi thẳng. Bà vợ nói:
- Các Tôn giả này không muốn thọ trai.
Ông hãy đến tinh xá lần nữa đi, và chỉ mời vị Sa-môn lão thành thôi.
Bấy giời các Sa-di từ sáng sớm chưa có
hột cơm nào vào bụng. ngồi đói run rẩy. Do sức mạnh của phước đức họ, ngai trời
Ðế Thích nóng lên. Ngài tìm hiểu nguyên nhân, thấy nhóm Sa-di ngồi từ sáng đang
đói lả người đến kiệt sức, liền nghĩ: "Ta có nhiệm vụ phải đến đấy".
Ngài cải trang thành một Sa-môn già lọm khọm, đến tinh xá và ngồi vào chỗ dễ
thấy nhất giữa các vị Sa-môn. Ông Bà-la-môn trông thấy Ðế Thích, nghĩ: "Mụ
vợ ta hẳn sẽ hài lòng". Ông mời Ðế Thích về nhà. Bà vợ vừa trông thấy Ðế
Thích liền tươi cười hớn hở, lấy thảm và chiếu đôi phủ lên một chỗ ngồi, mời
chào rối rít:
- Kính bạch Ðại đức tôi quí, xin mời
Ngài an tọa.
Ðế Thích vào nhà liền đến đảnh lễ bốn
vị Sa-di, năm vóc gieo sát đất, rồi Ngài kiếm chỗ ngồi kiết già dưới đất gần mé
bộ ván thấp nơi các chú đang ngồi.
Bà vợ ông Bà-la-môn thấy thế, nói:
- Ðúng là ông rước về nhà một vị Sa-môn
thiệt đó. Ông đưa về vị này lớn bằng cha ông mà thầy ấy lại đi chào các chú
Sa-di tuổi bằng cháu chắt ổng. Ta đâu cần người như ổng. Ðuổi ổng ra đi!
Ông Bà-la-môn nắm vai Ðế Thích, rồi kéo
tay, đẩy lưng,ráng sức lôi Ngài ra ngoài, nhưng Ðế Thích ngồi không nhúc nhích.
Bà vợ bảo:
- Ông nắm một tay, tôi sẽ nắm tay kia.
Hai ông bà nắm cả hay tay Ðế Thích, hì
hục đẩy sau lưng, ráng lôi được Ngài ra khỏi cửa. Nhưng Ðế Thích hóa phép ngồi
yên chỗ cũ, hai tay vẫy lia lịa chào họ.
Hai ông bà trở vào thấy Ngài ngồi y đó
thì sợ hãi, ré lên khủng khiếp và đề Ngài tự do. Bấy giờ Ðế Thích cho biết Ngài
là ai. Hai ông bà liền mời khách thọ trai. Xong xuôi, năm vị khách từ giã. Một
vị Sa-di bay xuyên qua nóc nhà. Vị thứ hai xuyên qua mái trước, vị thứ ba tung
mái sau, vị thứ bốn chui xuống đất, còn Ðế Thích thì ra bằng một ngõ khác nữa.
Cứ thế, năm vị mỗi vị rời ngôi nhà kia một kiểu. Từ đó ngôi nhà được biết đến
với tên "Nhà có năm cửa.
Các vị Sa-di về tinh xá, các thầy
Tỳ-kheo hỏi:
- Sao? Chư huynh đi thọ trai thế nào?
- Thôi, xin chư huynh chớ hỏi nữa! Vợ
ông Bà-la-môn vừa thấy chúng đệ đã nổi giận đùng đùng. Bà không cho chúng đệ
ngồi vào chỗ dọn sẳn, mà bảo ông chồng: "Ông mau mau đi rước cho một vị
Sa-môn lão thành". Thầy tế độ của chúng đệ đến, thấy chúng đệ đó liền nói:
"Các vị Sa-môn đang ngồi đây cần được cúng dường cơm". Nói xong, Tôn
giả yêu cầu trả bát rồi đi. Bà vợ lại nói: "Ông làm ơn đi rước cho một vị
Sa-môn lão thành khác". Ông chồng đưa Tôn giả Mục-kiền-liên về nhà. Khi
thấy chúng đệ, Tôn giả lại nói y như Tôn giả Xá-lợi-phất và đi luôn. Bà vợ bảo
chồng: "Các vị Tôn giả này không muốn thọ trai. Ông Bà-la-môn ơi, ông hãy
đến tinh xá và rước cho tôi một vị Sa-môn lão thành thôi". Ông chồng lần
này rước đúng Ðế Thích cải trang Sa-môn dẫn về. Lúc ấy, hai ông bà mới cho
chúng đệ ăn.
- Nhưng thế chư huynh không giận sao?
- Không, chúng đệ chẳng giận.
Các thầy Tỳ-kheo nghe họ trả lời, bèn
đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, các Sa-di này nói
"chúng tôi không giận" là nói dối.
Ðức Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, người đã trừ được
lậu hoặc chẳng kháng cự kẻ chống đối họ.
Ngài nói kệ:
(406) Thân thiện giữa thù địch,
Ôn hòa giữa hung hăng,
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn.
24. Tôn Giả
Ðại Bàn-Ðặc Có Còn Tham, Sân Không?
Người bỏ rơi tham, sân ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Ðại-bàn-đặc (Big Wayman)
Khi Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Little
Wayman) ba tháng không thuộc nổi một bài kệ, anh của Ngài là Tôn giả Ðại
Bàn-đặc đuổi Ngài ra khỏi tinh xá, đóng cửa lại rồi bảo:
- Chú thiếu khả năng, không hiểu nổi Phật
pháp, còn hạnh phúc thế gian chú cũng rời bỏ rồi. Ðâu còn lý do gì để chú tiếp
tục ở lại đây? Chú hãy đi đi.
Các thầy Tỳ-kheo bàn tán về chuyện ấy,
nói:
- Này chư huynh, Tôn giả Ðại Bàn-đặc
làm thế này thế nọ. Chắc chắn ngay cả những vị đã xa lìa cấu nhiễm thỉnh thoảng
vẫn còn sân hận.
Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây
bàn tán việc gì?
Các thầy bạch lên Phật vấn đề. Ngài
dạy:
- Này các Tỳ-kheo, không phải đâu.
Những kẻ đã xa lìa cấu nhiễm trong tâm chẳng còn các hoặc, tham, sân và si. Ông
ấy hành động như vậy chỉ vì ông đặt Phật pháp, và tinh thần Phật pháp lên trên
tất cả.
Ngài nói kệ:
(407) Người bỏ rơi tham, sân
Không mạn, không ganh tị.
Như hột cải đầu kim
Ta gọi Bà-la-môn.
25. Sức Mạnh Tập Khí
Nói lên lời ôn hòa ...
Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang
ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Pilindavaccha.
Thượng tọa Pilindavaccha dường như có thói quen nói năng với cư sĩ và
Sa-môn bằng những lời lẽ chỉ dùng để gọi những kẻ lang thang cầu bơ cầu bất.
- Này đến đây, cha nội!
Hoặc:
- Thôi đi đi, lão đê tiện.
Một hôm, nhiều thầy Tỳ-kheo đến phàn
nàn với đức Phật về hành vi của Tôn giả. Các thầy nói:
- Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Pilindavaccha gọi các thầy Tỳ-kheo bằng
những từ chỉ dùng cho hạng đầu đường xó chợ.
Ðức Phật cho gọi Tôn giả đến, hỏi:
- Có người nói lỗi ông là đã gọi các
Tỳ-kheo bằng những cử chỉ dùng cho hạng đầu đường xó chợ. Có không, Vaccha?
- Bạch Thế Tôn, có ạ! Con có lỗi ấy.
Ðức Phật nhớ lại xem các kiếp trước vị
Thượng tọa đó đã ở đâu, rồi Ngài bảo các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, các ông đừng giận
Tỳ-kheo Vaccha. Chẳng phải ông Vaccha còn nuôi lòng hận ghét bên trong mà
nói năng với Tỳ-kheo huynh đệ như thế đâu. Thực tế là ông ấy đã qua năm trăm
kiếp tái sanh vào nhà một người Bà-la-môn, và ông ấy đã sử dụng loại ngôn từ
này quen thuộc trong suốt một thời gian lâu dài đến nỗi giờ đây nói với ai cũng
thế, chỉ do sức mạnh của tập khí thôi. Người đã trừ được lậu hoặc chẳng bao giờ
dùng lời lẽ thô bỉ, độc ác, chẳng bao giờ nói những lời khiến người vừa nghe
liền thấy tổn thương. Chi do sức mạnh tập khí mà người đệ tử ấy của Ta nói năng
kiểu ấy.
Ngài nói kệ:
(408) Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà-la-môn.
26. Thầy Tỳ Kheo Bị Kết Tội Trộm Cắp
Ở đời vật dài, ngắn ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.
Tại thành Xá-vệ, có một người Bà-la-môn
mang nặng tà kiến, một hôm vì sợ tấm vải choàng ngoài của mình có mùi mồ hôi,
bèn cởi ra để ở ngoài, rồi ngồi quay mặt vào nhà mình. Lúc ấy, có một vị Sa-môn
đã đắc A-la-hán, sau khi thọ trai đang đi về tinh xá , thấy tấm vải và nhìn
quanh không có ai, thầy nghĩ nó vô chủ liền lượm nó như thầy từng lượm vải rách
bị liệng bỏ, và cầm đi. Ông Bà-la-môn trông thấy liền đi đến mắng chửi Tôn giả:
- Này lão Tỳ-kheo đầu trọc kia, ngươi
lấy tấm vải của ta đấy.
- Này Bà-la-môn, tấm vải này của ông ư?
- Ðúng.
- Tôi nhìn quanh không thấy ai, tưởng
nó là đồ bỏ đi liền nhặt lấy. Ðây, trả ông.
Nói rồi Tôn giả đưa tấm vải cho ông
Bà-la-môn. Khi về tinh xá, thầy kể chuyện cho các thầy Tỳ-kheo nghe. Các thầy
bèn trêu Tôn giả:
- Này huynh, tấm vải huynh nhặt dài hay
ngắn, thô hay mịn?
- Thưa chư huynh, tôi chẳng cần biết nó
dài hay ngắn, thô hay mịn. Tôi không tham đắm nó. Tôi nhặt chỉ vì nghĩ nó là đồ
người ta bỏ, thế thôi.
Các thầy nghe nói vậy bèn bạch Phật câu
chuyện, và thưa:
- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói
dối.
Ðức Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, không phải đâu.
Tỳ-kheo này đã nói rất thật. Kẻ nào trừ được lậu hoặc không lấy vật người khác.
Ngài nói kệ:
(409) Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu,
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn.
27. Tôn Giả Xá Lợi Phất Bị Hiểu Lầm.
Người không có hy cầu ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.
Một thời nọ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng
năm trăm Tỳ-kheo đến kiết hạ an cư tại một tinh xá và ở đấy suốt ba tháng an
cư. Dân chúng trông thấy Tôn giả liền đến hứa xin cúng dường tứ sự. Nhưng sau
khi Tôn giả cử hành xong lễ Tự tứ rồi, các vật dụng cúng dường vẫn chưa được
mang đến hết. Trước lúc lên đường về gặp đức Thế Tôn, Tôn giả dặn dò các
Tỳ-kheo ở lại:
- Khi nào người ta đem các món cúng
dường kia đến cho các Tỳ-kheo trẻ và Sa-di, xin các thầy nhận và gởi đi dùm.
Còn nếu họ không đem đến, cũng xin các thầy làm ơn nhắn giúp tôi một tiếng.
Xong, Tôn giả đi về chỗ đức Phật ở.
Các thầy Tỳ-kheo bàn tán:
- Nghe những lời Tôn giả Xá-lợi-phất
nói hôm nay, cũng thấy lòng tham còn rơi rớt nơi ông ấy. Tôn giả còn dặn về
những món người ta cúng dường cho các Tỳ-kheo cùng đoàn mình: "Xin các
thầy gởi đi dùm, hoặc không thì làm ơn nhắn giúp tôi một tiếng!".
Lúc ấy đức Phật đi đến, hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây
bàn tán chuyện gì?
Các thầy Tỳ-kheo thưa câu chuyện. Ðức
Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, con Ta không còn
tham. Trong tâm ông ấy chỉ nghĩ: "Mong rằng các thí chủ không bị mất
phước, mong rằng các Tỳ-kheo trẻ và Sa-di không bị thất thoát những lợi dưỡng
cao quý". Do vậy ông ấy mới dặn dò như thế.
Ngài nói kệ:
(410) Người không có hy cầu,
Ðời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.
28. Tôn Giả Mục Kiền Liên Bị Hiểu Lầm
Người không còn tham ái ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Mục-kiền-liên.
Câu chuyện tương tự như chuyện trên.
Kết cuộc, biết Tôn giả Mục-kiền-liên đã dứt được tham ái, Phật nói kệ:
(411) Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thế nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn.
29. Bỏ Cả Tốt Lẫn
Xấu
Người sống ở đời này ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Pubbàràma, liên quan
đến Tôn giả Revata.
Câu chuyện này đã được kể đầy đủ chi
tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu với câu: "Làng mạc hay núi
rừng". Chuyện kể tiếp rằng:
Lại một hôm các thầy Tỳ-kheo bàn tán
trong pháp đường:
- Ôi, vị Sa-di đó được lợi lạc lớn lao
biết mấy! Ôi! Phước đức của chú thật vô lượng vô biên! Tưởng tượng một người mà
xây dựng được năm trăm chỗ ở cho năm trăm thầy Tỳ-kheo.
Lúc ấy, đức Phật đi đến, hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây
bàn tán việc gì?
Các thầy bạch Phật câu chuyện. Ngài
dạy:
- Này các Tỳ-kheo, Revata chẳng có phước hay vô phước. Người
ấy đã buông bỏ cả hai.
Ngài nói kệ:
(412) Người sống ở đời này,
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi,
Ta gọi Bà-la-môn.
30. Tôn Giả Nguyệt Quang
Như trăng, sạch không uế..
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Nguyệt Quang, Candàbhà.
Chuyện quá khứ:
30A. Người Thợ Rừng Cúng Dường Chiếc Ðĩa Mặt Trăng
Thuở lâu xa thời quá khứ, có một thương
gia sống ở Ba-la-nại, một hôm tự bảo: "Ta sẽ đi về vùng biên giới kiếm gỗ
đàn hương". Ông mua thật nhiều quần áo, đồ trang sức.v.v. dẫn theo năm
trăm cỗ xe đi về vùng biên địa, dừng lại nghỉ đêm tại một cổng làng, và hỏi các
cậu bé chăn bò trong rừng:
- Trong làng này có ai làm nghề đi rừng
không?
- Có
- Ông ta tên gì?
- Tên như vậy, như vậy.
- Vợ và con ổng tên gì?
- Tên như thế, như thế.
- Nhà ổng ở đâu?
- Ở chỗ như vầy, như vầy.
Thương gia ngồi trên cỗ xe thật êm, đi
theo lời chỉ dẫn của các chú bé, đến trước cửa nhà người thợ rừng liền xuống
xe, vào nhà hỏi thăm bà chủ nhà có phải tên nọ, tên kia không.
Bà chủ thầm nghĩ: "Ðây chắc bà con
mình". Bà nhanh nhẩu đem ghế mời ông ngồi. Thương gia lại nói tên ông chủ
nhà, hỏi thăm:
- Ông bạn tôi đâu rồi?
- Thưa Ngài, ông ấy đi rừng.
- Các cháu A, cháu B đâu?
Ông hỏi thăm tỉ mỉ từng người trong
nhà, gọi tên đủ cả. Xong, ông biếu tặng các thứ quần áo, đồ trang sức mang
theo, và bảo:
- Khi nào ông bạn đi rừng về, xin trao
áo quần và những món này cho ông ấy.
Bà chủ nhà hết sức trọng vọng, tôn kính
thương gia. Chồng vừa từ rừng về đến, bà nói:
- Ông ơi, thương gia này mới đến thăm
nhà mình đã hỏi han đầy đủ từng người, biết hết tên tuổi, rồi tặng quà thứ này
thứ kia.
Người thợ đi rừng cũng tiếp đãi thương
gia lịch sự. Chiều tối, thương gia nằm chơi trên chiếc chõng tre, hỏi chủ nhà:
- Này bạn, những lúc đi quanh chân núi
này, bạn có thấy gì lạ không?
- Không, chỉ thấy thấy có lắm cây màu
đỏ.
- Nhiều hả?
- Vâng, nhiều.
- Chúng ta hãy đi xem những cây đó.
Hai người đến chân núi, chặt được vô số
cây đàn hương đỏ, chất hết lên năm trăm cỗ xe. Lúc quay về thành, thương gia
bảo anh thợ rừng:
- Bạn ạ, nhà tôi ở Ba-la-nại, anh cứ đi
như thế, như thế sẽ kiếm ra. Thỉnh thoảng xin mời bạn hạ cố đến chơi.
Rồi ông nói thêm:
- Quà cáp tôi không quí gì hơn loại cây
có cành màu đỏ này, bạn nhớ mang cho tôi thứ ấy và chi thứ ấy thôi.
- Dạ được.
Và lâu lâu anh thợ rùng đi thăm thương
gia, chỉ mang theo gỗ đàn hương. Ðáp lại, thương gia tặng anh tiền bạc hậu hĩ.
Khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, một
ngôi tháp vàng được xây để thờ xá-lợi. Vào dịp ấy, anh thợ rừng mang thật nhiều
gỗ đàn hương đến Ba-la-nại. Ông bạn thương gia liền lấy một số lớn gỗ ấy đem
nghiền thành bột và ông đổ đầy một đĩa bột gỗ đàn hương, bảo anh thợ rừng:
- Ði bạn, trong lúc chờ cơm chín, ta
hãy đến chỗ đang xây tháp.
Hai người đến tháp thành kính dâng bột
gỗ đàn hương cúng dường xá-lợi Phật. Anh thợ rừng thì làm một chiếc đĩa mặt
trăng cũng bằng gỗ đàn hương và đặt trong tháp.
Chuyện hiện tại:
30B. Sa Môn Nguyệt Qauang
Khi hết kiếp, anh thợ rừng được sanh
lên cõi trời trong khoảng thời gian giữa hai vị Phật Ca-diếp và Thích-ca. Vào
thời Phật hiện tại, anh thọ sanh ở Vương Xá, trong nhà một người Bà-la-môn giàu
có. Từ rốn cậu bé phát ra vòng hào quang lớn bằng chiếc đĩa mặt trăng nên cậu
được đặt tên Nguyệt Quang, Candàhà.
Người ta nói đây là phước báo do anh đã cúng dường chiếc đĩa mặt trăng kia ở
trong tháp Phật.
Một số Bà-la-môn nghĩ thầm: "Nếu
chúng ta mang người này đi theo sẽ chinh phục được cả thế giới". Thế rồi
họ cho anh ngồi lên một cỗ xe, mang đi khắp nơi, gặp ai cũng bảo: "Kẻ nào
lấy tay sờ vào thân người Bà-la-môn này sẽ nhận được những quyền lực và những
sự vinh hiển như thế, như thế".
Người ta trả một trăm đồng hoặc một
ngàn đồng để được đặc ân sờ vào người Nguyệt Quang. Cứ lang thang như thế, một
hôm họ vào thành Xá-vệ và nghỉ tại một nơi gần tinh xá Kỳ Viên.
Lúc ấy năm chục triệu thiện tín thành
Xá-vệ đang cúng dường chư Tăng trước bữa điểm tâm. Sau bữa điểm tâm họ mang
hương hoa, áo quần, thuốc men đến nghe Phật thuyết pháp. Các người Bà-la-môn
thấy, hỏi:
- Các bạn đi đâu đó?
- Ðến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.
- Lại đây này! Ðến đằng kia được ích
gì? Không có thần thông nào hơn thần thông của Bà-la-môn Nguyệt Quang của chúng
tôi đây. Kẻ nào sờ vào thân vị ấy sẽ có những quyền lực và những sự vinh hiển
như thế, như thế. Hãy đến chiêm ngưỡng.
- Thần thông của ông Bà-la-môn các
người thì thấm vào đâu. Chỉ có đức Thế Tôn mới có đại thần thông thôi.
Hai bên tranh cãi kịch liệt một hồi,
rốt cuộc chẳng phe nào thắng. Nhóm người Bà-la-môn đề nghị:
- Chúng ta hãy đến tinh xá xem Nguyệt
Quanh hay đức Thế Tôn của các người, ai có đại thần thông.
Ðức Phật vừa thấy Nguyệt Quang liền
khiến cho vòng hào quang biến mất, cho nên trước mặt đức Phật, anh chàng chẳng
hơn gì một con quạ nằm trong thúng than. Những người Bà-la-môn vừa kéo Nguyệt
Quang ra xa, vòng hào quang sáng rực trở lại như trước. Họ mang anh đến trước
Phật, vòng hào quang biến mất. Cứ thế đến lần thứ ba, Nguyệt Quang thầm nghĩ:
"Chắc chắn vị này giở huyễn thuật làm cho vòng hào quang của ta mất
đi". Anh hỏi Phật:
- Có phải Ngài biết chú thuật làm hào
quang của tôi mất đi không?
- Ðúng, ta biết chú thuật ấy.
- Xin Ngài hãy truyền chú thuật cho
tôi.
- Chú thuật này không truyền cho người
thế tục được.
Nguyệt Quang bèn nói với các người Bà-la-môn:
- Chừng nào ta học được chú thuật sẽ
trở thành nhân vật siêu phàm nhất Diêm-phù-đề này. Các người hãy ở lại chờ ta
xuất gia, trong vài ngày thôi sẽ học được chú thuật.
Anh xin Phật xuất gia làm Sa-môn.
Ðức Thế Tôn dạy đề mục thiền quán về ba
mươi hai thứ cấu tạo nên thân, Nguyệt Quang hỏi:
- Cái này là sao ạ?
Phật dạy:
- Trước khi học chú thuật kia, phải học
qua cái này.
Lâu lâu, những người Bà-la-môn lại đến
hỏi:
- Anh đã học xong chú thuật chưa?
- Chưa, tôi còn đang học.
Chỉ vài ngày sau anh đắc quả A-la-hán.
Nhóm người Bà-la-môn đến nữa, anh bảo:
- Thôi, các ông hãy đi đi. Ta đã đến
một nơi không bao giờ còn trở lại.
Các vị Tỳ-kheo bạch lên Phật câu
chuyện:
- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói
dối!
Ðức Phật bảo:
- Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã nói thật.
Tỳ-kheo này không còn tham đắm các thú vụi thế gian.
Phật nói kệ:
(413) Như trăng, sạch không uế,
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.
31. Bảy Năm Trong Bụng Mẹ
Vượt đường nguy hiểm này ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang trú tại Kundadhàvana, gần Kundakoli, liên quan đến Tôn giả Sìli.
Thuở ấy, bà Suppavàsà thuộc dòng Câu-lợi, mang thai một đứa bé đến bảy
năm. Lúc sanh nở, vì đứa bé nằm lệch, bà bị những cơn đau xé ruột, liền tự bảo:
"Ðức Thế Tôn thật là bậc Giác ngộ Tối thượng. Ngài đã giảng dạy cho ta con
đường thoát những khổ não như khổ này. Chúng tăng của Tăng đoàn đức Thế Tôn quả
thật là những vị rất tinh tấn. Các Ngài đã nỗ lực diệt những khổ não như khổ
này. Niết-bàn quả thực là an lạc, không còn những khổ não như khổ này".
Bà nhẫn chịu cơn đau nhờ những quán
tưởng ấy. Rồi bà yêu cầu chồng đến hầu Phật, nhân danh bà xin đảnh lễ Ngài.
Ðảnh lễ xong, ông bạch Phật nguyện ước của bà. Phật nói:
- Chúc bà Suppavàsà, người phụ nữ trẻ dòng Câu-lợi, dồi dào sức khỏe.
Chúc bà sanh con trai, khỏe mạnh, hạnh phúc.
Phật vừa chúc lành xong, bà Suppavàsà liền sanh một cậu bé trông thật
hồng hào, vui tươi. Sau đó, bà thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nhà cúng dường
long trọng suốt bảy ngày. Từ khi chào đời, con bà ngày ngày lo việc lọc nước
cho chư Tăng. Thời gian sau cậu xuất gia làm Sa-môn và đắc A-la-hán.
Một hôm các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong
Pháp đường:
- Chư huynh nghĩ coi! Một vị Sa-môn cao
quí như vậy, đầy đủ khả năng chứng A-la-hán, phải chịu khổ suốt bảy năm trong
bụng mẹ. Thầy ấy quả đã trải qua những thống khổ ghê gớm.
Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây
bàn tán chuyện gì?
Các thầy bạch Phật câu chuyện.
Phật dạy:
Này các Tỳ-kheo, đúng thật như vậy. Ông
ấy giờ đây đã thoát hết các khổ, đạt đến Niết-bàn an lạc.
Ngài nói kệ:
(414) Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Ðến bờ kia thiền định,
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn.
32. Cô Gái Giang Hồ Quyến Rũ Thầy Tỳ Kheo Sundarasamudda
Ai ở đời, đoạn dục ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời trên khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Mỹ Hải, Sundarasamudda.
Mỹ Hải, Sundarasamudda Kumàra, là một thanh niên người Xá-vệ, địa vị
cao sang, sanh trưởng trong một gia đình giàu có, tài sản lên đến ức triệu. Một
hôm, sau bữa ăn sáng, trông thấy dân chúng cầm hương hoa đến tinh xá Kỳ Viên
nghe pháp, chàng hỏi:
- Các bạn đi đâu thế?
- Ði nghe đức Thế Tôn thuyết pháp.
- Tôi cũng đi nữa.
Chàng theo họ vào ngồi ở mé ngoài của
chúng hội. Ðức Phật biết được tư tưởng chàng nên giảng pháp theo thứ lớp từ
thấp đến cao. Mỹ Hải nghĩ: "Thật không thể nào làm chủ một gia đình mà giữ
được phạm hạnh trọn vẹn thanh tịnh, bóng ngời như chiếc vỏ sò".
Bài pháp của Phật khiến chàng nức lòng,
muốn xin xuất gia. Ðợi chúng hội giải tán hết, chàng đến xin đức Phật cho gia
nhập Tăng đoàn. Phật dạy:
- Như Lai chỉ nhận cho vào Tăng đoàn kẻ
nào đã được cha mẹ cho phép.
Về đến nhà, cũng giống như chàng Ratthapàla và những người khác, chàng nỗ
lực ráo riết, xoay sở đủ cách xin cho được phép của cha mẹ để xuất gia. Và
chàng cũng được làm Sa-môn, gia nhập Tăng đoàn đức Phật. Thành Tỳ-kheo rồi,
thầy làm tròn mọi bổn phận của một Tăng sĩ. Một hôm, thầy nghĩ: "Ta ở lại
đây phỏng có ích gì?". Thầy rời Kỳ Viên, đến thành Vương Xá, ngày ngày đi
khất thực.
Một hôm, thành Xá-vệ mở lễ hội lớn. Cha
mẹ thầy trông thấy bạn bè xưa của thầy vui chơi thỏa thích giữa các thứ xa hoa
của ngày hội huy hoàng thì lòng buồn rười rượi. Hai ông bà khóc lóc, than thở:
- Ôi, con ta ngày nay đâu được hưởng
những thứ vui này!.
Khi ấy, có một cô gái giang hồ sang
trọng đến nhà họ chơi, thấy bà mẹ khóc, liền hỏi:
- Mẹ ơi, sao mẹ khóc?
- Tôi nghĩ đến con trai tôi hoài nên
khóc.
- Nhưng thưa mẹ, anh ấy đâu?
- Xuất gia rồi, đang ở với các thầy
Sa-môn.
- Chúng ta không thể kêu anh ấy về lại
sao mẹ?
- Cũng được đấy. Nhưng nó có chịu đâu.
Nó đã rời Xá-vệ đi Vương Xá rồi.
- Giả sử con kêu anh ấy về, mẹ sẽ cho
con gì nào?
- Chúng tôi sẽ để cô làm nữ chủ gia sản
này.
- Tốt lắm, mẹ hãy cho con tiền lệ phí.
Nhận được món tiền, cô mướn thật nhiều
người hầy giúp việc, rồi lên đường đến Vương Xá.
Cô hỏi thăm con đường Tôn giả thường đi
khất thực và mua một ngôi nhà nơi đó để ở. Từ sáng sớm, cô lo chuẩn bị những
món ăn thầy thường thích, và khi thấy thầy đi khất thực, cô đem đến cúng dường.
Sau vài ngày, cô thưa:
- Bạch Ðại đức, xin Ngài ngồi đây để
dùng bữa.
Cô đưa tay xin bình bát và Tôn giả vui
vẻ trao liền. Cô dọn cho thầy những món thật ngon, rồi thưa tiếp:
- Bạch Ðại đức, hằng ngày đi khất thực,
xin Ðại đức cứ ghé lại đây. Ngài sẽ được vui lòng.
Dần dần, cô dẫn dụ được thầy đến ngồi ở
hàng hiên nhà cô, dùng những món ăn thích khẩu.
Ít hôm sau, cô kêu vài cậu bé vào cho
ăn bánh để kết thân, rồi bảo:
- Này, mấy cháu! Khi nào thấy Tôn giả
đến đây, các cháu kéo nhau tới nhé. Cứ tung bụi lên rõ nhiều. Cô rầy bảo thôi,
các cháu cũng đừng thèm để ý.
Ngày mai lại, trong lúc Tôn giả đang
dùng bữa, bọn trẻ đến đá bụi bay mù mịt. Cô chủ rầy la, bọn chúng vẫn trơ trơ.
Hôm sau nữa, cô thưa:
- Bạch Ðại đức, tụi nhỏ này tung bụi mù
mịt thế này. Con rầy tụi nó cũng chẳng nghe. Xin Ðại đức vào trong nhà ngồi.
Từ đó, cô mời Tôn giả vào luôn trong
nhà ngồi dùng bữa. Rồi cô lại đút lót bọn trẻ, dặn:
- Khi Tôn giả đang dùng bữa, các cháu
chơi đùa thật ồn ào lên nhé. Cô có bảo thôi, các cháu đừng để ý.
Bọn trẻ làm y lời cô.
Hôm sau nữa, cô thưa:
- Bạch Ðại đức, chỗ này ồn ào hết chịu
nổi. Con đã làm đủ cách, bọn trẻ vẫn cứ ồn. Xin thỉnh Ðại đức lên tầng trên.
Tôn giả bằng lòng. Cô liền leo lên tầng
cao nhất của ngôi biệt thự, thúc hối thầy vào trước và cô theo sau đóng cửa
lại. Từ trước, Tôn giả luôn luôn theo đúng lệ chỉ thọ nhận thực phẩm bằng cách
khất thực từ cửa nhà này qua cửa nhà khác. Nhưng bấy giờ, thầy bị con ma tham
ăn quản thúc ghê gớm đến nỗi nghe theo lời cô gái điếm, leo lên tận tầng chót
của ngôi nhà bảy tầng ấy. Cô mang ghế đến cho thầy ngồi.
Cô gái giang hồ trổ hết tài nghệ, giở
tất cả thủ thuật làm duyên của các bà để quyến rũ thầy Tỳ-kheo. Sau cùng, cô
đứng trước Tôn giả, đọc một đoạn thơ:
Móng
chân sơn đỏ chót,
Dép lê kỹ nữ mang,
Xuân xanh chàng đang độ,
Em cũng cùng lứa trang.
Hạnh phúc xin chung hưởng,
Chàng sẽ là của em,
Nô lệ chàng, em hứa,
Cùng nhau sống ấm êm.
Rồi sau ngày xuân mất,
Bỏ cuộc chơi ta về,
Gậy cầm tay cùng chống,
Tuổi già ôi não nề.
Tôn giả bỗng chợt tĩnh: "Hỡi ôi!
Ta đã phạm trọng giới! Ta đã hành động thiếu suy nghĩ". Thầy bàng hoàng lo
sợ. Vừa lúc ấy, đức Phật đang ở tại Kỳ Viên cách Tôn giả bốn mươi lăm dặm. Ngài
biết hết chuyện và mỉm cười. Tôn giả A-nan hỏi:
- Bạch Thế Tôn, vì sao Ngài cười?
- Này A-nan, tại tầng lầu cao nhất của
một tòa biệt thự bảy tầng trong thành Vương Xá, đang xảy ra trận chiến giữa
thầy Tỳ-kheo Mỹ hải và một cô gái giang hồ.
- Bạch Thế Tôn, ai sẽ thắng? Ai sẽ
thua?
- A-nan, thầy Tỳ-kheo Mỹ Hải sẽ thắng,
cô gái giang hồ thua.
Nói xong, vẫn an nhiên tại chỗ, đức
Phật phóng quang ảnh hiện thân đến trước Tỳ-kheo Mỹ Hải và nói:
- Này Tỳ-kheo, hãy xa lìa các thứ tham
ái, hãy cởi bỏ mọi dục vọng.
Rồi Ngài nói kệ:
(415) Ai ở đời đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.
* Chú Giải trong Nguyên Bản:
Kẻ nào
ngay trong đời này diệt trừ được hai thứ tham ái, xa lìa thế tục, kẻ đã dập tắt
lửa tham dục, đoạn dứt sanh tử, ta gọi kẻ ấy là Bà-la-môn.
Phật nói kệ xong, Tôn giả Mỹ Hải đắc
A-la-hán, dùng thần thông bay lên trời, xuyên qua nóc nhà cô gái điếm, trở lại
thành Xá-vệ, đảnh lễ tán thán Phật thân.
Hôm ấy, các thầy Tỳ-kheo tụ họp bàn tán
trong Pháp đường:
- Này chư huynh, chỉ vì vị ngon ngọt
của lưỡi mà Tôn giả Mỹ Hải suýt nữa tiêu vong, may nhờ đức Thế Tôn giải cứu.
Ðức Phật nghe vậy, bảo:
_ Này các Tỳ-kheo, đây chẳng phải lần
đầu tiên ta giải cứu ông ấy thoát khỏi dây trói buộc của vị trần. Trong một
kiếp trước cũng đã xảy ra chuyện tương tự.
Theo lời thỉnh cầu của chúng Tỳ-kheo,
muốn sáng tỏ vấn đề, Ngài kể chuyện:
Chuyện quá khứ:
Cơn Linh Dương Bị Sa Bẫy Mật, Truyện Tiền Thân Vàtamiga.
(Sanjaya, vị quan coi vườn Thượng uyển
của vua xứ Ba-la-nại, bôi mặt lên cỏ để nhử một con linh dương hoang vào vườn.
Sau đó, ông dùng mật nhử tiếp linh dương vào cung vua và bắt được nó).
Người đời có câu rằng:
Không
gì nguy hiểm hơn,
Cuốn lôi của vị giác,
Dù đang ở gia đình,
Hay tại nhà bạn hữu.
Dùng miếng ngon mồi bẫy,
Sanjaya nhử luôn,
Linh dương vô cung cấm,
Nhốt chân, chạy hết đường.
Ðức Phật kể xong chuyện tiền thân Vàtamiga liền giải thích:
- Lúc ấy Tỳ-kheo Mỹ Hải là con linh
dương, vị quan đại thần nói câu kệ khiến linh dương được thả chính là Ta.
(Xem tiếp Phần
26c)
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b
| 05a | 05b | 06 | 07 | 08
| 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20
| 21 | 22 | 23 | 24 | 25
| 26a | 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002