BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
[IV-b]
8. Ðám Cưới Bà Tỳ Xá Khư.
Như từ một đống hoa...
Khi ngụ tại Pubbàràma, gần Xá-vệ, Thế Tôn dạy câu trên liên quan đến bà
Tỳ-xá-khư (Visàkhà).
Tỳ-xá-khư sinh ra trong thành Bhaddiya, thuộc vương quốc Anga. Cha là chưởng khố Dhananjaya, con của chưởng khố Ram, và mẹ là Sumanaa Devii chánh thất.
Năm bà lên bảy tuổi, Thế Tôn thấy người Bà-la-môn Sela và tín hữu của ông đủ duyên lành nhập đạo nên đến thành
này cùng với đông đảo Tăng chúng. Lúc bấy giờ chưởng khố Ram đang giữ chức chưởng khố của thành
này, là người đứng đầu năm nhân vật có phước đức lớn. (Ðó là chưởng khố Ram, bà Candapadumà
chánh thất của ông, trưởng nam Dhananajaya
và vợ là Sumanà Devì,
và gia nhân của chưởng khố Ram là
Punna. Không riêng gì chưởng khố Ram có gia sản kết xù mà tại vương quốc
của vua Bình-sa vương cũng có năm người là Jotiya,
Hatila, Ram, Punnaka, và Kàkavaliya).
Chưởng khố Ram nghe tin đấng Thập lực đến liền bảo Tỳ-xá-khư:
- Hôm nay là ngày hạnh phúc của ông và
cũng là hạnh phúc cho con. Hãy dẫn năm trăm trinh nữ gia nhân của con cưỡi năm
trăm xe cùng năm trăm nô lệ nữ đi khoảng xa đón đấng Thập lực.
Tỳ-xá-khư liền vâng lời ông nội.
Cô biết rõ điều gì nên làm, điều gì
không nên làm, vì thế cô cho xe đi hết khoảng đường xe có thể đi được, rồi
xuống xe đi bộ đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng qua một bên. Hoan hỉ vì cung
cách tiếp rước của cô bé, Thế Tôn thuyết pháp cho cô, cuối bài pháp cô với năm
trăm gia nhân cùng chứng quả Dự lưu.
Chưởng khố Ram cũng đến chỗ Thế Tôn nghe pháp và cũng chứng Sơ quả. Sau
đó ông thỉnh Thế Tôn với Tăng đoàn đến nhà thọ thực, và ông dâng cúng thực phẩm
chọn lọc, cứng lẫn mềm, suốt hai tuần thật dồi dào. Sau nửa tháng ở lại trong
niềm hoan hỷ, Thế Tôn rời thành Bhadiya.
Thuở đó vua Bình-sa vương và vua
Ba-tư-nặc nước Kosala là anh em
rể, vua này cưới em của vua kia. Vua Kosala
thấy trong nước mình không có người nào giàu có vô tận như năm nhân vật thế
phiệt của Bình Sa Vương, nên đến xin một nhân vật về xứ mình. Vua Bình-sa vương
từ chối, vua Kosala quyết chí xin
cho được, nếu không sẽ không về xứ. Túng thế Bình-sa vương họp bàn với các quan
rồi hứa sẽ cử chưởng khố Dhananjaya.
Ðúng hẹn, chưởng khố Dhananjaya đi theo vua Ba-tư-nặc rời Xá-vệ
về Kosala, chỉ mất một đêm. Dừng
trước một cảnh đẹp, và khi được biết nơi đó chỉ cách Xá-vệ bảy dặm và là xứ sở
của vua Ba-tư-nặc, chưởng khố xin vua ở lại đây. Vua chuẩn y, dựng thành quách
tại đây cho ông, đặt tên thành là Sàketa,
có nghĩa là thành có người đầu tiên ở vào chiều tối.
Lúc đó ở Xá-vệ Chưởng khố Migàra được một mụn trai tên Punnavaddhana đến tuổi trưởng thành. Hai
ông bà bảo con nên lập gia đình, ban đầu anh thoái thác, sau đặt điều kiện vị
hôn thê phải hội đủ năm vẻ đẹp về tóc, thịt, xương, da, và tuổi trẻ. (Phụ nữ
đẹp con nhà trâm anh tóc phải giống như đuôi công lòa xòa đến viền váy và cuốn
cong. Ðó là vẻ đẹp của tóc. Môi có màu đỏ tươi như màu bí và phải tròn đầy mềm
mại, đó là vẻ đẹp của thịt. Răng phải trắng, đều không kẽ hở, sáng bóng như kim
cương hay vỏ ốc xà cừ, đó là vẻ đẹp của xương. Làn da không xông ướp với gỗ đàn
hương, phấn hồng hay bất cứ mỹ phẩm nào, vẫn mịn màng như vòng hoa huệ và trắng
muốt như hoa Canikàra, đó là vẻ
đẹp của da. Dù có sinh đẻ mười lần đi nữa cô ta trông như gái một con, đó là vẻ
đẹp của tuổi trẻ.)
Hai ông bà mời tám Bà-la-môn đến nhà
dùng bữa, để nhờ họ tìm một nàng dâu như thế. Họ hứa và đi tìm với tiền trợ cấp
đáng kể, và một vòng hoa bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền để đeo vào
cổ cô dâu. Họ sốt sắng tìm kiếm nhưng hoài công, đành trở về, trúng ngay ngày
lễ hội hằng năm. Ngày đó các gia đình ngày thường ít khi ra ngoài sẽ dẫn gia
nhân, người hầu đi bộ đến tận bờ sông. Những cậu trai gia thế, có địa vị và
giàu có thuộc giai cấp chiến sĩ, sẽ đứng dọc đướng, và khi cô gái đẹp nào lọt
và mắt xanh và cùng giai cấp, họ sẽ ném vòng hoa lên đầu nàng. Các ông
Bà-la-môn cũng đến đó chờ đợi trong một gian nhà. Lúc đó Tỳ-xá-khư độ mười lăm
mười sáu tuổi, trang sức đầy mình với năm trăm tỳ nữ hộ tống, đến bờ sông định
xuống tắm. Bất ngờ cuồng phong nổi lên và trời mưa. Năm trăm tỳ nữ chạy nhanh
đến trú trong gian nhà, còn tỳ-xá-khư vẫn bước đi như bình thường. Vào đến gian
nhà đồ trang sức và quần áo nàng ướt sũng.
Các ông Bà-la-môn thấy nàng hội đủ bốn
vẻ đẹp. Họ tìm cách để xem xét hàm răng của nàng. Vì thế họ kháo chuyện với
nhau:
- Con gái tôi thật là đoảng! Chồng nó chỉ
hưởng được có thứ cháo chua, không biết tôi nói có ngoa không!
Tỳ-xá-khư lên tiếng:
- Các ông đang bàn việc gì thế?
- Nói về cô đấy.
- Về điểm gì?
- Tỳ nữ của cô chạy nhanh nên không bị
ướt,còn cô vẫn chậm bước nên ướt hết.
- Tôi khỏe hơn họ, vả lại tôi có lý do
để chậm bước.
- Lý do gì?
- Có bốn hạng người không thể chạy bừa
vì bất lợi cho họ.
- Là người nào?
Một vị vua vừa được xức dầu, trang sức
đầy mình mà chạy trong sân hoàng cung sẽ bất lợi vì bị thiên hạ chế giễu
"Vua chúa gì mà chạy lung tung như thường dân". Lại nữa con voi nghi
lễ của vua sẽ rất khó coi nếu chạy nhảy, nhưng nếu đi đứng oai vệ một cách tự
nhiên thì thấy đàng hoàng. Một Tỳ-kheo sẽ mất oai nghi nếu chạy hoặc đi nhanh
và sẽ bị phê phán. "Tỳ-kheo gì mà chạy đi chẳng khác gì kẻ phàm tục".
Một phụ nữ nếu chạy đi thì cũng sẽ bị chê bai "Nữ nhi mà chạy băng băng y
như đàn ông". Ðó là bốn hạng người không nên chạy bừa vì sẽ bất lợi cho
họ.
- Còn lý do nào khác không thưa cô?
- Thưa quý ông, các bậc cha mẹ nuôi
nấng con gái đều cố gìn giữ nguyên vẹn tay chân. Chúng tôi như của quý để gả
bán. Nếu chúng tôi chạy nhảy vấp tà áo hay va đất đá bị té có thể gãy tay chân,
lúc đó sẽ là gánh nặng cho gia đình. Còn bây giờ nếu áo quần ướt thì sẽ khô
thôi. Vì nghĩ như thế nên tôi không dám chạy.
Trong lúc Tỳ-xá-khư nói chuyện, các ông
Bà-la-môn quan sát hàm răng của nàng, quả nhiên tuyệt đẹp chưa hề có. Họ ca
tụng nàng:
- Thưa cô, chỉ có cô mới xứng đáng nhận
lãnh tặng phẩm này.
Rồi họ đeo vào cổ nàng chiếc vòng vàng.
Cô nhận lời xin cưới của họ vì được họ cho biết con của chưởng khố Migàra là Punnavaddhana
Cumàra đồng giai cấp với cô. Dù đã đi bộ đến đây, nhưng từ khi cô
nhận chiếc vòng vàng rồi thì đi bộ không còn thích hợp nữa. Cô nhắn cha gởi cho
cô chiếc xe, nhưng ông cha lại cho năm trăm xe đến, rồi cô lên xe cùng với đoàn
tùy tùng. Các ông Bà-la-môn đi theo. Về nhà hai bên bàn bạc với nhau. Gia sản
bên Migàra khoảng bốn mươi triệu,
không đáng chi so với nhà Tỳ-xá-khư. Nhưng nghĩ đến được một người bảo hộ con
gái mình, cha nàng bằng lòng gả nàng. Và ông tiếp đãi các ông Bà-la-môn thật
chu đáo và thịnh soạn trong hai ngày.
Chưởng khố Migàra nghe các ông Bà-la-môn trở về thuật lại đầu đuôi câu
chuyện, ông rất hài lòng và cũng muốn rước dâu nhanh chóng. Ông báo tin cho sui
gia biết là sẽ đến với vua Kosala và
đông đảo tùy tùng. Chưởng khố Dhananjaya nhắn
người trả lời: "Chúng tôi xin hân hạnh tiếp đón ngay cả mười vị vua cũng
được". Thế là Migàra đem tất
cả dân chúng trong thành đi, trừ một số phải ở lại giữ nhà. Họ dừng lại cách Sàketa nửa dặm, gửi tin đến Dhananjaya. Ông lập tức gửi quà quí giá
đến cho họ. Rồi ông hỏi ý kiến con gái là Tỳ-xá-khư:
- Cha chồng con đã đến rước dâu cùng
với vua ở Kosala, nhà nào dành để
đón ông, nhà nào cho vua ở, và nhà nào tiếp các vương tôn?
(Tỳ-xá-khư rất thông minh, tài trí sắc
bén như góc cạnh viên kim cương là do cô đã phát lời thệ nguyện cũng như do bổn
nguyện cô hằng ôm ấp trong một trăm ngàn kiếp).
Cô sắp đặt mọi việc thật thỏa đáng, từ
sửa soạn những căn nhà cho cha chồng, vua, vương tôn và đoàn tùy tùng trú ngụ,
chí đến phân công tác cho đám gia nhân phục vụ không những quan khách mà cả
chuồng ngựa, voi,... Ðể mọi người đều được hài lòng vui vẻ. Riêng phần mình, cô
được cha xuất kho cả ngàn miếng vàng ròng, rồi bạc, ngọc ru-bi, ngọc trai, san
hô và kim cương, để đặt làm cho cô một món trang sức thật vĩ đại và lộng lẫy.
Vài ngày sau, vua Kosala hỏi thăm chừng nào rước dâu, cứ
thế, ba tháng trôi qua mà món trang sức cho cô dâu vẫn chưa làm xong, bên đàng
gái trả lời là mùa mưa đến, vua không thể đi đâu được trong vòng bốn tháng và
bổn phận của họ là sẵn sàng phục vụ những gì vua và quân lính dùng. Từ đó,
thành Sàketa như đang trong một
kỳ lễ hội dài. Từ vua cho đến người thấp kém nhất, ai cũng được trang sức hương
hoa lộng lẫy. Tuy nhiên bên đàng gái gặp khó khăn vì thiếu củi đốt. Họ phải hạ
chuồng voi và những căn nhà xiêu vẹo trong thành để lấy gỗ làm củi. Nhưng rồi
cũng không đủ, và đang trong mùa mưa nên càng khó kiếm củi, họ phải mở cửa kho,
lấy vải thô làm thành dây bấc nhúng vào dầu để nấu nướng.
Bốn tháng trôi qua, món trang sức mới
xong. Ðã chi hết bốn bình kim cương (một bình chừng nửa lít), mười một bình
ngọc trai, hai mươi bình san hô, ba mươi ba bình ru-bi, và nhiều loại đá quý
khác. Họ đã dùng bạc làm dây xâu thay cho chỉ. Món nữ trang được kết từ đầu rủ
xuống chân. Những móc vàng, dây bạc được gắn, thắt vào những chỗ khác nhau để
giữ món trang sức dính chắc và thẳng đứng, một trên chóp mỗi tai, một ngang
giữa cổ, một ở một đầu gối, một ở mỗi khuỷu tay, một ở rốn, và một ở thắt lưng.
Trên nền món trang sức này, thợ chạm một con công. Hai cánh của công mỗi bên
gồm năm trăm sợi lông bằng vàng ròng. Mỏ công bằng san hô, hai mắt bằng ngọc,
cổ và lông đuôi cũng bằng ngọc. Gân nổi trên lông công bằng đá quý và chân cũng
vậy. Khi nó được gắn lên đỉnh đầu của Tỳ-xá-khư, trông như một con chim công
đang đứng trên đỉnh núi xòe cánh múa; và tiếng của những gân của ngàn lông rung
lên nghe như nhạc trời hợp xướng, hoặc như bài hợp tấu của năm loại nhạc khí.
Chỉ khi nào đứng thật gần mới biết đó không phải con công thật. Trị giá món
trang sức này lên đến chín mươi triệu đồng và tiền công hết cả trăm ngàn đồng.
(Vào thời Phật Ca-diếp, Tỳ-xá-khư đã
cúng dường cho hai mươi ngàn Tỳ-kheo y và bát, cả kim chỉ và thuốc nhuộm, do
phước báo đó, ngày nay cô được món trang sức vĩ đại này, tức phần thưởng cho
tín nữ. Ðối với thiện nam nếu cúng y sẽ được y bát tạo bằng thần thông).
Ngoài ra Tỳ-xà-khư còn được của hồi môn
gồm năm trăm xe chất đầy tiền, năm trăm xe đầy hũ vàng, năm trăm xe đầy hũ bạc,
năm trăm xe đầy hũ đồng, năm trăm xe vải vóc tơ lụa, năm trăm xe bơ, năm trăm
xe gạo trắng sạch và năm trăm chiếc xe chở đầy nào cày, cào và các thứ nông cụ
khác. Chưa kể một ngàn năm trăm tỳ nữ trang sức sang trọng để tắm, giặt, nấu ăn
và mặc đồ cho cô, tất cả đều ngồi trên năm trăm chiếc xe. Chưởng khố muốn rằng
con mình không thiếu một thứ gì khi về nhà chồng.
Chưa vừa ý, ông còn cho thêm gia súc.
Ông ra lệnh:
- Các ngươi hãy đến bãi gia súc nhỏ, mở
cổng ra. Xong, hãy đứng hai bên làm thành một đường dài ba phần tư dặm và rộng
tám sào (bốn mươi mét). Cứ cách một phần tư dặm đường, để một cái trống. Ðừng
cho trâu bò đứng ra khỏi giới hạn này. Khi các ngươi đến đứng đúng vị trí, hãy
đánh trống lên.
Họ làm theo lệnh. Rời khỏi bãi gia súc,
họ tiến đến một phần tư dặm liền đánh trống, rồi nữa dặm lại đánh trống, rồi
đến ba phần tư dặm lại đánh trống. Và họ đứng gác những lối ra hai bên. Khi họ
xong thì trâu bò đã đứng chen vai nhau trên khoảng đất dài ba phần tư dặm và
ngang tám sào. Lúc đó, chưởng khố ra lệnh đóng cửa chuồng trâu bò. Tuy nhiên cô
không chỉ hưởng số gia súc đó mà còn thêm sáu mươi ngàn bò đực mạnh khỏe, sáu
mươi ngàn bò sữa cái với bò con theo sau, đã sổng chuồng chạy theo.
(Kiếp trước, vào thời Phật Ca-diếp,
Tỳ-xá-khư là Sanghadàsì, công
chúa út trong bảy công chúa con vua Kiki,
cúng dường năm phẩm vật từ bò cho hai mươi ngàn Tỳ-kheo và Sa-di. Dù họ đã lấy
tay che bát, cô vẫn sớt thêm, bảo rằng thức ăn này vừa ngon miệng vừa mát lòng.
Do quả báo này cô nhận thêm số bò sổng chuồng.)
Tuy nhiên như thế bà vợ ông còn nhắc
thêm sao ông không cho gia nhân theo để cô sai bảo. Thật ra ông không quên, chỉ
vì ông muốn khi cô lên xe rồi, ông sẽ cho những người tự nguyện đi theo, chớ
không muốn ép buộc họ. Vào ngày trước khi đưa dâu, ông dạy cô mười điều nên nhớ
về nhà chồng:
1) Lửa trong
nhà không nên mang ra ngoài.
2) Lửa bên ngoài không nên mang vào nhà.
3) Chỉ cho người nào nên cho.
4) Không cho người nào không nên cho.
5) Cho cả người đáng cho và không đáng cho.
6) Ngồi một cách vui vẻ.
7) Ăn một cách vui vẻ.
8) Ngủ một cách vui vẻ.
9) Giữ gìn lửa.
10) Thờ phụng thần thánh.
Mười điều này cũng lọt vào tai cha
chồng cô, lúc đó đang ở phòng bên cạnh.
Ðến ngày đưa dâu, Chưởng khố Dhananjaya tập trung các phường hội thủ
công, và giữa đoàn người của nhà vua ông chỉ định tám gia chủ giám hộ cô dâu,
nếu nàng có bị buộc tội gì xin họ làm sáng tỏ sự việc.
Rồi cô dâu khoác lên món trang sức trị
giá chín mươi triệu đồng, còn nhận thêm năm trăm bốn mươi triệu để sắm hương
phần tắm mình. Rồi chưởng khố đỡ con gái lên xe hoa. Ông hộ tống cô qua mười
bốn làng quanh Sàketa, những làng
chư hầu nộp lễ cống cho ông, cho đến tận Anuràdhapura.
Dọc đường, ông cho rao lớn rằng: "Ai muốn đi theo con ta thì đi." Dân
mười bốn ngôi làng đều đi theo, mang theo hết không còn một thứ gì để lại. Dhananjaya cũng tiễn đưa một đoạn đường,
chào từ giã và phó thác con gái cho Migàra
và vua. Migàra thấy đám người
theo hầu quá đông như một đoàn quân, sợ không nuôi nổi liền ném đất và vung gậy
gộc đuổi về bớt, mặc lời phản đối của cô dâu Tỳ-xá-khư.
Cô vào cổng thành Xá-vệ, đứng trên xe
hoa để dân chúng chiêm ngưỡng món trang sức. Mọi người tấm tắc khen ngợi vẻ
lộng lẫy rực rỡ, nét đài các phong lưu của nàng. Ngay hôm ấy, dân chúng gởi
mừng nhiều quà tặng, nàng tặng lại hết cho các gia đình trong thành với lời lẽ
dịu dàng êm ái, thích hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh từng người,xem họ như là
thân quyến của mình. Một lần giữa đêm, nàng đến thăm con ngựa mới đẻ, có người
hầu nam nữ cầm đuốc theo, để coi sóc cho ngựa mẹ được tắm nước nóng và xức dầu.
Chưởng khố Migàra, để mừng ngày cưới vợ cho con, đã mời năm trăm ẩn sĩ
lõa thể đến cúng dường, ông hoàn toàn không biết gì về Thế Tôn lúc đó đang ngụ
trong tinh xá gần đây. Cháo ngon hảo hạng được nấu trong những đồ dùng nhà bếp
mới toanh. Ông gọi cô dâu đến chào các ẩn sĩ mà ông gọi là những vị A-la-hán.
Tỳ-xá-khư lúc bấy giờ đã chứng quả Dự lưu và là Thánh đệ tử của Phật, nghe đến
danh hiệu A-la-hán, nàng vô cùng hoan hỷ. Nhưng bước vào phòng đãi ăn các ẩn sĩ
và nhìn họ, nàng bảo họ thiếu tính khiêm cung và không biết sợ trọng tội, không
xứng với danh xưng A-la-hán. Nàng lên tiếng trách cha chồng và trở về phòng.
Trong khi các ẩn sĩ cũng trách Migàra
sao không tìm một nàng dâu khác, mà lại chọn một đệ tử cư sĩ của ông Cồ-đàm.
Nhận cô ta vào nhà chẳng khác nào nhận đồ xúi quảy. Họ còn đòi ông tống khứ cô
ta đi. Ông không bằng lòng, trả lời với họ là "Ðàn bà họ ưng chi làm nấy,
xin các ông bỏ qua cho." Rồi ông tiễn họ ra về, và ngồi xuống trên một
chiếc ghế sang trọng, ăn cháo thượng vị với mật trong dĩa vàng.
Lúc đó có một Tỳ-kheo vào nhà khất
thực. Tỳ-xá-khư đang quạt hầu cha chồng, nghĩ rằng mình không nên báo cho cha
biết có vị Tỳ-kheo khất thực, vội đứng lên một bên cho ông trông thấy Trưởng
lão, nhưng ông quá ngu si có thấy nhưng làm như không thấy, vẫn cắm cúi ăn.
Tỳ-xá-khư bảo Trưởng lão xin cứ đi vì cha chồng đang ăn cháo thiu. Migaara tuy
bất bình các ẩn sĩ, nhưng nghe nàng dâu nói thế, ông nổi giận bảo dẹp dĩa cháo
và ra lệnh đuổi Tỳ-xá-khư ra khỏi nhà. Vì gia nhân và tỳ nữ đều thuộc về nàng
nên không ai dám hé môi. Riêng cô thì trả lời cha chồng như sau:
- Thưa cha, lý do đó không đáng để con
phải bị đuổi đi. Con không phải là cô gái tầm thường ngoài đường, ở một chỗ tắm
nào đó trên bờ sông, được cha lượm về. Con gái nhà gia giáo, có cha mẹ đàng
hoàng, không thể rời nhà chồng bởi lý do đó. Ngoài ra cha con có giao con cho
tám gia chủ bảo hộ, và khi có lỗi lầm họ sẽ chịu trách nhiệm làm sáng tỏ vấn
đề. Xin cha cho mời tám gia chủ đến phân xử.
Họ được mời đến và cuộc đối thoại để
xét xử Tỳ-xá-khư bắt đầu giữa họ với cha chồng của cô.
Migàra bảo:
- Ngày đại lễ như thế, địa vị của tôi
như vầy, mà cô ta lại bảo tôi ăn cháo. Các ông hãy buộc tội cô ta và đuổi đi
khỏi nhà này.
Các gia chủ hỏi:
- Có phải thế không, thưa cô?
- Lời tôi nói không đúng hẳn như thế.
Số là có một Tỳ-kheo đi khất thực dừng chân trước cửa nhà. Cha chồng tôi đang
dùng cháo ngon với mật, hoàn toàn không thấy Trưởng lão. Tôi thiết nghĩ ông
không tạo được công đức mới hiện đời mà chỉ hưởng phước đức cũ của đời trước.
Do đó tôi đã nói với Tỳ-kheo là ông đang ăn đồ cũ. Vậy tôi có lỗi gì?
Tỳ-xá-khư đã trả lời như trên. Các gia
chủ đều đồng ý là nàng nói đúng, rồi họ hỏi lại Migàra:
- Tại sao ông lại giận nàng?
Ông đáp:
- Tôi cũng đồng ý là cô ta không có lỗi
trong việc này, nhưng tại sao nửa đêm cô ta đi ra sau nhà có tớ trai, tớ gái
theo sau?
Tỳ-xá-khư giải thích là vì con ngựa
giống đẻ, cô không yên tâm nếu ngồi nhà, nên đã ra chuồng ngựa xem nó được săn
sóc ra sao. Lần này nàng cũng không có lỗi gì. Cha chồng lại buộc tội là ngày
xuất giá cha nàng đã dạy bảo Mười điều có nhiều ẩn ý, tỷ như điều một là
"không cho đem lửa trong nhà ra ngoài", nếu vậy đối với láng giềng
hai bên xin lửa thì sao? Cô cũng giải thích rành rẽ ý của cha nàng dạy là không
nên đem việc trong nhà nói ra bên ngoài. Rồi cô từ từ giải trình điều hai là
"không đem lửa ở ngoài vào trong nhà" có nghĩa láng giềng nếu nói xấu
nhà chồng cũng không nên về nhà học lại. Còn điều "Chỉ cho người nào nên
cho" nghĩa là chỉ cho vay những ai trả lại. "Không cho người nào
không nên cho" nghĩa là không cho vay những ai không trả. "Cho cả
người đáng cho" nghĩa là đối với bà con thân hữu cần giúp đỡ, dù họ có đền
đáp hay không thì vẫn cho. "Ngồi một cách vui vẻ" nghĩa là khi cha,
mẹ chồng hoặc chồng ngồi thì phải đứng dậy, không được ngồi. "Ăn một cách
vui vẻ" tức là người vợ không được ăn khi cha, mẹ chồng hoặc chồng chưa ăn
xong, phải hầu hạ cơm bưng nước rót xong xuôi mới được ăn. "Ngủ một cách
vui vẻ" tức là người vợ không được đi ngủ trước cha, mẹ chồng hoặc chồng,
phải làm hết bổn phận lớn và nhỏ của mình đối với họ rồi mới được đi ngủ.
"Giữ gìn lửa" tức là cung kính đối với lửa sáng hoặc xà vương.
"Thờ phụng thần thánh trong nhà" tức là thờ phụng họ như thần thánh.
Khi dâu của mình là Tỳ-xà-khư bộc bạch
ý nghĩa Mười điều dạy bảo, Chưởng khố Migàra
chỉ biết ngồi đó cúi đầu, không nói nên lời. Các gia chủ bèn hỏi ông:
- Thưa chưởng khố, dâu của ông có phạm
lỗi gì không?
Ông đáp:
- Thưa các Ngài, không.
- Tại sao cô không có lỗi mà ông tìm
cách đuổi cô ta ra khỏi nhà?
Tỳ-xá-khư ngắt lời:
- Thưa các ông, ban đầu thật không đúng
pháp nếu tôi ra khỏi nhà theo lệnh của cha chồng tôi, bởi vì khi tôi đi xa, cha
tôi đã phó thác tôi cho các ông chịu trách nhiệm xem xét tôi có tội hay vô tội.
Nhưng giờ đây các ông đã chứng minh tôi vô tội, thì thật đúng pháp để tôi ra
đi.
Rồi Tỳ-xá-khư truyền lệnh cho gia nhân,
tỳ nữ chuẩn bị xe cộ để lên đường. Chưởng khố Migàra
cầm các gia chủ ở lại và bảo nàng:
- Con dâu yêu quý, ta đã xử sự một cách
ngu si, con hãy tha thứ cho ta.
Nàng đáp:
- Kính thưa cha, con tha thứ hết sạch cho
cha. Nhưng con là con trong một gia đình có niềm tin kiên cố vào đạo Phật, và
chúng con không thể sống mà không có Tăng đoàn. Nếu con được phép chăm lo cho
chúng Tăng theo sở nguyện, con sẽ ở lại.
- Con yêu quý, con có thể chăm lo cho
chúng Tăng theo ý con muốn.
Tỳ-xá-khư chuyển lời thỉnh mời đấng Thập lực đến nhà cúng dường
vào ngày hôm sau. Các ẩn sĩ ngoại đạo nghe tin cũng đến và ngồi thành vòng tròn
quanh nhà. Trong lúc nàng dâng nước cho Như Lai, nàng nhắn tin cho cha chồng
đến đích thân phục vụ. Ông cũng muốn đi nhưng bị các ẩn sĩ ngăn cản, nên phải
trả lời rằng cô cứ phục vụ Như Lai. Trong khi nàng dâng thức ăn và đức Phật
cùng Tăng chúng dùng xong, nàng lại nhắn tin lần hai mời cha chồng đến nghe
pháp. Ông thầm nghĩ nếu lần này mà không đi thì thật là không đúng phép, nhưng
các ẩn sĩ vẫn cản trở, và lần này bảo ông nếu muốn đến nghe Cồ-đàm nói pháp thì
phải ngồi ở ngoài màn. Rồi họ đi trước, kéo một tấm màn chung quanh.
Khi ấy, Thế Tôn bảo:
- Dù ông có ngồi bên kia tấm màn, hay
bên kia bức tường, hay bên kia quả núi, hay bên kia cả rặng núi bao quanh hết
quả đất, Ta là Phật và Phật âm sẽ đến tai ông.
Và Thế Tôn thuyết pháp tuần tự từ thấp
lên cao, cất tiếng như mây mưa, như thể rung chuyển những cây táo hồng cổ thụ,
như mưa trời rơi xuống. Dù ai đứng trước, đứng sau hay ở cách xa tận cả năm Cakkavàlas, ngàn Cakkavàlas, hoặc tận đỉnh tầng trời cao
nhất đều cảm thấy như Ngài chỉ nhìn thấy mình, chỉ thuyết cho mỗi mình nghe.
Chư Phật giống như mặt trăng đối với chúng sanh, ai cũng thấy ngay trên đầu mình.
Ðó là quả báo do sự đại bố thí của Ngài khi chặt đầu, móc mắt, lóc thịt moi
tim. Ngài bố thí cả con trai là Jàli,
con gái là Kanhàjinà, vợ là Maddì làm tôi tớ cho người.
Chưởng khố Migàra ngồi bên ngoài màn suy tư về lời pháp của Như Lai, và
chứng quả Dự lưu, phát lòng tin kiên cố vào Tam Bảo. Ông nâng màn, tiến tới cô
dâu, cúi đầu trước nàng, nhận nàng làm mẹ, từ đó nàng có tên là Mẹ của Migàra. Sau này có con nàng đặt tên là Migàra. Khi ấy, trưởng giả phủ phục xuống
chân Thế Tôn, hôn chân Ngài và ba lần đọc lên tên mình, rồi thưa:
- Bạch Thế Tôn, từ trước đến giờ con
chưa hề hiểu phước báo to lớn trong sự cúng dường Ngài, nhưng giờ đây, nhờ con
dâu mới được hiểu và đã thoát hết đau khổ, phiền não. Khi con dâu con vào nhà
con là nó mang hạnh phúc đến, và đã tế độ con. Rồi ông nói kệ:
Rõ
ràng hôm nay mới thấy
Phước báo vô biên thế ấy
Có từ nhân biết cúng dường
Quả nàng dâu thảo đã mang
Hạnh phúc cho nhà tôi vậy.
Tỳ-xá-khư lại thỉnh Thế Tôn đến ngày
hôm sau, và mẹ chồng nàng nhờ thế chứng quả Dự lưu. Từ đó nhà chồng nàng rộng
mở theo đạo Phật.
Muốn đền đáp công lao nàng, cha chồng
nàng định tặng nàng một món trang khác nhẹ hơn để nàng có thể đeo cả ngày cả
đêm, trong bốn oai nghi đều thoải mái, vì món đồ trang sức khổng lồ trước đây
quá nặng nề. Hoàn thành xong món nữ trang trị giá trăm ngàn tiền, ông thỉnh Thế
Tôn cùng Tăng chúng đến mở tiệc cúng dường. Ông bảo nàng phải tắm trong mười
sáu chậu nước hoa và khoác món trang sức mới đến đảnh lễ Thế Tôn. Xong, Phật
hồi hướng công đức và trở về tinh xá.
Từ đó nàng thường cúng dường, làm nhiều
công đức khác và được Tám thánh ân của Phật. Như mặt trăng lưỡi liềm tròn dần
trên trời, nàng cũng lớn dần với mười đứa con trai, mười đứa con gái, và mỗi
đứa lại sanh mười trai mười gái, cứ thế con, cháu, chắt dòng họ nàng... lên đến
tám ngàn bốn trăm hai mươi người. Nàng thọ được một trăm hai mươi tuổi, không
có một sợi tóc bạc trên đầu, lúc nào cũng trông như mười sáu tuổi. Thấy nàng
trên đường đi đến tinh-xá với bầy con cháu, không thể biết ai là Tỳ-xá-khư. Ai
cũng muốn ngắm nhìn nàng thật lâu khi đi, đứng, nằm, ngồi, vì trong bốn oai
nghi dáng dấp nàng đều trang nghiêm, đẹp đẽ.
Ngoài những đức tính trên, nàng còn có
sức mạnh bằng năm con voi. Vua biết được định thử nàng. Sau khi nghe pháp xong,
trên đường nàng về từ tinh xá vua thả một con voi rượt bắt nàng. Năm trăm tỳ nữ
theo hầu nàng, một số quá khiếp đảm đã chạy mất, số còn lại ôm quanh nàng. Cô
suy nghĩ: Nếu bắt voi lại một cách mạnh bạo, nó sẽ chết. Do đó nàng dùng hai
ngón tay túm lấy vòi bắt nó trở lui. Voi không thể cự lại sức mạnh của nàng và
cũng không thể đứng vững, té ngã ngửa trên sân hoàng cung. Dân chúng hoan hô
nàng, và nàng về nhà an ổn với đoàn tuỳ tùng.
Tỳ-xá-khư, mẹ tinh thần của chưởng khố Migàra, cùng đám con cháu chắt chẳng hề
đau ốm, chẳng ai chết yểu. Người ta cho rằng nàng là người mang phúc lành đến.
Yến tiệc lễ lộc gì, dân trong thành Xá-vệ đều vinh hạnh thỉnh mời nàng trước
tiên.
Trong một ngày lễ, như mọi người, nàng
phục sức sang trọng với món đồ trang sức vĩ đại của cha ruột tặng đến dự tiệc
tại một nhà nọ, xong đến tinh-xá nghe pháp. Dừng lại trước cửa tinh xá, nàng
cởi món trang sức khổng lồ đưa nữ tỳ cất và đeo vào món trang sức nhỏ của cha
chồng đến đảnh lễ Thế Tôn nghe pháp. Cuối bài pháp, nàng đứng dậy chào Phật. Tỳ
nữ bỏ quên món trang sức lại, theo nàng ra ngoài.
Như thường lệ, Trưởng lão A-nan sau
buổi giảng nhìn trước ngó sau xem có vật gì bỏ quên để cất rồi mới đi khỏi.
Thấy món đồ trang sức của Tỳ-xá-khư bỏ quên, Trưởng lão trình với Phật và nghe
theo lời Phật ngài treo nó cạnh cầu thang. Tỳ-xá-khư với Suppiyà đi vòng tinh xá hỏi thăm xem các
Tỳ-kheo có cần thuốc men hay thứ gì khác. Người cần mật mía, mật ong, kẻ thì
cần dầu. Họ thường cầm bát đến gặp hai tín nữ, và hôm nay cũng thế. Suppiyà thấy một Tỳ-kheo bị bệnh, đến hỏi
thăm và ông cho biết là cần nước xúp thịt. Ngày hôm sau không tìm ra thịt, Suppiyà cắt thịt đùi của mình dâng cúng.
Do lòng tin Phật, thân nàng liền lành lặn như cũ.
Sau khi chăm sóc các Tỳ-kheo bệnh, các
tân Tỳ-kheo và Sa-di, Tỳ-xá-khư ra về bằng một cửa khác. Nàng bảo tỳ nữ đưa món
trang sức. Tỳ nữ sực nhớ đã để quên bèn trở lại chỗ cũ tìm. Nàng dặn cô ta nếu
Trưởng lão A-nan đã cất thì đừng lấy lại, cứ xem như đã cúng dường cho Trưởng
lão. Nhưng nghĩ rằng ngài A-nan sẽ không biết làm gì với món đồ ấy, nàng lại
bảo tỳ nữ trở lại lấy mang về để bán lấy tiền cúng dường phải hơn. Món đồ được
để lên xe đưa tới thợ kim hoàn định giá là chín mươi triệu một trăm ngàn tiền,
nhưng không ai mua nổi. (Cả thế giới chỉ có ba người đàn bà mặc món đồ trang
sức đắt giá như thế, là nữ cư sĩ lỗi lạc Tỳ-xá-khư, vợ vua Bandhula xứ Mallas, và Mallika con
gái chưởng khố Ba-la-nại).
Nàng bèn mua lại món trang sức, chở số
tiền to lớn đến tinh xá dâng lên Phật, và thưa hỏi trong tứ sự cúng dường Phật
cần loại gì. Phật bảo cần xây một tăng
đường tại cổng phía đông tinh xá. Nàng mua đất với chín mươi triệu của món
trang sức và bỏ thêm chín mươi triệu để xây nhà.
Một hôm Thế Tôn quan sát thế gian sáng
sớm, thấy chàng Bhaddiya, con của
một chưởng khố ở thành Bhaddiya,
đã được tái sinh từ cõi trời, đủ duyên lành nhập đạo. Ngài dùng điểm tâm tại
nhà ông Cấp Cô Ðộc rồi đi về hướng cổng bắc. Thông thường, sau khi độ ngọ tại
nhà Tỳ-xá-khư , Ngài đi về bằng cổng nam và ngự về Kỳ Viên; khi độ ngọ tại nhà
Cấp Cô Ðộc, Ngài đi ra bằng cổng đông và ngự về Pubbaaraama. Do đó khi dân
chúng thấy Thế Tôn đi ra cổng bắc, biết rằng Ngài sắp du hành.
Nghe tin Thế Tôn lên đường, Tỳ-xá-khư
đến đảnh lễ Ngài và thỉnh cầu ở lại vì nàng cho xây nhà ở cúng dường Phật và
chư Tăng với tổn phí bằng số châu báu kia. Nhưng Thế Tôn không thể ở lại, và
theo lời yêu cầu của nàng, Ngài cho nàng chọn một Tỳ-kheo ở lại thay mặt theo
dõi việc xây cất. Mặc dù nàng rất kính mến Trưởng lão A-nan, nhưng nàng chọn
Tôn già Mục-kiền-liên vì nghĩ rằng Tôn giả có thần thông sẽ giúp đỡ nhiều trong
công việc. Phật truyền Tôn giả ở lại với năm trăm Tỳ-kheo. Tôn giả có thần
thông nên chỉ trong ngày người ta có thể đem về gỗ và đá cách đó khoảng năm
mươi, sáu mươii dặm, không cần phải nặng hỏng. Chỉ trong thời gian ngắn người
ta đã dựng lên một tăng đường hai tầng, với năm trăm phòng trên lầu. Thế Tôn du
thuyết mất chín tháng, và khi trở về Xá-vệ, công trình của Tỳ-xá-khư đã hoàn
tất kể cả chiếc tháp bằng vàng ròng để chứa sáu mươi chậu nước. Nghe tin Thế
Tôn trên đường về Kỳ Viên, nàng đến gặp Ngài và thỉnh mời đến thăm tăng đường
mới xây. Sau đó, nàng thưa:
- Bạch Thế Tôn, xin người đưa chư Tăng
đến đây an cư trong bốn tháng tới. Con sẽ cho hoàn tất xong xuôi khu nhà ở của
chư Tăng.
Thế Tôn hoàn hỷ chấp nhận. Từ đó, Ngài
cùng Tăng chúng được nàng cúng dường tại đó.
Một người bạn của Tỳ-xá-khư muốn cúng
dường một tấm vải trị giá một trăm ngàn tiền làm thảm lót cho tăng đường. Nàng
chỉ cho cô ta thấy cả hai tầng nhà gồm một ngàn phòng đều trải thảm hết, không
có tấm nào xấu kém hơn tấm của cô ta. Buồn bã vì thấy mình không được công đức
gì trong tăng đường, cô đi ra, dừng lại một nơi, òa khóc.
Trưởng lão A-nan thấy thế hỏi thăm, và
chỉ cho cô chỗ thích hợp nhất để trải thảm là chân cầu thang, nơi các Tỳ-kheo
rửa chân xong sẽ chùi lên đó trước khi bước vào tinh xá. Cô sẽ được nhiều phước
đức. Hình như Tỳ-xá-khư đã bỏ qua chỗ này.
Ngày cuối, say bốn tháng cúng dường
Tăng đoàn, Tỳ-xá-khư cúng vải may y đến Tăng đoàn. Mỗi sa-di nhận vải y trị giá
một ngàn tiền mỗi cái. Cuối cùng cô cúng thuốc men cho chư Tăng, sớt đầy bát
cho mỗi vị. Nếu tính thêm chín mươi triệu mua đất và chín mươi triệu xây cất
tăng đường, cộng chung là hai trăm bảy mươi triệu. Không một phụ nữ nào trên
thế gian đã cúng dường nhiều như thế, nhất là đối với một người đang sống trong
một gia đình ngoại đạo.
Ngày lễ khánh thành tinh xá, khi bóng
chiều ngả dài, Tỳ-xá-khư đi vòng quanh tòa nhà cùng với con, cháu và chắt. Thấy
ước nguyện thời xa xưa nay đã thành tựu, nàng cất cao tiếng thanh cao ngâm năm
câu kệ:
Khi
nào ta dâng cúng
Ngôi nhà ở tiện nghi
Trét tô hồ, vữa thì
Ấy là lúc viên mãn
Lời ta thệ nguyện xưa
Khi
nào ta dâng cúng
Mọi thiết bị, tiện nghi
Ghế, giường, thảm và gối
Lúc đó lòng ta mới
Vui vì thỏa nguyện xưa
Khi
nào ta dâng cúng
Vật thực theo phiếu phân
Nêm nếm ngon bội phần
Bằng xúp thịt tinh khiết
Ấy là lúc ta biết
Ðã toại lời nguyện dâng
Khi
nào ta dâng cúng
Vải y Ba-la-nại
Vải mịn, vải sợi bông
Ước nguyện hằng bao kiếp
Khi
nào ta dâng cúng
Ðồ bổ dưỡng, thuốc men
Bơ lỏng, bơ đặc, mật
Dầu ăn cùng đường thô
Thế là ta hoàn tất
Viên mãn lời nguyện xưa.
Các Tỳ-kheo nghe được cho rằng hoặc mật
nàng rối loạn, hoặc loạn trí, nên thưa với Phật. Thế Tôn đáp:
- Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta không phải
đang hát. Vì ước nguyện được thành tựu, lòng nàng vui mừng mới cất tiếng như
thế để long trọng nói lời thệ nguyện.
Các Tỳ-kheo hỏi tiếp:
- Nàng đã ước nguyện lúc nào, thưa Thế
Tôn?
Và Thế Tôn kể:
Chuyện quá khứ
8A. Lời Nguyện Của Tỳ-Xá-Khư
Các Tỳ-kheo, cách đây một trăm ngàn
kiếp quá khứ, Phật Padumuttara xuất
hiện ở thế gian, thọ mạng của Ngài là một trăm ngàn năm, có một trăm ngàn
A-la-hán đệ tử. Thành của Phật là Hamsavatì,
cha là Sunanda, mẹ là Sujàtà Devì. Ðệ tử nữ cư sĩ là đại thí
chủ. Nữ cư sĩ đó được Tám thánh ân từ Ngài, và như một người mẹ, lo cho Phật tứ
sự cúng dường, phục vụ từ sáng đến chiều. Nữ cư sĩ được chuyện trò thân mật với
Phật và được Phật quý trọng, một hôm đánh bạo hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cô bạn tôi đối với Ngài
là gì?
Phật đáp:
- Là đại thí chủ của Ta.
- Bằng cách nào cô ta được như vậy?
- Do lời nguyện trước đây trăm ngàn
kiếp.
- Bạch Thế Tôn, một người có thể được
địa vị ấy không, nếu phát nguyện bây giờ?
- Có thể được.
- Vậy thì, bạch Thế Tôn, xin nhận cho
con cúng dường Ngài với trăm ngàn Tỳ-kheo trong bảy ngày.
Phật chấp thuận.
Ðến ngày cuối tuần cúng dường, cô ta đỡ
lấy y bát của Thế Tôn, đảnh lễ và quỳ dưới chân Ngài phát nguyện:
- Bạch Thế Tôn, con không tìm cầu cho
mình một vương quyền nào ở cõi trời, mà chỉ xin được Tám thánh ân của Phật, xin
được như một người mẹ hơn giờ hết lo tứ sự cúng dường cho Ngài.
Thế Tôn muốn biết xem hạnh nguyện của
cô ta có được viên mãn hay không, nên dùng Thiên nhãn nhìn về tương lai suốt
một trăm ngàn kiếp và bảo:
- Một trăm ngàn kiếp sau, một đức Phật
tên Cồ-đàm sẽ xuất hiện ở thế gian. Lúc đó ngươi là đệ tử nữ cư sĩ tên Tỳ-xá-khư,
sẽ được Tám thánh ân từ Phật, sẽ được như một người mẹ đối với Phật, và sẽ là
cư sĩ nữ xuất sắc nhất trong việc lo tứ sự cúng dường cho Ngài.
Như thế là chắc chắn trong tương lai,
cô ta sẽ đạt được những điều này. Cô ta đã làm việc phước thiện trong suốt
quãng đời còn lại của kiếp ấy và tái sinh trên cõi trời. Sau khi qua lại cõi
trời và cõi người, nàng tái sanh trong thời Phật Ca-diếp, là con gái út của vua
Kiki xứ Kàsi. Cô lập gia đình, sống bên nhà chồng,
suốt thời gian rất lâu cúng dường và làm nhiều việc công đức khác cùng với các
chị.
Một hôm cô ta quỳ dưới chân Phật
Ca-diếp và phát lời nguyền giống như trước đây. Rồi cô ta cũng luân hồi từ cõi
trời qua cõi người, và trong kiếp này tái sanh làm con chưởng khố Dhananjaya, cháu nội của chưởng khố Ram. Và trong kiếp này, cô đã tạo được
nhiều đức qua các thiện sự cho giáo đoàn của Ta.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
Và Thế Tôn giảng pháp cho các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, giống như từ một đống
hoa đủ loại, người khéo léo sẽ kết nhiều kiểu vòng hoa, cũng như thế, tâm
Tỳ-xá-khư hướng đến làm các việc công đức bằng nhiều cách.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(53) Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được làm
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự.
9. Câu Hỏi Của Trưởng Lão A Nan
Hương các loài hoa thơm...
Tại Xá Vệ Thế Tôn đã dạy câu Pháp Cú
trên khi trả lời câu hỏi của Trưởng lão A-nan.
Một buổi chiều, trong khi đang ngồi tư
duy quán tưởng, Trưởng lão A-nan chợt có nghĩ Thế Tôn hội đủ ba loại hương rất
ưu việt là hương gỗ chiên đàn, hương rễ cây và hương hoa. Cả ba thứ hương đều
bay theo chiều gió. Không biết có thứ hương nào có thể bay ngược gió, hoặc vừa
bay thuận vừa bay nghịch gió? Tôn giả không muốn một mình moi óc tìm hiểu, nên
đến hỏi Thế Tôn, và sau đó Ngài được trả lời:
- Này A-nan! Có thứ hương bay theo
chiều gió và cũng có thứ hương bay nghịch gió. Này A-nan! Tại bất cứ làng mạc,
phố thị nào trên thế gian này, ai cũng vậy, đàn ông hay đàn bà, quy y Tam bảo,
giữ giới không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối,
không uống rượu và các chất say, nếu người đó đức hạnh, sống đời tại gia đoan
chánh, tâm không tham nhiễm, người đó vị tha, rộng lượng, hoan hỷ trong hạnh bố
thí, biết lắng nghe lời cầu xin, hoan hỷ trong hạnh cúng dường, thì mọi Tỳ-kheo
và đạo sĩ Bà-la-môn khắp nơi sẽ tán thán, mọi thiên thần, thánh thần sẽ tán
thán. Và như thế, này A-nan, đó là thứ hương bay thuận và nghịch gió.
Thế Tôn nói Pháp Cú:
(54) Hương các loài hoa thơm,
Không ngược bay chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay.
Chỉ có bậc chân nhân,
Tỏa khắp mọi phương trời.
(55) Hoa chiên-đàn, già-la,
Hoa sen, hoa vũ quý,
Giữa những hương hoa ấy,
Giới hương là vô thượng.
10. Ðế Thích Cúng Dường Ðại Ca-Diếp
Ít giá trị hương này...
Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Veluvana, liên quan đến sự cúng dường
Trưởng lão Ðại Ca-diếp. Một hôm Trưởng lão Ðại Ca-diếp xuất định sau bảy ngày
nhập Diệt tận định, đi ra ngoài với ý định khất thực tuần tự nhà này qua nhà
khác trong thành Vương-xá. Lúc đó năm trăm thiên nữ gót son, vợ của vua trời Ðế
Thích vừa thức dậy và chuẩn bị năm trăm phần cúng dường hết cả cho Trưởng lão.
Phẩm vật trên tay, họ chặn Trưởng lão giữa đường, xin:
- Thưa Tôn giả, xin Ngài nhận cúng
dường cho chúng con ân triêm công đức.
Trưởng lão:
- Tất cả chư vị hãy đi đi! Tôi định ban
ân huệ cho người nghèo.
- Bạch Tôn giả, xin đừng hại chúng con,
hãy ban phước cho chúng con!
Nhưng Trưởng lão biết họ nên vẫn từ
chối, và khi thấy họ không chịu đi mà còn muốn tiếp tục cầu xin nữa, Ngài bảo:
- Các ngươi không biết chỗ của mình.
Hãy đi đi!
Rồi Ngài búng tay vào họ.
Nghe Trưởng lão búng tay, các thiên nữ
mất bình tĩnh không dám ở lại, phải bay về cõi trời. Họ kể lại tự sự cho Ðế
Thích nghe. Ông hỏi:
- Các ngươi đi trong hình dạng ra sao?
- Dạ, như thế này, các ngươi làm sao
cúng dường Trưởng lão được!
Chính Ðế Thích cũng muốn cúng dường
Trưởng lão. Ông biến thành một người thợ dệt già lụm khụm, răng long, tóc bạc,
lưng còng, thân thể tiều tụy. Ông biến thiên nữ Thiện Sanh thành một bà già.
Rồi ông dùng thần lực tạo một ngõ hẻm thợ dệt, và ngồi quay sợi. Lúc ấy, Trưởng
lão đang đi vào thành, vẫn tâm niệm dành phước cho người nghèo. Thấy con hẻm ở
ngoại thành, Ngài nhìn quanh rồi chú ý đến hai ông bà già. Ông già Ðế Thích
đang kéo chỉ và Thiện Sanh quấn chỉ vào thoi. Trưởng lão nghĩ rằng già cả lụm
cụm thế đó mà phải làm việc tay chân thì chắc không ai trong thành này nghèo
hơn họ, chỉ cần một vá cơm sớt cho Ngài là Ngài có thể ban phước cho họ. Do đó
Trưởng lão tiến đến.
Thấy bóng Trưởng lão, Ðế Thích dặn
Thiện Sanh làm như không trông thấy, cứ ngồi đó im lặng, rồi sẽ nói gạt để cúng
dường ông. Trưởng lão dừng trước cửa nhà, họ giả vờ không thấy, cứ tiếp tục làm
việc. Một lát, Ðế Thích bỗng ngẩng lên bảo vợ:
- Hình như có Trưởng lão đang đứng
trước cửa. Bà ra xem!
Thiện Sanh không chịu, bảo ông ra. Gặp
Trưởng lão tên gì vì mắt ông kèm nhèm trông không rõ. Xong lấy tay che trán,
ông nhìn chăm chú và làm như ngạc nhiên, la lên:
- Chao ôi! Chao ôi! Trưởng lão Ðại
Ca-diếp! Lâu ngày quá xá Ngài mới đến lều rách của chúng tôi. Bà nó ơi, còn gì
trong nhà không?
Thiện Sanh tỏ vẻ như đang bối rối,
nhưng cũng vội đáp:
- À, à. Vâng, cũng có đấy, ông à!
Ðế Thích đỡ lấy bát của Trưởng lão
thưa:
- Bạch Tôn giả, xin đừng để ý đến thức
ăn ngon hay dở, mà cho chúng con được ân phước.
Trưởng lão đưa bát thầm nghĩ, dù họ cho
ta một cọng rau hay một nắm cám vụn, ta vẫn nhận và ban phước cho họ. Ðế Thích
vào nhà sớt cơm đầy bát và mang ra đặt vào tay Ngài.
Lập tức, phần cúng dường đó, được gia
đủ loại nước sốt và cà ri, tỏa mùi thơm ngát cả thành Vương-xá. Trưởng lão thắc
mắc sao trông ông lão này yếu đuối thiếu thốn mà thức ăn lại dồi dào như của Ðế
Thích. Nhìn ra quả là trời Ðế Thích, Ngài bảo:
- Ông đã làm một việc sai lầm nghiêm
trọng khi cướp đoạt của người nghèo cơ hội tạo công đức. Vì bố thí cho ta hôm
nay, bất cứ người nghèo nào cũng sẽ được địa vị tổng tư lệnh hay chưởng khố.
Ðế Thích hỏi:
- Bạch Tôn Gỉa, có người nào nghèo hơn
con chăng ?
- Sao ông lại nghèo, khi đang hưởng phú
quí trên cung trời?
- Bạch Tôn giả, lý do như sau. Trước
khi Phật xuất hiện ở thế gian con đã tạo nhiều công đức. Khi Phật xuất hiện ở
thế gian , có ba vị trời cùng đẳng cấp với con, vì tạo nhiều công đức nên được
nhiều oai lực hơn con. Khi có mặt con đó, ba vị cần mở hội vui chơi là họ cứ
đem các tỳ nữ xuống đường, còn con thì phải quay gót vào nhà. Oai lực của họ
sáng mạnh hơn con. Vậy, bạch Tôn giả, ai nghèo hơn con?
- Nếu đúng như thế thì từ đây đừng đánh
lừa ta để cúng dường nữa.
- Con có được công đức hay không nếu
lừa dối để cúng dường?
- Có, đạo hữu ạ.
- Nếu đúng thế, bạch Tôn giả, con có
bổn phận phải tạo nhiều công đức.
Nói xong Ðế Thích chào Trưởng lão, đi
nhiễu quanh Trưởng lão với Thiện Sanh theo sau, rồi họ bay lên không, nói lên
câu kệ:
Ôi
cúng dường, cúng dường Ba-la-mật,
Ðã khéo dâng ngài Ca-diếp được rồi!
Trong kinh Udàna cũng có kể câu chuyện tương tự.
Ðến đoạn Ðế Thích bay lên không và ngâm
câu kệ, trong Udàna ghi tiếp:
"Thế Tôn đứng trong tinh xá, nghe
tiếng Ðế Thích. Ông ta liền bảo đệ tử:
- Các Tỳ-kheo, hãy xem vua trời Ðế
Thích. Ông ta vừa ngâm câu kệ, và đang bay trong hư không.
- Bạch Thế Tôn, ông ấy đã làm chi?
- Ông ta đã đánh lừa được Ca-diếp con
ta để cúng dường. Xong việc rồi nên ông ta đang bay trên trời và ngâm nga một
bài kệ.
- Bạch Thế Tôn, sao ông ấy biết nên
cúng dường Trưởng lão?
- Các Tỳ-kheo, cả trời và người đều mến
người bố thí như con ta.
Nói xong, chính Thế Tôn cũng ngâm câu
kệ ấy."
Ngoài ra, đoạn văn sau cũng được ghi
trong kinh:
Với thiên nhãn thanh tịnh siêu vượt loài
người, Thế Tôn nghe vua trời Ðế Thích, trong khi bay trên không, đã ba lần ngâm
câu kệ này trên trời:
Ôi
cúng dường, cúng dường Ba-la-mật,
Ðã khéo dâng ngài Ca-diếp được rồi!
Khi ấy, Thế Tôn thấy thế liền nói kệ:
Tỳ-kheo
sống bằng khất thực
Tự mình nương tựa chính mình
Tịch lặng, chú tâm, hằng giác
Chư thiên tôn kính hoan nghinh.
Nói kệ xong, Thế Tôn dạy:
- Các Tỳ-kheo, vua trời Ðế Thích qua
hương đức hạnh đã đến với con ta để cúng dường.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(56) Ít giá trị hương này,
Hương già-la, chiên-đàn,
Chỉ hương người đức hạnh,
Tối thượng tỏa thiên giới.
11. Godhica
Chứng Niết Bàn
Giữa ai có giới hạnh...
Câu này Phật dạy khi ngụ tại Trúc Lâm
gần Vương-xá, liên quan đến Trưởng lão Godhika
chứng Niết-bàn.
Trong khi Trưởng lão này ngụ tại Hắc
Thạch trên đỉnh núi Isigili,
chánh niệm, tinh tấn, kiến quyết, và đã được tâm giải thoát do hành thiền, thì
ngài bị ngã bệnh vì tinh cần thái quá và không thể trụ tâm vào đề mục thiền
được lâu. Lần thứ hai, lần thứ ba, và đến sáu lần, ngài vào thiền định và lại
bị trạo hối quấy nhiễu. Lần thứ bảy, ngài trụ tâm được rồi liền tự nghị:
"Sáu lần ta đã bị bệnh làm cho tán tâm. Một người bị tán tâm thì đời sau
thật không biết ra sao. Ðã đến lúc phải dùng đến lưỡi dao cạo."
Rồi ông lấy dao cạo đầu, xong nằm trên
giường định cắt đứt cổ họng. Ma vương biết ý định của Ngài, nghĩ rằng nếu Ngài
đạt được Minh sát tuệ, sẽ chứng A-la-hán, nên muốn cản Ngài. Tự thấy lời mình
khó thuyết phục Ngài, Ma vương muốn cầu cứu với Thế Tôn, nên biến mình thành
một người tầm thường đến gặp Phật và nói:
Hỡi
đấng Ðại Hùng, bậc Ðại Trí Tuệ!
Rực rỡ thần lực, rực hào quang,
Người vượt thắng hận thù, sợ hãi.
Xin đảnh lễ bên chân Ngài, hỡi đấng Chánh Biến Tri!
Ðấng Ðại Hùng! Ðệ tử Ngài đã khắc phục sanh tử
Lại hướng về cái chết, đang rắp tâm.
Hãy cản ngăn, hãy thuyết giảng đạo thâm
Hãy thương xót, hỡi người ban ánh sáng!
Ðức Thế Tôn, lừng lẫy tiếng tăm trong nhân loại!
Môn đệ Ngài, đang an vui trong giáo pháp,
Sao giờ lại muốn kết thúc đời,
Chưa tròn ý nguyện, chưa thuần thục?
Ngay lúc đó Trưởng lão đưa lưỡi dao
lên. Ðồng thời Thế Tôn cũng nhận ra Ma vương, bèn nói kệ:
Người
với tâm kiên định, hết còn khao khát sống.
Godhika diệt danh được dục tham, đã chứng đạt Niết-bàn.
Và Thế Tôn dẫn một số đông Tỳ-kheo vào
tận nơi Trưởng lão đang nằm, tay đã buông dao. Trong khi đó ác ma giống như một
cột khói hay một khối đen, chạy khắp phương hướng tìm thần thức của Trưởng lão.
Ác ma cứ thắc mắc không biết thần thức của Trưởng lão tụ tại đâu. Thế Tôn chỉ
cho các Tỳ-kheo cột khói và khối đen, bảo:
- Này các Tỳ-kheo, đó là ác ma đang đi
tìm thần thức người thanh niên hiền thiện, vì không biết nó an trụ tại đâu.
Nhưng này các Tỳ-kheo, thần thức của Godhika
không tụ. Bởi vì, này các Tỳ-kheo, người thanh niên hiền thiện Godhika đã nhập
Niết-bàn.
Ma vương không thể tìm thần thức của
Trưởng lão, bèn giả trang thành một ông hoàng, tay cầm cây đàn bằng gỗ Vilva màu vàng nhạt, đến gặp Thế Tôn và
hỏi:
Bốn
phương tám hướng tôi tìm kiếm,
Chẳng thấy Godhika, ngài ở đâu?
Thế Tôn đáp:
Người
với tâm kiên định
Quyết chí, chuyên thiền định
Thiền duyệt bạn hằng vui
Ngày đêm đều tinh tấn
Ðâu còn lòng khát sống
Dẹp thắng hết ma quân
Chẳng còn nợ tái sanh
Hết mối manh tham ái
Godhika, Tỳ-kheo ấy
Ðã chứng đạt Niết-bàn.
Thế Tôn nói xong, Ma vương bèn đáp lại
bằng câu kệ:
Tràn
ngập thất vọng
Quỷ buông đai đàn
Lòng buồn trĩu nặng
Hắn liền biến tan.
Và Thế Tôn bảo tiếp:
- Ác ma, ngươi có ý đồ gì mà tìm chỗ tụ
của thần thức người thanh niên hiền thiện? Một trăm hay một ngàn ngươi cũng
không bao giờ tìm được chỗ đó.
Xong Ngài nói Pháp Cú:
(57) Giữa ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật,
Chánh trí, chân giải thoát,
Ác ma không thấy đường.
14. Sirigutta Và Garahadinna
Như giữa đống rác nhớp...
Phật dạy câu này liên quan đến Garahadinna, lúc ngụ tại Kỳ Viên.
Ở Xá Vệ có hai người bạn, Sirigutta đệ tử cư sĩ của đức Phật và Garahadinna môn đồ của ẩn sĩ lõa thể
Ni-kiền-tử. Các ẩn sĩ này thường này thường bảo Garahadinna đến gặp Sirigutta
hỏi những câu như:
- Tại sao bạn đến thăm Sa-môn Cồ-đàm?
- Bạn trông mong gì nơi ông ta?
Và họ còn bảo Garahadinna đến khuyên Sirigutta thế này thế nọ, để ông ta đến
thăm và cúng dường các ẩn sĩ?
Garahadinna vâng lời, và bất kỳ gặp Sirigutta ở đâu, dù đang đứng hoặc ngồi,
đều hỏi như thế. Sirigutta, vẫn cố
gắng giữ im lặng nhiều ngày liên tiếp. Một hôm hết kiên nhẫn, ông đáp lời:
- Này bạn, mỗi lần gặp tôi là bạn cứ
hỏi như thế... Vậy thì bạn hãy trả lời cho tôi biết các vị thầy cao quý của bạn
biết được những gì?
- Ồ, bạn à. Không có điều gì mà các
thầy tôi không biết. Các thầy tôi biết hết từ quá khứ, hiện tại đến vị lai.
Biết cả ý, lời và hành động của mọi người. Biết hết những chuyện sẽ xảy ra và
những chuyện không xảy ra.
- Bạn không có ý nói thế chứ?
- Tôi nói đúng thế.
- Nếu quả đúng như thế, bạn đã phạm một
lỗi lớn, là đã không cho tôi biết từ trước các vị thầy cao quý của bạn có thần
thông thần trí như vậy. Hãy mời các vị ấy đến, nhân danh tôi.
Garahadinna đến các thầy ẩn sĩ, đảnh lễ và
chuyển lời mời, họ vui mừng bảo nhau:
- Việc chúng ta đã xong. Một khi Sirigutta đặt niềm tin nới chúng ta thì
lợi lạc khỏi chê.
Khu nhà ở của Siragutta rất
rộng và giữa hai căn nhà có một khoảng đất trống dài. Anh ta cho đào hố nơi đó
và đổ đầy phân và bùn. Ở hai đầu hố, anh ta chôn cọc xuống đất và lấy dây thừng
cột vào cọc. Rồi anh ta đặt ghế ngồi với hai chân trước trên mặt đất và hai
chân sau trên dây thừng. Ngay khi các ẩn sĩ ngoại đạo ngồi xuống sẽ bật ngửa ra
sau, lộn đầu xuống hố. Một khăn trải giường được phủ lên chỗ ngồi để che miệng
hố. Nhiều chậu bằng đất nung thật to được rửa sạch, miệng chậu phủ lá và khăn.
Những chậu không đó được đặt phía sau nhà, bên ngoài bôi lên nào là cháo, cơm
cục, mật, đường thô và bánh vụn.
Garahadinna đến ngay nhà bạn, hỏi thăm thức
ăn đã nấu xong chưa, chỗ ngồi đã chuẩn bị rồi chưa. Ðược bạn chỉ cho thấy các
chậu to đầy tràn cà ra ngoài, nào cháo, cơm, mật, đường thô và bánh cùng những
chỗ ngồi tươm tất, anh yên tâm ra về.
Garahadinna vừa đi khỏi thì năm trăm ẩn sĩ
lõa thể đến. Sirigutta ra khỏi
nhà đón, và năm vóc gieo xuống đảnh lễ họ, rối đứng trước mặt chắp hai tay đưa
cao tỏ dấu chào kính. Và anh ta nói thầm trong đầu với các ẩn sĩ rằng nếu họ
thông suốt hết quá khứ, hiện tại, vị lai thì xin đừng vào nhà anh, vì anh không
nấu nướng chuẩn bị gì đãi họ cả. Còn nếu họ chẳng hề thông suốt gì cả mà cứ đi
vào nhà anh thì sẽ bị anh cho sụp hố phân rồi cho họ ăn gậy. Nói thầm vậy xong,
anh dặn gia nhân khi khách sắp ngồi xuống ghế thì kéo tấm phủ ra khỏi dính bẩn.
Sirigutta mời các ẩn sĩ bước vào nhà. Họ
định ngồi xuống ghế thì đám gia nhân bảo hãy khoan, mỗi người phải tìm đúng tên
mình và đứng ngay tại đó, xong xuôi tất cả hãy ngồi một lượt. Sở dĩ phải làm
như thế để không người nào bị té xuống hố trước một mình, và có thể báo động
cho người đã ổn định đúng chỗ ngồi, đám gia nhân đồng thanh hô to:
- Mời các Ngài ngồi xuống một lượt
nhanh lên!
Thấy họ sắp ngồi, đám gia nhân kéo mạnh
tấm phủ, cùng một lúc các ẩn sĩ ngồi xuống một lượt. Chân ghế đặt trên dây
thừng liền chệch ra ngoài, và họ bật ngửa ra sau đó, lộn đầu xuống hố bùn. Sirigutta đóng cửa lại. Họ vừa ngoi lên
khỏi đám bùn liền lãnh gậy gộc tới tấp xuống lưng, kèm theo tiếng la hét:
- Nè, mấy ông biết hết quá khứ, hiện
tại, vị lai!
Thấy trận đòn đủ cho các vị ẩn sĩ bài
học, Sirigutta truyền mở cửa cho
họ ra về. Họ ào ạt phóng chạy, nhưng khổ thay đường trơn trợt vì Sirigutta đã cho phết nước vôi, nên họ té
lăn bò càng. Lại thêm trận đòn gậy gộc thứ hai. Họ vừa lết vừa than vãn:
- Sirigutta
đã hại chúng ta!
Cuối cùng họ cũng đến được nhà người
ủng hộ họ là Garahadinna. Thấy
hoàn cảnh bi đát của các ẩn sĩ, anh ta nổi giận nghĩ rằng bạn mình đã hại mình;
dù các vị thầy của mình đã đưa tay lên và lạy anh ta, họ cũng hứng gậy gộc tơi
bời. Anh ta đã làm nhục các thầy cao quý của mình, phước điền của mình, những
vị có thể tùy thích ban phước cho cả sáu cõi thiên giới. Anh ức lòng đi đến vua
thưa bạn mình, đòi bồi thường một món tiền là một ngàn đồng. Vua cho trát đòi Sirigutta, anh đến chầu, xin vua cho điều
tra trước khi xử phạt. Vua bằng lòng, và Sirigutta
kể lại từ đầu đến đuôi. Vua hỏi lại Garahadinna
có phải đúng thế không, anh xác nhận đúng. Vua buộc tội về phía Garahadinna vì đã chọn người quá kém cỏi
làm thầy, mà còn khoe với đệ tử của Thế Tôn là biết tất cả. Vua còn phạt đòn
các ẩn sĩ và trục xuất họ.
Căm hận chưa nguôi, hai tuần liên tiếp Garahadinna không nói chuyện với Sirigutta. Anh ta cũng nghĩ cách để làm
nhục lại các Tỳ-kheo thường lui tới nhà bạn mình. Anh làm hòa trước với bạn và
hai người trở lại đứng chung, ngồi chung như trước.
Một hôm Sirigutta gợi ý cho Garahadinna
thỉnh Phật và các Tỳ-kheo đến nhà cúng dường. Ðúng là dịp anh chờ
đợi từ lâu, như thể Sirigutta gãi
đúng chỗ ngứa. Anh hỏi Thế Tôn hiểu biết đến đâu. Sirigutta đáp là không có điều gì ngoài tầm hiểu biết của
Thế Tôn, từ quá khứ, hiện tại đến vị lai, Ngài đọc được tâm ý của chúng sanh dù
kiểu nào đi nữa. Thế là anh bằng lòng nhờ Sirigutta
mời thỉnh Thế Tôn cùng năm trăm Tăng chúng đến nhà cúng dường.
Ðến chỗ Thế Tôn và đảnh lễ Ngài xong, Sirigutta trình bày chuyện xảy ra cách đây
bảy ngày về các ẩn sĩ thường lui tới nhà bạn mình, nhơn đó không đoan chắc là
bạn mình có ý định trả thù hay không, cũng như lời mời thỉnh Thế Tôn không biết
có phải thuần là cúng dường hay không. Nếu thấy ý đồ tốt, xin Thế Tôn nhận lời,
nếu không xin từ chối. Thế Tôn thấy rõ mưu định của Garahadinna và hậu quả ra sao, và cũng thấy bổn phận phải tế
độ chàng trẻ tuổi hiền thiện này, nên Ngài nhận lời.
Ðược tin Phật nhận lời, Garahadinna tiến hành ngay cho đào một cái
hầm to lớn giữa hai căn nhà. Tám chục xe chất đầy cây keo được chở về và đổ
xuống đầy hầm, sau đó đốt thành than, có cả ống bể thổi gió vào cho lửa cháy
suốt đêm, đến khi đống cây keo biến thành một khối than nóng rực. Trên miệng
hầm anh ta thả những khúc gỗ chưa đẽo và đậy lại với một tấm thảm phết phân bò.
Một bên miệng hầm được chừa làm lối đi, có những cây nhỏ rất mong manh bắc qua
lại. Anh ta thầm nghĩ họ mà bước lên lối đi, khung cây yếu ớt này sẽ gãy sụp,
và chắc mẽm là sẽ té nhào xuống hầm than. Chậu đựng thức ăn cũng như chỗ ngồi
cũng được soạn sẵn như Sirigutta
đã làm trước đây.
Sáng sớm Sirigutta cũng đến nhà bạn mình xem xét, và nhận thấy rằng
mọi sự đều tốt. Khi ngoại đạo thỉnh Phật, người ta tụ tập rất đông. Nhóm tà
kiến sẽ bảo:
- Ta sẽ chứng kiến sự thất bại của đạo
sĩ Cồ-đàm.
Phái chánh kiến lại nói:
- Hôm nay đấng Ðạo sư sẽ thuyết pháp
rất hùng hồn, và chúng ta sẽ thấy oai lực cũng như ân huệ của Phật.
Ngày hôm sau, Thế Tôn đến cùng năm trăm
Tăng chúng, Garahadinna cũng tiếp
đón y như Sirigutta đã tiếp đón
các ẩn sĩ lúc trước. Sau khi nói thầm trong đầu những lời như Sirigutta đã nói thầm với các ẩn sĩ, anh
ta đỡ bình bát của Thế Tôn và thỉnh Ngài vào nhà, không quên dặn Thế Tôn vào
trước một mình, khi nào Ngài ngồi xuống rồi những vị khác mới vào sau. Anh ta
còn nghĩ thêm nếu những vị sau thấy Thế Tôn vào trước và rớt xuống hầm than,
chắc sẽ không dám tới gần, như vậy chỉ một mình Ngài bị bẽ mặt vì té xuống hầm.
Anh ta tiến đến tận hầm than rồi bước lùi phía sau một bước, và dừng lại cách
một khoảng, bảo Thế Tôn:
- Xin mời Ngài tiến bước, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bước đi, đặt chân ngay trên hầm
than. Ngay lúc ấy tấm thảm biến mất, và những đóa hoa sen to bằng bánh xe mọc
lên tách hầm than ra làm hai. Thế Tôn đặt chân lên đài sen, tiến thẳng tới và
ngồi xuống Phật tòa đã sắp sẵn do thần lực. Các Tỳ-kheo cũng đi theo và ngồi
xuống. Lòng nôn nóng như bị lửa thiêu đốt Garahadinna
tiến đến Thế Tôn cầu xin:
- Bạch Thế Tôn, cho con quy ngưỡng.
Phật hỏi:
- Nghĩa là sao?
- Không có cháo, không có cơm hay thức
ăn nào trong nhà cho năm trăm Tỳ-kheo. Con không biết phải làm sao?
- Nhưng ngươi đã làm gì?
Anh ta kể lại mưu đồ làm hại Thế Tôn.
Phật hỏi tiếp:
- Ngươi vừa mới chỉ cho Ta đây là chậu
đựng cháo, rồi cơm và các thứ, không phải thế sao?
- Con đã nói dối, thưa Ngài toàn là
chậu không.
- Không sao, hãy đến nhìn, đầy cháo và
thức ăn khác trong chậu.
Kim khẩu Thế Tôn vừa thốt
"cháo" thì tức khắc chaó đày chậu, các thức ăn khác cũng thế.
Thấy được sự mầu nhiệm, lòng Garahadinna tràn ngập vui sướng và phát
khởi tín tâm. Trong niềm tôn kính vô cùng, anh ta hết lòng phục vụ Tăng chúng
do Phật lãnh đạo. Thọ thực xong, anh ta đỡ lấy bát của Phật và mong muốn ngài
hồi hướng công đức. Phật thuận tình và nói rằng:
- Những chúng sanh này, vì không được
tuệ nhãn nên không biết công đức của Ta, của các đệ tử và Giáo đoàn Ta. Bởi vì
không được tuệ nhanõ nên họ mù. Chỉ có người trí mới có mắt.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(58) Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chổ áy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp ý người.
(59) Cũng vây giữa quần sanh,
Uế nhiễm mù, phàm tục,
Ðệ tử, bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với tuệ trí.
Cuối câu kệ, tám mươi ngàn người được
Pháp nhãn thanh tịnh. Cả Garahadinna và
Sirigutta đều chứng quả
Tu-đà-hoàn, và cúng hết sự sản cho Giáo đoàn của Phật.
Ðức Phật rời tòa trở về tinh xá. Chiều đến
các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:
- Kỳ diệu thay công hạnh của chư Phật!
Những đóa sen mà có thể mọc vọt khỏi đống than cây keo nóng bỏng!
Thế Tôn đến, hỏi chuyện và cho các
Tỳ-kheo biết:
- Này các Tỳ-kheo! Không phải bây giờ
Ta là Phật mới có sự kỳ diệu hoa sen nở từ đám than hồng. Khi sự giác ngộ của
ta chưa viên mãn, Ta chỉ là Phật vị lai, cũng đã có sự mầu nhiệm như thế.
Chư Tỳ-kheo muốn biết sự mầu nhiệm như
thế nào nên thỉnh Phật nói. Ngài kể chuyện quá khứ:
Tôi
sẽ vui lòng vào địa ngục
Với chân trên, và đầu vục xuống hố sâu
Tôi sẽ không làm điều bất chính nào
Ðồ tín cúng đây, Ngài nhận!
Và Ðạo sư kể lại chi tiết Bổn sanh Khadirangara.
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b | 05a | 05b | 06 | 07 | 08
| 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20
| 21 | 22 | 23 | 24 | 25
| 26a | 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002