BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
XXIV.
Phẩm Tham Ái
1. Con Cá Vàng
Người sống đời phóng dật...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
Kỳ viên, trong trường hợp của cá vàng Kapilamaccha.
Chuyện quá khứ
1A. Thầy Tỳ Kheo Tự Phụ - Ðảng Cướp
Thuở xưa, thời đức Phật Ca-diếp nhập
Niết-bàn, có hai anh em một gia đình quý tộc xuất gia làm Sa-môn. Người anh tên
Sodhana và người em tên Kapila. Cả người mẹ Sàdhinì và cô em gái Tàpanà cũng xuất gia làm Tỳ-kheo ni. Khi
xuất gia, cả hai anh em đều làm tròn bổn phận với bậc thầy thế độ và các vị
Giáo thọ một cách thành kính. Một ngày nọ, họ hỏi thầy:
- Bạch thầy, trong tôn giáo này có bao
nhiêu bổn phận chánh yếu?
- Có hai bổn phận: học và thiền định.
Nghe thế, người anh cả nghĩ thầm:
"Ta sẽ hoàn thành bổn phận thiền định". Và thầy ở lại bên vị Bổn sư
năm năm. Nhận một đề mục thiền định dẫn đến quả Tuệ giác, thầy vào rừng và sau
khi nỗ lực hết sức mình, thầy chứng A-la-hán.
Người em nói: "Ta còn trẻ, khi nào
già, ta sẽ thiền định". Thầy chọn bổn phận học tập. Thầy học thông Tam
tạng, do đó thầy có đông đồ chúng và được nhiều lợi dưỡng. Say sưa với kiến
thức đa văn của mình và bị ma tham danh chi phối, thầy trở nên tự phụ. Thầy hay
sửa lưng người khác. Khi người ta nói đúng thầy bảo sai, khi người ta nói sai
thầy bảo đúng, việc có tội thầy nói là vô tội, việc vô tội cho là có tội.
Các vị Sa-môn hiền đức vẫn hay khuyên
thầy:
- Này huynh Kapila, đừng nói như vậy.
Các vị nhắc thầy về điều luật, về Phật
pháp. Nhưng Kapila trả lời:
- Các ông biết được gì? Hỡi những con
cá rỗng?
Thầy lại tiếp tục nhục mạ người.
Các vị Sa-môn kể lại với thầy Sodhana. Thầy Sodhana khuyên em:
- Này Kapila,
với cương vị Tỳ-kheo, em nên cư xử đúng đắn. Em đừng khinh thường, bác bỏ các
lời khuyên chân thật, và nói năng theo cách của em như thế.
Nhưng thầy Kapila chẳng màng gì đến lời khuyên của anh. Thầy Sodhana kiên nhẫn khuyên hai, ba lần thầy Kapila cũng không đếm xỉa gì đến. Thầy chỉ
còn biết nói:
- Này sư đệ, em sẽ mang tiếng xấu vì
những hành động thầy nữa.
Thầy Kapila
cư xử xấu và kết hợp một số đồ chúng cũng tệ như thầy. Ngày nọ, thầy
tự nói: "Ta sẽ trùng tuyên Luật tạng tại Pháp đường". Thầy cầm quạt,
lên tòa ngồi, tuyên đọc Luật với câu hỏi thường lệ.
- Thưa các đại đức, chúng đã nhóm, có
ai cần phát lồ?
Các vị Tỳ-kheo nghĩ thầm: "Trả lời
ông ấy chẳng ích lợi gì". Tất cả yên lặng. Kapila tiếp:
- Này chư huynh, ở đây không có Giáo lý
cũng không có Giáo luật, các vị có nghe đọc luật cũng như không nghe thôi.
Nói rồi Kapila xuống tòa. Như thế, thầy đã làm chậm trễ việc giảng
dạy giáo pháp của đức Phật Ca-diếp.
Trong đời ấy, Trưởng lão Sodhana vào Niết-bàn. Kapila với thái độ như thế đã vào ngục
A-tỳ. Cả mẹ và em gái thầy theo chế nhạo các vị Sa-môn hiền đức, cũng rơi vào
địa ngục.
Thời ấy, có năm trăm tên cướp, một ngày
kia chúng bị rượt bắt, phải vào rừng ẩn náu. Chúng không tìm được nơi nương
thân, và khi gặp một vị ẩn sĩ, chúng vái chào và thưa:
- Bạch Ngài, hãy cho chúng con nương
tựa.
Vị ấy trả lời:
- Không có nơi nương tựa nào bằng đạo
đức. Tất cả các anh có thể giữ năm giới được không?
- Thưa được.
Chúng bằng lòng thọ năm giới cấm.
Tôn giả ẩn sĩ khuyên họ:
- Hôm nay các anh đã thọ giới, cho dù
mạng sống bị đe dọa đi nữa, các anh cũng không được phạm giới hay có tư tưởng
ác.
- Ðược thôi.
Các tên cướp hứa sẽ giữ giới luật đã
thọ.
Dân làng đuổi theo tận nơi bọn cướp ẩn
náu, và giết chết hết tất cả. Chúng được tái sinh lên cõi trời, tên cầm đầu bọn
cướp thành vị thiên chủ cai quản các vị kia. Sau khi tái sinh nhiều lần nơi các
cõi trời, lúc ở cõi cao lúc cõi thấp suốt vô số kiếp trôi qua trong thời kỳ
giữa hai vị Phật, chúng lại tái sinh trong đời Phật hiện tại vào một làng chài
lưới có năm trăm gia đình gần thành Xá-vệ.
Vị Thiên chủ đầu thai vào nhà ông xã
trưởng làng, những vị còn lại đầu thai trong các nhà kia. Như thế cùng một ngày
tất cả năm trăm vị đầu thai và đều sanh ra một lượt. Ông xã trưởng nghĩ thầm:
"Không biết hôm nay trong làng có các cậu bé khác chào đời hay
không?". Cho người kiểm tra khắp làng ông được biết tất cả đều tái sinh
vào một nơi. "Các cậu này sẽ là bạn của con trai ta". Ông nghĩ vậy
rồi gởi thực phẩm đến nhà nuôi hết các cậu bé. Chúng lớn lên, chơi đùa với
nhau, kết bạn thân cho đến lúc cùng trưởng thành. Chàng trai lớn nhất trở nên
một người danh tiếng, được trọng vọng, làm thủ lãnh cả nhóm.
Kapila thọ khổ trong ngục A-tỳ suốt vô
số kiếp trôi qua trong thời gian giữa hai vị Phật, và do dư báo của nghiệp ác,
lúc ấy tái sinh làm con cá nơi dòng sông Aciravatì.
Mình cá màu vàng óng nhưng hơi thở hôi thối vô cùng.
Chuyện hiện tại:
1B. Nhóm Dân Chài Và Con Cá Hôi
Một ngày kia, đám bạn thanh niên ấy bảo
nhau:
- Ta hãy tung lưới kiếm ít cá.
Họ lấy lưới quăng xuống sông, xui khiến
thế nào con cá vàng lọt vào lưới. Khi dân làng trông thấy cá, họ mừng rỡ kêu
lên:
- Các con chúng ta lần đầu bủa lưới, đã
tóm được chú cá vàng. Thế nào đức vua cũng ban thưởng một cách hậu hỷ.
Ðám bạn thanh niên ném con cá lên
thuyền, đi yết kiến đức vua. Thấy con cá, vua hỏi:
- Cái gì đấy?
Ðám thanh niên tâu:
- Tâu đại vương, đây là một con cá.
Nhận ra đó là một con cá vàng, vua nghĩ
thầm: "Ðức Thế Tôn sẽ biết vì sao con cá này màu vàng". Vua liền ra
lệnh mang cá đi đến ra mắt đức Thế Tôn. Cá vừa mở miệng ngáp, cả tinh xá Kỳ
Viên tràn ngập mùi hôi thối. Vua bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, vì duyên cớ gì con cá
này có màu vàng? Và tại sao hơi thở nó hôi thối đến thế?
- Ðại vương, vào thời Phật Ca-diếp, con
cá ấy là một vị Tỳ-kheo tên Kapila,
đa văn, được đồ chúng theo đông đảo. Do vì buông lung theo lợi dưỡng, ông ấy đã
chửi mắng, lăng mạc các Tỳ-kheo không theo mình. Ông gây chậm trễ việc truyền
bá giáo pháp đức Phật Ca-diếp và bị đọa vào ngục A-tỳ. Sau, từ dư báo nghiệp
ác, lại đầu thai làm con cá. Do nhân duyên giảng dạy giáo pháp Phật, đọc tụng
kinh điển tán thán Phật trong thời gian khá lâu, mình cá mới có màu vàng ấy.
Còn hơi thở thối vì ông đã chửi mắng lăng mạ các Tỳ-kheo. Ðại vương, Như Lai sẽ
khiến ông ấy kể về chính mình đây.
- Bạch Thế Tôn, xin Ngài dùng mọi cách
để ông ấy tự kể về mình.
Ðức Phật hỏi con cá:
- Ngươi có phải là Kapila?
- Bạch Thế Tôn vâng, con là Kapila.
- Ngươi từ đâu đến?
- Bạch Thế Tôn, con từ ngục A-tỳ đến.
- Còn anh ngươi, Sodhana, ra sao rồi?
- Bạch Thế Tôn, anh ấy đã nhập
Niết-bàn.
- Mẹ ngươi, bà Sàdhini đâu?
- Bạch Thế Tôn, người bị đọa địa ngục.
- Còn em gái ngươi, Tàpanà, thì sao?
- Cô ấy cũng đọa địa ngục, Bạch Thế
Tôn!
- Giờ ngươi đi đâu?
- Bạch Thế Tôn, ngục A-tỳ.
Nói xong, lòng đầy ăn năn, cá đập đầu
chết ngay tại chỗ, bị tái sanh trong ngục A-tỳ. Thính chúng vây quanh đều xúc
động, lông tóc dựng ngược cả lên. Ðức Thế Tôn thấy tâm họ thuần phục, bèn giảng
bài pháp thích hợp:
Hằng
sống trong chánh kiến,
Hằng tu hạnh thanh tịnh,
Ðấy hạt ngọc sang đẹp,
Quý hơn trong tất cả.
Nói kệ rồi, đức Phật giảng tỉ mỉ toàn
bài kinh "Kapila"; sau
này được chép trong tập Suta Nipàta.
Ngài nói kệ tiếp:
(334) Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như dây leo,
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng.
(335) Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng,
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ bị gặp mưa.
(336) Ai sống trong đời này,
Ái dục được hàng phục,
Sầu rơi khỏi người ấy,
Như giọt nước lá sen.
(337) Ðây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây,
Hãy nhổ tận gốc ái,
Như thổ gốc cỏ bỉ,
Chớ để ma phái hoại,
Như dòng nước cỏ lau.
2. Con Heo Nái Tơ
Như cây bị chặt đốn...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
tinh xá Trúc Lâm, liên quan đến chị heo nái tơ nọ sống lăn lóc trong đống phân.
Chuyện kể rằng, một hôm đức Thế Tôn vào
thành Vương-xá khất thực, gặp một con heo nái tơ. Ngài mỉm cười, Trưởng lão
A-nan trông thấy vầng hào quang chói sáng từ răng Ngài, liền hỏi lý do:
- Bạch Thế Tôn, tại sao Ngài cười?
Ðức Phật bảo:
- Này A-nan, hãy nhìn con heo nái tơ
kia.
- Con có thấy nó, bạch Thế Tôn!
- Vào thời đức Phật Kakusandha, con heo tơ này là một chị gà ở
gần Thiền đường nọ. Chị thường chăm chú nghe một thầy Tỳ-kheo niệm đề mục thiền
tu chứng Tuệ giác. Chỉ nghe những âm thanh thiêng liêng kia thôi, cũng khiến
chị thoát kiếp được tái sinh vào cung vua, làm công chúa tên Ubbari.
Một hôm công chúa đi vào nhà xí, thấy
đống dòi. Liền tại chỗ ấy, chăm chú quan sát đám dòi, tâm định tĩnh, cô nhập Sơ
thiền. Sau khi mãn kiếp làm công chúa, cô được sanh vào dòng dõi Bà-la-môn. Từ
giai cấp Bà-la-môn, do nghiệp tạo trong kiếp ấy, bây giờ cô lại tái sinh làm
con heo nái tơ này. Ta biết những cảnh huống ấy nên cười.
Các Tỳ-kheo đi sau Trưởng lão A-nan
lắng nghe đức Thế Tôn nói, rất xúc cảm. Sau khi tác động tâm tư họ, đức Phật
liền giảng giải sự ngu si của tham ái, và vẫn đứng giữa đường đi, Ngài nói kệ
tiếp:
(338) Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền,
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài.
(339) Ba mươi sáu dòng ái,
Trôi người đến khả ái,
Các tư tưởng tham ái,
Cuốn trôi người tà kiến.
(340) Dòng ái dục chảy khắp,
Như dây leo mọc tràn,
Thấy dây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc.
(341) Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc,
Tuy mong cầu an lạc,
Họ vẫn phải sanh, già.
(342) Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới,
Chúng sanh ái trói buộc,
Chịu khổ đau dài dài.
(343) Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới,
Do vậy vị Tỳ-kheo,
Mong cầu mình ly tham,
Nên nhiếp phục ái dục.
Sau kiếp ấy, chị heo nái tơ tái sinh
vào cung vua ở Suvannabhùmi. Hết
kiếp, cô tái sanh ở Ba-la-nại, kiếp sau cô tái sanh ở cảng Supàraka trong nhà một người lái ngựa, rồi
sanh vào nhà một thủy thủ cảng Kavìra.
Kế tiếp, cô sanh vào nhà một gia đình quý tộc cao sang ở Anuràdhapura. Cuối cùng, cô tái sanh làm
con gái ông Sumanà làng Bhokkkanta thuộc vùng phía Nam, được đặt
tên theo cha là Sumanà.
Khi dân chúng bỏ làng đi hết, cha cô
đến vương quốc Diighavaapi, lập nghiệp tại làng Mahàmuni. Lakuntaka Atimbara, Tể tướng vua Dutthagàmanì, có việc đến đấy gặp cô, liền
cưới làm vợ, đưa về sống tại làng Mahàpunna.
Một hôm, Trưởng lão Anula trú tại
tinh xá Kotipabbata đi khất thực
ngang qua nhà trông thấy cô bèn bảo các thầy Tỳ-kheo:
- Này chư huynh, con heo nái tơ đã trở
thành phu nhân ngài Lakuntaka Atimbara,
Tể tướng của đức vua, thật lý thú biết bao!
Nghe những lời này cô bỗng nhớ hết các
tiền kiếp của mình và chứng Túc mạng thông. Xúc dộng sâu xa, cô xin phép chồng
từ bỏ đời thế tục xuất gia theo Tăng đoàn Tỳ-kheo ni Pancabalaca. Sau khi nghe giảng bài pháp Mahà satipatthàna tại tinh xá Tissa, cô đắc qủa Dự lưu. Rồi khi người Damilas bị tiêu diệt, cô trở về làng Bhokkanta sống với cha mẹ. Tiếp đó, nghe
bài pháp Asìvisopama tại tinh xá Kallaka, cô đắc qủa A-la-hán. Ngày cô nhập
Niết-bàn, đáp lời hỏi của các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, cô kể hết câu chuyện cho
các Tỳ-kheo Ni nghe. Giữa một buổi nhóm chúng của các thầy Tỳ-kheo, với sự giúp
đỡ của Trưởng lão Maha Tissa, vị
Tỳ-kheo thường giảng nói Pháp Cú đang trú tại Mandalàràma,
cô kể như sau;
- Vào thời xa xưa, con đánh mất thân
người, sanh làm gà mái. Bị diều hâu xớt, và tái sanh ở thành Vương xá, từ bỏ
cuộc đời thế tục, làm một Tỳ- kheo ni hành khước đây đó và tu đạt đến Sơ thiền.
Hết kiếp ấy, con tái sanh vào nhà một trưởng giả. Nhưng chỉ sống ít lâu, con đã
bị đọa làm heo nái. Hết kiếp, con tái sanh ở Suvannabhùmi,
rồi ở Ba-la-nại, ở cảng Suppàraka,
ở cảng Kavìra, ở Anuràdhapura và sau cùng tại làng Bhokkanta. Sau khi trải qua mười ba kiếp
thăng trầm như vậy, kiếp này con cảm nhận được sự bất như ý của cuộc sống nên
từ bỏ thế tục, xuất gia, và chứng quả A-la-hán. Xin chư vị mỗi người hãy tự
mình chánh niệm tinh tấn tiến đến giải thoát.
Lời cô làm tứ chúng vô cùng xúc động.
Sau đó cô nhập Niết-bàn.
3. Thầy Tỳ Kheo Bỏ Ðạo
Ðược thoát khỏi buộc ràng...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
tinh xá Trúc lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo hoàn tục.
Thầy Tỳ-kheo kia vốn là đồ đệ Trưởng
lão Ðại Ca-diếp, tuy đã đạt Tứ thiền nhưng một hôm đến chơi nhà ông chú làm thợ
vàng, trông thấy nhiều đồ trang sức đẹp mắt, thầy sanh lòng tham luyến, bèn
hoàn tục. Thầy lại làm biếng chẳng chịu mó tay vào việc gì nên bị đuổi ra khỏi
nhà. Từ đấy thầy kết bạn với kẻ xấu, chuyên sống bằng nghề cướp bóc. Một hôm
người ta bắt thầy, trói chặt hai tay sau lưng, mang đi hành hình, trên đường cứ
gặp mỗi ngã tư lại dùng roi da đánh đập thầy.
Trưởng lão Ðại Ca-diếp vào thành khất
thực, thấy thầy Tỳ-kheo bỏ đạo bị dẫn ra cửa Nam liền làm cho dây trói lỏng đi,
và bảo thầy.
- Ông hãy quán tưởng lại đề mục định
như đã từng làm.
Vâng lời dạy, thầy Tỳ-kheo bắt đầu
thiền định, và nhập Tứ thiền. Lính áp tải đưa thầy đến chỗ hành hình, bảo:
- Bọn ta sẽ cho ngươi chết.
Rồi chúng nung đỏ chông sắt lên. Nhưng
tên cướp chẳng hề lo sợ mảy may. Lính xử tội vây tứ phía đưa cao gươm giáo, lao
phóng sáng lòa.
Thấy tên cướp không tỏ dấu sợ hãi chi
cả, chúng phải kêu: - Thưa các Ngài,
hãy nhìn người này xem. Ðứng giữa trăm người lăm lăm vũ khí, ông ta chẳng run
chẳng sợ. Thật là điều lạ lùng.
Quá kinh ngạc và thán phục, chúng reo
hò ầm ĩ, rồi đến tâu lên vua. Nghe hết chuyện, vua phán:
- Hãy thả người ấy ra.
Họ đến bạch Phật câu chuyện. Ðức Thế
Tôn phóng hào quang, phân thân đến pháp trường nói kệ:
(344) Lìa rừng lại hướng rừng,
Thoát rừng chạy theo rừng,
Nên xem người như vậy,
Ðược thoát khỏi buộc ràng,
Lại chạy theo ràng buộc.
Nghe pháp âm mầu nhiệm, thầy Tỳ-kheo bỏ
đạo đang nằm trên bàn chông lính vây quanh kín đặc, liền quán tưởng đề mục sanh
tử, quán tam pháp ấn, thấu rõ ngã không và đắc quả Dự lưu. Trong niềm an lạc
của đạo quả vừa đắc, thầy bay lên không đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài. Ngay
giữa chúng hội, trong đó có cả nhà vua, thầy đắc quả A-la-hán.
4. Ngôi Nhà Tù
Người trí xem chưa bền...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ngụ
tại Kỳ Viên, liên quan đến ngôi nhà tù.
Một hôm, các tội phạm bị dẫn đến trước
vua Ba-tư-nặc, nào trộm đạo, cướp đường, nào những kẻ giết người. Vua ra lệnh
dùng gông cùm, dây thừng và dây xích trói họ lại. Lúc ấy, có ba mươi thầy
Tỳ-kheo ở vùng quê đến thăm đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi lui. Hôm sau, đi
quanh thành Xá-vệ khất thực, các thầy qua chỗ nhà tù và thấy bọn tội phạm.
Chiều lại, khất thực xong các thầy đến yết kiến Phật và bạch:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay đi khất thực
chúng con thấy các tội nhân ở trong nhà tù. Họ bị trói bằng gông cùm, dây
thừng, dây xích, vô cùng đau khổ. Họ chẳng cởi nổi các gông cùm này để trốn
thoát được. Bạch Thế Tôn, có thứ gì trói buộc bền chắc hơn nữa không?
Ðức Phật đáp:
- Này các Tỳ-kheo, những thứ đó đâu đã
lấy gì làm bền chắc. Hãy xem sự trói buộc của si mê, gông xiềng có tên là tham
ái, sự ràng rịt của lòng tham luyến của cải, lúa thóc, vợ con. Dây trói buộc
này còn bền chắc gấp trăm, nói cho đúng, gấp nghìn lần hơn những thứ các ông đã
thấy. Nhưng dầu nó bền chắc như vậy và khó cởi bỏ đến thế mà xưa kia người có
trí vẫn cởi bỏ được, ra đi vào Hy-mã-lạp-sơn, xa lìa thế tục.
Rồi Ngài kể chuyện tiền thân:
Chuyện quá khứ:
4A. Chồng Và Vợ
Vào thuở xa xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Ngài
là con trai một gia đình nhà nghèo nọ. Khi đến tuổi trưởng thành thì cha chết,
chàng phải đi làm mướn nuôi mẹ. Bà mẹ chọn cưới cho chàng một cô gái con nhà tử
tế, mặc những lời phản đối của chàng. Thời gian sau, mẹ già qua đời, vợ chàng
hoài thai đứa con đầu lòng.
Chẳng biết vợ đang mang thai, chàng
bảo:
- Này em, hãy tự kiếm sống nhé. Anh sẽ
đi tu.
Vợ chàng đáp:
- Em đang có thai. Xin đợi đến ngày em
sinh nở, chàng thấy mặt con rồi đi tu cũng không muộn.
- Thôi được.
Khi cô vợ sanh đứa bé xong, chàng từ
giã vợ:
- Em thân yêu, em đã sanh nở mẹ tròn
con vuông. Anh có thể đi tu được rồi chứ.
Nhưng cô vợ nói:
- Xin chàng chờ đến lúc con dứt sữa hãy
đi.
Trong khi chàng chờ, cô vợ có thai đứa
con thứ hai.
Chàng tự nghĩ: "Nếu ta làm theo
lời yêu cầu của nàng thì chẳng bao giờ đi được. Ta sẽ bỏ trốn và xuất gia, đừng
cho nàng hay gì cả". Thế là không nói một lời về dự định của mình, giữa
đêm chàng trở dậy trốn đi. Lính gác thành bắt chàng. Nhưng chàng thuyết phục
được họ thả ra:
- Thưa các ông, tôi phải săn sóc mẹ
già. Xin các ông tha cho tôi.
Ở lại quanh đấy một thời gian, chàng
lên đường về vùng Hy-Mã-lạp-sơn sống đời ẩn sĩ. Sau khi đắc thần thông và tu
chứng được những quả vị cao hơn, chàng tiếp tục sống ở đấy, vui hưởng thiền
duyệt. Chàng thầm nghĩ: "Ta đã bứt tung được sợi dây trói thật quá ư bền
chắc, sợi dây tham dục xấu xa, sợi dây của lòng luyến ái vợ con".
Nghĩ rồi, chàng đọc một bài kệ.
(Kết Thúc Chuyện Quá Khứ)
Kể xong chuyện quá khứ, đức Thế Tôn nói
kệ làm rõ nghĩa bài kệ của nhà ẩn sĩ:
(345) Sắt, cây, gai trói buộc,
Người trí xem chưa bền,
Tham châu báu, trang sức,
Tham vọng vợ và con.
(346) Người có trí nói rằng:
"Trói buộc này thật bền,
Trì kéo xuống, lún xuống,
Và thật sự khó thoát.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ dục lạc không màng".
5. Sắc Ðẹp Phù Du
Người đắm say ái dục...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ngụ
tại Trúc Lâm, liên quan đến hoàng hậu Khema,
vợ vua Tần-bà-sa-la.
Người ta nói rằng bà Khema, do phước báu lời nguyện dưới chân
Phật Padumuttara, nhan sắc vô
cùng lộng lẫy. Nghe đồn đức Thế Tôn thường chê trách sắc đẹp thể chất, bà tránh
không gặp Phật. Vua Tần-bà-sa-la biết bà rất tự kiêu về sắc đẹp của mình nên
cho người làm những bài ca tán thán Trúc Lâm, rồi ra lịnh cho các nghệ sĩ hát
các bài ca ấy khắp nơi.
Nghe các bài ca, Trúc Lâm đối với bà
thật là một nơi xa xôi nào chưa từng biết. Bà hỏi các nghệ sĩ:
- Các ngươi hát về khu rừng nào thế?
- Tâu hoàng hậu, chúng con hát về rừng
Trúc Lâm của lệnh bà đấy.
Tức thì hoàng hậu muốn xem Trúc Lâm.
Lúc ấy, đức Thế Tôn đang ngự trên tòa giảng pháp cho tứ chúng, biết bà đến bèn
hóa phép cho một cô gái tuyệt đẹp cầm quạt đứng quạt hầu Phật.
Hoàng hậu Khema bước vào Pháp đường, thấy cô gái bà nghĩ thầm:
"Ta vẫn nghe nói đấng Ðại Giác chê trách sắc đẹp thể chất. Mà đây lại có
cô gái này đứng quạt hầu Ngài. Ta chẳng sánh được một góc sắc đẹp cô ấy. Quả
thực ta chưa bao giờ thấy ai đẹp như vầy. Chắc chắn người ta nói về đức Thế Tôn
không được đúng lắm".
Hoàng hậu cứ dán mắt vào người đẹp, lời
giảng pháp của đứa Thế Tôn chẳng lọt một tiếng vào tai bà. Phật biết bà đang
chú tâm vào cô gái, liền biến người đẹp trẻ trung diễm lệ kia thành bà già lụ
khụ, rồi cuối cùng chỉ còn là một túi da bọc xương. Thấy thế, hoàng hậu Khema suy nghĩ: "Chỉ trong phút chốc
thôi, một hình hài tuyệt mỹ như thế đã đi đến chết chóc, hoại diệt. Quả nhiên
hình hài vật chất này không thật chút nào!"
Ðức Thế Tôn đọc được tư tưởng bà, liền
bảo:
- Khema,
bà nghĩ một cách sai lầm rằng sắc đẹp thể chất là có thật. Bà hãy xem cái không
thật của nó kìa.
Ngài nói kệ:
Bà
Khema có thấy
Mớ duyên hợp kia không?
Ðầy bệnh hoạn thối ung
Ðồ bất tịnh dơ xấu
Từng phút giây rỉ chảy
Chỉ những kẻ ngu si
Mới đắm say thứ ấy.
Nghe xong, hoàng hậu Khema đắc quả Dự-lưu. Ðức Thế Tôn bảo bà:
- Này Khema,
chúng sanh trong thế gian này đắm say ái dục, bị lòng sân hận làm hư hỏng, bị
ngu si đánh lừa, do đó dính chặt trong dòng sông tham ái, không thể vượt thoát
ra nổi.
Và Ngài nói kệ giảng pháp:
(347) Người đắm say ái dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng.
Khi bài pháp kết thúc, hoàng hậu Khema đắc quả A-la-hán. Hội chúng cũng
được lợi lạc.
Ðức Phật bảo vua Tần-bà-sa-la:
- Ðại vương, bà Khema giờ hoặc phải xa rời thế tục, hoặc
phải nhập Niết-bàn.
Vua bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy nhận bà
ấy vào Tăng đoàn, khoan nhập Niết-bàn.
Bà Khema
xuất gia và trở thành một trong những Trưởng lão ni xuất sắc của Tăng đoàn đức
Phật.
6. Chàng Trai Có Cô Vợ Diễn Viên Nhào Lộn
Bỏ quá, hiện, vị lai...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Uggasena.
Thuở ấy tại thành Vương-xá, mỗi năm một
hoặc hai lần, năm trăm diễn viên xiếc nhào lộn lại đến biểu diễn cho nhà vua
xem suốt bảy ngày. Họ kiếm được nhiều tiền và vàng: quả thực, người ta tung quà
thưởng tới tấp vào họ. Khán giả chồng chất giường ngủ lên nhau thật cao, trèo
lên xem cho rõ những màn xiếc hấp dẫn.
Hôm ấy, một nữ diễn viên leo lên cây
cột cao, quay lộn một vòng rồi cô nhẹ nhàng đặt chân lấy thăng bằng trên đầu
cột, cứ lơ lửng trên không như thế cô vừa khiêu vũ vừa hát. Trong đám khán giả
có con trai quan chưởng khố cũng đứng trên đống giường với bạn chàng, xem cô
biểu diễn. Tay chân cô cử động mềm mại duyên dáng quá làm chàng nhìn say sưa,
và chàng yêu cô gái luôn. Tan hát về nhà chàng nói: "Nếu cưới được nàng ấy
ta mới sống, còn không ta chết quách cho xong". Chàng gieo mình xuống
giường, chẳng chịu ăn uống gì nữa.
Bố mẹ chàng hỏi:
- Con ơi, con bịnh làm sao?
Chàng đáp:
- Nếu con cưới được con gái người hát
xiếc con mới sống. Còn không, con sẽ chết thôi.
Bố mẹ chàng khuyên:
- Con ơi, đừng làm vậy. Cha mẹ sẽ cưới
cho con một cô vợ khác mới là môn đăng hộ đối chứ.
Chàng vẫn một mực nói câu ấy và nằm lỳ
trên giường. Cha chàng kiên nhẫn giảng cho chàng hiểu, rốt cuộc cũng không làm
cho chàng tỉnh trí được chút nào. Cuối cùng ông cho gọi người bạn của chàng đến
đưa một ngàn tiền vàng và bảo:
- Cậu hãy trao số tiền này cho người
hát xiếc và bảo ông ấy đưa con gái về cho con trai ta.
Người hát xiếc nói:
- Tôi đâu bán con lấy tiền. Nếu cậu ấy
không thể sống thiếu con gái tôi thì hãy để cậu ấy đi với bọn tôi. Chịu như vậy
tôi mới gả con gái.
Bố mẹ chàng cho chàng hay tin. Chàng
liền bảo:
- Tất nhiên,con sẽ đi với họ thôi.
Bố mẹ chàng năn nỉ, khuyên lơn. Chàng
chẳng màng đến những lời họ nói, bỏ theo đoàn hát xiếc.
Chàng cưới cô gái diễn viên và cùng
đoàn hát đi biểu diễn qua khắp làng mạc, thành thị, kinh đô. Chẳng bao lâu, cô
vợ sanh một đứa con trai. Mỗi khi chơi đùa với con, cô gọi con là "con bác
đánh xe" hoặc "con chú loong toong", hay "con gã chẳng biết
gì ráo". Anh chồng quả cũng có đảm nhiệm việc chăm sóc cỗ xe gánh xiếc.
Mỗi khi đoàn biểu diễn, chàng sửa soạn dụng cụ, dàn dựng lên hoặc dọn dẹp khi
tan hát.
Chính muốn ám chỉ các việc làm ấy mà vợ
khi nựng con đã dùng những từ trên. Chàng đi đến kết luận là cô muốn nói bóng
gió mình, bèn hỏi:
- Nàng muốn ám chỉ ta ư?
- Ðúng thế, tôi nói anh đấy.
- Ðã vậy, ta sẽ bỏ nàng.
- Anh đi hay ở đâu việc gì đến tôi.
Cô vẫn dùng những từ ngữ ấy đùa với
con. Sắc đẹp và số lợi tức khổng lồ cô kiếm được làm cô bất cần chồng.
Chàng nghĩ: "Sao cô ta kiêu ngạo
thế?" Ngay sau khi ấy chàng hiểu ra: "Chính vì cô ta là một diễn viên
tài năng". Chàng quyết định: "Ðược! Ta sẽ học làm xiếc".
Chàng học tất cả các ngón biểu diễn với
cha vợ. Chàng đi trình diễn khắp làng mạc, thành thị, kinh đô, hết chỗ này đến
chỗ kia, cuối cùng lại trở về Vương-xá, chàng truyền rao khắp thành: "Bảy
ngày nữa, Uggasena con trai ngài
chưởng khố sẽ biểu diễn nghệ thuật cho dân thành Vương-xá xem". Dân chúng
rộn rịp dựng khán đài thật cao, và đúng ngày thứ bảy, họ kéo nhau đến. Uggasena leo lên cây cột cao ba chục mét
và đứng lơ lửng trên đầu sào.
Hôm ấy, từ sớm đức Thế Tôn quan sát thế
gian và Uggasena xuất hiện trong
tầm quán sát của Ngài. Thế Tôn tự nghĩ: "Người thanh niên ấy sẽ ra
sao?". Ngay sau đó, Ngài biết được: "Con trai quan chưởng khố sẽ đứng
lơ lửng trên đầu sào kia để biểu diễn màn xiếc của chàng và đông đảo khán giả
sẽ tụ tập xem. Vào thời điển ấy ta sẽ đọc bài kệ bốn câu. Nghe xong tám vạn bốn
ngàn người sẽ được Pháp nhãn thanh tịnh, còn Uggasena
thì đắc quả A-la-hán".
Ngày hôm sau, lựa đúng giờ thích hợp,
đức Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo lên đường vào thành Vương-xá khất thực.
Trước khi Phật đặt chân vào thành, tại
chỗ biểu diễn, Uggasena đưa tay
ra dấu chào trả tiếng vỗ tay của khán giả. Và giữ thăng bằng trên đầu cột,
chàng bay lộn bảy vòng trong không, đặt chân trở lại trên đầu cột và đứng giữ
thăng bằng ở đấy. Ðúng lúc này, đức Thế Tôn vào thành, và do sự xếp đặt của
Ngài, khán giả quay nhìn Ngài thay vì nhìn Uggasena
biễn diễn. Thấy khán giả không còn quan tâm đến mình nữa, Uggasena vô cùng thất vọng. Chàng nghĩ:
"Ta phải mất một năm mới luyện được màn biểu diễn này. Thế mà đức Thế Tôn
vừa đặt chân đến thành, khán giả đã bỏ ta quay lại chiêm ngưỡng Ngài. Buổi biểu
diễn của ta thế là hoàn toàn thất bại. "Phật đọc được tư tưởng của chàng
liền bảo Trưởng lão Mục-kiền liên:
- Ông hãy đến bảo con viên chưởng khố
ta muốn xem chàng biểu diễn tài nghệ.
Tôn giả đến bên cây cột nói với chàng
diễn viên:
Này,
Uggasena
Diễn viên xiếc tài ba!
Hãy phô trương tài nghệ,
Cống hiến dân thành ta.
Uggasena nghe vậy vô cùng hoan hỉ:
"Chắc đức Thế Tôn muốn xem tài năng của ta". Nghĩ vậy, chàng liền
đáp, trong lúc vẫn đứng lơ lửng trên đầu cột:
Hãy
xem tôi, Mục-kiền-liên Tôn giả!
Bậc đại trí, bậc đại thần thông!
Tôi trổ tài cống hiến đám đông
Và làm họ cười reo thỏa thích
Từ trên đầu cột chàng tung mình lên
không, quay lộn mười bốn vòng rồi đặt chân trở lại, giữ thăng bằng trên đầu
cột.
Ðức Thế Tôn bảo:
- Này Uggasena,
người trí phải biết cởi bỏ buộc ràng của thân ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại
và vị lại. Như vậy, người ấy mới thoát được sanh, già, bệnh, chết.
Ngài nói kệ:
(348) Bỏ quá, hiện, vị lai,
Ðến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già.
Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người
được pháp nhãn thanh tịnh, con trai quan chưởng khố đắc quả A-la-hán và được
thần thông ngay khi chàng còn đứng lơ lửng đầu cột.
Chàng tụt xuống, tiến tới trước đức Thế
Tôn, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật và xin được gia nhập Tăng đoàn. Phật
đưa tay nói: "Hãy đến, Tỳ-kheo!" Chàng liền biến thành một vị Trưởng
lão chừng sáu mươi tuổi, với đầy đủ tám vật dụng tùy thân. Các thầy Tỳ-kheo hỏi
Trưởng lão:
- Này huynh Uggasena, huynh leo từ cây cột ba chục thước xuống mà không
sợ sao?
Uggasena đáp:
- Chư huynh đệ, tôi chẳng sợ chút
nào. Chúng Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, Uggasena nói "Tôi chẳng sợ chút
nào" là nói điều không thật. Ông ấy phạm việc dối trá.
Phật bảo:
- Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo như Uggasena đã diệt trừ tham ái, không còn lo
âu sợ hãi gì nữa.
Ngài nói kệ:
(397) Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ,
Không đắm trước buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn
Một hôm, chúng Tỳ-kheo bàn luận với
nhau trong Pháp đường: "Chư huynh đệ, vì sao một vị Tỳ-kheo có khả năng
chứng A-la-hán như vị này lại lưu lạc theo đoàn xiếc chỉ vì cô con gái của
người hát xiệc? và làm thế nào ông ấy có khả năng chứng A-la-hán?"
Ðức Thế Tôn đến gần, hỏi:
- Này các Tỳ-kheo, các ông tụ tập luận
bàn gì thế?
Khi nghe họ bạch, Phật bảo:
- Này các Tỳ-kheo, hai việc này xảy ra
trong cùng một trường hợp thôi.
Ðể làm sáng tỏ câu chuyện, Phật kể:
Chuyện quá khứ:
6A. Lời Nói Ðùa Và Qủa Báo
Thuở xa xưa, khi ngôi tháp bằng vàng
thờ xá lợi Phật Ca-diếp đang được xây cất, con cái một số Phật tử thuần thành ở
Ba-la-nại đến chỗ xây tháp công quả bằng cách đích thân bắt tay vào việc xây
cất công trình ấy, và họ mang theo những cỗ xe chất đầy thực phẩm. Trên đường
đi, họ gặp nột Trưởng lão đang đi vào thành khất thực. Trong những người đi
công quả có một phụ nữ trẻ thấy Trưởng lão bèn nói với chồng cô:
- Này anh, vị Trưởng lão tôn kính của
chúng ta đang vào thành khất thực. Xe ta chứa vô số thực phẩm cả cứng lẫn mềm.
Anh hãy đến đỡ bình bát của Ngài và cúng dường đi.
Người chồng đến đỡ bình bát Trưởng lão
và họ múc đầy bát thức ăn vừa cứng vừa mềm. Xong hai vợ chồng phát nguyện:
- Bạch Ðại đức, chúng con nguyện được
dự phần với Ngài chân lý mà Ngài đã sáng tỏ.
Vị Trưởng lão đã đắc A-la-hán. Ngài
quan sát xem thử đời vị lai lời nguyện họ được thành không. Khi biết lời nguyện
sẽ thành, Ngài mỉm cười. Cô vợ nhìn thấy nụ cười ấy bảo chồng:
- Anh à, vị Trưởng lảo tôn quý của
chúng ta cười. Chắc Ngài cũng là diễn viên.
Anh chồng đáp:
- Ừ phải, chắc Ngài là diễn viên thật
em ạ!
Họ tiếp tục đi lo công việc của mình.
Ðây là nghiệp họ tạo trong quá khứ.
(Chấm Dứt Chuyện Quá Khứ)
Khi mãn kiếp, hai vợ chồng được tái
sinh lên cõi trời. Vào thời đức Phật hiện tại, người vợ thọ sanh trong nhà một
diễn viên xiếc, người chồng thì làm con trai quan chưởng khố. Do chàng nói:
"Ừ phải, chắc Ngài là diễn viên thật em ạ", kiếp này chàng phải phiêu
bạt theo đoàn xiếc. Do chàng cúng dường một bữa ăn cho vị Trưởng lão A-la-hán,
nên chàng đắc quả A-la-hán.
Cô gái con người hát xiếc tự bảo:
"Chồng ta chứng đắc quả vị gì thì ta cũng sẽ chứng đắc như chàng"
Cô bèn xuất gia và cũng đắc quả
A-la-hán.
7. Xạ Thủ Trẻ Tài Ba
Người tà ý nhiếp phục...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang trú tại Kỳ viên, liên quan đến thầy Tỳ-kheo trẻ tên Culla dhanuggaha Pandita, có nghĩa là
chàng xạ thủ tài ba.
Một hôm, một thầy Tỳ-kheo trẻ đến lượt
đi nhận thức ăn cúng dường, cầm bát cháo về đến trai đường thấy hết nước uống.
Thầy vào nhà đàn việt xin. Trong nhà lại có côn gái trẻ vừa trông thấy thầy
Tỳ-kheo liền đem lòng luyến ái, cô nói:
- Bạch Ðại Ðức, khi nào cần nước uống,
xin Ngài trở lại đây chớ đừng đi nơi khác.
Từ đấy, mỗi khi không có nước uống,
thầy chỉ đến nhà cô gái xin. Cô đích thân đỡ bình bát đổ đầy nước cho thầy. Dần
dà, cô cúng dường cả cháo. Một hôm, cô đem ghế mời thầy ngồi và cúng dường cơm.
Cô ngồi kề bên, gợi chuyện:
- Bạch Ðại Ðức, nhà đây thật là cô
quạnh. Chúng con suốt ngày chẳng có bóng người khách viếng thăm.
Sau khi nghe cô trò chuyện vài lần,
thầy Tỳ-kheo bắt đầu thấy chán đời tu.
Bữa kia, có vài thầy Tỳ-kheo khác đến
thăm thầy, hỏi:
- Huynh sao trông vàng vọt thế?
- Thưa chư huynh, tôi đang phiền muộn.
Các thầy Tỳ-kheo bèn đem thầy đến gặp
thầy tế độ và Giáo thọ của thầy. Hai vị lại đưa thầy đi gặp Phật và bạch lên sự
việc, Phật bảo:
- Này Tỳ-kheo, có đúng là ông đang
phiền não?
- Thưa đúng, Bạch Thế Tôn!
Nghe thầy Tỳ-kheo trả lời, đức Thế Tôn
nghiêm nghị trách:
- Này Tỳ-kheo làm sao mà sau khi xuất
gia được nhập vào Tăng đoàn của Như Lai đại hùng đại lực, thay vì khiến mọi
người phải nói rằng ông đã đắc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, ông lại để
họ nói rằng ông bị phiền não? Ông thật là có lỗi lớn.
Rồi đức Thế Tôn hỏi tiếp:
- Tại sao ông phiền não?
- Bạch Thế Tôn, có cô nọ nói với con
như vầy, như vầy.
- Này Tỳ-kheo, cô ta làm như thế chẳng
có gì lạ lùng. Trong khiếp trước cô ta đã bỏ rơi Dhanuggaha, người bắn cung giỏi nhất trên toàn cõi Ấn độ.
Chỉ vì sự đam mê bồng bột nhất thời với một tướng cướp, cô đã sát hại chồng.
Các thầy Tỳ-kheo xin Phật kể rõ câu
chuyện. Ngài nói:
Chuyện quá khứ:
7A. Xạ Thủ Trẻ Tài Ba
Thuở xa xưa, có chàng trai tên Xạ Thủ
Tài Ba, Culla Dhanuggaha. Chàng
theo học bắn cung với một vị thầy rất danh tiếng ở Takkasilà. Chàng tiến bộ thật nhanh chóng khiến thấy hài
lòng vô cùng, bèn gả con gái cho chàng. Cưới hỏi xong, chàng đưa vợ về
Ba-la-nại. Ðến một khu rừng, chàng giết được năm mươi tên cướp, chỉ dùng năm
mươi mũi tên. Khi tên cạn, chàng túm lấy tên cầm đầu bọn cướp, quất xuống đất
rồi kêu cô vợ:
- Nàng ơi! Hãy đưa kiếm cho ta.
Nhưng vừa thấy tên cướp, cô vợ bỗng đem
lòng say mê, bèn trao kiếm cho hắn. Gã lập tức giết chàng xạ thủ rồi dẫn cô đi
theo.
Vừa đi gã vừa nghĩ:
- Nếu cô ta thấy tên đàn ông khác cũng
sẽ giết ta như đã giết chồng, ta giữ nàng phỏng có ích gì?
Ðến con sông, gã để cô ở lại bên này,
mang hết đồ trang sức sang sông và nói:
- Nàng ở lại đây, ta đem đồ qua trước
đã.
Rồi gã bỏ mặc cô đấy. Cô kêu:
-
Hỡi chàng Bà-la-môn!
Chàng mang hết sang sông
Ðồ trang sức em đó
Xin chàng mau trở lại,
Ðem em theo qua cùng.
Tên tướng cướp đáp:
-
Cô nàng ơi!
Cô dổi người chồng bao năm kề vai sát cánh
Ðể lấy ta, kẻ chưa hề quen.
Cô đem anh chồng từng ngọt bùi chia xẻ,
Ðổi một người cô chẳng biết ra sao.
Cô ạ, cô sẽ lại bỏ ta theo kẻ khác
Thôi chào cô, ta lo tránh xa đây.
Ðể làm người đàn bà phải xấu hổ, Ðế
Thích liền hiện xuống mang theo người đánh xe và viên nhạc thần. Ðế Thích hóa
thành con chó rừng, người đánh xe đội lốt cá, còn nhạc thần làm con chim. Chó
ngậm miếng thịt đứng trước người đàn bà. Con cá nhảy lên nhảy xuống dưới nước,
chó phóng xuống chụp, đánh rơi miếng thịt, chim cắp thịt bay vù đi. Cá biến
dạng xuống dòng sông. Chó mất cả chì lẫn chài. Người đàn bà phá ra cười. Chó
hỏi:
-
Ai đứng bên bụi cây cười đó?
Xin nói đi, vì sao người đẹp cười
Ðâu phải nơi vũ hội, hát ca
Ðây đâu phải lúc vỗ tay đánh nhịp
Chính là lúc phải khóc, người đẹp ạ!
Người đàn bà đáp:
-
Chó ngu ơi, trí khôn mày thật chỉ bé tẹo,
Mày chỉ có nước khóc như tên ăn mày,
Mày đánh mất cả cá lẫn thịt
Chó đáp:
-
Chân mình thì lấm mê mê,
Mà đi lấy đuốc để rê chân người,
Cả tình nhân lẫn chồng, cô mất
Chính cô mới nên khóc đấy ạ!
Bấy giờ cô ta mới nói:
-
Ðúng vậy, hỡi chó rừng, vua loài thú,
Thôi từ đây ta ngoan ngoãn theo chồng.
Chó đáp lại:
-
Ăn cắp trứng sẽ ăn cắp gà nữa
Làm ác rồi, cô sẽ tiếp tục thôi.
Ðức Thế Tôn kể xong câu chuyện tiền
thân về chàng Culla Dhanuggaha
(có trong quyển năm bộ Nipàta,
Ngài nói:
- Kiếp ấy, ông là chàng xạ thủ trẻ,
người đàn bà kia là cô gái cho ông uống nước đó. Vua Ðế Thích chính là ta. Cô
kia chỉ mới thấy tên cướp đã mê mệt, giết mất chàng trai tài giỏi nhất Ấn Ðộ.
Này Tỳ-kheo, ông hãy nhổ hết gốc rễ lòng tham ái trong ông đối với người đàn bà
này.
Khuyên răn thầy xong, Phật giảng pháp
thêm cho thầy nghe, Ngài nói kệ:
(349) Niệm xấu làm não loạn
Dục lạc nhiều thường cầu
Rèn thêm xiền tham ái
Dây ràng xiết càng sâu.
(350) Ai vui, an tịnh ý,
Quán bất tịnh, thường niệm
Người ấy sẽ diệt ái,
Cắt đứt ma trói buộc.
8. Ma Vương Chẳng Nhát Ðược La-Hầu-La
Ai tới đích, không sợ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ma vương.
Một hôm, nhiều Trưởng lão Tỳ-kheo đến
tịnh xá Kỳ Viên không phải thời. Các thầy vào thất Trưởng lão. La-hầu-la, đánh
thức Tôn giả dậy. Thấy chẳng còn chỗ nào để ngủ, Tôn giả bèn đến nằm trước
hương thất Phật. Vị Trưởng lão tôn kính này tuy mới tám tuổi nhưng đã đắc quả
A-la-hán. Ma vương Vasavattì thấy
vậy bèn nghĩ: "Con của Sa-môn đang nằm trước cửa hương thất, còn Sa-môn
Cồ-đàm thì nghỉ ở trong. Nếu ngón tay người con bị kẹp đau, vị Sa-môn cũng sẽ
thấy đau như mình bị kẹp vậy".
Rồi hắn biến thành voi chúa khổng lồ
tiến đến bên vị Trưởng lão, dùng vòi quấn đầu Tôn giả và gầm lên thật to. Trong
hương thất, đức Thế Tôn thấy hết, bèn nói:
- Này Ma vương, trăm ngàn kẻ như ngươi
cũng không làm La-hầu-la sợ hãi được. Người này không còn kinh sợ vì đã diệt
trừ tham ái, mạnh mẽ hùng tráng, đại trí đại huệ.
Ngài nói kệ:
(351) Ai tới đích, không sợ,
Ly ái. không nhiễm ô,
Nhổ mũi tên sanh tử,
Thân này thân cuối cùng.
(352) Ái lìa, không chấp thủ,
Cú pháp khéo biện tài,
Thấu suốt từ vô ngại,
Hiểu thử lớp trước sau,
Thân này thân cuối cùng,
Vị như vậy được gọi,
Bậc đại trí, đại nhân.
Phật nói xong, rất nhiều người đắc quả
Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Ma vương tự bảo: "Sa-môn Cồ-đàm thấy
ta", hắn bèn biến mất.
9. Nhà Tu Khổ Hạnh Hoài Nghi
Ta hàng phục tất cả...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này kiên quan
đến đạo sĩ khổ hạnh Ngài tình cờ gặp tên là Upaka,
thuộc giáo phái Ajìvaka.
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, Phật
lưu lại bảy tuần tại đó. Rồi Ngài mang y, cầm bát lên đường đi mười tám dặm về
Ba-la-nại để chuyển bánh xe pháp. Trên đường đi, Ngài gặp đạo sĩ thuộc giáo
phái khổ hạnh Ajìvaka. Ðạo sĩ
hỏi:
- Huynh đệ, các căn Ngài thật tịch
tịnh, da Ngài sáng đẹp quá. Ngài theo ai xuất gia? Ai là thầy Ngài? Ngài tu
theo giáo lý của ai?
Phật đáp:
- Như Lai không có thầy tế độ, cũng
không có giáo thọ.
Ngài nói kệ:
(353) Ta hàng phục tất cả,
Ta rõ biết tất cả,
Không bị nhiễm pháp nào,
Ta từ bỏ tất cả,
Ái diệt, tự giải thoát,
Ðã tự mình thắng trí,
Ta gọi ai thầy Ta?
Upaka chẳng lộ vẻ đồng ý hay bất bình
trước những lời của Ðức Như lai. Ðạo sĩ chỉ lắc đầu, chép miện rồi rẽ vào đường
tẻ, đi đến lều một thợ săn.
10. Pháp Thí Thắng Mọi Thí
Pháp thí thắng mọi thí...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang trú ở Kỳ Viên, liên quan đến vua trời Ðế Thích.
Một hôm, chư thiên cõi trời Ba mươi ba
tụ họp lại đưa ra bốn câu hỏi:
- Vật gì bố thí cao quý nhất?
- Vị ngon nào trên tất cả?
- Hạnh phúc nào cao tột đỉnh?
- Tại sao diệt trừ tham ái là việc làm
tối hệ trọng?
Chư thiên không ai trả lời được, vị này
hỏi vị kia, vị kia hỏi vị nọ, cho đến lúc mỗi vị đã hỏi đủ các vị khác. Suốt
mười hai năm, chư thiên đi khắp mười ngàn thế giới cũng không tìm ra được kẻ
đáp được các câu hỏi trên.
Cuối cùng, tất cả chư thiên mười ngàn
thế giới họp lại và cùng nhau đến gặp Tứ thiên vương. Các Ngài hỏi:
- Có việc gì mà chư vị tụ họp đông đảo
thế này?
Chư thiên đáp:
- Chúng thần có bốn câu hỏi không ai
trả lời được, nên kéo nhau đến hầu các đại vương.
- Những câu hỏi gì thế?
Nghe xong các câu hỏi, Tứ thiên vương
đáp:
- Chư vị, chúng tôi cũng chịu thua. Có
đức vua thường suy tư về các câu hỏi mà cả ngàn người khác cũng suy tư, và Ngài
biết ngay câu trả lời. Phước đức trí tuệ Ngài hơn hẳn chúng tôi. Ta hãy đến hầu
Ngài.
Tứ thiên vương kéo đoàn chư thiên đông
đảo kia đến gặp Ðế Thích. Vua hỏi:
- Chư vị có việc gì tụ họp đông đúc
thế?
Họ tâu lên Ðế Thích mục đích cuộc viếng
thăm. Vua nói:
- Chư vị, không ai có thể trả lời, trừ
đức Phật. Các vấn đề này nằm trong phạm vi hiểu biết của chư Phật. Hiện giời
đức Thế Tôn đang ở đâu?
- Thưa tại Kỳ Viên.
- Ta hãy đến hầu đức Thế Tôn.
Vua Ðế Thích cùng đoàn chư thiên đông
đảo đang đêm bay đến Kỳ Viên, hào quang sáng cả tinh xá. Vua đảnh lễ Phật rồi
lui ra một bên. Phật hỏi:
- Ðại vương, có việc gì mà đại vương
cùng đông đảo chư thiên đến viếng hôm nay?
- Bạch Thế Tôn, các vị này nêu bốn câu
hỏi không ai trả lời được, ngoại trừ Thế Tôn. Xin Ngài giảng giải cho chúng con
rõ.
- Ðại vương, lành thay! Chính vì để dứt
trừ nghi hối cho các chúng sanh như chư vị mà Như Lai hoàn thành mười
ba-la-mật, hành năm pháp đại xả, và chứng quả Chánh giác. Về câu hỏi của đại
vương ư? Pháp thí thắng mọi thí. Pháp vị thắng mọi vị, pháp hỉ thắng mọi hỉ. Có
diệt trừ tham ái mới đắc quả A-la-hán, cho nên đó là việc làm tối hệ trọng.
Ngài nói kệ:
(354) Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỉ, thắng mọi hỉ!
Ái diệt, thắng mọi khổ.
Chú Giải Trong Nguyên Bản:
Pháp thí thắng mọi thí: dù cúng dường pháp y đúng màu
đài hoa chuối cho tất cả các vị Phật, Các vị Bích Chi Phật, các vị A-la-hán
nhiều đến nỗi họp lại thành một hàng dọc nối từ dưới đất lên đến cõi trời Phạm
thiên cũng không bằng đọc một bài kệ hồi hướng công đức ở giữa hồi chứng. Bởi
vì công đức cúng dường y này không bằng một phần mười sáu của việc đọc lên bài
kệ. Do vậy mới biết tầm quan trọng của việc giảng pháp, đọc tụng pháp và nghe
pháp.
Kẻ nào giúp
chúng sanh được nghe pháp sẽ nhận được phước báo lớn hơn phước báo cúng dường
vật thực, cho dù người múc đầy bình bát tất cả các vị Phật, Bích Chi Phật,
A-la-hán nói trên với những thức ăn thượng vị. Phước báo do cúng dường pháp
cũng lớn hơn cúng dường các thứ thuốc men bổ dưỡng như bơ, sữa... cũng lớn hơn
cùng dường nhà ở, cho dù người ấy xây dựng không kể xiết cả trăm ngàn tinh xá
lớn như Maha Vihàra, những tinh
xá tiện nghi như Loha Pàsadà.
Phước báo ấy cũng lớn hơn cả phước báo ông Cấp Cô Ðộc và các vị khác được hưởng
do công cúng dường kho báu xây dựng các tinh xá. Bố thí pháp dù chỉ đọc lên một
bài kệ hồi hướng bốn câu, được phước báo vô lượng vô biên nhiều hơn cacù thứ bố
thí ấy.
Tại sao thế?
Tất cả những kẻ bố thí nó trên sở dĩ cúng dường do có nghe pháp. Nếu chưa được
nghe, không bao giờ họ thực hiện những việc cúng dường ấy. Chúng sanh trong cõi
Ta-bà này nếu không từng nghe pháp chẳng ai bố thí một vá cháo, hoặc chỉ một
muỗng cơm. Vì lý do ấy, pháp thí thắng mọi thí.
- Thực thế, trừ
trường hợp ngoại lệ của chư Phật và các vị Bích Chi Phật, những vị như Tôn giả
Xá-lợi phất và bạn bè Ngài dù có thần
thông đếm được hết những giọt mưa của tất cả những trận mưa trong suốt một
kiếp, cũng không thể tự mình đắc quả Tu-đà-hoàn và các quả vị khác mà phải nhờ
đến bài pháp của Trưởng lão Ác bệ, của các vị khác. Và sau cùng, khi nghe pháp
của đức Thế Tôn, tôn giả mới hành trì được các ba-la-mật Ðại Vương, vì lý do
ấy, pháp thí thắng mọi thí.
Nói về các vị
ngon, từ đường mật... cho đến sơn hào hải vị quý hiếm như thức ăn của chư thiên
đều lôi cuốn người ham thích phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên nó
là gốc khổ của chúng sanh. Chỉ có hương vị của Giáo pháp, hiểu thấu ba mươi bảy
phần trợ đạo đưa đến Chánh giác và chín bậc thiền định là thượng vị. Cho nên
nói: Pháp vị thắng mọi
vị.
Những lạc thú
của người đời như con cái, dục lạc, ca nhạc, hát múa... cũng chỉ lôi cuốn người
ham thích trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nó cũng là gốc khổ của chúng sanh.
Nhưng pháp hỉ sanh trong tâm kẻ nói pháp, hoặc nghe pháp, khiến họ được hưởng
trạng thái an lạc vô biên, khiến nước mắt phải chảy, tóc lông phải dựng ngược.
Sự an lạc này lại chấm dứt sanh tử luân hồi, cứu cánh đạt đến quả vị A-la-hán.
An lạc này mới là tối thắng? Cho nên nói: Pháp hỉ thắng mọi hỉ.
Cuối cùng đến
vấn đề tham ái. Khi tham ái diệt, hành giả chứng đắc A-la-hán. Do ái diệt nên
dứt sạch hết đau sanh tử luân hồi, cho nên nói: Ái diệt thắng mọi khổ.
Phật nói pháp xong, vua Ðế Thích đảnh
lễ Phật và nói:
- Bạch Thế Tôn, nếu pháp thí tôn quý
như vậy sao Ngài không dạy hồi hướng công đức ấy cho chúng con? Từ đây mỗi khi
Thế Tôn nói pháp cho chúng hội Tỳ-kheo, cúi xin Ngài khiến họ hồi hướng công
đức cho chúng con.
Phật nghe lời thỉnh cầu ấy liền họp
chúng Tỳ-kheo bảo:
- Này các Tỳ-kheo từ đây trở đi mỗi khi
có thuyết pháp, dù trong chúng hội lớn hay chỉ một buổi giảng pháp bình thường
, hoặc một bài pháp vắn tắt, hoặc khi nói lời cảm tạ, các ông hãy nhờ hồi hướng
lại công đức cho tất cả chúng sanh.
11. Quan Chưởng Khố Không Con
Tài sản hại người ngu ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang trú tại Kỳ Viên, liên quan đến quan chưởng khố không con tên Aputtaka.
Chuyện kể rằng khi quan chưởng khố
chết, vua Ba-tư-nặc hỏi:
- Người không con khi chết tài sản
thuộc về ai?
- Muôn tâu, thuộc về bệ hạ.
Vua cho chở tài sản người quá cố về
cung suốt bảy ngày mới hết. Rồi vua đến hầu Phật, Phật hỏi:
- Kìa Ðại vương, do đâu giữa trưa đại
vương đến dây?
- Bạch Thế Tôn, tại thành Xá-vệ này có
quan chưởng khố không con chết ngày hôm kia. Con vừa cho chở xong tài sản về
cung rồi liền đến đây.
Vua bạch tiếp:
- Con nghe mỗi khi thức ăn thượng vị
đựng trong dĩa vàng đem đến cho quan chưởng khố, ông ấy nói: "Người ta ăn
thức ăn này à? Tại sao bọn ngươi dám đùa cợt với ta ngay tại nhà ta?" Nếu
các người hầu đánh bạo dọn cho ổng ăn, ổn sẽ ném đất đá hoặc lấy gậy đánh đuổi
họ đi. Ông chỉ ăn cháo cám hoặc cháo chua, nói rằng: "Người ta chỉ ăn
những thức ăn này thôi". Người hầu đem đến những quần áo đẹp, xe cộ tốt, ô
dù, đều bị ông đánh đuổi bằng đất đá, gậy gộc như trên. Ông chỉ mặc áo quần vải
gai thô, đi cỗ xe cũ kỹ cọc sạch, đầu thì hái lá che.
Phật bèn kể chuyện kiếp trước của quan
chưởng khố:
Chuyện quá khứ:
11A. Quan Chưởng Khố Bỏn Xẻn
Ðại vương, vào thời quá khứ, quan
chưởng khố này đã cúng dường thức ăn cho một vị Bích Chi Phật tên Tagarasikhi.
- Hãy đem thức ăn cho thầy Tỳ-kheo.
Ông bảo vợ vậy, rồi đứng lên đi làm
việc khác. Bà vợ mộ đạo nghe lời chồng, nghĩ thầm: "Thực lâu lắm ta mới
nghe miệng ông ấy thốt ra chữ "đem cho". Hôm nay, niềm nở mơ ước được
cúng dường của ta biến thành sự thật". Bà đỡ lấy bình bát của vị Bích Chi
Phật, múc đầy những thức ăn ngon lành nhất.
Quan chưởng khố quay lại, thấy vị Bích
Chi Phật liền hỏi:
- Thầy đã nhận thức ăn chưa?
Ông cầm bát thầy và trông thấy các thức
ăn thượng vị, bất giác tiếc rẻ nghĩ thầm: "Phải chi các thứ này để bọn
người hầu ta ăn thì tốt hơn biết mấy! Chúng ăn xong sẽ làm việc tích cực. Còn
thầy Tỳ-kheo chỉ ăn rồi nằm ngủ. Thực phẩm này cho đi thật chẳng được gì"
Quan chưởng khố lại còn giết chết con
trai độc nhất của anh mình để đoạt gia tài. Người cháu thường nắm tay chú dẫn
đi chỗ này, chỗ nọ, miệng liến thoắng:
- Cỗ xe này thuộc tài sản cha cháu đấy!
Bò này cũng là bò của người.
Quan chưởng khố nghĩ: "Lúc này hắn
còn nói thế. Hắn khôn lớn rồi còn có thể thấy được của cải hắn trong nhà
này?". Một hôm, ông dắt cháu vô rừng, xiết cổ cho chết như người ta bẻ một
củ cải vậy, rồi quăng xác vào bụi rậm. Ðấy là tội ác của ông trong kiếp trước
nữa.
(Chấm Dứt Chuyện Quá Khứ)
Ðại vương, do quan chưởng khố kêu người
vợ đem thức ăn cúng dường vị Bích Chi Phật, suốt bảy kiếp liền ông thọ phước
lành rồi tái sanh trên cõi trời. Do dư báo của việc thiện ấy, suốt bảy kiếp ông
giữ độc quyền chức chưởng khố thành Xá-vệ. Ðại vương, trái lại do tiếc rẻ việc
thiện mình đã làm và thốt lời báng bổ, khi quả báo đến ông không thể dùng thức
ăn ngon, mặc đồ đẹp, đi xe tốt, không thể thưởng thức ngũ dục thế gian.
Hơn thế, do giết cháu để đoạt gia tài,
ông bị đọa địa ngục hàng trăm ngàn kiếp. Và do một phần của dư báo ác ấy, suốt
bảy kiếp liền ông chết không con, tài sản bị tịch biên sung vào kho vua. Ðây là
kiếp thứ bảy của ông. Ðại vương, do ông ta đã cạn phước báo mà không tạo nên
phước mới, quan chưởng khố giờ bị dọa tại địa ngục Roruva.
Phật kể xong, vua Ba-tư-nặc thưa:
- Bạch Thế Tôn, quan chưởng khố này tội
thật quá lớn. Gia tài đồ sộ thế kia hắn chẳng chi dùng cho hắn hoặc phát tâm
cúng dường đức Thế Tôn, vị Phật đang trú tại tịnh xá gần sát ngay nhà hắn.
Phật dạy:
- Ðúng vậy đại vương. Quả có thế, khi
kẻ ngu được giàu sang họ chẳng tìm cầu Niết-bàn. Trái lại, của cải chỉ khiến
tham ái nổi lên trong tâm họ làm khỏ họ lâu dài thôi. Ngài nói kệ:
(355) Tài sản hại người ngu,
Không người tìm về bờ kia,
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người.
12. Bố Thí Nhiều Và Bố Thí Ít
Cỏ làm hại ruộng vườn...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài
đang ở tại Yellowstone Rock, Pandukambala
Silà, liên quan đến Ankura.
Câu chuyện đã được kể đầy đủ chi tiết trong phần chú giải câu kệ "Người
chuyên tâm thiên định" truyện liên quan đến Indaka.
Một hôm, Trưổng lão A-na-luật vào làng
khất thực. Indaka cúng dường Tôn
giả một muỗng thức ăn của phần mình. Ðây là việc thiện ông làm trong đời trước.
Còn Ankura thì cung cấp lò sưởi
trên khắp năm mươi cây số suốt mười ngàn năm và bố thí cúng dường rất nhiều vật
thực. Indaka được phước báo lớn
hơn.
Phật dạy:
- Này Ankura,
khi bố thí nên suy xét kỹ càng. Làm vậy sẽ giống như hạt giống gieo trên đất
lành, đơm hoa kết trái sum suê. Nhưng ông đã không làm thế. Do đó, việc bố thí
của ông chẳng đưa đến phước báo lớn.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề, Phật bảo:
Bố
thí nên suy xét,
Mới gặt nên quả tốt.
Bố thí có suy xét,
Ðược người trí ngợi khen.
Vật thực dâng cúng trước
Người xứng đáng cúng dường,
Sẽ được vô lượng phước,
Như hạt giống đem gieo,
Trên mảnh đất lành tốt.
Ngài nói kệ tiếp:
(356) Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn.
(357) Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn.
(358) Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời.
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn.
(359) Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn.
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b
| 05a | 05b | 06 | 07 | 08
| 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20
| 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26a | 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002