BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
XVIII.
Phẩm Cấu Uế
1. Người Ðồ Tể Và Ðứa Con Trai
Ngươi nay giống lá héo ...
Câu chuyện này xảy ra khi Thế Tôn ở tại
Kỳ Viên, liên quan đến một đồ tể mổ bò.
Tại Xá-vệ, có một người đồ tể mổ bò.
Ông ta giết hại biết bao nhiêu con bò, thường chọn phần thịt ngon nhất cho
mình, sai vợ nấu nướng rồi ngồi vào bàn ăn, cùng vợ con nhậu thịt bò, phần còn
lại ông bán lấy tiền. Suốt năm mươi lăm năm ông giữ nghiệp này. Trong thời gian
ấy, mặc dù đức Thế Tôn ở tại tinh xá bên cạnh nhà, không bao giờ ông cúng cho
Thế Tôn một muỗng cháo hay muỗng cơm. Trừ thịt bò ra, ông ta không ăn cơm.
Ngày nọ, trời về chiều, sau khi bán vài
miếng thịt, ông đưa cho vợ miếng thịt để nấu bữa tối, và đi ra ao tắm. Một
người bạn đến nhà ông, hỏi bà vợ:
- Hãy để cho tôi ít thịt, nhà tôi có
khách.
- Thịt bán hết rồi. Ông ấy vừa đi tắm.
- Nếu còn miếng thịt nào, chị vui lòng
để cho tôi.
- Chẳng còn miếng thịt nào, trừ miếng
thịt ông ấy dặn tôi làm đồ ăn cho ổng.
Người bạn nghĩ: "Nếu đã hết thịt
bán, chỉ còn lại thịt dành riêng cho bữa ăn, và ông ấy sẽ không ăn nếu không có
thịt, chắc gì ông ấy đã chịu để miếng thịt đó cho mình". Và người này tự
động xách miếng thịt ra đi.
Tắm xong, người đồ tể trở về. Khi bà vợ
dọn ăn, chỉ có rau cải, ông hỏi:
- Còn thịt đâu?
- Không có ông ạ.
- Tôi chừa cho bà một miếng thịt trước
khi tôi đi sao?
- Một người bạn đến nhà nài mua thịt vì
nhà có khách. Tôi trả lời hết thịt bán, mà ổng cứ xách miếng thịt của ông đi
về, dù tôi có nói miếng thịt đó cốt để làm thức ăn cho ông, nếu thiếu nó ông
không ăn cơm được.
- Trừ khi có thịt tôi mới ăn. Tôi không
ăn nữa, bà dẹp đi!
- Trời ơi, làm sao bây giờ? Thôi ông
chịu khó ăn cơm không thịt một bữa.
- Tôi đã nói là không.
Bắt vợ dẹp mâm cơm, ông ta xách dao ra
đi. Có một con bò bị cột gần nhà, ông bước tới chỗ con bò, thò tay vào miệng nó
lôi lưỡi nó ra, xẻo luôn chiếc lưỡi rồi xách trở vô nhà, ông nướng chiếc lưỡi
bò trên lò than, xong đặt nó trên cơm rồi mới chịu ăn uống. Ông ăn một miếng
cơm và một miếng thịt. Vừa để miếng thịt vào miệng, lưỡi ông đứt làm đôi, và
rớt xuống đĩa cơm. Ðúng lúc đó, ông nhận hình phạt mà ông gây ra. Máu tuôn
thành dòng từ miệng, ông bò quanh sân nhà, rống lên như bò sắp chết.
Con trai ông đứng gần đấy, nhìn cha
mình giãy chết, mẹ nó bảo:
- Này con, hãy nhìn đó, hình phạt tương
tự sẽ đến với con. Con đừng lo cho mẹ, hãy tìm đường an ổn mà đi.
Ðứa con sợ hãi trước cảnh tượng ấy, từ
giã mẹ chạy đi, nó đi về thành Takkasilà.
Người đồ tể, sau khi rống lên một lúc, bò quanh sân và chết, rồi đọa vào địa
ngục A-tỳ. Cả con bò cũng chết.
Ðến Takkasilà
đứa con học nghề thợ bạc. Ngày nọ, chủ của nó đi về làng, dặn dò:
- Hãy làm món nữ trang như thế này, thế
này..
Chú nhỏ làm theo lời dặn. Và khi người
chủ về, nhìn món trang sức làm khéo léo theo ý mình, ông nghĩ: "Chú nhỏ
này sẽ thành nghề và kiếm ăn dễ dàng". Khi chú trưởng thành được chủ gả
con gái cho, rồi sanh con trai, con gái. Các con trai của ông lần lượt trưởng thành,
làm nghề khác, dời nhà qua thành Xá-vệ, và trở thành Phật tử thuần thành của
đức Thế Tôn. Còn ông cha của chúng (con người đồ tể ngày xưa) ở lại Takkasilà, để thời gian trôi qua mà không
làm được chút công đức nhỏ, rồi già nua kéo đến. Các con ông mời ông cụ trở về
nhà mình nuôi nấng.
Chúng bàn nhau: "Chúng ta hãy cúng
dường nhân danh cha chúng ta". Họ mời đức Phật và chư Tăng về nhà thọ
trai. Họ sắp đặt bàn ghế tại nhà, dâng thức ăn lên đức Phật và chư Tăng, hầu hạ
kính cẩn. Cuối bữa ăn, họ bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, thức ăn dâng cúng hôm
nay là tạo phước cho cha già hiện đang sống của chúng con, xin Thế Tôn ban
phước cho ông cụ.
Ðức Phật khuyên ông:
- Này ông lão, ông đã già nua, thân thể
ông như lá héo úa, ông không tạo việc lành để làm tư lương cho đời sau. Hãy tạo
cho mình một chỗ an trụ. Hãy làm người khôn ngoan, đừng làm kẻ si mê.
Phật nói kệ:
(235) Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Ðường trường thiếu tư lương.
(236) Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần, gấp sáng suốt,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Ðến Thánh địa chư thiên.
Nghe xong, ông cụ chứng Sơ quả, chúng
hội cũng được hưởng lợi ích.
Ngày hôm sau, các con ông cũng thỉnh
Phật và chúng Tăng thọ trai. Cuối bữa ăn, họ cũng xin hồi hướng phước báo cho
cha già. Ðức Phật chúc phước cho ông cụ, nói thêm hai bài kệ:
(237) Ðời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm vương,
Giữa đường không nơi nghỉ,
Ðường trường thiếu tư lương.
(238) Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần, gấp sáng suốt,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.
2. Dần Dà Từng Chút
Bậc trí theo tuần tự ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở
tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.
Một buổi sáng sớm, người Bà-la-môn ra
khỏi thành, dừng lại chỗ các Sa-môn thường vấn y, ông đứng quan sát. Chỗ ấy cỏ
mọc cao rậm rạp, khi một Sa-môn khoác y vào, chéo y quét qua cỏ, dính sương đẫm
ướt. Ông tự nhủ: "Ðám cỏ này phải được dọn sạch". Hôm sau, ông đem
cuốc ra rẫy cỏ, dọn sạch chỗ đó, nó trở nên bằng phẳng quang đãng. Hôm sau nữa,
ông lại đến quan sát, khi các Tỳ-kheo khoác y vào, chéo y quét trên đất và dính
bụi. Ông nghĩ thầm: "Ta sẽ rải cát ở đây". Ông lại đem cát đến đổ cho
sạch nơi đó.
Vào một ngày, sáng sớm trời đã nóng
bức. Dịp ấy ông thấy các Tỳ-kheo mặc y, mồ hôi đổ giọt. Người Bà-la-môn nghĩ:
"Ta sẽ cất một cái trại nơi đây". Lập tức ông che lên một cái lều cho
các Tỳ-kheo. Lại ngày khác, sáng sớm trời đổ mưa, dịp này ông lại thấy các
Tỳ-kheo bị tạt ướt, ông nghĩ thầm: "Mình phải cất nhà mới được". Nghĩ
là làm, và khi ngôi nhà hoàn thành, ông tổ chức lễ khánh thành. Ông mời Phật và
chúng Tăng đến đó, mời ngồi bên trong và bên ngoài, rồi dâng thức ăn.
Sau bữa ăn, ông cầm lấy bát của đức
Phật, xin Ngài hồi hướng công đức. Ông nói:
- Bạch Thế Tôn, khi con đứng nơi này,
đầu tiên nhìn các Tỳ-kheo đắp y, con thấy như thế, và đã làm như thế, như thế.
Và bắt đầu từ khởi điểm, ông kể cho
Phật nghe toàn bộ câu chuyện. Phật nghe xong nói:
- Này Bà-la-môn, người trí làm việc
lành cũng vậy, hết lúc này đến lúc khác, từng việc một, dứt bỏ những nghiệp
xấu.
Ngài nói kệ:
(239) Bậc trí theo tuần tự,
Từng sát-na trừ dần.
Như thợ vàng lọc bụi,
Trừ cấu uế nơi mình.
3. Con Rận Tiếc Của
Như sét từ sắt sinh ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở
tại Kỳ Viên, liên quan đến thầy Tỳ-kheo Tissa.
Ở Xá-vệ, có một chàng trẻ tuổi con nhà
quyền quý xuất gia, làm đầy đủ bổn phận, là Thượng tọa Tissa. Lúc thầy còn ở tinh xá trong thành,
được cúng dường một tấm vải thô dài tám thước. Sau ngày mãn hạ, thầy về nhà,
đưa vải cho chị xem. Chị thầy nghĩ thầm: "Tấm vải này không xứng với em
ta". Cô bèn lấy dao bén, rọc vải thành từng mảnh, bỏ vào cối giả đập cho
mềm, bỏ những sợi thô, dệt thành tấm vải mới.
Vài hôm sau, thầy Tissa, tìm ra chỉ và kim, rủ thêm vài thầy
và vài chú Sa-di biết may y, đến nhà người chị bảo:
- Ðưa em khúc vải, em muốn may y.
Cô lấy khúc vải mịn dài chín mét, đưa
cho thầy. Thầy từ chối:
- Vải kia của em là thứ thô xấu, dài
tám mét, khúc này đẹp lại dài chín mét, không phải của em. Hãy đưa khúc vải hôm
trước ấy.
- Thưa thầy, vải này của thầy đó.
Cô kể lại những việc làm của mình và
bảo thầy hãy lấy vải.
Thầy Tissa
đem vải về tinh xá, và tìm người may y. Chị thầy sửa soạn cơm canh mang đến cho
thợ may, và khi tấm y hoàn thành, trông nó rất đẹp. Thầy Tissa rất thích chiếc y mới, thầy định
ngày mai sẽ đắp nó.
Nhưng hôm ấy, thầy bị bội thực và chết,
tái sanh làm một con rận trong chiếc y mới của mình. Chị thầy nghe tin, nhào
lăn dưới chân các Tỳ-kheo khóc lóc. Các Tỳ-kheo lo tang ma xong, bàn định:
- Không ai hầu cận Tissa khi thầy đau, chiếc y này thuộc Tăng
chúng, chúng ta hãy chia phần.
Con rận la hoảng:
- Các thầy tước đoạt tài sản của tôi.
Và nó vừa kêu la vừa bò quanh chiếc y.
Ðức Thế Tôn ngồi trong hương thất, biết
việc xảy ra, bèn gọi A-nan:
- Này A-nan, hãy bảo chúng Tăng dời
việc chia y bảy ngày.
Tôn giả làm theo lời dạy. Cuối ngày thứ
bảy, con rận chết và tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Ngày thứ tám, đức Phật cho
phép chúng Tăng chia y.
Sau khi chia xong, chư Tăng bàn tán:
- Tại sao đức Thế Tôn ra lệnh để chiếc
y của Tissa lại bảy hôm, ngày thứ
tám mới cho phân chia.
Ðức Phật đến gần các thầy hỏi:
- Các ông tụ họp ở đây bàn tán việc gì?
Và khi các thầy kể lại. Ngài nói:
-
Tissa đã tái sanh làm con rận trong y mới của mình. Khi các ông định
phân chia y, con rận đã nổi giận. Nó sẽ cự lại các ông, và sẽ đọa địa ngục. Vì
lẽ đó Ta bảo để y lại. Hiện nay thì Tissa
đã sanh lên cõi trời Ðâu-suất, Ta mới cho phép các ông lấy y đem chia.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, tham ái thật là một nỗi
khổ lớn.
Phật xác nhận:
- Tham ái thật là vấn đề lo lắng lớn
của chúng sanh trên quả đất, như gỉ sét phát sanh từ sắt, trở lại ăn mòn sắt,
tham ái phát sanh từ chúng sanh và đưa chúng sanh xuống địa ngục.
Phật nói kệ:
(240) Như sét từ sắt sinh,
Sắt sinh lại ăn sắt,
Cũng vậy, quá lợi dưỡng,
Tự nghiệp dẫn cõi ác.
4. Thầy Tỳ Kheo Kiêu Ngạo
Không tụng làm nhớp kinh ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở
tại Kỳ Viên, liên hệ đến thầy Udàyi.
Tại Xá-vệ, năm mươi triệu Phật tử
thường cúng dường bữa ăn sáng cho chư Tăng, và sau đó họ mang bơ, dầu mè, mật
ong, mật mía, hương hoa và những vật cần dùng đến tinh xá nghe pháp. Sau khi
nghe xong ra về, họ ca tụng đức hạnh của hai Tôn giả Xá-lợi-phất và
Mục-kiền-liên. Thầy Ưu-đà-di (Udàyi)
nghe thấy thế bèn bảo họ:
- Các ông chỉ nghe hai Tôn giả ấy
thuyết pháp nên ca tụng như thế, tôi chắc rằng nếu các ông nghe tôi nói pháp,
còn khen đến đâu.
Hôm sau, họ thỉnh thầy Ưu-đà-di:
- Thưa Tôn giả, hôm nay chúng con đến
nghe pháp, sau khi cúng dường chư Tăng xong, xin Tôn giả thuyết pháp cho chúng
con.
Thầy Ưu-đà-di nhận lời. Và thính chúng
kéo đến bên thầy. Thầy ngồi trên một cái ghế, phe phẩy quạt chẳng biết nói một
câu gì, chỉ bảo:
- Ta sẽ đọc một bài chú, hãy để người
khác thuyết pháp.
Thầy bước xuống. Thính chúng mời vị
khác giảng dạy, và một lần nữa mời thầy lên ghế đọc chú. Ưu-đà-di lại hẹn:
- Ta sẽ đọc chú vào đêm nay, hãy mời vị
khác đọc chú.
Thính chúng mời vị khác, và đêm đến họ
trở lại chỗ thầy. Thầy lại hẹn:
- Sáng mai ta sẽ đọc.
Sáng hôm sau, Thầy cũng chẳng đọc được
câu nào. Các thiện tín tức giận ném đất, ném gậy vào thầy, nhiếc rằng:
- Khi chúng ta ca tụng đức hạnh của hai
Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, thầy nói những gì? Bây giờ sao thầy làm
thinh thế?
Thầy bỏ chạy, họ rượt theo, và thầy té
xuống một hầm phân.
Các thiện tín bàn tán về chuyện xảy ra
trong ngày, nói rằng:
Khi chúng ta ca tụng phẩm hạnh của Tôn
giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, Ưu-đà-di sanh tâm đố kỵ, tuyên bố rằng mình
cũng là giảng sư. Thế mà khi được cung kính mời nói pháp, thầy ấy bốn lần lên
pháp tòa mà chẳng nói được một câu. Bị rượt và với gậy gộc, ngói đá, thầy té xuống
hầm phân.
Ðức Thế Tôn nghe được câu chuyện. Ngài
bảo các Tỳ-kheo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên,
Ưu-đà-di rơi xuống hầm phân, đời quá khứ thầy ấy cũng đã làm như thế.
Ngài kể chuyện (Jàtaka 153)
(Chuyện kể rằng, có một con lợn rừng
thách đấu với sư tử. Trước ngày ấy nó lăn trong đống phân khiến cả da lông đều
hôi hám, rồi đến nơi hẹn. Sư tử không dám đến gần, để cho nó thắng).
Sư tử là Xá-lợi-phất, lợn rùng là
Ưu-đà-di.
Phật nói lại câu kệ giữa hai con thú:
Tôi
là thú, anh cũng thú,
Hãy đến đây hỡi sư tử.
Vì sao anh lại bỏ chạy.
Này heo kia, mi hôi hám, lông dày, dơ bẩn.
Nếu mày muốn đọ sức, ta nhường cho mi thắng cuộc.
Sau khi dạy như thế, Phật nói:
- Này các Tỳ-kheo, Ưu-đà-di chỉ học
được một câu kinh, nhưng không bao giờ đọc tụng là một lỗi lớn.
Ngài nói Pháp Cú:
(241) Không tụng làm nhớp kinh,
Không đứng dậy, bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ sắc,
Phóng dật uế người canh.
5. Tà Hạnh Của Nữ Nhân
Tà hạnh nhơ đàn bà ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở
tại Trúc Lâm, liên quan đến một thanh niên quý tộc (Jàtaka 65).
Khi đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, có một
thanh niên dòng quý tộc kết hôn với một thiếu nữ đồng giai cấp. Sau đó không
lâu, người vợ ngoại tình. Xấu hổ vì chuyện này, người thanh niên không dám gặp
ai. Ðến phiên chàng vào hầu Phật, chàng đến đảnh lễ Thế Tôn, lui ngồi một bên.
Phật hỏi:
- Này con, sao lâu nay con vắng mặt?
Chàng kể lại chuyện cho đức Phật nghe.
Ngài bảo:
- Ngay trong thời quá khứ, Ta đã bảo
con rằng: "Ðàn bà thay đổi như dòng sông, và người trí chớ có hơi đâu mà
giận họ". Nhưng vì luân hồi tái sanh che mờ tâm trí con, con đã quên điều
này.
Chàng thanh niên yêu cầu Phật kể lại
chuyện trước (Jàtaka 65), Ngài nói kệ:
Như
dòng sông, con đường, quán rượu, phòng hội, nhà kho.
Ðàn bà trên thế gian đều như thế, không bao giờ biết được thời tiết của chúng.
Ngài dạy tiếp:
- Như thế, dâm ô là uế trược của đàn
bà, bỏn sẻn là uế trược của người bố thí, ác nghiệp là uế trược của chúng sanh
ở đời này và đời sau, nhưng trong tất cả uế trược, vô minh là uế trược nhất.
Ngày dạy Pháp Cú:
(242) Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhớp kẻ trí,
Ác pháp là vết nhơ,
Ðời này và đời sau.
(243) Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng,
Ðoạn nhơ ấy, Tỳ-kheo,
Thành bậc không uế nhiễm.
6. Lịch Sự Và Thô Lỗ
Dễ thay, sống không hổ ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
Kỳ Viên, liên quan đến Culla Sàri
ở chung với Tôn giả Xá-lợi-phất.
Một ngày nọ, thầy Tỳ-kheo đó làm khán
bệnh, thầy nhận được thức ăn bổ dưỡng. Trên đường đi thầy gặp một Tôn giả đang
khất thực, bèn mời:
- Tôn giả, tôi có ít thức ăn thượng vị được
bệnh nhân cúng dường, không dễ gì có, xin mời Tôn giả ăn. Lần khác, nếu tôi
nhận được, tôi sẽ mang cho Tôn giả.
Tôn giả nghe nói, nhưng cứ đi không trả
lời. Các Tỳ-kheo đem câu chuyện đó bạch Phật. Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, người nào không biết
xấu hổ, trơ trẻn, bất lịch sự thì sống thoải mái. Người nào thành thật và sợ
từng lỗi nhỏ, thì sống dè dặt. Ngài nói
Pháp Cú:
(244) Dễ thay, sống không hổ,
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống công kích huênh hoang,
Sống liều lĩnh, nhiễm ô.
(245) Khó thay, sống xấu hổ,
Thường thường cầu thanh tịnh,
Sống vô tư, khiêm tốn,
Trong sạch và sáng suốt.
7. Tất Cả Giới Cấm Ðều Khó Giữ.
Ai ở đời sát sinh ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ
Viên, liên quan đến năm trăm tín đồ.
Có năm trăm tín đồ, người này chỉ giữ
giới bất sát, người khác chỉ giữ một giới khác.. Ngày kia họ bàn tán, người nào
cũng cho rằng giới của mình khó giữ, việc của mình khó nhất.. và họ đến chỗ
Phật kể lại câu chuyện. Phật dạy:
- Không có giới nào là quan trọng ít,
giới nào là quan trọng nhiều, tất cả các giới đều khó giữ.
Ngài nói kệ:
(246) Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.
(247) Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình.
(248) Vậy người, hãy nên biết,
Không chế ngự là ác,
Chớ để tham phi pháp,
Làm người đau khổ dài.
8. Kẻ Bới Lỗi Người
Do tín tâm, hỷ tâm ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại
Kỳ Viên, liên quan đến chú Sa-di Tissa.
Chuyện kể rằng, Sa-di Tissa có thói quen tìm kiếm lỗi lầm trong phẩm
vật cúng dường của Cấp Cô Ðộc, của tín nữ Tỳ-xá-khư, ngay cả của năm triệu
thiện tín, đến cả phẩm vật tối thắng của vua Ba-tư-nặc cũng thấy khuyết điểm.
Khi nhận được thức ăn nguội chú phàn nàn nguội quá, khi nhận được thức ăn nóng
chú phàn nàn nóng quá. Khi nhận thức ăn ít, chú càu nhàu sao ít thế? Và khi
nhận nhiều vật thực, chú cũng nói chắc ở nhà họ hết chỗ chứa, hoặc: "Họ
chỉ cần cúng cho các thầy để được ủng hộ, cúng nhiều cơm cháo thế này thật là
lãng phí".
Nhưng nếu đề cập đến bà con mình, chú nói:
"Ô! Nhà của bà con tôi cung cấp đầy đủ cho các Sa-môn tứ phương".
Tissa chỉ là một con người gác cổng.
Khi đi theo những người thợ lên Xá-vệ, chú xin xuất gia. Các Tỳ-kheo thấy chú
luôn luôn chỉ trích lỗi lầm và việc tốt của người khác, muốn tìm sự thật về
chú, các thầy hỏi thăm chỗ chú ở và sai vài Sa-di hỏi thăm người làng:
- Có một Sa-di tên Tissa người ở làng này, ai là thân tộc của
chú?
Dân làng nghĩ thầm: "Ở đây không
có thanh niên quý tộc nào xuất gia, các Sa-di này muốn tìm ai?". Họ nói:
- Ở đây, chúng nghe có con của người
gác cổng đi theo thợ mộc và xuất gia, chắc đó là người thầy muốn hỏi.
Các Sa-di về thuật lại với các Tỳ-kheo
rằng Tissa nói khoác, các Tỳ-kheo
bạch Phật. Phật dạy:
- Ðây không phải là lần đầu tiên Tissa hay cằn nhằn và nói khoác, đời quá
khứ chú cũng đã khoe khoang khoác lác như thế.
Phật kể chuyện quá khứ (Jàtaka Katàhaka). Ngài dạy tiếp:
- Này các Tỳ-kheo, người nào hay than
phiền về vật thực cúng dâng ít quá hay nhiều quá, ngon hay dở, hoặc không cúng
dường ta mà cúng dường người khác, người ấy không bao giờ chứng quả.
Ngài nói Pháp Cú:
(249) Do tín tâm, hỷ tâm
Loài người mới bố thí,
Ở đây ai bất mãn,
Người khác được ăn uống,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Không đạt được tâm định.
(250) Ai cắt được, phá được,
Tận gốc, nhổ tâm ấy,
Người ấy, ngày hoặc đêm,
Tất đến được tâm định.
9. Những Người Lơ Ðễnh
Lửa nào bằng lửa tham ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở
tại Kỳ Viên, liên quan đến năm người thiện tín.
Khi đức Phật ở tại tinh xá Kỳ Hoàn, có
năm tín đồ nghe Ngài giảng pháp, họ đảnh lễ Phật và lui ngồi một bên. Phật
không hề nghĩ rằng: "Người này dòng Sát-lợi, người kia dòng Bà-la-môn,
người nay giàu, người kia nghèo. Ta giảng rộng cho người này, không giảng rộng
cho người kia". Những việc này không liên quan đến đề tài Phật thuyết
giảng, mọi người đều bình đẳng trước pháp, và Phật giảng dạy như nhau.
Nhưng năm người ngồi trước Phật, kẻ thì
ngủ gục, người thì lấy ngón tay bươi trên đất, người đong đưa cành cây, người
thì ngó lên trời. Chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A-nan đứng quạt hầu
Phật, quan sát cử chỉ của năm người ấy, và sau đó bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, Ngài giảng dạy như
tiếng sấm rền, mà những người ngồi nghe như thế, như thế.
- Này A-nan, ông có biết họ không?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Người ngủ gục ấy, đã từng làm rắn
trong năm trăm kiếp, thường cuộn mình lại ngủ say nên kiếp này cũng ưa ngủ,
không có lời nào của Ta lọt vào tai.
- Bạch Thế Tôn, việc ấy xảy ra trong
nhiều kiếp liên tục hay đứt quãng?
- Một lần, người này làm người, một lần
khoác áo chư thiên, và lần khác làm rắn. Không thể dùng trí biết được số kiếp
luân hồi của hắn. Nhưng trong năm trăm kiếp liên tục, hắn làm rắn và ngủ không
bao giờ chán.
Người dùng tay bươi đất, là đã năm trăm
kiếp làm côn trùng chui trong đất, nên bây giờ cứ bới đất, chẳng nghe lời Ta.
Người hay lay cành cây, là đã năm trăm
kiếp làm khỉ, và vì thói quen chuyền cành, nên hiện tại cứ nắm cành cây, không
nghe lời Ta nói.
Người nhìn lên trời, là đã năm trăm
kiếp làm chiêm tinh gia, nên ngày nay cũng nhìn lên trời, không nghe Ta nói gì.
Người ngồi nghe chăm chú, là đã năm
trăm kiếp làm Bà-la-môn đọc tụng Vệ-đà nên hôm nay cũng chăm chú như đang đọc
Mật thư.
- Bạch Thế Tôn, Ngài giảng dạy thấm sâu
như chẻ da xương, vì sao những người này không chăm chú nghe?
- A-nan, ông tưởng giáo lý Ta dễ nghe
được sao?
- Bạch Thế Tôn, Ngài cho rằng khó nghe
được?
- Ðúng vậy.
- Tại sao, bạch Thế Tôn?
- Này A-nan, những chúng sanh này trong
vòng luân hồi vô tận không nghe tên Tam Bảo, nên bây giờ không thể nghe giáo
pháp. Những chúng sanh này trong vòng sanh tử vô cùng ấy chỉ quen nghe tiếng
nói của súc sinh. Hơn nữa, họ tiêu phí thời giờ trong việc ăn uống, vui chơi,
múa hát, nên không thể nghe giáo pháp.
- Bạch Thế Tôn, vì lý do gì họ không
thể nghe pháp?
- Này A-nan, vì tham ái, vì sân hận, vì
si mê. Vì vậy, không lửa nào bằng lửa tham ái, đốt cháy hữu tình không một chút
tro. Vào thời kiếp hỏa, hỏa tai thiêu rụi toàn thế giới không chừa một tí nào,
nhưng lửa này chỉ cháy trong vòng bảy mặt trời, và chỉ cháy trong thời tiết nào
thôi. Còn lửa tham ái không lúc nào không bốc cháy. Cho nên Ta nói không lửa
nào bằng lửa tham ái, không kìm kẹp nào bằng sân hận, không lưới nào bằng si
mê, không sông nào bằng ái dục.
Ngài nói Pháp Cú:
(251) Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái!
10. Trưởng Giả Ram
Dễ thay thấy lỗi người ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Jàtiyàvana gần thành Bạt-đề (Bhaddiya), liên quan đến Trưởng giả Ram.
Bối cảnh:
10A. Thế Tôn Thăm Trưởng Giả Ram
Thuở nọ, khi đức Phật du hành qua xứ Anguttaras, Ngài nhận thấy những người
trong gia đình Trưởng giả Ram đều
có duyên chứng quả Tu-đà-hoàn. Ông trưởng giả vợ ông là Candapadumà, con trai là Trưởng giả Dhananjiya, con dâu Sumanà Devì, cháu nội Visàkhà, tớ gái Punna. Nhận thấy như thế, Ngài đi đến thành Bhaddiya, ngụ tại rừng Jàtiyà (Jàtiyàvana). Trưởng giả Ram nghe Phật đến bèn đi thăm. Nhưng tại
sao ông có tên là Ram?
Ngoài đề:
10B. Trưởng Giả Ram Và Những Con Cừu Bằng Vàng.
Ðằng sau nhà ông, trong khoảng sân rộng
tám mẫu, có những con cừu bằng vàng to bằng con voi, ngựa hoặc trâu nước. Chúng
phi tới phi lui, cày đất tứ tung, thụi lưng vào nhau. Khi Trưởng giả Ram cần bơ, dầu, mật ong, hay mật mía,
hoặc thức ăn, hoặc ông cần y phục, hoặc vàng bạc, ông chỉ cần đặt một trái banh
bằng chỉ ngũ sắc vào miệng mấy con cừu, từ miệng chúng sẽ tuôn ra đủ tất cả các
thứ cần dùng cho mọi người trên khắp cõi Diêm-phù-đề, dù chỉ lấy ở một con
thôi. Ðó là lý do ông được gọi là Ram (Cừu).
Nhưng ông đã làm gì trong quá khứ?
Chuyện quá khứ:
10C. Bằng Cách Nào Trưởng Giả Ram Có Ðược Cừu Bằng Vàng?
Vào thời Phật Tỳ-bà-thi, ông là cháu
của một người tên Avaroja, ông
cũng tên Avaroja. Người cậu dự
định xây cất hương thất cho Phật, Avaroja
cháu đến gặp Avaroja cậu, đề
nghị:
- Thưa cậu, chúng ta hợp tác để xây cất
hương thất.
- Ta không muốn chia sẻ công việc cho
ai cả.
Người cậu trả lời như thế. Cháu nghĩ
thầm: "Ngay khi hương thất xây xong, sẽ có một chuồng voi tại đây".
Chàng đặt thợ rừng cưa gỗ, dựng cột, cất một trại voi với tất cả rui mè, kèo,
đòn tay, cửa cái, cửa sổ, sàn nhà, nóc đều cẩn đầy vàng bạc, châu báu. Như thế,
đối diện với hương thất của Như Lai là một chuồng voi dành cho Ngài, trang
hoàng bằng thất bảo. Trên nóc chuồng có một cái tháp bằng vàng ròng, đỉnh tháp
bằng san hô. Chính giữa lều chàng đặt một cây lọng bằng ngọc, che trên tòa
ngồi. Tòa ấy có bốn chân bằng vàng ròng, dưới bốn chân ghế có bốn con cừu bằng
vàng đỡ chân, hai cừu vàng kê chân. Sáu cừu vàng vây quanh lọng. Mặt ghế trải
thảm bằng chỉ vàng, chỉ bạc, lưng ghế bằng gỗ chiên đàn.
Khi hoàn thành lều voi, chàng mở tiệc
ăn mừng, chàng thỉnh Phật và sáu trăm tám mươi ngàn vị Tỳ-kheo cúng dường tám
tháng. Ngày cuối cùng, chàng cúng dâng mỗi vị Tỳ-kheo ba y, và chỉ một y cho
mỗi vị Sa-di cũng đã đáng giá trăm ngàn đồng vàng. Sau khi làm những công đức
như thế trong thời Phật Tỳ-bà-thi, Avaroja
cháu đã tái sinh cõi trời, cõi người. Và kiếp này nổi tiếng là Trưởng giả giàu
có của thành Ba-la-nại.
Chuyện quá khứ
10D. Vì Sao Trưởng Giả Ram
Và Gia Quyến Ðược Phép Màu?
Một ngày kia, Trưởng giả Ram đến hoàng cung chầu vua, gặp thầy Tư
tế của hoàng gia, ông hỏi:
- Thưa thầy, thầy có xem thiên văn
không?
- Ðược chứ, ông cần gì?
- Xin cho biết vận mệnh của xứ này.
- Sẽ có thiên tai.
- Chừng nào xảy ra?
- Ba năm nữa sẽ có nạn đói.
Trưởng giả nghe nói thế, bèn về nhà ra
lệnh trồng thật nhiều lúa, đem hết tài sản mua lúa, xây cất một ngàn hai trăm
năm mươi vựa đựng thóc lúa, đổ đầy tràn, còn đổ thêm vào lu hũ chôn dưới đất,
còn bao nhiêu ông cho trộn với đất sét, xây thành bức tường.
Thời gian sau, nạn đói xảy ra, ông đem
số lúa dự trữ ra ăn. Khi ăn cạn hết lương thực, ông gọi thân quyến đến và bảo:
- Các người hãy đi vào núi mà kiếm thức
ăn. Khi nạn đói qua hãy trở về. Nếu không muốn về cứ ở lại nơi nào mình thích.
Tất cả thân bằng quyến thuộc ra đi, chỉ
còn lại vợ Trưởng giả, con trai, con dâu, và người giúp việc Punna ở lại với ông, cả thảy năm người.
Sau khi ăn hết lúa chôn dưới đất, họ cạy bức tường, ngầm từng mảng vào nước,
lượm lúa ra ăn. Nạn đói hoành hành rộng lớn và tường lúa cũng hết. Chỉ còn lại
một lít lúa cuối cùng, bà Trưởng giả sợ trộm vét, bèn bỏ vào trong bình, đậy
nắp lại chôn dưới đất.
Khi ông Trưởng giả ở cung vua về, hỏi
vợ:
- Này bà, tôi đói bụng, còn gì để ăn
không?
- Còn một ít lúa chôn dưới đất.
- Hãy đào lên và nấu ăn.
- Nếu tôi nấu cháo thì ăn được hai bữa,
nếu nấu cơm thì chỉ một bữa thôi. Làm theo cách nào?
- Bây giờ chúng ta chẳng còn gì, chỉ ăn
bữa cơm rồi chờ chết, thôi nấu cơm đi.
Bà vợ nấu cơm, chia làm năm phần, và
đặt phần của ông Trưởng giả trước mắt ông.
Lúc ấy trên núi Kiền-đà (Grandhamàdana) có một vị Phật Bích Chi
nhập định, Ngài không bao giờ bị đói, nhưng nếu Ngài ra khỏi định, chẳng bao
lâu Ngài sẽ đói vì bao tử hoạt động trở lại. Lúc ấy Ngài quan sát xem nơi nào
có thể khất thực. (Chúng sanh nào dâng cơm cho Ngài sau khi xuất đại định sẽ
được phước báo làm tổng tư lệnh hoặc cấp ngang hàng).
Ðức Phật Bích Chi chỉ dùng thiên nhãn
quan sát thế giới, Ngài thấy rằng một trận đói khủng khiếp đã xảy ra trên cõi
Diềm-phù-đề, và tại nhà Trưởng giả nọ chỉ còn năm người với một lít gạo. Liệu
họ có đủ thành tín để cúng cho Ngài? Nhận thấy họ rất mực thành tín, Ngài bèn
đắp y, mang bát đến trước cửa nhà Trưởng giả.
Khi ông Trưởng giả nhìn thấy Phật, lòng
ông tràn đầy niềm vui: "Vì quá khứ ta không hề cúng dâng nên giờ này mới chịu
nạn đói kinh khủng, phần cơm này chỉ giúp ta sống một ngày, nếu cúng dường Phật
ta sẽ thoát vòng sanh tử trong nhiều kiếp".
Nghĩ thế, ông mời Phật vào nhà, đảnh lễ
năm vóc sát đất, thỉnh Ngài ngồi, đem nước rửa chân, kê chân Ngài bằng chiếc
nệm vàng, và sớt cơm vào bát Phật. Khi ông sớt được phân nửa, đức Bích Chi dùng
tay che miệng bát, tỏ ý không nhận thêm. Ông Trưởng giả bạch Phật:
- Bạch Ngài, chúng con năm người chung
một lít gạo, phần cơm này là một trong năm phần được chia. Con không muốn sớt
làm hai, con muốn cúng dường Ngài tất cả, con không mong cầu Ngài ban phước
lành cho con hiện đời.
Nói xong ông trút hết cơm vào bát Phật
và phát lời nguyện:
- Bạch Ngài, mong rằng nơi nào con tái
sinh, con xin sẽ không bao giờ chịu đói như hiện tại. Con sẽ có đủ thức ăn cho
mọi người trên khắp cõi Diêm-phù-đề. Con không phải làm lụng cực nhọc để sống.
con sẽ có một ngàn hai trăm năm chục vựa lúa, sau khi quét dọn sạch sẽ, con gội
đầu và ngồi trước cửa kho, đúng lúc đó thóc lúa sẽ rơi đầy kho lẫm. Nơi nào con
tái sinh, vợ con là người vợ này, con trai, con dâu và đầy tớ chính là những
người này.
Vợ Trưởng giả nghĩ: "Ta sẽ không
ăn khi chồng ta chịu đói". Và bà cũng dâng cúng phần cơm của mình cho
Phật, với lời nguyện:
- Nơi nào con tái sinh, con không chịu
nạn đói lần thứ hai. Con có quyền năng dùng một bát cơm cho tất cả người trên
cõi Diêm-phù-đề, cho bao nhiêu tùy ý mà bát cơm vẫn đầy. Nguyện những người này
sẽ là chồng con, con trai, con dâu, và là người giúp việc của con trong kiếp
sau.
Con trai ông Trưởng giả cũng cúng phần
cơm của mình với lời nguyện:
- Con xin không bao giờ bị đói như thế
này. Con sẽ có quyền năng chỉ với một túi tiền độ một ngàn đồng mà bố thí cho
tất cả những người ở cõi Diêm-phù-đề, cho bao nhiều tùy ý, túi tiền vẫn đầy.
Cha, mẹ, vợ, người giúp việc chính là những người này.
Con dâu cũng cúng phần cơm của mình cho
Phật với lời nguyện:
- Con xin không bao giờ bị nạn đói. Con
sẽ có một cái giỏ đựng thóc giống cung cấp cho mọi người không hết. Nơi nào con
tái sinh, những người này là cha chồng, mẹ chồng, chồng và người giúp việc.
Người giúp việc Punna cũng cúng phần cơm của mình cho Phật
Bích Chi với lời nguyện:
- Con sẽ không bao giờ bị đói. Khi con
cày đất, ba luống cày bên mặt, ba luống cày bên trái và một đường cày giữa, cả
bảy đường cày đều rộng vài sải tay.
Mặc dù ông ta có thể ước nguyện làm
tổng tư lệnh, nhưng vì tình cảm liên hệ với gia chủ, ông cũng nguyện:
"Những người này là ông chủ, bà chủ".
Khi mỗi người phát nguyện, Phật Bích
Chi đều nói:
- Sẽ được vậy?
Và Ngài nói lời cảm tạ bằng những bài
kệ theo cung cách một vị Bích Chi Phật, rồi nghĩ thầm: "Bổn phận của Ta là
làm thỏa nguyện vọng của những chúng sanh này". Ngài thầm bảo: "Hãy
để những người này nhìn theo thấy Ta cho đến tận núi Kiền-đà". Ngài bay
lên hư không và họ đứng nhìn theo. Ðến nơi, Ngài chia cơm trong bát cho năm
trăm vị Bịch Chi Phật, do thần lực của Ngài cơm đầy đủ cho tất cả. Năm người
vẫn đứng và thấy rõ.
Lúc ấy trời đã quá trưa, vợ ông Trưởng
giả rửa sạch nồi cơm, đậy nắp lại và cất đi. Ông Trưởng giả đói meo, nằm dài ra
ngủ. Ðến chiều, ông thức dậy gọi vợ:
- Này bà, tôi đói quá, bà xem còn sót
miếng cơm cháy nào trong nồi không?
Bà nhớ kỹ rằng mình đã rửa sạch nồi cất
đi, chắc chắn không còn một hột cơm cháy nào, nhưng thay vì nói: "Không
còn gì hết", bà vẫn nói:
- Tôi sẽ xem thử coi.
Bà đi đến nơi cất nồi, giở nắp ra, và
ngay lúc đó, nồi cơm đầy nhóc, thơm ngào ngạt, hơn thế nữa, cơm tràn tận miệng
nồi đội cả nắp lên.
Chứng kiến việc lạ lùng này, toàn thân
bà rung động vui mừng, bà gọi chồng:
- Này, ông dậy đi, tôi đã rửa sạch nồi
cất đi, mà bây giờ cơm lại đầy nồi, thơm nghi ngút. Ðây là quả phước của việc
thiện, quả phước của việc cúng dường. Dậy mà ăn, ông ạ.
Bà đem cơm cho chồng và con trai. Khi
họ ăn xong, bà cùng ăn với con dâu, và sau đó cho người giúp việc Punna. Dù bới bao nhiêu, nồi cơm cũng
không giảm, cứ xúc ra một vá thì vá cơm khác hiện ra. Vào ngày ấy, tất cả vửa
lúa kho lẫm trong nhà ông đều đầy thóc. Ông Trưởng Giả rao khắp thành phố:
"Lúa thóc hiện đầy đủ trong nhà ông Trưởng giả, tất cả những ai muốn dùng
cứ đến lấy".
Mọi người đổ xô đến lấy lúa, và tất cả
dân chúng cõi Diêm-phù đều được lúa thóc.
Ông Trưởng giả sau khi chết, tái sanh
vào cõi trời, cõi người, vào thời Phật hiện tại, sanh trong gia đình giàu có ở Bhaddiya. Vợ ông khi xưa cũng là vợ hiện
tại, cả con trai, con dâu, người giúp việc Punna.
Do phước báo kể trên, những con cừu vàng lại hiện ra trong sân nhà ông.
10E. Trưởng Giả Ram Và
Gia Quyến Thực Hiện Phép Màu
Một ngày nọ, Trưởng giả Ram muốn thử lại quyền lực của mình. Ông
cho quét sạch một ngàn hai trăm năm mươi kho lúa, gội đầu, và ngồi ở cửa mỗi
kho nhìn vào, lập tức các kho lẫm đều đầy lúa. Ông bảo vợ, con dâu và người
giúp việc hãy thử quyền lực của mình.
Bà vợ trang điểm lộng lẫy, ngồi ở cổng
nhà, cầm một muỗng vàng rao lên:
- Ai cần cơm cứ đến.
Bà sớt đầy cơm vào những bình và chậu
đưa đến, tất cả ai đến xin đều được cho. Suốt ngày giỏ cơm của bà không vơi.
(Vào thời chư Phật quá khứ, cũng trong
dịp này, bà dâng cơm cho chúng Tăng, với tay mặt cầm muỗng, tay trái xách giỏ
cơm. Vì thế, nơi lòng bàn tay trái của bà có dấu hoa sen, lòng bàn tay mặt có
dấu mặt trăng tròn. Khi bà dâng nước cho chư Tăng, đi tới, đi lui, thì dấu hoa
sen và dấu mặt trăng lại hiện ở bàn chân. Vì thế bà có tên là Candapadumà (Liên Nguyệt).
Người con trai mang túi tiền chừng một
ngàn đồng vàng, bố thí cho tất cả mọi người, và bao giờ trong túi cũng còn đủ
một ngàn đồng vàng. Con dâu cũng trang điểm lộng lẫy, cung cấp thóc giống cho
tất cả mọi người, túi thóc vẫn không vơi.
Người giúp việc cũng trang điểm hết
mình, bắt ách vàng, cày vàng lên mình con bò, choàng dây vàng lên mình nó và
dẫn ra ruộng. Mỗi nhát cày là bảy đường cày, ba đường bên trái, và một đường
cày ở giữa.
Như thế, tất cả dân chúng trên cõi
Diêm-phù đều nhân thức ăn, thóc giống, vàng bạc thỏa thích từ nhà Trưởng giả.
Kết Thúc Của Truyện:
10F. Trưởng Giả Ram Ðến Gặp Phật
Khi Trưởng giả đầy quyền lực nghe tin
đức Bổn sư đến thành, ông đi đến thăm Phật. Trên đường đi ông gặp một nhóm
ngoại đạo ngăn cản:
- Này Trưởng giả, ông đi đâu? Ông tin
có Thần Ngã mà lại đến thăm Cồ-đàm, người không tin điều này.
Mặc dù họ cố gắng thuyết phục, ông vẫn
không màng đến lời họ. Ông đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và kính cẩn ngồi một bên.
Phật thuyết pháp, nghe xong ông chứng quả Dự lưu. Ông thuật lại lời chống đối, phỉ
báng của ngoại đạo cho Phật nghe. Phật dạy:
- Này Trưởng giả, những người ấy không
thấy lỗi của mình dù là lỗi lớn, còn người khác không lỗi, họ cũng cố gắng kẻ
vạch, như quạt thóc tìm trấu.
Ngài nói Pháp Cú:
(252) Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó,
Lỗi người ta phanh tìm,
Như sàng trấu trong gạo,
Còn lỗi mình che đậy,
Như kẻ gian giấu bài.
11. Tỳ Kheo Bới Lỗi
Ai thấy lỗi của người ...
Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ
Viên, liên quan đến Tôn giả tên là Người Tìm Lỗi, Ujjhànasannì.
Tôn giả này thường dòm dỏ lỗi của các
Tỳ-kheo, thầy nói:
- Thầy này đắp thượng y thế này, thầy
kia đắp hạ y như thế kia.
Các Tỳ-kheo đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả ấy cứ như thế,
như thế.
Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, người nào làm tròn
bổn phận của mình và khuyên người khác như thế, người đó không thấy lỗi ai.
Người nào có ý nhìn lỗi người, tìm lỗi người, và đi rêu rao lỗi người, hạng
người này không bao giờ đạt được chút xíu giác ngộ, chỉ có sự ô nhiễm tăng
trưởng trong họ.
Ngài dạy Pháp Cú:
(253) Ai thấy lỗi của người,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt.
12. Hư Không Có Dấu Chân?
Hư không, không dấu chân ...
Câu chuyện xảy ra, liên quan đến du sĩ
Tu-bạt-đà-la (Subhadda). Khi đức
Thế Tôn sắp nhập diệt, trong rừng Sa-la trong thành Câu-thi. Chuyện kể rằng khi
trước con của Tu-bạt đã cúng dường chín lần những phẩm vật đầu mùa gặt cho đức
Phật, còn Tu-bạt thì không ưng và từ chối, cuối cùng mới chịu cúng. Vì thế ông
không gặp Thế Tôn lúc Ngài vừa thành đạo và giảng đạo. Ðến lúc cuối, Ngài gần
nhập diệt, ông mới tự nghĩ: "Ta có ba điều nghi. Và đã hỏi các Trưởng lão
để giải nghi. Lúc ấy Sa-môn Cồ-đàm còn trẻ nên ta không đến hỏi. Bây giờ thời
gian Niết-bàn sắp đến, nếu ta không hỏi, sau sẽ ân hận".
Ông đi đến chỗ Phật. Tôn giả A-nan ngăn
ông lại, nhưng Phật đã bảo:
- A-nan, chớ ngăn Tu-bạt-đà-la, hãy để
ông vào thưa hỏi.
Tu-bạt vào, ngồi ở chân giường và hỏi
Phật:
- Bạch Ngài, có con đường nào trên
không trung? Có người nào được gọi Sa-môn khi ở ngoài chánh đạo? Pháp hữu vi có
trường tồn?
Phật dạy ông những việc ấy không thể
có, Ngài giảng bằng bài kệ:
(254) Hư không, không dấu chân,
Ngoài chánh đạo, không Sa-môn.
Chúng sanh thích hý luận,
Như lai, hý luận trừ.
(255) Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không Sa-môn.
Các hành không thường trú,
Chư Phật không giao động.
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b
| 05a | 05b | 06 | 07 | 08
| 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26a
| 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002