BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
[I-c]
7. Ðề Bà Ðạt Ða Ðắp Y Không Tương Xứng
Tâm chưa rời uế trược...
Lời dạy này được thuyết khi Phật ngụ
tại Kỳ Viên, dành cho buổi lễ thọ y vàng của Ðề-bà-đạt-đa tại Vương Xá.
Vào dịp hai đệ tử Phật, mỗi người dẫn đầu
năm trăm Tỳ-kheo, từ biệt Phật đi từ Kỳ Viên đến Vương Xá, dân Vương Xá - nhóm
từ hai, ba người hoặc đông hơn - cúng dường theo nghi thức dâng cúng cho khách
tăng.
Một hôm, Tôn giả Xá-lợi-phất, trong
phần hồi hướng công đức nói: "Này các cư sĩ, có người chính mình bố thí
nhưng không dạy người khác bố thí, người ấy được phước báo giàu có nhiều đời
liên tiếp nhưng không có phước báo về thân bằng quyến thuộc. Một người khác dạy
láng giềng mình bố thí nhưng chính mình thì không, người ấy có phước báo về thân
bằng quyến thuộc trong nhiều đời nhưng không có phước báo về tài sản. Người
khác tự mình không cho cũng không dạy người khác bố thí, trong nhiều đời liên
tiếp người ấy không có cơm cháo no bụng mà còn bị cô quạnh và thiếu thốn. Lại
nữa, một người vừa tự mình bố thí và dạy người khác bố thí, người đó nhiều đời
liên tiếp, trong trăm đời ngàn đời, trong trăm ngàn đời, vừa được phước báo về
tài sản vừa có nhiều thân bằng quyến thuộc".
Tôn giả Xá-lợi-phất đã thuyết pháp như
thế.
Một trí giả nghe xong tự nghĩ: "Thưa
Ngài, bài thuyết pháp này thật kỳ diệu, giải thích ý nghĩa của hạnh phúc. Ta
phải tạo công đức đối với hai giác giả này".
Rồi ông ta mời Trưởng lão đến thọ thực,
ông thưa:
- Bạch Tôn giả, xin Ngài cho tôi được
phụng sự, cúng dường vào ngày mai.
- Cư sĩ, ông mời bao nhiêu Tỳ-kheo?
- Ðoàn tùy tùng của Ngài gồm bao nhiêu
Tỳ-kheo, thưa Tôn giả?
- Một ngàn Tỳ-kheo, cư sĩ ạ!
- Xin dẫn theo toàn thể Tỳ-kheo của
Ngài vào ngày mai và cho tôi được phụng sự, cúng dường vào ngày mai.
Tôn giả nhận lời.
Rồi cư sĩ đi khắp đường phố, khuyên
những người khác cúng dường.
- Các ông, các bà! Tôi đã thỉnh một
ngàn vị Tỳ-kheo. Quý vị có thể dâng vật thực cho bao nhiêu Tỳ-kheo? Quý vị có
khả năng bao nhiêu?
Dân cư hứa dâng vật thực, mỗi người tùy
phương tiện của mình, họ nói:
- Chúng tôi sẽ dâng cho mười vị.
- Chúng tôi sẽ dâng cho hai mươi vị.
- Chúng tôi sẽ dâng cho một trăm vị.
Cư sĩ hướng dẫn họ đem vật thực đến một
nơi và bảo:
- Chúng ta hãy gom vật thực tại một chỗ
và nấu nướng chung. Tất cả các ông bà hãy mang đến mè, gạo, bơ, sữa lỏng, mật
và những loại khác.
Bấy giờ một gia chủ dâng một bộ y vàng
ướp hương đáng giá một trăm ngàn đồng tiền, nói:
- Nếu những vật thực cúng dường góp lại
mà không đủ, hãy bán bộ y này lấy tiền bù vào chỗ thiếu. Nếu vật thực đã đủ,
các ông bà có thể cúng bộ y này cho bất cứ vị Tỳ-kheo nào mà quý vị đồng ý.
Vật thực góp lại đầy đủ theo ý của gia
chủ, không còn thiếu gì nữa. Do đó, cư sĩ nói với những người đàn ông:
- Này quý ông! Lá y vàng này do một gia
chủ cúng, vì mục đích như đã kể, nay dư thừa. Vậy chúng ta nên dâng cho ai?
Vài người nói:
- Chúng ta nên dâng cho Trưởng lão
Xá-lợi-phất.
Người khác lại bảo:
- Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ tới lui
khi mùa xong lúa chín. Còn Ðề-bà-đạt-đa đến với chúng ta thường xuyên, ngày mùa
cũng như ngày thường, và lúc nào cũng sẵn sàng như cái bình đựng nước. Chúng ta
hãy dâng cúng cho Ngài.
Sau một hồi lâu bàn cãi, phe đa số hơn
được bốn người đã quyết định dâng y cho Ðề-bà-đạt-đa. Rồi họ dâng cho
Ðề-bà-đạt-đa. Ðề-bà-đạt-đa cắt y ra làm hai, may, nhuộm, để một phần làm thượng
y và phần kia làm hạ y; rồi mặc y vào khi đi ra. Dân chúng lại bàn tán khi thấy
ông đắp y mới:
- Y này không tương xứng với
Ðề-bà-đạt-đa, mà tương xứng với Tôn giả Xá-lợi-phất. Ðề-bà-đạt-đa đã đắp với bộ
thượng y và hạ y không tương xứng với ông ta.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo ở phương xa đi
từ Vương Xá đến Xá-vệ, ông ta đến đảnh lễ đức Phật và bày tỏ niềm hoan hỉ được
gặp Ngài. Ðức Phật hỏi ông về sự phúc lợi của hai Ðại đệ tử. Vị Tỳ-kheo liền kể
cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện về bộ y từ đầu đến cuối.
Ðức Phật nói:
- Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là
lần đầu Ðề-bà-đạt-đa đã đắp bộ y mà ông không xứng đáng. Ở kiếp trước ông ta
cũng đã đắp y không tương xứng.
Nói xong, Ngài bèn kể câu chuyện sau:
7A. Thợ Săn và Voi Chúa
Thuở xưa một lần, khi vua Phạm-ma-đạt (Brahmadatta) cai trị Ba-la-nại, có một
thợ săn voi sinh sống bằng nghề giết voi, đem ngà, móng, bộ đồ lòng và thịt
chặt ra chợ bán. Bấy giờ trong một khu rừng có hằng ngàn con voi đang kiếm cỏ.
Một hôm, vào rừng chúng gặp một vài vị Phật Ðộc giác. Kể từ hôm đó, cả lượt đi
và về, chúng đều quỳ gối trước Phật Ðộc giác rồi mới tiến bước tiếp.
Người thợ săn thấy hành động của bầy
voi, ông ta không khỏi thắc mắc: "Giết bầy thú này thật là khó khăn, lần
nào đến và đi chúng đều đảnh lễ những vị Phật Ðộc giác. Chúng thấy cái gì mà
đảnh lễ vậy kìa?". Ði đến kết luận rằng đó là vì chiếc y vàng, hắn bèn
quyết định: "Ta cũng phải đắp một y vàng lập tức". Rồi hắn đi đến cái
ao nơi vị Phật Ðộc giác thường đến. Trong khi Ngài đang tắm, lá y để trên bờ,
hắn trộm y của Ngài. Rồi hắn đi săn, ngồi chờ trên con đường có đàn voi thường
qua lại, với cái giáo trong tay và lá y phủ trên đầu. Ðàn voi thấy hắn, tưởng
là Phật Ðộc giác, dừng lại đảnh lễ hắn và bước đi. Con voi đến đảnh lễ cuối
cùng tức voi đầu đàn bị giết với một nhát giáo. Lấy xong cặp ngà với những phần
có giá trị khác, chôn xác còn lại xuống đất, hắn bỏ đi.
Ít lâu sau, Bồ-tát tái sanh làm voi,
sau đó trở thành voi đầu đàn của đàn voi ấy. Lúc đó, người săn vẫn tiếp tục mưu
chước cũ. Voi chúa nhìn thấy số voi trong bầy sút giảm liền hỏi:
- Chúng voi đi đâu mất vậy kìa, bầy
chúng ta còn quá ít?
- Chúng con không biết, thưa Ngài.
Voi chúa tự nghĩ: "Chúng không thể
đi đâu khi không được phép của ta". Rồi mối nghi hiện ra trong đầu voi:
"Cái gã ngồi ở chỗ nọ với tấm y trùm đầu, hẳn là nguyên nhân gây ra lộn
xộn, ta phải theo dõi hắn".
Rồi voi đầu đàn để những con voi khác
đi trước và chính nó đi cuối cùng, bước thật chậm. Khi những con voi cuối đảnh lễ
xong và đi qua, gã thợ săn thấy voi chúa đến, lập tức hắn cuộn y lại và phóng
ngọn giáo. Voi chúa đã đề phòng khi đến gần, nên bước lui tránh mũi giáo. Biết
ngay là người đã giết voi của mình, voi chúa lập tức phóng tới để tóm hắn.
Nhưng gã thợ săn đã nhanh nhẹn nhảy qua và núp sau một cội cây. Voi chúa dự
định sẽ lấy vòi quấn cả gã thợ săn với cội cây, tóm lấy gã và quật gã xuống
đất. Ngay lúc đó, gã thợ săn nhanh trí chìa tấm y vàng ra cho voi trông thấy.
Thấy lá y, voi khựng lại có vẻ đắn đo: "Nếu ta tấn công người này, lòng
quý trọng mà hàng ngàn chư Phật, Phật Ðộc giác và A-la-hán đã dành cho ta tất
nhiên sẽ mất hết", voi đành dằn lòng, hỏi thợ săn:
- Có phải anh đã giết hết những thân
quyến kia của ta không?
Thợ săn trả lời:
- Vâng, thưa Ngài.
- Tại sao anh hành động xấu xa thế? Anh
đã khoác tấm y dành cho những vị đã thoát khỏi tham dục, nhưng không xứng hợp
với anh. Khi làm như thế, anh đã phạm tội nặng.
Nói xong, voi lại khiển trách hắn lần
cuối:
Ai
mặc áo ca-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo ca-sa.
Ai
rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thật,
Thật xứng áo ca-sa
- Anh đã hành động không xứng đáng.
Con voi nói như thế.
Khi đấng đạo sư chấm dứt bài học này,
Ngài đồng nhất những nhân vật trong truyện Bổn Sanh như sau:
- Người thợ săn lúc ấy là Ðề-bà-đạt-đa,
voi chúa đã quở trách hắn chính là Ta. Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần
đầu Ðề-bà-đạt-đa đã khoác tấm y mà hắn không xứng đáng, hắn đã làm như thế
trong kiếp trước rồi.
Nói xong, Ngài đọc những Pháp Cú sau:
(9) Ai mặc áo ca-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo ca-sa.
(10) Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thật,
Thật xứng áo ca-sa.
8. Những Ðại Ðệ Tử
Không chân, tưởng chân thật...
Giáo lý này được đức Phật thuyết khi
Ngài ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, và liên quan đến việc những đại đệ tử Phật tường
trình rằng ngoại đạo Sanjaya chối
từ không đến quy y Phật. Ðầu đuôi câu chuyện như sau:
8A. Ðời Sống Của Phật
Bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp quá
khứ, đấng Ðạo sư của chúng ta sanh làm một hoàng tử Bà-la-môn trong thành Amaravatì là Sumedha (Siêu thuật). Sau khi đã thông đạt mọi xảo thuật,
Ngài từ bỏ di sản lên đến vô số triệu của cha mẹ để lại, xuất gia, sống đời ẩn
sĩ, ngụ trong vùng Himalaya, và ở
đó tự mình thiền định đắc được thần thông. Một hôm Phật Nhiên Ðăng, đấng Thập
lực, rời tinh xá Sadassana đến
thành Ramma, dân chúng đi trước
dọn đường. Sumedha hôm đó bay
trên không, thấy con đường đã được dọn sạch, Sumadha
chọn một đoạn đường chưa sạch, đợi đức Phật đến, lấy thân mình làm
cầu, trải áo bằng da hươu trên bùn, nằm lên trên và nói: "Xin đừng để đức
Phật và Tăng chúng bước trên bùn, xin Ngài hãy bước trên thân con, để tiếp tục
cuộc hành trình".
Khi Phật thấy Sumedha, Ngài nói: "Ông hoàng kia là
một vị Phật tương lai. Bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp sau này ông ta sẽ
thành Phật tên Cồ-đàm". Ðó là lời của Phật Nhiên Ðăng thọ ký cho ông hoàng
Bà-la-môn Sumedha. Sau khi Phật
Nhiên Ðăng đến những vị Phật sau: Kodanna,
Màngala, Sumana, Revata, Sobhita, Anomadassì, Paduma, Naràda, Padumuttara,
Sumedha, Sujàta, Piyadassì Atthadassì, Dhammadassì Siddhattha, Tissa, Phussa,
Vipassì(Tỳ-bà-thi), Sikhì(Thi-khí),
Vessabhù (Tỳ-xá-phù), Kakusandha (Câu-lưu-tôn), Konàgamana (Câu-na-hàm-mâu-ni) và Kassapa (Ca diếp). Lần lượt hai mươi bốn
vị Phật ra đời và soi sáng thế gian. Và từ mỗi vị Phật, ông hoàng Bà-la-môn Sumedha đều nhận được lời thọ ký sẽ thành
Phật. Bấy giờ sau khi Sumedha đã
viên mãn 10 ba-la-mật, 10 ba-la-mật bậc hạ và 10 ba-la-mật bậc thượng, tất cả
là 30 ba-la-mật, Ngài được tái sanh là thái tử Vessantara
và trong kiếp làm thái tử Vessantara,
Ngài hành các pháp đại thí, hy sinh cả vợ và con làm chấn động quả đất. Mạng
chung, Ngài tái sanh vào cõi trời Ðâu suất, cũng trong kiếp sống đó, các vị
trời của mười ngàn thế giới tụ họp lại xưng tán Ngài:
Thời
đã đến, hỡi bậc Ðại Lực,
Hãy giáng sanh thai mẹ đi thôi,
Cứu nhơn thiên chìm đắm nổi trôi,
Và khám phá con đường bất tử.
Ngay sau đó Ngài tư duy năm điều đại
quán. Và qua kiếp đó Ngài sanh vào dòng vua Thích ca, được nuôi dưỡng trong
nhung lụa hoàng gia. Suốt thời gian này, Ngài tận hưởng tuổi xuân tốt lành, ở
ba lâu đài tùy theo mùa trong năm, hưởng thụ nếp sống huy hoàng đế vương có thể
sánh ngang cõi trời. Thời gian trôi qua, một hôm liên tiếp trong 8 ngày, Ngài
đến khu vườn để giải trí thì gặp ba thiên sứ, đó là một người già, một người
bệnh và một người chết. Trong ba ngày đó, Ngài trở về hoàng cung lòng chấn động
khôn tả.
Vào ngày thứ tư Ngài gặp một người xuất
gia, sống đời tu sĩ. Một ý tưởng bừng nở trong tâm trí: "Tốt hơn hết, ta
nên từ bỏ thế gian, sống đời tu sĩ".
Ôm ấp trong đầu ước mơ về đời sống tu
hành, Ngài tiếp tục đến khu vườn, suốt ngày ngồi trên bờ hồ trong hoàng cung.
Khi Ngài ngồi đó, trời Vissakamma đến,
dưới dạng người thợ cạo và mặc vào Ngài y phục quý giá, trang điểm Ngài với mọi
thứ trang sức. Ở đó Ngài nhận được tin hoàng tử La-hầu-la vừa ra đời. Cảm thấy
lòng thương con mạnh mẽ trỗi dậy, Ngài sáng suốt nhận định: "Ta phải cắt
đứt ngay sự ràng buộc này, nếu không sẽ lớn mạnh thêm nữa". Chiều đó Ngài
trở về hoàng cung, Kisà Gotamì con
gái của bà bác Ngài, đọc câu kệ sau đây:
Hạnh
phúc thay người mẹ,
Hạnh phúc thay người cha,
Hạnh phúc thay người vợ,
Có người chồng như Ngài.
Kisà Gotamì đọc câu kệ trên khiến Ngài phải
buột miệng: "Gotamì đã nói
cho ta biết đâu là chân hạnh phúc để tìm"
Rồi Ngài lấy một chuỗi ngọc gửi tặng
cô.
Trở về cung, khi nằm xuống long sàng.
Ngài thấy rõ diện mạo dơ xấu của những cung nữ đang ngủ. Ghê tởm, Ngài đánh thức
người coi ngựa Xa-nặc, bảo đem ngựa Kiền-trắc đến, và Ngài cưỡi Kiền-trắc mang
theo Xa-nặc làm bạn đồng hành, có chư thiên mười ngàn cõi giới vây quanh. Ngài
ra đi, thực hiện một cuộc xả ly vĩ đại.
Phi ngựa đến bờ sông Anomà, Ngài rời bỏ thế gian và sống đời tu
sĩ.
Sống đời tu sĩ, Ngài tiếp tục đến Vương
Xá và đi vào thành khất thực. Rồi Ngài rút lui vào núi Pandava, ngồi tu trong hang. Vua nước
Ma-kiệt-đà đến nơi dâng vương quốc cho Ngài nhưng Ngài liền từ chối. Ngài hứa
với vua là sẽ đến thăm vương quốc ngay khi Ngài chứng đạo. Rồi Ngài đến với Alàrà và Uddaka.
Nhưng sau khi tu theo giới pháp của hai vị này. Ngài không chứng được đạo quả
(A-la-hán). Sau đó Ngài dấn thân vào cuộc đại chiến trong sáu năm.
Một sáng sớm ngày rằm của tháng Visìkhà, Ngài dùng bát cháo do Sujàtà dâng cúng, thả cho bát vàng trôi
ngược trên sông Ni-liên, rồi suốt ngày trong rừng Mahàana (Ðại Lâm) Ngài nhập định vào các tầng thiền. Buổi
chiều Ngài lằng nghe long vương Kàla
tán thán đức hạnh cao quý của Ngài. Ngài bước lên tòa Bồ-đề, nhận bó cỏ của Sotthiya dâng, rải ra trước mặt mình và
phát lời thệ nguyện: "Ta sẽ không rời khỏi tòa ngồi này cho đến khi Ta
hoàn toàn dứt tham đắm ngũ dục thế gian và tâm Ta hoàn toàn giải thoát hết lậu
hoặc".
Sau đó Ngài ngồi quay mặt về hướng đông
và chiến thắng Ma vương trước khi mặt trời lặn. Trong canh một Ngài chứng Túc
mạng minh, canh hai Ngài chứng Thiên nhãn minh, cuối canh năm Ngài chứng Lậu
tận minh, đạt đến Toàn Giác và đắc Thập lực, Tứ vô ngại biện và tất cả đức hạnh
cao thượng, Ngài ngồi trên tòa Bồ-đề suốt bảy tuần. Vào tuần thứ tám, Ngài ngồi
dưới cội đa của người chăn dê (cây-bồ-đề) và quán tưởng về sự thậm thâm vi diệu
của pháp, cuối cùng Ngài đâm ra e ngại không có khả năng thuyết pháp độ sanh.
Ngay lập tức, Phạm thiên Sahampati cùng với chư thiên mười ngàn cõi
giới trong đó Ðại Phạm thiên thường đi theo, đến gặp Ngài và thỉnh cầu Ngài
thuyết pháp. Quan sát thế gian với Phật nhãn, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm
thiên. Ngài nghĩ tiếp:
- Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước tiên?
Nhìn quanh thế giới, Ngài thấy Alàra và Uddaka
đã qua đời, nhưng nhớ lại năm Tỳ-kheo đã từng tận tình phục vụ mình,
Ngài đứng lên và đi đến Kàsipura,
và gặp Upaka trên đường và nói
chuyện với ông ta.
Vào ngày rằm tháng Aasalha, Ngài đến Isipatana trong vườn Lộc Uyển, nơi năm
Tỳ-kheo cư ngụ. Năm Tỳ-kheo xưng hô với Ngài không đúng cách, Ngài dạy họ cách
xưng hô đúng. Rồi Ngài bắt đầu chuyển Pháp luân, ban nước bất tử đến một trăm
tám mươi triệu chư thiên, nhưng trên hết cho Tỳ-kheo Annà-Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như). Sau khi đã chuyển bánh
xe pháp, vào ngày thứ năm của nửa tháng, Ngài độ năm Tỳ-kheo trên, tất cả đều
chứng A-la-hán. Cũng vào ngày ấy, Ngài thấy rằng chàng vọng tộc trẻ tuổi Yasa đã đủ nhân duyên xuất gia, và khi Yasa rời khỏi căn nhà, lòng nhờm tởm những
gì đã thấy trong đêm, Ngài nhìn thấy anh gọi lại:
- Ðến đây, Yasa!
Và cho anh xuất gia. Cũng trong đêm đó
Ngài độ cho Yasa chứng quả Dự
lưu, và ngày tiếp theo chứng A-la-hán. Sau đó Ngài độ cho năm mươi bốn bạn hữu
của Yasa xuất gia.
Ngài gọi họ:
- Hãy đến đây, Tỳ-kheo!
Họ liền trở thành Tỳ-kheo, rồi Ngài độ
họ chứng A-la-hán.
Vậy là có sáu mươi mốt A-la-hán trên
thế gian. An cư trong mùa mưa và làm lễ tự tứ xong. Ngài phái sáu mươi Tỳ-kheo
đi khắp nơi:
- Hãy đi, các Tỳ-kheo! Hãy thuyết
giảng!
Còn chính Ngài đến Uruvelà. Trên đường đi tại khu rừng Kappàsika, Ngài thuyết giáo cho ba mươi
chàng trai thuộc nhóm Bhaddavaggiyas.
Những người kém nhất trong nhóm chứng Sơ quả (Dự lưu) và những người ưu việt
nhất chứng Tam quả (A-na-hàm). Tất cả những chàng trai này được nhận vào Tăng
đoàn chỉ với lời gọi "Ðến đây, Tỳ-kheo!" Xong, Ngài phái họ đi khắp
nơi. Ðến Uruvelà, Ngài thi triển
ba ngàn năm trăm phép thần thông và xuất gia cho Uruvelà-Kassapa, Nadì Kassapa và Gayà-Kassapa. Ðó là ba anh
em Ca-diếp, những vị khổ hạnh bện tóc, có một ngàn đệ tử. Ngài dạy pháp cho
những vị khổ hạnh này xong, nhận họ vào Tăng đoàn chỉ với lời nói: "Ðến
đây, Tỳ-kheo!" Tại Gayàsìa,
Ngài độ họ chứng quả A-la-hán đi theo, Ngài đến vườn Latthivana gần thành Vương Xá, định thực hiện lời hứa với
vua Bình-sa-vương (Bimbisàra)
nước Ma-kiệt-đà.
"Ðấng Ðạo sư đã đến!" Người
ta kêu vang rân. Nghe tin báo, vua Bình-sa-vương đã đến cùng rất đông gia
trưởng Bà-la-môn theo hầu, và đức Phật đã hoan hỉ thuyết pháp cho vua, độ vua
và gần hết số Bà-la-môn đó chứng quả dự lưu, và quy y cho các Bà-la-môn còn
lại. Ngày sau Phật lắng nghe vua trời Ðế thích, dưới dạng một Bà-la-môn trẻ,
đến thành Vương Xá tán thán công đức cao quý của Ngài, sau đó Ngài vào thành
Vương Xá. Thọ thực trong hoàng cung xong, Ngài nhận lời vua cúng tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) và ngụ ở đấy. Và tại
đây, Xá-lợi-phất (Sàriputta),
Mục-kiền-liên (Moggallàna) đã đến
với Ngài
8B. Cuộc Ðời của Upatissa (Sarìputta ) và Kolita (Moggallaana)
Trước khi Phật xuất thế, có hai làng
Bà-la-môn không xa Vương xá tên Upatissa
và Kolita.
Một hôm, vợ một người Bà-la-môn tên Rùpasàri sống ở làng Upatissa biết mình thọ thai, cũng cùng
ngày đó vợ của Bà-la-môn tên Moggalì sống
ở làng Kolita cũng biết mình thọ
thai. Nghe kể rằng trong bảy thế hệ, hai gia đình ấy đã kết tình thân hữu chặt
chẽ và gắn bó mật thiết với nhau. Họ tổ chức lễ Bảo-thai cho hai bà mẹ có mang
trong ngày đó.
Sau mười tháng âm lịch, cả hai bà đều
hạ sanh. Vào ngày đặt tên cho hai trẻ, họ đặt tên Upatissa cho đứa con bà vợ Bà-la-môn Sàri, vì cậu bé là con của trưởng tộc
trong làng Upatissa; và đứa bé
kia, vì là con của trưởng tộc trong làng Kolita
nên được tên là Kolita.
Lớn lên, cả hai trẻ đều tài giỏi hơn ai hết trong mọi xảo thuật và học thuật.
Mỗi khi chàng Upatissa đi ra sông
hay vườn để du ngọan, có năm trăm kiệu vàng hộ tống, còn Kolita có năm trăm xe ngựa thuần chủng hộ
tống. Hai chàng trai trẻ mỗi người có năm trăm gia nhân theo hầu.
Bấy giờ có một cuộc lễ hàng năm tại
Vương Xá tên là hội Ðỉnh Núi. Một cái giường dành cho hai chàng kê ở một nơi,
và hai chàng ngồi chung chứng kiến lễ hội. Ðến dịp cười, họ cười vang, có dịp
khóc, họ khóc thảm thiết, tới lúc bố thí họ bố thí. Như thế, họ dự hội nhiều
ngày. Nhưng một hôm, tuổi khôn lớn, họ không cười vào những dịp ngày xưa họ
cười, không có giọt nước mắt nào khi gặp cảnh ngày xưa họ khóc và họ không bố
thí khi được yêu cầu.
Người ta kể rằng, hai chàng khởi tưởng
như sau: "Tại sao chúng ta lại xem những thứ này? Trước khi một trăm năm
trôi qua, tất cả mọi người này sẽ mất đi và không còn ai trong thấy họ nữa. Tốt
hơn chúng ta nên đi tìm con đường giải thoát". Họ ôm ấp ý tưởng đó, rồi Kolita bảo Upatissa:
- Bạn Upatissa!
Bạn có vẻ không hài lòng và không thích thú như ngày trước. Hơn thế nữa, bạn ưu
sầu phiền muộn. Bạn nghĩ gì thế?
- Bạn Kolita,
tôi cảm thấy chẳng có gì toái ý lâu bền khi ngắm nhìn đám dân này, những cái
này thật hết sức vô ích; tốt hơn tôi nên đi tìm con đường giải thoát cho chính
mình. Nhưng tại sao bạn cũng phiền muộn?
Kolita cũng nói thế. Khi Upatissa khám phá ra Kolita đồng tâm trạng với mình, anh đi đến
quyết định:
- Cả hai chúng ta đều có một hoài bão
cao đẹp. Cả hai chúng ta cần phải đi tìm con đường giải thoát và cùng nhau rời
bỏ thế gian. Chúng ta sẽ xuất gia với Ðạo sư nào đây?
Lúc bấy giờ, có một du sĩ khổ hạnh tên Saniaya đến thành Vương Xá với đông đảo du
sĩ khổ hạnh tùy tùng. Upsatissa
và Kolita cùng nhất trí:
- Ta sẽ xuất gia và đi tu dưới sự lãnh
đạo của Sanjaya.
Rồi cả hai người bạn đồng giải tán năm
trăm người hầu và ra lệnh cho họ:
- Hãy lấy kiệu và xe ngựa rồi đi đi!
Với năm trăm người còn lại, họ cùng
nhau xuất gia và đi tu theo Sanjaya.
Từ ngày hai chàng trai trẻ xuất gia và đi tu, Sanjaya
đã tiến tới tuyệt đỉnh của danh lợi. Nhưng trong vài ngày, sự thông
hiểu của họ vượt qua khả năng giảng dạy của Sanjaya.
Do đó, họ thưa với ông:
- Thưa thầy, đây có phải là toàn thể
chân lý mà thầy biết, hay ngoài ra còn có những gì cao hơn nữa?
- Ðây là tất cả, các con đã biết hết
rồi.
Upatissa và
Kolita
đều băn khoăn: "Nếu như thế, thật vô ích cho chúng ta khi ở lại làm học
trò vị thầy này thêm nữa. Con đường giải thoát mà chúng ta tìm kiếm khi từ bỏ
thế gian, chắc chắn không thể đạt được từ vị thầy này. Nhưng vùng Diêm-phù-đề
là một xứ to rộng, chúng ta hãy du hành qua thôn xóm, thành thị, hoàng thành.
Chắc chắn chúng ta sẽ tìm được bậc thầy chỉ dạy chúng ta con đường giải
thoát".
Kể từ hôm đó, bất cứ nơi nào nghe có tu
sĩ hay Bà-la-môn uyên bác, họ đều tìm đến và đàm luận. Những vấn đề Upatissa và Kolita nêu ra các vị ấy đều
không thể trả lời; nhưng mọi vấn đề các vị ấy hỏi đến, Upatissa và Kolita đều trả lời trôi chảy.
Cứ như thế, họ du hành khắp vùng
Diêm-phù-đề, rồi họ quay bước trở về nhà riêng của mình. Trước khi từ giã, Upatissa giao ước với Kolita:
- Bạn Kolita,
ai trong chúng ta đạt đến sự bất tử trước xin báo cho người kia.
Rồi họ chia tay.
Trong thời gian hai người bạn sống giao
ước như thế, đấng Ðạo sư sau khi du hành từ nơi này đến nơi khác, như đã kể ở
trên, đến Vương Xá. Ðức Phật đã nhận cúng tinh xá Veluvana và ở lại đó.
Sau đó đức Phật đã phái sáu mươi mốt
A-la-hán đi rao giảng công đức của Tam Bảo.
- Hãy đi, này các Tỳ-kheo! Hãy giảng và
dạy!
Một trong nhóm năm Tỳ-kheo, Ðại Trưởng
lão Ác-bệ, quay lại về Vương Xá, và vào sáng sớm hôm sau, đắp y ôm bát vào
thành khất thực. Cũng trong ngày đó sáng sớm, du sĩ khổ hạnh Upatissa ăn sáng xong đi đến khu ẩn dật
của những du sĩ khổ hạnh. Hình dáng Trưởng lão lọt vào mắt Upatissa. Lòng đầy kinh ngạc pha lẫn thán
phục, Upatissa chăm chú nhìn
Trưởng lão:
- Trước đây ta chưa hề thấy một tu sĩ nào
như vị này. Ông phải là một trong những tu sĩ đã đắc A-la-hán trên thế gian,
nếu không cũng là người đã bước vào con đường đưa đến Thánh quả A-la-hán, ta
hãy thử đến gặp tu sĩ và hỏi Ngài: "Vì ai, thưa hiền hữu, mà hiền hữu tử
bỏ thế gian? Ai là bậc thầy của hiền hữu? và hiền hữu truyền giáo pháp của
ai?"
Nhưng chàng dằn lại vì dè dặt, sợ mình
quá đường đột:
"Thật không đúng lúc để hỏi tu sĩ
những câu như thế, vì ông đang đi khất thực từng nhà. Ta có nên theo sát bước
của tu sĩ, như người ta vẫn thường làm để thỉnh cầu ân huệ một vị nào đó?"
Upatissa bước theo Trưởng lão Ác-bệ.
Trưởng lão đã nhận xong một phần khuất thực. Trên đường đi tiếp đến một nơi nào
đó, thấy rằng Trưởng lão muốn ngồi xuống, chàng liền đặt tọa cụ của mình trên
đất và dâng cho Trưởng lão. Tu sĩ thọ thực xong, chàng rót nước trong bình của
mình mời Ngài. Làm xong bổn phận của một đệ tử đối với thầy, và khi trưởng lão
thọ thực xong, chàng lễ độ chào hỏi Trưởng lão, rồi thưa:
- Thưa hiền hữu, các căn của Ngài thật
thanh tịnh, nước da của Ngài thật sáng bóng và trong trẻo. Vì ai, thưa hiền
hữu, Ngài đã từ bỏ thế gian? Ai là thầy của Ngài? Và Ngài truyền bá giáo lý của
ai?
Trưởng lão thầm nghĩ: "Những du sĩ
khổ hạnh hay chống đối tôn giáo ta theo, do đó ta sẽ chỉ cho tu sĩ này sự thậm
thâm của đạo ta".
Nhưng trước hết Ngài giải thích rằng
Ngài chỉ là một sơ cơ. Ngài nói:
- Này hiền hữu! Tôi chỉ là một sơ cơ,
tôi đi tu chưa bao lâu, tôi mới đến với Pháp và luật này, ngay bây giờ tôi
không có nhiều lời để thuyết pháp.
Chàng tu sĩ khổ hạnh thầm nhủ:
"Tôi là Upatissa, xin nói
nhiều hay ít theo khả năng của Ngài, tôi nhất quyết sẽ tìm hiểu ý nghĩa bằng
trăm ngàn cách".
Do đó chàng nói:
Hãy
nói ít hoặc nhiều,
Nhưng nói điều cốt yếu,
Tôi chỉ cần cốt yếu,
Sao phải thốt nhiều lời?
Ðể trả lời, Trưởng lão dùng ngay dòng
đầu của Pháp Cú:
Tất
cả pháp từ nhân duyên sanh,
Nhân duyên ấy, Như Lai đã chỉ.
Ngay dòng đầu tiên, chàng du sĩ khổ
hạnh đắc quả Dự lưu, hiểu hết ý nghĩa bằng cả một ngàn cách. Chàng vừa đắc quả Dự
lưu xong, trưởng lão đọc nốt dòng thứ hai:
Và
cũng dạy thế nào chấm dứt.
Ðây, giáo huấn của Ðại Sa-môn.
Chàng không chứng được quả vị cao hơn,
chàng nghĩ là phải có một lý do nào đó, vì thế chàng trình Trưởng lão:
- Xin Ngài đừng thuyết pháp cao hơn nữa,
đã đủ! Ðạo sư của chúng ta hiện ngụ ở đâu?
- Tại Trúc lâm, hiền hữu!
- Vậy thì, thưa Tôn giả! Xin ngài đi
trước đi. Tôi có một người bạn, anh ta và tôi đã giao ước với nhau: "Ai
trong chúng ta đạt đến sự bất tử trước tiên phải báo cho người kia". Tôi
phải giữ lời hứa này trước đã. Tôi sẽ rủ bạn tôi cùng đến đấng Ðạo sư, đi theo
con đường của Ngài.
Nói xong, Upatissa phủ phục năm vóc dưới chân Trưởng lão, đi nhiễu bên
phải ba vòng và từ giã Ngài, đi đến gặp du sĩ khổ hạnh bạn chàng.
Nhà du sĩ khổ hạnh Kolita thấy chàng từ xa, không khỏi mừng
thầm: "Hôm nay, vẻ mặt bạn ta khác thường, chắc anh đã đến sự bất
tử".
Kolita nôn nóng hỏi ngay bạn mình:
- Bạn đã đạt được bất tử phải không?
Upatissa trả lời:
- Vâng, này huynh! Tôi đã đạt đến bất
tử.
Nói xong, chàng nói Pháp Cú như Tôn giả
Ác-bệ đã nói. Ngay khi kết thúc bài kệ, Kolita
chứng quả Dự lưu. Rồi Kolita hỏi
tiếp:
- Này bạn, đấng Ðạo sư ở đâu?
- Tại Trúc Lâm, bạn ạ. Trưởng Lão
Ác-bệ, thầy chúng ta đã cho tôi biết.
_ Tốt lắm, này bạn! Chúng ta hãy đi,
hãy đến gặp đức Phật.
Trưởng lão Xá-lợi-phất có một nét đặc
biệt là luôn kính trọng sâu đậm vị thầy của mình. Do đó, Ngài bảo bạn:
- Này bạn, chúng ta hãy báo cho thầy
mình, du sĩ khổ hạnh Sanjaya rằng
chúng ta đã đạt được đến bất tử, như thế tâm ông sẽ thức tỉnh và trí ông sẽ
hiểu biết. Dù ông có thiếu sự hiểu biết đi chăng nữa chắc chắn ông vẫn tin
chúng ta không nói dối, và ngay khi được nghe Phật thuyết pháp, ông sẽ đạt đạo
quả.
Hai du sĩ khổ hạnh liền đi đến Sanjaya.
Gặp lại họ Sanjaya hỏi ngay:
- Các đạo hữu! Các ông có thành công
trong việc tìm người chỉ cho con đường bất tử không?
- Vâng, thưa Thầy, chúng tôi đã tìm
được người như thế. Ðức Phật đã hiện trên thế gian, Pháp đã xuất hiện, Tăng đã
xuất hiện. Còn Ngài, Ngài đi trong hư huyễn phi thực. Hãy đến đây, thưa Ngài,
đi đến đấng Ðạo sư với chúng tôi.
- Các ông có thể đi. Ta không đi được!
- Tại sao?
- Trước đây, ta đã là một bậc thầy của
nhiều người. Ðối với ta, trở lại thành một người đệ tử cũng vô lý như một tên
nhếch nhác được phép đi đến giếng nước. Ta không thể sống cuộc đời người đệ tử.
- Ðừng làm vậy, Thầy ạ!
- Không sao, các bạn! Các bạn có thể
đi, còn ta thì không đi được.
- Thưa Thầy! Từ khi Phật xuất hiện trên
thế gian, dân chúng mang hương hoa và các thứ trong tay họ, đi đến và tôn kính
một mình Ngài thôi. Chúng ta hãy đi đến đó. Thầy định làm gì?
- Này đạo hữu! Ai chiếm đa số trên thế
gian này, người ngu hay người trí?
- Thưa Thầy, người ngu thì nhiều, người
trí thì ít.
- Tốt lắm, đạo hữu! Hãy để người trí đến
với tu sĩ trí tuệ Cồ-đàm, và hãy để người ngu đến với ngu phu là ta. Các anh có
thể đi, còn ta không đi.
- Thầy sẽ trở thành một người nổi
tiếng, thầy ạ.
Hai đệ tử cũ nói thế và lên đường. Khi
họ đi rồi, giáo đoàn của Sanjaya
tan rã, và khu rừng trở nên vắng vẻ. Sanjaya
không chịu nổi trước cánh rừng vắng vẻ, ông buồn tức hộc máu tươi. Năm trăm du
sĩ khổ hạnh tháp tùng Kolita và Upatissa một
đoạn đường. Sau đó, hai trăm năm mươi người còn trung thành với Sajaya trở về, còn lại hai trăm năm mươi
người, hai vị thu nhận họ làm đệ tử và cho họ đi theo đến Veluvana.
Ðức Phật đang ngồi giữa tứ chúng thuyết
pháp, thấy hai du sĩ khổ hạnh từ xa đến, Ngài liền bảo các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, có hai đạo hữu đến
đây là Kolita và Upatissa. Họ sẽ
là đôi đệ tử của ta, đôi đại đệ tử cao quý.
Hai du sĩ khổ hạnh đảnh lễ Phật, cung
kính ngồi xuống một bên và thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con xin được thu
nhận vào Tăng đoàn theo Phật, chúng con xin quy y và xuất gia.
Ðức Phật bảo:
- Hãy đến Tỳ-kheo! Pháp sẽ được thuyết,
hãy sống đời phạm hạnh cho đến lúc lâm chung để mọi đau khổ dứt hẳn.
Ngay tức khắc, nhờ thần thông, họ tự
nhiên được y bát, và trở thành những vị Tỳ-kheo Trưởng lão một trăm hạ lạp.
Bằng vào sự thuyết pháp của hội chúng
đệ tử, đức Phật gia tăng việc thuyết giảng pháp. Trừ hai vị Ðại đệ tử ra, mọi
người đều đắc quả A-la-hán. Lạ lùng thay, hai vị Ðại đệ tử vẫn không thành tựu
thiền định dẫn đến ba quả vị cao hơn (Lý do gì như thế? Vì trí tuệ ba-la-mật
của bậc Ðại đệ tử Phật có một tầm quan trọng).
Lúc bấy giờ Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên,
ngụ gần làng Kallavàla trong
vương quốc Ma-kiệt-đà, rơi vào trạng thái hôn trầm dã dượi vào ngày thứ bảy sau
ngày được thu nhận vào Tăng đoàn. Nhưng được đức Phật đánh thức, Ngài trừ khỏi
hôn trầm dã dượi và áp dụng đề mục thiền quán về các đại mà đức Phật đã trao
cho Ngài. Ngài thành tựu thiền định dẫn đến ba quả vị cao hơn và đạt được cứu
cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử.
Còn Trưởng lão Xá-lợi-phất, hai tuần lễ
ở với đức Phật, từ ngày được thu nhận vào Tăng đoàn, ngụ tại hang Sưukarakhata cũng gần thành Vương Xá. Khi
nghe con của người chị Ngài, Ðạo sĩ Dìhanakha
đọc lại bài kinh Vedanà pariggaha,
Ngài chú tâm vào bài kinh, và giống như một người ăn được cơm nấu cho người
khác, Ngài đạt được cứu cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử.
(Chắc chắn Tôn giả Xá-lợi-phất là một
người đại trí tuệ. Vậy thì tại sao Ngài cần đến một thời gian lâu hơn Ðại
Mục-kiền-liên để đạt dến cứu cánh của trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử? Bởi
vì đối với Ngài những việc chuẩn bị cần phải tỉ mỉ. Chúng ta nên hiểu rằng đây
là trường hợp tương tự với một vị vua, khi muốn ra ngoài du hành, cần phải
chuẩn bị nhiều thứ, như sắp xếp những tấm phủ lên lưng những con voi sẽ cõi...
Còn đối với một người nghèo, dù muốn đi đâu, anh ta đi được ngay không cần thêm
gì lắm).
Ngay hôm Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên
được nhận vào Tăng đoàn, khi trời gần tối, đức Ðạo sư triệu tập những đệ tử tại
Trúc Lâm, đề cử địa vị Ðại đệ tử cho hai vị mới vào Tăng đoàn, và đọc giới bổn Pàtimokkha. Các Tỳ-kheo bất bình bàn tán
với nhau:
- Ðức Thế Tôn tỏ ra thiên vị trong việc
trọng vọng này. Ðịa vị Ðại đệ tử, Ngài phải ưu tiên cho những ai từ bỏ thế gian
đầu tiên, tức là nhóm năm vị Kiều-trần-như. Nếu Ngài không đếm xỉa đến sự thỉnh
cầu của họ, Ngài phải dành ưu tiên cho Trưởng lão Yasa và năm mươi bốn bạn đồng hành của ông. Nếu Ngài không
cho những vị này làm Ðại đệ tử, Ngài phải dành ưu tiên cho nhóm ba mươi thanh
niên. Nếu Ngài bác bỏ nhóm này thì phải dành ưu tiên cho ba anh em Uruvela-Kassapa, Nadì-Kassapa và Gayà-Kassapa.
Khi bác bỏ tất cả những Tỳ-kheo đến trước và dành địa vị Ðại đệ tử cho những
người từ bỏ thế gian sau hết, đức Ðạo sư đã tỏ ra thiên vị.
Phật hỏi họ:
- Này các Tỳ-kheo! Các ông đang tranh
luận vấn đề gì?
Nghe họ kể lại, Phật nói:
- Này các Tỳ-kheo! ta không tỏ ra thiên
vị trong việc trọng vọng này. Trái lại, ta dành cho các Tỳ-kheo này và cho tất
cả những Tỳ-kheo khác những gì mỗi người mong ước khi phát lời thệ nguyện. Còn Annà Kondana có cúng dường những thành quả
đầu mùa chín lần, nhưng không có thệ nguyện làm Ðại đệ tử. Trái lại, lúc cúng
dường, ông thệ nguyện rằng ông phải là người đầu tiên đạt đến quả vị tối
thượng, đó là A-la-hán quả.
- Bạch Thế Tôn, khi nào vậy?
- Hãy lắng nghe, các Tỳ-kheo!
- Vâng, Thế Tôn!
Sau đó, Thế Tôn kể:
Chuyện quá khứ
8C. Tiểu Kala và Ðại Kala
Này các Tỳ-kheo! Chín mươi mốt kiếp quá
khứ, đức Phật Vipassì xuất hiện ở
đời. Lúc đó có hai anh em Ðại Hắc và Tiểu Hắc, cả hai gia chủ này cai quản một
cánh đồng rộng lớn trồng lúa. Môt hôm Tiểu Hắc đến ruộng lúa bóc vỏ lúa và ăn, thấy
ngọt khác thường.
Sau đó không lâu, ông muốn dâng một món
quà bằng lúa non lên Tăng chúng do Phật lãnh đạo. Vì thế ông đến ngỏ ý cùng anh
mình:
- Nè anh! Chúng ta hãy bóc vỏ lúa non
và nấu nướng thích hợp để cúng dường những vị Phật.
Em nói gì thế, hở em? Chưa hề có người
nào bóc vỏ lúa non cúng dường, cũng không ai thích làm như thế trong tương lai,
đừng có làm hỏng mùa màng.
Người em lặp lại ý kiến của mình nhiều
lần. Cuối cùng người anh dứt khoát:
- Thôi được, hãy chia ruộng làm hai
phần. Ðừng có đụng đến phần của anh, nhưng hãy làm những gì em thích trên phần
ruộng của em.
Tiểu Hắc nói:
- Tốt lắm.
Rồi người em chia ruộng làm hai, thuê
một số lớn nông dân lao động lột vỏ lúa non và nấu với rất nhiều sữa, thêm bơ
lỏng, mật, đường và dâng món cơm chín đến Tăng đoàn do Phật lãnh đạo.
Bữa ăn chấm dứt, Tiểu Hắc thưa:
- Bạch Thế Tôn. do công đức cúng dường
thành quả đầu mùa này, cho con được làm người đầu tiên đạt đến quả vị tối
thượng là A-la-hán quả.
- Sẽ được vậy.
Rồi đức Ðạo sư hồi hướng công đức cho
thí chủ.
Khi người em trở về, nhìn lại cánh
đồng, ông ta thấy toàn bộ cánh đồng đầy những nhánh lúa nảy chồi, đan vào nhau
như được buộc thành bó. Cảnh tượng này khiến ông cảm nhận được năm niềm vui.
Ông hân hoan: "Ta thật là may mắn". Khi lúa trổ bông, ông cúng dường
những bông lúa đầu tiên. Cùng với dân làng thành quả đầu tiên gặt được. Khi lúa
được bó lại, ông dâng những bó lúa đầu tiên. Khi lúa gom thành đống, ông dâng
lúa đầu tiên trong đống. Khi lúa chất thành ụ, ông dâng lúa đầu tiên trong ụ.
Khi đập lúa, ông dâng những lúa đầu tiên xay xong. Khi đong, ông dâng phần lúa
đong đầu tiên. Khi chất vào kho, ông dâng lúa đầu tiên vào kho lẫm. Như thế,
ông dâng thành quả đầu tiên của vụ mùa đến chín lần để cúng dường. Bất cứ thứ
gì ông đem dâng được bù đắp lại, và ông có một vụ mùa bội thu. Phước đức đến
với người biết làm phước.
Do đó, đức Thế Tôn nói:
- Thật vậy, Ðại đức! Ðạo đức bảo hộ
người biết giữ gìn đạo đức, sống đạo đức đưa đến hạnh phúc. Ðây là lợi lạc của
cuộc sống đạo đức, người nào sống trong đạo đức sẽ không bao giớ đi đến tình
trạng đau khổ.
Vì thế, trong thời kỳ của Phật Vipassì, Kiều-trần-như đã cúng dường thành
quả đầu tiên tới chín lần, thệ nguyện làm người đầu tiên đạt được quả vị tối
thượng. Cũng thế, trong thời kỳ của Phật Padumuttara,
một trăm ngàn kiếp về quá khứ, trong thành Hamsavatì,
ông đã cúng dường dồi dào, và phủ nhục dưới chân đức Phật, thệ nguyện làm người
đầu tiên đạt được quả vị tối thượng A-la-hán quả. Vì vậy, Ta đã dành cho ông ta
địa vị theo đúng thệ nguyện. Ta không tỏ ra thiên vị trong sự trọng vọng này.
Chuyện quá khứ
8D. Da-Xá (Yasa) và Năm Mươi Bốn Bạn Hữu
- Bạch Thế Tôn, năm mươi lăm thanh niên
do Da-xá (yasa) cầm đầu tạo những
công đức gì?
- Họ đã thệ nguyện dưới chân một vị
Phật được đạt quả vị A-la-hán, và đã tạo nhiều công đức. Trước khi Phật hiện
tại xuất hiện ở đời, họ đã kết bạn với nhau để thành tựu những công đức, và hết
lòng lo việc thiêu xác chết của người nghèo khó. Một hôm, thấy xác chết của một
phụ nữ mang thai, họ đem xác chết nghĩa trang để thiêu. Da-xá và bốn người bạn
được chỉ định việc thiêu xác, những người còn lại trở về làng.
Khi Da-xá thiêu xác, chàng dùng cây
xiên xuyên suốt thân xác chết, lật qua lật lại, và thấu rõ sự bất tịnh của thân
xác. Ðể chia xẻ sự hiểu biết này với bốn bạn mình, chàng bày tỏ: "các bạn,
hãy nhìn thân này. Ðây đó da dẻ nứt nẻ, không khác gì da của con bò đốm, bất
tịnh, nhơ nhớp và gớm ghiếc."
Ngay đó, bốn bạn chàng cũng thấu triệt
sự bất tịnh của thân xác.
Năm người bạn quay về làng và truyền
đạt lại cho những người kia. Về phần Da-xá chàng về nhà và cũng truyền đạt cho
cha mẹ và vợ, họ đều thấu triệt sự bất tịnh.
Ðây là công đức mà họ đã tạo trong kiếp
trước. Và do chính công đức này, Da-xá chứng nghiệm được sự bất tịnh của thân
xác khi ở trong phòng nhìn các mỹ nữ ngủ. Thêm vào đó, căn cơ họ đã đến lúc
thuần thục, cho nên tất cả các chàng trai đều đạt quả thánh. Như thế, những
chàng trẻ tuổi này đạt được điều mong muốn đúng theo họ thệ nguyện. Ta không tỏ
ra thiên vị trong việc trọng vọng này.
Chuyện quá khứ
8 E. Ba Mươi Chàng Vọng Tộc
- Nhưng, bạch Thế Tôn! Ba mươi vị vọng
tộc trẻ tuổi này đã tạo công đức gì?
Họ cũng thệ nguyện dưới chân chư Phật
quá khứ đạt thành quả vị A-la-hán và đã tạo lập những công đức. Trước khi Phật
hiện tại xuất hiện ở đời, họ tái sanh làm ba mươi kẻ ác, nhưng nghe lời khuyên
dạy dành cho ông Tudila, họ giữ
năm giới suốt sáu mươi ngàn năm. Rồi những người này cũng chứng đạt đúng theo
họ thệ nguyện. Ta không tỏ ra thiên vị trong việc trọng vọng này.
Chuyện quá khứ
8F. Anh Em Ca Diếp
- Nhưng, bạch Thế Tôn! Ba anh em
Ca-diếp là Uruvela Kassapa, Nadì-Kassapa,
Gayà-Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Gia-da Ca-diếp)
tạo dựng những công đức nào?
- Họ cũng tạo dựng những công đức và
thệ nguyện đạt thành quả vị A-la-hán. Chín mươi hai kiếp quá khứ, hai đức Phật Tissa và Phussa
cùng một lúc xuất hiện trên thế gian. Cha của Ngài Phussa là vua Mahinda. Khi Ngài Phussa giác
ngộ thì người con út của vua trở thành Ðại đệ tử của Ngài và con của vị tư tế
trở thành đệ tử thứ hai. Nhà vua đến chỗ Phật và bạch:
- Người con cả của tôi là Phật, người
con út của tôi là Ðại đệ tử, và người con của vị tư tế của tôi là Ðại đệ tử thứ
hai của Phật.
Và nhìn cả ba, vua hoan hỉ:
- Ðức Phật là của chính tôi, Pháp là
của chính tôi, Tăng là của chính tôi.
Và ông long trọng xưng tụng ba lần:
- Xin tán thán Ngài là bậc Thế Tôn, Ứng
Cúng, Toàn Giác.
Rồi ông gieo mình dưới chân đức Ðạo sư
thưa:
- Bạch Thế Tôn, bây giờ vào cuối cuộc
đời kéo dài chín mươi ngàn năm, dường như đã đến lúc để tôi ngồi nhắm mắt ngủ
yên. Lúc nào tôi còn sống, xin đừng đến nhà người khác, hãy nhận tứ sự cúng
dường của mình tôi thôi.
Nhận được sự ưng thuận của Phật, nhà
vua đều đặn cúng dường cho Ngài.
Bây giờ nhà vua có ba người con khác.
Người lớn nhất có năm trăm lính tùy tùng, người giữa ba trăm và người trẻ nhất
hai trăm. Một hôm, họ xin phép cha được cúng dường người anh cả là đức Phật Phussa, nhưng bị từ chối. Việc này xảy ra
nhiều lần, ít lâu sau, một cuộc nổi loạn bùng nổ ở biên giới và ba anh em được
vua cha phái đi dẹp giặc. Thành công, trong việc khôi phục ở biên giới, họ trở
về hoàng cung, vua cha ôm lấy họ, hôn lên tóc, ngợi khen và tưởng thưởng:
- Các con yêu của cha, cha sẽ cho những
gì các con muốn.
Họ vâng lệnh:
- Tâu phụ vương! Chúng con xin nhận ân
huệ của cha.
Sau vài ngày, khi cha họ nhắc lại:
- Các con yêu, ta sẽ cho bất cứ điều gì
các con muốn.
Họ liền ngỏ ý:
_ Tâu phụ vương! Chúng con không cần gì
khác ngoài việc từ nay trở đi chúng con xin được cúng dường anh cả của chúng
con, hãy ban cho chúng con ân huệ này!
- Ta không ban cho các con ân huệ này
được, các con yêu!
- Nếu cha không muốn ban cho chúng con
đặc ân này thường xuyên, thì hãy ban cho chúng con bảy năm.
- Ta không muốn thế, con yêu!
- Thế thì hãy ban đặc ân cho chúng con
sáu năm hay năm năm, bốn, ba hay hai năm, hay một năm, hoặc là bảy tháng, hay
sáu, năm, bốn, ba hay hai tháng hoặc một tháng.
- Ta không muốn thế, các con yêu!
- Thế thì tâu phụ vương! Hãy cho mỗi
đứa con một tháng, ban ơn cho chúng con tất cả ba tháng!
- Thôi được, các con yêu! Hãy cúng dường
anh các con trong ba tháng.
Bây giờ cả ba anh em chỉ có một thủ khố
và một quản gia. Viên quản gia có đến một trăm hai mươi ngàn người phụ việc.
Ba anh em cho vời thủ khố và quản gia
lại chỉ thị:
- Trong vòng ba tháng tới, chúng tôi sẽ
thọ giữ mười giới, đắp y vàng và an cư với đấng Ðạo sư. Khi chúng tôi vắng mặt,
bổn phận các anh phải coi sóc lương thực cúng dường, mỗi ngày các anh phải cung
cấp đầy đủ thức ăn, cả cứng và mềm, cho chín mươi ngàn Tỳ-kheo và một ngàn
lính. Từ nay trở đi chúng ta sẽ không dặn dò gì nữa.
Rồi ba anh em đem theo một ngàn lính
tùy tùng tuân giữ mười giới, đắp y vàng và bắt đầu an cư trong tinh xá.
Người thủ khố và quản gia hợp lực thay
phiên nhau hoàn tất bổn phận cúng dường, lấy lương thực từ kho của ba anh em để
cúng dường. Nhưng khi đám con của những người phục vụ đòi món cháo yến mạch và
những thức ăn chúng đòi, trước cả lúc Tăng đoàn đến. Hậu quả là Tăng đoàn chỉ
nhận được thức ăn thừa và không được cung cấp thức ăn nào mới nguyên. Cuối
cùng, người thủ khố và viên quản gia cũng thèm ăn đến nỗi họ lấy bớt thức ăn,
rồi làm ra vẻ như đưa cho đám trẻ, nhưng thực họ ăn hết. Thấy thức ăn ngon
không nhịn thèm được, họ và nhóm tám mươi bốn ngàn người của họ đã ăn thực phẩm
mà họ có bổn phận phải dâng cho Tăng đoàn, nên khi chết và thân bị tan rã, họ
tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Khi mạng chung, ba anh em và một ngàn
người tùy tùng được sanh lên thiên giới và sống chín mươi hai kiếp qua lại từ
cõi trời này đến cõi trời khác. Ðó là những công đức mà ba anh em đã tạo dựng
trong thời gian đó vì lập nguyện thành tựu quả vị A-la-hán. Những gì họ nhận
được chỉ là do lời thệ nguyện của họ. Ta không tỏ ra thiên vị trong việc ban
cho điều gì cần ban. Viên quản gia bây giờ là Bình-sa-vương, thủ khố là cư sĩ
nữ Visàkha (Tỳ-xá-khư) và ba
hoàng tử là ba nhà khổ hạnh bên tóc.
Nhữnh gia nhân phục vụ của họ tái sanh
trong loài ngạ quỷ. Một thời gian sau khi trải qua từ kiếp này đến kiếp khác,
cả tốt và xấu, họ được tái sanh trong tiểu kiếp này ở cõi ngạ quỷ suốt bốn đời
đức Phật. Trong tiểu kiếp này, đầu tiên họ đến gặp vị Phật Kakusandha, trụ thế bốn mươi ngàn năm, và
hỏi Ngài:
- Xin Phật nói cho chúng con biết khi
nào chúng con nhận được thức ăn?
Ðức Phật đáp:
- Các người sẽ không có gì để ăn trong
thời kỳ hóa độ của Ta, nhưng sau Ta đại địa sẽ được nâng cao một dặm, và đức
Phật Konàgamana sẽ xuất hiện, tốt
nhất các ngươi hãy hỏi Ngài.
Họ chờ đợi suốt thời gian đó, và khi
đức Phật Konàgamana xuất hiện, họ
liền hỏi và được Ngài trả lời:
- Các ngươi sẽ không có gì để ăn trong
thời kỳ hóa độ của Ta, nhưng sau Ta, đại địa sẽ nâng cao một dặm, và đức Phật Kassapa sẽ xuất hiện, tốt nhất các người
hãy hỏi Ngài.
Họ chờ đợi suốt thời gian đó, và khi
nghe đức Phật Kassapa xuất hiện,
lại đến thưa hỏi và lại được nghe:
- Các ngươi sẽ không nhận được gì để ăn
trong thời kỳ của Ta, nhưng sau Ta, đại địa sẽ được nâng cao một dặm, và đức
Phật Gotama sẽ xuất hiện. Vào
thời đó, thân quyến của các anh là Bình-sa-vương sẽ làm vua, ông ta sẽ cúng
dường đức Ðạo sư và sẽ hồi hướng công đức tạo được cho các ngươi, và lúc đó các
ngươi sẽ nhận được thức ăn.
Thời kỳ giữa hai đức Phật sau này đối
với chúng cũng nhanh giống như hôm nay qua ngày hôm sau. Khi Như Lai xuất hiện
ở thế gian và vua Bình-sa-vương cúng dường ngày thứ nhất, chúng không nhận được
thức ăn. Chúng chờ đến đêm, và tạo một tiếng ồn đáng sợ và hiện ra trước vua.
Nhà vua đến Veluvana vào ngày hôm
sau, và thuật lại tình tiết cho Như Lai. Ðức Ðạo sư giải thích:
- Ðại vương, chín mươi hai kiếp trong
quá khứ, dưới thời Phật Phussa,
những ngạ quỷ ấy là thân quyến của đại vương. Họ lén ăn thực phẩm mà họ có bổn
phận dâng đến Tăng đoàn, họ đã hỏi Phật Kakusandha,
Konàganama, và Kassapa khi nào họ được ăn và chư Phật đã nói với họ
như thế, như thế. Suốt thời gian này, họ rất muốn nhận sự bố thí của đại vương.
Sở dĩ họ làm ồn đêm hôm qua vì đại vương có bố thí nhưng họ không nhận được
phước báo bố thí đó.
- Nhưng bạch Thế Tôn! Trong trường hợp
con bố thí bây giờ, họ có nhận được không?
- Sẽ nhận được, Ðại vương!
Ngày hôm sau, vua thỉnh Tăng đoàn do
Phật lãnh đạo, dâng thức ăn dồi dào và thưa:
- Bạch Thế Tôn, từ nay trở đi vật ẩm
thực từ cõi trời xin cho những ngạ quỷ này có phần.
Và khi vua hồi hướng đến những ngạ quỷ
công đức cúng dường của ông, chúng nhận được vật ẩm thực từ cõi trời.
Ngày hôm sau, những ngạ quỷ lại xuất
hiện trần truồng. Ðức vua trình lên Phật:
- Hôm nay, bạch Thế Tôn, những ngạ quỷ
này lại xuất hiện trần truồng, con không biết phải làm gì?
Ðức Phật giải thích:
- Ðại vương, vì ông không cho họ quần
áo.
Ngày hôm sau, nhà vua dâng y đến Tăng
đoàn do Phật lãnh đạo và cũng nguyện từ nay trở đi mong họ được quần áo từ cõi
trời.
Và khi vua hồi hướng công đức cúng
dường của ông cho họ như thế, lập tức họ được quần áo từ cõi trời, ngay lúc ấy
họ bỏ thân ngạ quỷ và nhận thân chư thiên.
Khi đức Phật hồi hướng công đức, Ngài
đọc bài kinh chú nguyện: "Ngạ quỷ đứng ngoài vách nhà"
Khi ngài kết thúc phần hồi hướng công
đức, tám mươi bốn ngàn chúng sanh đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.
Trên đây đức Phật đã giảng pháp, thuật
lại chuyện của ba anh em bện tóc.
Chuyện quá khứ
8G. Sarada và Sirivaddha
Nhưng, bạch Thế Tôn! Các Ðại đệ tử đã
thành tựu công đức gì?
- Họ đã thệ nguyện đạt đến địa vị Ðại
đệ tử. Trong một a-tăng-kỳ kiếp thêm một trăm ngàn kiếp quá khứ, Xá-lợi-phất được
tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có, là ông hoàng Sarada. Mục-kiền-liên được sanh trong gia
đình trưởng giả giàu có, tên là Sirivaddha.
Hai chàng trai trẻ làm bạn với nhau từ khi còn nghịch đất.
Ông hoàng Sarada được hưởng của thừa kế to tát khi cha chết. Một hôm,
ở một mình, anh băn khoăn: "Ta chỉ biết một ít về đời sống của thế giới
này thôi, ta chẳng biết gì về đời sống của thế giới bên kia. Ai sinh ra đều
chắc chắn phải chết. Ta phải từ bỏ thế gian, gia nhập Tăng đoàn và đi tìm con đường
giải thoát". Do đó, anh đến gặp
bạn và tâm sự:
- Bạn Sirivaddha,
tôi dự định rời bỏ thế gian và đi tìm con đường giải thoát. Anh có thể rời bỏ
thế gian với tôi hay không?
- Này bạn, tôi không thể rời bỏ thế
gian, bạn hãy ra đi một mình.
Bạn từ chối, ông hoàng Sarada vẫn không thay đổi ý định, và lập
luận rằng:
- Không ai đi đến đời sau với những
người đồng hành hay thân quyến hay bạn bè. Ta muốn làm gì phải làm một mình.
Vì vậy, anh mở cửa kho và bố thí rộng
rãi cho người nghèo khổ, du sĩ và ăn mày. Xong, anh rút vào chân núi và sống
đời ẩn sĩ... Ðầu tiên một, rồi hai, rồi ba, rồi nhiều người khác theo gương anh
chọn đời sống tu hành. Cuối cùng, ẩn sĩ bện tóc lên đến bảy mươi bốn ngàn, Sarada chứng được ngũ thông và bát định,
và dạy những người ẩn sĩ bện tóc này phương thức tụ tập thiền định. Tất cả đều
chứng ngũ thông và bát định.
Lúc ấy, Phật Anomadassì xuất hiện ở đời. Thành của Ngài tên Candavatì Cha là Yasavanta thuộc giai cấp chiến sĩ, và mẹ
là bà Yasodharà. Cây thành đạo
của Ngài là cây Ajjuna. Nisabha và Anoma là
Ðại đệ tử của Ngài, Varuna là thí
chủ, và Sundarà và Sumanà là nữ
cư sĩ nòng cốt. Ngài trụ thế một trăm năm, vóc dáng cao năm mươi tám cubits, và
phát hào quang từ thân xa đến mười hai dặm (năm mươi cây số). Ngài có một trăm
ngàn Tỳ-kheo nương học.
Một hôm, bình minh vừa ló dạng, sau khi
xuất định Ðại bi, Ngài quan sát thế gian và thấy ẩn sĩ Sarada và nhận ra rằng: "Hôm nay, khi
Ta đến gặp ẩn sĩ Sarada, sẽ có
một buổi đại thuyết pháp. Sarada sẽ
lập nguyện đạt đến địa vị Ðại đệ tử, và bạn ông ta, trưởng giả Sirivaddha sẽ lập nguyện đạt địa vị Ðại đệ
tử thứ hai. Cuối bài thuyết pháp, bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc nương học sẽ
chứng quả A-la-hán. Vì vậy Ta phải đến đó"
Rồi đức Phật Anomadassì đắp y ôm bát, không nói một lời với ai, độc hành
như một con sư tử, với ý định hiển hiện để cho Sarada
biết mình là một vị Phật.
Và trong khi môn đệ của ẩn sĩ Sarada vắng mặt vì đi tìm các loại trái
cây, đức Phật từ trên trời hạ xuống đất ngay trước mắt Sarada.
Khi ẩn sĩ Sarada thấy thần thông và tướng hảo của Phật, ông thầm nhớ
lại những câu thơ liên quan đến đặc tính của một bậc đại nhân. Ông biết rằng
một người được phú cho những hình tướng như thế, nếu sống tại gia là một ông
vua, một bậc chuyển luân thánh vương, sống đời xuất gia sẽ là người tận diệt
tham dục, là một vị Phật toàn giác. Vì thế, Sarada
đoan chắc người này là một vị Phật không nghi ngờ gì nữa.
Do đó, ông đến gặp Phật, năm vóc đảnh
lễ, sửa soạn một chỗ ngồi dâng Ngài, đức Phật ngồi vào chỗ đã được sửa soạn, và
ẩn sĩ Sarada chọn chỗ ngồi thích
hợp, kính cẩn ngồi xuống một bên.
Bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc lúc nãy
vắng mặt vì đã đi tìm các loại trái cây ngọt và nhiều nước, bây giờ vừa trở về
với thầy họ. Thấy đức Phật ngồi giữa và thầy họ ngồi kế bên, họ nói:
- Thưa Thầy, chúng tôi thường đi khắp
nơi và đều cho rằng không có ai cao cả hơn thầy. Nhưng với vị này, chúng tôi cả
quyết rằng Ngài cao cả hơn thầy.
- Ðạo hữu! Các ông nói gì thế? Có phải
ý các ông đang so sánh một hột cải với núi Tu-di cao sáu mươi tám ngàn dặm
không? Hỡi những đứa con ngây thơ! Ðừng so sánh ta với một vị Phật toàn giác.
Những ẩn sĩ đều đồng ý rằng: "Nếu
đây là một người tầm thường, thầy chúng ta sẽ không so sánh như thế. Vị này quả
thật cao cả làm sao!" lập tức họ phủ phục trước chân Phật.
Rồi thầy họ, ẩn sĩ Sarada bảo họ rằng:
- Các bạn, chúng ta không có một phẩm
vật xứng đáng dâng lên chư Phật ở đây, và đấng Ðạo sư đã đến đây đúng lúc chúng
ta thường đi khất thực. Chúng ta hãy dâng Ngài phẩm vật theo khả năng của chúng
ta. Tìm và mang đến đây tất cả những loại trái cây hảo hạng.
Vì vậy, họ đi kiểm trái cây, ẩn sĩ Sarada rủa tay và đích thân đặt trái cây
vào bình bát của Như Lai. Ngay khi đấng Ðạo sư vừa cầm đến những trái cây cúng
dường Ngài, chư thiên gia thêm hương vị của cõi trời vào những trái cây đó. Ẩn
sĩ Sarada cũng đích thân lọc nước
dâng lên Phật.
Sau bữa ăn, khi đấng Ðạo sư vẫn còn
ngồi tại chỗ, Sarada kêu gọi tất
cả các môn đệ vào ngồi xuống, hoan hỉ đàm luận với đấng Ðạo sư.
Và đấng Ðạo sư thầm nghĩ: "Hai Ðại
đệ tử và chúng Tỳ-kheo hãy đến đây". Ngay lập tức, hai Ðại đệ tử cùng với
một trăm ngàn A-la-hán tháp tùng hiện đến, đảnh lễ đấng Ðạo sư và kính cẩn ngồi
một bên. Rồi ẩn sĩ Sarada nói với
môn đệ mình như sau:
- Các bạn, chỗ ngồi của Phật thì thấp
và không có chỗ ngồi cho một trăm ngàn Tỳ-kheo. Hôm nay các bạn hãy lễ kính đức
Phật. Hãy đi tìm ở chân núi mang về đây những bông hoa màu sắc rực rỡ và hương
thơm ngào ngạt.
Có câu nói rằng thời gian bỏ ra để nói
bàn chỉ phí phạm thôi, người có thần thông thì phạm vi thần lực không thể tưởng
tượng được. Do đó, trong thoáng chốc những ẩn sĩ đem về những bông hoa màu sắc
rực rỡ, hương thơm ngào ngạt và họ kết thành một nệm hoa dài một dặm (gần năm
km) cho Phật. Rồi họ kết tiếp một nệm hoa đài ba phần tư dặm cho hai Ðại đệ tử.
Những nệm hoa cho những Tỳ-kheo còn lại dài nửa dặm hay ngắn hơn, nệm dành cho
tân Sa-môn dài một usabha (120
cubit). Không nên thắc mắc tại sao những chỗ ngồi có kích thước vĩ đại như thế
lại được xếp gọn vào tu viện khổ hạnh này. Sở dĩ có thể được do bởi năng lực
huyền nhiệm. Khi chỗ ngồi đã sẵn sàng, ẩn sĩ Sarada
đứng trước Thế Tôn và chắp tay cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn, xin hãy lên nệm hoa này
để con được cứu độ và ân triêm công đức.
Do đó người ta kể rằng:
Ông
góp nhiều loại hương hoa
Sửa soạn giường tòa, cung kính thỉnh thưa:
"Ðây con đã soạn sẵn sàng,
Chỗ ngồi thích hợp kết bằng hương hoa.
Thế Tôn, xin ngự vào tòa
Xin cho con được tâm hòa lòng an.
Bảy ngày đêm, Phật ngồi trên
Nệm hoa con kết và liền cho con
Tâm bình tịch lặng an nhiên
Từ người cho đến chư thiên đều mừng".
Khi đức Phật ngồi rồi, hai Ðại đệ tử và
những Tỳ-kheo mỗi người ngồi vào chỗ dành cho mình. Ẩn sĩ Sarada lấy một lọng hoa lớn che trên đầu
Như Lai. Ðấng Ðạo sư bảo:
- Nguyện cho những ẩn sĩ bện tóc dâng vinh
dự này cho ta sẽ gặt được quả báo tốt lành. Và lập tức, Ngài nhập vào Diệt tận
định. Nhận thấy đức Ðạo sư đã nhập Diệt tận định, hai Ðại đệ tử cũng nhập định
và vào Diệt tận định. Trong bảy ngày đức Ðạo sư ngồi đó, hưởng niềm an lạc của
Diệt tận định. Khi đến giờ đi tìm thức ăn, môn đệ của Sarada đi vào rừng và dùng những trái cây
dại và nhiều thứ trái khác. Thời gian còn lại, họ đứng chấp tay cung kính trước
Phật. Ẩn sĩ Sarada không đi tìm
thức ăn, nhưng trong bảy ngày liên tục cẩm lọng hoa che đức Phật, đã tìm được
niềm vui và hạnh phúc sung mãn.
Khi đức Ðạo sư xuất định, Ngài nói với
vị Ðại đệ tử, Trưởng lão Nisabha,
ngồi bên tay phải Ngài.
- Nisabha!
Hãy hồi hướng công đức cho những ẩn sĩ đã dâng chúng ta hoa và chỗ ngồi.
Sau đó, Trưởng lão, như một dũng tướng
vừa nhậm chức vị cao trọng từ tay Chuyển luân Thánh vương, lòng tràn đầy niềm
hân hoan, hiển bày trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử, bắt đầu bài hồi hướng.
Khi Ngài chấm dứt, đức Phật bảo Ðại đệ tử thứ nhì như sau:
- Con cũng hãy thuyết pháp cho các
Tỳ-kheo!
Vâng lời Phật dạy, Trưởng lão Anoma suy nghiệm đến Tam tạng kinh điển,
lời dạy của chư Phật, rồi thuyết pháp. Nhưng dù hai Ðại đệ tử đã thuyết pháp,
không có một Tỳ-kheo nào đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Rồi đức Ðạo sư hiển lộ
năng lực vô biên của Phật, bắt đầu thuyết pháp. Khi bài giảng kết thúc, tất cả
bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ bện tóc đắc A-la-hán trừ ẩn sĩ Sarada. Ðạo sư khi đó duỗi tay ra và cất
tiếng:
- Hãy đến, Tỳ-kheo!
Lập tức râu tóc họ rụng mất, và tám món
cần thiết được khoác vào người họ.
Ðộc giả có thắc mắc vì sao ẩn sĩ Sarada không chứng A-la-hán không? Bởi vì
ông tán tâm. Người ta kể rằng trong khi vị Ðại đệ tử ngồi tòa thứ hai kế bên
Phật hiển bày trí tuệ ba-la-mật của bậc Ðại đệ tử đang thuyết pháp, ngay lúc ẩn
sĩ bắt đầu lắng nghe bài pháp, ông đã khởi niệm: "Ồ! ước mong sao, vào một
lúc nào đó ở tương lai, trong Giáo đoàn của một vị Phật tương lai, ta được nhận
trọng trách mà vị đệ tử này đã nhận!" Vì lẽ đó, ông không thể chứng đạo
quả.
Sarada, tuy thế vẫn đảnh lễ Như lai,
và đứng đối diện với Ngài, bạch:
- Bạch Thế Tôn! vị Tỳ-kheo ngồi tòa
cạnh Ngài mang danh hiệu gì trong Giáo đoàn của Ngài?
- Ðó là người theo Ta trong buổi đầu
Chuyển pháp luân, đó là người đã đạt đến tột đỉnh của trí tuệ ba-la-mật của bậc
Ðại đệ tử, đó là người đã hiểu thấu mười sáu thể của Tri thức. Do đó, ông ta
được gọi là Ðại đệ tử trong Giáo đoàn của Ta.
- Bạch Thế Tôn! Ở đây, trong bảy ngày
con đã đứng cầm lọng hoa che Ngài, bằng cách ấy dâng vinh dự lên Ngài. Quả báo
của công đức này, con không mong cầu đời sau làm Ðế Thích hay Phạm thiên, nhưng
trong tương lai, con nguyện được trở thành Ðại đệ tử của một đức Phật, giống
như Trưởng lão Nisabha hiện tại.
Sarada lập nguyện xong, đức Ðạo sư muốn
biết ước nguyện của người này có thành tựu không, Ngài bèn phóng thiên nhãn và
quan sát những thời kỳ tương lai, thấy sau một a-tăng-kỳ kiếp cộng thêm một
trăm ngàn kiếp, ước nguyện của Sarada sẽ
thành tựu. Ngài cho ẩn sĩ Sarada biết:
- Ước nguyện này của ông sẽ không viễn
vông. Cuối một a-tăng-kỳ kiếp cộng thêm một trăm ngàn kiếp nữa, Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Mẹ của
Ngài là hoàng hậu Mahà màya, cha
Ngài làvua Shudhodana, con Ngài
là Ràhula, thị giả Ngài là Ananda,
và Ðại đệ tử thứ hai của Ngài là Moggallàna,
và ông sẽ là Ðại đệ tử nguyên soái của niềm tin, và tên ông là Sàriputta.
Sau khi đức Ðạo sư thọ ký cho ẩn sĩ,
Ngài thuyết pháp, và rồi cùng Tăng chúng vây quanh, Ngài bay lên không mà đi.
Ẩn sĩ Sarada tìm môn đệ và các
trưởng lão của mình, nhờ họ nhắn tin cho bạn là trưởng giả Sirivaddha rằng: "Bạn ông, ẩn sĩ Sarada đã phủ phục dưới chân Phật Anomadassì và ước nguyện được địa vị Ðại
đệ tử trong Giáo đoàn của Phật Gotama,
người sẽ xuất hiện sau này của thế gian. Ông hãy ước nguyện được ở địa vị Ðại
đệ tử thứ hai".
Xong, ông đi trước những Trưởng lão
bằng một đường khác và đến đứng tại cửa nhà Sirivadha.
Gặp lại người bạn cũ, Sirivaddha hân hoan chào mừng:
- Cuối cùng, sau một thời gian dài vắng
bóng, người bạn quí của tôi đã trở về.
Và lập tức Sirivaddha mời bạn ngồi tòa, và tự mình ngồi một ghế thấp
hơn, thăm hỏi:
- Nhưng, này ông Tôn giả! ông không có
môn đệ và những người cận sự?
- Có chứ, này bạn! đức Phật Anomadassì đã đến tu viện của chúng tôi,
và chúng tôi đã tôn kính Ngài trong phạm vi quyền năng của chúng tôi. Ðức Ðạo
sư thuyết pháp cho mọi người, và cuối bài giảng, tất cả số hội chứng trừ tôi
đều đắc quả A-la-hán và đều gia nhập Tăng đoàn. Trông thấy vị Ðại đệ tử của đức
Ðạo sư là Trưởng lão Nisabha, tôi
ước nguyện được địa vị Ðại đệ tử dưới Giáo đoàn của Phật Gotama, Người sẽ ra đời sau này. Anh cũng
nên ước nguyện được địa vị Ðại đệ tử thứ hai trong Giáo đoàn của Phật.
- Nhưng, Tôn giả! Tôi không có những
quan hệ thân thiện với Phật.
- Tôi sẽ gánh vác trọng trách thưa với
Phật, anh hãy chuẩn bị một quyết tâm vĩ đại.
Nghe lời như mở tấc lòng, Sirivsaddha liền về trang hoàng một khoảng
rộng tám karisas (tám mẫu) trước
cửa nhà mình thật long trọng xứng với một vị vua, rải cát, tung năm loại hoa,
có cả hoa làja, dựng một lều che
mái lợp toàn bằng hoa sen xanh, khiến dọn sẵn toà của Phật, và tòa của các
Tỳ-kheo cũng được sửa soạn. Và biết bao phẩm vật được chuẩn bị chu đáo. Xong
chàng nhờ ẩn sĩ Sarada đến mời
Phật và A-la-hán. Vui lòng đẹp dạ, ẩn sĩ Sarada
đưa Tăng đoàn do Phật lãnh đạo cùng đi đến nhà người bạn tâm giao. Sirivaddha ra trước nhà để gặp Tăng đoàn,
đỡ bình bát từ tay Như Lai, hướng dẫn đoàn vào lều, mời ngồi trên toà đã dành
sẵn, dâng nước và cung cấp những thức ăn chọn lọc.
Cuối bữa ăn, chàng dâng y đắt gia lên
Tăng đoàn, và bạch đức Ðạo sư:
- Bạch Thế Tôn, chúng con cúng dường vì
lập nguyện đạt đến địa vị không tầm thường. Xin Ngài rủ lòng từ bi ở lại đây
trong bảy ngày như thế.
Ðức Ðạo sư thuận ở lại. Trong bảy ngày Sirivaddha dâng phẩm vật dồi dào như đã
kể. Cuộc lễ cúng dường viên mãn, Sirivaddha
đảnh lễ đức Ðạo sư, và đứng trước chắp tay cung kinh bạch:
- Bạch Thế Tôn, bạn con, ẩn sĩ Sarada ước nguyện trở thành Ðại đệ tử của
một vị Phật. Con cũng nguyện xin trở thành Ðệ nhị Ðại đệ tử của một vị Phật ấy.
Ðức Ðạo sư quán sát tương lai, và thấy chàng
sẽ được mãn nguyện. Ngài bèn thọ ký như sau:
- Cuối một a-tăng-kỳ kiếp và cộng thêm
một trăm ngàn kiếp, ông sẽ trở thành Ðệ nhị Ðại đệ tử của Phật Gotama.
Nghe lời thọ ký của Phật, Sirivaddha tràn đầy sung sướng, mãn
nguyện. Ðức Ðạo sư hồi hướng công đức về sự cúng dường thức ăn rồi cùng Tăng
chúng trở về tinh xá.
Và Phật kết luận:
- Này các Tỳ-kheo! Ðây là ước nguyện
của các đệ tử Ta lúc ấy. Họ đã thọ nhận đúng với ước nguyện của họ. Khi Ta ban
bố một điều gì, Ta không thiên vị người nào.
(Chấm Dứt Chuyện Quá Khứ)
Ðức Ðạo sư thuật xong, hai vị Ðại đệ tử
cùng đảnh lễ Ngài và thưa thỉnh:
- Bạch Thế Tôn, khi chúng con còn là
gia chủ, chúng con đã đến xem lễ Ðỉnh Núi.
Hai vị kể lại toàn bộ câu chuyện đã xảy
ra, cho đến khi chứng được thánh quả Dự lưu ngay lời đầu tiên Trưởng lão Assaji (Ác Bệ) thuyết pháp. Rồi họ thưa
tiếp:
- Bạch Thế Tôn, chúng con đến gặp vị
thầy cũ của chúng con, cốt hướng dẫn ông ấy nương theo Phật, và chỉ cho ông ấy
thoát ra khỏi bóng tối của tư kiến, không quên nhấn mạnh đến lợi lạc tốt lành
nếu như ông ấy chịu đến đây. Nhưng ông ấy bảo với chúng con: "Ðối với ta,
bây giờ sống cuộc đời một môn sinh thì thật là vô lý, như kẻ quen ở dơ lại đi
đến giếng nước. Ta không thể sống nổi cuộc đời một môn sinh". Chúng con cố
giải bày: "Thưa Thầy, dân chúng hiện giờ tay ôm hương hoa và các thứ đến
dâng cúng riêng cho đấng Ðạo sư. Vậy Thầy định sao?" Ông ấy hỏi ngược lại
chúng con. "Trong thế gian này người ngu và người khôn ai đông hơn?"
Chúng con đáp: "Thưa Thầy, người ngu thì nhiều kẻ khôn thì ít". Ông
liền dứt khoát: "Vậy thì người khôn hãy đi đến vị Tỳ-kheo trí tuệ là Gotama (Cồ-đàm), và người ngu hãy đến với
ta là kẻ ngu. Còn các ông, hãy đi đến chỗ các ông ưa thích". Với lời lẽ
như thế, bạch Thế Tôn, ông ấy đã từ chối đến đây.
Ðức Ðạo sư nghe thế liền dạy các
Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, do chấp thủ tà kiến,
Sanjaya đã lầm lẫn cho hư vọng là
chân lý và cho chân lý là hư vọng. Nhưng các ông, do trí tuệ riêng của mỗi
người, đã phân biệt đúng đắn cái gì là chân thật trong tính chân thật và cái gì
hư vọng trong tính hư vọng. Các ông đã sáng suốt loại trừ điều gì hư vọng và
chấp nhận điều gì chân thật.
Rồi Ngài nói Pháp Cú sau:
(11) Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật thấy không chân.
Chúng không đạt chân thật,
Do tà tư tà hạnh.
(12) Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân,
Chúng đạt được chân thật,
Do chánh tư, chánh hạnh.
(xem tiếp Phần
1d)
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a
| 04b | 05a | 05b | 06 | 07
| 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20
| 21 | 22 | 23 | 24 | 25
| 26a | 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002