BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện
Viên Chiếu
Nguyên tác:
"Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame
VII.
Phẩm A-La-Hán
1. Ðấng Như Lai Không Ðau Khổ
Ðích đã đến không sầu ...
Do câu hỏi của Jìvaka, Thế Tôn đã dạy như trên ở rừng
xoài Jìvaka.
Ðề-bà-đạt-đa hợp lực với vua A-xà-thế
âm mưu giết Phật. Ông lên ngọn Linh-thứu lăn một tảng đá xuống, va vào vách
núi, vỡ ra một mảnh bắn vào chân Thế Tôn làm chảy máu. Các Tỳ-kheo đưa Ngài đến
Maddakucchi, và sau đó đến rừng
xoài theo ý Ngài muốn. Jìvaka hay
tin liền đến tức thì, đắp thuốc và băng vết thương. Vì có bệnh nhân đang chờ
trong thành, ông xin đi ngay, hẹn sẽ trở về tháo băng. Nhưng khi trở về cổng
thành đã đóng, ông lo lắng vì nếu không tháo băng đúng giờ, Thế Tôn sẽ chịu đau
nhức dữ dội. Ngay khi đó Phật biết được ý nghĩ của ông liền bảo A-nan tháo
băng. Vết sẹo biến mất tức khắc như vỏ cây bị bóc ra. Sáng sớm Jìvaka về đến, nôn nóng hỏi thăm Phật có
thấy đau đớn không, và được trả lời:
- Jìvaka,
Như Lai đã dập tắt mọi phiền não ngay khi lên ngôi Chánh Giác.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(90) Ðích đã đến, không sầu,
Giải thoát ngoài tất cả,
Ðoạn trừ mọi buộc ràng,
Vị ấy không nhiệt não.
2. Thoát Khỏi Trói Buộc
Tự sách tấn, chánh niệm ...
Thế Tôn đã dạy câu trên, liên quan đến
Trưởng lão Ðại Ca-diếp tại Trúc Lâm.
Mãn hạ tại Vương Xá, Thế Tôn loan tin
cho các Tỳ-kheo biết sau nửa tháng sẽ khất thực, có nghĩa là các Tỳ-kheo sẽ đi
tráng rửa bình bát, nhuộm y và sẽ thong dong lên đường khất thực.
Trong khi đó thì Trưởng lão Ðại Ca-diếp
lại đi giặt y. Các Tỳ-kheo thấy thế có vẻ dè bỉu, vì một trăm tám mươi dân
trong thành này nếu không là bà con thì cũng là thí chủ của Trưởng lão, dễ gì
Ngài từ chối sự cúng dường của họ, và dù Ngài có theo Thế Tôn lên đường cũng
chẳng đi xa hơn hang Màpamàda.
(Có tên như thế khi Phật du hành đến hang này, thường bảo các Tỳ-kheo "Các
ông có thể trở về, chớ có buông lung").
Quả vậy, đức Phật thấy không thể để
tinh xá trống không, nhất là vào dịp lễ lạc hay rủi có tai ách, nên đã bảo
Trưởng lão mang đệ tử quay trở về. Các Tỳ-kheo lại xầm xì:
- Này chư huynh đệ có thấy không? Chúng
ta chẳng đoán là Ca-diếp giặt y, không theo Thế Tôn sao? Thật quả như rằng!
Việc đến tai Thế Tôn và Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo! Các ông nói Ca-diếp
bị trói buộc vào thân quyến và tứ sự cúng dường, trong khi sự thật ông trở về
là vì vâng lệnh ta. Trong tiền kiếp ông đã phát nguyện sẽ như mặt trăng thoát
khỏi mọi sự trói buộc, và ông cũng nguyện đến gần các thí chủ. Ca-diếp không hệ
lụy vào đàn-na hoặc của tín thí. Nhân chuyện Ca-diếp, ta thuyết cho mọi người
Ðạo như đường đi của mặt trăng, Ðạo của những bậc Tuyển Chọn cao quí.
Theo lời yêu cầu của các Tỳ-kheo, Phật
kể lại chuyện quá khứ một trăm ngàn năm kiếp trước, thời Phật Padumuttara (trong Trưởng lão Tăng kệ). Và
Phật xác nhận Ca-diếp, đệ tử của Phật, không dính mắc vào người cúng dường, của
cúng dường, tinh xá cũng như tịnh thất; như con ngỗng chúa xuống hồ bơi lội tự
tại trong đó.
Và Phật nói Pháp Cú:
(91) Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao.
Bỏ sau mọi trú ẩn.
3. Một Tỳ Kheo Trữ Thức Ăn
Tài sản không chất chứa ...
Khi ngụ ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy như
trên, liên quan đến Tôn giả Belatthisìsa.
Tôn giả Trưởng lão này thấy việc khất
thực hằng ngày phiền toái. Sau khi đi một vòng khất thực trong làng, ông thọ
thực, rồi lại đi khất thực tiếp qua con đường khác, nhận cơm không có nước xốt
hay cà-ri, mang về tinh xá cất để dành. Các Tỳ-kheo biết được phàn nàn với Thế
Tôn. Phật bèn công bố luật cấm chư tăng tích trữ thức ăn. Nhưng vì Trưởng lão
đã phạm lỗi trước khi chế luật nên vô tội. Nhân đó Phật đọc Pháp Cú:
(92) Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
"Không, vô tướng, giải thoát,
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm".
4. Tỳ Kheo Và Nữ Thần
Ai lậu hoặc đoạn sạch ...
Nhân chuyện Trưởng lão Anuruddha, Thế Tôn đã dạy câu trên tại
Trúc Lâm.
Ba kiếp trước Trưởng lão có người vợ
nay tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba là nữ thần Jàlinì. Khi thấy Trưởng lão bới đống rác tìm vải để thay
chiếc y rách, nữ thần lấy ba tấm vải trời dài mười ba cubit, rộng bốn cubit,
vùi vào đống rác, chỉ để lộ ra mép vải viền mà thôi. Trưởng lão thấy được, lôi
ra và thầm nhủ đây là một đống rác đặc biệt.
Vào ngày may y, Thế Tôn đến tinh xá với
năm trăm Tỳ-kheo. Ngài ngồi xuống và tám mươi đệ tử cùng ngồi tiến hành việc
may y. Ca-diếp ngồi may phần chân, Xá-lợi-phất ở giữa, A-nan phần đầu. Tăng
chúng kéo chỉ, Thế Tôn xỏ kim và Mục-kiền-liên tới lui cung cấp mọi thứ cần
dùng.
Nữ thần vào làng khuyến khích dân cư
cúng dường cháo và các thức ăn khác. Trong bữa ăn Mục-kiền-liên dâng những
miếng táo hồng thật to, nhưng năm trăm Tỳ-kheo không ai ăn nổi. Ðế Thích vẽ một
vòng quanh chỗ may y, mặt đất như nhuộm sữa, các Tỳ-kheo dùng xong mà thức ăn
vẫn còn hằng đống. Họ phàn nàn với nhau:
- Tăng chúng chẳng bao nhiêu mà sao
thức ăn quá nhiều? Chắc là Anuruddha
muốn phô trương thân thuộc và thí chủ của mình!
Thế Tôn hỏi, và được họ kể lại, bèn
dạy:
- Các Tỳ-kheo! Anuruddha đệ tử Ta không làm vậy đâu.
Người thoát khỏi tham dục không phí thì giờ bàn về lợi dưỡng, thực phẩm cúng
dường này đều do thần lực của thiên nữ.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(93) Ai lậu hoặc đoạn sạch,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
Không, vô tướng, giải thoát,
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm.
5. Ðế Thích Lễ Kính Một Tỳ Kheo
Ai nhiếp phục các căn ...
Thế Tôn đã dạy câu trên tại Pubbàràma, liên quan đến Trưởng lão
Ðại-ca-chiên-diên (Kaccàyana).
Xưa, nhân dịp bế mạc lễ hội, Thế Tôn
ngự tại tầng trệt tòa lâu đài của mẹ Migàra,
hội chúng cư sĩ tiếng tăm vây quanh. Trưởng lão Ðại-ca-chiên-diên thuở đó ngụ
tại Avanti. Dù đường sá xa xôi,
Ngài vẫn thường đến nghe pháp, do đó các Ðại Trưởng lão vẫn dành một chỗ cho
Ngài.
Thiên chủ Ðế Thích cũng đến dự cùng chư
thiên từ hai cõi trời, lễ kính Thế Tôn với thiên hương và thiên hoa. Không thấy
Ðại-ca-chiên-diên, ông lo lắng tìm kiếm. Ngay lúc ấy Trưởng lão xuất hiện và
ngồi vào chỗ dành sẵn. Ðế Thích trông thấy, ôm chặt mắt cá chân của Trưởng lão,
mừng rỡ:
- Ôi! Trưởng lão tôn quý đã đến! Con
chỉ mong có bấy nhiêu đó thôi!
Rồi vua trời xoa chân Ngài với hai tay,
lễ kính với hương hoa, cúi lạy và cung kính đứng một bên.
Các Tỳ-kheo bực mình vì thấy Ðế Thích
thiên vị, không tôn kính các Trưởng lão khác. Thế Tôn nghe họ nói, bèn dạy:
- Này các Tỳ-kheo! Các Tỳ-kheo như là
đệ tử, Ta là Ðại-ca-chiên-diên, hộ trì các căn nên được trời và người đều tôn
kính.
Và Phật đọc Pháp Cú:
(94) Ai nhiếp phục các căn,
Như đánh xe điều ngự,
Mạn trừ, lậu hoặc dứt,
Người vậy, chư thiên mến.
6. Tưởng Mình Bị Khi Dễ
Như đất, không hiềm hận ...
Ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy câu trên từ
chuyện Trưởng lão Xá-lợi-phất.
Vào cuối một mùa mưa, Trưởng lão
Xá-lợi-phất lên đường khất thực với các đệ tử sau khi đảnh lễ Thế Tôn; nhiều
Tỳ-kheo khác cũng chào từ giã Trưởng lão. Ngài gọi và họ các Tỳ-kheo quen biết,
một vị Tỳ-kheo cũng mong được Trưởng lão gọi tên, nhưng tiếc thay Ngài không
chú ý tới ông giữa số Tỳ-kheo đông đảo, ông sanh lòng căm ghét Trưởng lão. Thêm
vào đó viền y của Trưởng lão chạm phải ông làm tăng thêm niềm căm hận. Trưởng
lão vừa ra khỏi cổng tinh xá, ông đến ngày Thế Tôn bạch:
- Bạch Thế Tôn! Tôn giả Xá-lợi-phất vì
nghĩ mình là Ðại đệ tử của Phật đã đánh con một cú muốn sút lỗ tai, rồi chả
thèm xin lỗi, lên đường khất thực.
Thế Tôn gọi Trưởng lão đến
Mục-kiền-liên và A-nan nghĩ rằng Thế Tôn chưa hiểu sự tình và dĩ nhiên
Xá-lợi-phất sẽ rống tiếng rống của sư tử.
Cả hai quyết định nhóm chúng. Sẵn chìa
khóa, họ mở cửa liêu kêu gọi một số đông các Tỳ-kheo. Trưởng lão Xá-lợi-phất
đến, cùng với các Tỳ-kheo còn lại đảnh lễ Thế Tôn và cung kính ngồi một bên.
Khi Thế Tôn hỏi, thay vì xác nhận tôi không đánh, Trưởng lão kể lại công hạnh
của mình:
- Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào
không quán thân, xin nghe những điều con nói và lấy đó làm bạn đồng hành, mang
theo trên đường đi khất thực.
Rồi Ngài tiếp:
- Bạch Thế Tôn! Người ta liệng những
vật sạch trên đất và cũng liệng những vật dơ trên đất.
Rồi Ngài so sánh tâm định tĩnh của Ngài
như đất, như bò bị cưa sừng, như thanh niên Chiên-đà-la, như nước, lửa, gió,
giẻ lau; thân chịu áp bức như bị rắn và thây chetp áp bức, xem thân như cục
thịt mỡ.
Khi Trưởng lão mô tả công hạnh của Ngài
qua chín lối so sánh, đại địa rúng động chín lần liên tiếp đến tận mé biển. Khi
Ngài so mình với giẻ lau, hạng Chiên-đà-la, cục thịt mỡ, những Tỳ-kheo chưa
chứng Sơ quả không cầm được nước mắt, những vị chứng A-la-hán thì tràn trề pháp
vị.
Vị Tỳ-kheo vu cáo sai trái nghe kể công
hạnh của Trưởng lão, ăn năn vô cùng. Ông ta phục xuống chân Phật thú tội, nhận
rằng mình đã cáo gian. Phật liền khuyên Trưởng lão hay tha thứ cho kẻ gian dối
này để đầu ông ta khỏi bể làm bảy mảnh. Trưởng lão cúi mình trước ông ta rồi
chấp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẵn lòng tha lỗi
cho Tôn giả Tỳ-kheo này. Và xin Tôn giả cũng tha thứ cho con, nếu con có làm
ông phiền lòng.
Các Tỳ-kheo tán thán lòng độ lượng quá
tuyệt của Xá-lợi-phất. Thế Tôn nghe được liền bảo:
- Không thể có chuyện sân hận và thù
ghét đối với Xá-lợi-phất và những người như ông ấy. Tâm của Xá-lợi-phất giống
như đại địa, giống như ngưỡng cửa, như hồ nước lặng.
Nói xong Phật đọc Pháp Cú:
(95) Như đất, không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy.
7. Mất Một Mắt
Người tâm ý an tịnh ...
Tại Kỳ Viên, Phật đã dạy câu trên liên
quan đến một Sa-di của Trưởng lão Tissa.
Một thanh niên vọng tộc ở Kosambi xuất gia thành Sa-môn trong giáo
đoàn của Phật. Làm xong bổn phận, ông được danh xưng Trưởng lão Kosambivàsi Tissa. Thí chủ của ông cúng
dường ba y với mật, đường, đặt dưới chân. Ông hỏi:
- Gì thế, cư sĩ?
Họ thưa:
- Bạch Tôn giả, Ngài đã ở đây với chúng
con suốt mùa mưa, ai như thế đều được cúng dường. Xin hãy nhận, Tôn giả!
- Ðừng quan tâm, cư sĩ. Tôi không cần
dùng. Tôi không có Sa-di để làm những việc tạp dịch cho tôi, đạo hữu ạ.
- Bạch Tôn giả, nếu thế con trai con sẽ
làm Sa-di cho Ngài.
Trưởng lão vui lòng nhận phẩm vật. Cư
sĩ đem đứa con lên bảy tuổi giao phó cho Trưởng lão xin được nhận vào Tăng
đoàn. Trưởng lão cạo tóc cho chú, dạy thiền quán trên năm yếu tố đầu của thân,
và nhận chú vào Tăng đoàn. Ngay khi lưỡi dao chạm vào tóc, chú chứng A-la-hán
cùng những thần thông.
Trưởng lão ở lại đó nửa tháng, rồi sai
Sa-di lấy những món cần dùng, lên đường thăm Thế Tôn. Trên đường đi ông ghé vào
một tinh xá. Chú Sa-di lo kiếm chỗ cho Trưởng lão nghỉ, sửa soạn sắp xếp xong
thì trời tối, chú không thể kiếm chỗ cho mình. Thấy đệ tử chưa có chỗ, Trưởng
lão cho chú vào phòng ngủ tiện hơn là ngủ bên ngoài, nơi dùng cho khách. Bấy
giờ Trưởng lão chưa chúng quả Dự lưu, nằm xuống ông ngủ ngay. Riêng chú Sa-di
phải ngồi kiết già gần giường thầy suốt đêm, tính đến hôm nay là ngày thứ ba
chú ở chung phòng với thầy nên không dám nằm xuống ngủ, vì sợ phạm lỗi ngủ
chung.
Sáng ra Trưởng lão thức dậy cầm quạt để
sẵn trên giường, đập đầu lá cọ trên chiếu của chú Sa-di rồi ném quạt bảo:
- Sa-di, dậy đi!
Cán quạt trúng vào mắt làm đui luôn mắt
chú. Chú vẫn bình tĩnh thưa hỏi lại:
- Thưa Tôn giả, Ngài dạy gì?
- Dậy đi ra!
Chú vẫn im lặng, ôm mắt đi ra. Ðến giờ
làm bổn phận chú không hé môi nói con mắt của mình bị đui, cũng không ngồi lại,
một tay che mắt, một tay cầm chổi, chú quét cầu tiêu, phòng tắm, rồi tiếp tục
múc nước rửa mặt, quét phòng cho thầy. Nhưng khi đưa tăm cho thầy, chú đưa một
tay. Trưởng lão quở:
- Chú tiểu này chưa được dạy đàng
hoàng. Có Sa-di nào đưa tăm cho thầy mà đưa một tay không?
- Bạch Tôn giả, con biết rõ phải làm
sao cho đúng, nhưng một tay con không được tự do.
- Có việc gì thế, Sa-di?
Chú kể lại sự việc, Trưởng lão nghe
xong quá ư xúc động, thấy mình đã gây một việc rất tệ hại.
Ông bảo chú:
- Tha lỗi cho tôi, chú bé tuyệt vời!
Tôi không được biết. Hãy cho tôi được nương tựa!
Và ông cung kính đảnh lễ Sa-di mới lên
bảy. Chú thưa:
- Không phải vì muốn được như thế mà
con nói ra, thưa Tôn giả. Con nói ra để Ngài khỏi phải lo lắng. Ngài không có
lỗi trong việc này, kể cả con nữa. Chỉ có luân hồi gây ra tội lỗi này. Vì con
muốn Ngài khỏi phải ăn năn, nên con đã không nói sự thật với Ngài ngay từ đầu.
Chú cố gắng khuyên giải Trưởng lão
nhưng không được. Quá ân hận, Trưởng lão lấy những món tùy thân của Sa-di rồi
đến gặp Thế Tôn. Phật đang ngồi trên tòa thấy Trưởng lão tiến đến, hỏi:
- Tỳ-kheo, mọi việc tốt đẹp chứ? Chắc
ông không có gì phiền phức?
Trưởng lão thưa:
- Bạch Thế Tôn, đối với con không có gì
phiền hà, nhưng ở đây có chú tiểu đức hạnh tuyệt vời, con chưa từng thấy.
Và Trưởng lão thuật chuyện cho Phật
nghe.
Phật bảo:
- Tỳ-kheo! Người thoát khỏi dục lậu
không còn sân giận hận thù bất cứ ai, trái lại tâm ý đều an tịnh.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(96) Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chân giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy.
8. Không Tin Vào Ai Khác
Không tin vào ai khác ...
Thế Tôn đã dạy câu này tại Kỳ Viên, về
Trưởng lão Xá-lợi-phất.
Một hôm ba mươi tu sĩ ở rừng đến gặp
Phật, đảnh lễ và ngồi xuống. Phật nhận thấy họ đủ duyên lành chứng A-la-hán,
hỏi Xá-lợi-phất:
- Xá-lợi-phất! Ông có tin rằng tín lực
khi được khai mở và phát triển, sẽ đưa đến bất tử không?
Trưởng lão đáp:
- Con không hành trì dựa theo niềm tin
vào Thế Tôn, cho rằng tín lực khi được khai mở và phát triển sẽ đưa đến Bất tử
và thành tựu Bất tử. Nhưng dĩ nhiên, bạch Thế Tôn, ai chưa biết về Bất tử hoặc
chưa thấy, chưa nhận ra được, chưa thấu hiểu, chưa nắm Bất tử bằng trí lực,
những người như thế cần phải hành trì dựa theo niềm tin vào người khác, nghĩa
là với tín lực, khi được khai mở và phát triển sẽ đưa đến Bất tử và thành tựu
Bất tử.
Các Tỳ-kheo nghe thế bảo nhau:
- Trưởng lão Xá-lợi-phất chưa thực sự
dứt sạch tà kiến. Ðến bây giờ Ngài còn phủ nhận niềm tin vào đấng Toàn Giác.
Phật nghe vậy dạy rằng:
- Các Tỳ-kheo! Tại sao các ông nói thế?
Khi Ta hỏi Xá-lợi-phất: "Ông có tin rằng không khai triển ngũ lực, không
khai triển định huệ, có thể chứng đạt đạo quả chăng?" Và ông ta đã trả
lời: "Như thế không thể chứng được đạo quả". Rồi Ta hỏi: "Ông có
tin phước báo do bố thí và thiện nghiệp chăng? Ông không tin vào công hạnh của
chư Phật và những phước đức khác sao?" Nhưng thực tế Xá-lợi-phất không
hành trì dựa theo niềm tin vào người khác mà chính ông tự chứng đạt đạo quả
bằng huệ lực có từ thiền định. Do đó ông ta không thể bị khiển trách.
Và Phật nói Pháp Cú:
(97) Không tin vào ai khác,
Thấu triệt lý vô vi,
Nhân tái sanh cắt đứt,
Thiện ác đều không màng,
Ðã xả ly tham ái,
Vị ấy thật tối thượng.
9. Trưởng Lão Revata
Trong Rừng Heo
Làng mạc hay rừng núi ...
Câu này Thế Tôn dạy tại Kỳ Viên, liên
quan đến Trưởng lão Khadiravaniya Revata.
9A. Revata Ði
Tu
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất từ bỏ gia tài
tám trăm bảy mươi triệu trở thành Tỳ-kheo, ba người chị của Ngài là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà cùng với hai
em trai Canda và Upasena đều đi tu, chỉ còn em út là Revata, tức Ly-bà-đa ở nhà. Nghĩ rằng nếu
chú út Ly-bà-đa cũng đi tu nốt thì tất cả gia tài này sẽ tiêu tan, gia đình sụp
đổ, nên bà mẹ định cưới vợ cho chú dù hãy còn nhỏ. Trưởng lão Xá-lợi-phất có lẽ
đoán biết trước nên có căn dặn các Tỳ-kheo khi Ly-bà-đa xin đi tu thì chấp nhận
ngay, vì cha mẹ còn giữ tà kiến không thể xin phép họ, Trưởng lão là cha mẹ của
Ly-bà-đa.
Ly-bà-đa lên bảy thì được mẹ sửa soạn
cưới vợ là một cô gái nhà lành. Ngày cưới đã định, với trang phục đẹp đẽ và
trang sức đắt tiền, chú dẫn đoàn tùy tùng đến nhà gái. Thân tộc hai họ đặt vào
tay cô dâu chú rể một bình nước, chúc mừng và bảo cô dâu:
- Chúc cô được như bà nhé! chú cô sống
lâu như bà nhé!
Ly-bà-đa thắc mắc không hiểu
"bà" là ai, và giống bà là sao. Họ chỉ một bà lão trên một trăm hai
mươi tuổi rụng hết răng và tóc bạc, mặt mũi nhăn nhúm, nốt ruồi đầy mình, lưng
cong như nóc nhà hình chóp uốn. Chú hỏi lại cho chắc:
- Nhưng vợ tôi có ngày cũng giống như
thế à?
- Ðúng vậy, nếu cô ta sống dai.
Revata nghĩ thầm: "Vợ ta kiều diễm
như thế, già đi thì xấu xí như vậy, chắc là anh Upatissa cũng thấy sự biến đổi này, chắc là ta phải bỏ chạy
đi tu thôi!".
Thế là Ly-bà-đa quyết định ngay. Cùng
cô dâu lên kiệu đi một đoạn đường, chú bảo kiệu ngừng xuống cho chú đi vệ sinh.
Chú chạy vội vào một bụi cây, ở đó một lúc, xong trở lại lên kiệu. Lần thứ hai
rồi lần thứ ba, họ hàng riết rồi chẳng ai thèm để ý nữa. Lần cuối, họ cứ đi
trước không thèm chờ chú. Ly-bà-đa trốn thoát và đến chỗ ba mươi Tỳ-kheo đang
sống gần đó, đảnh lễ họ thưa xin được nhận vào Tăng đoàn. Họ thấy chú trang sức
quá đẹp, không biết là con vua hay con quan nên ngần ngừ. Chú khẩn khoản:
- Chư Tôn giả không nhận ra con sao?
Con là em út của Upatissa.
Họ ngơ ngác hỏi:
- Upatissa
là ai?
- Chư Tôn giả, phải rồi. Các Tỳ-kheo
gọi anh con là Xá-lợi-phất nên không biết tên Upatissa.
- Chú là em út của Xá-lợi-phất à? Vậy
thì đến đây! Anh chú đã giao phó cho chúng tôi việc này.
Rồi họ tháo bỏ châu báu trên người chú,
nhận chú vào Tăng đoàn và nhắn tin đến Trưởng lão. Ngài đến gặp Phật và xin đi
thăm em, lần thứ nhất và lần thứ hai đức Phật đều chưa cho phép mà hẹn sẽ cùng
đi thăm các Tôn giả sau.
Sa-di Ly-bà-đa đang sợ rằng ở đây bà
con sẽ kéo đến bắt về nhà, nên chú xin các Tỳ-kheo dạy đề mục thiền quán hướng
đến quả vị A-la-hán, rồi giã từ các Tỳ-kheo, đắp y ôm bát lên đường khất thực.
Hành trình suốt ba mươi dặm, chú đến
khu rừng keo, ở lại đó hết mùa mưa, và chứng A-la-hán cùng các thần thông trước
khi mãn hạ.
9B. Ðức Phật Thăm Ly-Bà-Ða.
Sau lễ Tự Tứ, Trưởng lão Xá-lợi-phất
lại đến xin Phật cho đi thăm em, lần này được chấp thuận. Phật cùng lên đường
với năm trăm Tỳ-kheo. Ðược một đoạn ngắn, đến ngã ba, Trưởng lão A-nan bạch Thế
Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có hai đường đi đến chỗ
Ly-bà-đa. Một đường an toàn dài sáu mươi dặm, có người ở, và đường kia thẳng
tắp, dài ba mươi dặm, có ác thần quấy nhiễu. Chúng ta sẽ đi lối nào?
Phật hỏi lại:
- Này, A-nan! Có Sìvali đi với chúng ta không?
- Dạ có, bạch Thế Tôn!
- Thế thì giá nào cũng phải đi đường
thẳng.
Thay vì nói "Ta bảo đảm các ông sẽ
được cung cấp súp và cơm, hãy đi đường ngắn", Phật lại bảo đi đường thẳng
nếu có Sìvali, vì Ngài biết các
Tỳ-kheo sẽ được cúng dường do phước báo từ một thiên nghiệp.
Ngay khi Thế Tôn đặt chân lên đường,
thần rừng bảo nhau sẽ lễ kính Sìvali.
Họ dựng nhà nghỉ ở mỗi dặm trên suốt con đường. Các Tỳ-kheo chưa đi xa hơn một
dặm thì họ đã dậy sớm lấy súp, cơm và những thức ăn khác từ trời đếm tìm Trưởng
lão Sìvali. Trưởng lão dâng lên
Phật cùng chúng Tăng những món họ cúng dường cho Ngài. Như thế Phật cùng Tăng
chúng hành trình suốt ba mươi dặm vừa xa vừa khó khăn, và hưởng đủ phước báo
dành cho Trưởng lão Sìvali.
Biết Thế Tôn đến, Trưởng lão Ly-bà-đa
đã dựng ngay một hương thất cho Phật bằng thần lực, năm trăm nhà ở có tháp, năm
trăm lối đi có mái che và năm trăm chỗ ở đêm và ngày cho các Tỳ-kheo. Thế Tôn ở
đây trọn một tháng như khách của Trưởng lão Ly-bà-đa, hưởng phước báo từ công
đức của mỗi một mình Trưởng lão Sìvali.
Có hai Tỳ-kheo già cũng đến đó, thấy
thế thắc mắc, làm sao Ly-bà-đa có thể hành thiền khi bận rộn với biết bao công
trình xây dựng mới này. Họ cho rằng Thế Tôn đã tỏ ra thiên vị em út của
Xá-lợi-phất.
Thế Tôn sáng sớm quan sát thế gian,
thấy hai Tỳ-kheo này cùng với ý nghĩ của họ. Vì thế ngày họ ra khỏi rừng, Phật
khiến họ quên mang theo đồ đựng dầu, bình nước và giày. Họ vừa ra khỏi cổng
tinh xá, Phật thi triển thần thông. Lập tức hai Tỳ-kheo đó kêu lên:
- Tôi để quên cái này, quên cái nọ.
- Chết! tôi cũng vậy.
Cả hai trở lại chỗ cũ tìm kiếm quanh
quất. Gai keo đâm quẹt chân cẳng họ mà chẳng thấy đồ đạc để đâu, cuối cùng họ
bắt gặp treo trên cành cây keo.
Thế Tôn và Tăng chúng ở đó thêm một
tháng nữa, cũng hưởng phước báo từ công đức của Sìvali, rồi đến ngụ ở Pubbàràma.
Hai Tỳ-kheo già kia sáng sớm rửa mặt xong đến nhà thí chủ Tỳ-xá-khư khất thực.
Họ được mời ngồi, ăn súp với thức ăn cứng. Tỳ-xá-khư hỏi thăm họ:
- Chư Tôn giả có theo Thế Tôn đến chỗ
Trưởng lão Ly-bà-đa không?
- Có, cư sĩ!
- Chư Tôn giả, chỗ của Trưởng lão là
một chỗ tuyệt đẹp.
- Tuyệt đẹp gì đâu! Là một rừng toàn là
cây keo đầy gai trắng cư sĩ ạ. Chỉ thích hợp với ẩn sĩ.
Sau đó có hai Tỳ-kheo trẻ đến gõ cửa.
Cư sĩ cũng dâng lên họ thức ăn cứng với súp rồi hỏi lại câu trên.
Họ đáp:
- Cư sĩ, thật không thể mô tả bằng lời.
Chỗ ở của Trưởng lão giống như cung điện thiên đường Sudhammà được tạo bằng thần lực.
Kẻ trước người sau nói khác nhau.
Tỳ-xá-khư suy ra chắc Thế Tôn thi triển thần thông đúng như sự việc đã xảy ra.
Tuy thông minh đoán biết như thế, bà vẫn chờ để hỏi Thế Tôn.
Thế Tôn và Tăng đoàn đến nhà Tỳ-xá-khư,
ngồi xuống chỗ đã được dọn sẵn. Bà kính cẩn phục vụ. Cuối bữa ăn bà đảnh lễ Thế
Tôn, thưa hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đi theo Ngài có
người bảo rằng chỗ ở của Trưởng lão Ly-bà-đa là một khu rừng keo gai góc. Người
khác lại nói đó là chỗ tuyệt đẹp, vậy là thế nào?
Phật đáp:
- Cư sĩ, dù đó là một ngôi làng hay một
khu rừng, hay bất cứ nơi nào A-la-hán ngụ, chỗ ấy đều tuyệt diệu.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(98) Làng mạc hay rừng núi,
Thung lũng hay đồi cao,
La-hán trú chỗ nào,
Ðất ấy thật khả ái.
Một lần khác, các Tỳ-kheo bàn tán với
nhau không hiểu tại sao Trưởng lão Sàvali
ở trong bụng mẹ bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Tại sao Ngài phải đọa địa ngục?
Làm thế nào Ngài đạt đến tuyệt đỉnh danh lợi? Phật nghe thế liền thuật lại:
Chuyện quá khứ
9C. Cúng Mật Và Bao Vây Thành.
Này các Tỳ-kheo! Cách đây chín mươi mốt
kiếp, đức Phật Vipassì ra đời.
Nhân chuyến du hành khất thực trong xứ, Ngài trở về thành của vua cha. Dân
chúng được loan tin đóng góp thêm với vua để cúng dường Phật cùng Tăng đoàn.
Xong bổn phận rồi, họ muốn cúng dường riêng và nhiều hơn, nên mời Thế Tôn, luôn
cả vua, vào ngày hôm sau. Thấy phẩm vật dồi dào, vua muốn cúng hơn nên vua mời
Thế Tôn ngày kế tiếp. Hai bên thi nhau giành phần hơn, nhưng dân không hơn nổi
vua, vua không hơn nổi dân. Ðến lần thứ sáu dân chúng quyết định ngày mai sẽ
cúng dường sao cho vua không thể nói là thiếu món này, món nọ được. Mật đã có
rất nhiều để nấu ăn, nhưng không có mật tươi. Họ phải sai người ra bốn cửa
thành, mỗi người mang một ngàn đồng, kiếm mua.
Bấy giờ có một người dân quê, trên
đường vào thành gặp thôn trưởng, thấy một tổ ong trên cây. Ðuổi ong đi, anh cắt
nhánh cây lấy mật, định sẽ biếu thôn trưởng. Người tìm mật thấy anh liền gạ hỏi
mua. Anh không bán. Anh kia nằn nỉ trả giá mãi, từ một xu lên dần. Anh dân quê
nghĩ bụng ông này chắc có tiền nên càng neo giá, cuối cùng lên đến một ngàn
đồng thì anh chịu bán, nhưng cũng không quên nói thêm một câu:
- Này ông bạn, ông có điên hay không
biết cách xài mật? Mật này không đáng giá một giác (bằng một phần tư xu) mà ông
trả đến một ngàn đồng nghĩa là sao?
Anh kia giải thích:
- Ðúng vậy. Nhưng vì tôi cần mật này để
cúng dường đức Phật Vipassì với
sáu mươi tám ngàn Tỳ-kheo.
- Nếu vậy tôi sẽ không bán với giá nào
cả. Nếu tôi nhận được công đức cúng dường tôi sẽ trao không cho ông.
Anh kia mang mật trở về và thuật
chuyện, dân chúng tin sâu vào sự bố thí cúng dường nên đều đồng ý dành một phần
công đức cho anh nhà quê. Ðến ngày trai tăng, Phật và Tăng chúng được dâng chỗ
ngồi, súp và thức ăn cứng. Một bình bát đựng đầy mật được mang đến. Anh dân quê
cũng mang một chai sữa dâng, rót vào bình, trộn với mật và dâng lên Phật và
Tăng chúng. Tất cả các Tỳ-kheo đều nhận đủ phần mình mà vẫn còn dư mật (vì có
thần lực trong đó).
Do làm một việc thiện nhỏ như thế, anh
dân quê tái sanh vào cõi trời. Sau một thời gian dài anh sanh làm hoàng tử xứ
Ba-la-nại, nối ngôi khi vua cha băng hà. Tân vương đăng quang xong, quyết định
đánh chiếm thành của nước láng giềng.
Vua bao vây thành, bắn tin với dân
chúng hoặc chiến đấu hoặc trao vương quốc. Họ không chiến đấu cũng không trao
vương quốc, mà cố thủ. Họ ra vào bằng cổng nhỏ, kiếm củi, nước.v.v.. Vua gác ở
bốn cổng chánh và bao vây thành suốt bảy năm, bảy tháng. Mẹ vua biết chuyện bảo
vua ra lệnh đóng hết cổng nhỏ và phong tỏa kín mít. Vua vâng lệnh, dân chúng
không thể ra khỏi thành được nữa, và vào ngày thứ bảy họ giết vua dâng thành và
vương quốc. Vì phạm tội này, mạng chung vua bị đọa vào địa ngục A-tỳ đau đớn
cho đến khi mặt đất được nâng cao lên một dặm. Vì đóng hết cổng nhỏ nên hết
kiếp đó ông đầu thai vào bụng mẹ, ở đó suốt bảy năm, bảy tháng, nằm ngang tử
cung bảy ngày. Như thế, các Tỳ-kheo, qua việc bao vây thành, Sìvali phải chịu khổ ở địa ngục và nằm lâu
trong thai mẹ; nhưng vì công đức cúng dường mật tươi ông được lợi dưỡng tột
đỉnh.
Lại một ngày khác, các Tỳ-kheo bàn tán
về lợi lộc to lớn cũng như công đức vượt bậc của Sa-di Revata do dựng năn trăm nhà có tháp nhọn
cho năm trăm Tỳ-kheo. Thế Tôn nghe qua bèn dạy:
- Các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta không còn bị
dính mắc vào thiện và ác, ông đã từ bỏ cả hai.
Và Phật đọc Pháp Cú trong phẩm
Bà-la-môn:
(412) Người sống ở đời này,
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi,
Ta gọi Bà-la-môn.
10. Một Kỹ Nữ Cám Dỗ Một Tỳ Kheo
Khả ái thay núi rừng ...
Câu này Thế Tôn dạy ở Kỳ Viên, liên
quan đến một phụ nữ.
Một Tỳ-kheo nọ nhận đề mục thiền quán
nơi Thế Tôn, ôm bình bát lên đường khất thực. Ngài đi vào một lạc viên đổ nát
để hành thiền. Lúc bấy giờ có một kỹ nữ hẹn hò với một người đàn ông. Chờ mãi
không gặp, thất vọng nàng đi lang thang và cũng đến lạc viên. Ngó quanh quất
không thấy ai ngoài một Tỳ-kheo đang ngồi kiết già, nàng quyến rũ ông bằng cách
cởi bỏ xiêm y trước mặt ông rồi mặc vào nhiều lần, xõa tóc ra rồi lại cuốn lên,
vỗ tay và cười. Trưởng lão bị kích động, toàn thân Ngài nhộn nhạo, lòng hoang
mang, tự hỏi không biết thế này nghĩa là sao.
Thế Tôn quán sát thấy hết mọi việc. Vẫn
ngồi trong hương thất, Ngài bảo:
- Các Tỳ-kheo! Chẳng thích thú gì chỗ
sống của những người chạy theo dục lạc. Nhưng chỗ những người thoát khỏi dục
lạc thì thật là thích thú.
Nói xong, Phật phóng quang hiện thân
trước vị Tỳ-kheo, dạy Pháp Cú:
(99) Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham ưa thích,
Vì không tìm dục lạc.
Cuối bài kệ, Tỳ-kheo chứng A-la-hán
cùng các thần thông ngay khi đang ngồi.
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04a | 04b
| 05a | 05b | 06 | 07 | 08 | 09 |
10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
| 16 | 17 | 18 | 19 | 20
| 21 | 22 | 23 | 24 | 25
| 26a | 26b | 26c
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 12-03-2002