Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Sống với tâm từ »» Những biểu hiện của tâm từ »»

Sống với tâm từ
»» Những biểu hiện của tâm từ

Donate

(Lượt xem: 5.054)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Sống với tâm từ - Những biểu hiện của tâm từ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Một viên ngọc trai được đem ra bán đấu giá. Không ai có thể trả giá nổi nên viên ngọc trai đã mua lấy chính nó.

- Rumi
 
Tình thương tự nó hiện hữu, cho dù nó có một sở hữu nào hoặc có là sở hữu của ai hay không. Cũng giống như viên ngọc trai kia, tình thương chỉ có thể mua lấy chính nó, vì tình thương không phải là một cái gì mà ta có thể mua bán hay đổi chác được. Không ai có đủ bạc tiền để mua tình thương, nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng có dư thừa tình thương. Tâm từ sẽ mang lại cho ta một sự sống sinh động và không giới hạn.

Có lần, người ta thí nghiệm giao cho những ông bà cụ sống trong một viện dưỡng lão, mỗi người một chậu hoa nhỏ. Phân nửa được bảo rằng, họ cần phải chăm sóc lo cho những chậu hoa ấy, như là tưới nước, đem ra nắng, và phải chú ý đến những nhu cầu nhỏ nhặt của chúng. Phân nửa kia thì được bảo rằng, những chậu hoa ấy là để cho họ thưởng ngắm, họ không cần làm gì hết, các y tá trong bệnh viện sẽ lo việc chăm sóc cho chúng. Cuối năm, những người làm thí nghiệm trở lại và so sánh hai nhóm các cụ này. Họ khám phá ra rằng, những cụ được nhờ săn sóc những chậu hoa của họ, sống lâu hơn bình thường, khỏe mạnh hơn, và yêu đời hơn. Còn những cụ trong nhóm được giao cho những chậu hoa, nhưng không đòi hỏi phải săn sóc chúng, thì chỉ bình thường như những người cùng tuổi về các khía cạnh như tuổi thọ, sức khỏe, sự tỉnh táo và tính yêu đời.

Cuộc thí nghiệm đã cho chúng ta thấy được một năng lực sinh động của sự nối liền, của tình thân, của tâm từ. Đó là những gì mà tâm từ có thể mang đến cho cuộc sống chúng ta. Nhưng khi nghe kể về cuộc thí nghiệm này, tôi ý thức rằng chúng ta thường nghĩ đến lòng từ ái, mối tương quan, như là một năng lực giữa ta và một cái gì nằm bên ngoài mình - một người khác, một con chó con, hay là một chậu hoa, chẳng hạn. Ít khi nào chúng ta lại nghĩ đến sự thân thiết ấy như là một năng lực đối với chính mình, với những kinh nghiệm có mặt trong ta. Thật hiếm có khi nào ta tiếp xúc với sự sống của chính mình và cảm thấy nối liền với chính ta.

Nhưng tôi nghĩ có một phương cách có thể giúp ta tìm lại được sự thân thiết ấy với chính ta, cũng như với tất cả mọi sự sống khác. Đó là ta hãy sống sao cho thật trọn vẹn, đặt nền tảng sự sống của mình trên từ bi và bất bạo động. Khi chúng ta cung hiến đời mình cho những việc làm không làm hại người khác, sự sống của ta sẽ trở thành một mảnh duy nhất, như một chiếc áo không có đường ghép nối, sẽ không có một sự chia cách hoặc đứt đoạn nào trong thực tại tâm linh mà ta vừa khám phá.

Muốn sống cho trọn vẹn, chúng ta cần phải biết thôi đập vỡ và ngăn chia sự sống ra thành từng mảnh nhỏ. Nếu chúng ta vào sở làm nói những lời gian dối và về nhà hy vọng sẽ tìm được chân lý trong khi ngồi thiền, đó là chuyện hoàn toàn phi lý. Hoang đãng trong tình dục và mong ước sẽ tìm thấy được một tình yêu cao thượng trong những lãnh vực khác, cũng là một hành động hết sức thiếu tỉnh giác. Bạn nên nhớ, mọi khía cạnh của cuộc sống đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, cái này liên quan đến cái kia, và đó chính là nền tảng cho một đời sống tỉnh thức.

Khi chúng ta biết sống trọn vẹn, ta sẽ trở nên thân thiết với chính mình hơn, nhờ có niềm vui và sự an ổn trong những việc mình làm. Niềm vui ấy sẽ mở rộng ta ra, phá vỡ hết mọi bức tường ngăn cách, và giúp ta cảm thấy thân mật với mọi sự sống khác quanh mình. Hạnh phúc tự nó có năng lực phá tan hết mọi sự ngăn chia. Chính đức Phật cũng đã nói: “Hỷ lạc là cánh cửa đi đến Niết Bàn.”

Hỷ lạc chính là năng lượng của sự sống. Nó mang lại sinh khí cho đời ta, làm tăng trưởng lòng biết ơn và tình thương của ta. Chúng ta có thể phát triển hỷ lạc, trước hết, bằng cách nhớ và vui với những cái hay, cái đẹp của mình. Chúng ta nhớ lại những điều tốt mình đã làm trong quá khứ, những khi ta bao dung tha thứ, hoặc những lúc ta chăm sóc người chung quanh. Hoặc ta nhớ lại những lúc lẽ ra mình có thể làm hại người khác, lường gạt, hoặc bỏ rơi họ, nhưng ta đã không làm. Và ta cũng có thể nhớ lại lúc ta buông bỏ một cái gì khiến tâm ta được cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn. Hoặc là những khi ta đã vượt thắng được nỗi sợ hãi của mình và dám đưa tay đến với người khác. Những ký ức này sẽ khơi dậy một suối nguồn hạnh phúc trong ta, mà trước đó hằng bị lấp kín.

Quán tưởng về những điều hay đẹp trong ta là một đề mục thiền tập cổ truyền, có khả năng mang lại cho tâm ta một trạng thái nhẹ nhàng, an ổn và hỷ lạc. Nhưng trong thời đại này, bài tập ấy có thể khiến cho ta cảm thấy xấu hổ, vì ngày nay người ta thường chú tâm đến những cái dỡ, cái xấu của mình nhiều hơn. Ta quen nghĩ đến những lỗi lầm của mình hơn là cái hay và cái đẹp. Nhưng phương pháp thiền tập này không cho phép ta chối bỏ hoặc tự lừa dối mình. Thật ra, ta phải giao ước với hạnh phúc, vì hạnh phúc chính là nền tảng của sự thân thiết giữa ta với sự sống. Quán tưởng về cái hay, cái đẹp của mình sẽ giúp ta được tràn đầy hạnh phúc, an lạc, và giúp ta biết yêu quý mình hơn.

Khi thực tập pháp môn niệm tâm từ, chúng ta bắt đầu trước hết bằng cách ban rải tâm từ đến cho chính ta. Tình thương cho ta là nền tảng thiết yếu cho một tình yêu chân thật đối với người khác. Khi ta thương ta, ta cũng sẽ muốn chăm sóc cho người khác, vì tình thương sẽ nuôi dưỡng và làm giàu có ta hơn. Một đời sống nội tâm trong sáng sẽ giúp ta nối liền được với những gì đang có mặt, giúp ta thấy được sự đồng nhất của tất cả mọi sự sống. Ta hiểu rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn có hạnh phúc, và ước muốn ấy sẽ kết hợp mọi người lại với nhau.

Nếu như khi thực tập niệm tâm từ, nhưng ta không nhìn thấy được cái hay đẹp nào trong ta hoặc người khác, ta có thể nhìn sâu vào cái ước muốn căn bản nhất mà bất cứ ai cũng có, đó là ước muốn được hạnh phúc, được an lạc. “Vì tôi muốn được hạnh phúc, nên tôi ý thức rằng mọi chúng sinh khác cũng đều muốn được hạnh phúc như tôi.” Ý thức đó sẽ khơi dậy một sự tỉnh thức và một tình thương rộng mở. Ta biết được rằng mình cũng chính là hiện thân của một dòng truyền thống bắt đầu từ vô thủy và sẽ còn kéo dài mãi cho đến vô chung. Từ ngàn xưa đến nay, những bậc thánh nhân đều mong muốn được biểu lộ một sự tỉnh thức và một tình thương rộng mở. Và với mỗi câu niệm tâm từ, chúng ta đang xác định lại vị trí của mình trong dòng truyền thống cao đẹp ấy.

Phương pháp niệm tâm từ được thực tập theo một đường lối rõ rệt và có hệ thống. Sau một thời gian thực tập ban rải tâm từ đến cho chính mình, ta tiếp tục bằng cách hướng tâm từ đến những người tốt đối với ta, những người ta cảm thấy biết ơn và kính trọng. Trong truyền thống, ta gọi đó là các bậc tôn đức. Và tiếp đó, ta lại hướng tâm từ đến cho những người thân yêu của ta. Phóng tâm từ đến cho những chúng sinh mà ta đã sẵn có cảm tình này thì bao giờ cũng tương đối dễ hơn. Ta dùng chữ “chúng sinh” thay vì “người” là để bao gồm cả muôn loài như thú vật, cây cỏ... không phân biệt.

Sau khi đã thành công trong mối liên hệ này rồi, chúng ta lại bắt đầu hướng về những đối tượng mà ta cảm thấy khó thương hơn một chút. Ta sẽ có dịp thử thách mức giới hạn của mình, cũng như nới rộng thêm tầm mức của tâm từ.

Vì vậy, tiếp sau đó, ta sẽ hướng tâm từ của mình đến một người không thân, người mà ta không thương cũng không ghét. Thường thì đây là một giai đoạn khá lý thú trong sự thực tập, vì thật ra khó có thể tìm được một người mà ta không thương cũng không ghét. Nếu tìm được một người như vậy, ta sẽ bắt đầu ban rải tâm từ của ta đến cho họ.

Và kế tiếp, chúng ta lại bước thêm một bước nữa: phóng tâm từ đến cho những người ta đang có vấn đề, những người ta đang cảm thấy thù ghét hoặc sợ hãi.Những hạng người này được gọi là hạng “thù nghịch”. Đây là một giai đoạn rất kịch liệt trong sự tu tập. Vì kẻ thù nghịch, hay người mà ta đang gặp khó khăn, họ đứng ngay nơi ranh giới giữa một tình thương có giới hạn và một tình thương không giới hạn. Ngay ở giai đoạn này, tình thương có giới hạn sẽ chuyển biến thành một tình thương vô giới hạn. Tình thương có điều kiện sẽ trở thành một tình thương độc lập, không tùy thuộc vào việc mình có đạt được những ước vọng, những gì ta mong muốn hay không. Và ta sẽ hiểu rằng, hạnh phúc của tâm từ không hề bị chi phối bởi sự ưa thích của mình, cũng giống như một mặt trời ban tỏa ánh sáng đồng đều đến cho mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy mới thật sự là vô biên, nó bắt nguồn từ sự tự do, và sẽ ban phát cho tất cả.

Với sự thực tập này, ta sẽ có được một tình thương bình đẳng đối với tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta. Có một thời gian ở Miến Điện, tôi thực tập thiền quán về tâm từ rất tinh chuyên. Tôi bỏ ra khoảng sáu tuần để ban rải tình thương đến tất cả những hạng người khác nhau: bản thân tôi, các bậc tôn đức, bạn bè quen biết, người không quen, và những kẻ thù nghịch. Sau khi tôi đã bỏ ra sáu tuần để thực tập niệm tâm từ mỗi ngày, thì thầy tôi, ngài U Pandita, gọi tôi vào phòng ông và hỏi: “Giả sử cô đang đi trong rừng với một người cô tôn kính, một người bạn, một người không quen, và một kẻ thù. Bỗng có những tên cướp nhảy ra, chúng buộc cô phải chọn một người trong số ấy để chúng giết. Cô sẽ chọn ai?”

Tôi giật mình trước câu hỏi của ngài U Pandita. Tôi ngồi yên và nhìn thật sâu vào tâm mình, cố tìm cho ra một điều gì mà tôi có thể dựa trên đó để làm cơ sở cho sự chọn lựa. Tôi thấy là mình không cảm nhận được một sự khác biệt nào giữa những người ấy, ngay cả chính tôi. Cuối cùng, tôi nhìn ngài U Pandita và đáp: “Thưa thầy, con không chọn được ai cả, mọi người đối với con đều như nhau.”

Ngài U Pandita hỏi thêm: “Cô không muốn chọn kẻ thù của cô à?” Tôi suy nghĩ vài giây rồi đáp: “Dạ thưa, con không làm vậy được.”

Cuối cùng, ngài U Pandita hỏi: “Cô không nghĩ là nên hy sinh sự sống của mình để cứu người khác hay sao?” Ngài hỏi với một giọng thiết tha như thể là muốn tôi phải trả lời rằng “Dạ vâng, con sẵn sàng hy sinh thân mạng mình.” Trong tâm tôi biết bao nhiêu là những sự thúc giục nổi lên - ý muốn làm vui lòng ông, được thấy là mình “đúng”, được ông chấp thuận. Nhưng tôi vẫn không thể nào thành thật trả lời có được, nên tôi đáp: “Thưa không, vì con không thấy được sự khác biệt nào giữa con và người khác.” Ông chỉ đơn giản đáp lại bằng một cái gật đầu, và tôi đứng lên bước ra.

Sau này khi tôi có dịp đọc quyển Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga), một quyển luận nổi tiếng của đạo Phật viết về những phương pháp thiền tập khác nhau và những kinh nghiệm của chúng. Trong một chương nói về phương pháp niệm tâm từ, tôi đọc có một đoạn nói ngay đến câu hỏi về những tên cướp này. Và câu trả lời của tôi được xem như giải pháp đúng cho phương pháp niệm tâm từ ấy.

Lẽ dĩ nhiên, trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ta sẽ bắt buộc phải có những hành động khác nhau để ứng phó. Nhưng có điều quan trọng này, tâm từ không có nghĩa là ta sẽ xem thường chính mình trong bất cứ một trường hợp nào, để bảo vệ hạnh phúc của người khác. Tình thương chân thật không thể có mặt nếu ta chối bỏ hạnh phúc của mình để nhận khổ đau vì người khác, hoặc chối bỏ hạnh phúc của người khác vì tự tôn quý mình quá đáng. Metta, tâm từ, có nghĩa là bình đẳng, là một, là toàn vẹn. Muốn bước đi theo con đường Trung đạo của Phật, tránh xa hai cực đoan của tham đắm và khổ hạnh, chúng ta phải đi trong tình bạn với chính mình cũng như với những người khác.

Khi ta tiếp xúc được với con tim mình và những gì mang lại cho ta hạnh phúc, tự nhiên ta sẽ cảm thông được với người khác. Ta sẽ cảm thấy gần gũi với những kinh nghiệm sống của người khác hơn. Lúc ấy, không còn một sự chia cách nào, một biên giới nào, có thể giới hạn tình thương của ta. Ta nhận thấy rằng khi mình nóng giận, cái đau đớn của ta cũng không khác gì với cái đau của người khác khi họ nóng giận. Khi ta biết yêu thương, sẽ có một cái gì an vui trong cảm giác ấy, và bất cứ ai biết thương yêu cũng sẽ kinh nghiệm được cùng một niềm vui như thế. Vì đó là tự tánh của tình thương.

Khi thực tập phương pháp niệm tâm từ, chúng ta không cần bắt buộc mình phải có một cảm giác nào đặc biệt hết. Thật ra, trong sự thực tập mỗi lúc sẽ có một cảm giác khác nhau khởi lên. Và bất cứ một cảm giác nào cũng không quan trọng bằng sức mạnh của chủ ý mà ta nuôi dưỡng khi ta thực tập niệm tâm từ. Khi ta niệm thầm và lặp lại những câu như: “Mong sao tôi được an vui; mong sao cho mọi loài được an vui”, là ta đang gieo trồng những hạt giống tốt bằng cách tạo nên những chủ ý đầy mãnh lực trong tâm ta. Hạt giống ấy chắc chắn rồi một ngày sẽ nở hoa kết trái.

Có lần, khi tôi thực hành pháp môn niệm tâm từ rất tinh chuyên ở Miến Điện, trong lúc tôi niệm thầm những câu ấy trong đầu, tôi hình dung ra mình đang đứng giữa một cánh đồng lớn và gieo trồng những hạt giống. Thực tập niệm tâm từ là chúng ta đang gieo trồng những hạt giống của tình thương, biết rằng chúng sẽ phát triển theo luật tự nhiên, và khi đúng thời điểm chắc chắn chúng sẽ kết thành quả trái. Có những hạt giống sinh quả trái sớm, có những hạt giống chậm chạp hơn, nhưng bổn phận của chúng ta chỉ đơn giản là gieo trồng chúng. Mỗi khi ta tạo nên một chủ ý trong tâm về hạnh phúc của chính mình, hoặc của người khác, là ta đang làm tròn bổn phận của mình. Chúng ta đang đào một con kênh để dẫn dòng sông năng lượng mạnh mẽ trong tâm. Phần còn lại, ta có thể tin cậy vào luật tự nhiên, nó sẽ giúp cho tình thương của ta một ngày kia chắc chắn sẽ nở rộ. Cũng như Pablo Neruda đã nói:

Có lẽ đất có thể dạy chúng ta,
như khi vạn vật dường như đã chết cả
và rồi tất cả lại hồi sinh.

Khi chúng tôi mới mở trung tâm thiền tập Insight Meditation Society vào năm 1975, nhiều người trong chúng tôi quyết định là sẽ “nhập thất” một tháng để khánh thành trung tâm này. Tôi thì dự định sẽ thực tập pháp môn niệm tâm từ trọn một tháng. Đây là trước khi tôi đi sang Miến Điện, và cũng là lần đầu tiên tôi có dịp thực hành từ bi quán một cách tinh chuyên và theo hệ thống rõ ràng. Tôi có được nghe nói đến một phương cách chi tiết để thực tập pháp môn này, và tôi dự dịnh là mình sẽ thực hành theo chương trình ấy. Trong tuần lễ đầu tiên tôi chỉ thực tập hướng và ban rải tâm từ đến cho chính tôi. Nhưng rồi tôi chẳng cảm thấy gì là khác biệt. Có lẽ đó là một tuần lễ nhạt nhẽo và buồn chán nhất trong đời tôi. Tôi ngồi yên, niệm thầm trong tâm: “Mong cho tôi được hạnh phúc, mong cho tôi được an lạc” cứ lặp đi lặp lại câu ấy mãi mà không thấy một kết quả nào rõ rệt.

Ngay khi ấy, có một người thân trong nhóm gặp vấn đề khó khăn, và vài người trong chúng tôi phải đột ngột rời khóa tu. Tôi lại càng cảm thấy nản chí hơn, tự nghĩ “Không những tôi đã bỏ ra cả tuần thực tập niệm tâm từ và không thấy lợi lộc gì, mà tôi còn chưa qua được giai đoạn phóng tâm từ đến cho chính mình nữa. Đã chả ra gì mà còn thêm ích kỷ nữa chứ!”

Tôi hấp tấp thu xếp để ra đi. Trong lúc vội vã sắp xếp đồ đạc trong phòng tắm, tôi vô ý quơ tay đánh rớt một lọ thủy tinh. Nó rơi xuống vỡ toang trên sàn nhà. Tôi vẫn còn nhớ phản ứng tức thì của mình trong lúc ấy: “Ngươi thật là một tên vô ý vô tứ, nhưng ta vẫn thương ngươi.” Vừa khi ấy tôi nghĩ: “Ô, xem kìa! Tuần lễ thực tập này cũng có một sự chuyển đổi đó chứ!”

Vì vậy, chỉ cần có chủ ý thôi là đủ rồi. Chúng ta thiết lập một chủ ý trong tâm cho hạnh phúc của mình và của mọi loài. Điều này khác với việc ta cố gắng ngụy tạo một cảm giác nào đó, dùng ý chí bắt nó phải có mặt, bắt nó phải xảy ra. — Ở đây chúng ta không bắt buộc một điều gì hết, ta chỉ cần từ tốn gieo trồng những hạt giống mà không cần lo nghĩ gì về kết quả tức thời của chúng. Công việc của chúng ta làm chỉ có thế. Và khi ta làm tròn bổn phận của mình, kết quả lợi lạc gấp bội phần tự nhiên sẽ đến với ta.

May thay, đức Phật có trình bày rõ cho ta biết về những lợi lạc nào mà ta sẽ thu nhận được. Ngài dạy, sự tu tập tâm từ sẽ mang lại cho chúng ta mười một quả phúc như sau:

1.   Ngủ an vui và dễ dàng.
2.   Thức dậy với tâm an lành.
3.   Chỉ nằm mộng thấy những điều lành.
4.   Được mọi người thương yêu, quý mến.
5.   Được mọi loài, thiên, nhân, cầm thú ưa thích.
6.   Được chư thiên hộ trì.
7.   Những tai nạn (thuốc độc, vũ khí, lửa) đều không chạm đến được.
8.   Gương mặt lúc nào cũng tươi sáng.
9.   Tâm tĩnh lặng và an lạc.
10. Lúc lìa đời tâm vẫn an vui.
11. Tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.

Những người thực tập pháp môn niệm tâm từ thường nhớ nằm lòng mười một quả phúc này, và họ cũng thường xuyên đọc tụng chúng. Tự nhắc nhở về những quả phúc ấy sẽ mang lại cho ta một đức tin và niềm vui lớn. Chúng sẽ giữ gìn và hỗ trợ cho ta vào những giai đoạn không tránh khỏi, những khi ta cảm thấy dường như sự thực tập của mình “chẳng đi đến đâu hết”. Và khi ngồi quán sát lại những quả phúc kể trên, ta sẽ nhận thấy tâm từ đã chuyển hóa cuộc đời của mình như thế nào, một cách trọn vẹn hơn.

Khi con tim ta thấm nhuần tâm từ, chúng ta sẽ ngủ dễ dàng, thức dậy tươi vui, và nằm mơ toàn những điều lành. Thực tập niệm tâm từ tức là ta có sự tự trọng, ta sống với uy nghi và đức độ, có nghĩa là ta chọn một con đường bất hại và thương yêu. Thiếu hai yếu tố ấy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nghỉ ngơi hay an vui được hết. Cuộc sống ta sẽ bị dằn vặt, vì mỗi khi ta làm điều gì có hại, không những nó chỉ gây khổ đau cho người khác, mà còn cho chính ta nữa. Điều đó sẽ dẫn đến mặc cảm tội lỗi, sự căng thẳng và phiền muộn trong ta. Và khi ta sống một cuộc đời đơn giản, trong sáng, ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Niềm vui ấy sẽ lan tràn vào giấc ngủ, trong giấc mơ, và ngay cả những khi thức giấc.

Quả phúc thứ hai, đức Phật dạy là nếu ta thực tập niệm tâm từ, ta sẽ được mọi người chung quanh thương yêu và quý mến. Điều này không có nghĩa là ta có sự toan tính trong sự tu tập của mình. Nhưng theo luật tự nhiên, ta ban rải năng lượng nào ra cuộc đời thì ta cũng sẽ nhận lãnh lại cùng một thứ năng lượng ấy. Nếu ta phóng ra năng lượng của tình thương thì ta sẽ nhận lại tình thương. Nhà tâm lý học Hoa Kỳ William James có lần nói: “Kinh nghiệm của tôi là những gì tôi chú tâm đến. Chỉ có những gì tôi chú ý đến mới ảnh hưởng đến tâm tôi.” Có lẽ đây cũng là một phần của quy luật ấy - khi ta tiếp xúc với năng lượng của tình thương bên trong ta, thì ta cũng sẽ chú ý đến chúng ở quanh mình nhiều hơn.

Và quả phúc này còn xảy ra trên những bình diện khác nữa. Nếu chúng ta chọn tâm từ làm lối sống, người khác sẽ biết rằng họ có thể tin cậy vào ta. Họ biết ta sẽ không lừa dối họ, ám hại họ. Làm một ngọn hải đăng của niềm tin trong cuộc đời, ta sẽ trở thành nơi trú ẩn cho người khác và là một người bạn lành với tất cả.

Quả phúc kế tiếp, đức Phật dạy, thực tập niệm tâm từ sẽ có công năng bảo vệ chúng ta. Theo truyền thống thì các bậc chư thiên và những chúng sinh vô hình cũng là một phần của vũ trụ chúng ta. Nhưng ta không bắt buộc phải tin vào những tha lực vô hình ấy mới có thể hiểu được niệm tâm từ sẽ bảo vệ ta như thế nào. Nó cũng không có nghĩa là sẽ không còn có một việc gì xấu hay chẳng lành xảy đến cho ta. Đời sống lẽ dĩ nhiên sẽ có những sự thăng trầm, đổi thay, đâu ai có thể ngăn cản được. Được và thua, vinh và nhục, khen và chê, vui và khổ, là tám ngọn gió sẽ mãi mãi thổi ngang qua cuộc đời chúng ta. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể được bảo vệ qua cách mình phản ứng, qua cách chúng ta tiếp nhận chúng như thế nào.

Albert Einstein nói: “Sự tách rời một hạt nguyên tử đã thay đổi tất cả mọi việc, chỉ trừ cách suy nghĩ của chúng ta.” Cách suy nghĩ của ta, cách ta nhìn cuộc đời mình, là điều quan trọng nhất, và tùy ta thể hiện chúng ra được đến đâu sẽ quyết định được mức độ tự tại của ta đến đó, khi đối phó với những biến cố trong cuộc đời.

Bạn hãy tưởng tượng lấy một ly nước nhỏ và bỏ vào đó một muỗng muối. Vì ly nước có dung lượng nhỏ nên một muỗng muối sẽ có một ảnh hưởng rất lớn, nước trở thành mặn. Nhưng nếu bạn bỏ cùng một muỗng muối ấy vào một nơi như sông, hồ thì ảnh hưởng của nó sẽ chẳng thấm vào đâu, vì cái dung lượng bao la, rộng lớn của nơi chứa đựng nó. Cũng cùng một muỗng muối nhưng sự rộng lớn của bình chứa có thể làm khác biệt tất cả.

Cả cuộc đời mình, chúng ta muốn đi tìm một cảm giác được an ổn, được bảo hộ. Chúng ta cố gắng thay đổi số lượng muối được trao đến cho mình. Nhưng trớ trêu thay, số lượng muối ấy chính là cái mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi được, vì cuộc đời chắc chắn phải có những thăng trầm, những nổi trôi. Công phu thực tập của chúng ta là làm sao để mình có được một sức chứa thật bao la, để dù có bất cứ lượng muối nào, đầy cả một xe tải đi chăng nữa, ta cũng có thể tiếp nhận mà không bị ảnh hưởng gì. Dầu cho có gặp một hoàn cảnh nào, ngay cả những trường hợp rất cực đoan, cũng không thể bắt ta phải có một phản ứng nào duy nhất.

Có lần, một thiền sinh nữ của tôi từng là một bé gái sống dưới thời Âu châu bị Đức quốc xã chiếm đóng. Bà ta kể lại, vào khoảng lên mười tuổi, bà bị một tên lính Đức chĩa mũi súng ngay vào ngực - một kinh nghiệm mà chắc chắn sẽ khơi dậy sự kinh hãi trong ta. Nhưng bà nhớ là bà không cảm thấy một chút gì sợ sệt hết, bà nghĩ: “Ông ta có thể giết chết cái thân này, nhưng chắc chắn là không thể nào giết được mình.” Phản ứng ấy thật bao la và rộng lớn làm sao! Tâm từ cũng sẽ mở rộng một khoảng không gian mênh mông trong tâm ta như thế, và nó cũng chính là một sự bảo hộ cao thượng nhất cho ta.

Một lợi ích nữa khi ta thực tập niệm tâm từ là gương mặt của ta lúc nào cũng tươi sáng. Đó là phản ảnh của một cái đẹp chân thật tỏa chiếu từ bên trong. Trong cuộc sống, chúng ta biết rằng tâm bao giờ cũng ảnh hưởng đến thân. Mỗi khi ta sân hận, điều đó sẽ lộ rõ trên gương mặt của ta. Một người mà trong lòng chất chứa nhiều hận thù, điều đó sẽ hiển lộ ra qua cách họ đi đứng, trên gương mặt của họ. Chẳng đẹp chút nào hết! Không có một sự tô điểm, chưng diện, hoặc nữ trang châu báu nào có thể mang lại vẻ đẹp cho một gương mặt sưng sỉa, nhăn nhó và giận hờn. Và ngược lại cũng thế, người nào tràn ngập niềm hỷ lạc của tâm từ hoặc tâm bi, gương mặt và thái độ của họ sẽ tỏa chiếu ra một sự trong sáng.

Khi ta thực tập niệm tâm từ, điều đó sẽ mang lại cho ta một tâm hồn tĩnh lặng. Tình thương sẽ làm phát sinh một niềm an lạc lớn. Cũng nhờ tình thương ấy mà ta có thể nói: “Ngươi thật là một tên vô ý vô tứ, nhưng ta vẫn thương ngươi.” Đó là một cảm xúc được ôm ấp bởi sự chấp nhận, lòng kiên nhẫn và sự cởi mở. Niềm an lạc này sẽ cho phép chúng ta kết hợp với mọi sự sống khác, vì hạnh phúc của ta không bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh thay đổi quanh mình.

Niềm an lạc của tâm từ có thể mang lại cho ta một khả năng tập trung, một định lực rất lớn. Sự định tâm là một nguyên tố tối cần thiết cho sự tĩnh lặng cũng như khả năng có mặt trong giờ phút hiện tại. Khi ta định tâm tức là ta đang thương yêu, ấp ủ một đối tượng nào đó. Nếu không có sự tĩnh lặng, tâm ta sẽ bị tản mác ra khắp mọi nơi, và năng lượng ta cũng thế. Với sự định tâm, tất cả những năng lượng ấy sẽ trở về với ta. Đây là một công năng có thể chữa lành được những vết thương trong tâm.

Khi chúng ta thực tập niệm tâm từ, một quả phúc lớn nữa là trong giờ phút lâm chung ta sẽ giữ được một tâm an vui. Những thói quen, tập quán suy nghĩ, hành động của ta, những dính mắc của ta với cuộc đời sẽ là những gì trổi dậy mãnh liệt nhất trong giờ phút cuối đời. Nếu như cả đời chúng ta cảm thấy cô đơn, ngăn cách, lúc nào cũng nuôi dưỡng tâm thù hận, dễ nóng tánh, bực bội, hay sợ sệt, thì đó sẽ là những tâm trạng mà ta phải đối diện trong giờ phút lâm chung. Và nếu như cả đời ta biết sống liên kết, hòa hợp với tất cả, biết thương yêu và rộng lượng, thì cái chết của ta cũng sẽ được an lành như thế.

Và quả phúc cuối cùng, đức Phật dạy, là ta sẽ được tái sanh vào một cõi an lành nhờ tâm mình tràn đầy tình thương. Theo vũ trụ quan của đạo Phật thì chúng ta sẽ liên tục tái sanh vào những cõi an lành và những cõi xấu ác, hết đời này sang đời khác. Đối với những ai tin vào thuyết tái sanh, được sanh vào một thế giới mà ta có khả năng tu tập để giải thoát là điều vô cùng may mắn. Còn với những người không tin, họ vẫn có thể chứng nghiệm được những quả phúc của tâm từ ngay trong đời sống này.

Tâm từ là một kho tàng vô giá, nó giúp ta trở nên sinh động hơn, giúp ta tiếp xúc được với sự sống của mình và người khác sâu sắc hơn. Đó là một năng lực của tình thương giúp ta thoát ra được những sự ngăn cách, cô đơn và mọi sợ hãi. Đạo sư Neem Karoli Baba thường khuyên: “Đừng bao giờ liệng bỏ ai ra khỏi con tim của mình.” Sống theo lời khuyên đó sẽ có công năng chữa lành tất cả những vết thương lớn trong đời ta.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 43 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.105.40 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...