Có hai phương cách để thực tập sự trì giới. Một là có chánh niệm rõ ràng
về những tác ý của mình. Hai là thực tập giữ gìn Năm giới.
Luật nghiệp quả được đặt nền tảng trên tác ý của ta, vì vậy ý thức được
động cơ nào thúc đẩy hành động của mình là một điều rất quan trọng. Bạn
nên nhớ, chỉ có chính bạn mới thật sự biết được ý định của bạn. Ta có
thể đoán được phần nào sự khéo léo trong hành động của ta, qua những
phản ứng của người chung quanh. Nhưng ý định của ta, chỉ có thể nhìn
thấy được dưới con mắt quán chiếu của chánh niệm mà thôi.
Bạn hãy tập có ý thức rõ ràng về những tác ý, hoặc động cơ nào có mặt
trước mỗi hành động. Ví dụ, nó có thể là một tác ý khởi lên: “Giờ là lúc
đi uống vài ly bia!” hoặc đó có thể là một cảm xúc thúc đẩy trong tâm...
Trong trường hợp nào cũng vậy, bạn hãy ngồi yên và có ý thức về tác ý ấy
một vài phút, trước khi quyết định có làm theo nó hay không. Bạn hãy chú
ý đến cảm xúc của sự thôi thúc ấy trong tâm: thương, ghét, tham, giận,
từ bi. Sự thôi thúc ấy có thể phản ảnh tất cả những gì ta muốn, những gì
ta sợ sệt và yêu quý, vì vậy mà kinh nghiệm của nó có thể khá phức tạp
và đủ loại. Với năng lực của chánh niệm, ta có thể tiếp xúc được với tất
cả.
Hãy nhìn xem động cơ nào có một năng lực thúc đẩy mạnh nhất trước mỗi
hành động. Quán chiếu nhưng đừng phê phán. Điều đó có xu hướng đưa tâm
ta đến với khổ đau hay là chấm dứt khổ đau? Về phía nhỏ nhoi, dính mắc
và sân hận hay là về phía từ, bi, hỷ và xả? Bạn sẽ thấy rằng, sự quyết
định hành động hay không hành động là một giai đoạn biệt lập và tách rời
với chính tác ý ấy! Vì vậy, khi càng có chánh niệm rõ ràng về tác ý của
mình, ta càng thấy rõ mình hoàn toàn có một sự chọn lựa, làm hoặc không
làm.
Và khi ta cương quyết hành trì theo Năm giới, ta sẽ có thể đối diện với
mọi sự cám dỗ mà vẫn không sợ bị chúng sai sử. Vì biết rằng ta có thể
hướng cuộc đời mình về phía con đường từ bi và hạnh phúc, hoặc theo con
đường phức tạp và khổ đau, nên ta sẽ sáng suốt tự chọn lấy.
Bạn hãy cương quyết thực tập mỗi giới theo khả năng của mình, và cố gắng
có chánh niệm về mọi tác ý và phản ứng của bạn. Chánh niệm là một năng
lực mầu nhiệm giúp ta có thể tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giờ
phút hiện tại.
Có một thí nghiệm đã gây nên nhiều sự tranh cãi, về ảnh hưởng của sự
trừng phạt và học hỏi như sau. Mỗi khi người đóng vai học trò không biết
câu trả lời, người giữ vai thầy sẽ cho một dòng điện chạy sang giật
người ấy.
Thật sự thì không có một dòng điện nào giật ai hết, nhưng người tham gia
trong cuộc thí nghiệm không biết điều ấy. Diễn viên đóng vai học trò sẽ
giả vờ rên la như bị đau đớn lắm, khiến người giữ vai thầy tin thật rằng
mình đã chạy điện giật họ. Người thầy được hướng dẫn phải tăng cường độ
dòng điện lên mỗi khi người học trò đáp sai. Điều đáng kinh ngạc là 65%
những người tham dự trong cuộc thí nghiệm là những người bình thường rất
tốt bụng, lại sẵn sàng tuân theo lệnh của một “khoa học gia” và tăng
cường độ dòng điện lên, bất chấp sự kêu la và chống đối của người “học
trò”, mặc dù điều đó có thể giết chết được người kia.
Một cách giải thích là, có lẽ sự tăng dần hành động từng chút một đã
đóng vai trò quan trọng. Nếu như ngay từ lúc đầu, người “thầy” được bảo
hãy tăng cường độ dòng điện lên mức tối đa, đủ sức giết chết người kia,
có lẽ sẽ không một ai chịu làm. Và dường như khi ta tiến từng bước nhỏ,
từng chút, từng chút một, ta sẽ không còn có một cái nhìn toàn vẹn được
nữa. Sau bước đầu tiên, ta không còn để ý gì mấy, cho đến khi mình đã đi
quá xa. Có thể chúng ta quay đầu nhìn lại và tự bảo: “Mà đây nào có phải
là con đường tôi muốn theo đâu!”
Chúng ta đi theo con đường lầm lạc này không phải vì bản chất ta là
những người xấu. Bạn nhớ rằng 65% chúng ta có lẽ đã không dám giết ai
vào lúc ban đầu. Chúng ta đi theo con đường ấy vì ta không nghĩ rằng ta
có khả năng quyết định được cuộc đời mình. Sở dĩ chúng ta có mặt nơi đó
là vì ta thiếu chánh niệm.
Khi sự tu tập bốn tâm vô lượng được lớn mạnh, ta sẽ biểu hiện chúng ra
bằng sự hành trì Năm giới. Những giới ấy cũng chính là biểu hiện của từ,
bi, hỷ và xả. Hãy quyết tâm thực tập chánh niệm và phát triển tâm từ,
bạn sẽ thấy việc hành trì giới luật trở nên dễ dàng hơn. Hãy quyết tâm
hành trì giới luật, bạn sẽ thấy tâm từ và chánh niệm được phát hiện tự
nhiên hơn. Chúng sẽ có mặt tự nhiên như chính hạnh phúc của bạn vậy.
[1] Tức Đại sư Rangjung Rikpe Dorje. Ngài sinh
năm 1923 và đã viên tịch vào năm 1981.