Những chướng ngại của tâm hỷ - phê phán, so sánh, thành kiến, hẹp hòi,
ganh tỵ, ích kỷ và buồn chán - đều có gốc rễ ăn sâu nơi sự dính mắc và
ghét bỏ. Ngược lại, những đức tính nuôi dưỡng tâm hỷ - như là: vui
sướng, biết ơn, tâm từ, tâm bi - đều phát xuất từ một tánh thiện cơ bản
trong ta. Những đức tính ấy kết hợp với nhau, giúp ta giảm bớt khổ đau
và tăng trưởng hạnh phúc.
Tâm hỷ tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận hạnh phúc của ta. Và nó cũng tùy
thuộc vào việc ta có thật sự cho phép mình tiếp nhận niềm vui ấy hay
không. Muốn tiếp xúc với hạnh phúc, ta cần phải buông bỏ hết những mặc
cảm, cũng như nỗi sợ rằng chúng sẽ bị cướp mất đi. Khi ta chỉ biết lo
tích trữ hạnh phúc, ta sẽ không đếm xỉa gì đến khổ đau của người khác,
và rồi cuối cùng ta cũng sẽ không còn biết gì đến khổ đau của chính mình
nữa! Tiếp xúc với hạnh phúc của mình là một điều vô cùng quan trọng. Nó
chính là một biểu hiện cho sự tự do vẹn toàn của chính ta.
Một tâm thức an vui có khả năng giúp ta giải thoát. Khi ta nhớ lại những
điều tốt lành mình đã làm, những khi ta chăm sóc và rộng lượng với người
khác, những khi ta thận trọng không làm hại ai, ta có thể vui sướng với
những việc ấy. Chúng ta làm thiện vì điều đó có khả năng khai phóng ta,
giúp ta tiếp xúc được với suối nguồn hạnh phúc. Chúng ta sống thiện để
được tăng trưởng hơn, cởi mở hơn, nối liền hơn, an lạc với chính mình và
vui vẻ hơn với người khác.
Một đồng minh khác của tâm hỷ là lòng biết ơn. Sự biết ơn sẽ mang đến
cho ta một niềm vui. Ngày nay, câu châm ngôn “Đếm phước đừng đếm họa” đã
trở thành một sáo ngữ trong xã hội chúng ta. Nhưng thật ra câu ấy tàng
chứa nhiều tuệ giác lắm! Nó quan trọng đến nỗi chính đức Phật đã nói
riêng một bài pháp về nó, và được ghi lại trong kinh Phước Đức (Mangala
Sutra), bản Việt dịch của thầy Thích Nhất Hạnh. Trong kinh, đức Phật nói
về những phước đức có thể mang lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc, nếu ta
biết tạo điều kiện cho chúng, như là:
Sống trong môi trường tốt
Đã tạo tác nhân lành
Được đi trên đường tốt
Là phước đức lớn nhất.
Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.
Sống ngay thẳng bố thí
Giúp quyến thuộc thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn nhất.
Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ việc học đạo
Là phước đức lớn nhất.
Một điều quan trọng đức Phật cũng nhắc tới trong kinh là có một tăng
thân gồm những bạn lành:
Nên tránh kẻ xấu ác
Hãy gần bậc hiền lành,
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.
Biết kiên trì phục thiện
Thân cận bậc thánh hiền
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.
Có được một tăng thân gồm những người cùng một chí hướng đi trên con
đường hạnh phúc, là một phước đức rất lớn. Tăng thân sẽ che chở và hỗ
trợ ta trên con đường tu tập hạnh phúc.
Có được cơ hội để tham dự pháp đàm, chia sẻ kinh nghiệm tu tập là một
điều rất may mắn. Nhưng còn phước đức hơn nữa nếu ta có thể thật sự thực
tập theo những lời dạy ấy. Tự thân chứng nghiệm được lời Phật dạy, thấy
được sự chấm dứt của khổ đau là một phước đức tối thượng.
Sống giữa cuộc đời nhưng vẫn giữ cho tâm mình luôn được an tĩnh là một
hạnh phúc rất lớn.
Sống chung đụng nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết an nhiên
Sống hoàn toàn an tịnh
Là phước đức lớn nhất.
Cứ sống được như thế
Đi đâu cũng an lành
Tới đâu cũng hạnh phúc
Thật phước đức vô biên.
Tâm bi là một đồng minh hỗ tương cho tâm hỷ. Trong khi tâm hỷ nhắc nhở
ta về những hạnh phúc đang có mặt khi ta bị khổ đau, thì tâm bi nhắc ta
về sự có mặt của khổ đau khi ta bị kẹt trong sự phủ nhận. Tâm bi mang
lại sự quân bình cho tâm hỷ. Nó giúp ta không bị vướng mắc trong một
thái độ lạc quan sai lầm. Và ngược lại, tâm hỷ giúp cho tâm bi không trở
nên quá yếm thế, bi quan trước những nỗi đau vô bờ bến của cuộc đời. Tâm
hỷ mang lại cho tâm bi một niềm an ủi rất lớn.
Tâm bi che chở cho tâm hỷ, tâm hỷ bảo vệ cho tâm bi. Chúng hỗ tương lẫn
nhau, không cho phép ta xây lên những thành trì khép kín sự sống của
mình. Và nhờ năng lượng sinh động của tâm hỷ mà tâm bi cũng trở nên tích
cực hơn. Chúng ta có thể dùng niềm vui của tâm hỷ để biến tâm bi thành
những hành động cụ thể phục vụ cuộc đời.
Khi ta tiếp xúc với những khổ đau của người khác, tâm bi sẽ giúp niềm
vui của tâm hỷ được sâu sắc hơn. Điều ấy nghe cũng lạ, ta có thể cảm
thấy hạnh phúc khi đối diện với khổ đau, nhưng đó là một sự thật! Tâm bi
giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Năng lượng của sự chia sẻ, cảm
thông với một người đang đau khổ, sẽ khơi động tâm bi cùng với một niềm
an lạc bao la. Và vì vậy, ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước
niềm vui hoặc khổ đau của người khác, không phân biệt.
Khi tâm hỷ trong ta tăng trưởng, ta sẽ cảm thấy niềm vui của người khác
cũng là niềm vui của chính mình. Vì vậy, tâm hỷ còn làm lớn mạnh thêm
tâm từ. Niềm vui của tâm hỷ giúp ta mở rộng tâm từ ra hơn, ta muốn đem
hạnh phúc đến cho người khác hơn. Ta biết, hạnh phúc của người khác, cho
dù là của một “kẻ thù”, cũng vẫn không hề làm thuyên giảm đi hạnh phúc
của chính ta, và ta cũng biết rằng, ta không thể nào tách rời hạnh phúc
của mình với của người khác!
Tâm hỷ cùng với tâm từ và tâm bi giao tiếp nhau, hỗ tương nhau, hợp
thành một năng lượng rất mãnh liệt. Tính vô ngã của tâm từ giúp ta nới
rộng tâm hỷ và tâm bi đến tất cả mọi người, mọi loài, không phân biệt.
Ta mở rộng con tim mình ra, không chỉ đến những người khổ đau mà cả
những người hạnh phúc, và không phải chỉ những người hạnh phúc mà cả
những người khổ đau. Ta cầu mong tất cả mọi người sẽ tránh được những
nguy khó, khổ đau, và luôn được thảnh thơi, hạnh phúc.
Ba trú xứ của hạnh phúc này bổ sung cho nhau. Chúng là những đồng minh
tốt lành soi sáng tâm ta. Và ánh sáng ấy giúp nhận thức của ta được tỏ
rạng và tươi mới hơn lên. Chúng giúp ta dễ dàng tiếp xúc với những hạnh
phúc đang có mặt. Tiếp xúc với những khổ đau có mặt quanh mình, nhưng
con tim ta vẫn rộng mở. Những năng lượng ấy giao tiếp nhau, hỗ trợ nhau,
và che chở ta trên con đường đi đến một hạnh phúc chân thật.