Giảng rộng
Máu mủ, thịt xương... một đãy da.
Điên đảo mê lầm nhận: thân ta.
Tắt hơi mới biết toàn hư ngụy,
Bao nhiêu xú uế thảy bày ra.
Đó chẳng qua cũng chỉ là chỗ tâm bệnh hết sức thông thường của phần lớn người đời.
Như gặp người có hoàn cảnh bất hạnh, gia đình cùng khốn, không có tiền bạc lo việc an táng người đã chết, hoặc phải để lại qua 3 ngày, hoặc 5 ngày, cho đến 6 tháng, 7 tháng, hình hài thối rửa chẳng còn gì, đến mức người thấy nghe đều không sao chịu nổi... nếu có thể giúp cho họ một cỗ áo quan, giúp đỡ chi phí để an táng thi hài người chết, như vậy đâu phải chỉ riêng người chết thực sự hàm ân kết cỏ ngậm vành mà thôi sao? Xét như tâm niệm an táng thi hài người chết, phàm bất kỳ ai nghe biết đến sự việc ắt cũng đều nên thay người mà lo việc chôn cất.
Trưng dẫn sự tích
Mai táng hài cốt, hưởng quả tức thì
Đời Nguyên, ở Hội Kê thuộc tỉnh Triết Giang có người tên Đường Giác, nhà nghèo khó, nhận dạy học trò để sinh sống. Năm Mậu Dần, tướng lãnh nhà Nguyên khai quật lăng tẩm họ Triệu (hoàng gia triều Tống), di cốt đứt đoạn vứt bỏ trong chỗ rậm rạp hoang dã. Đường Giác biết việc ấy hết sức đau lòng, liền gom hết tiền bạc trong nhà được một ít, mua rượu thịt mời bọn thiếu niên trong làng cùng ăn uống. Đợi khi cả bọn đều say sưa, mới bí mật nhờ chúng chôn lấp hài cốt họ Triệu. Cả bọn đều nghe theo. Sau khi làm được việc nghĩa như thế, tên tuổi của Đường Giác được rất nhiều người biết đến.
Sang năm sau Kỷ Mão, vào ngày 17 tháng giêng, Đường Giác đang ngồi bỗng dưng chết giấc. Hồi lâu sống lại, kể chuyện vừa rồi đi đến một ngôi bảo điện, trên điện có một người đội vương miện, bước xuống chào nói: “Nhờ ơn ông chôn lấp hài cốt, sẽ báo đáp ân đức. Ông số mệnh kém lắm, nghèo khổ không có vợ con, nay lòng trung nghĩa cảm động thấu trời, Ngọc Đế truyền ban cho ông sẽ thành gia thất, sinh được 3 người con, ruộng đất được 300 mẫu.” Đường Giác bái tạ lui ra, liền giật mình sống lại.
Không lâu sau bỗng có Viên Tuấn Trai đến Hội Kê tìm thầy dạy cho con, vừa xuống xe liền gặp người giới thiệu Đường Giác. Viên Tuấn Trai được biết Đường Giác trước đây từng nổi tiếng làm việc nghĩa nên đặc biệt hết sức kính lễ. Sau đó liền đứng ra lo việc hôn nhân, giúp Đường Giác kết hôn với một người con gái của Quốc công, được thừa kế ruộng đất vua ban. Mọi chi phí tốn kém đều do Viên Tuấn Trai bỏ ra lo liệu. Sau Đường Giác sinh được 3 người con trai, quả đúng như lời thần báo trước.
Lời bàn
Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ 3 triều Bắc Tống, có chiếu chỉ của triều đình yêu cầu tất cả các châu huyện đều phải chọn chỗ đất cao thoáng không canh tác được trong địa phương mình để lập thành khu mai táng công cộng, gọi là Lậu trạch viên. Những hài cốt không thân nhân trước đây được gửi gắm nơi chùa chiền, đạo quán, giờ cũng quy tập về chôn trong đất này. Ngoài ra, triều đình cũng cho kiến lập Tăng xá để lo việc tế cúng, cầu siêu độ cho các vong linh trong địa phương. Đến niên hiệu Hồng Vũ triều Minh, cũng có sắc chỉ của triều đình yêu cầu thực hiện như trên, lại có chế định thành điều lệnh rõ ràng.
Tôi cũng từng thấy bên trong thành Tô Châu, ở góc phía tây bắc có lập 2 gian thạch thất, hết sức kiên cố, mỗi gian đều có ô cửa mở đường kính chừng một thước, dùng để đưa hài cốt vào bên trong. Lại thấy dùng màu sắc vẽ thành các ký hiệu bên ngoài để phân biệt hài cốt đó là người xuất gia hay tại gia, nam hay nữ... Nơi ấy được gọi là tháp Phổ Đồng. Ví như người quân tử có lòng nhân ái, có thể mô phỏng làm theo như thế, âm đức thật hết sức lớn lao.
Làm con để báo ân
Thượng Lâm làm quan huyện lệnh Vu Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có viên huyện úy tên Lý Chú bị bệnh mà chết. Thượng Lâm giúp tiền bạc đưa người mẹ của Lý Chú cùng với thi hài của ông về quê ở Hà Đông. Sau đó lại tìm một nhà danh giá mà đứng ra gả con gái của Lý Chú về làm dâu.
Một đêm nọ, Thượng Lâm nằm mộng bỗng thấy Lý Chú hệt như lúc còn sống, bái lạy ông mà khóc rồi nói rằng: “Số mệnh ông vốn không có con, đội ơn ông giúp đỡ nên tôi đã hết sức thỉnh cầu Ngọc Đế, ngài cho tôi được làm con nối dõi nhà ông.” Trong tháng ấy, quả nhiên vợ Thượng Lâm có thai.
Sang năm sau, Thượng Lâm từ quan về quê, một hôm lại mộng thấy Lý Chú nói: “Ngày mai tôi sẽ ra đời.” Quả nhiên hôm sau vợ Thượng Lâm sinh một bé trai. Nhân đó liền đặt tên là Thượng Dĩnh. Lớn lên hiếu thảo, hiền hậu trung thực, sau làm quan đến chức Tự thừa.
Lời bàn
Như thế gọi là làm con để trả nợ cho cha. Đời trước của Lý Chú ắt hẳn cũng đã tu tích phước đức, nên đời này tuy sinh ra để báo ân cho người, nhưng bản thân cũng được hưởng phú quý. Cho dù nói thế, nhưng trong biển nghiệp thức mênh mang mờ mịt, muốn tự nhìn lại mình e cũng không có dịp.