Giảng rộng
Trong 6 câu từ đây trở đi, Đế Quân lựa chọn ngẫu nhiên đưa ra 4 trường hợp chứng minh về nhân quả để làm nền tảng cho 2 câu dưới là: “Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, ắt phải dựa vào một tấm lòng này.”
“Giúp người, cứu kiến” là gieo trồng ruộng phước theo cách thuận; “Xử án, chôn xác rắn” là gieo trồng ruộng phước theo cách nghịch. Xử án vốn là việc mang điều dữ đến cho người, nhưng ngược lại có thể giúp “xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa”, là vì sao? Đó là vì Vu Công giữ chức quan coi ngục xử án, nhưng tấm lòng của ông lại không phải là tấm lòng hung hăng trong việc coi ngục xử án. “Cổng lớn” của nhà ông vốn được xây nên chính từ tấm lòng hiền thiện của ông.
Mạng người có quan hệ đến ý trời, việc đưa ra phán quyết xử án là cực kỳ quan trọng, nếu xem lại dù chỉ có chút sai sót nhỏ thì hối tiếc cũng không còn kịp nữa. Trong chúng ta nếu có ai phải vâng lệnh làm công việc xử án, ắt phải hết sức lưu tâm tỉnh táo trong từng giây phút, xử sự phải cẩn trọng như đứng bên bờ vực, như giẫm trên lớp băng mỏng, nguy hiểm chết người; phải biết sợ sệt như có trời đất quỷ thần đang đưa mắt giận dữ theo dõi mình; như cha mẹ, vợ con, thân quyến của bị cáo đang kêu gào khóc lóc oán hận nhìn mình.
Không thể khinh suất theo ý riêng mà lạm dụng các điều luật quá tàn khốc, nghiêm khắc; không thể dễ dàng nghe theo lời nói sai lầm của thuộc cấp; không thể lạm dụng nhục hình tàn khốc bức bách tội nhân phải nhận tội; không thể hối hả phân xử qua loa rồi kết án một cách vụng về tắc trách; không thể ỷ vào sự sáng suốt thông minh của mình mà ức đoán sự việc; không thể vì nhận lời ủy thác, nhờ cậy hay thỉnh cầu của người khác mà bẻ cong lý lẽ, lạm dụng hình luật nghiêm khắc; không thể vâng lệnh hoặc thuận theo ý muốn của cấp trên; không thể chỉ hoàn toàn dựa theo những lời bẩm báo từ cấp dưới.
Không thể vì sự ngay thẳng chính trực của nguyên cáo mà khởi tâm thiên vị nổi giận với bị cáo; không thể nhân lúc có men rượu mà lạm dụng quyền uy, hình phạt. Nếu không chứng minh được bị cáo vô tội, theo luật phải lãnh án, không được tùy tiện tăng thêm hình phạt roi vọt. Nếu không phải tội thực sự nghiêm trọng, không được khinh suất tống giam tù ngục.
Đối với các trường hợp cố tình vu cáo người khác, phải theo đúng luật nghiêm trị để răn dạy. Phân xử dứt khoát rạch ròi những trường hợp thực sự liên lụy đến vụ án để làm yên lòng những người lương thiện. Bị cáo triệu tập đến lúc nào thì thẩm vấn, tra xét ngay lúc ấy, không được để dây dưa kéo dài, hẹn sang ngày khác, khiến người phải đi lại nhiều lần. Đối với những vụ kiện có người đứng trung gian khiếu tố thì thẩm tra tìm hiểu xong phải lập tức tiến hành tạm giữ, tra xét, không tạo điều kiện dây dưa để đôi bên nguyên, bị tiếp tục đấu đá nhau khiến cho người ngoài được thủ lợi.
Tốt nhất là bất cứ lúc nào có thể được thì nên khuyến khích sự thương lượng hòa giải giữa đôi bên, lấy đó làm biện pháp để giải trừ tội lỗi. Trên công đường làm vẻ mặt nghiêm khắc là vì muốn cho kẻ sai lầm phải hồi tâm thú nhận tội lỗi, thật không phải giả dối. Làm quan được xưng tụng thanh liêm là điều cao quý, lại càng phải thêm đức khoan thứ nhân hậu. Có thể giữ được sự điềm tĩnh tự chế là khí độ lớn lao, lại càng phải thêm đức tinh chuyên cần mẫn.
Học theo đức độ khoan nhân khi sử dụng hình phạt, nên giảm nhẹ sự đau đớn cho người. Thấy người đang bị giam cầm lao ngục phải khởi lòng thương, nên nghiêm cấm và trừng phạt những thuộc cấp đối xử tàn bạo hung ác với tội nhân. Phải quan tâm đến việc ăn uống của tội nhân, luôn được đầy đủ và đúng giờ, không trễ nãi. Đối với những tội nhân đã phán quyết tử hình, phải dốc lòng hết ý tìm cầu chứng cứ có thể giúp miễn tội chết; không được đối với những trường hợp có thể giữ mạng sống lại cố phán tội chết.
Đối với tội nhân đã cao niên, nên khởi tâm xem như chú, bác của mình; đối với tội nhân xấp xỉ tuổi mình, nên khởi tâm xem như anh em một nhà; đối với những tội nhân còn ít tuổi, nên khởi tâm xem như con cháu của mình. Trên thì luôn suy ngẫm phải hành xử thế nào để hài lòng ông bà tổ tiên đời trước; dưới thì luôn nhớ nghĩ phải làm sao để tích lũy âm đức che chở cho con cháu đời sau.
Tuy chỉ tạm mượn chức quan, nhưng tận tâm tận lực hành xử được như thế ắt có thể cứu nhân độ thế, đâu chỉ là “xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa” mà thôi?
Trưng dẫn sự tích
Xử án công bình khoan thứ
Niên hiệu Trinh Quán thứ nhất đời nhà Đường, ở Thanh Châu có vụ mưu phản, người bị bắt giam đầy trong ngục, vua ban chiếu sai Tiết Nhân Sư tra xét vụ án này.
Nhân Sư vừa đến liền truyền tháo bỏ hết gông cùm, cho phạm nhân ăn uống no đủ, tắm gội sạch sẽ, sau đó chỉ trừng trị một số tên cầm đầu trong vụ ấy mà thôi. Tôn Phục Già ngờ rằng số người được tha bổng quá nhiều, Nhân Sư liền nói: “Trong việc xử án cần phải lấy điều nhân nghĩa khoan thứ làm căn bản, sao có thể chỉ vì muốn tránh tội cho bản thân mình mà biết người khác bị oan không cứu? Nếu quả như làm thế mà trái ý hoàng thượng thì dù phải hy sinh mạng sống này tôi cũng vui lòng.”
Sau vua cho người thẩm tra lại vụ án ấy lần nữa, quả nhiên những người được Nhân Sư tha bổng đều đã bị bắt oan.
Lời bàn
Quan Tư Khấu cai quản hình ngục là Cung Chi Lộc dâng sớ tâu lên rằng: “Xưa nay việc xử án sai lầm xử nhẹ hơn so với tội trạng, so ra không nghiêm trọng bằng việc kết án oan sai người vô tội. Nay vâng mệnh khảo xét quan lại phụ trách xử án, thấy trưng dẫn điều luật không phù hợp, kết án qua loa khinh suất thì lập tức luận tội. Xét thấy quan lại chỉ nghĩ đến đường công danh của bản thân họ mà không hề nghĩ đến tính mạng người khác, đối với những vụ án cần phải xem xét nghị án lần nữa, thì lại chọn cách an ổn cho mình nên đẩy phạm nhân vào chỗ chết. Như khi thừa mệnh tra xét quan lại mà thấy quả thật đã để tình riêng làm sai lệch phép nước thì nên trị tội. Còn những trường hợp phán quan xử nhẹ hơn hoặc quyết định tha bổng chưa thỏa đáng thì nên tha thứ, miễn xử phạt. Như vậy có thể khiến cho quan lại bớt đi mối lo lắng khi xử án, mà việc xử án cũng thêm phần nghiêm minh và hợp với đạo lý.”
Tiên sinh Cung Chi Lộc quả thật nhân hậu biết bao! Ngày sau ắt sẽ được hưng long thịnh vượng.
Biện giải cho tù bị oan
Lưu Túc làm quan vào triều Kim, có người ăn trộm lụa là, châu báu trong công khố. Kẻ trộm còn chưa bị bắt, nhưng lại bắt được người môi giới bán châu báu cùng thuộc hạ giữ kho liên đới cả thảy 11 người. Hình bộ thụ lý, quyết định xử tử hình tất cả. Lưu Túc nói: “Trong vụ này vẫn chưa bắt được tội phạm chính, giết những người này như vậy là oan uổng.”
Vua Kim nổi giận không muốn nghe. Lưu Túc nỗ lực hết sức để biện giải sự việc, nhờ đó mà không một người nào phải chết. Về sau Lưu Túc được phong Hình Quốc Công.
Lời bàn
Việc hóa giải oan tình cho kẻ bị hàm oan, có ai lại không muốn? Chỉ là vì không khỏi lo sợ chọc giận cấp trên, lại sợ trái ý gây hiềm khích với quan viên cộng sự, vì thế mà trong lòng muốn nói nhưng không dám nói ra. Huống chi là việc can gián trái ngược ý vua, khác nào như vuốt râu hùm, dám động đến oai trời? Tấm lòng cương trực của Lưu Túc khi dám làm việc ấy, quả không mấy ai sánh nổi.
Ba con đều vinh hiển
Thạnh Cát làm quan Đình Úy vào triều Minh, việc xử án chưa từng để vụ nào phải kéo dài hay oan uổng. Mỗi độ đông về là lúc định lại danh sách tù nhân, người vợ cầm đuốc đứng bên soi cho, Thạnh Cát tay cầm sổ ghi tên tù nhân mà rơi nước mắt. Người vợ bảo ông rằng: “Ông vì thiên hạ giữ việc thi hành pháp luật, không được kết tội oan uổng cho người, mới tránh cho con cháu mai sau không phải gặp tai ương.”
Làm quan Đình Úy được 12 năm, dân chúng đều xưng tụng là công bình, khoan thứ. Một hôm bỗng có con chim khách trắng đến làm tổ nuôi con trên cây đại thụ ngay trước sân nhà Thạnh Cát, mọi người đều cho đó là điềm lành. Sau Thạnh Cát sinh được 3 người con trai, thảy đều vinh hiển.
Lời bàn
Đường Thái Tông từng nói với các quan hầu cận rằng: “Thời xưa khi phải tử hình tội nhân thì bậc quân vương ngưng việc tấu nhạc trong cung, giảm bớt món ăn thường nhật. Ta vốn đã không thường tổ chức vũ nhạc trong cung, nhưng mỗi lần như vậy đều bỏ không ăn thịt uống rượu.” Những kẻ đang làm quan, sao có thể không biết đến việc ấy?
Không bắt bớ phụ nữ
Vương Khắc Kính làm quan Diêm Vận Sứ vùng Lưỡng Triết. Vùng Ôn Châu cho áp giải tội phạm đến, trong số đó có một phụ nữ cũng bị áp giải chung. Vương Khắc Kính nổi giận quát: “Sao có thể áp giải phụ nữ cùng đi trên đường xa ngàn dặm, phải chung đụng với quân binh sai dịch hỗn tạp như thế này? Từ nay về sau không được bắt bớ phụ nữ nữa.” Sau đó liền cho bổ sung thành điều lệnh như thế.
Lời bàn
Một cơn giận của Vương Khắc Kính thật đầy lòng nhân hậu, bảo toàn được cho rất nhiều phụ nữ không phải chịu cảnh ô nhục. Từ đó mà suy ra, không chỉ riêng phụ nữ, mà cả những đối tượng như người già yếu, suy nhược, bệnh tật, tàn phế, cho đến tăng ni, đạo sĩ, những người có danh phận thể diện, hết thảy đều không nên đối đãi khinh suất.
Hành pháp nghiêm khắc không con nối dõi
Vào cuối đời nhà Minh, châu Cao Bưu có người họ Từ, làm quan đến chức Quận thủ, thanh liêm chính trực, nghiêm giữ theo pháp luật. Thuộc cấp dưới quyền mỗi khi sai hạn một ngày đều phải bị phạt đánh 5 trượng. Có một người trễ hạn 6 ngày, theo luật phải chịu 30 trượng, van xin không được, cuối cùng bỏ mạng trong khi bị đánh. Người ấy có đứa con còn nhỏ tuổi, nghe tin kinh hãi, xúc động quá mà chết. Người vợ đau buồn thảm thiết, treo cổ tự vẫn.
Đến khi họ Từ mãn quan về quê, chỉ có một đứa con, hết sức thương yêu. Bỗng nhiên đứa con ngã bệnh, nói với cha: “Có người đuổi bắt con.” Trong chốc lát lại đổi giọng chửi mắng: “Tao có tội gì lớn chứ? Sao giết cả nhà tao ba mạng?” Vừa nói xong thì chết. Họ Từ sau đó không con nối dõi.
Lời bàn
Các quan thanh liêm phần lớn không để lại phước đức cho con cháu, đại thể thường là do giữ theo hình pháp quá nghiêm khắc. Họ Từ khi còn đang làm quan, lẽ nào chẳng tự cho mình là thưởng phạt hết sức nghiêm minh? Thế mà kết quả thuộc cấp dưới quyền cả nhà 3 người phải chết thảm, rồi chính đứa con mình cũng chết theo. Đáng thương thay!