Giảng rộng
Những khái niệm “nguy nan” với “khẩn cấp” mang ý nghĩa rất rộng, so với văn trước có nói “cứu người khi nguy nan” cũng đồng nghĩa. Tuy nhiên, trước là Đế Quân kể việc của ngài tự làm, còn ở đây là răn dạy, khuyên bảo người đời nên làm. Chữ “như” được dùng ở câu này mang 2 nghĩa. Một là dùng để so sánh hai sự việc tương tự nhau, hai là dùng để so sánh tâm ý cấp thiết trong hai trường hợp cũng giống nhau.
Trưng dẫn sự tích
Thoát nạn, cứu người
Triều Đông Tấn, trong khoảng niên hiệu Thái Nguyên, tại kinh thành Trường An có một người tên Trương Sùng, ngày thường vẫn luôn tin tưởng phụng sự Phật pháp. Từ sau khi Tuyên Chiêu Đế của nhà Tiền Tần là Phù Kiên bị Đông Tấn đánh bại, Trường An có đến hơn ngàn hộ dân lành muốn bỏ chạy về phương nam quy thuận Đông Tấn, bị quân binh trấn thủ biên giới bắt được, có ý muốn giết hết đàn ông, còn phụ nữ thì bắt giữ rồi bán đi. Khi ấy, Trương Sùng cũng bị bắt giữ, chân tay đều bị gông cùm, nửa người bị chôn sống trong đất, hôm sau dự tính sẽ cho bọn binh sĩ cưỡi ngựa chạy ngang dùng cung tên bắn chết, xem đó là trò vui.
Trương Sùng nghĩ mình chắc chắn không thoát khỏi cái chết, chỉ biết đem hết lòng thành niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Khoảng nửa đêm, gông cùm bỗng tự mở, thân thể hốt nhiên bay vọt ra khỏi đất, liền nhân lúc đêm tối chạy trốn. Nhưng lúc ấy chân bị đau quá cơ hồ không chạy được, liền tiếp tục trì niệm danh hiệu Bồ Tát, thành tâm lễ bái, rồi đặt một tảng đá trước mặt mà phát nguyện rằng: “Nay tôi muốn vượt Trường giang về phía đông, đem nỗi oán hận này tố giác lên hoàng đế nhà Tấn, mong cứu thoát được hết những người đang bị giam giữ ở đây. Nếu tâm nguyện của tôi có thể thành tựu, xin cho tảng đá này vỡ ra làm đôi.” Khấn như vậy rồi, liền nhấc tảng đá lên mà thả rơi xuống đất. Quả nhiên, tảng đá vỡ đôi. Trương Sùng liền nỗ lực hết sức chạy về được đến kinh đô nhà Tấn, đem mọi việc trình lên Tấn đế. Tấn Đế sai quân đến giải cứu cho số người đang bị giam giữ; có một số phụ nữ đã bị bán đi, liền xuất tiền chuộc lại đưa về hết.
Lời bàn
Tự mình chưa thoát được mà đã khởi tâm muốn cứu thoát người khác, ấy là phát tâm của hàng Bồ Tát. Tâm nguyện của Trương Sùng vốn đã tương ưng với tâm nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên sự cầu nguyện của ông đương nhiên phải được linh ứng.
Từ xa cứu nạn giảng đường sụp đổ
Đời Bắc Chu, chùa Đại Truy Viễn ở kinh thành có vị tăng hiệu Tăng Thật, vốn họ Trình, quê ở Hàm Dương, là bậc chân tu đạo hạnh. Một hôm, vào lúc giữa trưa ngài bỗng lên lầu gióng chuông rất gấp, tụ tập chúng tăng, dặn tất cả đều phải chuẩn bị hương trầm. Mọi người mang hương trầm đến, thưa hỏi nguyên nhân, ngài liền dạy: “Trong giờ khắc này, tại Giang Nam ở chùa... ... có một giảng đường sắp bị sụp đổ, có thể đè chết cả ngàn người. Nếu mọi người ở đây đồng tâm trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, có thể cứu được nạn ấy.” Chúng tăng vâng lời, cùng nhau niệm Phật hiệu, âm thanh vang rền cả vùng.
Mấy ngày sau có tin từ Giang Nam đến, quả nhiên đúng là trong giờ ngọ ngày hôm trước, có giảng đường tại Dương Châu đang tổ chức thuyết pháp, thính chúng ngồi chật bên trong đến cả ngàn người. Bỗng thấy từ hướng tây bắc có đám khói hương lạ bay đến, cùng với tiếng nhạc trong trẻo ngân nga. Mây hương từ cửa phía bắc của giảng đường bay vào, rồi bay thẳng ra cửa phía nam. Người trong giảng đường lấy làm kinh dị, tất cả đều đổ xô chạy theo đám mây hương ấy mà ra khỏi giảng đường. Mọi người vừa ra hết thì giảng đường cũng vừa sụp đổ. Nhờ đó mà không ai bị thương tổn gì.
Vua nhà Lương nghe biết chuyện này, ba lần xuống chiếu thỉnh ngài triều kiến nhưng ngài đều không đến. Niên hiệu Bảo Định năm thứ 3, vào ngày 18 tháng 10, ngài thị tịch, trong triều ngoài nội ai ai cũng đều thương tiếc.
Lời bàn
Một niệm chí thành có thể tạo ra khói hương, âm nhạc, chỉ trong chớp mắt đã đến được nơi xa ngàn dặm, từ đó có thể hiểu ra được ý nghĩa “tất cả đều do tâm tạo”. Thế thì sao có thể cho rằng việc tu phước cầu siêu thoát cho hương linh không thể trong một chớp mắt thông suốt chốn u minh địa phủ; rằng người niệm Phật cầu vãng sinh không thể trong một sát-na thẳng đến cảnh giới Tây phương Cực Lạc?
Bỏ chức quan, cứu thuộc cấp
Triều Nam Tống, trong khoảng niên hiệu Chiêu Hưng, vùng Lư Lăng có người tên Chu Tất Đại, làm quan ở Lâm An thuộc Triết Giang, trong đó có một xưởng bào chế thuốc. Một hôm, kho chứa thuốc bị hỏa hoạn, cháy lan sang nhà dân chúng quanh đó. Người phụ trách giữ kho thuốc ấy, theo đúng luật phải bị xử tội chết. Chu Tất Đại gọi người ấy đến
Hỏi: “Nếu hỏa hoạn ấy là do lỗi của quan thì xử tội gì?” Người ấy
Đáp: “Bất quá cũng chỉ bị cách chức thôi.”
Chu Tất Đại liền nhận tội về mình, bị cách chức quan. Người kia nhờ đó thoát chết.
Ít lâu sau, Chu Tất Đại đến thăm cha vợ, ông nghe việc Tất Đại bị cách chức, trong lòng giận lắm. Bấy giờ gặp lúc tuyết rơi rất nhiều, có đứa trẻ đang quét tuyết trong sân nhà, cha vợ ông nhìn thấy bỗng sực nhớ lại đêm qua nằm mộng thấy mình quét tuyết trong sân để nghênh đón quan Tể tướng, nhân đó mới giữ Tất Đại ở lại chơi, tiếp đãi trọng hậu.
Về sau, quả nhiên Tất Đại dự khảo thí khoa Bác học hoành từ trúng tuyển, ra làm quan thăng dần đến chức Tể tướng, được phong tước Ích Quốc công.
Lời bàn
Tự mình có tội, người thế gian còn muốn đổ vạ cho người khác, huống chi tội của người khác lại khẳng khái nhận lấy về mình, đến nỗi phải mất chức quan? Độ lượng của quan Tể tướng quả thật rộng sâu không thể đo lường!
Giúp người chuộc tội được sinh con
Vào đời Minh, huyện Quảng Bình thuộc tỉnh Hà Bắc có người tên Trương Tú, nhà nghèo lại không có con. Trương Tú đặt một cái bình đất trong nhà, tiền dành dụm được đều cho vào đó, trải qua 10 năm thì vừa đầy bình.
Có người hàng xóm của ông sinh được 3 đứa con còn nhỏ, vi phạm pháp luật, buộc phải bán người vợ đi để lấy tiền chuộc tội. Trương Tú biết chuyện, sợ người mẹ bị bán đi ắt 3 đứa con nhỏ không người chăm sóc, liền mang hết số tiền dành dụm của mình ra chuộc tội cho người kia. Vì số tiền ấy vẫn còn thiếu, nên vợ ông liền mang cả chiếc trâm cài đầu của bà bán đi để thêm vào cho đủ.
Đêm ấy, Trương Tú mộng thấy có vị thần bế một đứa bé kháu khỉnh đến trao cho ông. Sau đó vợ ông liền có thai, sinh được con trai đặt tên là Trương Quốc Ngạn. Quốc Ngạn về sau làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư. Hai người cháu là Trương Ngã Tục và Trương Ngã Thằng sau cũng đều làm đến các chức quan Bố chính sử và Án sát sử.
Lời bàn
Thương yêu con người khác, cuối cùng tự mình sinh được quý tử. Như vậy có thể biết được rằng nếu làm hại con cái người khác thì sẽ phải nhận lãnh kết quả như thế nào.