Giảng rộng
Khổng tử nói rằng: “Khắc phục chỗ xấu của chính mình, không công kích chỉ trích chỗ xấu của người khác.” Lại nói rằng: “Nghiêm khắc với chính mình mà giảm bớt sự chê trách người khác.”
Các bậc hiền thánh xưa nay có muôn câu ngàn lời răn nhắc, thảy đều khuyên ta phải tự xét lỗi mình. Biết tự xét lỗi, ắt lúc nào cũng luôn tự lo việc sửa mình, chẳng còn thời gian đâu mà chê trách lỗi người khác.
Lỗi lầm của người ta có khi là cố ý, cũng có lúc chỉ là vô tình. Những lỗi vô tình rất dễ tha thứ, những lỗi cố ý thật khó dung tha. Nhưng người học đạo quyết chí nuôi dưỡng lòng khoan thứ lại nên chú ý đến việc dung thứ cho những lỗi cố ý của người khác. Nếu người phạm lỗi cố ý còn có thể tha thứ được, huống chi là kẻ phạm lỗi vô tình?
Khi sự việc nghiêm trọng đến mức không thể dung thứ mà ta muốn dung thứ thì quả nhiên sẽ rất khó khăn, nhưng cũng không thể không cố gắng hết sức. Vậy có thể dùng cách nào để khởi tâm tha thứ trong những trường hợp này?
Một là hãy nghĩ đến việc người phạm lỗi kia chỉ vì không đủ trí tuệ. Thiên hạ đa phần đều là những người tầm thường dung tục, sao ta lại muốn đem những chuẩn mực của bậc hiền thánh mà trách cứ người khác? Nếu không tha thứ được cho người kém hiểu biết, thì hóa ra chính ta mới là người thiếu trí tuệ.
Hai là nghĩ đến việc mạng người ngắn ngủi. Người sống trong đời này, ngày qua tháng lại khác nào như bóng câu qua song cửa, một ngày trôi qua là tuổi thọ đã ít đi một ngày; khác nào tử tù đang trên đường ra pháp trường, mỗi bước đi là một bước đến gần cái chết. Đối với mạng người ngắn ngủi như thế, sao có thể không khởi lòng thương xót?
Ba là nghĩ đến sự sai lầm của người khác chính là phương thuốc giúp ta sửa lỗi của chính mình. Từ trước ta dù có lỗi cũng thường không tự biết được, nay nhìn thấy lỗi của người, nhờ đó có thể tự soi xét phản tỉnh trong lòng. Cho nên, người ấy có thể xem như thầy ta, sao dám đem lòng xét nét trách cứ?
Nếu khởi tâm suy xét như trên, ắt sẽ có thể tha thứ cho cả những điều rất khó tha thứ. Cho nên, khi chưa thể khởi tâm tha thứ thì tâm tánh thường nóng nảy, bực dọc; sau khi đã tha thứ được cho người thì tự nhiên trong lòng được an ổn, bình thản. Tâm tánh nóng nảy thì trước mắt tự thấy đầy dẫy chông gai, dù con sâu con kiến cũng đủ làm chướng ngại trên đường. Tâm an ổn thì rào chắn không tự dựng lên, tự nhiên rộng mở tâm hồn, dù kẻ xung khắc với ta cũng có thể cùng chung đường tiến tới.
Hơn nữa, nếu không thể dung thứ cho người có lỗi, ắt phải cùng người ấy tranh biện hơn thua, khiến cho động lòng tự ái, phải tìm mọi cách để biện bạch, vì thế nên muốn người ấy không mắc lỗi nữa nhưng thực tế họ càng phạm lỗi nhiều hơn. Ngược lại, nếu có thể tha thứ lỗi của người, ắt sẽ khiến người ấy tự thấy xấu hổ, dù ta không cầu cho người ấy không mắc lỗi, nhưng người ấy cũng tự nhiên ít phạm lỗi hơn.
Cho nên nói rằng, nhìn thấy lỗi của người khác là cửa ngõ của mọi điều xấu ác, mà nhìn thấy được lỗi của mình chính là cửa ngõ của mọi điều thiện.
Trưng dẫn sự tích
Tiến cử kẻ thù
Đế Quân kể rằng: “Cha ta chết, vốn là do lời gièm pha vu khống của Nam Phong Thành, trong triều đình ai ai cũng biết rõ việc ấy. Mối thù hận trọn kiếp đó ta vẫn còn chưa quên. Sau khi Nam Phong Thành chết, con trai ông là Nam Ôn Thúc lại là người tài năng đức độ. Quan Sư Thị họ Vi thường nói với ta: “Con trai của Nam Phong Thành ham học không chán, nói ra lời nào cũng đều hợp với đạo lý, phép tắc, thật hiếm có trong số con em quý tộc hiện nay.”
Ý trời thật khó biết, ai ngờ Nam Phong Thành lại có được người con như thế. Lúc bấy giờ, tuy ta đang có mối thù không đội trời chung với nhà họ Nam, nhưng nghe đến sự đức độ hiền lương của Ôn Thúc thì vẫn thường mến mộ, yêu thích. Khi ta thăng chức làm quan Đại phu, chức quan Bảo thị còn chưa có người thay, ta liền tiến cử Ôn Thúc. Sau quả nhiên Ôn Thúc đảm nhận chức quan ấy vô cùng xuất sắc.
Lời bàn
Vua Nghiêu giết ông Cổn vì tội trị thủy không thành công, nhưng con trai ông là Vũ vẫn giúp vua Nghiêu kế tục công việc trị thủy và thực hiện thành công. Quản Thúc và Sái Thúc là anh em với Chu Công, đều bị lệnh vua giết, nhưng Chu Công vẫn là người phụ chính giúp Chu Thành Vương. Đế Quân không vì thù cha mà khiến cho đất nước mất đi bậc hiền tài, khiến người đức hạnh phải bị che lấp không được dùng đến, có thể nói là đã rất khéo léo vận dụng đúng chữ hiếu.
Khi tôi đọc sách Lễ ký thấy có câu rằng: “Kẻ thù giết cha không thể đội trời chung.” Sau lại đọc Kinh điển đạo Phật, thấy có câu rằng: “Hết thảy oán thù đều không thể báo hết.” Hai thuyết như thế có vẻ như hoàn toàn trái ngược, nhưng mỗi thuyết đều có chỗ hợp lý.
Nhà Nho chỉ căn cứ vào đời sống hiện tại này, nên có thù cha mà không báo tức là đã quên ơn dưỡng dục. Vì thế cho rằng việc nuôi dưỡng cái tâm “không đội trời chung” ấy là hiếu thảo.
Đức Phật hiểu thấu nhân quả trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai, thấy được rằng những chúng sinh từng làm cha mẹ của ta trong quá khứ thật không thể tính đếm hết, lại những kẻ có thù với cha mẹ ta cũng là vô số. Như vậy, chính trong số những chúng sinh từng là cha mẹ của ta, lại cũng chính là những cừu địch của nhau, nhiều đến vô số. Số nhiều như vậy, nếu mỗi mỗi đều không đội trời chung, làm sao có thể báo thù rửa hận đối với tất cả?
Huống chi chỉ xét trong đời này, thêm một mối cừu thù là cha mẹ phải thêm một sự đối nghịch oán hận, cho nên vì muốn dứt nhân duyên đối nghịch oán hận cho cha mẹ mà nhẫn nhục không báo thù, xem đó mới là hiếu thảo.
Xét như khi Vũ Vương đánh vua Trụ, Thái Công vác kích theo ra trận, Bá Di cản trước đầu ngựa quyết can ngăn, như vậy chẳng phải hai người ấy trái nghịch nhau như nước với lửa đó sao? Nhưng Mạnh tử khi nhắc đến chuyện này lại nói: “Hai ông già ấy, đều là những ông già đáng tôn kính nhất trong thiên hạ.” Lại cũng chưa từng dám phê phán hai người ấy ai tốt, ai xấu. Đối với hết thảy những chỗ khác biệt hay giống nhau giữa Nho gia với Phật giáo, đều nên quán xét theo lẽ ấy. Được như vậy thì càng đọc nhiều kinh Phật, lại càng tinh tường lý lẽ của nhà Nho. Đế Quân khuyên người thực hành rộng khắp theo Tam giáo chính là vì thế.