Giảng rộng
Mồ côi, tức những trẻ không còn cha mẹ; góa bụa, tức phụ nữ không may mất chồng. Hai đối tượng này đều đơn chiếc yếu đuối, thường dễ bị người đời xem thường, khinh rẻ. Nếu như không xót thương, giúp đỡ những kẻ ấy, quả thật là không có lòng trắc ẩn, liệu có thể xứng đáng làm người chăng? Dù sức mình không thể giúp đỡ, cũng nên thường khởi tâm niệm thương xót muốn giúp đỡ. Nếu sức mình có thể giúp đỡ, nên hết lòng tận lực mà thực sự ra tay giúp đỡ.
Thương xót giúp đỡ, không nhất thiết phải là chu cấp tiền bạc. Có thể là chỉ bày những điều chưa biết, dạy dỗ những điều chưa làm được, răn nhắc những điều không nên làm, thậm chí có thể là giúp người vượt qua hoạn nạn, giải trừ những việc rối rắm, hoặc vì người mà làm rõ những sự oan uổng, những việc như thế cũng đều là xót thương giúp đỡ.
Trưng dẫn sự tích
Giúp mẹ góa con côi về tận quê nhà
Đời Bắc Tống, khi Phạm Văn Chánh Công đang làm tri phủ ở Việt châu, thuộc tỉnh Triết Giang, có người tên Tôn Cư Trung chết trong lúc đang làm việc cho nha môn. Nhà ấy nghèo túng, con còn thơ ấu, thật khó khăn trong việc đưa về quê cũ. Phạm Văn Chánh Công liền bỏ tiền ra thuê thuyền, lại phái một viên chức đi theo đưa linh cữu về tận quê nhà. Trước khi thuyền đi, ông lại làm một bài thơ trao cho viên chức đi theo ấy và dặn rằng: “Khi qua các quan ải trên sông, cứ đưa bài thơ này cho họ xem là được.”
Nội dung bài thơ ấy như sau:
十口相依泛巨川,
來時暖熱去淒然;
關津不用詢名氏,
此是孤兒寡婦船。
Thập khẩu tương y phiếm cự xuyên,
Lai thời noãn nhiệt, khứ thê nhiên.
Quan tân bất dụng tuân danh thị,
Thử thị cô nhi quả phụ thuyền.
Dịch nghĩa:
Mười người cùng nương tựa lẫn nhau,
nổi trôi trên dòng sông lớn.
Ngày đi sao ấm áp,
ngày về thật lạnh lẽo thê lương.
Quan ải các vị không cần phải hỏi
tên họ người trên thuyền,
Đây là thuyền của bà mẹ góa
với đứa con mồ côi.
Dịch thơ:
Nước lớn thuyền trôi, người nương nhau.
Ngày đi ấm áp, về thương đau.
Quan ải cần chi tra xét nữa,
Đây thuyền mẹ góa với con côi!
Nhờ đó mà người trong nhà ấy đều được an toàn về đến quê hương.
Lời bàn
Mẹ góa con côi xưa nay vẫn thường bị người ta xem thường, khinh dễ. Giúp yếu trừ bạo, tất cả đều là dựa vào lòng nhân ái.
Vì chủ nuôi con mồ côi
Vào đời Minh, có người tên Lý Tung, vợ làm vú nuôi cho nhà họ Cung. Vợ ông chết, đứa trẻ con nhà họ Cung tên Cung Tích Tước vừa lên 5 tuổi lại mất cha. Gia nhân trong nhà họ Cung khi ấy có ý muốn giết Tích Tước để chiếm đoạt gia sản chia nhau. Lý Tung biết chuyện, đang đêm liền cõng Cung Tích Tước đi trốn. Chạy ra đến cửa thành vẫn còn đang đóng vì còn quá sớm, Lý Tung quỳ xuống kêu khóc. Viên quan giữ cửa thành thương xót, mở cửa cho ra. Lý Tung chạy suốt 5 ngày đêm trong tuyết lạnh, đến được nhà người cậu của Tích Tước là Trầm Triệu.
Trầm Triệu thấy cả vợ chồng Lý Tung đều có ơn nuôi dưỡng, hết sức bảo vệ cháu mình nên vô cùng cảm động, đối đãi với Lý Tung như người nhà. Những người giúp việc cho nhà họ Trầm đều giao cho Lý Tung cai quản, sai khiến, lại chẳng bao giờ để cho ông phải dùng những món cơm thừa canh cặn như hạng tôi tớ. Nhưng Lý Tung trước sau vẫn giữ đúng bổn phận người giúp việc.
Về sau, Cung Tích Tước thi đỗ tiến sĩ, không một lúc nào dám quên việc báo đáp ân đức của Lý Tung, nhưng Lý Tung vẫn ngày ngày mặc áo ngắn, nỗ lực làm việc cực nhọc, không khác với lúc gia cảnh còn bần hàn. Sau khi Lý Tung qua đời, Cung Tích Tước có lời dặn lại con cháu mình phải đời đời nối nhau thờ phụng cúng tế vợ chồng Lý Tung, không được bỏ phế.
Lời bàn
Như muốn báo đáp ơn sâu của Lý Tung, nên làm nhiều việc phước đức mà hồi hướng cầu siêu thoát cho ông, ắt là ông sẽ thực sự được lợi ích. Bằng như nói rằng chỉ lo việc cúng tế, thì việc ông có được thọ hưởng sự cúng tế ấy hay không, rốt cuộc cũng không nói chắc được. Tuy nhiên, cái biết của người thế tục thì bất quá cũng chỉ đến như thế mà thôi. Ví như đứa trẻ còn quá nhỏ, trong cơn giận dữ dù có hết sức muốn biểu lộ cũng chỉ biết la hét khóc lóc mà thôi. Ngoài việc la hét khóc lóc ra, đứa trẻ ấy nào có biết làm gì khác hơn?
Cưỡng bức người chịu quả báo tức thời
Đời nhà Minh, vào năm cuối niên hiệu Sùng Trinh, vùng Ngô Giang thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Trương Sĩ Bách, mất sớm, để lại người vợ họ Trần có nhan sắc xinh đẹp, tuổi còn trẻ, quyết thủ tiết thờ chồng.
Người anh của Sĩ Bách là Trương Sĩ Tùng mưu tính việc đem bán cô em dâu họ Trần này về làm vợ lẽ cho một tên hào phú đồng hương tên là Từ Hồng. Sĩ Tùng biết Trần thị không thuận theo ý mình, bèn lập kế bắt sống mang lên thuyền giao cho Từ Hồng. Trần thị kêu la to tiếng, Từ Hồng sợ không dám xúc phạm.
Người cha của Trần thị là Trần Tuấn liền viết cáo trạng tố cáo lên quan huyện. Quan huyện là Chương Nhật Sí đang nghỉ trên gác, không thèm dậy. Trần Tuấn tiếp tục viết cáo trạng, lần này dâng lên quan Trực Chỉ là Lộ Chấn Phi. Từ Hồng liền mang tiền hối lộ cho viên chức phụ trách vụ việc. Tên này liền dối trá báo lên quan Trực Chỉ là đã xem xét sự việc rồi, thấy không đúng như trong cáo trạng trình bày. Hắn ta lại vu vạ cho Trần thị là nhục mạ chồng, xử theo tội ấy bắt giam vào ngục.
Trần thị oan ức nuốt lệ, tuyệt thực suốt 3 ngày. Vừa may gặp lúc có một viên chức họ Lý vừa mới đến, nghe biết oan tình, liền đưa Trần thị đến gặp quan Trực Chỉ Lộ Chấn Phi. Trần thị khóc lóc trình bày rõ sự việc oan khuất của mình, vừa kể xong liền tự vẫn ngay tại đó, chết không nhắm mắt. Lộ Chấn Phi từ án đường bước xuống, đến trước thi thể Trần thị chấp tay cung kính thi lễ, hứa sẽ làm rõ vụ việc này. Khi ấy, đôi mắt Trần thị mới từ từ nhắm lại.
Ngay trong hôm đó, Lộ Chấn Phi viết một bản tấu sớ gửi lên triều đình, báo rõ mọi việc. Triều đình lập tức ban lệnh xử tử Trương Sĩ Tùng và Từ Hồng. Các đồng phạm liên quan đều tùy theo tội nặng nhẹ mà trừng phạt. Quan huyện Chương Nhật Sí lập tức bị cách chức, trên đường đi thuyền về quận phủ bàn giao, bỗng nghe trong thuyền vang rền những âm thanh của ma quỷ, qua hôm sau thì chết. Viên chức trước đây nhận hối lộ của Từ Hồng vu tội cho Trần thị, bỗng nhiên mắc bệnh rồi cấm khẩu, từ đó suốt đời không nói năng gì được nữa.
Lời bàn
Câu chuyện này về sau có người đưa vào nội dung của một bài vãn ca, người người đều cảm động, cho rằng việc báo ứng quả là chỉ ngay trước mắt thôi.