Giảng rộng
Chân, là nói đến các bậc thiên tiên; đẩu, là danh xưng tinh tú. Ấy là những vị thường ghi chép việc thiện ác, theo dõi số mạng sống chết của con người, sao có thể không cung kính phụng thờ lễ bái? Nếu như muốn truy tìm đến tận chỗ ban sơ, ắt các vị thiên tiên là trước, tinh tú phải đặt sau. Vì thuở ban đầu thế giới hình thành chưa có các vị tinh tú, Phạm thiên Đế Thích nhân theo lời cầu thỉnh của Lư Thần Đại tiên nên sau đó mới tạo lập 28 vị tinh tú ở 4 cửa trời đông, tây, nam, bắc. Đẩu là tinh tú thứ năm ở cửa tây, thuộc sao Đẩu, nên dùng các loại lúa gạo, hương hoa, mật ong... mà cúng tế mới thích hợp.
Kinh Lâu Thán Chánh Pháp (樓炭正法經) có nói rằng: “Tinh tú lớn thì chu vi bảy trăm dặm, tinh tú hạng vừa thì chu vi bốn trăm tám mươi dặm, tinh tú nhỏ thì chu vi một trăm hai mươi dặm, bên trong đều có các vị thiên nhân cư trú.” Người thế gian gọi là sao rơi, thật ra chỉ là những tảng thiên thạch lớn, chẳng phải tinh tú; thậm chí có người còn vẽ ra hình tượng bảy con lợn bên dưới tượng đẩu mẫu, như thế thật là vô cùng bất kính.
Các vị chân nhân, đẩu mẫu, đều là những người đời trước kính tin Tam bảo, tu theo Mười điều lành, nên ngày nay mới được hưởng phước cõi trời, có khả năng bay lượn tự do giữa không trung, sống trong cung điện tốt đẹp của cõi trời, chiếu soi xuống chốn nhân gian. Cho nên, những người ngày nay tin theo Đạo giáo mà quay lại phỉ báng Phật pháp thì làm sao có thể phụng chân triều đẩu?
Đời Hán, Ngụy trở về trước, người ta thường tôn xưng đức Phật là Thiên Tôn, gọi các vị tăng là đạo sĩ, còn những đạo sĩ của Đạo gia chỉ gọi là tế tửu, tức là người giữ lễ dâng rượu cúng mà thôi. Kể từ Khấu Khiêm đời Bắc Ngụy trở về sau, Đạo giáo mới tiếm xưng các danh hiệu Thiên Tôn và đạo sĩ, nên từ đó không còn xưng Phật là Thiên Tôn, mà các vị tăng cũng gọi là tỳ-kheo, không gọi là đạo sĩ nữa. Riêng danh xưng “tế tửu” trước dùng để gọi đạo sĩ, sau đi vào thế tục mà đổi lại là “đại tư thành”.
Trưng dẫn sự tích
Bảy vị tinh quân cứu lửa
Vào đời nhà Minh, ở Hề Phố, Thường Thục thuộc vùng Giang Tô có họ Tiền, người trong họ cùng sống với nhau trong một vùng riêng biệt. Có một gia đình 4 người, mẹ chồng với nàng dâu đều góa bụa, thường ngày kính phụng Đẩu quân. Vào năm Bính Dần niên hiệu Chánh Đức, nhà kế bên rủi ro phát hỏa, đám cháy kéo dài đến 3 ngày đêm. Trong lúc ấy bỗng mơ hồ nhìn thấy có 7 người mặc áo đỏ, đứng phía trước mái nhà phất ống tay áo, ngọn lửa theo đó bỗng tắt, chung quanh bốn phía nhà đều hóa thành tro lạnh.
Lời bàn
Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn dạy rằng: “Dù có vào trong lửa dữ, lửa cũng không thiêu đốt được.” Cứ theo sự việc trên mà xét thì câu kinh này thật rất đáng tin.
Kính lễ Đẩu mẫu thoát nạn trộm cướp
Vào đời nhà Thanh, ở huyện Cú Dung thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Nghiêm Cận Sơn. Năm Khang Hy thứ nhất, Cận Sơn đi đến các quận Kinh Châu, Tương Dương thuộc Hồ Bắc, gặp một vị đạo nhân dạy nên kính lễ Đẩu mẫu. Cận Sơn tin tưởng làm theo trong suốt 3 năm.
Một hôm, Nghiêm Cận Sơn đang đi thuyền dọc theo ven sông, bỗng trời kéo mây đen tối sầm, lại gặp phải thuyền bọn giặc cướp. Cận Sơn sợ hãi quá liền chí thành niệm Đẩu mẫu tâm chú. Chẳng bao lâu, bỗng thấy như có một đám mây đen kịt trùm xuống bao bọc lấy thuyền của ông. Lần ấy Nghiêm Cận Sơn được an toàn vô sự, mà tất cả các thuyền cùng đi đều bị bọn cướp làm hại.
Lời bàn
Có người cho rằng Đẩu mẫu chính là đức Bồ Tát Quán Âm, như vậy là không đúng. Bồ Tát tuy tùy theo chủng loại chúng sinh mà hóa thân cứu độ, nhưng thông thường đều ẩn tàng kín đáo chứ không lộ liễu. Nếu cho đó là Bồ Tát Quán Thế Âm mà lại xếp vào vai vế thấp hơn Ngọc đế, quả thật là vô cùng điên đảo. Lại có người cho rằng Đẩu mẫu chính là chư thiên cõi trời Ma-lợi-chi, chẳng thể biết được là có đúng hay không?
Phụ đính trích dẫn: Nguồn gốc kinh sách của Đạo giáo
Đạo giáo vốn thật không có kinh sách đủ gọi là “tạng”, duy nhất chỉ có một quyển Đạo Đức kinh (道德經) gồm 5.000 chữ của Lão tử là xác thật mà thôi. Khi khảo cứu sách Nguyên đô mục lục (元都目錄), tôi thấy hết thảy đều do người đời sau giả tạo, mượn từ nội dung của sách Nghệ văn chí (藝文志) rồi thêm vào các chú giải, thành ra 884 quyển, gọi đó là tạng kinh sách của Đạo giáo.
Lại như việc tuyển chọn sai lầm các sách của Đạo giáo qua các triều đại thật khó nói ra cho hết. Nay chỉ xin lược cử một số trường hợp, như vào đời Tiền Hán có Vương Mậu làm ra sách Động nguyên kinh (洞元經); đời Hậu Hán có Trương Lăng làm ra sách Linh bảo kinh (靈寶經) cùng với các nghi lễ cúng tế, cả thảy 40 quyển. Thời Tam quốc, nước Ngô có Cát Hiếu Tiên làm ra sách Thượng thanh kinh (上清經). Đời Tấn có đạo sĩ là Vương Phù làm ra sách Tam hoàng kinh (三皇經), đạo sĩ nước Tề là Trần Hiển Minh làm ra sách Lục thập tứ chân bộ hư phẩm kinh (六十四真步虛品經). Đời nhà Lương có Đào Hoành Cảnh làm ra sách Thái thanh kinh (太清經).
Vào đời Vũ Đế thời Bắc Chu lại có đạo sĩ ở Hoa Châu là Trương Tân vâng chiếu nhận chức thứ sử Hoa Châu, đạo sĩ ở Trường An là Trương Tử Thuận được tuyển làm chức Khai phủ, quận Phù Phong có Mã Dặc đỗ Tiến sĩ, Ung châu có quan Biệt giá là Lý Thông, cả thảy 4 người này vào niên hiệu Thiên Hòa thứ 5 họp lại tại chùa Thủ Chân ở Cố thành, cùng sao chép tuyển soạn từ kinh điển nhà Phật mà làm thành những kinh giả của Đạo giáo gồm đến hơn ngàn quyển.
Đời nhà Tùy, năm cuối niên hiệu Đại Nghiệp, có đạo sĩ Ngũ Thông Quán là Phụ Huệ Tường sửa đổi kinh Niết-bàn (涅槃經) thành Trường An kinh (長安經). Quan Thượng thư là Vệ Văn Thăng tâu việc này lên triều đình, vua lập tức hạ lệnh bắt giải đến bên ngoài Kim quang môn chém đầu răn chúng.
Vào năm đầu niên hiệu Lân Đức, đạo sĩ Tây Kinh là Quách Hành Chân, đạo sĩ Đông Minh Quán là Lý Vinh, đạo sĩ Hội Thánh Quán là Điền Nhân Huệ, lại cùng nhau mang những ngụy kinh từ trước ra thêm thắt sửa chữa, lấy thêm nội dung từ kinh điển của Phật giáo mà tráo đổi đưa vào, từ đó trong Đạo giáo mới có thêm các danh từ như tam giới (ba cõi), lục đạo (sáu đường), ngũ ấm (năm ấm), thập nhị nhập (mười hai nhập), thập bát giới (mười tám giới), tam thập thất trợ đạo phẩm (ba mươi bảy phẩm trợ đạo) cùng với các danh xưng như đại tiểu pháp môn, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di...
Đây quả thật đúng như lời Khổng tử nói: “Chư hầu tế lễ nên hướng đến thiên tử nghiêm trang kính cẩn, sao lại nhận lấy nơi tế tự của hàng quan tước Tam công mà cho đó là tôn kính nhất?” Xét cho cùng, chỗ thâm trọng nhất của Đạo gia bất quá cũng chỉ đến cõi trời, cõi tiên là hết, sao có thể đạt được đến như pháp môn tu hành của hàng Bồ Tát?
Trích dẫn kinh sách Đạo gia
Pháp luân kinh của Đạo giáo nói: “Đức Thiên Tôn ban sắc dạy hàng đạo sĩ rằng: Nếu thấy hình tượng Phật, khởi tâm vô lượng, nên nguyện cho hết thảy chúng sinh cùng thể nhập pháp môn.”
Kinh Thái thượng thanh tĩnh nói: “Nếu thấy bậc sa-môn, nên nguyện cho tất cả chúng sinh thấu rõ được pháp môn giáo hóa, cùng đắc đạo như Phật.”
Kinh Lão tử thăng nguyên nói: “Đạo sĩ thiết lễ cúng thanh tịnh, nếu có các vị tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni đến, phải mời lên tòa cao ngồi.”
Sách Phù tử nói rằng: “Bậc thầy của Lão tử chính là đức Thích-ca Văn Phật.”
Kinh Linh bảo tiêu ma an chí nói: “Đạo lấy sự thanh tịnh trai giới làm đầu, chuyên cần thực hiện ắt sẽ thành Phật.”
Kinh Thượng phẩm đại giới nói rằng: “Cúng dường nơi tháp miếu của Phật, được phước báo gấp ngàn lần. Cúng dường các vị sa-môn, được phước báo gấp trăm lần.”
Kinh Lão tử đại quyền Bồ Tát nói rằng: “Lão tử chính là Bồ Tát Ca-diếp, đến giáo hóa nơi đất Trung Hoa.”
Lời bàn
Thời xưa Đạo giáo cúng tế thường dùng thịt nai khô, rượu trắng, nay đã thay đổi dùng táo khô với nước thơm.