Ông Vương Trung người Thái Nguyên thưa hỏi: “Thầy dạy rằng
Phật pháp có lợi ích cho người đời, không biết là có những
lợi ích gì?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Người tham thiền ngộ đạo thì có cái
lợi thấy suốt nguồn tâm, rõ biết tự tánh. Kẻ nghiên cứu kinh
điển, giáo pháp thì có cái lợi sáng tỏ, thông suốt ý chỉ
nhiệm mầu. Người tu hành theo đúng pháp thì có cái lợi dần
dần chứng đắc quả vị Bồ-đề. Kẻ trì giới, niệm Phật thì có
cái lợi sanh về Tịnh độ. Người trì giới tu thiền định thì có
cái lợi sanh lên cõi trời. Người quy y, tin nhận thì có cái
lợi gieo trồng căn lành, tăng trưởng phước đức, trí huệ.
Những ai có lòng lành kính Phật thì có cái lợi gieo nhân
lành, được quả phước. Những ai có lòng tin không làm việc ác
thì có cái lợi ích không vướng vào pháp luật. Cho nên Phật
pháp lưu hành ở thế gian cũng là gián tiếp có lợi cho công
cuộc trị an.”
Vương Trung lại hỏi: “Tuy có những lợi ích như vậy, nhưng
trong đạo Nho có ai theo học Phật chăng?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Không chỉ có các nhà Nho học Phật,
cho đến các vị thánh chúa, vua hiền cũng đều theo học.”
Vương Trung thưa: “Xin thầy dạy rõ hơn.”
Không Cốc nói: “Nếu nói hết những người học Phật từ xưa nay
thì thật không kể xiết. Nay chỉ đơn cử sơ lược một số trường
hợp mà thôi.
“Vào đời Đường, sự sùng mộ đạo Phật của vua Thái Tông thật
chẳng ai bằng. Sau khi vua mất, con là Cao Tông nối ngôi.
Khi nghe tin pháp sư Huyền Trang viên tịch, vua Cao Tông
thốt lời than với triều thần rằng: ‘Trẫm đã mất quốc bảo
rồi!’ Vua liền miễn thiết triều trong ba ngày để tỏ lòng
thương tiếc. Nếu bảo hai vị hoàng đế ấy mê đắm Phật pháp, vì
sao các đại hiền thần như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy
Trưng, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Lý Tĩnh, Đổng Thường đều
không ra sức can gián? Vì các vị vua thánh, tôi hiền ấy đều
biết rằng Phật pháp là đạo lớn chân chánh, có ích lợi cho
cuộc trị an và giáo hóa, mang lại sự tốt lành cho người đời,
nên tất cả đều cung kính vâng theo.
“Thuở ấy, mỗi khi xây chùa xong cần đề bia ký, hay dịch kinh
xong cần đề tựa, nếu chẳng phải chính tay vua ngự chế thì
cũng chỉ định một trong các vị đại thần như Phòng Huyền
Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương...
thay vua mà viết ra những áng văn kính cẩn, nghiêm túc. Lòng
kính mộ của vua Thái Tông và vua Cao Tông đối với Phật pháp,
thật đáng gọi là hết mực chí thành!
“Tiếp đó, cũng trong đời Đường, có những vị vua như Huyền
Tông, Túc Tông, Đại Tông, Tuyên Tông càng kính mộ đạo Phật
hơn nữa. Vua Đại Tông có lần chỉ vị Quốc sư là Nam Dương
Trung mà nói: ‘Trong nước không có gì quí báu, chỉ có vị
tăng này là quốc bảo mà thôi.’
“Sang đời Tống, những vị thánh đế như Thái Tổ, Thái Tông,
Chân Tông, Nhân Tông lại càng trọng mộ đạo Phật hơn nữa.
“Những triều đại xưa kia còn có nhiều bậc minh quân kính mộ
đạo Phật hơn thế nữa. Tùy Văn đế cúi lạy pháp sư Đàm Diên,
Lương Võ đế đem trọn lòng thành cung kính hòa thượng Bảo
Chí, Diêu Tần cúi đầu bái thỉnh ngài Cưu-ma-la-thập. Vua Tề
thờ ngài Thượng Thống làm thầy. Vua Phù Kiên lễ kính pháp sư
Đạo An. Vua nước Tấn hêt sức cung kính ngài Huệ Viễn. Ôi! Từ
xưa đến nay, các vị thánh chúa còn thành tín theo Phật,
huống chi những kẻ tầm thường như chúng ta!
“Đời Tống, triều vua Nhân Tông, có quan tướng quốc Hàn Công
Kỳ, quan thị lang Âu Dương Tu, Trương Đoan Minh, chức Bí thư
Quan Ngạn Trường, Chương Biểu Dân, Viên ngoại lang Trần
Thuấn Du, đều là những người khi chưa đọc kinh Phật thì chưa
biết kính Phật, nhưng sau khi gặp được thiền sư Minh Giáo
Tung, được xem qua sách Đàm tân tập thì ai nấy đều bái phục,
ngợi khen rằng: Chúng tôi không ngờ trong hàng chư tăng có
người như vậy! Chẳng những thông suốt lẽ không, lại còn là
bậc văn chương cao tột.
“Kinh Lễ nói rằng: ‘Tuy có món ăn ngon, nhưng nếu không ăn
thì cũng chẳng biết được mùi vị; tuy có đạo cao tột, nhưng
nếu không học thì cũng chẳng biết được chỗ hay.’ Cho nên, có
học rồi sau mới biết mình còn thiếu sót; có dạy rồi sau mới
biết mình còn có chỗ chưa thông. Biết mình còn thiếu sót mới
có thể tự phản tỉnh; biết mình chưa thông suốt mới có thể tự
mình gắng sức mạnh mẽ. Há chẳng phải như vậy hay sao?
“Từ đời Tấn đến nay, có ai tài đức, kinh luân hơn được Tạ An
Thạch chăng? Có ai kiến thức cao rộng, tài trí siêu quần hơn
được Vương Hy Chi chăng? Có ai tính tình chính trực, thanh
cao hơn được Đào Uyên Minh chăng? Có ai được nền nếp quy củ,
văn chương trác tuyệt hơn được Tạ Linh Vận chăng? Có ai làm
Tể tướng trong thiên hạ mà được cả thiên hạ tôn xưng là
người hiền như Thôi Công Quần chăng? Có ai kiến thức cao xa,
đạo học vượt trội được như Bàng Uẩn ở đất Hoành Dương chăng?
Có ai dựng nên nghiệp cả, danh tiếng rực rỡ đời Thạnh Đường
như Bùi Tấn Công chăng? Có ai tiết tháo đại nghĩa, văn
chương thư pháp vượt trội như Nhan Lỗ Công chăng? Có ai văn
chương trác tuyệt, đạo học cao thâm như Tướng quốc Bùi Công
chăng? Có ai uyên thâm Nho học và Thiền học như hai ông họ
Tô và Hoàng Sơn Cốc chăng? Có ai đạo học cao vời, kiến thức
rộng khắp, đức độ hơn người như Trần Trung Túc chăng? Có ai
học rộng biết nhiều, tri thức cao minh chân chánh như học sĩ
Vương Nhật Hưu chăng?
“Thật không đủ thời gian để nói rộng ra cho hết, chỉ lược kể
ra đây những bậc danh hiền hết lòng ngưỡng mộ Phật pháp mà
thiên hạ đều biết. Những bậc danh hiền ấy đều là người thông
minh trí tuệ, đạo đức cao vời, há chẳng bằng Hối Am hay sao?
Há chẳng bằng những kẻ đời sau chê bai đạo Phật hay sao? Các
vị ấy thảy đều lấy tâm chân chánh, ý chí thành, công bằng mà
suy xét chẳng có chút định kiến riêng tư, nên mới kính trọng
đạo Phật là đạo cao tột của bậc thánh nhân. Hối Am nhờ chú
giải nhiều sách vở nên được hậu thế kính trọng. Cũng vì
người sau không biết được chỗ tâm bệnh của Hối Am nên không
phân biệt được lời lẽ của ông, chỉ mê muội mà tin theo như
vậy.”