Có người hỏi rằng: “Cha mẹ tuổi cao cần phải ăn thịt cá. Nếu
chẳng làm việc sát sanh, lấy gì mà phụng dưỡng?”
Đáp rằng: “Đó là cách nghĩ của kẻ phàm tục, còn bậc Đại
thánh thì không như thế. Thực hành đạo hiếu chẳng phải ở nơi
việc sát sanh, mà cốt ở sự khuyến thiện. Nếu cha mẹ có lỗi,
ắt phải can gián; nếu can gián ba lần mà chẳng nghe, ắt phải
buồn khóc. Nếu chẳng làm được như vậy, cho dù hằng ngày
phụng dưỡng thịt cá linh đình cũng gọi là bất hiếu.
“Kinh Hiếu tử dạy: Làm con nuôi dưỡng cha mẹ dùng trăm vị
ngon ngọt để làm vừa miệng, dùng mọi thứ nhạc hay để làm vui
tai, dâng y phục quý tốt để làm đẹp hình thể, một vai cõng
mẹ, một vai cõng cha dạo chơi khắp bốn biển. Người đời thực
hành đạo hiếu mà được như vậy thật là to tát, khó làm hơn
nữa. Nhưng Phật dạy rằng đó cũng chưa phải là hiếu. Nếu cha
mẹ ngang ngược tối tăm, chẳng kính thờ Tam bảo, ngỗ nghịch
bạo tàn, tạo các nghiệp ác, thì kẻ làm con phải can gián,
khiến cho phát lòng tin, qui y Chánh đạo, thường thực hành
sáu pháp ba-la-mật, phát tâm từ bi hỷ xả, đối với bậc thiện
tri thức thường cung kính, nghe theo giáo pháp, niệm Phật tu
hành, nguyện thoát khỏi luân hồi khổ não, sanh về Cực Lạc.
Nếu y theo như vậy mà thực hành đạo hiếu mới có thể gọi là
báo ân. Nếu chẳng làm được như vậy chỉ là đứa con tầm thường
mà thôi.
“Trong văn Khuyến hiếu của thiền sư Trương Lô Trạch có một
trăm hai mươi bài, một trăm bài trước nói về nết hiếu bằng
phụng dưỡng miếng ăn ngon ngọt, tức là nết hiếu của thế
gian; hai mươi bài sau dạy kẻ làm con nên khuyên cha mẹ tu
Tịnh độ, tức là nết hiếu xuất thế gian. Nết hiếu của thế
gian chỉ một đời mà thôi. Nết hiếu xuất thế gian chẳng bao
giờ hết. Có thể khiến cha mẹ được vãng sanh Tịnh độ thì
không còn nết hiếu nào hơn được. Khi cha mẹ còn sống, nếu
làm con chẳng khuyến khích việc tu hành, đến khi cha mẹ qua
đời, dù có khóc than thảm thiết, lễ cúng trọng hậu, phỏng có
ích gì?
“Trong Quán kinh, trước sau đều nói rằng việc hiếu dưỡng cha
mẹ là nghiệp lành thanh tịnh, cũng là một ý như vậy.
“Lại nữa, nếu cha mẹ biết phát khởi lòng tin niệm Phật, đó
chính là gieo trồng hạt giống xuống ao sen nơi cõi Cực Lạc.
Hết lòng niệm Phật, ắt sẽ đến lúc hoa sen mọc lên khỏi mặt
nước. Khi công phu niệm Phật được thành tựu, chính là lúc
hoa sen nở ra, liền được gặp Phật!
“Người con hiếu, xét thấy lúc cha hoặc mẹ sắp vãng sanh, bèn
ghi chép tất cả những việc thiện cha, mẹ đã làm được trong
lúc bình sanh, rồi thường đối trước cha hoặc mẹ mà đọc lên,
khiến cho được sanh tâm hoan hỷ. Lại thỉnh cha hoặc mẹ khi
ngồi hoặc nằm đều quay mặt về phương Tây, lúc nào cũng nghĩ
đến cõi Tịnh độ. Lại bài trí tượng Phật A-di-đà, thắp hương,
đánh chuông, nhờ người trợ niệm không dứt tiếng. Cho đến khi
cha hoặc mẹ tắt hơi, càng tập trung tâm ý, đừng khóc kể bi
ai mà thất lạc chánh niệm. Như cha mẹ được vãng sanh Tịnh
độ, há chẳng đáng vui mừng sao? Suốt một đời hiếu dưỡng, cốt
ở lúc ấy mà thôi!
“Khuyên tất cả những người con hiếu đừng quên việc ấy. Còn
như cần làm trọn lễ theo thế gian, hãy chờ cho hơi tắt giờ
lâu, mới nên khóc kể bi ai. Ngay trong lúc cha mẹ vừa tắt
hơi, rất nên tránh việc ấy.
“Từ xưa nay, những kẻ niệm Phật vãng sanh về Tây phương đâu
phải chỉ có ít người? Dưới đây nhắc sơ một vài tích cũ để
làm gương cho người niệm Phật:
“Quốc vương Ô Trường nhìn thấy chư vị Thánh chúng đến rước
mình; hoàng hậu Tùy Văn theo mùi hương lạ mà về cõi Tây
phương; bà Diệu Hạnh thỉnh Phật đợi mình; thế tử triều Tống
hầu mẹ cùng về Cực Lạc. Những trường hợp ấy đều có thể gọi
là tức thời được thẳng tới cảnh giới đức Như Lai.”
Người kia lại hỏi: “Theo đó hành trì thật là đại hiếu. Nhưng
nếu chẳng dùng cá thịt, biết lấy gì phụng dưỡng cha mẹ?”
Đáp: “Chỗ mê lầm của ông thật rất đáng thương thay! Trong
đời có biết bao món đồ chay tinh sạch, thơm ngon, cần chi
đến những món thịt cá tanh hôi, nhơ nhớp?”
Người kia thưa: “Lời sư dạy thật đã rõ lắm.”
Đáp: “Vậy ông nên hết lòng làm theo.”