Ông Vương Trung người ở Thái Nguyên thưa hỏi: “Hối Am vốn
ghét giáo lý hư vô tịch diệt. Họ Trần ở Tân An cho đạo Lão
là hư vô, đạo Phật là tịch diệt. Lẽ ấy thế nào?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Hư vô tịch diệt có hai nghĩa. Đó là
nghĩa phương tiện và nghĩa chân thật.
“Hiểu theo nghĩa phương tiện thì hư vô tịch diệt chỉ là lời
trống không, huyễn hoặc. Kẻ phàm phu chấp có, hạng Tiểu thừa
chấp không, hàng Trung thừa lại chấp chẳng có chẳng không.
Bậc Đại thừa ngay nơi thể tánh của các pháp rõ biết là
không, chẳng rơi vào những kiến chấp như trên; thấu đạt sự
hiện hữu nhiệm mầu chẳng phải là có, nhận biết sự trống
không chân thật chẳng phải là không; nên dù một chút bụi
trần cũng chẳng tạo ra, cũng không trừ bỏ bất cứ pháp nào;
dù ngang hay dọc, dù ngược hay xuôi, hết thảy các pháp đều
là chân thật.
“Cho nên, bậc Đại giác Thế Tôn vì muốn phá trừ sự chấp có
cho kẻ phàm phu mới dạy rằng: Thân này không thật có, như ảo
hóa, khiến cho tâm họ hướng về tịch diệt; vì muốn phá trừ sự
chấp không cho hạng Tiểu thừa, mới quở trách họ là chôn mình
trong hố sâu của sự giải thoát, khiến cho họ phải mong cầu
thoát ra; vì muốn phá trừ sự chấp chẳng có chẳng không cho
hàng Trung thừa, mới quở trách họ là trói buộc trong cái có
không chân thật, khiến họ phải cầu được Đại thừa. Hết thảy
đều là những phương tiện khéo léo, tùy theo từng trường hợp
mà sử dụng.
“Hiểu theo nghĩa chân thật thì hư vô tịch diệt là gốc của
muôn vật, từ đó sanh ra trời đất, con người, các loài động
vật, thực vật cho đến tất cả các pháp. Đạo Phật dạy rằng:
‘Do nơi gốc là không có chỗ trụ mà tạo ra tất cả các pháp’
cho đến ‘không một chút pháp nào có thể được... cho nên đức
Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta’.
“Lão tử nói: ‘Đạo mà có thể giảng nói được thì chẳng phải
cái đạo thường tồn; tên mà có thể đặt ra được thì chẳng cái
tên chân thật. Không tên là cội nguồn ban sơ của trời đất;
có tên là chỗ sanh ra muôn vật. Thường không ham muốn là để
xem rõ chỗ huyền diệu. Thường có ham muốn là để thấy biết
chỗ ngăn che.’
“Khổng tử dạy: ‘Lẽ biến dịch không có chỗ lo lắng, không có
chỗ tác động, vắng lặng an nhiên chẳng động.’ Vắng lặng an
nhiên chẳng động, đó chính là hư vô tịch diệt.
“Trong chỗ hư vô tịch diệt ấy hàm chứa hết thảy muôn vật. Do
sự cảm ứng thông suốt mà sanh ra tất cả các pháp. Nguyên lý
nhiệm mầu huyền diệu như thế, nếu không phải là bậc chí thần
trong thiên hạ thì ai có thể nhận biết được?
“Kinh Lễ nói: ‘Không làm gì cả mà muôn vật thành tựu, đó là
đạo của trời.’ Tử Tư nói: ‘Chỗ làm của trời vốn không có
tiếng xấu, không có tiếng tốt.’
“Mục đích của các vị thánh hiền trong Tam giáo đều hướng đến
chỗ tịch diệt chân thật thường còn, đến chỗ trống không chân
thật chẳng phải là không, xưa nay chẳng có gì khác nhau.
“Phật dạy: ‘Sanh diệt dứt rồi, tịch diệt là vui.’ Đó là muốn
dạy người tu dứt hết mọi tình thức hư vọng. Quả thật là:
‘Bớt được một phần tham muốn thì lẽ trời lại thêm một phần
sáng rõ.’ Như thế nào phải dạy người dứt tuyệt lẽ trời mà
rơi vào chỗ như cây khô, như bếp lạnh hay sao?
“Nên biết rằng, từ trời đất, con người cho đến muôn loài đều
sẵn có lẽ tịch diệt chân thật thường còn, chưa từng dứt mất.
Chỉ vì người ngu tự không rõ biết, cho đó là linh hồn vất
vưởng, thật đáng thương thay!
“Hối Am đọc kinh sách Phật chỉ thấy được nghĩa phương tiện
phá trừ kiến chấp của phàm phu thôi sao? Hay là không rõ
biết được nghĩa hư vô tịch diệt là gốc sanh ra muôn vật? Hay
là không rõ biết được mục đích của các vị thánh hiền trong
Tam giáo đều là lẽ chân thường tịch diệt? Hay là tự dối lòng
mình, cố tình bịa đặt những lời sai lệch để khiến kẻ hậu học
phải nghi ngờ, lầm lạc? Vì ghét bỏ giáo pháp hư vô tịch diệt
của Phật, Lão mà bỏ sót đi phần nghĩa lý quan trọng, há có
phải là việc nhỏ nhoi sao?
“Đạo Phật truyền đến Trung Hoa từ niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10
đời Hán Minh đế. Từ đó, các bậc vua chúa, danh hiền, không
ai không suy tôn là một đạo lớn đáng học hỏi. Mãi đến đời
sau mới có Hối Am là người ghét mà cho đó là giáo pháp hư vô
tịch diệt. Chỗ ghét bỏ của Hối Am như vậy là nên hay không
nên? Kiến thức của Hối Am có so được với kiến thức của các
nhân vật đời Đông Hán, đời Tam quốc hay chăng? Có sánh bằng
kiến thức của các nhân vật đời Tấn, đời Tống, đời Tề, đời
Lương, đời Trần trong suốt thời Nam Bắc triều hay chăng? Lại
có hơn kiến thức của các nhân vật đời Tùy, đời Đường, và
thời Ngũ đại hay chăng? Lại có hơn kiến thức của các nhân
vật đời Thạnh Tống, đời Liêu cho đến đời Kim hay chăng?
“Thiên Thái thệ có câu: ‘Đạo trời nhìn nhận thì tự nhiên dân
nhìn nhận, đạo trời lắng nghe thì tự nhiên dân lắng nghe.’
Cho nên, đức Khổng tử nói rằng: ‘Ta nghe theo số đông, chưa
từng nghe theo ý riêng của một người.’
“Hối Am lấy ý riêng mà bài bác đạo Phật thì quan điểm ấy là
thế nào? Nay tôi chỉ nêu ra cái ý chính để làm sáng rõ lòng
người, xin các vị tự mình suy xét sẽ rõ.”
Vương Trung thưa: “Trung này vốn không được sáng suốt, nay
nhờ nghe lời giảng của thầy mà trong lòng bỗng nhiên tỏ rõ.”