Phần
V: Giới Ba-dật-đề (Pāyantika dharmā) ******* Các
giới trong tụ Ba-dật-đề (pāyantika hay
patayantika) được dịch sang tiếng Hoa là
tan t’i fa (đơn đề pháp) [1]
hoặc là tan to fa (đơn đọa pháp) [2]. Các giới này ít nghiêm
trọng hơn các giới ở những tụ trước của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, phạm
vi của chúng bao gồm nhiều vấn đề. Trong tụ này có 178 giới cho Tỳ-kheo-ni
và 90 giới cho Tỳ-kheo. Bà
Horner giải thích rằng: “Ðiểm lạ lùng của các giới Ba-dật-đề trong
Bản Sớ Giải Cổ không có chỗ nào giải thích ý nghĩa của chữ Ba-dật-đề,
tội nào khiến đã tạo ra tên Ba-dật-đề. Nó xuất phát từ cụm từ “āpatti desetabbā” (tội có thể được đoạn
trừ nhờ sám-hối) được ghi trong phần Vibhaṅga
trong mỗi giới Nissaggiya, từ đó chúng
ta có thể suy luận rằng pācittiya là tội
phải sám-hối; và ngay cả trị phạt tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề và lễ
sám-hối có thể được Tăng đoàn, một hội chúng hoặc một vị Tăng đều
thực hiện được, do đó chúng ta có thể kết luận là những cách tiến
hành như ở trên vừa trình bày được thực hiện một cách tốt đẹp khi
tội ấy chỉ là tội Ba-dật-đề, cần phải sám-hối chứ không phải là
tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.[3] Ba-dật-đề
(P. Pācittiya) là một tội có thể phá vỡ các thiện nghiệp (kuśala-karmā), tuy nhiên, nó chỉ là một tế
hạnh (āpatti), chỉ cần chú tâm thì có
thể không bị phạm.[4] Trong tụ Ba-dật-đề này, số lượng các
giới trong Giới Bổn Ni và Giới Bổn Tăng chênh lệch khá lớn. Dựa trên thực tế
lịch sử của đời sống sinh hoạt hằng ngày của chư Tỳ-kheo-ni, mục đích
chính của các điều luật này là khuyến khích các Tỳ-kheo-ni chánh niệm
trong lời nói, hành vi, cũng như tuân hành các thanh quy của Tăng đoàn, v.v…
Wijayaratna chỉ ra rằng: “Ba-dật-đề đề cập đến các tội đòi hỏi
chỉ sám-hối.” [5]
Khi một Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni vi phạm một trong các giới Ba-dật-đề,
đương sự buộc phải sám-hối trước một Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni khác,
hoặc trước một hội chúng hoặc trước Tăng đoàn.[6]
Các giới trong tụ Ba-dật-đề được nêu như dưới đây. Người
dịch tạm mặc ước như sau: Số
La-tinh là trật tự các giới; kế đến là nội dung của giới,[7] và cuối cùng là trật tự của giới Tỳ-kheo
tương đương được để trong ngoặc vuông nếu có [8]
1.
Cấm cố ý nói láo [1]. 2.
Cấm nói lời nhục mạ [2]. 3.
Cấm nói hai lưỡi làm cho các thành viên trong Tăng đoàn giận ghét lẫn
nhau [3]. 4.
Cấm ở chung phòng với người nam trong một đêm [4]. 5.
Cấm ở chung phòng với phụ nữ quá hai ba đêm [5]. 6.
Cấm tụng kinh với người chưa thọ giới cụ túc [9]
[6]. 7.
Cấm học tội nặng của một Tỳ-kheo-ni cho một người chưa thọ giới
[7]. 8.
Cấm khoe phép thần thông với người
chưa
thọ giới để xin thức ăn [8]. 9.
Cấm nói 5, 6 câu kinh pháp cho người nam, trừ khi có người nữ tri thức
chứng dự [9]. 10.
Cấm đào đất [10]. 11.
Cấm chặt phá cây [11]. 12.
Cấm chửi rủa, gây gổ trong Tăng đoàn [12]. 13.
Cấm vu khống hay mắng nhiếc tri sự [13]. 14.
Cấm trải ngọa cụ, ghế nằm, ghế hoặc tấm lót ở chỗ chán chường
thuộc chúng Tăng [14]. 15.
Cấm trải ngoạ cụ, ghế nằm, ghế hoặc tấm lót nơi chỗ kín thuộc
chúng tăng [15]. 16.
Cấm nằm nơi chỗ ngủ hoặc chỗ ở của một vị Tỳ-kheo-ni khác [16]. 17.
Cấm đuổi hoặc sai đuổi một vị Tỳ-kheo-ni khỏi Tăng phòng [17]. 18.
Cấm ngồi hoặc nằm trên giường hoặc ghế có chân bị yếu [18]. 19.
Cấm uống nước có côn trùng [19]. 20.
Cấm lợp chỗ ở đến hai ba lớp [20]. 21.
Cấm dùng thức ăn nơi nhà nghỉ công cộng quá một lần, trừ khi bệnh
[31]. 22. Cấm ăn riêng một nhóm, trừ khi đúng thời
[10]
[33]. 23.
Cấm nhận quá ba bát cơm [34]. 24.
Cấm ăn phi thời [11]
[37]. 25.
Cấm ăn thức ăn cách đêm [38]. 26.
Cấm để vào miệng thức ăn [12] không phải của cúng dường
ngoại trừ nước và tăm xỉa răng [39]. 27.Cấm
hứa rồi không đến nhận thức ăn của một tín chủ [42]. 28.
Cấm ăn rồi mà ngồi nán lại lâu nơi nhà của vợ chồng cư sĩ.[13] [43]. 29.
Cấm ngồi chỗ khuất với vợ chồng cư sĩ [14] [44]. 30. Cấm ngồi chỗ khuất [15]
với đàn ông [45]. 31.
Cấm thất hứa không cho thức ăn Tỳ- kheo-ni đang đồng hành khất thực
[46]. 32.
Cấm cất giữ thuốc quá 4 tháng [47]. 33.
Cấm đến xem tập trận, trừ khi có duyên cớ [48]. 34.
Cấm ở chung với quân đội quá 3 đêm [49]. 35. Cấm ở chung trong quân đội để xem trận
đánh [50]. 36.
Cấm uống nước có chất làm say [51]. 37.
Cấm đùa giỡn trong nước [52]. 38.
Cấm thọc lét một Tỳ-kheo-ni khác [53]. 39.
Cấm không nghe lời khuyên can của chư Ni [54]. 40.
Cấm doạ nạt hoặc làm chư Ni khác hoảng sợ [55]. 41.
Cấm chưa được nửa tháng tắm một lần, trừ khi đúng lúc [16]
[56]. 42.
Cấm đốt lửa nơi đất trống [57]. 43.
Cấm dấu y bát của vị khác dù là giỡn [58]. 44.
Cấm lấy lại y khi đã cho người rồi mà không có sự đồng ý của người
đó [59]. 45.
Cấm mặc y mới mà không nhuộm hoại sắc [60]. 46.
Cấm cố ý giết hại sinh vật [61]. 47. Cấm cố ý uống nước có côn trùng [62]. 48. Cấm cố ý khích bác làm buồn khổ một
Tỳ-khưu-ni khác dù chỉ trong chốc lát [63]. 49.
Cấm che dấu trọng tội của Tỳ-kheo-ni khác thường phạm [65]. 50.
Cấm gây gổ, cãi lẫy hay đánh nhau [66]. 51.
Cấm cố ý cùng đi chung đường với kẻ trộm [67]. 52.
Cấm vì tà kiến của chính mình mà không
nghe lời khuyên bảo [68]. 53.
Cấm cùng ăn, cùng nói, cùng nằm với một Tỳ-kheo-ni đang bị Tăng cử tội
[69]. 54.
Cấm bảo vệ một Thức-xoa-ma-na [17] đang bị Tăng cử tội
[70]. 55.
Cấm không nghe lời khuyên học giới luật của vị Tỳ-kheo có đức hạnh
[71]. 56.
Cấm xem thường giới luật [72]. 57.
Cấm không chú ý nghe tụng Giới Bổn [73]. 58.
Cấm tham gia phê bình sau khi Tăng đã yết-ma [74]. 59.
Cấm đứng dậy mà không xin phép các vị Tỳ-kheo-ni có thẩm quyền khi Tăng
đoàn đang bàn thảo Phật pháp [75]. 60.
Cấm phê bình quyết định của người khác sau khi ban cho họ quyền quyết
định rồi [18]
[76]. 61.
Cấm cố nghe chuyện Tỳ-kheo-ni đấu khẩu, tranh luận hoặc tham gia tranh chấp
[19]
[77]. 62.
Cấm vì giận hoặc không vui mà đánh Tỳ-kheo-ni khác [78]. 63.
Cấm vì giận hoặc không vui mà giá đánh một Tỳ-kheo-ni khác [79]. 64.
Cấm vô cớ buộc tội một Tỳ-kheo-ni khác [80]. 65.
Cấm đến hoặc qua lại cổng quan chức vào lúc sáng sớm mà không xin
phép một vị Tỳ-kheo-ni có thẩm quyền [81]. 66.
Cấm nhặt của báu rơi hoặc bảo người khác nhặt [82]. 67.
Cấm vào làng sái giờ không xin phép một vị Tỳ-kheo-ni hữu trách, ngoại
trừ đủ duyên cớ [83]. 68. Cấm đóng chân ghế cao quá 8 ngón tay [20]
[84]. 69.
Cấm ngồi nằm trên giường ghế phủ vải bông [85]. 70.
Cấm ăn tỏi. 71.
Cấm cạo lông chỗ kín. 72.
Cấm dùng tay rửa tịnh quá hạn. 73.
Cấm dùng đồ vật làm nam căn. 74.
Cấm cùng nhau vỗ vào chỗ kín.
75.
Cấm hầu nước hoặc quạt cho Tỳ-kheo đang dùng cơm. 76.
Cấm xin cư sĩ lúa thóc. 77. Cấm quăng đồ đại tiểu trên cỏ. 78.
Cấm quăng đồ đại tiểu qua rào. 79.
Cấm đi xem ca, múa, nhạc. 80.
Cấm đứng nói chuyện với người nam chỗ vắng. 81.
Cấm vào chỗ vắng với người nam. 82.
Cấm nói thầm với người nam ở chỗ vắng. 83.
Cấm lìa nhà cư gia mà không nói chủ nhà. 84.
Cấm ngồi nơi nhà cư gia mà không hỏi xin. 85.
Cấm nằm trên chỗ ngồi trong nhà của cư sĩ mà không xin phép họ. 86. Cấm vào phòng tối với người nam. 87.
Cấm tuyên thuyết lời dạy của Thầy mình một cách sai lầm. 88.
Cấm nguyền rủa chính mình hoặc người khác. 89.
Cấm đấm ngực khóc lóc sau khi gây gổ. 90. Cấm ngủ chung giường ngoại trừ lúc bệnh. 91.
Cấm đắp chung mền. 92.
Cấm cố ý tạo mối bất hoà với Tỳ-kheo-ni khác bằng cách đặt vấn đề
rắc rối. 93. Cấm không chăm sóc người bệnh ở cùng phòng. 94.
Cấm giận hoặc không vui mà đuổi Tỳ-kheo-ni đi nơi khác. 95. Cấm du hành khất thực trong mùa an cư. [21] 96.
Cấm sau mùa an cư mà không du hành khất thực. 97.
Cấm du hành tại vùng biên giới nguy hiểm, đang đánh nhau. 98.
Cấm du hành trong các vùng biên giới có nguy hiểm và đang đánh nhau. 99. Cấm thân cận với cư sĩ hoặc con cư
sĩ. 100. Cấm đi xem cung vua, nhà triển lãm, công
viên, ao sen. 101.
Cấm tắm nơi hồ ao mà không có khăn tắm. 102. Cấm may khăn tắm rộng quá quy định [22]
(giống giới thứ 89). 103.
Cấm cố ý thất hứa không may y cho chư Ni. 104.
Cấm để qúa 5 ngày mà không chăm sóc đến thượng y [23]. 105.
Cấm lấy đồ của chúng Tăng mà dùng riêng cho mình. 106.
Cấm lấy y của Ni khác mặc mà không hỏi trước. 107.
Cấm lấy y của chư Ni đưa cho cư sĩ, ngoại đạo, hoặc nữ ngoại đạo. 108.
Cấm ngăn cản chúng Tăng chia y đúng
pháp.
109.
Cấm ngăn chúng Tăng chia y Kaṭhina hợp pháp. 110.
Cấm ngăn Tỳ-kheo-ni khác chia y
kaṭhina.
111.
Cấm không giải hoà những tranh cãi của chư Ni. 112.
Cấm tự tay cho cư sĩ hoặc ngoại đạo thức ăn. 113.
Cấm làm việc cho cư sĩ như người nội trợ. 114.
Cấm se chỉ sợi. 115.
Cấm ngồi nằm nơi nhà cư sĩ. 116.
Cấm ở đêm nơi nhà cư sĩ khi ra đi không nói. 117.
Cấm học và đọc chú với cư sĩ. 118.
Cấm dạy cư sĩ đọc chú. 119.
Cấm cho một người nữ đã có thai thọ giới. 120.
Cấm cho người có con nhỏ thọ giới. 121. Cấm cho thọ cụ túc giới một người
chưa đủ 20 tuổi [65]. 122.
Cấm cho thọ cụ túc giới một Thức-xoa không trải qua 2 năm tu tập, mặc
dù tuổi đã đủ 20. 123.
Cấm cho thọ cụ túc một Thức-xoa không giữ 6 giới [24]
trong 2 năm mặc dù tuổi đã đủ 20. 124.
Cấm cho một Thức-xoa thọ giới cụ túc mặc dầu đã giữ 6 giới trong 2
năm và đủ tuổi, nhưng không được Tăng đoàn đồng ý. 125.
Cấm cho một phụ nữ đã cưới gả dưới 12 tuổi mà được xuất gia. 126.
Cấm cho thọ cụ túc giới một phụ nữ cưới gả đã được 12 năm, đã
trải qua 2 năm Thức-xoa, nhưng không được Tăng đoàn đồng ý. 127.
Cấm truyền giới cụ túc cho một dâm nữ
[25]. 128.
Cấm nhận đệ tử mà không lo dạy trong thời gian đang tập sự. 129.
Cấm tân Tỳ-kheo-ni không theo Thầy học đạo trong 2 năm đầu. 130.
Cấm truyền giới cho người khi Tăng chưa cho phép. 131.
Cấm chưa đủ 12 tuổi hạ mà truyền
giới cụ túc cho người. 132.
Cấm truyền giới cụ túc cho người mặc dù đủ tuổi hạ mà Tăng chưa
cho phép. 133.
Cấm phiền trách Tăng đoàn không cho phép truyền giới. 134.
Cấm cho một Thức-xoa-ma-na thọ cụ túc giới khi chưa có sự đồng ý của
cha mẹ hoặc chồng của người ấy. 135.
Cấm cho thọ cụ túc giới cho một Thức-xoa-ma-na mà người ấy bị thất
tình [26]. 136.
Cấm thất hứa không cho một Thức-xoa-ma-na thọ cụ túc giới khi đã trải
qua hai năm tu tập. 137.
Cấm hứa cho thọ cụ túc đối với một Thức-xoa-ma-na sau khi nhận vải
may y. 138.
Cấm trong 1 năm cho hai Thức-xoa-ma-na thọ cụ túc giới. [27] 139. Cấm
truyền giới cụ túc rồi mà để qua đêm mới đi trình diện với Tăng
đoàn. 140.
Cấm chẳng đến thỉnh cầu giáo giới hoặc không thính pháp với Tăng đoàn,
trừ khi bệnh. 141.
Cấm vắng mặt trong ngày tụng giới [28] và giáo giới vào mỗi
nửa tháng. 142.
Cấm an cư xong mà không đến chư Tăng làm lễ Tự Tứ (trình bày ba vấn
đề: những gì được thấy, nghe và nghi). 143.
Cấm an cư một trú xứ không có chư
Tăng. 144.
Cấm vào chùa chư Tăng mà không xin
phép. 145.
Cấm mắng nhiếc hay rủa xả chư Tăng. 146.
Cấm vì giận hoặc không vui mà rủa chưởi chư Ni. 147.
Cấm cho phép người nam băng bó ung
nhọt.
148.
Cấm ăn rồi mà ăn nữa. 149.
Cấm ganh tỵ với cư sĩ. 150.
Cấm sử dụng các loại dầu thơm. 151.
Cấm bôi các loại dầu. 152. Cấm
sai Tỳ-kheo-ni xoa bóp hoặc thoa dầu cho mình. 153.
Cấm sai Thức-xoa xoa bóp hoặc thoa dầu cho mình. 154.
Cấm sai sa-di-ni [29]
xoa bóp hoặc thoa dầu cho mình. 155.
Cấm sai người nữ xoa bóp hoặc thoa dầu cho mình. 156.
Cấm mặc áo yếm. 157.
Cấm sở hữu đồ trang sức của phụ nữ. 158.
Cấm đội dù, mang giày, trừ khi bệnh. 159.
Cấm đi xe trừ khi bệnh. 160.
Cấm vào làng mà không mặc y choàng. 161.
Cấm vô nhà người nếu không được mời
thỉnh. 162.
Cấm ra đi lại để cổng chùa mở mà không báo chư Ni. 163.
Cấm ra đi lại để cổng chùa mở mà không báo với ai cả. 164.
Cấm không làm lễ tiền an cư hoặc hậu an cư trừ khi bệnh [30]. 165.
Cấm cho người có chướng nạn [31] thọ giới cụ túc. 166. Cấm
cho người bán nam bán nữ thọ giới cụ túc. 167.
Cấm cho người có hai đường tiểu tiện hiệp một thọ giới cụ túc. 168.
Cấm cho người mắc nợ hoặc có bệnh nan y thọ giới cụ túc. 169.
Cấm nuôi sống bằng nghề thế tục. 170.
Cấm dạy cho cư sĩ các nghề thế tục. 171.
Cấm bị Tăng đuổi mà không đi. 172.
Cấm thình lình cật vấn Tỳ-kheo mà không được sự đồng ý của vị
ấy. 173.
Cấm quấy rầy chư Tỳ-kheo-ni có tuổi hạ lớn hơn mình [32]. 174.
Cấm xây chùa Ni trong chùa Tăng. 175.
Cấm Tỳ-kheo-ni dù trăm tuổi hạ gặp vị Tỳ-kheo dù mới thọ giới mà
không tôn kính đảnh lễ. 176.
Cấm nhảy cỡn với thái độ kiêu mạn. 177.
Cấm trang điểm như phụ nữ thế tục. 178.
Cấm sai phụ nữ ngoại đạo xoa bóp hoặc xức dầu thơm cho mình. Như
trong bảng liệt kê trên, chúng ta nhận thấy có 71 giới áp dụng chung cho
cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Các giới trong phần này có nội dung khác nhau rất nhiều và có thể có một
cái gì đó rất tuỳ tiện. Tuy nhiên,
khi khảo sát nội dung các giới này chúng ta có thể chia chúng thành một số
nhóm có cùng chủ đề lớn. Khi khảo sát sâu phạm vi của các giới này,
chúng ta nhận thấy chúng bao quát nhiều phương diện trong đời sống của
Tỳ-kheo-ni, các giới trong Ba-dật-đề [33] của Tỳ-kheo-ni, đại
khái có thể được phân loại như dưới đây: Chúng
tôi tạm mặc ước cách trình bày như sau:
Trước
nhất là phân loại tội, kế đến là các giới liên hệ đến loại tội
đó, thứ ba là tổng số giới liên hệ đến loại tội này, và cuối
cùng là số giới liên hệ đến Tỳ-kheo-ni. 1.
Thọ giới: 119, 120, 121, 122, 123, 124, 125, 126, 127, 134, 135, 165, 166, 167 và
168; tổng số giới: 15; chư Ni phạm chỉ có 14. 2.
Y phục: 44, 45, 102, 103, 104, 105, 106, 108, 109, 110, 114, 156 và 160; tổng số giới:
14; chư Ni phạm 12. 3.
Trang sức: 71, 150, 151, 152, 153, 154, 155, 157, 158, 177 và 178; tổng số giới:
11; chư Ni phạm 11. 4.
Phẩm hạnh và trách nhiệm của vị thầy:
128,
130, 131, 132, 133, 136, 137, 138; tổng số giới: 9; chư Ni phạm 9. 5.
Hành động liên hệ đến nam giới:
9, 30, 80, 82, 86 và 147; tổng số giới: 7; chư Ni phạm 6. 6.
Mất phẩm hạnh: 37, 38, 43, 48, 73, 74, 77, 78 và 79; tổng số giới: 9; chư Ni
phạm 6. 7.
Cách ứng xử công cộng: 83, 84, 85, 99, 161 và 176; tổng số giới: 6; chư Ni
phạm 6. 8.
Giáo giới trong ngày tụng giới và an cư: 140, 141, 142, 143, 164; tổng số giới: 5; chư Ni phạm 5. 9.
Du hành: 51, 67, 95, 97, 98, 159; tổng số giới: 7; chư Ni phạm 5. 10.
Cách thể hiện tôn trọng đối với Tỳ-kheo: 75, 144, 145, 172; tổng số giới:
4; chư Ni phạm 4. 11.
Thức ăn: 21, 23, 24, 25, 26, 27, 31; tổng số giới 11; chư Ni phạm 3. 12.
Tranh cãi: 17, 40, 61, 62, 64, 94, 146; tổng số: 8; chư Ni phạm 2. 13.
Chửi rủa: 88 và 89; tổng số 2, chư Ni phạm 2. 14.
Ngủ chung: 90 và 91; tổng số 2. 15.
Tắm rửa: 41, 72 và 101; tổng số 3.
16.
Bùa chú: 117, 118; tổng số 2. 17.
Nghề nghiệp: 169 và 170; tổng số: 2. 18.
Đóng cửa chùa: 162 và 163; tổng số: 2. 19.
Tranh luận hay bất hòa: 1, 2, 3, 7, 12, 13, 39, 50, 111; tổng số: 9. 20.
Ngủ chung phòng với cư sĩ: 4, 5, 116; tổng số: 3. 21.
Trú ngụ: 10, 11, 16, 19, 20, 173; tổng số: 6. 22.
Cách ứng xử trong nhà vợ chồng cư sĩ: 28, 29, 161; tổng số: 3. 23.
Cách ứng xử khi đặt câu hỏi: 92; tổng số: 1. 24.
Cách truyền đạt: 87; tổng số: 1. 25.
Chăm sóc Tỳ-kheo-ni bệnh: 93; tổng số 1. 26.
Vi phạm các thanh quy của tự viện: 59, 60, 171; tổng số: 3. 27.
Viếng thăm cung vua: 65, 100; tổng số: 2. 28.
Ăn tỏi: 70; tổng số: 1. 29.
Đi với cư sĩ: 113; tổng số 1. 30.
Ghanh ghét: 149; tổng số 1. 31.
Cách dạy dỗ của Thầy: 129; tổng số 1. 32.
Sử dụng giường ghế: 14, 15, 115; tổng số: 3. 33.
Sử dụng trường kỷ hoặc nệm: 18, 68, 69; tổng số: 3. 34.
Đi đến chỗ quân đội: 33, 34, 35; tổng số 3. 35.
Uống rượu: 36; tổng số 1. 36.
Đốt lửa: 42; tổng số: 1.
37.
Hại sinh vật: 46, 47; tổng số: 2 38.
Che dấu tội của người khác: 49; tổng số 1. 50.
Quan niệm sai: 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58; tổng số 7. 51.
Xử lý đồ quý: 66; tổng số: 1. 52.
Tuyên bố sai: 8; tổng số: 1. 53.
Tụng kinh với cư sĩ: 6; tổng số: 1. 54.
Thuốc men: 32; tổng số: 1. (Tôi
không nêu các giới 139, 174 và 175 trong bảng liệt kê trên vì các giới
này sẽ được phân tích chi tiết sau). Nhìn
chung, các điều luật trong phần Ba-dật-đề chúng ta thấy điểm nổi bật
là các điều luật được thêm vào cho Tỳ-kheo-ni liên hệ đến các vấn
đề: thọ giới, y phục, trang sức, các phẩm hạnh và trách nhiệm của người
thầy, các hành vi ứng xử với người
nam, thiếu nghiêm trang và các cách ứng xử công cộng, giáo giới trong
ngày bố-tát và an cư, du hành, cách đối xử với Tỳ-kheo, v.v… Nagata
Mizu nói rằng nhiều giới được thêm vào cho Tỳ-kheo-ni trong phần này
được gắn liền với phương diện lịch sử, tức là nơi ăn chốn ở của
Tỳ-kheo-ni trong thời của đức Phật. Vào lúc ấy, Tỳ-kheo-ni chủ yếu sống
trong làng mạc nông thôn, các Tỳ-kheo thì sống trong làng mạc hay trong rừng.
[34] Câu chuyện một vị Tỳ-kheo-ni trẻ bị một
người nam dụ dỗ và giới này được chế định có ghi lại trong Cullavagga (Tiểu Phẩm) thuộc hệ văn học Pāli như
sau: “Lúc bấy giờ chư Ni đang sống trong rừng; những người đàn ông du thủ du thực dụ dỗ chư Ni. Ðức
Thế Tôn biết được sự kiện này, Ngài dạy: Này các Tỳ-kheo, chư Ni không
được sống trong rừng. Người nào sống trong rừng phạm tội ác tác.” [35]
Susan
Murcott kể về một câu chuyện khác: “Một người đàn ông trẻ tên là
Ananda (ông không phải là Ānanda - người bà con và thị giả của đức Phật)
muốn Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc) làm bà con với ông. Ananda không muốn
cô xuất gia. Vào những năm đầu Uppalavaṇṇā mới thọ giới, Ananda thấy
cô sống một mình trong thất ở Andhavana. Một ngày kia trong khi cô ra
ngoài, ông đã lẻn vào và trốn dưới gầm giường. Khi cô trở về và nằm
trên gường, đột nhiên ông nhảy ra và hãm hiếp cô…Do sự kiện này, từ
lúc đó đến nay chư Ni cấm không được đi hoặc ở một mình như các
ẩn sĩ sống trong rừng.” [36] Sau
này các giới cấm sự du hành độc lập của chư Ni được chế định. Từ
đó chư Ni được thành lập sống thành cộng đồng chung với nhau trong làng
mạc hoặc ngoại ô. [37] Các
câu chuyện trong Bhikṣunī-vibhaṅga kể
lại tại sao các Tỳ-kheo-ni bị xem là yếu đuối và trở thành những nạn
nhân của sự cưỡng bức. Do đó, họ không được ở một mình trong rừng
hoặc an cư ở một trú xứ không có chư tăng. [38] Có
nhiều câu chuyện kể lại trong Luật Tạng chư Tỳ-kheo-ni bị người nam
cưỡng bức hoặc xâm phạm thân thể. Nhiều câu chuyện nói về sự cưỡng
bức của nam giới đối với Tỳ-kheo-ni đã xảy ra trong suốt thời đức
Phật. “…Lúc
bấy giờ một số vị Tăng và Ni đang đi trên đường từ Sāketa đến
Sāvatthī. Rồi chư Ni bạch với chư Tăng như vầy: “Chúng con sẽ đi theo
các Đại Đức.” Chư Tăng nói: “Này các Sư Cô không được phép đi
như vậy, hãy đi cùng đường với chư Ni. Hoặc là quý Sư Cô đi trước
hoặc là chúng tôi đi trước.” Chư Ni thưa, “Bạch chư Đại Đức, chư
Đại Đức là những người có đạo đức, xin
chư Đại Đức đi trước” rồi chư Ni đang đi sau thì bị bọn
cướp trên đường bắt hãm hiếp. [39] “…Rồi
các vị Ni ấy đi băng qua đường thì bị bọn cướp bắt hãm hiếm. [40] “…Rồi
chư Ni đi đến người chèo thuyền nói rằng: “Thưa ông, hãy đưa giúp
chúng tôi qua sông.” Người chèo thuyền nói rằng: “Thưa hai cô Ni, tôi
không thể đưa 2 cô đi cùng một lần.” Ông đã đưa một cô sang với
ông; cô sang sông với ông bị hãm hiếp, cô ở lại không bị hãm hiếp.”
[41] “Lúc
bấy giờ một số vị Ni đang đi trên đường đến Sāvathī ngang qua các
tiểu quốc thuộc Kośalā. Có một vị Ni nào đó muốn đi thoải mái, cô
đi lùi về phía sau một mình. Thấy cô đi một mình người ta đã hãm hiếp
cô.” [42] Gross
giải thích: “Lo ngại sự nguy hiểm của phụ nữ xuất gia dễ bị cưỡng
bức là vấn đề hiện thực, những câu chuyện hãm hiếp của nam giới đối
với chư Ni đã xảy ra, vì vậy các điều luật được chế định ra để
ngăn ngừa. Các giới này thường nghiêm khắc không cho phép phụ nữ du
hành và tu tập độc cư, cũng như ngày nay chúng ta thường ngăn chặn sự
cưỡng hiếp của nam giới đối với phụ nữ bằng cách khuyên phụ nữ
không nên ở nơi nguy hiểm trong những giờ không thích hợp. [43] Do
cộng đồng Ni đoàn sống những nơi làng mạc nông thôn, các lỗi lầm của
các Tỳ-kheo-ni rất dễ dàng bị mọi người
phát hiện. Theo Luật Tạng ghi lại, cư sĩ và ngoại đạo phê
bình chư Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni không có đức hạnh chẳng tiếc lời. Các
tin đồn và những sự buộc tội của mọi người đối với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni
đầy dẫy trong Luật Tạng. Như tôi đã nêu một số sự kiện ở trên,
điều sỉ nhục đắng cay phần lớn nhắm đến Tỳ-kheo-ni hơn là Tỳ-kheo.
Khi Tỳ-kheo-ni làm một việc gì đó sai sót, mọi người mắng chưởi Tỳ-kheo-ni
là “những con điếm trọc đầu.” Ngược lại khi Tỳ-kheo làm việc gì
sai, tôi chưa từng nghe người ta nói điều này như người ta thường xúc
phạm đến chư Ni, như dùng từ “trọc đầu, …”. Trong Tứ Phần Luật
tiếng Hoa chúng ta thấy nhiều lần người ta nhục mạ Tỳ-kheo-ni
là “gái điếm” hay “kẻ trộm.” [44] So sánh những lời phê
bình của mọi người đối với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, chúng ta thấy rằng
con người trong xã hội Ấn Độ cổ đại dễ phẫn nộ đối với việc làm
sai trái của Tỳ-kheo-ni hơn là các việc làm sai trái của Tỳ-kheo. Điều
này cũng nói lên rằng chính vì lý do này mà phải chế định nhiều giới
luật cho Tỳ-kheo-ni hơn Tỳ-kheo trong tụ Ba-dật-đề. Con người trong xã hội
lúc ấy bất đắc dĩ lắm mới cho phép phụ nữ từ bỏ đời sống gia đình
để tự do đi vào đời sống xuất gia. Nhiều giới được chế định ra
trong phần này vì chư Tỳ-kheo-ni đang sống trong hoàn cảnh xã hội như vậy. Sự
phân loại các giới Ba-dật-đề như bản liệt kê trên trình bày nhiều giới
liên hệ đến thọ giới cụ túc của phụ nữ. Trong Bhikṣunī-vibhaṅga không có chủ đề nào
chú trọng nhiều như chủ đề thọ cụ túc giới. Bà
Horner nói rằng: “Rất nhiều phụ nữ đã tổ chức quy củ lũ lượt gia
nhập Ni đoàn. Điều đó chúng ta có thể hiểu được vì thông thường họ bị xem là kém đạo đức
hơn chư Tăng, và do đó họ phải được trải qua sự thử thách nghiêm khắc
hơn để hạn chế những thành phần gia nhập Ni đoàn không phải vì mục
đích tu tập thật sự. [45] Trong
các giới liên hệ đến thọ giới của
phụ nữ, các giới 122 và 123 đặc biệt yêu cầu phụ nữ phải tuân thủ
6 giới tu tập buộc trải qua 2 năm.[46] Nagata Mizu cũng nói rằng
Thức-xoa-ma-na phải tuân giữ 6 giới tu tập trong 2 năm và có một số giới
nghiêm khắc hơn về việc thọ giới của phụ nữ, điều này nói lên rằng
đời sống phạm hạnh của Tỳ-kheo-ni có khó khăn hơn Tỳ-kheo.[47] Mặc
khác, bà Horner giải thích: “Một trong những lợi ích của 2 năm tu tập
cho phụ nữ là ngăn ngừa những thành phần tìm chỗ nương náu trong Ni đoàn,
chỉ vì để lẩn tránh hoàn cảnh quẫn bách không vừa ý hoặc có thể
tìm nơi trú ẩn trong hoàn cảnh bị khiêu khích hay bị sợ hãi. Điều này
cũng thường được đánh đồng với những người muốn phát tâm xuất
gia thật sự, cũng có nhiều trường hợp họ có thể không hoàn toàn
thích hợp với đời sống xuất gia. [48] Cá
nhân tôi cũng sống trong đời sống của một Tỳ-kheo-ni, tôi nghĩ rằng
điều kiện cần thiết buộc phải giữ 6 giới tu tập trong 2 năm cho một
Thức-xoa có liên hệ đến hoàn cảnh đặc biệt và tình trạng giáo dục
đối với phụ nữ. Ví dụ, khi người nữ vào chùa tập sự, có thể cô
không biết cô bị có thai. Cô có thể sinh con sau khi gần 1 năm đã vào
chùa. Sự kiện này đã xảy ra trong thời đức Phật, được ghi lại trong
Cullavagga (Tiểu Phẩm): “Lúc bấy giờ
có một phụ nữ xin xuất gia khi cô đã bị có thai, và sau khi xuất gia cô
mới sinh con.” [49] Các
giới 119 và 120 trong tụ Ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni kể lại khó khăn như
thế nào cho đời sống khất thực của Tỳ-kheo-ni có thai: “Bấy
giờ Ni đoàn cho thọ giới một phụ nữ đang mang thai. Cô đi khất thực,
mọi người nói rằng: “Hãy cho thức ăn cho cô đang mang nặng thai ngén.”
[50] “Bấy
giờ Ni đoàn cho thọ giới một phụ nữ có con nhỏ. Cô ấy đi khất thực,
mọi người nói rằng: “Hãy cho thức ăn cho cô có con nhỏ.” [51] Sư
Cô Lekshe Tsomo giải thích quá trình cần phải trải qua của một Thức-xoa-ma-na
giữ 6 giới trong 2 năm như sau: “Chúng ta nên hiểu lịch sử và lý do
phía sau việc thọ giới Thức-xoa-ma-na này. Trong thời đức Phật, một số
Ni trẻ lìa gia đình gia nhập vào đời sống Ni đoàn và thọ giới Tỳ-kheo-ni
liền. Điều này đã xảy ra một số vị đã bị có thai trước khi thọ
giới Tỳ-kheo-ni. Mặc dù phạm hạnh của họ hoàn toàn thanh tịnh sau khi họ
sống trong Ni đoàn, nhưng sau khi thọ giới họ mới biết mình có thai. Điều
này đã dẫn đến sự hiểu lầm của cộng đồng Phật tử cư sĩ, vì điều
đó không thích hợp cho đời sống độc cư của Tỳ-kheo-ni có thai. Do đó,
đức Phật quy định giai đoạn thời gian chờ đợi 2 năm để tránh đi những
sự hiểu lầm như vậy. Quy luật thọ giới Thức-xoa-ma-na không phải là
cách đối xử phân biệt mà đơn giản chỉ vì vấn đề thực tế.” [52] Ji-kwan
Lee xác nhận rõ ràng mục đích của việc tu tập tuân giữ 6 giới trong 2
năm cho Thức-xoa là để kiểm tra tình trạng có thai có thể xảy ra và khả
năng có thể sống một đời sống của Tỳ-kheo-ni hay không. Cũng có thể
mục đích chính của đức Phật quy định giữ 6 giới trong 2 năm trong giai
đoạn Thức-xoa-ma-na là để nâng cao đạo đức của phụ nữ nhờ sự giáo dục mạnh mẽ trước khi thọ
cụ túc giới. Chúng ta cũng nên chú ý rằng trong môi trường xã hội của
Ấn Độ cổ đại, phụ nữ ít được giáo dục hoặc không được giáo dục.
Ví dụ giới 36 Ba-dật-đề trong Luật Pāli ghi: “Lúc
bấy giờ Ni đoàn cho một phụ nữ lập gia đình đã 12 năm thọ giới cụ
túc nhưng không trải qua giai đoạn 2 năm tuân giữ 6 giới. Những người này
khờ khạo, không có kinh nghiệm, họ không biết những gì được cho phép
và những gì không được cho phép…Bất cứ Ni nào cho thọ giới một phụ
nữ lập gia đình đã 12 năm nhưng không trải qua giai đoạn 2 năm tuân giữ
6 giới, phạm tội Ba-dật-đề.[53] Khi
chúng ta suy xét đến vị trí thấp thỏi và kém giáo dục của phụ nữ thời
đó, chúng ta sẽ thấy sự tu tập 2 năm của một Thức-xoa để chuẩn bị
thọ giới cụ túc là điều hết sức thực tế. Nhóm
có nhiều giới đứng thứ nhì trong các giới của tụ Ba-dật-đề liên hệ
đến những chủ đề như y phục, trang điểm. Các điều luật trong nhóm
này hầu hết đề cập đến những vấn đề quan tâm đặc biệt của phái
nữ và cũng có lẽ đây là lý do tại sao mà các giới này trong Luật Tỳ-kheo
không có. Một số giới trong các nhóm này cấm những vấn đề nhỏ nhặt
đặc biệt dành cho phụ nữ, ví dụ như nói chuyện phiếm, mặc áo mỏng
hay áo lót. Nhóm
có nhiều giới thứ ba của các điều luật thêm vào cho Tỳ-kheo-ni liên hệ
đến phẩm hạnh và nhiệm vụ của một vị thầy, một người thầy phải
hết sức có trách nhiệm đối với đệ tử. Theo truyền thống, trong Tăng
đoàn, mỗi Sa-di và Thức-xoa phải theo sự dạy dỗ của thầy. Do đó, phẩm
hạnh và trách nhiệm cá nhân của vị thầy vô cùng quan trọng đối với
việc truyền giới cho đệ tử. Mối quan hệ thầy trò là người thầy phải
dạy cho đệ tử mình mọi phương diện mà người đệ tử cần biết. Đối
với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, các bổn phận và trách nhiệm của một vị thầy
đều cần thiết như nhau. “…Một
Tỳ-kheo-ni muốn thọ giới trước tiên phải tìm đến một vị thầy; thứ
hai là vị thầy đó phải thông thạo, có kinh nghiệm, người thầy đó phải
được trang bị đầy đủ. Vấn đề đối với các luật này dường như
có hai điều. Trước hết, người tập tu có thể nhận sự dạy dỗ quý
báu từ vị thầy có phẩm hạnh tốt trong thời gian 2 năm tập sự của cô.”
[54] Các
giới thêm vào của Tỳ-kheo-ni đề cập các phẩm hạnh và trách nhiệm của
một vị thầy có thể là một kết quả của việc giáo dục khó khăn cho
người nữ. Ví dụ như một số giới trong nhóm này nêu ra rằng: “Lúc bấy
giờ chư Ni trong thời gian 2 năm tu tập không đến thăm thầy. Những vị này
khờ khạo, không có kinh nghiệm, không biết những gì cho phép và những
gì không cho phép…Chư Ni nào trong 2 năm không đến thăm thầy thì phạm tội
phải sám-hối.” [55] “Lúc
bấy giờ có các vị Ni chưa được 12 hạ. Họ khờ khạo, không có kinh
nghiệm, không biết những gì cho phép và những gì không cho phép…hơn nữa
người ở chung phòng với những vị ấy cũng khờ khạo, không có kinh nghiệm
không biết những gì cho phép và những gì không cho phép…Chư Ni nào chưa
được 12 tuổi hạ truyền giới cho
người
khác phạm tội phải sám-hối.” [56] Các
điều luật này ngụ ý nói rằng đức Phật đã cố gắng giáo dục để
nâng cao địa vị phụ nữ, và chỉ cho phụ nữ nhận thức khả năng của
họ trong một xã hội mà họ bị đàn áp. Nhóm
có nhiều giới thứ tư trong các giới thêm vào cho Tỳ-kheo-ni quy định về
các cư xử đứng đắn đối với người nam, cách ứng xử sao cho thích hợp
và có hạnh kiểm. Như tôi đã nêu ở trước, các giới này đề cập chủ
yếu đến sự xoi mói của mọi người đối với đời sống thường nhật
của Tỳ-kheo-ni. Vì trong hoàn cảnh sống của Tỳ-kheo-ni, họ phải cảnh
giác về sự chú ý của mọi người
và đòi hỏi họ phải lưu tâm hơn các Tỳ-kheo đối với những sự chú
ý như vậy trong đời sống thường nhật. Nói cách khác, Tỳ-kheo-ni luôn bị
mọi người dòm ngó. Nhóm
nhiều giới thứ năm trong phần Ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni liên hệ đến
việc giáo giới trong ngày bố-tát và an cư. Hai giới (140 và 141) đề cập
lời giáo giới trong ngày bố-tát. Ba giới
(142,
143 và 164) đề cập an cư. Ba giới (141, 142 và 143) giống như các điều luật
(6, 7 và 8) trong Bát Kính Pháp của Tứ Phần Luật tiếng Hoa. Đặc biệt 4 giới (140, 141, 142
và 143) đã làm cho nhiều người nghĩ rằng Ni đoàn dưới quyền điều khiển
của Tăng đoàn. Tuy
nhiên bà Kabilsingh giải thích: “Khi Ni đoàn phát triển lớn mạnh, họ
không thể nhận lời dạy trực tiếp
từ chính đức Phật. Do đó, chư Tỳ-kheo-ni được phép thọ học từ các
Tỳ-kheo, nhưng không phải tất cả các Tỳ-kheo đều giáo giới cho Tỳ-kheo-ni,
vì vậy giới 21 trong tụ Ba-dật-đề của Tỳ-kheo được chế định. Luật
Tạng giải thích thêm, một Tỳ-kheo giáo giới cho Tỳ-kheo-ni phải được
Tăng đoàn chấp thuận, phải đủ 20 tuổi hạ, và phải có 8 đức hạnh. [57] Bà
Horner cũng nói: “ Việc giáo giới Tỳ-kheo-ni không được uỷ nhiệm cho một
vị Tỳ-kheo không được Tăng đề cử chính thức. Tám đức hạnh cần có
của một vị Tỳ-kheo giáo giới cho Tỳ-kheo-ni
…Như vậy dường như vị Tỳ-kheo ấy phải là người có tiếng tốt, có
phẩm hạnh đạo đức cao viễn; và không còn phạm những lỗi nhỏ nhặt.
Ðiều luật này phản ảnh uy tín của đức Phật và đó cũng là một điển
hình cho mối quan tâm sâu sắc của đức Phật đối với các lợi ích cho
nữ giới [58] Khi
chúng ta xem nội dung của các giới 140,141 và 142 của Tỳ-kheo-ni, chúng ta
thấy vị trí của Tỳ-kheo là thầy hay người cố vấn cho Tỳ-kheo-ni. Sự
thật, các giới 21 và 22 trong tụ Ba-dật-đề của Tỳ-kheo đặc biệt mô
tả các Tỳ-kheo có phẩm hạnh như các bậc thầy hay người cố vấn. Ngược
lại, giới 172 của Tỳ-kheo-ni trong Ba-dật-đề cho chúng ta thấy một vị
Tỳ-kheo không được Tăng đoàn đề cử giáo giới bị Tỳ-kheo-ni chế nhạo
và cảm thấy bị xấu hổ khi vị ấy trả lời không đúng những câu hỏi
của vị Tỳ-kheo-ni thông thái đã đặt ra. Nancy
Auer Falk diễn tả tổng quát các điều luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni như
sau: “Trong hầu hết các phương diện, luật đuợc áp dụng cho chư Tăng và
chư Ni hết sức công bằng. Trước
khi cuộc sống định cư ở các tu viện được thành lập, chư Tăng và chư
Ni có đời sống du phương giống nhau, thoát ra ngoài sự trói buộc và
công việc của gia đình, điều này đã cho phép người nam hoặc người nữ
trong thời Ấn Độ cổ đại có nhiều cơ hội để theo đuổi nghiêm túc
sự rèn luyện tâm linh. Cả chư Tăng và chư Ni mỗi ngày đều đi khất thực,
họ tổ chức hội họp, Bố-tát nghiêm túc nửa tháng một lần để đọc
Giới Bổn. Chư Tăng và chư Ni đều giống nhau, cả hai đều cạo đầu,
đều mặc y vá, nhuộm màu đất, choàng phủ khắp thân nhưng chừa vai mặt.[59] Wijayaratna
cũng giải thích về Ni đoàn: “Tổ chức của Ni đoàn đi song song với tổ
chức của Tăng đoàn. Giống như chư Tăng, chư Ni có Giới Bổn riêng,
các pháp yết-ma (vinaya-karma, saṅgha-karma)
như nhau, và họ cũng có 2 lần làm lễ, đó là lễ xuất gia (pabbajja) và lễ thọ cụ túc giới (upasampadā). Sau khi thọ cụ túc giới 10 năm,
họ được gọi là Trưởng Lão Ni (Therī).
Chư Ni tổ chức đời sống cộng đồng của họ một cách độc lập và
theo bộ luật riêng của họ, nhưng phải nhờ sự hỗ trợ và cố vấn của
chư Tăng. Chư Tăng có quyền cố vấn chư Ni chứ không có quyền kiềm chế
họ.” [60] Jampa
Tsedroen đưa ra một lý do nữa tại sao Tỳ-kheo có quyền cố vấn Tỳ-kheo-ni
như vầy: “Đức Phật đưa ra những quy luật để bảo vệ cho Ni đoàn
tránh đi những công kích bên ngoài. Ngài dạy chư Ni phải giữ mối liên hệ
đều đặn với chư Tăng, giúp cho chư Ni có kiến thức thực tiễn và nhờ
những lời khuyên đó chư Ni có niềm vui trong tình huynh đệ”. [61] Một
số giới trong nhóm thứ sáu của Tỳ-kheo-ni nêu ra việc đề phòng chư Tỳ-kheo-ni
du hành ở những nơi nguy hiểm. Như tôi đã bàn thảo ở trước, nhiều câu
chuyện Tỳ-kheo-ni bị hãm hiếp và xảy ra trộm cướp của Tỳ-kheo hay nam
cư sĩ trong Luật. Điều này nói lên rằng xã hội thời đức Phật không
được an toàn đối với việc du hành của phụ nữ. “Bấy
giờ một số vị Tăng đang đi trên đường từ Sāketa đến Sāvathī. Giữa
đường bọn cướp xuất hiện ở trước cướp bóc các vị Tăng này.” [62] “…Sau
khi chuẩn bị những đồ dự trữ để lên đường, rồi cư sĩ ấy đang
đi đến đoạn cuối đường, bọn cướp đến cướp đoạt.” [63] “Lúc
bấy giờ chư Ni đang đi khất thực trong vùng, có nguy hiểm, trận chiến,
chư Ni không có vũ khí tự vệ. Những người đàn ông ác tâm đã tấn công chư Ni.” [64] “Lúc
bấy giờ chư Ni đi khất thực ngoài vùng của họ đang ở có nguy hiểm,
trận chiến, chư Ni không có vũ khí tự vệ. Những người đàn ông ác
tâm đã tấn công chư Ni.” [65] Khi
đọc các câu chuyện trên trong Luật Tạng, chúng ta thấy một số điều
luật trong nhóm thứ sáu chỉ ra công việc phải tự vệ của chính các Tỳ-kheo-ni
và mối quan tâm lo lắng của đức Phật đối với đệ tử nữ của Ngài. Nhóm
lớn thứ bảy của các giới thêm vào cho Tỳ-kheo-ni trình bày cách đối xử
với chư Tỳ-kheo. Giới 75 ngăn chặn Tỳ-kheo-ni phục vụ nước hoặc quạt
cho Tỳ-kheo đang dùng cơm. Giới 144 đề cập cung cách đứng đắn của Tỳ-kheo-ni
vào chùa chư Tăng. Giới 145 nội dung giống như điều thứ hai trong Bát
Kính Pháp. Giới này sẽ được bàn thảo sau chi tiết hơn. Vì
cách sống đặc biệt của Tỳ-kheo-ni, và đặc biệt hơn, vào giai đoạn
nhị bộ Tăng phát triển, buộc chư Tỳ-kheo cũng có những giới đặc biệt
dành riêng cho họ. Các giới được liệt kê dưới đây trình bày 20 giới trong tụ Ba-dật-đề dành riêng cho Tỳ-kheo: Số
La-tinh chỉ cho trật tự của giới Tỳ-kheo, kế đến là nội dung căn bản
của giới Tỳ-kheo [66]: 21.
Cấm giáo giới cho chư Ni mà không có Tăng sai. 22.
Cấm giáo giới cho chư Ni sau khi mặt trời lặn, dù có Tăng sai. 23.
Cấm nói với chư Ni “chư Tăng thuyết pháp chỉ vì lợi dưỡng.” 24.
Cấm trao y phục cho một vị Ni không quen biết, trừ khi đổi. 25.
Cấm may y cho một vị Ni không quen biết. 26.
Cấm ngồi với một vị Ni chỗ kín hoặc che khuất. 27.
Cấm hẹn hò cùng đi với một Tỳ-kheo-ni đến một ngôi làng khác, trừ
khi buộc phải đi. 28.
Cấm hẹn hò đi cùng thuyền xuôi dòng hoặc ngược dòng với một Tỳ-kheo-ni,
trừ khi ngang qua. 29.
Cấm sai Tỳ-kheo-ni nấu thức ăn cho mình. 30.
Cấm hẹn hò cùng đi với một phụ nữ. 32.
Cấm ăn hai lần trong cùng một ngôi làng. 35.
Cấm ăn đã đủ mà còn để dành lại. 36.
Cấm cố ý mời một vị Tăng đã ăn no rồi ăn nữa. 40.
Cấm đòi hỏi thức ăn ngon như sữa, sữa chua, cá thịt, trừ khi bệnh. [67] 41.
Cấm tự tay cho thức ăn cho nam hoặc nữ ngoại đạo. 64.
Cấm che dấu tội nặng của Tỳ-kheo. 86.
Cấm làm hộp đựng kim bằng xương, ngà hoặc sừng. 87.
Cấm may toạ cụ rộng quá thước; chiều dài chỉ bằng 2 gang tay của đức
Thế Tôn, [68]
rộng bằng một gang rưỡi đức Thế Tôn. 88.
Cấm có vải che ghẻ quá thước tấc; chiều
dài chỉ được bằng 2 gang của
đức
Thế Tôn, rộng bằng 4 gang tay của đức Thế Tôn. 90.
Cấm
may y phục có kích thước bằng với y phục của đức Phật. Từ
bảng liệt kê trên chúng ta thấy 20 giới của Tỳ-kheo khác với các giới
của Tỳ-kheo-ni, giới (30) liên hệ với phụ nữ; 5 giới (32, 35, 36, 40 và
41) liên hệ đến thức ăn; 4 giới (86, 87, 88 và 90) đề cập về y phục;
giới 64 nói về việc che dấu tội nặng của người khác; 9 giới (21 - 29)
đề cập về các quan hệ với Tỳ-kheo-ni. Giới 64 liên hệ đến sự che dấu
tội nặng của Tỳ-kheo khác, bản thân tội này là tội nặng nhất được
phân loại trong cả hai tụ Ba-la-di hoặc Tăng-già-bà-thi-sa. [69]
Ngược lại, giới thứ 7 trong
tụ
Ba-la-di của Tỳ-kheo-ni lại tương đương với giới 64 của Tỳ-kheo. Giới
này nếu Tăng phạm thì phạm ba-dật-đề, trong khi đó Tỳ-kheo-ni phạm
thì thuộc tội Ba-la-di. [70] Một
số giới Ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni được chế định thêm vào sau này.
“Chúng ta cũng thấy số lượng các giới trong Giới Bổn Ni nhiều hơn so với Giới Bổn Tăng,
nhiều giới được chế định thêm vào đặc biệt cho chư Ni.” [71]
Giới 174 của Tỳ-kheo-ni có thể được chế định thêm sau này, vì giới
này không có trong Giới Bổn Ni (Bhikṣunī
Prātimokṣa) thuộc văn học Pāli,
và nó cũng đề cập đến sự thờ cúng chùa tháp. Kabilsingh nói, Luật của
Pháp Tạng Bộ có nhóm giới đặc biệt liên hệ đến sự thờ cúng chùa
tháp. Có thể những giới thờ cúng chùa tháp này được phát triển ở
Trung Hoa - nơi Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) được thịnh hành.[72]
Giới 139 tôi cũng không thấy trong Giới Bổn Ni (Bhikṣunī Prātimokṣa) thuộc văn học Pāli. Tuy nhiên, Tiểu
Phẩm (Cullavagga) thuộc văn học Pāli có
nói người muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni thì phải được Ni đoàn truyền giới
trước, và sau đó sang Tăng đoàn làm lễ thọ giới. [73]
Giới 175 cũng có thể được thêm vào sau này, vì giới này không thấy có trong Luật Pāli mà
lại có trong Tứ Phần Luật. Điều này
sẽ được bàn thảo sau trong phần Bát Kính Pháp. Ðối
chiếu số lượng các giới trong tụ Ba-dật-đề của Giới Bổn Ni giữa
Tứ Phần Luật
và Luật Pāli, chúng ta thấy
Giới Bổn Ni của Tứ Phần Luật
hơn 12 giới, trong khi đó số lượng giới Ba-dật-đề của Tỳ-kheo
trong Tứ Phần Luật giảm xuống 2 giới. Vì hiện nay tài
liệu quá ít cho nên chúng ta không thể xác nhận được những giới nào
được thêm vào sau này. Ví dụ, một trong hai giới 162 và 163 của Tỳ-kheo-ni
trong tụ này, tôi nghĩ rằng nó có thể được chế định thêm sau này vì
nội dung của nó bị lập lại. Khảo
sát các giới Ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni cho chúng ta thấy rằng các giới
này giúp cho các Tỳ-kheo-ni phải chú tâm đến cách ứng xử hằng ngày của
họ. Nhiều giới của Tỳ-kheo-ni cũng đề cập đặc biệt đến các vấn
đề của nữ giới. Số lượng giới liên hệ đến vấn đề thọ giới của
phụ nữ là nhiều nhất, do đó chúng ta có thể hiểu rằng qua việc giáo
dục, đức Phật đã cố gắng nâng đỡ vị trí của nữ giới và giúp họ
phát triển khả năng của chính mình. Ðiều này được thể hiện trong các
giới được chế định về phẩm hạnh và trách nhiệm của một vị Thầy,
và thể hiện trong giới quy định cho một phụ nữ thọ giới. Các giới của
Tỳ-kheo-ni lien quan đến vấn đề giáo giới, một số giới quy định nghiêm
túc về phẩm hạnh của vị Tỳ-kheo phải có, vì các vị ấy là bậc thầy,
bậc cố vấn cho Tỳ-kheo-ni. Điều này cũng nói lên rằng đức Phật đã
hết sức quan tâm đến vấn đề giáo dục cho phụ nữ. Chúng ta cũng thấy
rằng nhiều giới thêm vào cho Tỳ-kheo-ni trong tụ này được chế định
theo tình huống và bối cảnh xã hội trong thời Ấn Độ cổ đại.
[1] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 634. [2]Ji-kwan Lee, Biguni kyeyul yon'gu (A Study on the Chinese Bhikṣuṇī- Sse fen lu) (Seoul: Taegakhoe Ch'ulpanbu, 1982), p. 220. [3]Sacred Buddhist Books. Tập XI, p. xxv. [4] Kabilsingh, p. 91. [5] Wijayaratna, p. 142. [6] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 1056. [7] Sách đã dẫn, pp. 734-778, 1034-1038. [8] Sách đã dẫn, pp. 634-695. 1018-1020. [9] Tứ Phần Luật không giải thích về “một người chưa thọ giới cụ túc” là người như thế nào, nhưng Luật Pāli (Sacred Buddhist Books. Tập XI, p. 190) giải thích rằng người chưa thọ giới cụ túc là “những người không tôn kính, không kính trọng Tỳ-kheo [hay Tỳ-kheo-ni]. [10] Đúng lúc (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 658) là: lúc đau, lúc may y, lúc dâng y, lúc đi trên đường, lúc đi trên thuyền. [11] Sái thời (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 662) là từ lúc sau bữa trưa đến sáng sớm trước khi mặt trời lặn. [12] Ðại Chánh Tạng đề cập không những đến thức ăn mà còn cả đến thuốc nữa (bất thọ thực cập dược giả khẩu trung). (chú thích của người dịch). [13] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỷ-kheo-ni thực, gia trung hữu bảo, cung an toạ giả, Ba-dật-đề”, nghĩa là nếu Tỷ-kheo-ni ăn rồi ngồi trong nhà có đồ báu, phạm Ba-dật-đề. Nhưng đoạn trên tác giả lại dịch sang tiếng Anh là “Not to sit down in a lay person’s house with a wife and husband” nghĩa là cấm ngồi trong nhà với vợ hoặc chồng của một gia chủ (chú thích của người dịch). [14] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỳ-kheo-ni thực, gia trung hữu bảo, cung an toạ giả, Ba-dật-đề” nghĩa là nếu có Tỷ-kheo-ni ăn trong nhà có của báu mà ngồi nán lâu thì phạm Ba-dật-đề. Trong bản tiếng Anh dịch là “Not to sit down in a private with a couple”, nghĩa là cấm ngồi ăn chỗ kín với vợ chồng” (chú thích của người dịch). [15] Ðại Chánh Tạng ghi là “lộ địa” nghĩa là chỗ trống trãi, chứ không phải chỗ riêng hoặc chỗ kín như trong bản tiếng Anh dịch là “private place” nghĩa là chỗ riêng hoặc chỗ che khuất (chú thích của người dịch). [16] Đúng lúc (Ðại Chánh Tạng, Tập XX, p. 675) nghĩa là lúc trời nóng, lúc bệnh, lúc có gió mưa, đang đi trên đường. [17] Một vị Thức-xoa-ma-na thọ 6 giới, chuẩn bị thọ giới cụ túc (chú thích của tác giả). Người dịch đối chiếu với Ðại Chánh Tạng ghi là “Sa-di-ni” chứ không phải “Thức-xoa-ma-na” như bản dịch của tác giả (chú thích của người dịch). [18] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỷ-kheo-ni dữ dục cánh, hậu tiện há giả, ba-dật-đề. Nhược Tỷ-kheo-ni, Tỷ-kheo-ni cộng đấu tranh, hậu thính thử ngữ dĩ, dục hướng bỉ thuyết, ba-dật-đề” nghĩa là: nếu Tỷ-kheo-ni đã nhận dục rồi, sau lại mắng chửi, phạm ba-dật-đề. Nếu các Tỷ-kheo-ni gây gổ lẫn nhau rồi lại nhận dục của người đó, phạm ba-dật-đề. Một điểm cần lưu ý khác là trật tự của các giới trong bản dịch tiếng Anh và nguyên tác trong Ðại Tạng không ăn khớp từ giới này, dẫn đến các giới sau cũng không tương ứng (chú thích của người dịch). [19] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỳ-kheo-ni sân nhuế cố bất hỷ, đả bỉ Tỳ-kheo-ni giả, ba dật-đề” nghĩa là nếu một vì Tỳ-kheo-ni vì sân giận, không vui mà đánh một vì Tỳ-kheo-ni khác phạm ba-dật-đề (chú thích của người dịch). [20] Tác giả dịch sang tiếng Anh như sau: Not to make the legs of a chair larger than the eight fingers breath. Nếu dịch sát câu trên là: không được làm các chân ghế rộng hơn 8 ngón tay. Chúng tôi đối chiếu với bản Ðại Chánh Tạng, câu này được viết: “Nhược Tỷ-kheo-ni tác thằng sàng nhược mộc sàng túc ưng cao Phật bát chỉ, trừ nhập bệ khổng thượng, nhược tiệt cánh quá giả, ba-dật-đề. Câu trên có nghĩa là: Nếu Tỳ-kheo-ni làm giường dây, hoặc giường gỗ, chân giường không cao quá tám ngón tay của Phật, đã trừ lỗ mộng để ráp trở lên, nếu quá tiêu chuẩn trên thì phạm tội Ba-dật đề, phải cắt bỏ. [21] Mùa an cư chấm dứt sau 3 tháng, và bắt đầu sau ngày rằm tháng 6 hoặc 7 âm lịch. Xem thêm chi tiết Upasak, pp. 198-199. [22] (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 749) ghi khổ của khăn tắm chiều dài 6 gang tay đức Phật, rộng bằng 2 gang rưỡi tay đức Phật. [23] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỷ-kheo-ni phùng tăng-già-lê quá ngũ nhật, trừ nan sự khởi, ba-dật-đề” nghĩa là nếu một Tỷ-kheo-ni may y Tăng-già-lê quá năm ngày thì phạm tội ba-dật-đề, trừ khi có vấn đề khó khăn phát sinh. [24] Sáu giới của Thức-xoa-ma-na (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 756.1432.1048): (1) Cấm dâm dục. (2) Cấm trộm cắp. (3) Cấm sát sanh. (4) Cấm nói láo. (5) Cấm ăn sái giờ. (6) Cấm uống rượu. [25]
Nội dung giới này không có trong Ðại Chánh Tạng. Ðại Chánh Tạng
ghi: “Nhược Tỷ-kheo-ni tri như thị nhân, dữ thọ cụ túc giới giả,
ba-dật-đề” nghĩa là nếu Tỷ-kheo-ni biết người ấy như vậy mà cho thọ
giới cụ túc thì phạm ba-dật-đề. Người dịch nghĩ rằng, “người
như vậy”, ở đây muốn chỉ trường hợp của giới 126, nghĩa là cấm cho thọ cụ túc giới
đối với một phụ nữ đã cưới gả được 12 năm, trải qua 2 năm tu tập Thức-xoa, nhưng không được Tăng
đoàn đồng ý (chú thích của người dịch). [26] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỷ-kheo-ni tri nữ nhân dữ đồng nam, nam tử tương kính ái sầu ưu sân nhuế nữ nhân, độ linh xuất gia thọ cụ túc giới giả, ba-dật-đề”; nghĩa là nếu Tỷ-kheo-ni biết người nữ ấy cùng với thiếu niên, thanh niên yêu thương, quý trọng lẫn nhau mà sanh sầu bi khổ não mà độ cho người ấy xuất gia, thọ cụ túc giới thì phạm ba-dật-đề (chú thích của người dịch). [27] Ðại Chánh Tạng ghi: “Nhược Tỳ-kheo-ni bất mãn nhất tuế, thọ nhân cụ túc giới giả, ba-dật-đề” nghĩa là: nếu Tỳ-kheo-ni chưa đủ một năm mà truyền giới cụ túc cho người thì phạm Ba-dật-đề. Tác giả dịch sang tiếng Anh như sau: “Not to ordain two Śīkṣamāṇas in the same year as a preceptor” nghĩa là không được truyền giới cụ túc cho hai Thức-xoa-ma-na trong cùng một năm (chú thích của người dịch). [28] Ngày tụng giới (Uposatha) vào ngày cuối tháng và 14 hoặc 15 của tháng âm lịch. Nghi thức chính trong ngày lễ là tụng Giới Bổn (prātimokṣa). Tất cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phải có mặt trong ngày lễ này. Trong lúc đọc Giới Bổn, mỗi Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phải tự mình thú tội. Theo Wijaratna, (p. 136), lễ tụng giới của Tỳ-kheo-ni được tổ chức trong giảng đường, nơi đó họ được tôn xưng là “Thánh Ni (Pāli: Arya).” [29] Sa-di là “chú tiểu” hay còn gọi là “điệu”. Ðây là thứ lớp thứ nhất trong ba thứ lớp trong Ni đoàn. [30] Trong nguyên tác tiếng Anh, tác giả viết: Observe the rainy season retreats which come twice a year except in case of illness; nghĩa là “Phải tuân thủ vũ an cư 2 lần trong một năm, ngoại trừ khi bệnh”. Câu này dễ làm cho độc giả hiểu lầm là một năm có hai lần an cư (chú thích của người dịch). [31] Chướng nạn hay còn gọi là “già-nạn”. Nếu một vị ni mắc vào một trong 24 già nạn thì không được thọ đại giới. Xem chi tiết trong Sacred Buddhist Books. Tập XX, pp. 375-379 hoặc bản dịch của Bà Horner, pp. 145-154. Các già-nạn không được thọ giới cụ túc của Tỳ-kheo, xem thêm tác phẩm của bà Wijayaratna, p. 120. [32] Trong nguyên tác tiếng Anh, tác giả chỉ dùng lối khuyên “hãy” (Greet….) chứ không dùng cách thức bắt buộc “not to…” (chú thích của người dịch). [33] Jung Hee Kang, "The Buddhist View of Women: Women's Education Manifested in Bhik.su.nii-Vinaya "(Luận án Cao học) (Seoul: Tongguk University, 1983), pp. 48-9. Tôi có tham khảo phần khái quát của Kang về các giới thuộc Ba-dật-đề nhưng tôi rút ngắn phần phân loại khác về các tội. [34] Mizu, p. 709. [35] Sacred Buddhist Books. Tập XX, p. 385. [36]Murcott, p. 67. [37] Sách đã dẫn, p. 4. [38] Kabilsingh, p. 106. [39] Sacred Buddhist Books. Tập XI, p. 289; hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 652-653. [40] Sách đã dẫn. Tập XI, p. 293; hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 652 [41] Sách đã dẫn. Tập XIII, p. 187; hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 720 [42] Sách đã dẫn. Tập XIII, p. 189. [43] Gross, p. 36. [44] Có 33 lần, 25 lần trong phần Ba-dật-đề và 8 lần trong Ba-dật-đề-đề-xá-ni của Tỳ-kheo-ni. [45] Sacred Buddhist Books. Tập XX, p. xiv. [46] Mặc dù không có thời gian cố định cho các tập sự nam, nhưng họ phải hoàn thành một số giai đoạn tu tập trước khi thọ cụ túc giới (Tỳ-kheo). Wijayaratna (p.120) giải thích: “Theo các giới này, người tập sự phải trải qua thời gian chuẩn bị và được dạy dỗ theo sự hướng dẫn của vị Thầy. Giai đoạn tu tập này được thực hiện khoảng trước lúc thọ cụ túc giới hoặc thời gian khoảng giữa thọ sa-di và cụ túc. Sa-di phải đợi đến khi đủ 20 tuổi mới được thọ cụ túc giới. [47] Mizu, p. 707. [48] I. B. Horner, Women Under Primitive Buddhism, p. 251. [49] Sacred Buddhist Books. Tập XX, p. 385. [50] Sách đã dẫn, Tập XIII, p. 361, hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 754-755. [51] Sách đã dẫn, p. 363, hoặc cùng trang và Sách đã dẫn. [52] Karma Lekshe Tsomo, "Prospects for an International Bhikṣuṇī Saṅgha," in Sakyadhītā: Daughters of the Buddha, ed. Karma Lekshe Tsomo (Ithaca, New York: Snow Lion Publications, 1988), pp. 237-8. [53] Sacred Buddhist Books. Tập XIII, p. 371. [54] I. B. Horner, Women Under Primitive Buddhism, p. 141. [55] Sacred Buddhist Books. Tập XIII, p. 377, hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 761-762. [56] Sách đã dẫn, p.377, hoặc Sách đã dẫn, 761-762. [57] Kabilsingh, p. 103. Tám đức hạnh (Sacred Buddhist Books. Tập XI, pp. 265-266, hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p.646): một người có đức hạnh, có đời sống giới luật tinh nghiêm, có tư cách và ứng xử đúng pháp, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, tu tập đúng theo các điều luật, tinh thông, có trí nhớ siêu việt, có kiến thức rộng. [58] I. B. Horner, Women Under Primitive Buddhism, p. 127. [59] Nancy Auer Falk, "The Case of Vanishing Nuns: The Fruits of Ambivalence in Ancient Indian Buddhism," in Unspoken Worlds, ed. Nancy Auer Falk and Rita M. Gross (Belmont: Wadsworth Publishing Company, 1989), 159. [60] Wijayaratna, pp. 161-162. [61] Jampa Tsedroen, "The Significance of the Conference," in Sakyadhītā: Daughters of the Buddha (Ithaca, New York: Snow Lion Publications, 1988), p. 48. [62] Sacred Buddhist Books. Tập XI, p. 45. [63] Sách đã dẫn, p. 323. [64] Sách đã dẫn, Vol. XIII, p. 317. [65] Sách đã dẫn, p. 319. [66] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 647-695, 1018-1020. [67] Giới này giống như giới thứ 8 của Tỳ-kheo-ni trong phần Ba-dật-đề-đề-xá-ni. Luật Pāli (Sacred Buddhist Books. Tập XI, p. 341) ghi rõ 8 loại thức ăn: ghee, chesse (làm từ sữa), dầu, mật, đường, thịt, sữa và sữa chua. [68] Nguyên tác bản tiếng Anh, tác giả đã dùng từ Sugata (chú thích của người dịch). [69] Đại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 678-679. [70] Sách đã dẫn, pp. 716-717. [71] Prebish, p. 17. [72] Kabilsingh, pp. 152-4. [73] Sacred Buddhist Books. Tập XX, pp. 378-379. Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Lời người dịch |
[ Trở Về ] |