Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ NỮ GIỚI –
SO SÁNH LUẬT TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI  DỰA TRÊN GIỚI BỔN TIẾNG HOA
Nguyên tác: Tỳ-kheo-ni In Young Chung
Thích nữ Liên Hiếu dịch

Phần III:  Bất   Ðịnh Pháp (Aniyata dharmā)

******

Tụ thứ ba của Giới Bổn Tỳ-kheo là Bất Ðịnh Pháp (S. aniyata; P. aniyatā)  tụ này không có trong Giới Bổn Tỳ-kheo-ni. Bất Ðịnh Pháp được định nghĩa như vầy: “Vì bản chất của tội chưa được xác định, nên tụ  này của Giới Bổn được gọi là Bất Ðịnh Pháp, tức là “sẽ được xác định.” [1] Charles S. Prebish nói: “Các tội trong tụ này được xem là những tội chưa xác định.” [2] Aniyata dharmā được dịch sanh tiếng Hoa là pu ting fa (Bất Ðịnh Pháp) [3] nghĩa là không rõ ràng hay chưa xác định. Hai giới Bất Ðịnh này chỉ áp dụng cho Tỳ-kheo, điều này làm cho chúng ta phải ngạc nhiên và nhận thấy mức độ tin cậy đối với phụ nữ để xác chứng về một vị Tỳ-kheo phạm một trong hai giới Bất Ðịnh. Bất Ðịnh Pháp được trình bày như dưới đây:

Người dịch tạm mặc ước hai giới Bất Ðịnh của Tỳ-kheo như sau: thứ nhất là trật tự của giới, thứ hai là nội dung của giới [4].

1. Cấm ngồi với phụ nữ chỗ kín, chỗ che khuất, thích hợp cho quan hệ tình dục.

2. Cấm ngồi với người nữ chỗ trống trải hoặc chỗ che khuất, không thích hợp với quan hệ tình dục.

Tôi bàn về hai giới này của Tỳ-kheo có lẽ là không thích hợp lắm. Tuy nhiên, chúng cũng cho chúng ta thấy quan điểm Phật giáo đối với phụ nữ. Như Prebish chỉ ra, “Hai tội trong phần Bất Ðịnh Pháp phản ảnh một mức nào đó về lòng tin tưởng đối với nữ cư sĩ Phật tử làm cho chúng ta phải ngạc nhiên.” [5] Nếu một vị Tỳ-kheo ngồi chung với phụ nữ chỗ kín thích hợp có khả năng liên hệ đến tình dục hoặc ngồi ở chỗ trống trải không thích hợp để sinh lòng tham dục, thì vị Tỳ-kheo ấy có thể phạm một trong những tội trong các tụ Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa hoặc Ba-dật-đề tuỳ theo lời khai của nữ cư sĩ. [6] Điều đáng chú ý ở đây là lời nói của phụ nữ được đánh giá cao như vậy, và thật là lạ lùng khi vị trí của phụ nữ vào thời đó rất thấp mà giới luật lại quy định như vậy. Các hình phạt cho hai tội của Bất Ðịnh Pháp này giành cho Tỳ-kheo lại đặt niềm tin vào nữ giới, mà lại không áp dụng cho chư Ni.

Bà Hornor nói: “Hai giới Bất Ðịnh này cho chúng ta thấy sự  tôn trọng và lòng tin tưởng đối với phụ nữ vào thời đó. Họ không bị khinh bỉ, gạt qua một bên như đồ ngồi lê đôi mách  hoặc như người ba hoa vô tích sự, mà lời nói của họ  được xem là quan trọng.” [7]

 

[1] C. S. Upasak, Dictionary of Early Buddhist Monastic Terms (Varanasi: Bharati Prakashan, 1975), p. 14.

[2] Charles S. Prebish, Buddhist Monastic Discipline: The Sanskrit Prāṭimokṣa Sūtras of the Mahāsāṃghikas and Mūlasarvāstivādins (New York: The Pennsylvania State University Press, 1975), p. 13.

[3] Ðại Chánh Tạng, Tập XII, pp. 600-601.

[4] Sách đã dẫn, pp. 600-601, 1017.

[5] Prebish, p. 13.

[6] Ðại Chánh Tạng, Tập XII, p. 1017.

[7] Sacred Buddhist Books. Tập X, p. xxxiii.


Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Lời người dịch 

[ Trở Về ]