Phần
II: Tăng-già-bà-thi-sa (Saṃghāvaśeṣa
dharmā)
****** Nhóm giới
quan trọng thứ hai trong Giới Bổn là Tăng-già-bà-thi-sa (P. Saṅghadisesa). Nghĩa của thuật ngữ saṃghāvaśeṣa dharmā còn gây nhiều tranh luận trong
giới học giả. Kabilsingh giải thích: “Trong một số tác
phẩm Sanskrit, thuật ngữ này xuất hiện trong hình thức saṃghāvaśeṣa, vì vậy chữ saṅghadisesa có thể là một
hình thức khác của ngôn ngữ Ma-kiệt-đà (Māghada) viết là saṅghavasesa - một biến thể Sanskrit sau này vốn có gốc là saṅghadisesa.”[1] Bà Horner nói:
“Giống như thuật ngữ pārājika,
thuật ngữ saṅghadisesa vẫn
còn đang gây tranh luận. Lại nữa, B. C. Law và tôi đồng ý cách
dịch như các tác phẩm Luật đã
dịch thuật ngữ saṅghadisesa là các tội (các giới hay các vấn đề)
cần phải có một cuộc họp chính thức của Tăng đoàn để
giải quyết. [2] Saṃghāvaśeṣa dharmā
được dịch sang tiếng Hoa là “seng ts’an
fa” (Tăng Tàn Pháp) nghĩa là “vẫn còn được tồn
tại trong Tăng đoàn.”
[3]
Bản Thập Tụng Luật tiếng
Hoa giải thích thuật ngữ saṅghadisesa
như là các tội mà người phạm tội vẫn còn được ở
trong Tăng đoàn. Khi một Tỳ-kheo [hay Tỳ-kheo-ni] sám-hối
tội mình trước Tăng đoàn, vị ấy có thể chuộc lại
những lỗi lầm sai trái. [4] Trong phần Tăng-già-bà-thi-sa, chúng ta thấy
Tỳ-kheo-ni có hơn Tỳ-kheo 4 giới. Dù 4 giới này có thêm vào
cho Tỳ-kheo-ni đi nữa nhưng cách phạt tội cũng đưa ra sự
cảm thông cho Tỳ-kheo-ni là việc phạm tội chỉ xảy ra sau
ba lần khuyên tấn. Như vậy 4 giới thêm vào của Tỳ-kheo-ni
tạo cơ hội cho chư Ni tự tu sửa đời sống phạm hạnh
của chính mình. Các giới trong tụ Tăng-già-bà-thi-sa được
trình bày như dưới đây: Người
dịch tạm mặc ước cho các giới sau: Thứ nhất là các số
thứ tự; kế đến là nội dung của giới [5], thứ 3 là trật tự của giới Tỳ-kheo tương
đương được để trong ngoặc vuông nếu có. [6] 1.
Cấm làm mai mối cho nam nữ [5]. 2. Cấm cáo gian một vị Tỳ-kheo-ni phạm
tội Ba-la-di [8]. 3. Cấm vì giận hay thù địch vô cớ mà
bắt tội một vị Tỳ-kheo-ni khác phạm Ba-la-di [9]. 4. Cấm kiện thưa, buộc tội bồi thường. 5.
Cấm cho kẻ trộm xuất gia. 6. Cấm tự ý giải tội cho một
Tỳ-kheo-ni đang bị cử tội. 7. Cấm vào làng, qua sông, ở
đêm một mình xa hội chúng Tỳ- kheo-ni.
8. Cấm
nhận thức ăn hoặc y phục của một người nam có tâm
nhiễm ô. 9. Cấm xúi
dục Tỳ-kheo-ni khác nhận thức ăn của một người nam có tâm
nhiễm ô. 10. Cấm
tạo sự chia rẽ trong Tăng đoàn, bất chấp lời khuyên răn
lần thứ ba. [10] 11. Cấm
ủng hộ một vị Tỷ-kheo-ni khác chia rẽ Tăng đoàn, bất
chấp lời khuyên răn lần thứ ba. [11] 12. Cấm
một Tỳ-kheo-ni đã được ba lần khuyên bảo mà không chịu
đi khỏi làng sau khi làm những chuyện xấu ác đối với
một gia đình hoặc một ngôi làng [12]. 13. Cấm vì
tâm xấu ác vi phạm luật của Tăng đoàn, hoặc không nghe
lời khuyên bảo [13]. 14. Cấm thân
cận với Tỳ-kheo-ni phạm tội hoặc che dấu tội cho nhau,
bất chấp lời khuyên răn lần thứ ba. 15. Cấm khuyến khích một
Tỳ-kheo-ni khác thân cận với Tỳ-kheo ni phạm tội
hoặc che dấu tội cho nhau, bất chấp lời khuyên răn
lần thứ ba. 16. Cấm vì
giận hoặc không vui đòi từ bỏ Phật, Pháp, Tăng bất chấp
lời khuyên răn lần thứ ba. 17. Cấm tranh cãi
với Tỳ-kheo-ni rồi đến Tỳ-kheo-ni khác nói xấu, bất
chấp lời khuyên răn lần thứ ba. Các giới trong tụ Tăng-già-bà-thi-sa
của Tỳ-kheo [7] Người dịch
tạm mặc ước thứ nhất thứ tự giới, thứ hai là nội
dung giới 1. Cấm cố ý làm
xuất tinh. [8] 2. Cấm hẹn hò
với người nữ để xúc chạm thân thể, cầm tay, cầm cánh
tay, đụng tóc, hoặc đụng chạm các phần khác của thân
thể của phụ nữ. 3.
Cấm nói lời trêu ghẹo với phụ nữ có liên hệ đến sự
giao hợp phi pháp. 4.
Cấm trước mặt phụ nữ nói lời tán thán phục vụ tình
dục. 6.
Cấm cất chỗ ở rộng quá thước tấc [9] mà không có thí
chủ cúng dường. 7.
Cấm cất chỗ ở rộng rãi làm tổn hại động vật hoặc xây
cất các cơ sở không có lợi ích, mà chỉ để vui chơi
giải trí (nếu có thí chủ cúng dường đất). Mười bảy giới
cho Tỳ-kheo-ni và mười ba giới cho Tỳ-kheo trong tụ Tăng-già-bà-thi-sa
trình bày các giới khoản nghiêm trọng thứ hai của luật
xuất gia. Bảy giới sau đây được áp dụng cho cả
Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo (1, 2, 3, 10, 11, 12 và 13 của Tỳ-kheo-ni
và 5, 8, 9, 10, 12 và 13 của Tỳ-kheo). Trong mười giới khác
nhau giữa Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo còn lại, giới thứ 4 của
Tỳ-kheo-ni đề cập cách ứng xử với cư sĩ; giới thứ 5 đề
cập việc truyền giới sai; giới thứ 6 không được giải
tội cho một Tỳ-kheo-ni đang bị cử tội mà không được phép
của Tăng đoàn; giới thứ 7 đề cập việc không được phép
vào làng, qua sông hoặc ở đêm một mình; giới thứ 8 và 9
liên quan đến việc phòng hộ cho chư Tỳ-kheo-ni tránh xa
những người nam có tâm nhiễm ô nguy hiểm; giới thứ 14 và
15 cấm Tỳ-kheo-ni che dấu tội của những người khác; giới
thứ 16 nói về Tỳ-kheo-ni không tôn kính Phật Pháp Tăng và giới thứ 17 đề
cập một Tỳ-kheo-ni thường gây gổ. Giống như
các giới trong tụ Tăng-già-bà-thi-sa, có giới chỉ áp dụng
cho Tỳ-kheo-ni, cũng như cũng có những
giới chỉ áp dụng riêng cho các Tỳ-kheo. Sáu giới riêng
biệt cho Tỳ-kheo trong tụ này nói về các vấn đề như:
bốn giới (1, 2, 3 và 4) liên hệ đến tình dục; và hai giới
(6 và 7) đề cập đến vấn đề xây cất am thất hoặc chỗ
ở rộng lớn. Các giới chỉ áp dụng cho Tỳ-kheo này cho chúng
ta một cái nhìn tổng quát về đời sống của Tỳ-kheo-ni. Ví
dụ như nói về hai giới liên hệ đến vấn đề xây cất
chỗ ở, Kabilsingh nói vì hai giới này “không có trong Giới Bổn Ni,
chúng ta có thể hiểu tự thân chư Ni thường không thể đảm
nhiệm công việc xây cất.” [10]
Khi một
Tỳ-kheo-ni hay Tỳ-kheo vi phạm một trong chín giới đầu
thuộc tụ Tăng-già-bà-thi-sa thì lập tức phạm tội ngay,
trong khi đó tám giới sau (10 - 17) của Tỳ-kheo-ni và bốn
giới sau (10 - 13) của Tỳ-kheo, nếu vị Tỳ-kheo-ni hoặc
Tỳ-kheo nào phạm một trong các giới này thì chưa tạo thành
tội, nếu như chưa được khuyên răn 3 lần, đây là vấn đề
cần thiết. Các tội của bốn giới thêm vào (14, 15, 16 và
17) cho Tỳ-kheo-ni cũng chưa thành tội nếu vị Tỳ-kheo-ni
phạm tội chưa được khuyên răn 3 lần.[11]
Khi
một Tỳ-kheo phạm bất cứ một tội nào trong các tội
thuộc tụ Tăng-già-bà-thi-sa, vị ấy buộc phải bị biệt trú
(parivāsa)
[12]
một khoảng thời gian tương xứng với thời gian che dấu
tội. Nếu vị Tỳ-kheo trình bày tội của mình ngay sau khi
phạm với một vị Tỳ-kheo khác thì vị Tỳ-kheo phạm tội
chỉ hành pháp Ma-na-đoả [13] (S. mānatva; P. mānatta) trong 6 ngày trước Tăng đoàn. Tuy nhiên, nếu
một vị Tỳ-kheo che dấu tội của mình, trước hết vị ấy
phải hành pháp biệt trú một thời gian tương xứng với
thời gian che giấu tội, tiếp theo, vị ấy phải hành pháp
Ma-na-đoả trước Tăng đoàn. [14] Ngược
lại, khi một Tỳ-kheo-ni vi phạm một trong các giới trọng
tụ Tăng-già-bà-thi-sa, vị ấy phải chịu tội trước nhị
bộ Tăng rồi hành pháp Ma-na-đoả trong thời gian nửa tháng,
cho dù vị Tỳ-kheo-ni ấy có che dấu tội của mình trong
thời gian nào đó hay không [15] cũng không yêu
cầu hành pháp Biệt trú. Tuy nhiên, vị ấy phải hành pháp
Ma-na-đoả trong thời gian nửa tháng trước nhị bộ Tăng.
Vị ấy phải đi đến nhị bộ Tăng xin được hành pháp
Ma-na-đoả. [16] Luật Pāli
ghi: “Một vị Tỳ-kheo-ni phạm một trong các tội Tăng-già-bà-thi-sa
phải trải qua thời gian nửa tháng hành pháp Ma-na-đoả trước
nhị bộ Tăng. Khi vị ấy hành pháp Ma-na-đoả xong, Ni đoàn
phải đủ 20 vị chứng minh thì vị ấy có thể được phục
hồi lại. Nếu Ni đoàn không đủ 20 vị, dù thiếu một vị
đi nữa, vị phạm tội cũng không được phục hồi và chư
Tỳ-kheo-ni chứng minh cho vị ni phục hồi ấy cũng có lỗi.
Đây là tiến trình thi hành luật đúng pháp.[17] Tuy nhiên, Tứ Phần Luật Tỳ-kheo-ni lại yêu cầu con số các thành
viên Tăng đoàn nhiều hơn: “Nếu một Tỳ-kheo-ni nào phạm
một trong các điều luật Tăng-già-bà-thi-sa thì vị ấy
phải hành pháp Ma-na-đoả trong một tháng rưỡi trước nhị
bộ Tăng. Khi vị ấy hành pháp Ma-na-đoả xong, vị ấy phải
cầu xin chuộc tội trước sự hiện diện của nhị bộ Tăng
gồm 20 vị Tỳ-kheo và 20 vị Tỳ-kheo-ni. Nếu con số không đủ
40 vị dù thiếu chỉ 1 vị, thì vị Tỳ-kheo-ni phạm tội ấy
không được phục hồi, và chư Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni (của
nhị bộ Tăng) sẽ có lỗi (vì không đủ số Tăng để phục
hồi cho cô). [18] So sánh hai
bộ luật trên, chúng ta thấy túc số Tăng của nhị bộ Tăng
không đồng nhất. Luật Pāli qui định 20 vị Ni là
túc số để phục hồi cho một vị Ni phạm tội,
nhưng không quy định túc số Tăng cụ thể cho chư Tỳ-kheo.
Tuy nhiên, Tứ Phần Luật
chữ Hán quy định phải đủ 20 vị Tỳ-kheo và 20 vị
Tỳ-kheo-ni thì mới được xem là túc
số Tăng để phục hồi cho vị Ni phạm tội.[19] Có lẽ quá trình
lịch sử phiên dịch Luật Tạng, túc số Tăng được
thêm vào trong Tứ Phần Luật
Ni
tiếng Hoa. Nhìn qua
“việc Tỳ-kheo-ni thi hành pháp Ma-na-đoả trước nhị bộ Tăng”
người ta có thể nghĩ rằng vị trí Ni bộ lệ thuộc vào Tăng
bộ và Tỳ-kheo-ni chịu hành phạt nặng hơn Tỳ-kheo khi phạm
tội Tăng-già-bà-thi-sa. Tuy nhiên,
Lan Astley phát biểu rằng: “Thật ra, nhiều phần của Luật
Tạng phản ảnh lối suy nghĩ quá vụn vặt, có thể được
xem như là thâu tóm hầu hết mọi thứ, từ những vấn đề
linh tinh đến vấn đề của phụ nữ với quan kiến không
tốt lắm, tuy nhiên điểm
lưu tâm căn bản mà chúng ta không nên hiểu sai, đó là vấn
đề còn nằm phía sau: mối quan hệ giữa hai bộ Tăng Ni. Vào
thời đó (và vẫn còn tồn tại
trong xã hội Ấn ngày nay) một người nữ tách rời cuộc
sống gia đình ít nhiều có thể bị xem như là gái điếm và
tất nhiên phải chịu sự quấy nhiễu. Khi gia nhập Tăng đoàn,
chư Ni được hưởng những lợi ích của đời sống không
gia đình mà không bị một điều tổn hại nào. Tuy nhiên,
một điều không được thoải mái lắm, nhưng mà bất cứ
một người có văn hóa nào cũng phải làm như vậy, đó là nhấn mạnh đến sự cần
thiết bảo vệ nữ giới qua cách thể hiện thái độ và
ứng xử. Do đó, thật là sai lầm khi
phê bình đức Phật và chúng Tăng chấp nhận cách
bảo vệ nữ giới như vậy. [20] Tôi hoàn
toàn nhất trí với Astley rằng các pháp yết-ma của
Tỳ-kheo-ni trước nhị bộ Tăng Ni và một số giới thêm vào
cho Tỳ-kheo-ni được quy định là vì bối cảnh xã hội và văn
hoá đặc biệt trong thời đức
Phật. Có một vài trường hợp như Luật Tạng ghi lại, các
Bà-la-môn nói chư Tỳ-kheo-ni như là “các con điếm” hay là
“gái mại dâm.” Những câu chuyện này cho chúng ta một cái
nhìn sơ bộ về chư Ni trong xã hội Bà-la-môn vào thời đức
Phật. Ví dụ có
một đoạn trong Luật ghi: “Lúc bấy giờ một số vị Ni đi
đến Sāvatthī (Xá-vệ) ngang qua các đô thị của Kośalā
(Kiều-tát-la), khi đến làng vào lúc trời tối, những vị Ni
này đến một gia đình Bà-la-môn và xin nghỉ trọ qua đêm.
Một phụ nữ Bà-la-môn trong nhà nói với chư Ni: “Các cô hãy
đợi khi gia chủ về…trong đêm đó gia chủ trở về và ông
hỏi nữ Bà-la-môn: “Những người này là ai?” “Thưa ông,
họ là chư Ni”. Ông liền nói: “Hãy tống khứ những con gái
điếm trọc đầu này đi” rồi ông đuổi họ ra khỏi nhà. [21] “…Rồi
người đàn ông ấy, xua đuổi, khinh bỉ, chỉ trích, la lên:
“Các con trọc đầu này không phải là những sa-môn chân chánh,
chúng nó là gái điếm. Làm sao chúng nó có thể ở trong nhà
kho của chúng ta ?” [22] “…Rồi
Bà-la-môn ấy…la lớn lên: “Các con điếm trọc đầu này
không phải là những người tu hành chân thật. Làm thế nào
họ để rớt bát của họ trên đầu
của ta? Ta sẽ đốt cháy chỗ ở
của chúng,” và ông cầm khúc củi cháy đi vào chỗ ở của
chư Ni. [23] Trong điều
kiện xã hội như vậy mà đức Phật đã thành lập Ni đoàn,
thì quả là đã mở ra một chân trời mới cho phụ nữ. Sự
tiến bộ của nữ giới về phương diện tâm linh và xã hội
này vượt thời gian, và do đó đã gây ra
nhiều phản đối từ phía nam giới, kể cả các Tỳ-kheo [24]. Chắc chắn Ngài
hiểu thấu các cuộc tranh luận này là do sự phiền nhiễu các
đệ tử nữ gây nên. Trong lịch sử Phật giáo, Ni đoàn được
thành lập sau Tăng đoàn 5 năm.
[25]
Trong giai đoạn đầu của Ni đoàn, các Tỳ-kheo-ni học tất
cả các pháp yết-ma và nhiều phương diện tri thức khác từ
các Tỳ-kheo. Cullavagga Pāli (Tiểu Phẩm) [26] đã chỉ ra Ni
đoàn học theo Tăng đoàn như thế nào. “Lúc
đó chư Ni không tự đọc Giới Bổn được. Họ bạch
vấn đề này lên đức Thế Tôn. Ngài dạy: “Này các
Tỳ-kheo, ta cho phép các ông đọc Giới Bổn cho chư Ni”…[27] “Chư
Ni không biết cách tụng đọc giới bổn. Họ trình vấn đề
này lên đức Thế Tôn. Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo, ta cho
phép các ông dạy cho chư Ni. Hãy nói như thế này: “Giới
Bổn nên đọc như thế này.” [28] “Chư
Ni không biết cách sám-hối. Họ trình bạch vấn đề này lên
Thế Tôn. Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo ta cho phép các ông
dạy cho chư Ni cách sám-hối. Hãy nói như thế này: “Khi
có tội phải sám-hối như thế này.” [29]
“Chư Ni không biết cách để nhận các
tội. Họ trình vấn đề này lên Thế Tôn. Ngài dạy: “Này
các Tỳ-kheo, ta cho phép các ông giải thích cho chư Ni. Hãy nói
như thế này: “Khi có tội phải thừa nhận như thế này.” [30] “Chư
Ni không biết cách hành pháp yết-ma. Họ trình bạch lên Thế
Tôn. Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo, ta cho phép các ông dạy
cho chư Ni. Hãy nói như thế này: “Pháp yết-ma nên thi hành
như thế này.” [31] Như tôi đã
trình bày ở trên, cách thực hiện các pháp yết-ma cho
Tỳ-kheo-ni đòi hỏi phải trước nhị bộ Tăng, điều này
cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa hai bộ Tăng. Nhờ sự
giao tiếp đúng pháp với Tăng bộ, Ni bộ có nhiều lợi ích
và tránh được các mối đe doạ trong xã hội thời Ấn Độ
cổ đại. Đặc biệt, khi chúng ta xét đến hoàn cảnh văn hoá
Ấn Độ cổ đại, việc tác pháp yết-ma trước nhị bộ Tăng
rất cần thiết cho Ni đoàn. Như tôi đã đề cập, 4 giới
được thêm vào cho Tỳ-kheo-ni (14, 15, 16 và 17) trong tụ Tăng-già-bà-thi-sa
thuộc vào 8 giới cuối (10 - 17) được quy định là phải sau
3 lần khuyên răn thì mới bị kết tội. Tôi cho rằng việc
quy định buộc tội sau 3 lần khuyên răn về 4 giới thêm vào
này cho Tỳ-kheo-ni có nhiều cơ hội để thăng tiến trong đời
sống tâm linh hơn, điều đó không phải là một hành phạt
quá khắc khe. Những giới này nhằm khuyến khích chư
Tỳ-kheo-ni tiến xa hơn trong việc tu sửa chính mình qua 3 lần
khuyên răn, nhờ đó mà người phạm tội có thời gian để
tu sửa thân tâm. [1] Kabilsingh, pp. 57-58. [2] Sacred Buddhist Books. Tập X, pp. xxix-xxx. [3] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 579, 718. [4] Sách đã dẫn, p. 14. [5] Sách đã dẫn, Tập XXII, pp.716-727, 1032-1033. [6] Sách đã dẫn, pp. 579. 718.
[7] Sách đã dẫn, pp. 579-587, 1032-1033. [8] Sách đã dẫn, pp. 579-587. 1026-1017. [9] Chiều dài bằng 12 gang tay, rộng bằng 7 gang tay của đức Phật (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 585). [10] Kabilsingh, p. 69. [11] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 722-727, 1033. [12] Giai đoạn hình phạt, xem thêm chi tiết trong C. S. Upasak, Dictionary of Early Buddhist Monastic Terms (Varanasi: Bharati Prakashan, 1975), pp. 158-160. [13] Hình phạt tạm thời, xem thêm chi tiết trong tác phẩm trên, pp. 183-184. [14] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 1033, 1062-1062, 1068-1069. [15] Sách đã dẫn, pp. 1033, 1062-1063, 1068-1069. [16] Cùng trang, Sách đã dẫn. [17] Sacred Buddhist Books. Tập XIII, p. 212. [18] Ðại Chánh Tạng, Tập XII, p. 1033. [19] Cho đến bây giờ, tôi chưa có thể tìm ra trong Luật Tạng Pāli giới mà cho rằng khi một Tỳ-kheo-ni phạm một trong các tội Tăng-già-bà-thi-sa là vị ấy phải đi đến nhị bộ Tăng và cầu xin hành pháp Ma-na-đoả. Luật Pāli không đề cập rõ ràng túc số Tăng quy định để phục hồi cho vị Tỳ-kheo-ni phạm tội. [20] Lan Astley,(A book review of) Buddhism After Patriarchy: A Feminist History, Analysis, and Reconstruction of Buddhism, in Studies in Central & East Asian Religions , Vol. 5/6 (Copenhagen: Journal of the Seminar for Buddhist Studies, 1992-3), p. 208. [21] Sacred Buddhist Books. Tập XIII, p. 275. [22] Sách đã dẫn, p. 178. [23] Sách đã dẫn, p.257. [24] Theo quan điểm của người dịch thì trong Luật Tạng cũng như trong Kinh Tạng chưa có chỗ nào đề cập đến thái độ của Tỳ-kheo kỳ thị về nữ giới hoặc cấm cản chuyện tu hành của chư Ni (chú thích của người dịch). [25] Kajiyama Yuichi, "Women in Buddhism," in The Eastern Buddhist Vol. XV No. 2 Autumn 1982 (Tokyo: Komiyama Printing Co., 1982), pp. 159-160. [26] Xem Russell Webb, ed. An Analysis of the Pāli Canon (Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1991) , p. 3. [27] Sacred Buddhist Books. Tập XX, p. 359. [28] Sách đã dẫn, p. 360. [29] Cùng trang, Sách đã dẫn. [30] Sách đã dẫn, p. 361. [31] Cùng trang, Sách đã dẫn. Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Lời người dịch |
[ Trở Về ] |