Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]
 
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ NỮ GIỚI –
SO SÁNH LUẬT TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI  DỰA TRÊN GIỚI BỔN TIẾNG HOA
Nguyên tác: Tỳ-kheo-ni In Young Chung
Thích nữ Liên Hiếu dịch

Phần IV:  Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (Niḥsargika-pāyantika dharmā)

******

Các giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề đặc biệt chú ý đến các sở hữu vật chất liên hệ đến đời sống phạm hạnh. Các giới trong tụ này đứng sau tụ Tăng-già-bà-thi-sa trong Giới Bổn Ni  và là tụ thứ tư sau tụ Bất  Ðịnh Pháp của Giới Bổn Tăng.

Tội Ba-dật-đề (S. pāyantika, P. pācittiya) chỉ là một tội nhẹ cần phải sám-hối; āpatti desetabbā (S. āpatī desayitavya) nghĩa là lời thưa trước đại chúng. Nhưng theo từ nguyên, từ pācittiya  không có liên hệ gì với nghĩa sám-hối. Do đó, tôi giữ lại nghĩa đen của từ này và trong bài khảo cứu này tôi dịch là “tội xả đoạ”.  Do đó hai từ nissaggiya  pācittiya  dịch là “tội xả đoạ” [1]

Thuật ngữ Niḥsargika-pāyantika dharma  dịch sang tiếng Hoa là she to fa [2] (xả đoạ pháp). Trong tiếng Hoa, chữ  “xả  có nghĩa là từ bỏ, “đọa  có nghĩa là rơi rớt. Thuật ngữ Sankrit pāyantika trong tiếng Hoa chỉ có nghĩa là làm nóng, sôi và rơi xuống. Người ta tin rằng nếu một vị Tỳ-kheo (hay Tỳ-kheo-ni) phạm tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (Niḥsargika-pāyantika dharma) sẽ bị đoạ vào địa ngục chịu dầu sôi lửa bỏng. [3] Mặc dù số lượng giới Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề giữa hai bộ Giới Bổn Tăng  Giới Bổn Ni như nhau, trong Giới Bổn Tăng có một số giới của Tỳ-kheo không cho phép họ đòi hỏi Tỳ-kheo-ni làm các nhiệm vụ của phụ nữ, vì điều đó có thể làm quấy rầy đến đời sống tâm linh của các Tỳ-kheo-ni. Các giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề được nêu trong bảng liệt kê dưới đây:

Người dịch tạm mặc ước như sau: thứ nhất là trật tự của các giới của Tỳ-kheo-ni, thứ hai nội dung các giới của Tỳ-kheo-ni [4] và thứ ba là số giới thứ tự tương đương của Tỳ-kheo được để trong ngoặc vuông nếu có. [5]

1.  Cấm cất dư y quá 10 ngày [1].

2. Cấm lìa 5 y [6] trong một đêm [2].

3. Cấm cất dư vải quá một tháng [3].

4. Cấm hỏi xin y với người không bà con, ngoại trừ đúng lúc. [7] [6].

5. Cấm nhận dư y phục trừ khi bị trộm, bị mất, bị cháy hoặc bị nước cuốn trôi [7].

6. Cấm tham lam đòi y phục tốt đẹp hơn từ một người tín chủ [8].

7. Cấm vì tham lam, yêu cầu 2 tín chủ gom tiền lại để sắm một y tốt đẹp hơn [9].

8. Cấm đòi hỏi với tri sự quá 6 lần để được y phục [10].

9. Cấm nhận hoặc bảo người khác cầm vàng bạc cho các Tỳ-kheo-ni khác tiêu dùng [18].

10. Cấm tham gia mua bán [19].

11. Cấm tham gia buôn bán đổi chác các thứ [20].

12. Cấm lãnh bát mới nếu cái cũ chưa  bị vá 5 chỗ [22].

13. Cấm xin chỉ để may y từ một thợ dệt không quen biết [23].

14. Cấm yêu cầu thợ dệt dệt y đẹp [24].                      

15. Cấm giận hờn đòi y lại khi đã cho người khác rồi [25].

16. Cấm cất giữ thuốc quá 7 ngày [26].

17. Cấm nhận y kaṭhina [8] trước 10 ngày giải hạ [28].

18. Cấm lấy đồ vật của Tăng dùng riêng cho mình [30].

19. Cấm đòi hỏi vật này thứ kia.

20. Cấm dùng quỹ xây nhà thuyết giới  vào quỹ khác.

21. Cấm  dùng quỹ thực phẩm vào quỹ may y phục.

22. Cấm dùng quỹ làm giường vào quỹ may y phục.

23. Cấm dùng quỹ làm nhà của Tăng đoàn vào quỹ may y phục.                                                             

24. Cấm chứa dư bình bát [21].

25. Cấm chứa dư thiết bị gia dụng.

26. Cấm thất hứa không cho vị Tỳ-kheo-ni khác mượn vải dùng bất tịnh.

27. Cấm nhận vải phi thời rồi lại may y đúng lúc.

28. Cấm vì giận đòi y lại khi đã đổi cho người khác rồi.

29. Cấm đòi hỏi y quá đắc tiền.[9]                                                                  

30. Cấm đòi hỏi y rẻ và quá mỏng. 

Có 30 giới trong  tụ Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề cho cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, tuy nhiên, nội dung của một số giới khác nhau. Mười chín giới của Tỳ-kheo-ni được lấy từ Tỳ-kheo, 11 giới còn lại của Tỳ-kheo-ni khác với các giới của Tỳ-kheo. Các giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-đật-đề của Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo đề cập các vấn đề: y phục, bình bát, thuốc men, tiền bạc, ngân quỹ, v.v…Nếu vi phạm bất cứ một trong các giới này, thì vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được yêu cầu phải xả bỏ những vật dụng [dư hoặc sái luật] ấy như y, bát, v.v…và rồi thành khẩn sám-hối trước Tăng đoàn hoặc Ni đoàn, số lượng Tăng đoàn chứng minh không được dưới 5 vị.[10] Vì vậy, người phạm tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề không bị một hình phạt nào, mà chỉ sám-hối. [11]

Các  giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-đật-đề của Tỳ-kheo-ni có 17 giới (1 - 8, 13 - 15, 17, 26 - 30) đề cập về y phục; ba giới (9, 10 và 11) nói về vàng bạc và mua bán; ba giới (12, 24 và 25) nói về bình bát; một giới (16) nói về thuốc men; hai giới (18 và 19) nói về lấy tài sản của Tăng làm của riêng mình và đòi hỏi thức ăn; và bốn giới (20, 21, 22 và 23) nói về lạm dụng quỹ. Ngược lại, các giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề của Tỳ-kheo khác với 11 giới của Tỳ-kheo-ni như bảng liệt kê dưới đây:

Người dịch tạm mặc ước như sau: Số La-tinh là trật tự các giới của Tỳ-kheo, kế đến là nội dung tổng quát của các giới. [12]

4. Cấm nhận y phục của Tỳ-kheo-ni không thân thuộc, trừ khi đổi.

5. Cấm yêu cầu một Tỳ-kheo-ni không quen biết giặt, nhuộm  y cũ cho mình.

11. Cấm có toạ cụ mới bằng vải tơ lụa.

12. Cấm có toạ cụ mới bằng lông cừu toàn màu đen.

13. Cấm có toạ cụ mới bằng lông cừu toàn màu trắng.

14. Cấm có một toạ cụ mới trong vòng 6 năm.

15. Cấm may toạ cụ mà không dùng nhiều mảnh vải và không nhuộm hoại sắc.

16. Cấm mang lông cừu [để may toạ cụ] đi quá 3 do-tuần [13] .

17. Cấm sai một Tỳ-kheo-ni không quen biết giặt, nhuộm, chải lông  cừu.

27. Cấm nhận áo mưa trước một tháng hay mặc trước nửa tháng (kể từ mùa nóng).

29. Tỳ-kheo có thể rời một trong 3 y trong 6 đêm ở nơi có những tình huống nghi ngờ, sợ sệt hoặc nguy hiểm.  

Sáu giới (11, 12, 13, 14 , 15 và 16) của Tỳ-kheo ở trên đề cập đến việc sử dụng và làm nhiều kiểu toạ cụ khác nhau; hai giới (27 và 29) đề cập về y phục. Ba giới (4, 5, và 17): mục đích là để ngăn ngừa Tỳ-kheo lợi dụng Tỳ-kheo-ni. Điều này đã chỉ ra rõ ràng trong giới thứ 17 của Tỳ-kheo, và được minh hoạ trong câu chuyện dưới đây trong Bhikṣu-vibhaṅga:

“Bấy giờ chư Ni giặt, nhuộm, chải lông cừu cho Lục quần Tỳ-kheo. Vì bận giặt, nhuộm chải lông cừu, chư Ni không chú tâm đến lời giải thích, lời chất vấn, đức hạnh cao hơn, tư tưởng cao hơn, trí tuệ cao hơn…Đức Phật hỏi Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề: “Này Gotamī, ta hy vọng chư Ni có nhiệt tâm, tinh cần; không biết chư ni có tinh tấn không ?” “Bạch đức Thế Tôn, chư Ni không có nhiệt tâm. Vì chư Ni bận giặt, nhuộm, chải lông cừu cho Lục quần Tỳ-kheo. Vì bận giặt, nhuộm chải lông cừu, chư Ni không chú tâm đến văn, đến tư, đến đức hạnh, đến trí tuệ, đến thắng trí”…Đức Phật quở trách Lục quần Tỳ-kheo: “Này các người vô trí kia, các ông không biết  điều gì là thích hợp,  điều gì là không thích hợp,  điều gì được hoan hỷ và  điều gì sẽ không hoan hỷ đối với những người xa lạ. Như vậy, này các ngươi  vô trí, có nên yêu cầu chư Ni, những người không thân thuộc giặt, nhuộm, chải lông cừu không? Này các người vô trí, điều đó không nên, vì điều đó đem đến sự không hoan hỷ cho những người không quen biết. Chính vì vậy, giới này được  chế định.” [14]

Bà Horner chỉ ra rằng: “Ngoài việc nhận y,  việc giặt y cũng trở thành chủ đề của nhiều điều luật. Luật  ghi rằng  Tỳ-kheo không được sai bảo Tỳ-kheo-ni giặt y phục trừ khi họ có quan hệ thân thuộc; Tỳ-kheo-ni không được giặt, nhuộm y phục cũ cho Tỳ-kheo trừ khi họ có quan hệ thân thuộc. [15]

Khi so sánh các giới trong tụ Ni-tát-kỳ-ba-đật-đề của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, chúng ta thấy một số giới cấm Tỳ-kheo không được lợi dụng Tỳ-kheo-ni. Như vậy Tỳ-kheo-ni tránh được sự hành hạ và có thể chú tâm nhiều hơn vào việc tu tập tâm linh của mình.

Gross nói: “Giới luật bảo vệ cho chư Ni tránh được những đòi hỏi quá đáng của chư Tăng, chư Tăng có thể yêu cầu chư Ni làm công việc chùa cho họ hoặc phục vụ cơm nước, quần áo, những nhiệm vụ thông thường được xem là  bổn phận của phụ nữ. Những điều luật như vậy thật đáng lưu tâm để thấy rằng phụ nữ từ bỏ đời sống thế tục để đi tìm đời sống tâm linh cho chính họ, lý tưởng ấy không thể bị huỷ hoại do những đòi hỏi phục vụ của người nam [16]


[1] Ðại Chánh Tạng,, Tập XI, p. vii.

[2] Sách đã dẫn, Tập XXII, p. 601.

[3] Sách đã dẫn, Tập XXI, p. 762.

[4] Sách đã dẫn, Tập XXII. pp. 727-734, 1033-1034

[5] Sách đã dẫn, Tập XXII, pp. 727-734, 1017-1018

[6] Tỳ-kheo có thể có 3 y: antarāvāsaka (y hạ, giống như quần), uttarāsaṅgha (y trung, giống như áo) và saṅghāṭhi (y thượng, y đắp khi đi ra ngoài). Tỳ-kheo-ni có 5 y: cũng có 3 y như Tỳ-kheo và thêm 2 y nữa là udakaṭikā (y để tắm) và samakaccikā (áo lót).

[7] Y bị trộm cắp, bị mất, bị cháy, bị  nước cuốn trôi. (Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 609).

[8] Gombrich (p. 99-100) giải thích rằng vào cuối mùa an cư Phật tử cúng dường vải cho chùa địa phương của họ để may y. Vải này mới và tốt. Tăng đoàn ở địa phương cắt chia và khâu lại rồi đem cúng dường cho một vị tăng trong chúng  – cho rằng vị này là một người giữ giới rất nghiêm túc. Tên đặc biệt của y này là kaṭhina. Tham khảo thêm chi tiết trong tác phẩm đã nói trên của Upasak, pp.60-62.

[9] Một y trị giá không quá 16 x 4 đồng tiền cũ (1 đồng bằng nửa bảng Anh).

[10] Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 1055.

[11] Mohan Wijayaratna, Buddhist Monastic Life: According to the Texts of the Theravāda Tradition, trans. Claude Grangier and Steven Collins (Cambridge: Cambridge University Press, 1990), p. 147.

[12]  Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, pp. 605-633, 1017-1018.

[13] Một cách đo chiều dài, 1 do-tuần (yojana) bằng khoảng 7 dặm, một dặm khoảng một cây số sáu.

[14] Sacred Buddhist Books. Tập XI, pp. 94-95 hoặc Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 618.

[15]  I. B. Horner, Women Under Primitive Buddhism: Laywomen and Almswomen (New York: E. P. Dutton and Company, 1930), p. 274.

[16] Gross, p. 37.


Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | Lời người dịch

[ Trở Về ]