BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
HỘ
TÔNG TỲ KHƯU
(VANSARAKKHITA MAHA THERA)
NAMATTHURATANATTAYASSA BỒ TÁT TU HẠNH TRÌ GIỚI BA LA MẬT.Một thuở nọ, đức Phật ngự an trong Kỳ viên tịnh xá, kinh đô SÀVATTHÌ, Ngài đề cập đến chư thiện tín về sự trì bát quan trai giới cho có nhân rồi Ngài thuyết về truyện này. Bậc A Xà Lê kết tập Tam tạng (SANGITIKÀCÀRYA) tuỳ ý nghĩa kệ ngôn mà giải rộng thêm rằng: "Ta được nghe như vầy: Những thiện tín đến ngày định nguyện thọ trì bát quan trai giới từ lúc rạng đông và làm phước bố thí, xế lại vào chùa dâng hoa, cùng các vật thơm cúng dường và nghe pháp tại Bố Kim Tự. Ngày đó, Ðấng Ðại Bi ngự đến phước xá, vào toạ trên bảo tọa xong, Ngài hỏi chư thiện tín rằng: Ngày nay, các ngươi đã thọ bát quan trai giới chưa?" - Bạch đức Thế Tôn chúng tôi được thọ bát quan trai giới hằng ngày không bỏ qua. - Các ngươi nhờ thầy chỉ dạy, mới thọ bát quan trai giới được, không thấy chi lạ thường. Ngày xưa, bậc trí tuệ không thầy mà vẫn tinh tấn thọ bát quan trai giới, không lo ngại đến gia tài, sự nghiệp. Ngài chỉ nói bấy nhiêu rồi mặc tưởng [1]. Các thiện tín mong được biết tiền tích, nên cầu thỉnh Ngài thuyết pháp. Ðức Phật bèn thuyết về truyện về đức BHÙRIDATA rằng ATITO KÀLE: - Này chư thiện tín! Thuở xưa có một Ðức vua danh hiệu BRAHMADATA thống trị thủ đô BÀRÀNASÌ. Ngài phong cho con Ngài làm thứ vương. Không bao lâu Ðức vua thấy thứ vương có nhiều uy thế, nên lo sợ thứ vương đoạt ngôi vàng. Ngài bèn đòi vào phán rằng: "Này con! Con hãy ra khỏi thành tuỳ sở thích, khi nào cha thăng hà rồi con hãy về kế vị". Hoàng Tử vâng lời, lạy tạ lui ra khỏi đền, lần hồi đi đến sông YAMANÀ, tạo tịnh thất gần mé sông rồi ngự yên trong nơi ấy. Thuở đó, có một long nữ tên là MÀNAVIKÀ, chồng mới chết. Vị Long nữ này thấy các Long nữ khác giàu sang vui thú với chồng, nên nàng buồn tủi về ái tình. nàng bèn ra khỏi Long cung, lên bờ biển thấy dấu chân của Hoàng Tử. Giờ ấy Hoàng Tử đi hái trái trong rừng nên vắng mặt. Vào tịnh thất thấy các vật dụng của bậc xuất gia, Long nữ bèn nghĩ rằng: Ðây là tịnh thất của người tu ở rừng. Vậy ta nên thử thách đạo sĩ này, xem có phải là bậc chân tu không? Nếu thật là bậc chân tu thì không nằm trên giừơng có các thứ hoa mà ta trang hoàng đây. Bằng như không phải là bậc xuất gia theo đức tin chơn chánh thì sẽ nằm trên giừơng có trãi hoa. Long nữ trở về chỗ ngụ, lấy các thứ hoa đem trần thiết phòng ngủ, có cả nước thơm rồi nàng trở về cõi Rồng. Khi Hoàng Tử trở về tịnh thất, thấy phòng ngủ có trải hoa và nước thơm thì khen rằng: Ai đến trang hoàng phòng ngủ của ta như vầy, thật là làm cho ta vừa lòng phỉ dạ, rồi Ngài nằm trên giừơng hoa ấy, ngủ cho đến rạng đông. Sáng sớm Ngài vào rừng hái trái độ nhật. Giờ đó, nàng Long nữ MÀNAVIKÀ trở lại thấy hoa héo, thì biết rằng không phải là bậc chân tu. Nàng đem bỏ các hoa cũ, rồi rải hoa mới, xong nàng trở về chỗ ngụ. Hoàng Tử về đến tịnh thất cũng lên giường nằm có rãi hoa thơm ấy và nghĩ rằng: Ai đến đây trầm thiết như vầy, có lẽ do nguyên nhân gì chăng, không sai. Sáng ra, Hoàng Tử không vào rừng hái trái nữa. Ngài lánh mặt trong gần nơi ấy để rình xem, thấy nàng Long nữ đem hoa và nước thơm đến tịnh thất. Hoàng Tử thấy dung nhan xinh đẹp của nàng MÀNAVIKÀ liền sanh tâm bồng bột, luyến ái nàng. Ðạo sĩ theo vào phòng nội, trong khi nàng MÀNAVIKÀ đang trang hoàng chỗ nằm bằng các hoa thơm, đạo sĩ bèn đem lời thiện cảm mà nói rằng: - Nàng là ai, quí danh là chi? - Bạch, tôi là Long nữ MÀNAVIKÀ. - Này nàng! Có chồng hay chưa? - Bạch, tôi là sương phụ [2]. Bạch quí danh Ngài là chi, ở xứ mô, mà đến ngự trong nơi đây như vầy? - Ta là Hoàng Tử của Ðức vua BÀRÀNASÌ, tên là BRAHMADATA KUMÀRA. Em bỏ Long cung đến đây, do nguyên nhân nào? - Bạch, tôi thấy sự cao sang vui thú của các Long nữ có chồng, nên tủi phận buồn teo, trải đi kiếm người quân tử để nương bóng tùng quân như vầy. - Vậy em hãy lại đây, chúng ta chung sống cùng nhau, từ đây anh là chồng của em. Nàng Long nữ tuân theo lời của Hoàng Tử, nàng liền hoá dinh thự có đủ vật dụng nhu cầu cao sang. Từ đây Hoàng Tử không phải vào rừng hái trái, vì có đủ món cần dùng. Thời gian qua, nàng Long nữ sanh được một trai đặt tên là SÀGARABRAHMADATA. Trẻ này vừa biết ăn, biết nói, lại sanh được một đứa gái nữa tên là SAMUDDHAJÀ. Một hôm, có người thợ săn đi đến nơi ấy, được biết rõ Hoàng Tử bèn quý tâu rằng "Tôi sẽ trở về tâu cho Hoàng gia biết chỗ ngụ của Ngài" rối lạy tạ từ giả Hoàng Tử trở về kinh đô BÀRÀNASÌ. Trong khi đó, Ðức vua BÀRÀNASÌ vừa thăng hà. Triều đình đang làm lễ hoả táng, rồi tụ hội trước đền, bàn luận cùng nhau rằng: Nay Ðức vua đã thăng hà, vậy chúng ta tôn ai lên ngôi báu. Có Hoàng Tử song không rõ nay Ngài ngự trong nơi nào. Như thế chúng ta phải làm thế nào? Khi đó người thợ săn vừa về đến kinh đô BÀRÀNASÌ, thấy có đông người hội họp trong nơi ấy và được nghe rõ nguyên cớ, bèn báo cho các vị đại thần hay rằng "Tôi biết rõ chỗ ngụ của hoàng tử, vì tôi đã có tới nơi đó". Các quan nghe lấy làm vui mừng, liền ban thưởng trọng hậu cho người thợ săn, rồi dạy hắn hướng dẫn quân binh vào rừng lạy thỉnh Hoàng Tử, nghinh giá hồi trào, vì Ðức vua đã thăng hà rồi. Ðược biết như thế, Hoàng Tử vào gần nàng Long nữ tỏ lời thiện cảm hỏi rằng: Này em yêu mến! Nay Phụ Vương của anh đã băng hà, nên các quan đến thỉnh anh về kinh đô BÀRÀNASÌ để kế vị. Vậy em nên theo cùng anh về hưởng quyền cao chức trọng, phú quí vinh hoa trong thủ đô BÀRÀNASÌ. Anh sẽ tôn em làm Hoàng Hậu lớn hơn tất cả cung phi. - Thưa Ngài, tôi không thể đi cùng Ngài được. Tại sao? Vì tôi là loài Rồng, khi có điều chi không vừa lòng nhẫn nại được, nếu đã phát sân thì tia nọc độc đến các cung phi, cùng chồng phải tử mệnh. Vì vậy, tôi không thể đi cùng Ngài được. Hoàng Tử vẫn nài nỉ, mà Long nữ vẫn quyết chối từ. - Thưa, hai con đây là loài Rồng, nếu Ngài mến tôi, xin Ngài chăm nom hai trẻ cho cẩn thận, bằng để cho hai trẻ bị gió nắng lúc nào, thì chúng sẽ chết ngay. Ngài nên dạy cho người đào ao, chứa nước cho đầy, dành cho hai trẻ xuống tắm chơi, thế chúng mới được an vui. Thương hại thay! Cho nàng Long nữ MÀNAVIKÀ, lạy Hoàng Tử ẩm hai con nâng niu và nằm cho ngủ bên mình, ôm ấp tưng tiu, trước cảnh biệt ly tình mẫu tử, nàng đầm đìa giọt lệ rồi biết mất. Hoàng Tử rất thảm sầu, tha thiết giọt lệ tuông rơi, Ngài lau mặt xong, ra tiếp chuyện với các quan. Triều thần đồng thỉnh Ngài về kinh đô BÀRÀNASÌ. Về đến hoàng cung lên kế vị ngôi vàng, Ngài phong quan tấn tước cho quan quân, chẩn bần dân chúng. Ngài dạy quân đào ao chứa nước cho đầy, trồng các thứ hoa thơm, dành cho hai con đến tắm mát, được an vui. Ngày nọ, có con rùa to vào trong ao ấy, khi tìm đường ra không được, nên nổi lên mặt nước,làm cho hai trẻ hoảng sợ, chạy đến tâu cho Phụ Vương rõ rằng, trong ao có con quái vật lội trên mặt nước, khiến chúng con lo sơ, xin Phụ Vương dạy người bắt nó, đem đi lập tức cho được. Quan quân đồng nhau đến ao, bắt được con rùa to, đem nạp trước bệ Rồng. Ðức vua phát thịnh nộ, nên dạy đem giết rù ấy. Có vị đại thần dạy vua nên đem liệng trong nước xoáy, cho nó chết. Rùa được liệng xuống nước, bèn lội đến cung điện Long Vương DASARATHA. Vì oán vua bảo giết, nên rùa tâu dối với Long Vương rằng: Ðức vua muốn gả Công chúa cho Long Vương. Long Vương DASARATHA nghe qua rất hoan hỉ, liền đem binh Rồng lên cõi người rước Công chúa. Khi đến dân gian. Cho người vào báo tin. Ðức vua BÀRÀNASÌ vì lo sơ uy lực thần thông biến hoá của Long Vương, tuy rằng không có hứa, nhưng Ðức vua buộc lòng chịu gả Công chúa cho Long Vương. Khi trở về cùng Long Vương. Dần dần Công chúa sanh được 4 trai: Con trưởng tên SUDASANA, thứ hai tên SUBHOGA, thứ ba tên DATAKUMÀRA tức là đức Bồ Tát, có nhiều trí tuệ nên được cha mẹ thương yêu hơn cả, người con thứ tư tên là ARITTHA. Lúc nọ, Long Vương lên chầu đức Ðế Thích. Ðế Thích và chư thiên có nhiều điều nan giải, nhờ có đức Bồ Tát giảng minh rõ rệt nên Ðế Thích hằng ngợi khen đức trí tuệ và tặng danh là BHÙRIDATA (vì có nhiều trí tuệ). Ðức BHÙRIDATA khi lên Ðạo Lợi thiên cung thấy sự sang cả vinh hoa của đức Ðế Thích thì mong được về cõi trời, nên nghĩ rằng: Ta là loài thú không tốt, khi trở về cõi Rồng, ta sẽ thọ bát quan trai giới, để hưởng quả báo trong ngày vị lai. Sau khi trở về Long cung, đức BHÙRIDATA vào xin cha mẹ cho phép Ngài lên cõi người để giữ bát quan trai giới, cha mẹ Ngài hết sứ khuyên lơn ngăn cản, song Ngài vẫn quyết trốn lên trần gian tu hành như ý muốn. Ngài chỉ cho Long nữ và vợ của Ngài biết rằng: Anh đi hành bát quan trai tại cây da to, gần mé sông YAMANÀ Ngài giữ được 10 điều học (thập giới) và phát nguyện rằng: "Kẻ nào mong được da, thịt, máu và xương trong thân thể ta, thì tuỳ sở thích" .Ngài thọ trì thập giới tại cây da ấy rất lâu. Thuở đó, có hai cha con thợ săn, cha tên là NESÀDABRÀNA, con là SOMADATABRÀNA. Hai cha con thợ săn thường trải đi trong rừng, bắt thú để nuôi sống. Bữa nọ, tìm trọn ngày không được thịt thú. Người cha mới nói với con rằng: Này con SOMADATABRÀNA. Nếu ta trở về nhà tay không như vầy, mẹ con bất bình, vậy ta cố tìm cho được thịt rồi sẽ về. Nói xong hai cha con bèn đến cây da, nơi Bồ Tát ngự mà nghỉ đêm tại nơi ấy. Nữa đêm nghe có tiếng đờn ca xướng hát của các Long nữ đến chầu Bồ Tát. Thợ săn đến xem, các Long nữ thấy vậy nên biết mất, chỉ còn đức Bồ Tát mà thôi. Người thợ săn liền hỏi: Này anh! Anh tên chi, từ đâu mà đến đây để làm gì? Bồ Tát nghĩ rằng: Nếu ta tự xưng ta là Ðế Thích cũng được, nhưng không nên. Ngài bèn tỏ thật rằng: Ta là Long Vương có nhiều uy lực, cha ta là DASARATHA Long Vương, mẹ ta là Hoàng Hậu SAMUDDHAJÀ. Ta danh là BHÙRITA. Bồ Tát nghĩ, sợ thợ săn này trở về nói lại với thầy rắn đến phá hoại sự trì giới của ta. Vậy ta mời y xuống cõi Rồng, rồi cho báu vật đến y để ngừa sự tai hại ấy. Ngài bèn nói rằng: Này, người thợ săn! Ngươi nên cùng ta đi đến cõi Rồng, ta sẽ ban thưởng nhiều báu vật đến ngươi. Bồ Tát dẫn hai cha con người thợ săn xuống Long cung, cho hưởng sự cao sang phú quí, ban cho mỗi người có đủ vật dụng dinh thự, có 700 Long nữ hầu hạ, nên cha con được ở an vui nơi cõi Rồng. Về phần Bồ Tát, Ngài không dễ duôi, vẫn tinh tấn thọ trì bát quan trai như thường. Nữa tháng Ngài trở về Long cung một lần, để viếng cha mẹ Ngài và Ngài không quên đến vấn an cha con người thợ săn, rồi mới vào cung nội của Ngài. Nói về người thợ săn, vì ít phước, nên ở âu sanh lòng phiền não, nhớ vợ con trên nhân gian, vì vậy mong mõi trở về. Người cha khuyên con phải tâu xin với đức Bồ Tát cho phép trở về nhà. Ðức Bồ Tát an ủi bảo thế nào cũng chẳng nghe, nên Ngài ban cho nhiều báu vật, rồi sai bốn thanh niên hộ tống hai cha con thợ săn về đến cõi người. Lên trần gian, lần hồi đi đến một ao nước, hai cha con để đồ trên bờ ao, rồi xuống tắm. Bởi ít phước nên những báu vật của Bồ Tát cho đó, đều tiêu mất. khi tắm xong trở kên, hai cha con thấy của cải đã mất, rất mến tiếc. Lúc về đến nhà, vợ chồng cha con xum họp mừng rỡ. Sau đó người mẹ hỏi con SOMADATA rằng: Này con SOMADATA! Cớ sao cha con và con đi đến nơi nào mà nay mới trở về? - Thưa, cha và con gặp đức BHÙRIDATA là một vị Long Vương, đem về cõi Rồng, ban cho đầy đủ sự sang cả, rồi khuyên bảo ở lại hưởng hạnh phúc nơi cõi ấy. Không bao lâu cha nhớ nhà, bảo con cùng trở về thăm mẹ và các em, nên nay mới được hội ngộ như vầy. Từ đây, hai cha con thợ săn vẫn vào rừng săn thịt, để nuôi mạng như xưa. NESÀDA KANDAM NITTHITAM - Dứt đoạn người thợ săn TADÀ DAKKHINAMAHÀSAMDDHAM EKO GRUDDHO PAKKAVÀ MAHATE SAMUDDE UDDAKAM VINNÙHITVÀ EKAM MAGARÀJANAM SISE GANHI TADAHI SUPANINÀGÀNAM NATUTTHAM GAHETUN AJÀNANTO EVAM PACCHÀPANDA RAJÀTAKE JÀNINSU SO PÀNA SÌSE GAHETVÀPI UDAKE AJOTTHARANTE EVATAM UKKHIPTVÀ OLAMPANTAM ÀDÀYA HIMMAVANTAM MATTHAKE PÀỲASI. Thuở ấy,có một Ðiểu Vương [3] ở trên cây gòn gần phía đông bờ biển, có nhiều uy lựcthần thông làm gió lớn, rẽ nước làm hai để bắt loài Rồng đem về núi Tuyết Sơn làm thực phẩm. Trong thời gian đó, có một người thợ săn ngụ trong thành KÀSIKARÀJAtừ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo sĩ trong nơi ấy. Có cây da gần tịnh thất của vị đạo sĩ, là một nơi nghỉ trưa và cũng là chỗ đi kinh hành của Ngài. Một ngày nọ, Ðiểu Vương bắt được rồng, bay đem đi ăn, ngang cây da. Rồng dùng đuôi khoanh siết chặt cây da mong thoát chết. Ðiểu Vương không hay biết. Dùng hết tốc lực bay lên làm cây da phải tróc gốc, đem Rồng đến cây gòn rồi mổ ăn, cây da sa xuống biển nghe tiếng ầm. Ðiểu Vương xem biết là cây da, rồi nghĩ rằng cây da này là nơi tu hành của đạo sĩ. Tự hỏi như thế ta có tội chăng? Vậy ta đến hỏi đạo sĩ xem. Rồi biến thành thanh niên đến tịnh thất của đạo sĩ. Thấy đạo sĩ đang sửa sang chỗ cây da tróc gốc cho bằng phẳng. Thanh niên ấy giả như không biết chi cả, bèn bạch hỏi rằng: - Do nguyên nhân nào mà nơi đây có đất sụp như thế? - Này cậu thanh niên! Có một Ðiểu Vương đi tìm thực phẩm, bắt được Long Vương rồi đem đi, Long Vương dùng đuôi siết chặt cây da, Ðiểu Vương dùng sức mạnh bay, đem đi luôn cả - Bạch, Ðiểu Vương vô ý làm cây da tróc gốc vì siết chặt, vậy ai có tội? - Này thanh niên! Ðiểu vương vô ý làm cây da tróc gốc nên vô tội. - Bạch, vậy Long Vương có tội chăng? - Này thanh niên! Long Vương cũng vô tội, vì sợ chết mà siết chặt cây da. Khi vị đạo sĩ đáp câu hỏi như thế, Ðiểu Vương rất hài lòng nên bạch rằng: Tôi là Ðiểu Vương cao quý hơn tất cả các loài điểu, đến đây để hỏi Ngài cho rõ chánh tà. Tôi rất hoan hỉ trong sạch với Ngài. Tôi có chú ngữ [4] gọi là ÀLAMBÀYANA, xin dâng đến Ngài, Ngài học để dành. Ðạo sĩ đáp: Này thanh niên! Hãy trở về đi, ta không mong được chú ngữ đó đâu. Ðiểu Vương khuyên giải yêu cầu vị đạo sĩ học rồi trở về chỗ ngụ. Về sau có người thợ săn nghèo khó, không nơi nương tựa, nên tính vào rừng tự tử. Ðến tịnh thất của vị đạo sĩ, xin ở đậu với Ngài và hết lòng phụng sự đạo sĩ. Vị đạo sĩ nghĩ rằng: Người thợ săn đây có nhiều công đức với ta, vậy ta nên đem chú ngữ của Ðiểu Vương mà truyền lại cho người thợ săn này. Xét như thế, rồi vị đạo sĩ cho biết ý thức. Người thợ săn bạch: Tôi không cần chú ngữ đó đâu. Vị đạo sĩ an ủi nhiều lần, rồi dạy chú ngữ ấy. Khi học xong, người thợ săn ở thêm vài ngày, rồi từ giả đạo sĩ ra đi khỏi nơi ấy. Vừa đi vừa đọc thầm chú ngữ theo đường đến sông YAMANÀ. Trong khi đó, có các long nữ đều là vợ của Bồ Tát BHÙRIDATA cầu mong được ngọc ma ni cho được thành tựu như sở nguyện. Ra khỏi Long cung để ngọc ma ni trên bãi cát, gần mé sông YAMANÀ, các long nữ đem nhau giỡn nước trọn đêm, có hào quang của ngọc ma ni chiếu sáng. Ðến rạng đông mặt trời vừa mọc, các nàng trang điểm y phục rồi ngồi chung quanh ngọc ma ni. Thình lình các nàng nghe tiếng người thợ săn đọc chú ngữ, tưởng là Ðiểu Vương hoảng hốt sợ chết, trốn về Long cung, bỏ ngọc ma ni trên bãi cát. Nói về người thợ săn ÀLAMBÀYANA đi đến thấy ngọc ma ni, cả mừng, liền lượm đem đi, gặp hai cha con người thợ săn SOMADATA. Hai cha con người thợ săn này biết ngọc là ngọc ma ni của BHÙRIDATA Bồ Tát đã cho mình khi trước, nên tỏ lời thiện cảm với ÀLAMBÀYANA rồi nói rằng: Này ÀLAMBÀYANA! Ngọc ma ni rất quí, đem đến nhiều hạnh phúc cho thành tự mọi điều mong muốn, anh được ngọc ma ni đó từ đâu? - này anh! Tôi được ngọc ma ni này trên bãi biển hồi sáng sớm này. - Này ÀLAMBÀYANA! Ngọc ma ni này nếu người biết gìn giữ chân chánh thì nó sẽ đem đến nhiều kết quả tốt đẹp, nếu không biết chăm nom cẩn thận ắt có tai hại chẳng sai. - Anh là kẻ bất hạnh, không nên giữ ngọc ma ni ấy, hãy cho tôi đi, tôi sẽ trả vàng bạc đến anh. - Này anh thợ săn! Ngọc ma ni của tôi rất quí, tôi không tin lời anh, tôi không bán cũng không đổi với bất cứ vật gì. - Này ÀLAMBÀYANA, anh không tin, không bán, vậy anh muốn cái chi? - Nếu anh biết chỗ ngụ của Long Vươngcó nhiều uy lực, cho tôi rõ giờ nào, tôi sẽ cho ngọc ấy đến anh trong giờ ấy. - Vậy anh có phải là Ðiểu Vương biết hoá ra để tìm thực phẩm chăng? - Không, tôi là người thuần thục trong nghề bắt rắn, tôi có tên rõ rệt là ÀLAMBÀYANA, nếu anh biết Long Vương ở nơi nào hãy cho ngay đi. - Này ÀLAMBÀYANA, uy lực của anh như thế nào mà dám bắt Long Vương? - Này anh thợ săn! Ðiểu Vương có dạy chú ngữ đến đạo sĩ đang tu hành trong núi, tôi vào ngụ nơi ấy và hết lòng phụng dưỡng ngải cả ngày lẫn đêm, nên Ngài từ bi thương xót rồi truyền chú ngữ ấy đến tôi. Chú ngữ rất linh ứng [5], vì thế mà họ gọi tôi là ÀLAMBÀYANA. Tôi là thầy của thầy giết rắn đây. Người thợ săn nghe qua liền bàn với con rằng: Này con SOMADATA! Ta chỉ BHÙRIDATA cho ÀLAMBÀYANA đi, hay thế nào? - Thưa, đức BHÙRIDATA có đại ân với ta, Ngài cho cha hưởng được giàu sang vinh hiển, lẽ đâu cha lại lấy ơn đáp oán cho đành. Cha không nên làm điều tội lỗi như thế. Cha mong được của cải, hãy đến Ngài mà xin đi, muốn bao nhiêu cũng được toại nguyện, nếu chỉ cho biết Ngài BHÙRIDATA thì thật là không nên. Cha chớ nên phản bạn, tội này thật là xấu xa đê hèn lắm, sẽ chịu hình phạt trong địa ngục. - Này con SOMADATA! Con còn nhỏ mà biết gì, những thợ săn xưa kia biết bao nhiêu nghiệp ác mà họ đâu có chịu quả khổ chi, xuống tắm trong sông Hằng [6] thì hết tội. Nói xong,người thợ săn bèn dẫn ÀLAMBÀYANA đến BHÙRIDATA Bồ Tát trong khi Ngài đang thọ bát quan trai giới trong nơi đó. Nói về người con SOMADATA là kẻ biết ơn, khi đã dùng hết lời để ngăn cản, cha không nghe nên chỉ trích nhiều điều rồi tuyên bố cho Chư Thiên nghe rằng: Thưa Chư Thiên, xin các Ngài chứng minh, tôi không đi chug cùng người có tội như thế. SOMADATA tuyên bố rồi lánh xa khỏi cha, xuất gia làm đạo sĩ, hành thiền đắc phạm định và thần thông, sau khi mạng chung, được sanh lên cõi trời Phạm Thiên. Người thợ săn gọi ÀLAMBÀYANA rằng: Anh đừng lo buồn, hãy theo tôi, sẽ được gặp Long Vương, rồi dẫn ÀLAMBÀYANA đến chỗ BHÙRIDATA trì giới chỉ cho ÀLAMBÀYANA, anh hãy bắt Long Vương và cho ngọc ma ni cho đến tôi đi. ÀLAMBÀYANA thấy Bồ Tát thì hoan hỉ vui thích, bèn liệng ngọc ma ni trên bàn tay người thợ săn, ngọc ma ni rớt xuống đất biến luôn về Long cung . anh thợ săn bị tiêu tan ba điều lợi ích là:
Bồ Tát liếc xem, thấy người thợ săn dẫn ÀLAMBÀYANA đến, Ngài bèn nghĩ rằng: Người thợ săn này nhờ ta đem xuống Long cung cho hưởng mọi điều hạnh phúc, khi về ta cho nhiều báu vật cũng lấy không được, nay lại dẫn thầy rắn đến hại ta, nếu ta bất bình làm hại hắn rất dễ, nhưng không nên vì ta là người thọ trì giới, vả lại ta đã phát nguyện rằng: Kẻ nào mong được da, thịt, máu và xương của ta thì hãy dùng tuỳ theo sở thích. nay ÀLAMBÀYANA muốn làm sao tuỳ ý, ta không khi nào sân hận bất bình. Ngài tưởng đến lời nguyện như vậy, rồi nhắm mắt nằm im không động đậy. ÀLAMBÀYANA dùng thuốc nhai phun cùng mình, tay chân, đọc chú ngữ xong mới vào gần Bồ Tát, nắm đuôi kéo ra khỏi gò mối, nắm cứng đầu Bồ Tát rồi gở miệng ra, nhổ thuốc vào miệng Bồ Tát, thật đáng thương xót, xong nắm đuôi đưa lên, đầu trở xuống cho mửa thực phẩm ra, để nằm dài trên đất, dẫn Bồ Tát tới, dẫn lui như thuộc da, máu chảy ra theo miệng và mũi, thật là vô cùng thảm não. Ðoạn hắn liệng trên đất làm khổ trăm bề như thế, mà Bồ Tát vẫn nhẫn nại không hề oán giận. Ngài không liếc xem chi cả, chỉ chăm chú trì bát quan trai cho trong sạch. ÀLAMBÀYANA làm Bồ Tát yếu sức, mới bức dây làm giỏ nhốt Bồ Tát, ÀLAMBÀYANA dùng chân đạp Bồ Tát vào, thật là đau đớn vô cùng, rồi quảy vào xóm mà báo tin cho dân chúng biết đến xem Rồng múa nhảy. Khi có người tụ hội đông đủ, ÀLAMBÀYANA mở giỏ kêu Bồ Tát ra dạy làm thân hình to lớn, xong bảo làm nhỏ lại, làm cho cao, cho thấp. Làm mình cho đỏ, trắng, vàng, xanh, làm cho mất nửa mình, phun độc ra như nước, lửa, khói v.v... ÀLAMBÀYANA dạy thế nào Bồ Tát cũng làm theo cả . Dân chúng xem rồi, ai ai cũng thương hại Bồ Tát, không ngăn giọt lệ được, ngày ấy ÀLAMBÀYANA thâu góp tiền của dân chúng được 1000 lượng. Trước kia hắn nói khi được 1000 lượng thì hắn thả Bồ Tát, nay được 1000 lượng, hắn càng mong được nhiều hơn nữa. ÀLAMBÀYANA đem Bồ Tát cho dân chúng xem từ làng này sang quận nọ,lần lượt đến kinh đô BÀRÀNASÌ. ÀLAMBÀYANA đem cơm tẩm mật cho Bồ Tát dùng, nhưng ngài không dùng. ÀLAMBÀYANA vào chầu xin Ðức vua BÀRÀNASÌ cho phép Bồ Tát vào múa trong đền. Ðức vua cho bá cáo đến dân chúng hay, để vào xem Rồng của ÀLAMBÀYANA múa trong ngày bát quan trai giới. Nói về khi ÀLAMBÀYANA bắt đức Bồ Tát, ngày đó, mẹ của Ngài là Hoàng Hậu SAMUDDHAJÀ, nằm mộng thấy người đen, mắt đỏ, cường tráng cầm dao, lại chặt lấy tay mặt của bà đem đi, máu chảy ròng ròng. Giựt mình thức dậy, bà rất lo sợ sự tai hại đến chồng con, nhất là nhớ tưởng đến đức Bồ Tát, vì Bồ Tát lên nhân gian thọ bát quan trai giới, có lẽ con bà bị thầy rắn bắt rồi chăng? Càng nhớ đến Bồ Tát bao nhiêu, thì bà càng đau đớn bấy nhiêu. Ðến nữa tháng mà không thấy Bồ Tát về, mẹ Ngài thêm buồn thảm, khóc tham không dứt, bỏ ăn quên ngủ. Nói về ba con của bà là: SUDASANA, ARITTHA và SUBHOGA đến thăm mẹ, thấy mẹ rầu buồn não, khóc than, nằm im trên long sàn không thốt lời chi mừng như mọi khi, nên lấy làmlạ liền quỳ tâu hỏi cho biết duyên cớ. Bà liền cho ba con biết về điềm mộng mà bà đã thấy và đã quá kỳ rồi, nhưng không thấy con BHÙRIDATA về thăm như mọi khi. Bà cho ba con hay rằng: Nếu mẹ không gặp con BHÙRIDATA thì khó sống được. Nghe lời mẹ than van buồn xót dạ, mong tìm cho ra tin tức của Bồ Tát, bèn quỳ tâu với mẹ rằng: Xin mẹ giãm cơn hiền não, để ba con hết lòng trải đi do tin tức của BRÙRADATA. Người anh cả là SUDASANA nghĩ rằng: Sự đi tìm BRÙRADATA đây không nên đi chung một đường, vậy ta nên chia ra; một người đi lên cung trời, một người lên núi tuyết sơn, một người đi tìm trong cõi người. Cần phải đi tìm trong ba cõi mới tiện. Vả lại em KÀNÀRITTA hung dữ lắm, nếu để đi trên nhân gian gặp em BHÙRIDATA trong châu quận nào, thì em đốt phá châu quận đó tiên tan ra tro bụi. SUDASANA là anh cả xét thấy như thế, mới nói với em, KÀNÀRITTHA rằng: Này em ARITTHA! Hôm nay định đi tìm em BHÙRIDATA, nếu chúng ta đi cùng nhau một đường thì không nên, em lãnh phận sự lên thượng giới, vì chư Thiên, hằng mong thính pháp. Có lẽ Chư Thiên muốn thỉnh em BHÙRIDATA lên Thiên cung chăng? Nếu gặp em BHÙRIDATA, em nên mau mời về. Tuân theo lệnh anh, KÀNÀRITTHA kiếu từ ra đi. SUDASANA gọi em SUBHOGA đến dạy rằng: Em lãnh lệnh đi núi Tuyết sơn, phải tìm cho khắp núi sông, rồi sẽ trở về cho mẹ biết. Về phần SUDASANA là anh cả lãnh trọn trách nhiêm lên nhân gian, nhưng nghĩ rằng: Nếu ta hoá ra một thanh niên đi tìm thì không hay bằng tướng mạo của người xuất gia. Bậc xuất gia là hạng đáng cho phần đông kính mến. Vậy ta nên đi dưới hình thức vị đạo sĩ trong thời này. Nghĩ rồi bèn biến làm Ðạo sĩ quỳ lạy từ giã mẹ, mong lên cõi người như thế. Ngày ấy, có một long nữ tên ACCAMUJÌ là em gái của đức Bồ Tát. Nàng ACCAMUJÌ đây rất mến thương Bồ Tát, thấy SUDASANA biến làm đạo sĩ định lên trần gian kiếm BHÙRIDATA nên thưa rằng: Thưa anh, tôi rất khổ tâm vì quá nhớ tưởng đến anh BHÙRIDATA, xin cho tôi đi tìm anh BHÙRIDATA cùng với vương huynh, xin vương huynh tội nghiệp từ bi cho em đi với. - Này em! Em cùng đi không tiện đâu, vì anh đi bằng tướng người đạo sĩ, em là người phụ nữ không tinh khiết cho bậc xuất gia, không nên đi cùng nhau đâu. - Xin anh đừng lo ngại, tôi không đi bằng tướng người, tôi biến thành con nhái thật nhỏ và xanh, rồi ẩn trong búi tóc của anh. - Ờ! Như thế thì được. Nàng ACCAMUJÌ biến thành làm con nhái xanh núp trong búi tóc của người anh là SUDASANA. Nói về SUDASANA mong trải đi tìm từ nơi đức Bồ Tát thọ bát quan trai giới, theo lời chỉ của các long nữ vợ của Bồ Tát. SUDASANA đến nơi đó, đạp nhằm những cục máu của em trai văng ra, và thấy chỗ mà ÀLAMBÀYANÀ dùng dây làm giỏ còn bỏ rác tại đó, nên biết rằng BHÙRIDATA đã bị thầy rắn bắt đem đi, rồi than rằng: Ôi! Thầy rắn độc ác quá, đến làm tội em ta cho đến chảy máu còn thấy như vầy. Ôi! Không rõ em ta ra sao? thầy rắn đem em ta đến nơi nào? Ðạo sĩ càng nghĩ đến, càng đau đớn xót xa. Em BHÙRIDATA Ôi! Em chưa từng bị đau khổ, chỉ quen hưởng sự cao sang hạnh phúc, nay em phải chịu kể hổ hình, nằm trong giỏ dây nhợ hẹp, trăm phần khổ não. SUDASANA khóc than kể lể thật là thảm thiết, rồi noi theo dấu chân đi của ÀLAMBAYANA cho đến nơi ÀLAMBAYANA cho Bồ Tát múa nhảy đầu tiên. SUDASANA hỏi thăm người có thấy thầy rắn đem Rồng đến nhảy múa trong nơi nào chăng? - Bạch đạo sĩ! Có người thầy rắn đem Rồng đến đây cho phần đông xem cách nay đã nữa tháng rồi. - Này các ông! Thấy họ xem rồi có cho tiền thầy rắn không? - Bạch, thầy rắn góp được 1000 lượng - Thưa quý ông, nay thầy rắn đem Rồng đến đâu? Nhờ người chỉ giùm, nên đạo sĩ lần hồi đến đền vua BÀRÀNASÌ. Khi SUDASANA vừa đến cửa thành cũng vừa gặp ÀLAMBÀYANA dạy người quảy giỏ đựng Bồ Tát đồng đi vào thành. khi vào thành nội,đến giờ diễn kịch, Ðức vua còn ngự trong cung nội, dạy các quan ra cho phép diễn cho dân chúng xem trước. Về ÀLAMBÀYANA dạy người để giỏ đựng Bồ Tát xuống, rồi ra dấu hiệu rằng: Này Long Vương! Ngươi hãy ra khỏi giỏ đi. Lúc ấy SUDASANA nghe rõ lệnh truyền của ÀLAMBÀYANA. Ðức Bồ Tát bèn nghiêng đầu ra khỏi giỏ liếc xem dân chúng trước khi diễn kịch, đây là thói quen của loài Rồng, do hai nguyên nhân là:
Các loài Rồng nếu thấy Ðiểu Vương thì không dám diễn kịch, vì sợ hại đến sinh mạng. Nếu gặp quyến thuộc, Rồng cũng không diễn kịch, vì hổ thẹn với thân tộc. Khi BHÙRIDATA liếc xem công chúng như thế, bèn thấy anh mình là SUDASANA biến hình làm đạo sĩ, đứng ở nơi cuối cùng công chúng. Ðức Bồ Tát không thể dằn lòng, hai hàng lệ tuôn rơi, Ngài ra khỏi giỏ rồi trườn mình đi đến trước mặt SUDASANA là anh Ngài, trong lúc ấy. Quần chúng thấy đức Bồ Tát trườn đến, mọi người hoảng hốt, chạy tránh xa chẳng ai dám đứng trong nơi ấy,chỉ còn SUDASANA (đạo sĩ). Ðức Bồ Tát bò đến nghiêng đầu xuống nơi chân anh. Trước cảnh tan thương ấy đạo sĩ SUDASANA cầm lòng không đậu, cũng ứa lệ dầm dề, rồi đức Bồ Tát trườn mình trở lại như trước. ÀLAMBÀYANA tưởng rằng Rồng mình đã mổ đạo sĩ, nên vội vàng đến an ủi đạo si và bạch rằng: Bạch Rồng có cắn mổ ngài chăng? Xin Ngài cho biết để tôi cho thuốc. Tôi là thầy rắn đại tài, xin Ngài đừng lo ngại chi, sự cứu chữa cho Ngài là bổn phận tôi. SUDASANA đáp: Này ÀLAMBÀYANA, Rồng này không thể cắn mổ làm cho ta phải đau khổ đâu, dầu có cắn mổ cũng chẳng làm hại được ta, ta đây cũng là thầy rắn vậy. Chẳng có thầy rắn nào sánh bằng ta đâu. Khi SUDASANA thốt lời như thế, ÀLAMBÀYANA không rõ đạo sĩ là Long Vương, cho là người tầm thường, nên anh rất bất bình, rồi tuyên bố với quần chúng như vầy: Xin công chúng đừng khiển trách tôi, vì tại đạo sĩ gây chuyện trước. Khi được nghe như thế, SUDASANA đáp: Này ÀLAMBÀYANA! Anh đừng làm phiền công chúng, nếu anh nói mình là cao cường hãy cùng ta so tài cho quần chúng thấy rõ, anh dùng Rồng, tôi dùng con nhái con, để đấu cho nhau rõ tài cao thấp, với số bạc là 5 ngàn lượng. - Tôi giàu có không thiếu, chỉ lo cho ông không có tiền. này đạo sĩ! Ông là kẻ nghèo chỉ khoe khoang bằng lỗ miệng dám đánh cuộc [7] đến 5 ngàn lượng. Vậy ai là người hộ ông, ông là hàng xuất gia, tiền bạc đâu? ông hãy đem đến trước đi. - Này ÀLAMBÀYANA, ta có 5 ngàn lượng thật. Nói xong, SUDASANA vào đền nội của vua đến trước bệ Rồng tâu rằng: Tâu Hoàng Thượng, người là bậc cao quí, có cả đủ sự giàu sang, thanh danh bốn bể, cầu Hoàng Thượng nghe lời tôi tâu. Xin Hoàng Thượng tế độ cho tôi 5 ngàn lượng, bây giờ đây. Ðức vua nghe qua, lấy làm ngạc nhiên rằng: Tại sao đạo sĩ này đến xin tiền ta như vầy? Ngài nghĩ xong bèn phán hỏi: Bạch Ngài, đến xin tiền ta nhiều như vậy, có l? Ngài là thân tộc hay bạn thân thiết của Trẫm chăng? Trẫm đã có hứa trước nên mới đến như vầy, hoặc Ngài dối gạt Trẫm chăng? Nên Ngài mới tự mình đến đây như thế? - Tâu, nay ÀLAMBÀYANA đánh cuộc với tôi 5 ngàn lượng, với một vấn đề trắc ẩn. Do đó, nên tôi đến đây xin Ngài 5 ngàn lượng và xin thỉnh Hoàng Thượng ra chứng minh một chút. Vậy kính thỉnh Hoàng Thượng cùng tôi ra đến đó. Ðức vua cùng đạo sĩ ra nơi diễn kịch. Phần ÀLAMBÀYANA thấy bèn nghĩ rằng: Có lẽ đạo sĩ này có Ðức vua hộ độ, nên mới thỉnh được vua ra đây. Xét như thế nên có ý lo sợ đạo sĩ. ÀLAMBÀYANA bạch: Tôi không dám khinh rẽ Ngài đâu, tôi vừa nói lúc nảy là vì thấy Ngài không kiêng nể, không cúng dường Rồng có nọc độc. Tôi đâu có khinh ngài hiểu biết thấp hèn. - Này ÀLAMBÀYANA! Bởi ngươi đem Rồng không có nọc độc mà cho rằng có nọc độc, nên ta cho công chúng rõ biết vậy thôi. Nghe lời khinh khi của đạo sĩ, ÀLAMBÀYANA càng thêm sân nên đáp rằng: Này ông đạo sĩ mặc y vàng da cọp, dốt nát si mê, ông đến đây dám nói giữa đám đông rằng Rồng không có nọc độc, như vậy có nên chăng? Ôi! Nếu tôi nói rằng Rồng không nọc độc, thử vào gần đây một tí, nếu không ra tro bụi thì bắt lấy đi. - Này ÀLAMBÀYANA! Nọc rắn mãng xà, rắn nước, rắn lục còn hơn Rồng của ngươi nữa. Rồng đỏ này không có nọc độc, ngươi lừa phỉnh người đó, chớ dối ta không được. - Này đạo sĩ! Như tôi đã có nghe rằng: Người có đức tin là thí chủ, nên hộ độ có bậc giới như A la hán, có thiền định cao quí, sau khi mạng chung sẽ được thọ sanh lên cõi trời. Nay nếu ai là đàn-na có vật chi hãy bố thí mau đi, để rồi đạo sĩ này đền tội với Rồng. Rồng này có nhiều nọc độc khó biết được, ta cho nó mổ ông bay giờ đây, sẽ thành ra tro bụi mà xem. - Này ÀLAMBÀYANA! Nếu ngươi có của nên làm phước cho mau đi, rồi ta cho nhái con tên là ACCAMUJÌ xịt nọc độc cho ngươi thành tro bụi lập tức bây giờ. SUDASANA liền đưa tay ra gọi em gái giữa quần chúng rằng: Này em ACCAMUJÌ! Em hãy ra khỏi đầu tóc và đến bàn tay của anh ngay bây giờ. Nàng ACCAMUJÌ nghe anh gọi, bèn thực hành y theo lời dạy. SUDASANA hét lên tiếng "Biên thuỳ sẽ tiêu tan". Tiếng hét của SUDASANA nghe vang cả thành BÀRÀNASÌ rộng 12 do tuần. Khi SUDASANA hét lên rằng "Biên thuỳ sẽ tiêu tan" lúc ấy Ðức vua SAGARABRAHMADATA phán hỏi: Bạch đạo sĩ, tại sao biên thuỳ sẽ tiêu tan? - Tâu, tôi không thấy nơi nào để xịt nọc độc, nên phải xịt trong biên thuỳ, biên thuỳ sẽ thành ra tro bụi. - Vậy đổ xuống đất có được chăng? - Tâu, nếu xịt trong đất sẽ sanh lên nọc mới, rồi làm hại nữa. - Vậy liệng trong nước đi. - Như thế làm hạn hán 7 năm, cũng không nên. - Than ôi! Tôi chẳng biết làm sao,tuỳ ý Ngài định, mà làm thế nào cho xóm, làng, châu, quận thành thị đừng hư hao. - Tâu, xin Hoàng thượng cho người đào ba cái hầm. Ðức vua dạy dân chúng lập tức đào ba cái hầm tại nơi ấy. SUDASANA dạy lấy củi chất đầy hầm thứ nhất, rồi đem nọc độc đổ vào cho đầy, liền dẫn lửa phát cháy hầm thứ nhất, kế đến hầm thứ nhì, thứ ba cũng như thế cho đến khi cháy hết nọc độc Nói về ÀLAMBÀYANA bởi nghiệp ác đã tạo, nên khiến y đứng gần miệng hầm, khi lửa trong hầm phát, cháy thiêu cả thân thể ÀLAMBÀYANA tiêu tan ra tro. Trong lúc đó, chỉ được nghe tiếng ÀLAMBÀYANA la lên rằng: Ta thả Rồng này. Ðức Bồ Tát nghe tiếng la của ÀLAMBÀYANA như vậy, liền bò ra khỏi giỏ, rồi hoá ra hình người xinh đẹp, có đủ cả phục sức, đến đứng trước mặt Ðức vua BÀRÀNASÌ là bác của ngài, giống như vị trời Ðế Thích. SUDASANA và nàng ACCMUJÌ cũng trang điểm như Bồ Tát vậy. SUDASANA bèn tâu hỏi Ðức vua rằng: Tâu Hoàng Thượng, Ngài có biết chúng tôi đây là ai chăng? - Trẫm nào có rõ. - Tâu, lệnh Hoàng Thượng có biết SAMUDDHAJÀ mà Ðức vua BÀRÀNASÌ đã gả cho Ðức Long Vương DASARATTHA chăng? - Ờ, Trẫm biết nàng SAMUDDHAJÀ, tức là em của trẫm. - Tâu, chúng tôi đây không ai đâu xa lạ, tức là con của bà SAMUDDHAJÀ là em gái của lệnh Hoàng Thượng, Ngài là bác của chúng tôi. Ðược nghe như thế, Ðức vua rất mừng, bèn đến ôm các cháu, rồi đồng nhau vào cung nội, cúng dường rất trọng thể. Ðức vua tỏ lời thiện cảm hỏi BHÙRIDATA rằng "Cháu ôi! Trong tất cả các cháu đây, cháu có nhiều uy lực thần thông, vì sao mà ÀLAMBÀYANA bắt cháu được?" - Tâu, vì cháu đang thọ trì bát quan trai giới và phát nguyện thí máu, xương, thịt, da cho Ðức vua nghe đầy đủ, xong đức Bồ Tát thuyết 10 vương pháp [8] đến Ðức vua bác và khuyên Ngài gìn giữ 10 pháp ấy. SUDASANA tâu: Chúng tôi ở đây không tiện, vì mẹ chúng tôi rất buồn rầu thương nhớ em BHÙRIDATA. - Trẫm đây hằng nhớ tưởng em trẫm, là mẹ các cháu. Làm thế nào cho Trẫm được em Trẫm? - Tâu, ông ngoại của các cháu hiện nay ngụ trong nơi nào? - Cháu ôi! Từ ngày mẹ cháu về Long cung, thì ông ngoại các cháu rất thương nhớ, rồi từ bỏ ngôi vàng vào tu trong núi. - Tâu, mẹ cháu, thường nhớ tưởng, mong được gặp bác và ông ngoại .nay bác mong được gặp mẹ cháu, xin bác di tìm ông ngoại thỉnh về, rổi chúng cháu sẽ mời mẹ chúng cháu gặp bác và ông ngoại. Sau khi quyết định ngày hội họp, SUDASANA, BHÙRIDATA, và long nữ ACCAMUJÌ lạy từ giã vua bác trở về Long cung . khi đức Bồ Tát về đến Long cung, tất cả triều thần đề nghe tiếng hoan hô chào mừng Bồ Tát. Cha mẹ Bồ Tát ra mừng. Bồ Tát làm lễ mừng cha mẹ, xong rồi trở về cung điện của Ngài. Bồ Tát an nghỉ để dưỡng sức, vì đã chịu nhiều đau khổ trong tháng qua. Những thân tộc của Bồ Tát đến viếng, lần lượt kẻ tới người lui nhiều không kể xiết. Nói về KÀNÀRITTHA lên Thiên cung, tìm không gặp đức Bồ Tát nên trở về nước, những hoàng thân thấy KÀNÀRITTHA có tính cộc cằn, có thể ngăn cản thân tộc được, nên khuyên giữ ngọ môn cho Bồ Tát an nghỉ Còn SUBHOGA khi lãnh trách nhiệm đi tìm Bồ Tát khắp núi Tuyết Sơn mà không gặp, bèn xuống kiếm trong biển cho đến sông YAMANÀ. Nói về người thợ săn là cha của SOMADA khi thấy ÀLAMBÀYANA bị hình phạt như thế, nên nghĩ rằng: Vì ta mong được ngọc ma ni nên chỉ cho ÀLAMBÀYANA đến làm khổ đức BHÙRIDATA. Vậy ta phải rửa tội, đừng cho tội dính theo mình, rồi đến sông YAMANÀ, xuống tắm, khẩu cầu cho hết tội lấy ơn làm oán, ấy là người bạc ơn quên nghĩa với đức BHÙRIDATA. Khi SUBHOGA đến nơi đó, vừa được nghe lời khẩn vái của người thợ săn, nghĩ rằng: Thợ săn này là kẻ bạc ơn, anh ta đem hắn về Long cung để hưởng đầy đủ sự sang cả an vui, nay hắn lại chỉ đường cho ÀLAMBÀYANA đến bắt làm khổ anh ta, ta để hắn sống thế nào cho được ... Nghĩ rồi phát sân, bèn dùng đuôi quấn chân người thợ săn lội qua vực sâu cho hắn ngộp thở một chút rồi cho nổi lên,làm khổ hắn nhiều lần như vậy. Khi người thợ săn cất đầu lên khỏi nước bèn hỏi: Ai nhận nước ta đây, ta chẳng rửa tội, sao mà nở làm khổ ta như vậy.? - Này thợ săn! Ta là em của đức BHÙRIDATA con của Ðức vua DASARATHA đã đến vây thành BÀRÀNASÌ lúc trước đó,ngươi không biết sao? Ta là loài Rồng tên SUBHOGA. Thợ săn nghe rồi khủng khiếp. Ôi phen này mạng ta khó sống. Vậy ta nên tỏ lời ca tụng danh dức của SUBHOGA và cha mẹ y, mong cầu SUBHOGA thương xót tha thứ cho. Nghĩ xong bèn thưa rằng: Thưa Ngài, Ngài là Hoàng Tử của Ðức vua DASARATHA là vị Hoàng Ðế duy nhất, có nhiều đức hạnh không ai sánh bằng. hoàng phụ của Ngài và đại Hoàng Ðế và cõi, nơi Long cung và trên trần gian, mẫu hậu ngài cũng thế, không ai sánh kịp. Trong đời này, Ngài là bậc cao sang quân tử lẽ đây lại đến nhận nước thợ săn như tôi thế này, xin Ngài rộng lượng từ bi tha tôi tội chết. - Này thợ săn ác đức! Ngươi đừng nhiều lời vô ích, ta không tha ngươi đâu. Khi ngươi còn đi săn, sát hại thú rừng, thú chạy trốn, cha con ngươi đuổi theo cố tìm giết cho được. anh ta đem ngươi xuống Long cung, cho ngươi hưởng đầy đủ sự giàu sang phú túc, kẻ tuỳ tùng hậu hạ, ngươi lại đem ân báo oán, chỉ đường cho ÀLAMBÀYANA. Bắt hành hạ anh ta. Nay ta không thể cho ngươi sống đâu, ta nghĩ đến tội của ngươi đã làm chừng nào, khiến ta càng thêm phiền não, ta sẽ chặt đầu ngươi ngay bây giờ đây. Nghe những lời của SUBHOGA nói, anh thợ săn càng hoảng hốt, mới dùng mưu chước tỏ rằng: Ba la mật có đủ ba chi:
Bà La Môn nào thông rõ kinh Tam Phệ Ðà như vậy, ngươi không nên giết hại. Kẻ nào làm khổ Bà La Môn có đủ ba chi ấy, phải chịu đọa trong địa ngục, bị hành phạt lâu đời. SUBHOGA nghe lời người thợ săn nói như vậy, liền nghĩ rằng: Có lẽ như thế chăng? Vậy ta bắt thợ săn này đem về hỏi anh ta xem, nếu thật ta sẽ tha hắn, bằng không, ta sẽ xử tội hắn. Nghĩ xong SUBHOGA dẫn thợ săn về Long cung. Trước khi vào đền, liền gặp em KÀNÀRITTHA lãnh phần gác cửa cho anh BHÙRIDATA ATHANAM DOVÀRIKO HUTVÀ KÀNÀRITTHO. Nói về KÀRÀRITTHA tại ngọ môn quan, thấy anh là SUBHOGA làm khổ Bà La Môn nên nói rằng: Bà La Môn là con Ðại Phạm ThiênVương, nếu Ngài biết chúng ta, Ngài sẽ làm chúng ta tiêu tan chẳng sai đâu. Này anh SUBHOGA! Bà La Môn là hạng cao quí nhất, có nhiều uy lực (vì tiền kiếp ARITTHA đã sanh là Bà La Môn cúng dường lửa, nay sanh lên là KÀNÀRITTHA mới tôn kính cúng dường Bà La Môn như vậy). ARITTHA gọi anh là SUBHOGA và các loại Rồng hội họp lại rồi thuyết pháp về đạo đức cúng dường lửa của Bà La Môn rằng: Này anh SUBHOGA! s? thông hiểu kinh Tam Phệ Ðà và cúng dường lửa không phải là thấp hèn đâu, dầu là Bà La Môn nào hèn hạ, nếu đã được học kinh phệ đà và cúng dường lửa, người người đều kính phục chẳng nên làm khổ Bà La Môn ấy; kẻ nào dễ duôi khinh rẻ, họ sẽ bị tiêu tan của cải và hại đến sinh mệnh. - Này anh SUBHOGA! Anh có biết chúng sanh trong thế gian, ai sanh ra chăng? - Tất cả chúng sanh đều do Ðại Phạm ThiênVương mà có, Ðại Phạm ThiênVương là cha của Bà La Môn. Ngài tạo ra tất cả, ngài chia ra hạng người da đen, trắng vàng v.v... dòng vua, quan, dân... Ngài dạy Bà La Môn chỉ nên học kinh phệ đà, cúng dường lửa. hàng vua chúa không nên làm công việc khác ngoài sự thắng kẻ nghịch và gìn giữ bờ cõi nước nhà; kẻ nông phu chỉ học nghề cày cấy mà thôi. - Này anh SUBHOGA! Bà La Môn có nhiều đức tính đáng tôn sùng dâng cúng, các thí chủ sẽ được lên cõi trời và mặt trăng v.v... đều nhờ cúng dường Bà La Môn mà được hưởng nhiều hạnh phúc như thế. Thuở xưa, có một vị vua tên ANUJA có đủ hùng tướng mạnh đáng sợ. Ngài tin tấn cúng dường lửa, cung cấp các thầy Bà La Môn, nên sau khi thăng hà được thọ sanh lên cõi trời. - Còn một vị vua nữa, thống trị trong kinh đô BÀRÀNASÌ. Ðức vua này cũng tin theo các thầy Bà La Môn, cúng dường các Ngài được đầy đủ an vui, sau khi bỏ ngủ uẩn cũng được lên thiên cung. - Anh nên biết, Bà La Môn là bậc đáng cúng dường trong đời. - Có một vị Hoàng Ðế nữa hiệu là JUPUJADINNA trong thủ đô BÀRÀNASÌ cố ý mong về cõi trời, rồi phán hỏi các vị Bà La Môn, các Ngài khuyên dạy cúng dường các thầy Bà La Môn và Chư Thiên của Bà La Môn (trời của Bà La Môn tức là lửa, cho lửa ăn sữa v.v...) đức Hoàng Ðế nghe rồi tinh tấn thực hành theo, sau khi mạng chung cũng được lên Thiên cung. - Này anh SUBHOGA! anh có biết nước biển vì sao mà mặn không? - Anh đâu có rõ. - Anh chỉ làm khổ Bà La Môn, anh có biết vì nguyên nhân nào mà nước biển mặn. Các Bà La Môn có thuật lại rằng: Thuở xưa có một vị Bà La Môn, có nhiều đức tính, thông hiểu kinh phệ đà,mong rửa tội, nên xuống biển vì thương mình theo cách rửa tội. Lúc ấy nước biển lớn lên tràn ngập vị Bà La Môn cho đến chết. Ðại Phạm Thiên là cha của vị Bà La Môn ấy, khi được rõ nước biển lên lấp khỏi đầu, hại con ngài, nên Ngài giận mới phán rằng, không một ai uống được. Cho nên từ đó đến nay nước biển vẫn mặn không một ai uống được. - Này anh SUBHOGA! Vị Bà La Môn này có nhiều đức tánh là bậc đáng cúng dường của trời Ðế Thích. KÀNÀRITTHA tán dương uy đức kinh phệ đà và Bà La Môn theo sự tín ngưỡng của y là sự tà kiến, sai pháp luật như thế. Tất cả loài Rồng đến thăm và hầu hạ đức Bồ Tát,khi được nghe lời giảng giải của KÀNÀRITTHA đều tin theo tà kiến cả, vì cho rằng ARITTHA nói đúng. Ðức Bồ Tát nằm trên long sàn nghe ARITTHA thuyết từ đầu đến cuối, Ngài bèn nghĩ rằng: Ðể ta phá nghi cho phần đông khỏi lầm lạc, bỏ hẳn tà kiến mà theo về chánh kiến. Ngài bèn dậy đi tắm rửa xong, lên ngồi trên bảo tọa, gọi tất cả đến nghe rằng: "Này ARITTHA! Những lời em giảng về đức của kinh phệ đà, sự cúng dường, với đức của Bà La Môn đều là tà kiến, mà các thầy Bà La Môn soạn để lại cho chúng được phát sanh lợi lộc. Các bậc trí tuệ không bao giờ tin tưởng những điều ấy. Sự cúng dường lửa không đem về cõi trời được đâu. Lời của em giải đó, anh không nhận một câu nào là chơn chánh cả. Này em ARITTHA! Những người đọc đủ Tam Phệ Ðà, chỉ làm cho những kẻ si mê, lầm lạc, chớ bậc trí tuệ không ai vừa lòng nghe đâu. Những kẻ ngu dốt mới chịu lời dạy bảo ấy. Nếu ai tin theo ắt phải sa vào bốn ác đạo. Ví như loài thú thấy sóng nắng tưởng là nước, mong được uống, nhưng nào có nước, rồi phải chịu chết khát giữa trời như thế nào; kẻ si mê vô trí tuệ, khi nghe thấy không phân biệt, hiểu quấy theo Tam Phệ Ðà, thực hành theo thân khẩu, ý ác, sai lời Phật dạy ắt sẽ bị hại trong kiếp này và đời sau, cũng như loài thú thấy sóng nước cho là nước vậy. Này em ARITTHA! Kẻ ngu dốt lầm lạc theo Tam Phệ Ðà, làm điều tội lỗi, tạo nghiệp ác, phản bạn, hành trái với chân lý, khi quả theo kịp sẽ chịu nhiều thống khổ. Không nên nương theo kinh phệ đà đâu. Cái quả học Tam Phệ Ðà không sao che ngăn ác quả mà mình đã tạo, do đấy bậc trí tuệ không gọi là cao pháp quý đâu. Này em ARITTHA! Lời mà Bà La Môn nói Ðại Phạm Thiên dạy các Ðức vua phải chiến thắng kẻ thù nghịch, gìn giữ biên cương đó tin thế nào được. Này em ARITTHA! Tam Phệ Ðà là lời ghi chép tô điểm để lại của Bà La Môn theo sở thích, cũng như chỉ dụ của vua, nếu không lưu ý quan sát, thì khó phân biệt chân giả chánh tà. Ví như đường bị ngập, nếu thiếu óc suy xét thì khó đi được an vui. Này em ARITTHA! những người giàu có tận tụy tìm làm công việc là nhân mong được của cải, các Bà La Môn cũng có tâm xan tham tạo những tội ác là nhân sanh tội lỗi như thế, vì còn đủ 8 điều pháp thế gian [8] là: Ðược lợi thì mừng, thất lợi thì buồn, được quyền thì vui, mất quyền thì khổ v.v... Các Bà La Môn đây khác hẳn các Bà La Môn ngày xưa, bởi không thực hành chánh pháp theo Bà La Môn trước, không có trí tuệ quan sát chu đáo, để tìm tội phước chánh tà. Này em ARITTHA! chúng sanh hiệu hữu chẳng có một ai lìa khỏi 8 pháp thế gian đâu; các Bà La Môn cũng chưa khỏi, vẫn còn xao động vì 8 pháp thế gian giống nhau. Những điều giả dối phỉnh nguời là cao quí. họ chú tâm đế sự lợi lộc mong quyền thế mãi mãi, như thế thì cao quí chỗ nào? Khi đức Bồ Tát là bậc sẽ giác ngộ Chánh đẳng Chánh Giác, Ngài giảng thuyết phá tan tà kiến như thế, khiến những loài Rồng bộ hạ, nhất là em ARITTHA đều trở nên chánh kiến theo Ngài như thế. Về phần các loại Rồng, sau khi được nghe chánh pháp của đức Bồ Tát phát tâm hoan hỷ, ưa thích, hoan hô đức trí tuệ của Bồ Tát. Ðức Bồ Tát dạy đem người thợ săn thả về nhân gian. SÀGARABRAHMADANTO. Ðây nhắc về Ðức vua SÀGARABRAHMADANTO là vua bác của đức Bồ Tát. Ðức vua không quên lời hứa với các cháu của Ngài, nhất là với đức Bồ Tát. Ðến ngày hẹn, Ðức vua cùng các quan ngự đến tịnh thất, chỗ ngụ của vị đạo sĩ, là Phụ Vương của ngài. Về phần đức Bồ Tát, Ngài cũng tâu với cha mẹ Ngài hay, và thỉnh song thân của Ngài đồng lên nhân gian để viếng vua bác và ngoại tổ, có quân lính r?ng hộ giá Hoàng gia đến sông YAMANÀ, ngự ngay đến tịnh thất của vị đạo sĩ ngoại tổ. Ðức Bồ Tát ngự đi trước các anh em và cha mẹ Ngài lần lượt đến sau. Ðức vua BÀRÀNASÌ là vua bác đã đến trước trong tịnh thất của Phụ Vương ngài; xem thấy đức Bồ Tát đến với rất nhiều quân binh, Ðức vua nhận không biết là cháu, mới bạch hỏi Phụ Vương rằng: - Tâu phụ vương. Ðức vua ngự đến đó có đủ quân binh hộ giá, trang sức đủ 7 báu chói lọi rực rỡ. Ðường đường chính chính như Ðế Thích thắng hơn A Tu La vương. Ðức vua này danh hiệu là chi? Ngự trong kinh đô nào? Ðức Ðạo sĩ đã đắc ngũ thông có nhiều uy lực, khi nghe vua SÀGARABRAHMADATA, là Hoàng Nhi của ngài, tâu hỏi như thế, mới đáp rằng: Này Hoàng Nhi! Ðức vua đấy không phải là ai xa lạ, tức là cháu của Hoàng Nhi tên BHÙRIDATA là con của nàng SAMUDDHAJÀ, em gái của Hoàng Nhi và là vợ của Long Vương DASARATHA dưới Long cung . Khi Ðức vua SÀGARABRAHMADATA đang đàm thoại cùng Phụ Vương thì các tướng Rồng đến, và quì mọp làm lễ rồi ngồi nơi phải lẽ. Về phần BHÙRIDATA (Bồ Tát), SUDASANA, SUBHOGA, ARITTHA và Ðức Long Vương DASARATHA đồng nhau làm lễ vị đạo sĩ và Ðức vua SÀGARABRAHMADATA. Khi đó, đáng thương xót cho nàng SAMUDDHAJÀ từ ngày nàng xa cách vương huynh của nàng là SÀGARABRAMADATA, ngự xuống Long cung, đến nay rất lâu, cho đến khi cả bọn con của nàng trưởng thành, nàng mới gặp được anh. Lạy cha, mừng rồi nàng than khóc kể lể chuyện hàn huyên ấm lạnh, cơn nhớ tưởng thiết cha, tình thương yêu thân thiết với cha và anh. Khi đã được giải buồn, bà hỏi thăm chuyện trò cho đến hừng sáng Nàng SAMUDDHAJÀ và bốn con, đồng nhau lạy từ biệt đức đạo sĩ và Ðức vua SÀGARABRAMADATA. trở về Long cung. Phần Ðức vua SÀGARABRAMADATA ngự lưu lại với đạo sĩ là Phụ Vương của Ngài đến hai, ba ngày sau mới từ tạ trở về kinh đô BÀRÀNASÌ. Nàng SAMUDDHAJÀ về Long cung cho đến ngày mạng chung tại cõi rồng. Ðức BHÙRIDATA (Bồ Tát) hằng thọ trì giới được trong sạch cho đến ngày tan rã ngũ uẩn, được sinh lên Thiên cung. Những loài rồng nghe theo lời dạy của đức Bồ Tát cũng được lên cõi trời rất đông. SATTHA - Ðức Giáo Chủ khi đã thuyết xong bèn giải tiếp rằng: Này chư thiện tín! Cận sự nam là bậc hiền minh ngày xưa là Như Lai đây, dầu trong kiếp trước. Như Lai l?n kiếp là BHÙRIDATA cũng từ bỏ sự cao sang quyền thế nơi cõi rồng, tìm chỗ để thọ bát quan trai giới không dễ duôi, như thế. Ðức Phật giảng xong, Ngài hợp các tiền kiếp lại như vầy: TADÀ KALE MÀTÀPITATO - Trong thuở đó, đức hàng phụ và mẫu hậu của BHÙRIDATA nay là Tịnh Phạn Vương và MÀYÀ Hoàng Hậu; (NESADO) – người thợ săn nay là Ðề Bà Ðạt Ða, SAMADATO (SOMADATA) nay là ANANDA, (ACCAMUJÌ) – nàng ACCAMUJÌ nay là Tỳ khưu ni UPAVANNATHERÀ - SUDASANA nay là đức Xá Lợi Phất, SUBHOGA nay là Ðại ÐứcMục Kiền Liên, KÀNÀRITTHA nay là Tỳ khưu SUNAKKHATATHA, BHÙRIDATA nay là Như Lai đây. Chú thích:
-ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | Mục lục |
Chân thành cám ơn anh NTH đã giúp đánh máy vi tính -- Bình Anson, tháng 6-2001
update: 10-06-2001