BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


THẬP ÐỘ

HỘ TÔNG TỲ KHƯU
(VANSARAKKHITA MAHA THERA)


  

[07]

MAHOSATHA JÀTAKA
TRUYỆN MAHOSATHA

BỒ TÁT TU HẠNH TRÍ TUỆ BA LA MẬT


PANCÀLO SABBASENÀYÀTI IAM DHAMMADESANAN SATTHÀ JETAVANE VIHARANTO PANNÀPÀRAMÌ ARABBHA KATHESI.

Thưở đức Giáo Chủ ngự trong Kỳ viên tịnh xá. Ngài thuyết về tích MAHOSATHA Bồ Tát tu hạnh trí tuệ Ba la mật, nhất là:

PANCÀLO SABBSENÀYA ITI ...

Giảng thuyết rộng ra rằng: EKADIVASAM. Một ngày nọ đức Thế Tôn gọi: Này các Tỳ khưu. Trong thời quá khứ có một vị Hoàng Ðế danh là VIDEHARÀJA thống trị trong thủ đô MITHILÀ. Ðức vua có bốn vị giáo sư là: SENAKA, KAMINDA, DEVINDA, và PAKUTTHA.

Một đêm kia, Ðức vua nằm mộng thấy như có bốn đám lửa cháy lên ngọn bằng nhau. Có một tia lửa nhỏ bằng con đom đóm, ở giữa bốn đám lửa ấy, phực cháy lên ánh sáng rực rỡ chiếu diệu bốn phương trời (chỉ cõi Phạm Thiên)

Chúng dân đều đem lễ vật đến cúng dường, đi dập trên ngọn lửa đó, nhưng không bị phỏng. Khi vua tỉnh giấc cho đòi bốn vị giáo sư vào dạy đoán điềm mộng của Ngài.

Bốn vị giáo sư tâu: - Bốn đám lửa to, tức là bốn chúng tôi, thường hầu lệnh Hoàng Thượng mỗi ngày đây.

Còn tia lửa nhỏ chiếu sáng bốn hướng, cao tột trời che áng bốn chúng tôi là bậc có nhiều trí tuệ.

Nói về đức Bồ Tát từ cung trời Ðạo Lợi giáng sanh vào lòng bà SUMANADEVÌ, vợ ông Triệu phú SIRIVADDHANASETTHI ở phía đông nhà vua. Lúc ấy cũng có một ngàn vị trời cùng giánh sanh với đức Bồ Tát, làm con của một ngàn tiểu phú gia ở gần đó.

Ðến kỳ khai hoa, đức Ðế Thích để một hoàn thuốc vào tay đức Bồ Tát, sanh ra khỏi lòng mẹ, đức Bồ Tát có cầm hòn thuốc, mẹ Ngài thấy vậy, hỏi con cầm vật chi trong tay?

Bồ Tát tuy mới sanh mà biết nói đáp: - Thưa mẹ, đây là vị thuốc, ai có bệnh chi uống cũng mạnh.

Lập tức mẹ Ngài cho mài thuốc, bảo đem cho chồng uống, vì ông Triệu phú mang bệnh đã 7 năm mà chữa không lành. Khi uống vào thì ông triệu phú bình phục như xưa. Do đó mà đặt tên Bồ Tát là MAHOSATHA.

Từ đấy, tiếng đồn ai có bệnh chi đến xin thuốc uống đều lành cả.

Lên 7 tuổi, đức Bồ Tát thường hiệp chơi với một ngàn trẻ nhỏ, con của tiểu phú gia. Một ngày nọ, đang cùng nhau chơi ngoài trời, bị trận bão to các trẻ đều sợ tìm đụt mưa gió, đức Bồ Tát có sức mạnh nên chạy đến trước, mấy trẻ nhỏ kia chạy sau bị mưa gió to té khóc. Sau lúc đó, đức Bồ Tát bèn nói với các trẻ nhỏ kia rằng: - chúng ta hãy nên đậu tiền mỗi người một lượng để cất phước xá. Các trẻ đồng ý. Ðược một ngàn lượng luôn cả đức Bồ Tát, rồi mướn thợ cất 5 phước xá:

Phước xá dành cho các thầy sa môn, bà la môn.
Phước xá dành cho người thương mãi
Phước xá dành cho dành cho kẻ nghèo đói và phụ nữ mang thai
Phước xá để giảng đạo phá nghi những điều khó hiểu
Phước xá cho các diễn kịch viên

Cất xong, cho thợ vẽ nhiều bức tranh ảnh rât có mỹ thuật (có ao sen trồng đủ thức cây, vườn hoa, hồ tắm) trông thật ngoạn mục, như trên Thiên cung.

Những hành khách được đến đó đều ghé vào nghĩ mát, ngắm cảnh như ý muốn. Ðức Bồ Tát thường chăm nom, săn sóc và có trữ đủ các thức ăn, uống tắm rữa cho hành khách. ai có điều chi nghi ngờ, đều được đức Bồ Tát phá nghi, theo ý nguyện.

Nói về Ðức vua VIDEHARÀJA, hằng tưởng nhớ đến lời dự đoán của bốn vi giáo sư, nên cho quan quân đi xem xét bốn phương, để tìm nghe tin tức bậc trí tuệ. Các thám tử, dò xét đến hướng đông, gặp các phước xá của đức Bồ Tát, mướn thợ cất thật là đẹp. Hỏi han thì chúng dân cho biết những phước xá này, không phải tự nhiên mà thợ làm được. Nhờ HOSATHA KUMÀRA [1] mới lên bảy, có nhiều trí tuệ, dạy cho thợ cất và vẽ tranh đó. Vị thám tử nghe qua, rồi tính từ ngày Ðức vua nằm mộng đến nay là 7 năm, nên định chắc rằng đây là bậc trí tuệ ứng nghiệm theo điềm mộng của vua. Vị thám tử bèn viết sớ tâu lên vua rõ.

Ðức vua hỏi ý kiến bốn vị giáo sư, các vị này sợ có bậc trí tuệ đến thì mình sẽ mất lợi, nên tâu rằng: "Xin để cho quan quân xét nét rồi sẽ hay. Chớ sự cất phước xá dù tốt đẹp đến đâu ai cũng có thể tạo được"

Ðức vua nghe theo nên truyền cho thám tử ở lại trong nơi đó, chờ xem có chi lạ nữa chăng?

1- Một ngày kia, có người lái bò ở gần đấy thả bò cho ăn, còn anh chàng thì nằm nghỉ dưới bóng cây rồi ngủ quên. Kẻ trộm thấy vậy dẫn bò đi. Người chủ thức không thấy bò, tìm xem biết kẻ trộm dắt bò đi, anh chủ bò rượt theo kịp, đòi bò lại. Kẻ trộm cũng dành là bò của y. hai người cãi nhau đến gần phước xá của đức Bồ Tát, Ngài nghe biết rõ là của ai, nhưng, muốn cho công chúng phân minh, Ngài bèn hỏi kẻ trộm rằng:

- Bò này anh mua từ đâu?

- Thưa, bò này của tôi, sanh ra tại nhà.

- Anh cho nói ăn vật chi?

- Thưa, tôi cho nói ăn cháo hoặc đậu.

Ngài hỏi đến chủ bò:

- Anh được bò này tại đâu?

- Tôi đã mua nó tại làng kia, có nhiề người nghe thấy.

- Anh cho nó ăn vật chi?

- Thưa, tôi nghèo chỉ cho nó ăn cỏ.

Ðức Bồ Tát dạy người đem cháo đậu và cỏ để coi bò ăn vật nào. Thấy rõ, nó chỉ ăn cỏ, theo lời khai của chủ bò, nên chủ được trả bò lại. Phần đông bèn đánh đập kẻ trộm rồi đuổi đi.

2- Có một phụ nữ nghèo đến hồ tắm của đức Bồ Tát, thay y phục để trên bờ hồ, rồi xuống tắm. Có cô nọ thấy vật phát tâm tham, đi ngay đến hỏi thăm rồi lấy áo quần mặc thử xong, mang đi luôn. Người nữ đang tắm, bèn lên đuổi theo nắm kéo lại la rằng: Cô này lấy đồ của tôi. Cô trộm y phúc cãi rằng là của y. Phần đông nghe đều hội lại xem coi. Ðức Bồ Tát đang chơi với một ngàn trẻ em, nghe cãi nhau như thế liền hỏi:

- Hai cô bằng lòng cho tôi xử đoán dùm cho chăng?

- Thưa, chúng tôi vừa lòng lắm.

Bồ Tát bèn hỏi cô trộm rằng:

- Vật này cô ướp bằng mùi gì?

- Thưa, tôi ướp bằng các mùi hoa thơm.

Bồ Tát hỏi cô chủ, cô thấm y bằng vật gì?

- Thưa, tôi chỉ thấm y bằng mùi hoa thường

Ðức Bồ Tát bèn dạy nhờ người nữ khác, biết mùi ngửi thử coi, rõ thật chỉ có mùi hoa thường. Bồ Tát bèn dạy trả y phục lại cho cô chủ và Ngài khuyên cô trộm y chẳng nên làm nghiệp xấu xa như vậy nữa. Từ đó, tiếng đồn của đức Bồ Tát là bậc trí tuệ phi thường.

3- Có một phụ nữ ẩm con đi tắm, rồi để con nằm trên y, cô xuống tắm trong hồ sen. Trong lúc đó, có một dọa xoa nữ thấy, muốn bắt đứa bé để ăn thịt, nên biết làm một cô gái đến hỏi đứa bé ngộ nghĩnh, rồi ẩm nựng, chốt lát bồng đứa bé đi luôn.

Thấy vậy, người mẹ liền đuổi theo kịp la rằng: Tại sao bồng con tôi đi đâu?

- đây là con của tôi, nào phải con của cô.

Khi cả hai phụ nữ cãi nhau, đến phước xá của đức Bồ Tát. Bồ Tát mời vào, rồi thấy cử chỉ của phụ nữ, Ngài biết rõ tự sự, Ngài bèn hỏi rằng: Hai cô có muốn tôi đoán giùm cho chăng? cả hai cô đồng bằng lòng.

Bồ Tát dạy để đứa bé nằm xuống, rồi bảo Dạ Xoa nắm tay trẻ, mẹ thiệt nắm chân trẻ.

Ngài tuyên bố, người nào giành được là mẹ của đứa trẻ này. Hai phụ nữ kéo qua níu lại, làm cho đứa trẻ đau điếng, khóc la, người mẹ thấy con khóc, động lòng từ bi buông con ra, đứng dậy than van không nở làm cho con đau khổ.

Khi ấy đức Bồ Tát tuyên bố rằng: Lệ thường phụ nữ không phải là mẹ thì không lòng thương xót con trẻ. Phụ nữ bắt được đứa trẻ là kẻ trộm. Cô kia là mẹ thực vì có tâm tội nghiệp con.

Ðức Bồ Tát hỏi dọa Xoa nữ vì sao cô lại trộm con của người?

- Thưa, tôi mong ăn thịt nó.

- Này phụ nữ ác, từ đây ngươi không nên tạo nghiệp dữ nữa. Vì kiếp trước ngươi là kẻ ác, nay mới luân hồi làm Dọa Xoa. Ngươi làm như vầy có nên chăng?

Ðức Bồ Tát khuyên bảo Dạ Xoa rồi dạy thọ trì ngũ giới. Người mẹ đứa trẻ hết lòng cảm tạ đức Bồ Tát rồi từ biệt ẩm con ra về.

4- Có một thanh nam tên là AGOTRAKÀLA lùn, đi làm thuê 7 năm mới cưới được vợ, trang điểm xinh đẹp, dẫn vợ về quê hương. Ðến một con sông, cả hai vợ chồng đều sợ, không dáo lội qua, lúc đó có một anh nhà nghèo danh DIGHAPITTHÌ lưng dài cũng vừa đến nơi ấy. Anh lùn bèn hỏi; anh ôi! sông này sâu hay cạn?

Biết là người sợ nước, nên dối rằng: Sông này sâu lắm, có cả cá dữ.

- Anh có thể qua sông này được chăng?

- Tôi thường qua lại, sấu và cá dữ đã quen nhau với tôi rồi, không làm gì tôi đâu.

- Vậy, anh có thể đưa chúng tôi qua bên kia bờ được chăng?

- Ðược, không sao đâu, mà thầy và cô muốn tôi đưa ai qua trước?

- Ðưa vợ tôi trước.

- Ðược.

Rồi DIGHAPITTHÌ liền khòm cõng vợ anh lùn xuống sông, lúc ra xa bờ, anh này giả bộ rùn xuống làm cho anh kia thấy là sông sâu, rồi khuyên vợ anh lùn nên lấy anh làm chồng, vì anh giàu sang, có tôi tớ đông đủ. Bị gạt như vậy, vợ anh lùn hoan hỉ ưng thuận. Khi qua đến bờ rồi, bèn dắt nhau đi luôn. Thấy thế, sợ mất vợ, anh lùn liền lội đại xuống sông, nhưng rồi lại trở lên đôi ba lần như vậy. Cuối cùng, vì quá yêu vợ nên liều chết, ra đến giữa sông mới rõ rằng cạn, anh chàng liền rượt theo kịp, la bảo anh lưng dài phải trả vợ lại. Hai bên cãi cọ nhau đến phước xá của đức Bồ Tát.

Bồ Tát dạy kêu hai bên vào, rồi hỏi anh lưng dài trước: Anh tên họ là gì, cha mẹ vợ tên gì, làm nghề gì, vợ anh tên chi?

Rồi Ngài hỏi đến anh lùn: Vợ anh tên gì, cha mẹ vợ tên gì?

Ðức Bồ Tát xin công chúng nghe và hiểu giùm coi ai phải ai quấy.

Ngài hỏi DÌGHAPITTHI rằng: Có phải anh là người cướp vợ người chăng?

- Dạ phải.

- Anh chẳng nên làm việc xấu như vầy nữa .

Bồ Tát dạy giao vợ lại cho anh ÀGOTRAKÀTA. Công chúng rất khen ngợi đức Bồ Tát là bậc trí tuệ.

Vị thám tử vâng lệnh vua ở lại quan sát hành vi của Bồ Tát, có dâng sớ về đền tâu cho vua rõ tất cả những phán đoán của đức Bồ Tát. Ðức vua được tin như thế, bèn hỏi ý bốn vị giáo sư. Họ đồng tâu: Xin đức vua nên chờ xem đã.

5- Có một người chủ xe, đem xe để gần vườn rồi đi tắm. Ðức Ðế Thích xem thấy nghĩ rằng để ta làm cho trí tuệ của đức Bồ Tát (là dòng dõi của Phật) rõ rệt trong đời. Ngài hiện xuống trộm chiếc xe, đem khỏi nơi ấy. Người chủ xe sau khi tắm xong, không thấy xe. Xem kỷ thấy người trộm đang đem xe đi. Ðuổi theo kịp, người chủ đòi xe lại. Hai bên đều viện lẽ là xe của mình, cãi nhau đến phước xá của đức Bồ Tát. Ðức Bồ Tát dạy mời người vào, rồi Ngài xem qua, rõ chắc ai là chủ xe. Ngài hỏi hai người có vui lòng cho tôi xử đoán chăng?

- Thưa vâng.

Bồ Tát dạy ai chạy theo kịp xe là của người đó. Chủ xe theo kịp một lúc rồi mệt, theo nừa không nỗi. Về phần đức Ðế Thích đuổi theo kịp xe, chẳng thấy mệt nhọc chi cả.

Ðức Bồ Tát cho công chúng biết rằng: Người theo kịp mà không mệt nhọc chi cả, đó là đức trời Ðế Thích Ðạo Lợi Thiên cung. Rồi Ngài hỏi lại đức Ðế Thích rằng: Có phải Ngài là đức Ðế Thích hiện xuống đây chăng?

- Này cháu là bậc trí tuệ, thật vậy ta là trời Ðế Thích.

- Do nhân nào mà Ngài đến đây làm như thế?

- Vì ta muốn cho trí tuệ của Bồ Tát thêm rõ rệt.

Xong Ngài bay lên hư không, tuyên bố khen ngợi trí tuệ Ba la mật của Bồ Tát, rồi Ngài trở về trời.

Về phần vị đại thần trở về trào tâu với Ðức vua VIDEHARÀJA rằng: Tâu Hoàng Thượng, em MAHOSETHA PANDITA xử đoán thật là phân minh theo công lý, cho đến đức Ðế Thích hiện xuống thử cũng cho là bậc trí tuệ phi thường.

Ðức vua VIDEHARÀJA bèn phán hỏi bốn vị giáo sư rằng: Nên mời em trí tuệ đến hay thế nào?

- Tâu, để chờ xem thêm nữa đã.

Ðức vua VIDEHARÀJA cũng mặc tưởng. [2]

Ngày nọ, Ðức vua muốn thử thách MAHOSETHA PANDITA, dạy người chuốc cây bằng thẳng hai đầu rồi gởi đến hỏi dân trong làng Bồ Tát, ai biết đầu nào là gốc ngọn. Người nào biết phân biệt rõ rệt, Trẫm sẽ ban thưởng một ngàn lượng. Nhân dân trong làng không một ai phân biệt được, bèn đem đến cho Triệu phú SIRIVADDHANA (cha Bồ Tát), vị Triệu phú gọi Bồ Tát đến, rồi trình bày khúc cây đó. Bồ Tát đem khúc cây thả trong nước, đầu chìm trước, đầu chìm sau và Ngài hỏi công chúng rằng: Lệ thường, (cây) đầu gốc nặng hay đầu ngọn nặng?

- Thưa, phía gốc nặng hơn.

- Phải rồi, gốc nặng hơn ngọn.

Cha của Bồ Tát tâu lên Ðức vua rõ. Ðức vua rất thoả thích.

6- Lần này Ðức vua gởi hai cái đầu người, dạy dân chúng quan sát coi đầu nào của phụ nữ, đầu nào của người nam. Chúng dân tìm không ra, nên đem đến đức Bồ Tát. Ngài giải rằng. Lệ thường đầu của phụ nữ có đường tóc rẽ cong, còn đầu của người nam thì đường tóc rẽ ngay. Các ngươi trả lời như thế đi.

Ðức vua được nghe rất khen và hỏi ý kiến bốn vị giáo sư, họ cũng còn tâu để chờ xem nữa đã.

7- Ðức vua dạy dân làng Bồ Tát phải nạp bò có sừng nơi chân, có đuôi ở đầu, kêu mỗi ngày 3 lần. Nếu kẻ nào không nạp sẽ bị phạt một ngàn lượng.

Ðức Bồ Tát dạy: Ðiều nói có sừng ở chân tức là cựa gà, có đuôi ở đầu tức là mồng gà, kêu mỗi ngày 3 lần tức là gà gáy. Ðức vua nghe rất hoan hỷ.

Ðã nhiều lần thấy Bồ Tát MAHOSATHA trả lời đứng đắn nghĩa là theo câu hỏi, Ðức vua hết lòng hoan hỷ, chỉ mong mau gặp được mặt Bồ Tát, nên bàn với bốn vị giáo sư. Họ cũng cản ngăn nữa. Phen này không cần hỏi nữa, Ngài dạy dọn long xa cho Ngài ngự đi rước Bồ Tát. Ra khỏi thành không bao xa, ngựa bị vấp chân té, đi không tiện nên phải trở về. Bốn vị giáo sư vào chầu thăm vua và tâu rằng: Vì không nghe lời tâu của hạ thần, nên Hoàng Thượng mang tai nạn như thế. Tâu lệnh Hoàng Thượng, không cần Hoàng Thượng ngự xe khỏi đền, Ngài chỉ gởi câu đố rằng: Ngày trước Trẫm ngự đi tìm cháu, ngựa bị vấp té, nên phải hồi trào. Cháu hãy gởi ngựa tốt hoặc ngựa hay hơn cho Trẫm. Nếu cháu MAHOSATHA vào trầu Bệ Hạ, bằng không sẽ có ông Triệu phú cha MAHOSATHA đến chầu. Ngựa tốt tức là cháu MAHOSATHA, ngựa hay hơn tức là thân sanh của MAHOSATHA. Nếu cháu MAHOSATHA là bậc trí tuệ thật cháu sẽ đến, bằng không cũng không cho thân sanh vào chầu. Bốn vị giáo sư tâu như vậy, Ðức vua bèn làm y theo.

Khi Bồ Tát MAHOSATHA được lệnh vua như thế, liền hiểu rằng Ðức vua muốn cho Ngài vào đền, Ngài bèn đến thưa với thân sanh rằng: Thưa cha nên cầm hộp trầm đựng đầy sữa và mật ong vào chầu, vua mời rồi ngồi, lúc cha thấy con ngó cha, cha nên đứng dậy, tránh khỏi nơi ấy, rồi gọi con đến ngồi nơi ghế của cha đã ngồi trước đó, ấy là câu thai cao thượng.

Khi vào chầu, Ðức vua mời ngồi xong, hỏi thăm đến Bồ Tát. Vị triệu phú tâu: Con hạ thần sẽ vào sau. Ðức Bồ Tát điểm trang rất đẹp, đi đến đâu dân chúng đều ngoạn mục. Vì Ngài còn bé mà trí tuệ nhất trong đời, có cả một ngàn thiếu nam tuỳ tùng. Ngài thấy một con lừa ăn cỏ gần thành nội. Ngài dạy người bắt, buộc miệng không cho nó la được, lấy chiếu đắp lên mình nó và dẫn theo sau Ngài.

Ðến sân rồng, Bồ Tát liếc xem cha Ngài, vị Triệu phú thấy, liền đứng dậy nhường chỗ cho đức Bồ Tát. Bồ Tát bèn đến ngồi chỗ của cha Ngài, những người thiếu trí tuệ, nhất là bốn vị giáo sư bèn vỗ tay cười nhạo rằng: Ðó là bậc trí tuệ nhất của Hoàng Thượng xem coi cha đứng dậy nhường chỗ để mời con ngồi có đúng chăng? Thật là một trẻ ngu ngốc, như thế phần đông có đáng khen là bậc trí tuệ chăng?

Ðức vua nghe thấy nhiều người nhạo báng. Ngài rất hổ thẹn ngó xuống. Ðức Bồ Tát tâu hỏi Ðức vua: Vì sao lệnh Hoàng Thượng hổ ngươi?

- Trước kia Trẫm hằng khen cháu là bậc trí tuệ trong đời. Nay thấy cháu làm những chuyện không hay như vầy, nên Trẫm buồn; vì cháu bảo cha cháu đứng dậy, rồi cháu lên ngồi lên ghế của cha cháu, bởi cha cháu là bậc cao quý hơn con đủ cả mọi phương diện.

- Tâu, lệnh Hoàng Thượng có ra lệnh phải đem ngựa tốt hoặc ngựa hay nhất chăng? Rồi Bồ Tát dạy người dẫn con lừa lúc nảy đem vào cho nằm gần chân Ðức vua rồi tâu rằng:

- Lừa này đáng giá nào?

- Này cháu trí tuệ, con lừa này chỉ dùng được để kéo xe chở đồ mà thôi, đáng giá 8 đồng hoặc 8 lượng.

- Tâu, ngựa tốt sanh ra từ lừa cái, đáng giá nào?

- Này cháu trí tuệ! Ngựa đó vô giá.

- Tâu, trước, lệnh Hoàng Thượng phán rằng cha cao quý hơn con đủ mọi phương diện, thật vậy con lừa này phải quý hơn ngựa hay. Vì con lừa này là cha của con ngựa hay. Nếu cha cao quý hơn con đủ mọi phương diện, thật như thế rồi, con lừa này cũng quý hơn con ngựa hay, phải vậy chăng lệnh Hoàng Thượng? Nếu lệnh Hoàng Thượng cho rằng cha cao quý hơn con, xin Hoàng Thượng dùng cha tôi đi, nếu con quí hơn cha thì Hoàng Thượng dùng tôi.

Trước Hoàng Thượng ra lệnh, dạy tôi phải đem ngựa hay dâng.

Nay lệnh Hoàng Thượng thấy rõ rằng cha quí hơn con, lệnh Hoàng Thượng bắt con lừa này để dùng đi, vì lừa này là cha của ngựa hay nhất, quí hơn ngựa tốt. Nếu lịnh Hoàng Thượng cho rằng ngựa hay hơn lừa thì lệnh Hoàng Thượng dùng tôi.

Bốn vị giáo sư của Hoàng Thượng đây, Hoàng Thượng chọn từ đâu? Câu thai dễ dàng như thế mà tìm không ra, lại còn nhạo cười toe toét.

Ðức vua nghe thấy làm cảm phục và rất vui thích. Các quan đại thần đều nhìn nhận Bồ Tát là bậc trí tuệ thật, đồng vỗ tay hoan hô vang rền, có vị lại đem vật quí đến cúng dường. Bốn vị giáo sư tỏ vẻ buồn thiu, hổ ngươi, gục đầu.

Lời hỏi: Ðức Bồ Tát là bậc hiếu đạo, do nhân nào lại làm như thế?

Ðáp: Không phải Bồ Tát làm bỉ mặt cha Ngài đâu. Vì Ðức vua có lệnh dạy phải đem ngựa tốt bằng không thì ngựa hay nhất. Như thế, nên đức Bồ Tát phải làm như vậy. hon nữa, phải làm cho vị giáo sư biết mình.

Từ đó, Ðức vua ban thưởng cho ông Triệu phú SIRIVADDHANASETTHÀ và một ngàn tiểu phú gia, được trọn quyền hưởng lộc trong quận các Ngài ngự. Ðức vua cũng không quên ban vật báu đến mẹ của đức Bồ Tát, rồi xin Bồ Tát làm Hoàng Tử, ngự tại đền với Ngài.

Ðức vua phán hỏi Bồ Tát: Này con, con vừa lòng ngự trong đền nội hay ở ngoài thành?

- Tâu, hạ thần có rất nhiều kẻ tùy tùng, hạ thần xin ở thành ngoại.

Ðức vua bèn cho tạo dinh thự và ban thưởng đầy đủ vật dụng cho Bồ Tát được an vui, cả một ngàn thiếu nam theo hầu Bồ Tát.

Một ngày nọ, chúng dân thấy ánh sáng ngọc ma ni hiện trong ao sen, liền tâu cho Ðức vua rõ. Ðức vua bèn truyền đòi bốn vị giáo sư để tìm ngọc ma ni. Họ dạy tát nước ao cho cạn để lấy ngọc, mà vẫn chưa thấy ngọc ma ni. Ðức vua bèn hỏi Bồ Tát có thể tìm được chăng?

- Tâu, muốn lấy ngọc ma ni, không khó, xin thỉnh Phụ Vương ngự đến đó cùng tôi.

Ðức Bồ Tát đến mé ao đứng quan sát thấy rằng ngọc ma ni trên đọt cây thốt nốt, rồi tâu rằng: Ngọc ma ni không có trong ao nước đâu.

- Cớ sao có ánh sáng trong nước, mà con nói rằng không có ngọc trong đó?

Ðức Bồ Tát dạy người đem mâm nước đầy để tại nơi đó, rồi thỉnh Ðức vua xem. Ngài thấy ngọc ma ni như thấy trong ao, rồi Ðức vua hỏi tại sao nói không có ngọc trong ao?

- Tâu, ngọc ma ni có tại trong ổ quạ, trên cây thốt nốt. Ðức Bồ Tát cho người leo lên đọt cây thốt nốt gần phía đông ao nước, lấy ngọc ma ni trong ổ quạ đem xuống dâng đến vua.

Ðức vua rất thỏa mãn, rồi ban thưởng ngọc báu đang đeo trong mình đến Bồ Tát. Còn ngọc ma ni vừa tìm được Ðức vua tặng cho một ngàn thiếu nam tuỳ tùng Bồ Tát. Ðức vua dạy Bồ Tát mỗi khi vào trào phải trang điểm bằng ngọc báu này rồi phong Bồ Tát làm đại tướng.

Một hôm, Ðức vua cùng triều thần ngự đi ngắm cảnh. Ðức vua chợt thấy con cắc kè to, từ ngọn cây bò xuống thấy Ðức vua rồi nó gật đầu. Ðức vua hỏi MAHOSATHA Bồ Tát: Con cắc kè làm gì đó?

- Tâu, nó làm lễ lệnh Hoàng Thượng.

Ðức vua nghe hoan hỷ bèn dạy người mỗi ngày lấy tiền mua thịt cho nó ăn. Ðến ngày bát quan trai, mua không được thịt, người đó lấy tiền đáng giá mua thịt buộc vào cổ nó. Từ đó, cắc kè tự đắc vì có tiền.

Ngày sau, Ðức vua ngự đến thấy con cắc kè bò xuống gặp Ðức vua nó ngóc đầu lên, coi bộ tự đắc. Ðức vua hỏi Bồ Tát thế là sao?

- Tâu, vì con cắc kè nương nhờ có tiền. Ngày bát quan trai, người nuôi nó mua thịt không được, nên đem tiền buộc vào cổ nó rồi nó ỷ lại như thế.

Ðức vua bất bình, dạy người đánh đuổi nó đi. Cũng vì tự đắc, ỷ lại mà phải chịu khổ

Có một học sinh của vị trứ danh giáo sư DISÀPÀMOKKHA tên là PINGUTTA vừa lòng thầy nên thầy gả con gái cho. Cô thiếu nữ này rất đẹp. Nhưng PINGUTTA là người xấu số, nên khi về với anh, khiến anh không vừa ý, không chịu đồng tịch đồng sàng với vợ, bởi anh là người ít phước. Cách một tuần, sau khi đã làm lễ thành hôn, anh PINGUTTA xin phép cha mẹ vợ trở về xứ. Ði đường xa mệt nhọc và đói khát, gặp một cây sung có trái chín, anh bèn leo lên bẻ trái ăn. Vợ ở dưới xin vài trái, anh nói: - Vậy, có chân tay để làm gì?

Vợ biết chồng không lo, nàng phải trèo lên để kiếm ăn. Anh chồng thấy thế, lén lần xuống đến gốc lấy gai chất xung quanh gốc cây sung rồi bỏ đi mất. Vợ anh xuống không được, kêu la khóc kể. Hạnh phúc cho nàng, ngày ấy có Ðức vua ngự đi ngoạn cảnh, nghe người than khóc bèn dạy quan quân đi tìm xem và hỏi thăm, rồi đem nàng về cho làm Hoàng Hậu.

Ngày khác, Ðức vua ngự đi ra khỏi thành, hai bên đường, dân gian lo quét dọn. Lúc ấy, Hoàng Hậu thấy anh PINGUTTA là chồng cũ, cũng đang cấm cúi quét đường. Hoàng Hậu cười. Ðức vua thấy bèn hỏi: Cớ sao Hậu cười?

- Tâu, vì thần thiếp thấy chồng cũ, bỏ thần thiếp, rồi hôm nay làm công việc như vầy, nên cười.

Ðức vua nghe tâu không tin cho nên Ngài thịnh nộ, rút gươm cầm trong tay. Ðức vua hỏi ý bốn vị giáo sư.

- Tâu, chẳng nên tin lời phụ nữ. Chúng tôi chưa từng thấy người nam nào có vợ đẹp xinh như vầy mà từ bỏ cho đành.

Ðức vua bèn hỏi Bồ Tát, và Bồ Tát trả lời:

- Tâu, lệ thường kẻ có tội với người hữu phước xa nhau lắm, cũng như trời với đất, như bờ biển đây với bờ biển kia. Kẻ có tội hoặc ít phước không bao giờ ở chung cùng người đại phước được, lời của lệnh Hoàng Hậu là rất đúng.

Ðức vua nghe là hữư lý mà rằng: Nhờ con Trẫm là MAHOSATHA mà Trẫm được hậu, bằng ta nghe lời bốn vị giáo sư kia thì đã giết Hoàng Hậu rồi. Nghĩ như thế phát tâm hoan hỷ, Ðức vua bèn ban thưởng đức Bồ Tát rất nhiều báu vật.

Bà Hoàng Hậu nghĩ rằng: Nhờ có MAHOSATHA, nên mệnh ta mới còn, thật là bậc ân nhân của ta. Lập tức, Hoàng Hậu quỳ tâu, xin Ðức vua cho phép từ đây, thần thiếp xin MAHOSATHA làm em ruột của thần thiếp. Bao giờ thần thiếp có vật chi quí báu hoặc cao lương mỹ vị, thần thiếp được phép biếu cho MAHOSATHA là em, bất kỳ là giờ phút nào. Ðức vua hoan hỷ phê chuẩn. Từ đây, Hoàng Hậu thường ban cấp cho Bồ Tát những vật quí giá, không dám quên ơn cứu tử.

Có một ngày bát quan trai, Ðức vua lên từng lầu cao đi kinh hành, thấy có một con chó và một con dê. Dê đi ăn cỏ dành chỗ voi, bị nài voi đánh đập, dê bỏ cỏ chạy trốn, bị nài voi đuổi theo liệng nhằm lưng quá đau, dê lết nằm dựa bức tường thành. Chó cũng lén vào ăn thịt cá trong nhà bếp, bị đánh đập qué giò. Chó chạy trốn đến vách tường thành cũng gặp dê tại đó.

Dê hỏi chó: Vì sao mà anh bị như thế?

Chó thuật lại cho dê nghe, rồi hỏi: Còn anh do nhân nào mà bị lại nằm tại đây?

Dê cũng tỏ cho chó nghe tự sự. Dê và chó bàn nhau phải làm thế nào để nuôi sống cho dễ dàng bằng không phải chết đói. Dê bèn bày mưu rằng: Bây giờ tôi phải vào nhà bếp trộm thịt các về cho anh, còn anh thì đi ăn cắp cỏ về cho tôi. Hai ta sẽ đổi thực phẩm nhau mà ăn, thì lưỡng tiện lắm. Tính xong, dê và chó đồng ưng thuận làm theo kế đó, nên được an vui. Vì thấy người nấu ăn đâu sợ dê ăn thịt cá mà gìn giữ, nên dê dễ trộm được thịt cá. Về phần nài voi thấy chó đến, thì nào có để ý đến chó trộm cỏ, vì thế mà chó trộm cỏ không khó. Từ đấy dê và chó kết bạn thân thiết nhau.

Ðức vua xem thấy chuyện như thế, sáng ra nhập trào. Ngài có câu đố cho 5 vị trí tuệ đoán xét rằng: Trẫm hỏi 5 khanh trong đời có loài thú nào nghịch cùng nhau, mà trở thành thân thiết không? Nếu khanh nào đoán không ra, Trẫm sẽ đuổi khỏi thành. Nghe Ðức vua ra câu đó như thế thật là mắc mỏ, nên vị SESANA bèn tâu xin qua ngày sau sẽ trả lời. Ðức vua phê chuẩn. Về đến dinh, bốn vị giáo sư bàn tính nhau mãi mà tìm chưa ra, nên đồng quyết định kỳ này phải qua yêu cầu đức Bồ Tát chỉ dạy, không dám tự hào nữa.

Về phần đức Bồ Tát, Ngài nghĩ rằng: Có lẽ Ðức vua thấy cái chi đây, nên mới ra câu đố này. Ngài bèn vào thăm Hoàng Hậu rồi tâu hỏi: Hôm qua lệnh bà có thấy vua ngự đến nơi nào chăng?

Hoàng Hậu nói: Hôm qua lệnh Hoàng Thượng lên tầng lầu cao đi kinh hành, và ngự lãnh phía dưới thành rất lâu.

Ðức Bồ Tát ngụ ý, khi ra khỏi cung nội, Ngài đi dò xét thấy dê và cho đang ăn, có vẻ thân thiết nhau lắm. Ðức Bồ Tát thấy như vậy hiểu rõ rằng: Dê và chó mật thiết là do trao đổi thực phẩm cùng nhau, rồi Ngài trở về dinh an nghĩ.

Về phần bốn vị giáo sư kia không ai tìm ra nổi câu đó của vua, các ông đồng hội nhau tính cả ngày cũng chưa ra lẽ. Bất đắc dĩ phải đến cầu đức Bồ Tát chỉ dạy cho. Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: Nếu ta không thương xót thì họ sẽ bị vua đuổi ra khỏi thành. Vậy ta nên tế độ họ, rồi Ngài dạy mỗi vị đọc một câu kệ ngôn.

Qua ngày thứ hai, bốn vị giáo sư vào chầu. Ðức vua phán hỏi bốn vị giáo sư rằng: Này bậc trí tuệ, các khanh đã hiểu rõ câu đố rồi chăng?

- Tâu nếu chúng hạ thần không hiểu thì còn ai hiểu được.

- Vậy các khanh hãy trả lời cho Trẫm nghe

- Tâu, xin Hoàng Thượng hãy lóng nghe: UGGAPUTTRÀJAPUTTI ... SANGHAYAMASSATI.

Mỗi vị đọc một câu kệ ngôn, Ðức vua cũng tin rằng phải, vì không rõ ý nghĩa của câu kệ ngôn. Ðức vua hỏi sang đức Bồ Tát:

- Tâu, dê đó có bốn chân, khi đi, tha đồ ăn thì lén lút tha. Dê đi tha cá thịt về cho chó, chó tha cỏ về cho dê, rồi trao đổi nhau ăn. Lệnh Hoàng Thượng ngự trên tầng lầu cao, đã thấy rõ hai thú, dê và chó làm bạn thân nhau như thế.

Ðược nghe rõ lời tâu của đức Bồ Tát, Ðức vua rất thỏa thích bèn ban thưởng tất cả 5 vị trí tuệ rất nhiều báu vật đồng nhau. Khi ấy, Hoàng Hậu UDUMA hiểu rằng: bốn vị giáo sư kia nhờ Bồ Tát mà trả lời được câu đố của Ðức vua, song Ðức vua không rõ, ban thưởng đồng nhau. Ðức vua ban thưởng em trai ta nhiều hơn mới phải, rồi Hoàng Hậu liền vào cung tâu cho Ðức vua hay sự thật. Ðức vua nghe theo nên ban thưởng Bồ Tát nhiều hơn.

Ngày nọ, bốn vị giáo sư vào chầu, Ðức vua phán hỏi: - Trẫm muốn biết rõ trong đời có hai hạng người: Người giàu mà kém trí tuệ và kẻ có trí tuệ nhưng nghèo. Hai hạng này ai là người cao quý hơn?

SENEKA ÀCÀRYA tâu: Theo hạ thần hiểu là: Người giàu quý hơn hết. Trong đời này, dù là người có trí tuệ bao nhiêu, làm quan đại thần hay con dòng sang cả mà nghèo thì cũng phải cần kính nể kẻ giàu, làm tôi cho người sai khiến. Mặc dầu người giàu có tật nguyền, điếc, câm... cũng làm chủ kẻ khác được.

Nghe tâu như thế, Ðức vua liền hỏi Bồ Tát: Con hiểu thế nào?

- Tâu, kẻ ngu vô trí tuệ, khi có của nhiều thì say mê, dầu là người sang cả cũng thế, cho rằng ta là cao quý rồi, hằng gây những nghiệp dữ, không hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nghĩa làm sao thi hành như vậy, cứ theo ý muốn mình. Những kẻ tối tăm thường không thấy xa, chỉ biết trong kiếp hiện tại, không xét đến ngày vị lai, nên tạo biết bao điều ác, sau khi tan rã ngũ uẩn sẽ sa trong ác đạo, rồi sanh lên làm người nghèo hèn khổ sở, do các điều dữ đã tạo. Vì kẻ thiếu trí tuệ mới say đắm trong tài, sắc, lợi, danh. Tâu, tôi quan sát thấy như thế, mới hiểu rằng, người có trí tuệ mới cao quí hơn.

Ðức vua nghe theo rồi hỏi lại SENEKA ÀCÀRYA rằng: Khanh hiểu thế nào?

- Tâu, MAHOSATHA còn bé, miệng còn hôi sữa, biết gì, xin Hoàng Thượng hãy nghe theo hạ thần. Không cần nói đâu xa xôi như Triệu phú GOVINDASETTHI, nghề nghiệp chi cũng chẳng biết, con trai con gái cũng không, thân hình rất xấu xa, khi nói chuyện thì nước miếng tuôn chảy. Có hai nàng đẹp như ngọc chực hờ, dùng hoa sen xanh tươi chờ hứng nước miếng. Biết bao khách khác tới lui nườm nượp. Họ hết lòng tôn trọng cho đến người sang cả cũng kính nể. Bấy nhiêu cũng đủ rõ ràng, người có của là cao quý hơn bậc có trí tuệ.

Bồ Tát tâu: SENEKA chẳng sáng suốt chỉ thấy gần, chỉ biết có được mà thôi; không quan sát cho chu đáo. Ví như quạ thấy họ làm rớt cục cơm hoặc như chó thấy miếng thịt trong nồi họ quên đậy nắp, không xem chừng cây gậy sẽ bổ trên đầu. Lệnh Hoàng Thượng nên thẫm xét. Lệ thường kẻ có của mà vô trí tuệ, khi được vui thì hằng cẩu thả vì không thấy 3 tướng phổ thông của vạn vật là vô thường, khổ não và vô ngã, chỉ biết say mê ngũ dục mãi mãi, không tưởng đến sự chết ngày mai. Kẻ tối tăm thiếu trí, khi gặp khổ, tai hại đến thì quên mình tán loạn, giẫy giụa như cá mà bị liệng trên khô. Kẻ vô trí tuệ trong giờ hấp hối thì vật mình kêu khóc, thương tiếc vợ con, của cải thân thuộc, quyến luyến trong vật dục. Nhớ đến nghiệp ác đã tạo, rồi kinh sợ trong bốn ác đạo. Vì thế mà phải nóng nảy bực tức vật mình, khóc kể, sợ sa địa ngục, cũng vì thiếu trí tuệ

Trái lại, bậc có trí tuệ rõ rằng: Sanh ra trong nẽo luân hồi, thỉ phải chịu luật tuần hoàn sanh tử là một công lệ không sao tránh thoát được.

Tâu, hạ thần thấy rằng: Người mà dính mắc trong của cải thì khó tránh được ác đạo, không nơi nương tựa. Dù là vợ chồng con, của, thân thuộc, bạn bè cũng không làm cho sự đau khổ được nhẹ nhàng, chỉ ấy mắt nhìn nhau mà chịu, không sao cứu vớt được.

Ðức vua xoay qua hỏi SENAKA rằng: MAHOSATHA tâu như thế khanh nghĩ sao?

- Tâu, MAHOSATHA biết gì, hạ thần xin ví dụ: Cây có trái hằng có loài điểu thú thường lũ lượt bay tới kiếm ăn không dứt, thế nào, người có của hằng có người vãng lai đông đúc. Cho nên người đời hằng có tiền của là hưởng hạnh phúc an vui. Còn kẻ dù có trí tuệ đến đâu, mà nghèo thì không ai ngó đến. Do đó, hạ thần tâu rằng người có của quý hơn kẻ có trí tuệ mà ngèo.

Ðức vua xoay qua hỏi MAHOSATHA rằng: SENAKA tâu như thế, con nghĩ sao?

- Tâu Hoàng Thượng, SENAKA giải như trẻ lên 3 tuổi, thấy sao nói vậy. Kẻ vô trí tuệ ví như cây có trái độc, điểu thú nào đến ăn quả sẽ bị khổ, khác chi người thiếu trí tuệ. Nếu kẻ nào tới lui thân cận, họ sẽ chết, tức là hư hao của cải. Vì kẻ vô trí tuệ hay bày mưu kế để đoạt của người, chỉ tìm làm việc bất chánh là người ác, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Sau khi thác sẽ xuống ác đạo chịu khổ lâu đời, bị quỉ sứ hành hạ đánh đập, chém đâm bằng các vũ khí cháy đỏ vô cùng khổ sở. Ðó cũng vì thiếu trí tuệ. Tâu Hoàng Thượng, người có trí tuệ là quí hơn.

Ðức vua phán hỏi SENAKA rằng: Theo lời của MAHOSATHA tâu qua, khanh nghĩ thế nào?

- Tâu, xin Hoàng Thượng đừng tin lời MAHOSATHA. Hạ thần sẽ thí dụ: Nước sông rạch một khi đã chảy đến biển rồi, không còn tên cũ nữa, lu mờ không rõ rệt. Tôi xét thấy như thế, mới tâu rằng, kẻ giàu quí hơn người trí tuệ là vậy.

Ðức vua phán hỏi MAHOSATHA Bồ Tát: SENAKA giảng như thế con nghĩ thế nào?

- Tâu, đức Hoàng Thượng, chẳng nên nghe lời SENAKA. Nước của các sông rạch lớn, nhỏ chảy vào biển, biển giao tiếp nhau bằng lượng sóng nghe lăn tăn, lách tách. Dù sóng có lực đến đâu tát vào bờ biển cũng dội lại, không vượt khỏi bờ biển được, thế nào kẻ giàu vô trí tuệ không bao giờ qua khỏi bậc trí tuệ được. Những kẻ ngu độn thiếu trí tuệ, dầu tranh luận một điều gì với ai cũng chẳng lướt qua bậc trí tuệ nỗi. Khi có sự khó khăn nan giải, đều cậy vào bậc trí tuệ. Những người thiếu học được biết tội phước, lợi hại, chánh tà cũng nhờ nghe bậc trí tuệ chỉ dạy. Tâu, tôi xét thấy như thế, mới nhận người có trí tuệ là quí hơn.

Nghe rồi, Ðức vua xoay qua hỏi SENAKA nữa rằng: Khanh có lời nào giảng giải cho Trẫm nghe.

- Tâu, lệnh Hoàng Thượng, chớ nên tin lời của MAHOSATHA. Kẻ giàu dù đi, đứng, ngồi trong nơi nào cũng có người kiêng nể, tiếp rước. Chuyện quấy thành phải, chuyện phải ra quấy, mặc dù là bất công. Người có tiền sẽ được phần đông hưởng ứng, nói chi công chúng đều xu hướng theo. Thấy như vậy, nên hạ thần tâu rằng người triệu phú cao quí hơn.

Ðức vua phán hỏi MAHOSATHA Bồ Tát: Con nghĩ sao, tâu cho Trẫm rõ.

- Tâu, SENAKA chỉ thấy trong kiếp hiện tại, là người thiếu trí, thấy gần không ngó xa. Những người có của, vô trí tuệ, đen nói trắng, trắng nói đen mà người cũng nghe theo, là vì phần đông là thiếu học. họ nào biết sẽ bị bậc hiền minh chế trách, đến khi thác còn phải chịu quỉ sứ hành hình nhiều kiếp trong địa ngục. Tiếng xấu còn lưu danh muôn thưở.

Ðức vua phán hỏi SENAKA: Có lời chi hãy tâu cho Trẫm nghe

- Tâu, người trí tuệ có sự hiểu biết dầy dặn nhiều như địa cầu dầy 24 ngàn do tuần, mà nghèo thì nói lời hay cũng vô hiệu quả. Khi đến gần người có của thì ẩn bóng dấu hình, mất mặt, ví như đom đóm ánh sáng nhỏ không được rực rỡ khi mặt trời mọc lên. Do đó hạ thầu tâu rằng người có của cao quí nhất trong đời.

Ðức vua phán hỏi MAHOSATHA Bồ Tát: Con nên giải cho Trẫm nghe thêm có được chăng?

- Tâu lệnh Hoàng Thượng, SENAKA là người không thấy điều xa hiểu rộng. Bậc trí tuệ thốt lời ngay thật, không nói xuyên tạc theo ai. Bậc trí tuệ hằng được quần chúng ngợi khen và cúng dường bằng các vật báu giữa nơi đô hội. Người trí tuệ hằng quí lời nói ngay thật, sau khi mạng chung được tái sanh làm vua hoặc lên cõi trời. Vì thế tôi tâu rằng, người có trí tuệ cao quí hơn.

Giáo sư SENAKA tâu: Lời của MAHOSATHA vừa trình bày, Hòang thượng chẳng nên tin. Bò trâu, tôi trai, tớ gái, các thanh nam nữ cho đến những ngọc ma ni, xà cừ v.v... chỉ phát sanh trong dòng dõi phú gia. Các loài thú cũng thường có đông đúc để làm phương vận tải cho hàng hữu sản. Người có của hằng được thêm nhiều báu vật. Do đó, mà hạ thần mới gọi kẻ giàu là cao quí.

Ðức vua bèn xoay qua hỏi MAHOSATHA: Con nghĩ thế nào?

- Tâu, người vô trí tuệ, dù có nhiều của cũng khó gìn giữ được lâu dài, của cải phải bị tiêu mòn, ví như loài rắn không thể giữ da được; phải lột da bỏ lại. Những kẻ chứa của được nhờ trí tuệ, nếu trí tuệ, dầu là Triệu phú, của ấy cũng phải bị hao mòn. Vì thế hạ thần mới tâu rằng bậc trí tuệ quí hơn cả.

Ðức vua bèn xoay qua hỏi SENEKA. SENEKA ngẫm nghĩ: Lần này ta làm cho MAHOSATHA phải phục tùng ta mới được. Rồi đáp:

- Tất cả chúng tôi đây hầu hạ, chờ lệnh của Hoàng Thượng. Hoàng Thượng là bậc cao quí, lãnh đạo chúng tôi là hàng có trí tuệ ví như đức Ðế Thích hay đàn áp Chư Thiên, nếu người có trí tuệ là quí, hà tất phải tôn sùng người có của như Hoàng Thượng. Tâu, em MAHOSATHA chỉ đem kiếp vị lai để giảng thuyết, không thấy những lợi ích trong hiện tại. Thử hỏi, nếu người óc trí tuệ là quí cớ sao lại vào hầu trực Hoàng Thượng như vậy?

Lời SENAKA trình bày đây, nếu không phải là đức Bồ Tát, thì khó mà suy tưởng sự lý, ngỏ hầu giải đáp cho phân minh được. MAHOSATHA (Bồ Tát) tâu:

- Giáo sư SENAKA là người mù, chỉ biết lợi danh trong đời mà quên đức tính thanh cao là trí tuệ. Kẻ vô trí tuệ khi gặp điều lo sợ, nan giải thì hằng nương nhờ vào bậc trí tuệ chỉ dẫn mới được rõ đường tà, nẻo chánh. Kẻ giàu thiếu trí tuệ hay mù quáng, say mê ngũ dục rồi bị sa sút, bị người chê hay khinh rẻ. Lúc hữu sự thì tối tăm lo sợ, tìm nương vào bậc trí tuệ, cầu các Ngài phá nghi và cứu vớt bằng tinh thần mới được an vui. Do đó, mà bảo tồn tài sản được lâu dài. Như Hoàng Thượng nhờ bậc trí tuệ nên không say mê trong của cải là nhân lôi cuốn chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi. Do có trí tuệ mà sinh linh đắc đạo quả Niết Bàn, thoát ly khổ hải. Các bậc sáng suốt nhất là lệnh Hoàng Thượng hằng ngợi khen và tìm kiếm bậc trí tuệ. Các hàng thánh nhân nghĩa là được khỏi luân hồi, hết phiền não cũng do trí tuệ, khỏi lo sợ trong đời này và kiếp sau cũng nhờ trí tuệ. Như thế, không gọi trí tuệ là cao quí sao nên.

Ðức vua hỏi SENAKA: Còn lời chi trình bày nữa chăng?

Khi ấy, giáo sư SENAKA không còn biết điều chi để thi thố nên gục mặt hổ thẹn làm thinh.

Ðức Bồ Tát bèn tâu tiếp rằng:

- Trí tuệ là một đức tính mà bậc cao nhân hằng ưa thích, tôn trọng. Kẻ vô trí tuệ hằng say mê của cải, quyền tước lợi danh. Bậc trí tuệ không quyến luyến theo vật chất, bởi đã quan sát thấy rõ rằng các vật chất của cải hằng xúi giục con người gây nhiều tội lỗi, rồi phải bị trầm luân, là nhân sanh các thống khổ không sao tả xiết. Chỉ người có trí tuệ mời có thể phán đoán, biết tìm phương pháp thoát khổ được. Không có chi đem so sánh với đức tính của trí tuệ được. Năng lực của cải không sao vượt khỏi trí tuệ được. Nhận thấy thế, nên hạ thần tâu trí tuệ là cao quí nhất.

Ðức vua nghe tâu lời hữu lý nên rất hoan hỉ bèn ban thưởng nhiều báu vật hơn các lần trước.

Bà Hoàng Hậu thấy em là đức Bồ Tát, nay đã lên 16 tuổi, cần phải có người nội trợ để chăm nom gia tài to tát, như thế, nên suy nghĩ tìm một thanh nữ xứng đáng để kết duyên lành với Bồ Tát. Bà bèn tâu cho vua rõ, Ðức vua khen phải và phán rằng: Cần tỏ cho Bồ Tát hay trước. Khi Hoàng Hậu cho Bồ Tát hay biết ý định đó, Bồ Tát liền tâu: Xin chờ 3 ngày rồi sẽ tâu với Ðức vua. Ðoạn Bồ Tát xin để tự mình đi tìm thanh nữ xứng đáng theo ý nguyện. Ngài ra cửa bắc môn rồi đi lần đến quận UTTARA MAJJHAGÀMA.

Trong thuở đó, có một nhà trước kia là triệu phú nay đã sa sút. Trong gia đình này có một thiếu nữ tên AMARÀ có đủ đức hạnh và hình dung xinh đẹp. Một hôm sáng sớm cô thiếu nữ đem cháo dâng cho cha nàng đang cày ruộng. Bồ Tát đi đến thấy cô thiếu nữ dung nhan xinh đẹp và tướng mạo đoan trang, rồi thầm nghĩ: Nếu nàng này chưa chồng thì đáng cho ta đem về làm nội trợ được.

Phần nàng thiếu nữ thấy đức Bồ Tát cũng thầm nghĩ, nếu ta được người như vầy để nương bóng tùng quân, thì đời ta sẽ được nhiều hạnh phúc, có nơi nương tựa vững vàng. hai bên đồng một quan niệm có ý yêu nhau.

Bồ Tát bèn nghĩ không rõ nàng đã có nơi nào chưa, vậy ta nên thử thách nàng bằng cách ra cử chỉ để đố. Ngài thừa cơ hội nàng liếc xem, Ngài ra dấu "nắm tay lại" xem nàng có hiểu lẽ nào chăng?

Nàng AMARÀ thấy, biết Bồ Tát muốn hỏi nàng có chồng chưa .nàng xoè tay để đáp cử chỉ của Bồ Tát. Bồ Tát hiểu rằng nàng chưa chồng.

Bồ Tát bèn bước lại gần hỏi: - Xin lỗi nàng, quí danh nàng là chi.

- Thưa, cái chi không có trong quá khứ, vị lai và hiện tại ấy là tên của tôi.

- Này cô! Tình trạng bất diệt là cái không có trong quá khứ, vị lai và hiện tại. Như vậy quí danh của cô là AMARÀ phải không?

- Vâng, tên tôi là AMARÀ.

- Bây giờ đây, cô đem cháo cho ai?

- Thưa, đem dâng cho bậc Tiền Thiên PUBBADEVA.

- Này cô! Tiền Thiên, tức là cha và mẹ. Vậy có phải cô đem cháo cho thân phụ cô chăng?

- Thưa phải.

- Thân phụ của cô làm nghề gì?

- Cha tôi làm nơi "một thành hai". (Ở nơi "một thành hai" đó ám chỉ là nghề nông cày ruộng)

- Có phải thân phụ cô là nông phu chăng? Và cày ruộng trong nơi nào?

- Vâng, thân phụ tôi cày ruộng trong nơi "đi không trở lại".

- Nơi đi không trở lại đó là nơi tha ma mộ địa, có phải vậy chăng?

- Thưa, nếu một cái đã đến thì tôi không trở về, một cái chưa đến thì trở về.

- Này cô! Thân phụ cô cày gần mé nước, nước lên nhiều thì cô không trở về, nếu nước nhỏ thì cô về phải không?

- Thưa phải. Nói xong nàng mời Bồ Tát dùng cháo.

Bồ Tát nghĩ, nếu không dùng cháo thì thất lễ, vậy ta nên dùng chút ít, Bồ Tát bèn nhận lời thỉnh của nàng.

Nàng AMARÀ để cháo trên đất. Bồ Tát nghĩ, nếu nàng chỉ dâng cháo mà không dâng nước thì ta không dùng. nàng AMARÀ dâng nước. Nàng dành riêng phần cho cha nàng. Phần của nàng thì để ra mâm rồi dâng cho Bồ Tát dùng. Khi dùng xong, Bồ Tát rửa tay và nói rằng: - Tôi mong được biết nhà cô, xin cô vui lòng chỉ đuờng cho tôi.

Nàng AMARÀ bèn chỉ đường bằng câu đố rằng: - Thưa, quán bán chè, quán bán nước cam và cây có lá hai từng ở trong nơi nào; đó là con đường đi đến quận UTTARA MAJJHAGÀMA, dùng tay mặt cầm cháo mà thử.

Xong nàng bèn kiếu từ để đem cháo cho cha nàng. Bồ Tát nhận rõ rằng đường đi đến nhà nàng AMARÀ trước hết gặp quán bán chè, kế quán bán nước cam, rồi gặp cây có lá hai chặn, đứng xem thì thấy ngã hai, đừng theo nẻo bên trái, mà nên đi ngả bên phải. Bồ Tát bèn đi theo câu đố của nàng AMARÀ.

Thân mẫu của nàng AMARÀ thấy Bồ Tát là người có tướng mạo đoan trang đến nhà nên mừng rỡ, dọn chỗ mời Bồ Tát ngồi và dâng cháo. Bồ Tát nói: Nàng AMARÀ đã có cho tôi dùng chút ít rồi.

Mẹ nàng AMARÀ hiểu rằng chàng đến với mục đính muốn được con gái ta. Ðức Bồ Tát hiểu rõ hoàn cảnh sa sút của gia đình nàng AMARÀ. Bồ Tát xin ở trọ ngôi nhà ấy và thưa rằng: Thưa mẹ, tôi là người thợ may, vá và mạng y phục, vậy nhà mẹ có y phục rách mang ra con vá mạng cho.

- Này con! Mẹ có y phục cần phải vá mạng nhiều, song mẹ không có chi để trả công.

- Tôi chỉ mạng không lấy tiền, xin mẹ đừng ngại chi.

Mẹ nàng AMARÀ liền mang rất nhiều y phục trong nhà đem giao cho Bồ Tát vá mạng được hoàn bị theo trí tuệ của Ngài. Khi vá mạng xong, Bồ Tát yêu cầu rằng: Xin mẹ cho hàng xóm hay những người nào có y phục cũ, rách tôi lãnh vá mạng cho. Chúng dân nghe như thế, nên mang rất nhiều y phục đến cho Bồ Tát mạng vá trọn ngày ấy được tiền được 100 lượng. Mẹ nàng AMARÀ lo dọn cơm chiều cho Bồ Tát dùng.

Ðến bữa ăn tối thì cha nàng AMARÀ và nàng trở về đến nhà. Sau dùng bữa cơm xong, Bồ Tát bèn lạy tạ song thân của nàng AMARÀ và xin đính hôn cùng nàng. Cha mẹ nàng AMARÀ đồng hoan hỷ nhận lời.

Sáng hôm sau, Bồ Tát dạy vợ lấy nữa cân gạo, làm 3 món ăn: Bánh, cháo và cơm. Nàng vâng lời làm theo ý chồng, khi làm xong đem dâng đến Bồ Tát. Ðồ nấu thật ngon, nhưng Bồ Tát giả bộ chê trách rằng: Nàng dâng cháo, Bồ Tát nếm một chút, đoạn Ngài đổ trên đất.

Nàng AMARÀ thưa: Nếu anh dùng cháo không vừa miệng, xin dùng cơm. Bồ Tát ngửi hơi cơm rồi cũng chê. Nàng nói: Xin anh dùng bánh. Bồ Tát thọ bánh thử chút ít rồi quở trách liệng bỏ: Thế nàng không rành nghề nấu ăn. Nàng AMARÀ cũng không buồn.

Cư ngụ được 3 ngày, đức Bồ Tát bèn đem hai ngàn lượng bạc dâng đến nhạc gia Ngài mà rằng: Tôi xin dâng chút ít của này đến nhạc gia chi dụng đở, tôi sẽ tùy tiện phụng dưỡng song nhạc được an vui trọn đời. Nay tôi xin đem nàng AMARÀ đi cùng tôi, xin nhạc gia hoan hỉ. Hai ông bà đều vui lòng chấp thuận.

Khi Bồ Tát dẫn vợ gần đến kinh thành MITHILÀ. Ngài gởi vợ cho môn quan. Vào dinh, Ngài bèn dạy hai thiếu nam ăn mặc sang trọng tỏ ra con nhà triệu phú đến trêu ghẹo thử ý vợ Ngài. Hai thanh nam tuân theo lời dạy của Bồ Tát, tìm đủ mọi cách để thử thách nàng AMARÀ nhưng vô hiệu quả, bèn trở về trình cho Bồ Tát rõ. Ngài liền cho người dẫn nàng AMARÀ vào dinh của Ngài. Nàng vào thấy tòa lầu cao sang phú túc, nhưng không rõ là của Bồ Tát, nàng bèn cười rồi khóc. Bồ Tát hỏi: vì sao nàng cười rồi lại khóc?

- Tôi cười, bởi kiềp trước khéo tu nên nay người mới được cao sang như vầy, nghĩ đến cái phước của người nên tôi cười. Còn tôi khóc, vì thương xót người ỷ quyền cao tước trọng mà bóc lột của lương dân, cưỡng bách vợ người, làm điều tàn ác, ắt sa đoạ trong ác đạo chẳng sai.

Bồ Tát nghe qua khen nàng là người chơn chánh, Ngài dạy đem nàng giao lại cho môn quan, rồi vào đền tâu cho Hoàng Hậu rõ: Ngài đã chọn được vợ hiền. Hoàng Hậu tâu cho vua hay, rồi sắm sanh hôn lễ đầy đủ cao sang đến rước nàng AMARÀ, về đến dinh Bồ Tát. Ðức vua, Hoàng Hậu cho đến dân gian thảy đều vui mừng phỉ dạ, chúc tặng quà sính lễ nhiều không kể xiết. Nàng AMARÀ bèn chia làm hai dâng đến vua một phần, còn một phần để dùng. Bồ Tát bèn rước song nhạc về phụng dưỡng như cha mẹ ruột.

Nói về bốn giáo sư kia thấy Bồ Tát được vua trọng đãi, quyền cao tước lớn như thế, càng sanh lòng ganh ghét, hằng tìm chước bày mưu để hảm hại.

SENAKA bàn rằng: Chúng ta hãy cáo gian MAHOSATHA là phản nghịch, thì hại hắn mới được. Vậy mỗi chúng ta hãy tổ chức trộm báu vật của vua là:

Cây trâm bằng vàng,
Hoa bằng vàng là,
Y báu Kambala,
Ðôi giày vàng.

Khi đã trộm được bốn báu vật của vua chúng ta đem giấu trong dinh MAHOSATHA rồi vào tâu, vu cáo rằng: MAHOSATHA mong lòng phản nghịch.

Sau khi SENAKA bàn định kế hoạch bèn cùng nhau đồng ý và phân công rằng: SENAKA trộm trâm vàng, PAKUTTHA trộm hoa vàng, KAMINDA trộm y báu, DEVINDA trộm đôi giày vàng.

Khi đã trộm được, SENAKA để cây trâm vàng vào hộp, rồi dạy đứa tớ gái đem bán tại nhà Bồ Tát. Lúc ấy nàng AMARÀ ở trong dinh xem thấy lạ, là đứa tớ chỉ qua lại trước dinh mình. Nàng bèn gọi vào giả bộ mua để hỏi thăm tìm hiểu, khi xem thấy cây trâm vàng của vua, nàng biết là kẻ gian ác, nàng bằng lòng mua. Xong nàng tìm cách hỏi thăm đứa tớ ấy, ai bảo đem bán.

- Chủ tôi là SENAKA.

Nàng niêm lại kỷ lưỡng để rõ ngày tháng và tên SENAKA, tên đứa tớ và cha mẹ của nó.

Phần PAKUTTHA trộm được hoa vàng, rồi dạy đứa tớ gái đem bán nơi nhà của Bồ Tát. KÀMINDA trộm y báu KAMBALA để vào giỏ rau, bảo đứa tớ gái đem đến dinh của Bồ Tát mà bán. DEVINDA trộm đôi giày vàng để vào bó lúa giao cho tớ gái đem bán như nhau. Nàng AMARÀ cũng mua tất cả bốn món, rồi biên rõ ngày, tháng, tên họ chủ, tớ và cha mẹ của nó, xong niêm lại kỹ càng. Nàng AMARÀ trình bày rõ rệt cho Bồ Tát hay rõ tự sự.

Một hôm, bốn vị giáo sư bèn vào chầu vua và tâu rằng: Vì sao Hoàng Thượng không dùng cây trâm vàng mà trang điểm?

- Vậy khanh hãy đi lấy dâng cho Trẫm trang điểm.

Bốn người giả bộ đi kiếm rồi trở ra tâu rằng: Cây trâm mất rồi, hoa vàng cũng mất, y báu KAMBALA và đôi giày cũng không còn. Bốn người ngồi ra vẻ đắn đo nghi trong chốc lát rồi tâu rằng: Bốn báu vật này không có trong nơi nào khác, ngoài nhà MAHOSATHA. MAHOSATHA trộm của ấy dễ dàng không kiêng nể Hoàng Thượng, bởi muốn đoạt ngôi Rồng.

Những người tùy tùng chân thành của Bồ Tát nghe rõ bèn chạy về thưa cho Bồ Tát hay. Bồ Tát nói rằng: Ta sẽ vào lập tức, rồi chúng ta sẽ biết nhau. Khi ấy Bồ Tát vào chầu vua. Ðức vua không cho gặp mặt. Bồ Tát hiểu ngay rằng vua thịnh nộ, bởi thiếu sự suy nghĩ mà tin lời vu cáo của bốn vị kia, Bồ Tát liền trá hình, giả làm kẻ khó ra khỏi thành MITHILÀ đi đến quận YAVAMAJJHÀ tá túc nơi nhà người thợ nồi. Tiếng đồn rằng MAHOSATHA đã trốn khỏi thành rồi.

Bốn vị giáo sư nghe qua rất đắc chí rằng: Như thế mới rõ ta là bậc có trí thức. Nay MAHOSATHA trốn rồi, thế vợ của hắn là vợ của ta, suy nghĩ như vậy nên tìm cách tâu vua để cho nàng AMARÀ ở yên.

Mỗi người có ý nghĩ riêng gởi thơ ghẹo nàng AMARÀ. Nàng nghĩ bốn người này thật đê hèn quá, vậy để ta làm cho họ mang nhơ cho biết mặt. Nghị như thế, nàng liền cho tin mỗi vị nên đến nàng giờ này...

Nàng dạy kẻ giúp việc đào hầm cho sâu rộng , miệng hầm rào xung quanh, trong hầm chứa đầy phẩn và nước tiểu, miệng hầm đậy bằng ván máy, trải nệm trên mặt hầm kín đáo, rảo hoa và nước thơm để tắm.

Tối hôm đó, SENAKA trang điểm cao sang, rồi đến dinh Bồ Tát, khi đến nơi, nàng AMARÀ cho mời vào. nàng tỏ vẻ vui mừng thỉnh SENAKA đi tắm đặng vào nghỉ. Khi ông ta vừa bước lên miệng hầm, bị máy bật té vào hầm phẩn. Kế PAKUTTHA, KAMINDA và DEVINDA cũng đồng chung cảnh ngộ. Bốn vị phải ở trọn đêm trong hầm phẩn, nước tiểu, tủi nhục vô cùng. Sáng ra nàng AMARÀ dạy người kéo lên cho tắm rữa sạch sẽ, rồi bắt cạo trọc, cạo lông mày, nàng dạy tôi tớ lấy gạch chà xát da cho rướm máu, nấu cháo đặc đổ lên đầu v.v... hành hạ bốn vị vô cùng khổ sở. Nàng cho lấy đệm quấn cả bốn vị đó rồi bảo người dẫn vào chầu vua. Nàng cũng không quên đem theo đủ cả bốn báu vật mà họ đã trộm được của bốn tội nhân. Nàng AMARÀ tâu rõ tự sự và dâng bốn báu vật đến vua rồi trở về dinh.

Ðức vua thấy rõ như thế lấy làm hối hận, không biết xử cách nào, vì Bồ Tát đã đi mất rồi, nên thả bốn vị giáo sư về nhà.

Thưở đó, có vị trời thường ngự trên cây lọng nơi nơi Rồng để nghe pháp của đức Bồ Tát, nay Bồ Tát đã vắng mặt vị trời ấy không được nghe pháp nữa, nên tìm dịp làm cho Bồ Tát trở về. Vị trời liền hiện hình cho vua thấy rõ, vừa lúc canh 5 và ra bốn câu đố như vầy:

1) Kẻ đánh đập, hiếp đáp, nguyền rủa lại là nơi thương yêu của người. Như vậy là hạng nào?

2) Người đánh chưởi theo ý muốn, nhưng chỉ nói ngoài miệng, không có ác tâm làm hại, khi đã mắng chưởi, đánh đập rồi lại thương yêu hơn trước. Người ấy là hạng nào?

3) Người cáo gian kẻ khác, rồi trở tội nghiệp hơn xưa thuộc về hạng nào?

4) Người được vật chi cũng lấy (đệm, chiếu, giường, y phục v.v...) càng làm cho người kính thương. Người ấy thuộc về hạng nào?

Ðức vua nghe bốn câu đố của vị trời, cố suy nghĩ nhưng không đáp được. Ngài cho vị trời biết rằng Ngài không thể giải đáp, xin chờ Ngài hỏi lại bậc trí tuệ và hứa ngày mai sẽ trả lời. Vị trời bằng lòng nhận theo lời hứa của vua. Sáng ra Ðức vua triệu bốn vị giáo sư vào, rồi dạy đáp bốn câu đố ấy. Bốn vị này không đủ khả năng giải đáp.

Tối lại, vị trời hiện ra hỏi nữa. Ðức vua đáp: Ðã hỏi, mà bốn vị giáo sư cũng không thông.

Vị trời tâu: Trừ MAHOSATHA PANDITA, không một ai hiểu rõ đâu, vậy Ðại Vương hãy sai người đi tìm Ngài MAHOSATHA, nếu Ðại Vương không tuân lời cho người đi tìm thỉnh Ngài MAHOSATHA về, ta sẽ đập đầu Ðại Vương bằng cây gậy sắc cháy đỏ này, ví như kẻ tìm lửa, rồi gặp đom đóm tưởng là lửa, lại đem củi và cỏ khô đến nhúm, mong gì được lửa, hoặc ví như người muốn được sữa bò, lại tìm sữa ở sừng bò làm sao mà được sữa? Này Ðại Vương! Các vị Ðế Vương xưa kia thắng được địch, nhờ có tri thức biết dùng người tài năng thao lược, trong nước mới được thái bình. Còn Ðại Vương tin đom đóm mà cũng tưởng là lửa, thì tránh sao khỏi điều thất bại. Ngài MAHOSATHA ví như đám lửa to, rực rở bằng trí tuệ. Nay Ðại Vương hỏi những câu đố nơi bốn vị giáo sư kém trí tuệ ấy, như ánh của đom đóm có đặng chăng? Ðại Vương hãy sai người đi rước MAHOSATHA về và hỏi cho được, bằng không ta chẳng để cho Ðại Vương sống đâu!

Vị trời hăm dọa Ðức vua như thế rồi biến mất . Lúc ấy Ðức vua lấy làm kinh hãi sợ chết. Sáng ra lâm trào, Ðức vua liền phán cho bốn đại thần dẫn quân đi tìm rước Bồ Tát MAHOSATHA, mỗi vị đi mội hướng. Ngài dạy phải tìm cho gặp MAHOSATHA rồi cúng dường một ngàn lượng và rước về đền lập tức. Bốn vị đại thần tuân lệnh đi kiếm khắp nơi. May thay! Vị đại thần đi hướng đông được gặp Bồ Tát tại quận YAVAMAJJHAGÀNA. Ngài đang nhồi đất làm nồi với chủ nhà, cả hai bàn tay Ngài đều lấm đất như các người thợ khác. Ngài không cố chấp, cách ăn ở bình dân, khác nào kẻ làm công trong nhà vậy. Với hành động cao đẹp này là muốn trả lời cho Ðức vua thấy rằng Ngài không phải là kẻ phản bội.

Khi thấy vị đại thần từ xa đến, Ngài biết rằng mong được gặp Ngài. Ðến gần Bồ Tát, vị đại thần thi lễ, rồi trình bày ý muốn của Ðức vua, và dâng một ngàn lượng bạc của vua ban thưởng. MAHOSATHA thọ rồi đền ơn lại cho chủ nhà. Xong Ngài lên xe trở về thành. Vị đại thần vào tâu trước cho Ðức vua hay. Ðức vua hỏi: - Khanh gặp MAHOSATHA ở nơi nào và đang làm gì?

- Tâu, tại nhà thợ làm nồi và đang nhồi đất nắn nồi.

Ðức vua bèn nghĩ: Nếu MAHOSATHA thật phản nghịch, lẽ đâu phải chịu cực khổ làm nghề ấy. Như thế con Trẫm thật là bậc trung nhân, rồi dạy mời vào.

Vị đại thần tâu: MAHOSATHA mình lấm đất chưa được tắm rửa.

Ðức vua nghe thấy làm cảm động, dạy vị đại thần ra cho phép MAHOSATHA về dinh tắm rửa sạch sẽ, trang điểm như trước rồi sẽ vào chầu.

Sau khi về dinh tắm rửa trang sức xong, Bồ Tát MAHOSATHA vào đền. Ðức vua dùng lời an ủi và hỏi thử rằng: Này con MAHOSATHA! Có hạng người nghĩ rằng đã được vừa ý rồi không làm tội, có hạng người vì sợ phần đông chê trách nên không dám làm tội, có hạng vô trí tuệ không làm được rồi nín thinh; không tìm làm dữ, về phần bậc có nhiều trí tuệ, cái chi cũng biết như con, có thể mong sự nghiệp to tát trong thế gian, vì sao con lại bơ thờ lãnh đạm, không hại Trẫm?

- Tâu, lệ thường người có trí tuệ không bao giờ chỉ mong vui cho mình mà làm khổ kẻ khác. Dù là nghèo khổ đến đâu cũng chẳng tạo nghiệp dữ. Bậc trí tuệ hằng tìm làm việc chơn chánh, trong sạch, không khi nào bỏ qua lẽ phải, không dám tây vị vì thương, vì ghét, vì si mê. Tâu, xin Hoàng Thượng hiểu như vậy.

- Này con MAHOSATHA! Trong đời này, khi người đã bị cảnh nghèo đói rồi, có ai nín thinh mà chịu được, họ tìm mưu sanh hạnh phúc trước, rồi sau tự hối tu hành không được sao?

- Tâu, bậc trí tuệ không bao giờ làm khổ ai, nhất là với an nhân. Không nói đến người, dù là cây mà bậc trí tuệ đã nương tựa, họ cũng không làm rơi lá gãy nhành. Người đã nhờ bóng cây, rồi làm cho cây trơ trụi, gọi là kẻ xấu xa, phản bội, không cần nói đến kẻ sát hại ân nhân, người bạc nghĩa cũng gọi là kẻ phản bạn, có đại tội. Như đối với lệnh Hoàng Thượng, Hoàng Thượng ban thưởng tôi nhiều đặc ân, nếu tôi hại Hoàng Thượng, thì tôi là kẻ phản bội quên ơn.

Rồi Ngài thuyết về tội của Ðức vua rằng:

- Tâu lệnh Hoàng Thượng, người sanh ra trong đời, đã thọ ân thầy dạy bảo, dù là một câu kinh, một lời lành cũng gọi là ân sư, kẻ thọ giáp là môn đệ chẳng nên quên ơn, không thận trọng tỏ vẽ lãnh đạm, làm điều không tốt với thầy, kẻ ấy là kẻ vong ân bội nghĩa có tội.

Rồi Ngài chỉ giáo thêm cho Ðức vua rằng:

- Người cư sĩ thọ dụng ngũ dục nếu thiếu sự tinh tấn, là kẻ lười biếng thì không gọi là người tốt. Cư sĩ mà biếng nhác thật là không hay đâu. Bậc xuất gia mà phá giới cũng là điều hư hại trong Phật pháp. Hàng vua chúa, mỗi khi làm việc mà không quan sát tỉ mỉ, tinh tường, khi nghe có được lời chi, tinh tường, khi nghe được lời chi thời vội tin, không quan tâm dò xét, phán đoán cho chu đáo, thì không tốt cho đế nghiệp. Lệ thường, bậc thống trị trong nước, mà hành động việc gì thiếu trí tuệ đắn đo, cân nhắc, thật là khổ, không hay. Người có trí tuệ mà bị sân hận đè nén, hoặc tây vị vì sân, thực hành theo sự nóng giận chênh lệch gọi là không tốt trong đời. Tâu Hoàng Thượng, lệ thường Ðức vua cần phải dùng trí tuệ suy xét chó chín chắn rồi mới nên làm, bằng chưa chẳng nên làm. Ðức vua nào thực hành theo trí tuệ và tìm xét cẩn thận thì hằng thịnh đạt, quốc thới dân an, ngai vàng kiên cố.

Ðức MAHOSATHA (Bồ Tát) vừa giảng dạy xong, Ðức vua VIDEHARÀJA liền thỉnh Ngài lên ngai vàng, còn Ðức vua ngồi bên cạnh phía dưới, rồi phán rằng: Này con! Có vị trời trên cây lọng trên ngai vàng hiện ra hỏi bốn câu. Trẫm và bốn giáo sư đều thúc thủ, cầu con giảng giùm cho rõ.

- Tâu, câu đố ấy như thế nào, xin Hoàng Thượng cho con rõ?

Vấn: - 1) Người càng bị đánh chưởi, thì càng làm cho kẻ khác mến yêu, là hạng người như thế nào?

Ðáp: - Tâu, đó là hài đồng mà người mẹ để nằm trên đầu gối. Thông thường, hài đồng nằm trên gối mẹ hằng vui thích đùa giỡn cùng con; khi đánh, lúc lại đạp níu tóc mẹ, vả miệng mẹ, còn người mẹ lại nâng niu hôn hít con, càng yêu mến con là như thế.

Vị trời nghe rõ bèn hiện ra, hoan hô khen ngợi là đúng, hay lắm, rồi cúng dường Bồ Tát bằng hoa trời để trong hộp ngọc, xong rồi biến mất. Ðức vua thấy thế càng hoan hỷ ban thưởng rất nhiều châu báu, rồi hỏi thêm câu thứ hai.

Vấn: 2) - Này con! Người đánh chửi theo ý muốn mình, song chỉ mắng ngoài môi chớ lòng không sân hận rồi trở lại càng thấy thương yêu hơn trước. Ðó là hạng người nào?

Ðáp: - đó là mẹ chửi rủa con, rồi trở lại thương yêu con hơn trước. Sự thật, khi người mẹ đã thấy con lên 6, 7 tuổi có thể sai khiến được, nhưng đứa con thường hoang du từ sáng cho tới tối, rồi không dám trở về nhà, phải nương náu nơi quyến thuộc, lại vuốt ve mơn trớn con, rồi dẫn con về nhà mà rằng: Nầy con! mẹ rầy la bấy nhiêu mà con phiền sao? Khuyên rồi càng thương con hơn trước.

Tâu Hoàng Thượng, câu đố thứ nhì là bà mẹ mắng, chửi con theo sở nguyện, rồi càng thương con hơn bội phần.

Vị trời liền hiện ra cúng dường và Ðức vua ban thưởng như trước. rồi xin hỏi đến câu thứ ba.

Vấn: 3) - Người dùng lời dối, đổ lỗi cho nhau, sau lại càng thương yêu nhau hơn trước, là hạng người nào?

Ðáp: - Tâu, đó là lời vợ chồng đổ lỗi cho nhau rằng: Em không thương anh chỉ tìm yêu kẻ khác, vợ cũng nói anh bỏ bụng em, quyến luyến phụ nữ khác..... Ðổ lỗi cho nhau như thế, rồi trở yêu nhau hơn trước. Ðó là câu đố nói về vợ chồng tỏ lời không thật cùng nhau như vậy, rồi càng trở mến yêu nhau.

Vị trời liền hiện ra tỏ lời Sadhu và cúng dường, Ðức vua cũng ban thưởng như trước, rồi hỏi đến câu thứ tư.

Vấn: 4) - Này con MAHOSATHA! Trong đời, có người thọ nhiều vật dụng của kẻ khác, thì càng làm cho họ thêm phần kính mến, đó là hạng người nào?

Ðáp: - Tâu, đó là nói về các thầy sa môn, Bà La Môn, tu phạm hạnh rồi được thí chủ dâng cúng nhiều vật dụng (thực phẩm, y phục, chỗ ở, mùng, chiếu, thuốc men). Thí chủ được cúng nhiều thì họ càng vui thích, kính mến nhiều vì là làm cho họ càng được phước báu. Câu đố này ám chỉ các thầy sa môn, Bà La Môn tu phạm hạnh trong sạch, làm cho thí chủ phát sanh đức tin dâng cúng vật dụng đến các Ngài. Khi các Ngài thọ lãnh, họ càng hoan hỷ và kính mến nhiều.

Lần này, Chư Thiên hiện xuống rất nhiều tỏ lời Sàdhu và cúng dường đủ cả 7 báu. Ðức vua ban thưởng nhiều báu vật và phong cho làm đại tướng tại triều. Từ đây Bồ Tát càng thêm vinh quang chói lọi.

Về sau, bốn vị giáo sư bàn luận nhau về địa vị cao siêu của Bồ Tát rằng: Nay MAHOSATHA rất có uy thế cao sang hơn chúng ta rồi! SENAKA liền nói: Nay tôi có một kế để báo thù MAHOSATHA, vậy chúng ta hãy đến giả bộ thăm viếng và hết lòng thân thiết với MAHOSATHA rồi hỏi về pháp "nên giấu kín việc mình với ai, nên nói việc kín với ai", rồi vào tâu vu cáo cho vua hay rằng MAHOSATHA muốn đoạt ngai vàng. Các ông có hợp ý chăng?

Ba vị kia đồng tán thành rồi đem nhau đến dinh MAHOSATHA. Khi gặp nhau, MAHOSATHA (Bồ Tát) tiếp đãi bốn vị giáo sư rất trọng hậu. Sau khi trò chuyện vui vầy SENAKA bèn hỏi: Thưa bậc trí tuệ, con người nên giấu việc chi kín với ai, nói việc kín đến ai?

- Bậc trí tuệ không nên tỏ việc kín cho ai cả.

Nghe như thế bốn vị giáo sư rất hoan hỷ, bèn từ giả ra về. Sáng ra, bốn vị giáo sư vào chầu tâu lén cho vua hay rằng MAHOSATHA (Bồ Tát) cố ý giấu việc kín, cố làm điều phản.

Khi MAHOSATHA(Bồ Tát) vào chầu, vua liền hỏi:

- Này con MAHOSATHA (Bồ Tát)! Con nghĩ thế nào? Việc kín của mình nên tỏ cho ai biết?

- Tâu, lệ thường việc kín không nên tỏ cho ai biết, thì sẽ đem nhiều lợi ích cho mình, bằng nói việc kín của mình với kẻ khác, bậc trí tuệ không khen đâu, khi công việc mong muốn được kết quả rồi mới nên nói ra. Các bậc trí tuệ thấy thế, nên hằng dấu nhẹm việc kín của mình.

Nghe MAHOSATHA (Bồ Tát) tâu như thế, Ðức vua liếc xem SENAKA và nghĩ tin chắc lời tâu lén của bốn vị giáo sư kia, cho MAHOSATHA là mưu phản, nên Ðức vua rất bất bình. MAHOSATHA (Bồ Tát) thấy thái độ của vua, đoán biết rằng vua tin tưởng lời vu cáo của SENAKA rồi quỳ lạy ra khỏi đền.

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: Bốn vị này, một vị tâu chỉ nên nói việc kín với bạn, một vị nói nên cho con hay, một vị chỉ nên nói cho mẹ biết, một vị nói nên cho em trai rõ, vì họ đã toan tính nhau trước rồi. Vậy nay ta vào núp trong thùng đựng nếp này để tìm nghe cho rõ nhân quả thế nào. Nghĩ như thế, Ngài dạy người hầu dời thùng đựng nếp lại, Ngài vào núp trong đó, bảo người lấy đồ đậy che cho khuất và dặn rằng: - Sau khi bốn vị giáo sư đến hội rồi đi ra khỏi nơi đây, ngươi sẽ trở lại cho ta hay.

Khi ra khỏi ngọ môn, SENAKA bèn hỏi về lời tâu của 3 vị rằng: Chỉ nên nói sự kín cho mẹ biết, cho con và cho em trai đó do nhân nào?

Ba vị kia đồng hỏi lại SENAKA: Còn ông tâu nên nói việc kín với bạn là thế nào? SENAKA bèn khai rằng: Các ông có biết cô gái giang hồ NAGARA chăng?

- Chúng tôi biết nàng ấy, song hôm nay không biết cô ấy ở đâu?

- Nàng ấy đã bị tôi giết rồi. Một hôm, tôi dẫn nàng đi dạo nơi ngự uyển và ngủ cùng nàng, song thấy nàng có nhiều vật quí trong mình tôi phát lòng tham, nên tôi sát hại nàng rồi đoạt cả đồ nữ trang, nay tôi vẫn còn cất giữ để làm kỷ niệm. Tôi giấu kín việc ấy, chỉ cho bạn thiết biết mà thôi, vì thế, nên tâu rằng chỉ nói việc kín cho bạn thiết biết.

SENAKA bèn hỏi việc kín của PAKUTTHA. PAKUTTHA khai rằng: Chân tôi có bệnh phong, chỉ có em trai tôi biết. Mỗi buổi sáng em tôi lấy thuốc băng bó chân bệnh lở, rồi tôi mới vào chầu. Ðức vua gọi tôi vào gần rồi dựa mình vào chân tôi và khen rằng chân tôi mền dịu, nhưng mềm dịu do băng bó ghẻ phong đó. Ðức vua mà biết được ắt tôi bị tội nặng, nên không có ai biết cả, chỉ có em tôi biết mà thôi.

KAMINDA khai sự kín của mình rằng: Tôi đã trộm ngọc ma ni của đức Ðế Thích ban cho Ðức vua KUSARAJA là hoàng thái hậu của Ðức vua VIDEHARÀJA hiện thời. Nhờ oai lực của ngọc ma ni, nên mỗi khi tôi vào chầu, Ðức vua gọi tôi trước hơn cả, rồi ban cho tôi từ 8 đến 16 hoặc 32 đồng mỗi bữa. Việc kín này chỉ có mẹ tôi hiểu, nên tôi đã tâu như vậy.

Cả bốn vị giáo sư trình bày việc kín của mình như thế như thế, rồi trở về nhà, chờ sáng hôm đặng giết MAHOSATHA (Bồ Tát). Ðức Bồ Tát núp trong thùng đựng nếp nghe đủ cả.

Ðức vua vì không kịp suy xét, nên vội tin lời vu cáo của SENAKA, bèn trao gươm vàng dạy SENAKA phải hạ sát Bồ Tát trong buổi sáng mai khi Bồ Tát vào chầu.

Sáng hôm sau, bốn vị giáo sư mặc triều phục đến trước ngọ môn núp chờ hại Bồ Tát. Ngày càng trưa, chẳng thấy Bồ Tát đến, nên bốn vị vào chầu. Ðức vua phán hỏi, các khanh đã giết MAHOSATHA (Bồ Tát) rồi chăng?

- Tâu, chúng tôi chờ lâu mà chẳng thấy MAHOSATHA (Bồ Tát)

Bồ Tát chờ mặt trời mọc lên cao rồi mới mặc triều phục vào chầu, có cả quân hộ vệ, quỳ lạy Ðức vua. Ðức vua VIDEHARÀJA động lòng hiểu rằng MAHOSATHA (Bồ Tát) không có tâm phàn nghịch, nên hết lòng kính trọng ta. Ngài phán gọi MAHOSATHA (Bồ Tát) vào gần và hỏi: Hôm qua con về sớm, bữa nay con về trể, con có điều chi nan chăng? Và cớ nào con vào chầu có cả quân hộ vệ.

- Tâu, hôm qua Hoàng Thượng trao gươm vàng cho bốn vị giáo sư lén hại tôi tại ngọ môn, cho nên hạ thần vào chầu hôm nay có cả quân hộ vệ.

Ðức vua nghe qua rồi liếc xem Hoàng Hậu, vì nghi bà thông tin cho MAHOSATHA (Bồ Tát). Ðức MAHOSATHA (Bồ Tát) hiểu rằng, vua thịnh nộ Hoàng Hậu, nên Ngài quỳ tâu rằng: Thánh thượng nghi lệnh Hoàng Hậu thông tin cho tôi biết chuyện kín của thánh thượng. Hạ thần xin trình bày những điều kín cho thánh thượng tường tri.

- Tâu, SENAKA này, có tâm hèn hạ, làm những tội tày trời, ông là bậc giáo sư thân cận chỉ dạy thánh thượng. Tâu SENAKA là bậc đê hèn, dẫn cô gái giang hồ NAGARA đến ngự uyển ân ái nhau rồi giết nàng NAGARA đoạt tất cả nữ trang để làm của.

- Tâu, nếu Hoàng Thượng mong bắt kẻ nghịch, nên nả tróc SENAKA trước đi.

Ðức vua hỏi SENAKA. SENAKA nhìn nhận tội lỗi y theo lời của MAHOSATHA (Bồ Tát) vừa tâu. Ngài hạ lịnh bắt giam SENAKA nơi ngục đường.

Kế, MAHOSATHA (Bồ Tát) lần lượt trình bày nghiệp ác của PAKUTTHA có ghẻ hong nơi chân, không đáng vào chầu Bệ Hạ đâu. KAMINDA có bệnh điên, bị quỷ nhập không nên làm thầy Hoàng Thượng đâu. DEVINDA là kẻ trộm ngọc ma ni. Ðức vua nghe tâu qua, rồi hỏi cả 3 vị đều thú tội. Ðức vua truyền lệnh tống giam vào ngục như SENAKA.

Tiếp theo, đức MAHOSATHA (Bồ Tát) giảng thuyết về đức tính của sự thầm kín rằng: Tính giấu kín là cao quý đáng cho bậc trí tuệ ngợi khen. Sự thố lộ việc bí mật của mình hàng trí tuệ hằng cố tránh. Bậc trí tuệ mong điều gì, mà chưa thành tựu thí vẫn giữ kín, chẳng cho một kẻ nào biết được. Phàm ở đời bậc trí tuệ hằng giữ kín công việc như giữ hầm của cải. Sự không tiết lộ là tánh cách quí của hàng trí tuệ. Các Ngài không bao giờ nói việc của mình cho phụ nữ nghe, với kẻ thù cũng thế, vì sẽ có tai hại đến mình. Với kẻ tham danh dục lợi, với người nghịch hay phường giả dối ngoài môi (khẩu Phật tâm xà), bậc trí tuệ vẫn kín miệng. hàng trí tuệ thường lo sợ kẻ biết việc kín của mình.

Lệ thường bậc trí tuệ muốn trình bày việc kín cho bạn trí tuệ nghe, thì hằng bàn với nhau trong khoảng trống, để ngừa sự nghi nan kẻ khác. Nếu luận cùng nhau trong nơi khuất lấp, làm cho người tìm hiểu dễ dàng, sẽ bị tiết lộ mau lẹ.

Ðức vua nghe lời giảng giải thanh cao của Bồ Tát lấy làm hoan hỷ, rồi dạy quân dẫn bốn vị pháp sư ra pháp trường xử trảm. Bồ Tát liền quỳ, tâu xin lượng khoan hồng của vua, xá tội cho họ. Ðức vua chuẩn tấu, nhưng dạy phải làm tôi mọi cho Bồ Tát đến trọn đời. Bồ Tát cầu vua ân xá phục chức như xưa.

Với hành động cao đẹp này, làm cho Ðức vua kính phục và suy nghĩ rằng MAHOSATHA (Bồ Tát) là bậc hiền nhân quân tử, không lòng phản nghịch và từ bi cứu vớt người thù nữa thật là hiếm có. Ðức vua ban thưởng đến MAHOSATHA (Bồ Tát) rất nhiều báu vật.

Từ đây, bốn vị giáo sư chẳng còn phương chước nào vu cáo Bồ Tát nữa, ví như rắn đã bị người lấy nọc ra hết.

Bồ Tát bắt đầu dạy đạo cho Ðức vuavà lo xây thành đắp lũy kiên cố, gìn giữ sơn hà xã tắc cho được thịnh đạt lâu dài. Ngài có nuôi con két POTAKA tập nói tiếng người, két rất khôn ngoan, dạy sao thi hành theo không sai chạy. Bồ Tát bèn dạy két POTAKA bay đi dọ thám các nước, cho biết ngoại bang nào mong mõi điều gì, cho tỉ mỉ rồi trở về báo cáo cho Ngài rõ.

Két POTAKA thừa lệnh bay đến kinh đô UTTARAPANCÀ do Ðức vua CULANÌBRAHMADATTA trị vì, có vị cố vấn danh là KEVATA là bậc bác học đang dạy đạo cho Ðức vua.

Một ngày nọ, vị cố vấn KEVATA thức sớm xem thấy trong dinh có đủ cả báu vật và kẻ tùy tùng thật là cao sang, hiếm người sánh bằng, nên ông nghĩ rằng: Những sự vinh quang đều do Ðức vua ban thưởng cho ta. Vậy ta nên tìm cách làm cho Ðức vua trở thành vị Hoàng Ðế duy nhất trong đời, thì ta cũng được quyền cao tước lớn, một vị cố vấn tối cao. Xong KEVATA liền vào chầu, tâu rằng: Hạ thần có việc bí mật cần tâu cho Hoàng Thượng rõ. Ðức vuanghe rồi đồng cùng KEVATA vào ngự uyển

Khi két POTAKA thấy cử chỉ của vua và KEVATA như thế, hiểu rằng vua và vị cố vấn có việc kín muốn bàn cùng nhau. Vậy ta nên cố gắng tìm nghe cho đầy đủ, nghĩ rồi liền bay theo vua và KEVATA.

Khi Ðức vua CULANìBRAHMADATTA đến ngự uyển an tọa rồi, KEVATA tâu rằng: việc mà hạ thần tính đây chỉ nên nghe được bốn tai mà thôi, nếu Hoàng Thượng nghe theo, thì sẽ thành một vị đại Hoàng Ðế trong đời.

Nghe qua lời tâu của KEVATA, Ðức vua lấy làm thoả thích vông cùng, nên phán hỏi rằng: v?y khanh muốn cho Trẫm phải làm thế nào, Trẫm sẽ làm theo lời sáng suốt của khanh

- Tâu, xin Hoàng Thượng phát binh đến các tiểu quốc. Phần hạ thần đi đi khuyên các tiểu bang nên hàng phục, vì Ðức vua của tôi nước giàu dân mạnh có đủ binh hùng tướng giỏi lại thêm đức hạnh, không cự địch nỗi, các Ngài đầu hàng thì sự nghiệp Ðế Vương đâu có mất, cũng vẫn ngồi trên ngai vàng như cũ, lại khỏi hao binh tổn tướng. Như thế các tiểu vương sẽ đầu hàng. Khi các tiểu bang đã qui phục, thì chúng ta sẽ đem binh chinh phạt các cường quốc. hạ thần cũng đi chiêu hàng; nếu các đại quốc chống cự, chừng ấy ta có thêm binh rồng tướng mạnh, sẽ cử đại hùng binh chinh phạt bắt vua ấy mà hạ sát. Khi đã thâu phục được tất cả một trăm lẻ một nước, chúng ta sẽ bày yến tiệc trọng đãi một trăm lẻ một vị vua tại ngự uyển, cho uống rượu độc chết hết, thỉ lo chi Hoàng Thượng không được làm một vị đại Hoàng Ðế trên thế gian này. tâu, xin tháng thượng giữ kín kế này chẳng nên để cho ai thấu rõ.

Vì két POTAKA thám tử, được nghe rõ mọi điều, liền lần xuống nhánh dưới rồi đại tiện ngay KEVATA. Vị cố vấn này ngước đầu lên xem, và nói rằng cái chi rớt trên đầu ta đây, vừa thả mồm thì két lại đại tiện ngay vào nữa, rồi két kêu ki ri, ki ri, xong nhảy lên cành trên nói bằng tiếng người rằng: - Này cố vấn KEVATA, ngươi tưởng rằng chỉ có bốn tai nghe sao? Bây giờ đây đã có 6 tai nghe rồi, dần dần sẽ thành 8 tai và rất nhiều tai nghe thêm nữa.

Ðức vua CULANI và vị cố vấn rất bực tức, liền dạy quân lính phải bắt cho được con két. Nhưng than ôi két đã đập cánh bay về phương trời xa thẳm làm cho Ðức vua CULANI và cố vấn KEVATA ôm sầu nuốt hận.

Két POTAKA đến nước, bay thẳng vào dinh, đáp trên vai của MAHOSATHA (Bồ Tát), vì két POTAKA này biết nói tiếng người và được tập thuần thục rất khôn ngoan, không muốn cho ai hay biết, nên nó đậu trên vai Bồ Tát, là chỉ mong một mình đức Bồ Tát nghe mà thôi, đây là thói quen của két POTAKA. Ðức MAHOSATHA đem két POTAKA lên tầng lầu cao thanh vắng, rồi hỏi người đi đâu dò xét như thế nào?

- Thưa chủ, tôi bay đến thủ đô UTTARA PANCÀ MAHANAGARA có Ðức vua CULANÌBRAHMADATTA thống trị và vị cố vấn KEVATA đi đến thượng uyển bàn việc kín cùng nhau, rồi két POTAKA tỏ hết những lời KEVATA tâu vua CULANÌ cho MAHOSATHA nghe.

Khi đã rõ câu chuyện quan trọng như thế, Bồ Tát bèn thưởng cho két POTAKA vừa lòng. Từ đây MAHOSATHA lo việc cải cách điền địa khuyếch trương thương trường, chỉnh đốn việc ăn ở của nhân dân. Ngài cho dân nghèo ra ở ngoài thành, nhà giàu vào cư ngụ trong thành và dạy phải làm ruộng rẫy, tích trữ lúa gạo v.v. cho đầy kho.

Ðức vua CULANÌBRAHMADATTA thi hành theo lời tâu của KEVATA đem binh chinh phạt các tiểu quốc. Còn KEVATA thì dùng lời lẽ để khuyến dụ các tiểu bang qui thuận, rồi đến đại quốc. Cứ theo kế hoạch ấy chẳng bao lâu, Ðức vua CULANÌ thâu phục được một trăm lẻ một nước nhỏ lớn.

Khi ấy, những thám tử của MAHOSATHA đã cho đi dò xét trong các nước cho người trở về phi báo cho Bồ Tát rõ tự sự rằng: Trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày, Ðức vua CULANÌBRAHMADATTA đã chinh phục tất cả 101 nước chỉ còn sót xứ MITHILÀ. Ðức vua CULANÌ bèn xúi KEVATA đem binh đánh thành MITHILÀ.

KEVATA tâu: - Kinh đô MITHILÀ có MAHOSATHA PANDITA bậc nhiều trí tuệ đã bảo vệ kiên cố, khó cho chúng ta phá được. Vả lại, bậc nhiều trí tuệ dù có binh chinh phạt được cũng bị hao binh tổn tướng rất nhiều, chi bằng ta để yên, thong thả rồi xứ MITHILÀ cũng sẽ vào tay chúng ta.

Sau khi đã thâu binh về nước, Ðức vua CULANÌ dạy dọn dẹp, trang hoàng thượng uyển để tiếp đãi tất cả 101 vị vua đã qui phục rồi dùng độc tửu, giết cho chết hết để được làm Ðại Hoàng Ðế một mình.

Các thám tử bèn thông tin cho MAHOSATHA hay rằng, ngày này, tháng này Ðức vua CULANÌ làm lễ ẩm tửu khải hoàn.

Ðức MAHOSATHA nghe qua biết rõ kế độc ác sâu hiểm của vua CULANÌ. Ngài rất thương xót tất cả các vị vua sẽ mang đại hại vì rượu độc: - "Ta là người có trí tuệ đâu nở ngồi yên xem cái chết của các vua ấy đâu. Vậy, ta ta hãy là nơi nương tựa của quý Ngài". Nghĩ xong, Bồ Tát bèn truyền lệnh, sai 1000 quân tinh nhuệ cho qua đến ngự uyển của vua CULANÌ BRAHMADATTA, nữa đêm thừa lúc chúng bất cẩn, tấn công vào đập phá tất cả những tĩn rượu độc trong cuộc lễ và cho biết rằng MAHOSATHA sai quân phá hoại.

Ðức vua CULANÌ và 101 tiểu vương rất giận MAHOSATHA. Ðức vua CULANÌ bèn truyền lệnh khiến 101 tiểu vương đem binh chinh phạt thành MITHILÀ bắt cho được MAHOSATHA và vua VIDEHARÀJA hạ sát cho được mới nghe. Xong rồi Ðức vua CULANÌ bèn vào phòng kín để thương nghị với vị cố vấn KEVATA

KEVATA tâu: - Thủ đô MITHILÀ có MAHOSATHA bảo vệ thành trì kiên cố như hang đá, vả lại người là trí tuệ trên đời, sợ e ta đem binh đi không kết quả chi, mà lại còn mất thanh danh nữa.

Nghe KEVATA tâu như vậy, nhưng Ðức vua CULANÌ vì háo chiến, cho mình là chúa tể, tự cao nên không nhận lời, bèn dẫn đại chủng binh và cả một trăm lẻ một tiểu vương qua chinh phạt thành MITHILÀ.

Những thám tử vào báo tin cho MAHOSATHA hay rõ tự sự. Ðức vua VIDEHARÀJA liền phát binh phòng thủ cẩn mật không dám dễ duôi.

Ðức vua CULANÌ dẫn đại binh đến thành MITHILÀ, rồi lệnh bao vây thành bằng voi binh một vòng, mã binh một vòng, sau rốt là bộ binh. Quân binh trùng trùng điệp điệp, nào tiếng voi, ngựa, xe, người nghe rầm rộ, vang rền như trời gầm núi lở.

Nói về bốn vị giáo sư khi nghe tiếng quân binh rầm rộ, nên lo sợ lén vào tâu Ðức vua VIDEHARÀJA: - Tâu lệnh Hoàng Thượng, chẳng hay chuyện chi xảy ra, mà có tiếng người, ngựa la ó rền trời như thế?

- Trẫm nghe báo rằng Ðức vua CULANÌ, dẫn binh qua đánh nước ta. Vậy Trẫm cùng các khanh lên lầu xem thử. Vua tôi đồng nhau lên xem thấy. Ôi! Là quân binh trùng trùng điệp điệp vây chặt vòng thành, khiến cho chúa tôi kinh sợ chết, than thở cùng nhau chẳng biết mưu kế chi để bôn đào tị nạn. Trong lúc sợ hãi ấy, thình lình thấy đức Bồ Tát mặc triều phục chỉnh tề vào đến sân rồng, sắc mặt vui tươi bình tĩnh không chút gì lo ngại, như chúa sơn lâm.

Ðức vua thấy MAHOSATHA vào chầu, Ngài rất mừng và nghĩ rằng: Ngoài MAHOSATHA ra không có một ai đáng là nơi nương nhờ của Trẫm được. Ngài liền ngõ lời rằng: Này con MAHOSATHA! Nay vua CULANÌBRAHMADATTA đã cử đại hùng binh có cả 101 tiểu vương đến vây chặt bốn phía thành nào là voi binh, mã binh, xa binh và bộ binh đông nghẹt, không người qua lọt, voi rống ngựa hí, xe kêu, người la rầm rộ rền trời, vang đất, chúng ta không còn nẽo trốn thoát, ngoài con ra Trẫm xét chẳng có ai đủ tài năng giải khổ được, con mau liệu biện mưu nào cho Trẫm khỏi sa vào tay kẻ nghịch.

MAHOSATHA nghe qua những lời phó thác sanh mạng và tin tưởng ở mình, Ngài rất tội nghiệp cho Ðức vua quá lo sợ chết, nên yêu cầu ta giải khổ cho. Vậy ta nên làm nơi nương tựa của Ðức vua, ví như vị lương y là nơi nhờ cậy của bệnh nhân, như thực phẫm là nơi trông cậy của người đói; hoặc như nước là nơi cần yếu của kẻ khát.

Nghĩ như thế Bồ Tát bèn tâu rằng: - Xin Hoàng Thượng yên tâm chớ lo ngại chi cả, sự dẹp giặc là phận sự của hạ thần, dù vua CULANÌ có quân binh nhiều đến đâu, hạ thần cũng trừ được dễ dàng, hạ thần sẽ làm cho chúng chạy bỏ khí giới và lương thực lại cho chúng ta dùng. Tâu xong MAHOSATHA bèn quỳ lạy lui ra.

Ðức MAHOSATHA truyền rao cho nhân dân đừng lo sợ chi cả, đối với kẻ nghịch, chúng dân chỉ nên diễn kịch vui chơi 7 ngày đêm đi, nều cần mua chi hãy lấy tiền nơi ta mà dùng. Còn về phần chống kẻ ngoại xâm thì thuộc về phần ta, các ngươi chớ nên lo sợ.

Dân gian nghe lời bá cáo đanh thép của MAHOSATHA họ rất an vui làm theo, chỉ biết ăn mặc vui chơi, đờn ca xướng hát cả ngày lẫn đêm. Quân giặc nghe kèn trống ca hát vui chơi như thế, bèn tùng theo các cữa ngõ vào xem, quân gác cũng cho phép tự do.

Ðức vua CULANÌ nghe tiếng trống kèn, ca hát hỉ hả vang rền trong thành lấy làm lạ nên hỏi các quan thám tử và họ tâu rằng: - Chúng tôi có vào theo cửa nhỏ đến thành nội xem họ diễn kịch và hỏi thăm vì sao nay trong nước bị giặc vây thành trùng trùng điệp điệp, mà không lo sợ, các anh cứ vẫn vui chơi như vầy?

Chúng dân đáp rằng: - Ðức vua của chúng tôi có nguyện, bao giờ có giặc đến vây thành thì cho phép nhân dân được vui chơi như thế. Nay lời nguyện đã đến, nên chúa chúng tôi bày tiệc cuộc chơi ăn mừng như vầy.

Nghe quân thám tử tâu, Ðức vua CULANÌ phát lòng tự ái đại nộ ra lệnh cho quân lính tấn công hãm thành và tiêu diệt nhân dân đang ăn chơi trong thành đó, bắt cho được vua VIDEHARÀJA lấy thủ cấp đem nạp cho Trẫm lập tức. Ðược lệnh truyền, quân lính ồ ạt tiến đến, kẻ gươm, người dáo cung tên khí giới đầy đủ xông vào các cửa thành. Nhưng phải một phen thất bại, bị quân trên thành đổ sỏi, cát nóng và bắn tên ra chết vô số; không một ai đột nhập gần vào thành được phải thối binh trở lại.

Ðức vua CULANÌ bèn thương nghị với vị cố vấn KEVATA. KEVATA tâu: - Bây giờ ta phải chiến đấu trường kỳ mới có thể thắng được vua VIDEHARÀJA. Chúng ta nên kiên nhẫn vây thành chặt chẽ, lâu ngày dân trong thành hết lương thực, chừng ấy ta sẽ vào bắt cóc họ không khó. Vây càng lâu cũng thấy không hiệu quả, vì trong thành đã tích trữ đầy đủ lương phạn không thiếu hụt chút nào. Trái lại quân lính của vua CULANÌ phải chịu vất vả cực khổ, dầm sương dãi nắng lâu ngày mòn hơi kiệt sức, hao tổn lương thực.

Thấy thế Ðức vua bèn hỏi ý với vị cố vấn KEVATA. KEVATA tâu: - Bây giờ còn một kế là đấu pháp với nhau mới rõ tài cao thấp.

Ðức vuahỏi: - Thế nào là đấu pháp?

- Tâu lệnh Hoàng Thượng, nghĩa là dùng pháp mà đấu nhau không dùng quân lính, hai vị trí tuệ của hai nước sẽ hội nhau trong một nơi, để luận đạo cùng nhau. Người nào cuối đầu lễ bái là bại, nghĩa là tôi già, MAHOSATHA trẻ. MAHOSATHA không rõ sẽ mắc kế chúng ta, khi gặp nhau thì MAHOSATHA sẽ bái chào tôi, như thế là người bại trận.

Ðức vua CULANÌ nghe rất khen ngợi rồi gởi thông điệp cho Ðức vua VIDEHARÀJA hay rằng: - Sáng mai tôi và Ðại Vương gởi bậc trí tuệ cho hai người gặp nhau trong một nơi nào để đấu pháp. n?u người nào lễ bái trước gọi là bại.

Ðức vua VIDEHARÀJA được thông điệp liền cho Bồ Tát xem. Xong trả lời ưng thuận và hẹn nơi đến để đấu pháp cho vua CULANÌ rõ. MAHOSATHA truyền cho người đến dọn dẹp sắp đặt nơi đấu pháp ngoài thành.

Sáng ra Ðức vua CULANÌ và 101 tiểu vương đều dự ra xa chờ xem hai bậc trí tuệ đấu pháp. Với bộ triều phục chỉnh tề MAHOSATHA chầu vua VIDEHARÀJA. Ðức vua hỏi: - Hôm nay con đi đấu pháp phải chăng? Vậy con cần vật chi thì được phép lấy dùng.

MAHOSATHA tâu: Hạ thần cần ngọc ma ni để dụ dỗ KEVATA.

- Này con! Con cứ tự tiện lấy đem theo đi. Chúc con đi được nhiều may mắn và đắc thắng khải hoàn.

Khi MAHOSATHA ra khỏi thành gần đến nơi, Ngài xuống xe, rồi ngự đến chỗ đấu pháp với vẻ mặt tươi tỉnh bạo dạn đầy đủ nghị lực; không khác nào chúa sơn lâm ra khỏi động báu. Tất cả 101 tiểu vương đến hội họp gần nơi ấy, được thấy quí tướng của MAHOSATHA thì phát tâm phỉ lạc, trầm trồ khen rằng: Vị đại nhân con của Triệu phú SIRIVADDHANA ẩn đủ trí tuệ trong đời không ai sánh kịp. ai cũng đều tán dương oai lực phi thường rằng như trời Ðế Thích có cả Chư Thiên hậu hạ tùy tùng. Khi MAHOSATHA cầm ngọc ma ni đi ngay đến trước mặt vị cố vấn KEVATA. KEVATA không thể đứng vững được, nên bước tới bái chào MAHOSATHA rồi nói: - Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, hai ta đều là hàng trí tuệ, tôi đến nương náu trong nước của Ngài đã lâu, vì sao Ngài không biếu lễ vật gì cho tôi?

- Này Ngài cố vấn, tôi định sẽ dâng lễ đến Ngài, nhưng tìm mãi chẳng thấy vật chi quý báu ứng đáng biếu Ngài. May thay, tôi vừa được ngọc ma ni trong ngày nay, ngọc ma ni này tôi cho là của biếu xứng đáng để dâng đến Ngài. Vì thế, tôi mới cố gắng đến đây xin dâng cho Ngài bây giờ, mời Ngài đến thọ lãnh.

Vị cố vấn lòng mừng khắp khởi tin rằng là thật, thấy MAHOSATHA cầm ngọc ma ni hào quang chiếu sáng liền đưa tay ra để thọ. MAHOSATHA bèn ném ngọc ma ni trên tay KEVATA, ngọc ma ni liền rớt xuống đất, lăn vào gần chân Bồ Tát. KEVATA mong được ngọc nên vội vàng cuối xuống gần chân MAHOSATHA để lượm ngọc ma ni. Thuận tiện, Bồ Tát dùng một tay ấn mạnh vào cổ KEVATA không cho đứng dạy được. Bồ Tát bèn tuyên bố rằng: - Này, Ngài cố vấn nên ngồi dậy đi, mời Ngài không nên lễ bái tôi làm gì!

Lời tuyên bố của Bồ Tát nghe vang đến tất cả quân lính, làm cho ai cũng đều thấy rõ và nhận rằng vị cố vấn đang quỳ bái đức Bồ Tát, cho đến 101 tiểu vương và vua CULANÌ cũng đồng nhận như vậy. Quân lính của MAHOSATHA cũng tiếp báo cáo lên rằng: KEVATA quỳ lạy MAHOSATHA.

Ðịch quân đều hãi hùng sợ chết, đồng nhau lên ngựa chạy dài về thành UTTARAPANCÀ. Quân lính của MAHOSATHA càng la to lên rằng: Ðức vua CULANÌ trốn rồi, làm cho toàn cả địch quân rối loạn mạnh ai nấy chạy hết. Còn vị cố vấn KEVATA cố gắng chạy theo vua tâu rằng: Xin các Ngài dừng lại, không phải tôi lạy MAHOSATHA đâu.

Mặc dầu KEVATA kêu nói, họ cũng không cần nghe và đáp rằng: Ngươi là kẻ đê hèn, sau lưng thì ngươi ngã mạn, nói sẽ làm cho MAHOSATHA lễ bái mình, đến khi gặp mặt MAHOSATHA thì hoảng sợ liền lạy sát đất, bây giờ lại nói không lạy MAHOSATHA, ai tin được, chúng ta không nghe ngươi đâu!

Vị cố vấn nói: - Xin các Ngài hãy tin sự thật là tôi cuối đầu lượm ngọc ma ni của MAHOSATHA biếu cho nhưng đã làm rơi xuống đất

- Vậy ông có lượm được ngọc ma ni không?

- Không, tôi vừa cuối xuống bị MAHOSATHA đè cổ cứng như sắt, khiến tôi không đứng dậy được.

Nghe giải rõ nên Ðức vua CULANÌ đem toàn quân trở lại vây thành MITHILÀ như trước.

Ðức MAHOSATHA bị sợ vây lâu ngày lòng dân rối loạn, nên Ngài tìm mưu đuổi địch trở về. Ngài cố tìm người tri thức và trung thành để giúp Ngài; Ngài bèn gọi ANUKENATA vào rồi hỏi: Ngươi có hết lòng giúp ta chăng?

- Thưa, tôi sẵn lòng tuân lời dạy bảo của Ngài, dù cho thân này tan nát tôi cũng vui lòng làm theo.

Bồ Tát dạy ANUKENATA làm khổ nhục kế trá hàng, và trù hoạch cho ANUKENATA thi hành. Trước hết bắt tội ANUKENATA âm mưu phản nghịch giam vào ngục hình tra tấn thậm tệ, đến đỗi máu đổ thịt rơi. Một hôm, ANUKENATA vượt ngục chạy qua quân địch than khóc, oán trách MAHOSATHA làm động lòng quân lính của vua CULANÌ. ANUKENATA được dẫn vào chầu vua CULANÌ để tâu rõ tự sự rằng: MAHOSATHA thấy tôiđược Ðức vua VIDEHARÀJA tin cậy ban thưởng nhiều rồi sanh lòng ganh tỵ, tìm kế đoạt hết binh quyền tôi, rồi còn dạy quân tra tấn tôi tàn nhẫn, nên tôi buộc tình phải trốn qua xin đầu hàng Hoàng Thượng để dâng kế hoạch đoạt thành MITHILÀ và bắt MAHOSATHA cùng vua VIDEHARÀJA giết cho tuyệt nọc.

Ðức vua CULANÌ nghe được rất mừng và phong cho làm hầu cận vua. Trong những hôm sau động binh, ANUKENATA tùng dịp tâu dối rằng: Tôi đã xem xét tỉ mỉ, thấy phần đông các vương và binh sĩ cho đến vị cố vấn KEVATA đều cố ý theo MAHOSATHA, vì trong các vật dụng đều có dấu hiệu riêng của MAHOSATHA, xin Ðại Vương tra xét thì rõ. Ðây là kế hoạch đã vạch sẳn của MAHOSATHA.

Khi Ðức vua CULANÌ dạy ANUKENATA lấy ra cho Ngài xem, thấy rõ tang vật bèn tin hẳn là thật. Rồi Ngài hỏi ý kiến ANUKENATA,: Như vậy phải làm thế nào?

- Tâu, hạ thần xin cầu Bệ Hạ hồi trào để bảo tồn chúa tôi, chẳng nên ở đây vì sẽ bị kế của MAHOSATHA thì trở tay không kịp.

Ðức vua nghe rất lo sợ, rồi hỏi kế nơi ANUKENATA, ANUKENATA tâu: - Bệ hạ nên trở về nước nội đêm nay, nếu sáng ra không tránh khỏi ta MAHOSATHA đâu. Vì tất cả quân binh, 101 tiểu vương, nhất là vị cố vấn KEVATA đã thọ ngọc ma ni của MAHOSATHA rồi mà trở lại nói dối là ngọc ma ni bị MAHOSATHA lấy lại.

Ðức vua CULANÌ nghe được kinh hãi sợ chết, hối ANUKENATA mau thắng yên ngựa cho Ngài bôn đào. khi lên ngựa xong, ANUKENATA theo đưa vua CULANÌ một đổi đường, rồi quay ngựa trở lại la lên rằng Ðức vua CULANÌ đã trốn rồi. Khi đó các tiểu vương và cố vấn KEVATA tin rằng Ðức vua đã bị MAHOSATHA bắt rồi, nên ai cũng đều kinh khủng, sợ chết lên ngựa tẩu thoát, không kịp mang theo vật chi cả, tất cả quan binh cũng ùa nhau chạy tán loạn.

Sáng ra, được tin thám tử phi báo, ngọ môn quan mở cửa thấy vật dụng bỏ đầy đường, quân vào tâu cho MAHOSATHA rõ. Ðức MAHOSATHA dạy: - Vật của vua CULANÌ và 101 tiểu vương thì lượm thâu đem dâng cho Ðức vua mình. Phần nào của triều phủ và vị cố vấn KEVATA thì đem cho ta. Còn lại bao nhiêu thời cho quân binh và dân chúng được phép lấy dùng. ai ai cũng đều hoan hỷ nhặt tiền bạc, vàng, ngọc rất nhiều đến nữa tháng mới hết vật quí. Tìm lượm những vật dụng thường đến bốn tháng mới hết. Ðức MAHOSATHA bèn ban thưởng cho ANUKENATA rất nhiều của cải châu báu.

Từ đó, nhân dân trong xứ MITHILÀ trở nên giàu sang thạnh vượng

Nói về vị cố vấn KEVATA càng nghĩ càng tức giận MAHOSATHA, đã bị đại bại còn mang vết thương trên mặt, hết sức là nhục nhã; nên KEVATA hằng tìm mưu chước để báo thù.

Một hôm, vị cố vấn KEVATA thấy một kế rất hay, là nhờ đến nàng Công chúa của Ðức vua CULANÌ có nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời (nhạn sa, cá lặn) như ngọc nữ, và thầm nghĩ: "Nếu ta đem Công chúa làm mỹ nhân kế dụ dỗ gả cho vua VIDEHARÀJA, khi Ðức vua VIDEHARÀJA và MAHOSATHA đến đây, ta sẽ phân thây mà rữa hờn, chừng ấy mặc sức ta ca khúc khải hoàn".

Tính như thế, bèn vào chầu, tâu kín với Ðức vua CULANÌ. Ðức CULANÌ từ khi trở về nước âu sầu, hổ thẹn, ngày ăn chẳng no, đêm không yên giấc, sợ cảnh nước mất nhà tan. Khi nghe KEVATA muốn tâu việc kín, phán rằng: Thôi đi, khanh đã nhiều phen lập kế bày mưu mà thất bại luôn làm cho hao binh tổn tướng, nay còn mưu mô gì nữa!

Vị cố vấn KEVATA hết sức khẩn cầu: Xin Hoàng Thượng dằn cơn thịnh nộ cho hạ thần tâu một kế rất hay không còn phương pháp nào hơn.

- Vậy khanh hãy tâu cho Trẫm nghe thử.

- Tâu, xin Hoàng Thượng đến nơi thanh vắng chỉ có bốn tai mới nên nói.

Ðức vua nhận lời lên tầng lầu cao nhất, KEVATA tâu rằng: Tôi tính cho những thi sĩ, nhạc sĩ, đặt các bài hát du dương quyến rũ, rồi dạy tập cho Công chúa biết ca xướng, múa hát đúng nhịp đờn kèn cho thật hay, chừng ấy sẽ trải đi đến thành MITHILÀ mê hoặc vua tôi VIDEHARÀJA. Khi đã làm cho vua VIDEHARÀJA say mê Công chúa rồi, Bệ hạ sẽ sai hạ thần đến tâu xin gả công cúa cho vua VIDEHARÀJA. Nếu Ðức vua VIDEHARÀJA đẹp dạ thuận tình, tôi sẽ thỉnh Ngài qua đây rước dâu, chừng ấy sẽ có MAHOSATHA theo chầu, ta tuỳ cơ ứng biến bắt chúng mà giết cho sạch để trả thù xưa.

Ðức vua CULANÌ nghe được lấy làm hoan hỉ rằng: Kế này thật hay. Rồi Ðức vua cho đòi các thi sĩ trứ danh trong nước đến dạy, đặt bài ca thơ, phú, đủ cách và có treo nhiều giải thưởng. Ðức vua dạy Công chúa và cung phi, mỹ nữ phải học cho thuần thục nghề ca hát, đờn kèn trong đền. Ðức vua không quên tuyển chọn các thanh nữ xinh đẹp có tiếng thanh tao cùng học ca hát đờn kèn giúp Công chúa. Chẳng bao lâu trở thành một đoàn ca kịch nổi tiếng khắp xứ. Ðức vua CULANÌ cho sang diễn kịch trong thành MITHILÀ làm cho nhân dân trí đức vua VIDEHARÀJA nghe tiếng ca hát, đờn kèn đều thoả thích, dần dần có tin đồn rằng Ðức vua CULANÌ sẽ gả Công chúa cho Ðức vua VIDEHARÀJA.

Khi Ðức vua VIDEHARÀJA được nghe càng thêm say mê tiếng đờn ca, xướng hát và quyến luyến sắc nước hương trời của Công chúa. Ðức vua bèn ban thưởng rất nhiều tiền bạc cho bọn ca nhi. Sau khi đã thi hành công việc theo lời dạy của Ðức vua CULANÌ với sự kết quả khả quan, đoàn ca kịch về nước. Lúc bấy giờ, Ðức vua VIDEHARÀJA hằng thương tiếc và nhớ đến lời ca điệu múa, hình ảnh xinh đẹp của Công chúa.

Vị cố vấn KEVATA thấy đã có hiệu quả phần nào rồi, nên vào tâu vua, xin cho mình đi qua xứ MITHILÀ để đính hôn cho Công chúa với Ðức vua VIDEHARÀJA. Khi đến thành MITHILÀ, vị cố vấn KEVATA xin vào yết kiến Ðức vua VIDEHARÀJA và tỏ lời của vua CULANÌ xin hứa gả Công chúa tể tỏ tình bang giao giữa hai nước. Ðức vua VIDEHARÀJA nghe được xiết bao mừng rỡ, ban thưởng rất nhiều và khuyên vị cố vấn nên gặp MAHOSATHA cho hai bên cùng được giải hoà nhau.

Vị cố vấn KEVATA nghe lời đến dinh MAHOSATHA. MAHOSATHA biết KEVATA là người độc ác không tốt nên cố ý không muốn đàm luận bèn giả đau nằm trên giừơng không tiếp khách. Lúc ấy vị cố vấn KEVATA đến, gặp Bồ Tát mà Ngài không mời ngồi và cũng không trò chuyện nên KEVATA phải xin từ giả lui ra.

Trở vào chầu, vua VIDEHARÀJA hỏi KEVATA: Ðến thăm con Trẫm, MAHOSATHA ra sao?

- Tâu, Ngài MAHOSATHA đâu có phải là bậc trí tuệ, không biết cách tiếp khách, là hạng vô trí thức.

Ðức vua nghe rồi vẫn làm thinh. Khi KEVATA từ tạ lui ra, Ðức vua VIDEHARÀJA bèn suy nghĩ rằng: Cớ sao con Trẫm lại không chịu tiếp rước KEVATA, có lẽ con Trẫm đến xứ người rồi tìm cách hại Trẫm chăng? Ôi! Sang đến đó ta sẽ ở trong tay kẻ nghịch! Nghĩ rồi rất lo sợ.

Kế có bốn vị giáo sư là: SENAKA, PAKUTTHA, KAMINDA và DEVINDA vào chầu. Ðức vua VIDEHARÀJA bèn hỏi ý kiến của bốn vị giáo sư cho biết nên sang xứ UTTAPANCÀ không?

SENAKA tâu: Vì sao mà Bệ Hạ lại hỏi chúng tôi như thế. Sự ngự đến nước UTTAPANCÀ của Bệ Hạ là đúng, có nhiều lợi ích:

1) Ðuợc rước Công chúa về làm Hoàng Hậu thì có chi quí bằng
2) Các nước lân bang, ngoài UTTAPANCÀ, đều tùng phục Bệ Hạ như họ đã đầu hàng Ðức vua CULANÌ
3) Sẽ được ban giao hoà hảo với Ðức vua CULANÌ thì có chi quí bằng.

Ðức vua hỏi ba vị kia, họ đồng tán thành ý kiến của SENAKA. Khi ấy, vị cố vấn KEVATA vào tâu xin từ biệt Ðức vua VIDEHARÀJA và trở về nước cho vua mình hay ngày hôn lễ.

Ðược nghe KEVATA trở về nước rồi, đức MAHOSATHA mới vào chầu. Ðức vua VIDAHARÀJA bèn cho Bồ Tát hay rằng: Tất cả 6 người là bốn vị giáo sư, cố vấn KEVATA và Trẫm đồng ý sang xứ UTTARAPANCÀ để rước Công chúa về. Vậy, con là bậc trí tuệ, con nghĩ sao?

Ðức MAHOSATHA xét rằng Ðức vua đã say mê tửu sắc dục không tưởng đến tại hại lớn lao, để ta tâu cho thấy rõ sự nguy hiểm, mong Ðức vua thức tỉnh. Nghĩ rồi bèn tâu rằng:

- Hoàng Thượng không sợ bị người sát hại, ví như thợ săn gài bẫy, đem thú cái làm mồi cho thú đực sa vào bẫy rồi họ phân thây, thế nào? Vua CULANÌ ví như thợ săn, Công chúa như thú cái, KEVATA ví như cây lao mà thợ săn cầm trong tay. Ðức vua CULANÌ đem Công chúa làm mồi bắt Bệ Hạ, hoặc ví như ngư ông móc mồi vào lưỡi câu, cá mê rồi phải bị giết thế nào? Ðức vua CULANÌ ví như ngư ông, Công chúa ví như miếng mồi, KEVATA ví như lưỡi câu, Bệ Hạ ví như cá mong ăn mồi. Tâu, nếu Bệ Hạ say mê Công chúa và ngự đến nước UTTARAPANCÀ thì sẽ bị tai hại chẳng sai.

MAHOSATHA cố tìm đủ lý luận để tâu bày, ngõ hầu giải nạn cho Ðức vua. Nhưng than ôi! Ðức vuaVIKEHARAJÀ nghe rồi phát cơn thịnh nộ rằng MAHOSATHA khinh rẻ Trẫm thái thậm. Xem Trẫm như tôi tớ của người, không trọng ta là bậc Ðế Vương chi cả. Ðã hiểu rõ Ðức vua CULANÌ mời ta để gả Công chúa, nói không có một lời nào chia vui cùng ta, mà thêm khinh khi nhạo báng ta thái quá. Nghĩ rồi Ðức vua bèn phán rằng: Này MAHOSATHA! Ai ai cũng đều tán thành cho Trẫm sang cưới Công chúa, vậy họ chẳng hiểu lợi ích chi cả sao? Không một ai có trí tuệ cả, đều là mù quáng hết sao? Chỉ có mình ngươi là biết việc hơn hết chăng? Này MAHOSATHA, ngươi là con nhà ruộng rẫy chỉ biết cày bừa mà thôi, đâu có hiểu điều hạnh phúc của nhà vua. Ngươi chỉ biết cầm cày cuốc đất, nào rõ công việc của đế vương. SENAKA, PAKUTTHA, KAMINDA và DEVINDA thông suốt điều lợi ích của Trẫm. Ngươi là kẻ nhà quê, chỉ biết nghĩ đến công cấy cày mà thôi. Vậy ai đâu, người nào đó hãy vào đánh đuổi MAHOSATHA ra khỏi chỗ này cho khuất mắt Trẫm, MAHOSATHA chỉ nói những lời bất hạnh. Trẫm được lợi báu và trở làm cho Trẫm mất à.

Ðức vua chỉ phán bấy nhiêu lời chớ không gọi ngay người nào bảo bắt MAHOSATHA vì Ðức vua vẫn còn thương yêu, kính trọng Bồ Tát. Mặc dù Ðức vua không dằn được cơn thịnh nộ, nên mới phán bấy nhiêu lời.

Ðức MAHOSATHA hiểu rằng vua không vừa lòng nên lui về dinh. Ðức Bồ Tát tự nhũ rằng: Hoàng Thượng ta ham vui quá, chỉ biết sự đi rước Công chúa mà không tưởng điều tai hại đến sanh mạng mình. Chỉ thấy lợi mà không rõ sự tai hại lớn lao. Nếu ta cố chấp, chỉ ghi nhớ lời sân hận của ta, trọng đại và ban thưởng ta biết bao nhiêu quyền tước trọng. Vậy ta hãy là nơi nương tựa của Ngài mới nên chớ, giờ đây ta nên đi qua xứ UTTARAPANCÀ trước, để trần thiết kinh thành và cung điện cho Ðức vua ngự và tạo bãi chiến trường, đào đường hầm và lỗ hổng để sẳn, ngừa khi lúc Ðức vua CULANÌ bao vây, ta sẽ thỉnh Ðức vua, các quan đại thần và bắt luôn Công chúa theo xuống hầm rút binh thẳng về nước, thế mới được an vui, tránh mọi điều nguy hiểm. Sự vãng lai của Ðức vua là phận sự của ta. Xét thấy thế, MAHOSATHA mặc triều phục dẫn kẻ tùy tùng đến chầu vua và tâu rằng: Thánh thượng quyết định sang kinh đô UTTARAPANCÀ chăng?

- Ôi! Trẫm định đi để rước Công chúa về, bằng không thì sự nhiệp Ðế Vương có ích gì! Vậy con hãy cùng Trẫm đi thì được hai lợi ích:

1) Ðuợc Công chúa.
2) Có sự bang giao với Ðức vua CULANÌ.

- Tâu, như vậy hạ thần xin đi trước để trang hoàng cung điện sẳn sàng, đón rước Hoàng Thượng. Khi làm xong hạ thần sẽ sai quân về thỉnh Bệ Hạ ngự sang.

Ðức vua mừng rằng MAHOSATHA đâu có bỏ Trẫm, rồi hỏi: Con cần dùng chi đem theo chăng?

- Tâu, hạ thần cần dùng quân lính vừa đủ để làm các công việc được kết quả.

Xong MAHOSATHA tuyển chọn một đội quân tinh nhuệ, thiện chiến và những người có khả năng để giúp việc cho Ngài. Dẫn binh đi được một dặm đường, Ngài bèn cho hạ trại từ khoảng theo đường rồi dặn các tướng chỉ huy rằng phải cẩn mật đề phòng bọn nghịch tấn công. Khi thấy Ðức vua đem Công chúa về đến thì lo thay đổi ngựa, voi, xe cho Ðức vua và lập tức theo hộ tống thẳng về đến kinh đô MITHILÀ chớ nên để cho Ðức vua lo sợ, nhất là ngăn ngừa địch quân

Dặn dò xong xuôi, MAHOSATHA bèn dẫn binh đến kinh thành UTTARAPANCÀ, còn cách một đặm đến thành đô; Bồ Tát cho quân hạ trại và tạo cung đình cho Ðức vua ngự, sắp đặt các công việc phòng thủ đào đường hầm có lỗ hổng để ngừa khi hữu sự.

Ðức vua CULANÌBRAHMADATTA nghe MAHOSATHA qua đến, rất mừng vì cho rằng đã mắc mưu chước của mình, thong thả rồi đây vua VIDEHARÀJA cũng sẽ qua nữa. Phen này chúa tôi chạy đâu thoát khỏi tay ta.

Dân chúng nghe đồn MAHOSATHA qua đến, mong tìm xem cho biết tướng của người trí tuệ danh vọng khắp nơi. Thấy MAHOSATHA uy nghi lẫm liệt, tướng mạo đoan trang thật đáng yêu kính, trí tuệ nhất trong đời khiến cho 101 vị vua phải kính sợ chạy dài, ví như bầy quạ bị đánh đuổi bằng gậy. Trí tuệ của bậc này xứng đáng với hình dung xinh đẹp.

Ðức MAHOSATHA đến ngọ môn xin vào yết kiến Ðức vua CULANÌ rồi đứng một bên. Ðức vua tỏ lời thiện cảm với MAHOSATHA rồi hỏi: Này MAHOSATHA! Ðức vua VIDEHARÀJA bao giờ mới đến?

MAHOSATHA tâu: Khi nào được tin tôi, thì chúa thượng tôi sẽ đến.

- Khanh đến trước với mục đích gì?

- Tâu, tôi đến để trần thiết cung điện tiếp rước Ðức vua VIDEHARÀJA.

- Tốt lắm!

Rồi Ðức vua CULANÌ ban thưởng cho Bồ Tát và phát lương phạn cho quân sĩ, ban dinh thự đến Bồ Tát: Khanh hãy ngụ được an vui đi, ở đây cũng như với Ðức vua VIDEHARÀJA vậy. Khanh xem việc nào có lợi ích nên giúp cho Trẫm thì cứ làm, chớ lo ngại chi cả.

MAHOSATHA quỳ tâu rằng: Tâu Hoàng Thượng. Hoàng thượng cho phép tôi tạo cung điện cho Ðức vua VIDEHARÀJA ở đâu, trong nơi nào?

- Này bậc trí tuệ, ngoài cung đình của Trẫm, khanh coi nơi nào vừa ý thì cứ làm.

- Tâu, tôi là người khách, nếu chỗ ở mà tôi vừa lòng tạo cung điện nơi ấy, thì sao khỏi cãi cọ, rầy rà với dân chúng.

- Này bậc trí tuệ, Trẫm đã cho phép, khanh cứ làm theo ý muốn, nếu ai cưỡng lại thì khanh bắt làm tội đi.

- Tâu, nếu họ không vừa lòng, họ sẽ vào ra tâu mãi với Hoàng Thượng, thì bận lòng Hoàng Thượng lắm. Vậy để tỏ lòng thân thiện và tri ân, tôi xin cho người của tôi được phép gác cửa đền của Bệ Hạ, và không cho ai ra vào làm rối lòng Bệ Hạ.

- Trẫm cho phép, không sao đâu, khanh cứ thi hành, là, sao tốt đẹp thì thôi.

Ðức MAHOSATHA lạy tạ lui ra, liền đổi lính gác cửa đền vua, không cho ai vào ra tự do như trước. Ðức MAHOSATHA giả tìm chỗ tạo cung điện cho vua VIDEHARÀJA tại cung của hoàng thái hậu là mẹ của Ðức vua CULANÌ, bảo quân phá cửa cạy gạch v.v. ... Hoàng thái hậu thấy bất bình hỏi, tại sao vậy?

Những người của MAHOSATHA không cần trả lời cứ làm phận sự mình. Bà hoàng thái hậu la rầy ngăn cản không được, bèn tính vào tâu cho Hoàng Nhi rõ. Ðến cửa đền, ngọ môn quan không cho vào. Bà nói: Ta là mẹ của vua CULANÌ tại sao không cho ta vào?

Ngọ môn quan không cần nghe, bà bất bình. Không biết làm sao phân trần, bà trở về đến kêu nài với người MAHOSATHA, Ngài vẫn nín thinh. Bà khẩn khoản với người hầu MAHOSATHA hối lộ một trăm ngàn lượng bạc. KEVATA bèn dẫn quân đến chầu vua, mà cũng không vào được; buộc lòng phải khẩn cầu hối lộ một trăm ngàn lượng bạc như bà hoàng thái hậu. Cứ như thế hết dinh này đến thự nọ, thâu được tất cả chín chục triệu lượng bạc.

Ðức MAHOSATHA vào chầu. Ðức vua CULANÌ phán hỏi: Khanh đã tìm được chỗ nào chưa?

- Tâu, lựa nơi nào cũng chẳng có ai chống cự cả, nhưng xét thấy hạ thần làm như thế, rất tội nghiệp cho chúng dân. Nếu Hoàng Thượng từ bi thì tôi xin tạo cung điện xa đền của Hoàng Thượng, lối bốn ngàn thước và cách mé sông lối nữa do tuần nơi đó rất thích hợp.

Ðức vua CULANÌ xét rằng: Nếu cho vua VIDEHARÀJA ngụ trong đền thì bất tiện cho chiến tranh, và hại cho ta. Vậy ngoài thành thì rất hợp và được nhiều lợi ích. Nghĩ rồi bèn phán rằng: Khanh tính như vậy thật hay, khanh cứ khởi công đi.

- Tâu, sợ e có người vào rừng đốn củi rồi gây ra bận lòng.

- Trẫm cấm không cho một ai đến đó cả.

- Tâu, gần mé sông, quân binh của hạ thần thường xuống tắm rửa, có làm cho dân chúng bất bình chăng?

- Khanh cứ cho phép quân binh tự do xuống tắm rửa không ai dám làm chi đâu.

MAHOSATHA quỳ lạy lui ra, về truyền quân lính khởi công lập tức.

Ðức vua CULANÌ ra lệnh bố cáo cho dân chúng biết, nhà vua cấm nhặt không ai được đến gần để bậc trí tuệ MAHOSATHA hành sự, kẻ nào cãi lịnh sẽ bị phạt một ngàn lượng bạc.

Ðức MAHOSATHA đóng dinh lập trại, lập thành một quận to hiệu là TAGGALIGÀMA cho voi binh, ngựa binh, xa binh và bộ binh, rồi phân phát công việc cho sáu ngàn quân thợ, đào đường hầm và lổ hổng gần mé sông, vì thế mà nước sông phải đục.

Ðức Bồ Tát dạy đào đường hầm to rộng có cả lổ hổng, xây vách tường có trần phía trên, có đèn máy, đủ cả tiện nghi, có 101 ngai rồng cho 101 vị vua, có giường rồng, màn che sáo phủ, sơn phét, họa tranh cõi trời dục giới, trời Ðế Thích Chư Thiên hầu hạ, có đủ cả đồ trần thiết xem rất ngoạn mục như cõi trời Ðạo Lợi.

Khi đã tạo đường hầm, cung điện hoàng thành Bồ Tát bèn dâng sớ về tâu, thỉnh Ðức vua VIDEHARÀJA qua, quan quân rần rộ sang đến, đức Bồ Tát ra đón Ðức vua VIDEHARÀJA vào cung điện an nghỉ. Sáng ra Ðức vua VIDEHARÀJA gởi tin tâu cho Ðức vua CULANÌ hay rằng: Vua VIDEHARÀJA đã qua đến và xin định ngày lễ thành hôn với Công chúa.

Ðức vua CULANÌ mừng thầm, nay mưu chước ta được hiệu quả. Ta sẽ tùy cơ bắt chúa tôi hạ sát cho tuyệt dòng, chừng ấy ta sẽ bày lễ ẩm tửu khải hoàn. Hiện nay, chúng như cá đang nằm trên thớt ta chẳng lo chi, nghĩ rồi bèn sai quân đến cho Ðức vua VIDEHARÀJA lựa ngày tốt, thuận tiện để rước Công chúa.

Ðức vua VIDEHARÀJA cho nhà chiêm tinh xem sao, rồi tâu rằng: Ngày mai rất tốt. Ðức vua VIDEHARÀJA bèn sai quân vào tâu cho vua CULANÌ rõ. Ðức vua CULANÌ rất mừng, mai là ngày vua tôi chúng đền tội, ta sẽ bắt cho được vua tôi VIDEHARÀJA hạ sát mà rữu hờn.

Ðức vua CULANÌ ra lệnh 101 tiểu vương đem binh bao vây chỗ vua VIDEHARÀJA ngự. Ngài dạy hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, thái tử và Công chúa vào ngự chung cùng nhau và cho quân binh hộ vệ nghiêm nhặt. Còn phần Trẫm, Trẫm sẽ xuất chinh bắt cho được vua tôi VIDEHARÀJA.

Về phần MAHOSATHA, Ngài cho đãi vua, các quan đại thần và quân lính ăn uống no đủ. Khi được nghe vua CULANÌ xuất chinh, thì đức Bồ Tát ra lệnh ba trăm binh vào thỉnh bà thái hậu, Hoàng Hậu và thái tử, Công chúa đem chờ tại cửa gần mé sông.

Trong khi ấy, bà hoàng thái hậu dẫn ba vị hoàng tộc là: Hoàng thái hậu, Thái tử và Công chúa vào ngự trong một phòng có quân lính canh phòng nghiêm nhặt. Không lâu, có một toán lính đến gần cửa phòng tâu: Kính thỉnh quý Ngài đi dự lễ khải hoàn. Nay Ðức vua bắt được vua VIDEHARÀJA cùng MAHOSATHA và hạ sát rồi. Ðức vua và 101 tiểu vương đang dự lễ ẩm tửu khải hoàn. Vì thế Ðức vua dạy tôi đến thỉnh đức Hoàng thái hậu Hoàng Hậu, Thái tử và Công chúa đốn gặp Hoàng Thượng. Bốn vị hoàng gia tin là thật, rồi ngự đi theo. Quân lính dẫn bốn vị đến đường hầm.

Bốn vị bèn hỏi: Ðường này có từ bao giờ, sao chúng tôi không biết?

- Tâu, đây là đường phúc đạo, khi nào có đại lễ mới được đi.

Bốn vị cũng tin theo. Tất cả quan lính tấn công vào thành nội, chia ra làm hai đội [3]. Một đội ở lại lấy hết vật báu trong cung nội, một đội dẫn đường đem bốn vị Hoàng gia về đường hầm. Bốn vị ngự đến đường hầm to, thấy có trần thiết cao sang đầy đủ báu vật, giống như cõi trời, nên khen rằng: Ðây thật là nơi thắng cảnh, dành cho nhà vua du lãm. Khi đế đường hầm gần mé sông, quân lính thỉnh bốn vị vào ngự một phòng riêng biệt. Có người đến báo cho đức Bồ Tát biết. Bồ Tát rất hoan hỷ rằng: Thật là mãn nguyện của ta rồi. Ngài bèn đến chầu Ðức vua VIDEHARÀJA rồi đứng qua một bên.

Về phần Ðức vua VIDEHARÀJA, Ngài hằng nóng lòng vì phiền não dục. Sáng ra Ðức vua cùng bốn vị giáo sư lên lầu thây biết bao quân lính, trùng trùng điệp điệp, bao vây cung đình, nên sanh nghi. Ngài bèn hỏi bốn vị giáo sư rằng: Các khanh thấy quân lính bao vây, có hiểu thế nào chăng?

- Tâu, Hoàng Thượng cần chi lo ngại, đó là Ðức vua CULANÌ đem quân đội hộ giá và đưa Công chúa đến cho Hoàng Thượng, theo lễ nghinh giá là khách quí, có chi đâu mà Bệ Hạ sợ.

Quân lính dần dần vây chặt vòng thành, lại thêm nghe tiếng các đại tướng ra lịnh và lập đi lập lại rằng: Chớ dễ duôi, đừng cho chúng trốn thoát.

Ðức vua VIDEHARÀJA càng lo sợ, nên hỏi MAHOSATHA: Này con MAHOSATHA! Con có hiểu thế nào chăng?

MAHOSATHA xét rằng: Ðức vua vì mê sắc và tin bốn vị giáo sư, không nghe lời ta can gián, nên hôm nay phải gặp tai hại lớn lao như vậy. Vậy để ta làm cho Ngài hoảng hốt, rồi sau sẽ an ủi Ngài. Bồ Tát bèn tâu rằng: hôm nay Ðức vua CULANÌ đem đội binh bao vây cung điện, chẳng phải để hộ giá Hoàng Thượng đâu, đây là cố ý sát hại Bệ Hạ đó.

Nghe Bồ Tát tâu như thế, các quan hầu cận vua đều khủng khiếp và sợ chết. Ðức vua VIDEHARÀJA sợ xuất hạn, tâm Ngài rung động như lá cây bị gió thổi. Ðức Bồ Tát tâu tiếp rằng: Hoàng Thượng say mê vì phiền não dục, không cần suy xét chu đáo. hạ thần đã thấy nhiều điều nguy hiểm, nên hết lòng khuyên can Bệ Hạ. Nhưng Hoàng Thượng bất luận [4] cứ nghe theo lời tâu của bốn vị giáo sư. Như thế có kết quả tốt hay thế nào? Hạ thần hết dạ trung thành tìm lợi ích cho Bệ Hạ mà Bệ Hạ không nghe, Bệ Hạ đồng ý với bốn vị giáo sư rằng: Là hạng người tốt có nhiều kinh nghiệm. Nay có khổ đến, Bệ Hạ nên hỏi ý kiến và cầu các Ngài đó giải vây [5] cho.

Hôm nay Bệ Hạ đã sa trong quyền lực của Ðức vua CULANÌ ví như loài thú mắc bẫy của thợ săn, hạ thần đã nhiều phen tâu khuyên: Nếu Bệ Hạ mê sắc nàng Công chúa của vua CULANÌ và ngự đến kinh đô UTTARAPANCÀ ắt sẽ mang nhiều tai hại, ví như loài thú muốn chết vì mê thú cái của thợ săn, hoặc như loài cá mê mồi mắc phải lưỡi câu của ngư ông.

Bệ Hạ ngự đi đây gặp nhiều điều nguy hiểm như thú si mê vào gần đường, cận xóm làng. h? thần dùng hết lý luận để tâu bày mà Bệ Hạ không tin, lại còn chê trách hạ thần là vô tri thức, mù quáng không bằng KEVATA. Bệ Hạ, vì gần bạn lành là KEVATA mới gặp những thống khổ như vậy. Khi hạ thần tâu mong Bệ Hạ được hạnh phúc, mà Bệ Hạ bất bình, nhiếc hạ thần là kẻ mù, làm cho vua thất lợi, mất nàng ngọc.

Bệ Hạ cho hạ thần là kẻ chỉ biết cấy cày, sanh trong gia đình nông phu và đuổi hạ thần ra khỏi thành. Bệ Hạ tán dương những người vừa lòng của Bệ Hạ, họ có đủ thao lược để hộ giá Bệ Hạ được, vậy Bệ Hạ nên hỏi mưu chước nơi họ đi. Phần hạ thần chỉ biết cầm cày, cuốc đất mà thôi! Bệ Hạ đã đuổi hạ thần rồi, nay sao Bệ Hạ lại trở lại hỏi ý kiến hạ thần nữa?

Ðức vua nghe rồi nghĩ rằng: Nay MAHOSATHA khai tội ta. Thật ra trước kia MAHOSATHA xét thấy lo sợ trong vị lai, nên mới đàn áp ta thái quá. Có lẽ MAHOSATHA đã biết có nhiều tai hại như vầy mới qua trước lâu ngày để tìm phương giải cứu ta chăng? Nghĩ rồi Ngài bèn tỏ lời phủ ủy Bồ Tát rằng: Này con MAHOSATHA, lệ thường bậc trí tuệ không nên vạch tội quá khứ, để dùng lời châm chích đâu.

- Ồ! Vì sao con lại bắt lỗi quá khứ đem xói mói cha?

- Này con MAHOSATHA! Nếu có mưu chước hay nên cứu cha trong lúc này. Ngoài con ra không ai là nơi nương cậy của cha đâu! Chỉ có con là người cứu mệnh cha được mà thôi.

Ðức Bồ Tát nghĩ Ðức vua thật là mù quáng, không biết dùng người, vậy ta nên làm cho Ngài sợ thêm chút nữa, để Ngài hối cải từ đây, rồi tâu rằng: Nay đã vượt trí tuệ của phàm nhân rồi, trừ loài điểu thú hoặc đại bàng, điểu hay Long Vương, có thể bay trên hư không, mới mong thoát khỏi nạn này. hạ thần đâu có thần thông và cũng không đủ khả năng cứu nguy Bệ Hạ được.

Nghe như thế, Ðức vua đành ngậm miệng không còn lời nào nói nữa. Vị giáo sư SENAKA nghĩ rằng: Những nạn khổ đã đến cho Ðức vua mà chính ta đây không phải là người nương tựa của Ðức vua được, trừ MAHOSATHA ra. Nay Ðức vua nghe MAHOSATHA tâu nên hoảng sợ, không thể cầu khẩn nữa, vậy ta nên khẩn khoản MAHOSATHA thử xem, rồi nói rằng: Này bậc trí tuệ! Ghe đắm giữa biển, những thuỷ thủ không thấy đâu là bờ bến, hết khổ thế nào, đức Thánh thượng và chúng tôi đây ví như kẻ lội trong biển, Ngài MAHOSATHA là bậc trí tuệ đáng cho chúng tôi nương nhờ. Khi Ðức vua CULANÌ đem binh vây thành MITHILÀ đó, chúng tôi được giải cứu cũng nhờ Ngài. Nay xin Ngài từ bi thương xót mà cứu mạng chúng tôi.

- Này ông SENAKA! Bây giờ đây, lướt qua trí tuệ của người, trừ loài điểu thú mới có thể bay khỏi được, nếu bay không được, thế là lướt qua trí tuệ rồi.

Ðức vua VIDEHARÀJA thấy trù tính với Bồ Tát không được nữa, túng thế phải bàn với SENAKA rằng: Này SENAKA! Nên tìm phương pháp nào để tránh nạn tai trong lúc này được, MAHOSATHA đã bỏ chúng ta rồi, vậy khanh có thế nào cứ tâu cho Trẫm rõ.

SENAKA nghe Ðức vua hỏi, nghĩ rằng ta phải tâu thế nào đây chớ không lẽ nín thinh. Thôi để cho ta tâu vài lời: Theo thiển kiến hạ thần, thì nên nổi lửa đốt cung điện này cho cháy đỏ, chúng ta mỗi vị cầm một binh khí, ngồi mà chịu lửa thiêu, còn hơn để vua CULANÌ cắt lấy thủ cấp.

Ðức vua nghe rồi đáp: Như thế khanh đi thiêu vợ con khanh đi. Ðức vua hỏi qua PAKUTTHA, có kế nào hay chăng?

- Tâu, chúng ta nên dùng thuốc độc mà uống vào cho chết hết, còn hơn để cho vua CULANÌ sát phạt.

Ðức vua hỏi đến KAMINDA.

- Tâu, chúng ta nên tìm lấy mỗi người một sợi dây thắt cổ chết cho rồi.

Ðức vua hỏi đến DEVINDA.

DEVINDA xét: Ðức vua mong tìm lửa mà lại kiếm đom đóm, chẳng hay Ngài nghĩ thế nào há! Nên ngài lại hỏi đến ta, sao không hỏi MAHOSATHA, ta biết gì mà nói. Nhớ đến lời SENAKA vừa trình bày, bèn quỳ tâu rằng: Chúng ta đồng hiểu rằng, chỉ có bậc trí tuệ MAHOSATHA đây là nơi nương dựa duy nhất, vậy ta nên đồng nhau khẩn cầu MAHOSATH, khi MAHOSATH giải cứu không được, thì chúng ta hãy thi hành theo lối của SENAKA, tốt hơn các phương pháp khác.

Ðức vua nghe rồi tâm thần rối loạn, không có thể thuyết với MAHOSATHA được, Ngài bèn than thở, kể lể rằng: Con người đi tìm lỏi danh mộc mà lại được lỏi cây tạp, dùng vào việc gì cũng không tiện, thế nào, cũng như trong lúc này ta tìm phương giải khổ không được nơi hạng người tối tăm, ví như voi bạch ở trong nơi không nước. Thân ta đây ví như lá bồ đề bị gió, cổ ta khô khan, bụng ta nóng như lò lửa, ta không tìm được nơi để dập tắt sự nóng, ví như người bị lửa thiêu, thật là thảm đạm.

Ðức Bồ Tát thấy Ðức vua than kể những nổi khổ tâm như thế, bèn nghĩ rằng: Ðức vua đã khổ sở thái thậm rồi, nếu ta vẫn nín thinh thì Ngài phải khổ mà chết không sai. Xét như vậy, đức Bồ Tát liền an ủi Ðức vua rằng: xin Hoàng Thượng đừng quá ưu tư, tôi sẽ cứu nạn cho Bệ Hạ được, ví như vị trời đem voi bạch khỏi bùn lầy, hoặn như người cứu rắn ra khỏi giỏ, hay đem chim ra khỏi lồng, cho đến tất cả quan quân cũng đều được thoát khỏi.

Tâu, xin Hoàng Thượng an tâm, hạ thần sẽ đánh đuổi quân binh của vua CULANÌ, ví như kẻ đuổi bầy quạ bằng cục đất. Quan quân đại thần có trí tuệ, khi chúa mình bị khổ, nếu không giải nguy được thì đâu gọi là người có trí tuệ. Tôi sang đến đây trước,đâu có phải đi không về rồi, tôi đã làm được những việc có kết quả tốt rồi.

Khi nghe đức Bồ Tát tâu rõ rệt như thế, Ðức vua và quan quân đều hân hoan vui sướng.

SENAKA bèn hỏi: Vậy bậc trí tuệ tính đem chúng tôi đi bằng cách nào?

- Tôi sẽ dẫn tất cả theo đường hầm này mà ra khỏi, không sai.

Rồi Ngài dạy quân binh mở cửa đường hầm thì các phòng đường hầm sáng trưng rực rỡ, tốt đẹp như cõi trời. Bồ Tát bèn thỉnh Ðức vua VIDEHARÀJA xuống lầu, SENAKA lột mão ra, vén quần lên, cởi áo buộc ngang hông. Bồ Tát hỏi: Tại sao ông làm như vậy?

- Nếu không làm vậy, thì vào đường hầm sao tiện?

- Phải bò đi sao? Ðứng lên như thường. Ðường hầm của tôi cao đến 5 thước và rộng lắm, ngựa chạy cũng được, không có chi trở ngại cả.

Bồ Tát cho SENAKA đi trước, Ðức vua ngự đi giữa, còn chính Ngài thì theo sau. Tất cả quan binh hộ tống hai bên; vừa đi vừa ăn uống vui chơi như thường, như đi trong chợ vậy. Ðức vua ngự đi xem thấy trong đường hầm trần thiết thật đẹp, xem rất ngoạn mục như cõi trời, nên vừa đi vừa ngắm. Khi Ðức vua vừa đi đến cửa ra đường hầm thì gặp bốn Hoàng gia (Hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, Hoàng Tử và Công chúa) của Ðức vua CULANÌ, các vị này xem thấy rất kinh khủng, sợ chết. Hoàng Hậu bèn la hoảng, khi nghe tiếng la, Ðức vua CULANÌ ở không xa nên nghe được và tin rằng đó là tiếng của Hoàng Hậu mà không dám nói, e quân lính biết, rồi cười nhạo rằng: Ta đã chinh chiến mà còn nhớ đến vợ con hổ thẹn mà nín thinh.

Về phần đức Bồ Tát thỉnh Ðức vua VIDEHARÀJA và Công chúa lên ngồi trên giường ngọc, rồi tôn Công chúa lên Hoàng Hậu của Ðức vua VIDEHARÀJA.

Ngài thỉnh cả bốn vị Hoàng gia lên ngồi thuyền đã xếp đặt sẳn trong nơi ấy, khi đó đức Bồ Tát chỉ giáo cho Ðức vuabiết rằng: Tâu Bệ Hạ, DALACANDÌ là em Hoàng Hậu. Bệ Hạ nên từ bi thương xót như em ruột của Bệ Hạ. Bà NANDÀ đây là mẹ vợ, Bệ Hạ phải phụng sự như mẹ của Bệ Hạ. Bệ Hạ ngự đi đến lần này chỉ mong được nàng PANCÀLACANDÌ, nàng là Hoàng Hậu của Bệ Hạ rồi, tuỳ theo chí hướng của Bệ Hạ. Nhưng với bà NANDÀ, Bệ Hạ phải bảo vệ phụng sự cho chơn chánh.

Ðức Bồ Tát tâu, khuyên bảo như thế, vì không tin bụng Ðức vua VIDEHARÀJA. Về phần Hoàng thái hậu đã già, không cần phải dặn bảo, hay phải lo như bà NANDÀ.

Ðức vua xuống ngự trên thuyền rồi gọi đức Bồ Tát rằng: Con MAHOSATHA, con ở lại làm gì, hãy về luôn với Trẫm.

- Tâu, hạ thần đi về chưa tiện, vì còn nhiều binh lính của mình trong thành. Chúng còn đang ăn uống, chưa biết bệ hạ đã ngự đi rồi. Hạ thần không thể bỏ chúng được, dù là một người. Thỉnh Bệ Hạ ngự về, vì hạ thần đã xếp đặt quân binh ngự sẳn, để rước Bệ Hạ và thay đổi ngựa, xe cho Bệ Hạ được an vui ngự về đến xứ MITHILÀ.

- Này con! Còn quân lính ít, làm thế nào cự địch nỗi với muôn vàn binh lực của vua CULANÌ?

- Tâu, mặc dù ít lính, xong có trí tuệ rồi thì không khó, ví như một mặt trời vẹt tan sự tối tăm, có thể chiếu minh [6] cả thế giới được.

Xong đức Bồ Tát tạ từ vua VIDEHARÀJA mà trở lại. Ðức vua vidaharàja nhớ đến ân đức Bồ Tát rằng: Ta được thoát nạn đây cũng nhờ MAHOSATHA, được nàng Công chúa PANCÀLACANDÌ cũng nương MAHOSATHA.

Nhớ đến ân đức của đức Bồ Tát như thế, Ngài rất thỏa thích rồi phán SENAKA giáo sư rằng: Này SENAKA! đuợc thân cận với bậc trí tuệ rất có nhiều lợi ích, như Trẫm và các khanh mà được khỏi nạn nhờ MAHOSATHA, khác gì người thả chim khỏi lồng, phóng sanh cá thoát lưới. SENAKA thấy thế nào?

- Tâu, tốt lắm. SENAKA tuyên bố, tán dương công đức Bồ Tát, như Ðức vua VIDEHARÀJA. Khi lên khỏi thuyền, đến các trại, cho quân lính thay ngựa xe mà Bồ Tát đã dự sẳn, không bao lâu Ðức vua về đến kinh đô MITHILÀ.

Nói về đức Bồ Tát khi tiển biệt Ðức vua rồi, bèn trở lại đường hầm đến cung điện tắm rửa, thọ thực xong vào phòng nghĩ rằng: Sự ước mong của ta đã được kết quả như nguyện, rồi phát tâm phỉ lạc, ngủ một giất rất ngon.

Nói về vua CULANÌBRAHMADATTA dẫn hùng binh và 101 tiểu vương bao vây cung điện của vua VIDEHARÀJA, trùng trùng điệp điệp không một người qua lọt, quân lính canh phòng nghiêm nhặt trọn đêm. Ðức vua trông sáng ra công kích vào cung điện của Ðức vuaVIHEDARÀJA. Còn đức Bồ Tát, sai khi đã nghỉ an một đêm có sức khỏe lại rồi, thức dậy tắm rửa điểm tâm xong, mặc triều phục lên tầng lầu cao, xem thấy Ðức vua CULANÌ dẫn vô số quân binh quyết bắt cho được Ðức vua VIDAHARÀJA, nên đức Bồ Tát liền tâu rằng: Ðại Vương định chắc sẽ hạ sát được chúng tôi theo sở nguyện chăng? Cung tên và các vũ khí khác, Ðại Vương nên liệng bỏ cả đi, đừng mang mà nhọc mình rồng, nên trở về đền nghĩ cho khỏe, mưu chước của Ðại Vươngvà KEVATA, tôi đã thấu rõ hết rồi. Hôm nay Ðại Vương ví như ngồi trên ngựa què, thì chạy sao kịp Ðức vua VIDEHARÀJA. Ngài đã hồi trào gần tới thành MITHILÀ rồi.

Tâu, Ðức vua VIHEDARÀJA đã lên thuyền về nước từ hôm qua. Ngài không phải hồi loan một mình mà đi với các quân binh. Tâu, những chó sói thấy hoa vàng rớt trong đêm vì ánh sáng của trăng tưởng là miếng thịt rồi bao vây mà nghĩ rằng: Sáng sớm chúng ta sẽ ăn miếng thịt cho được. Sáng ra thấy rõ là hoa vàng rớt rồi lén đi, thế nào, Ðại Vương đem binh vây chúng tôi hôm nay khi đã rõ được vua VIDEHARÀJA đã hồi trào thì không còn mong mõi chi, rồi kéo binh đi cũng như vậy.

Ðức vua CULANÌ nghe Bồ Tát tâu những lời rất khẳng khái, không sợ sệt như thế, Ngài nghĩ rằng: Ta định bắt cho được cả hai là VIDEHARÀJA và MAHOSATHA. Nay ta đã bắt được một MAHOSATHA thì cũng nên. Ðức vua bèn khiến quân tấn công vào thành bắt cho được MAHOSATHA rồi cắt tay, chặt chân, xả thịt ra từng mảnh cho Trẫm.

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: Ðức vua CULANÌ này chưa rõ hoàng tộc đã bị ta bất nên quá tự hào khiến quân bắt ta để sát hại cho hả giận. Nên tâu rằng: Ðại Vương khiến quân hạ sát tôi, đến khi Ðức vua VIDEHARÀJA biết được sẽ đem hoàng tộc của Ðại Vương ra hành hạ, đánh đập, rồi Ðại Vương nghĩ sao?

Tâu, tôi và Ðức vua VIDEHARÀJA đã dự định kín cùng nhau rằng: Nếu bên này Ðức vua CULANÌ giận tra tấn làm hại tôi thế nào, thì Ðức vua VIDEHARÀJA sẽ hành phạt Công chúa, Hoàng Hậu, Hoàng thái hậu và Thái tử như thế ấy.

Tâu, da tôi đã khác chi 100 lớp sắt, có thể ngăn ngừa tên đạn được như thế nào, cũng bảo tồn được thân thể như thế ấy. Da sắt, tức là trí tuệ của tôi, có thể phòng vệ những mũi tên tức là sự trù tính của Ðại Vương, tự vệ và tránh khổ được, lại còn đem hạnh phúc đến cho vua VIDEHARÀJA.

Khi Ðức vua CULANÌ nghe đức Bồ Tát thuyết lý như thế, bèn nghĩ rằng: Vì sao MAHOSATHA nói, nếu ta hành tội hắn, thì vua VIDEHARÀJA sẽ làm khổ vợ con ta? Có lẽ, MAHOSATHA không biết vợ, con ta có quân binh bảo hộ nghiệm nhặt rồi ư, hay là MAHOSATHA sợ chết rồi nói sảng, ta không tin đuợc.

Ðức Bồ Tát biết Ðức vua CULANÌ không tin, nên tâu: Nếu Ngài nghi ngờ thì xin Ngài cho quân đi xem trong cung nội của Ngài trống không. hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, thái tử và Công chúa của Ngài, tôi đã dạy quân thỉnh đi theo đường hầm cùng với Ðức vua VIDEHARÀJA về đến kinh đô MITHILÀ rồi.

Ðức vua CULANÌ nghe qua giựt mình, Ngài nghĩ rằng: MAHOSATHA nói cương quyết, có lẽ là sự thật vì đêm nay ta có nghe tiếng giống như tiếng của Hoàng Hậu. Xét thế, Ngài rất cảm động, xong Ngài cố gắng gượng, sai một đại thần dẫn binh về khám thành nội. Vị nầy đi vào đến thành nội, thấy quân lính bị bắt cột tay, chơn, bịt miệng trói vào cây, đồ dùng trong bếp nát bét, rải rác cùng nhà, ngọc ngà cùng vàng bạc cũng chẳng còn. Các loài điểu thú đến lôi ăn thực phẩm đổ tùm lum, v.v. như nhà hoang hoặc nơi mộ địa. Quân lính cả kinh, liền trở về tâu với vua CULANÌ rằng: MAHOSATHA nói đúng sự thật, cung nội như chốn tha ma, chỉ thấy loài quạ đến kêu la mổ ăn thực phẩm. Ðức vua nghe tâu lấy làm đau lòng xót dạ và xét rằng: Ðây là do MAHOSATHA mà ra cả, nên Ngài phát thịnh nộ.

Ðức Bồ Tát biết bèn nghĩ rằng: Ðức vua này có nhiều quân binh, vì oán giận, Ngài quên cả vợ con, có thể hại ta được. Vậy ta nên tùy cơ tả sắc đẹp của Hoàng hậu cho Ngài xúc động tình thương thì ta mới thoát khỏi tai hại.

Ðức Bồ Tát bèn đưa tay chỉ mà rằng: Ðây là con đường mà Hoàng hậu đã ngự đi rồi tả sắc đẹp duyên dáng của bà: Tâu Hoàng thượng, lệnh bà có đủ tướng tốt, dáng điệu yêu kiều thướt tha, màu da mịn màng, thật là cành vàng gót ngọc, tiếng nói của bà thanh tao êm dịu, giống như tiếng hạc con, mày tằm mắt phụng, thế gian hi hữu như ngọc nữ trên thiên cung, thật là sắc nước hương trời làm cho người người đều cảm mến. Tâu, bà Hoàng hậu đi theo ngõ này.

Nghe Bồ Tát diễn tả dung mạo và dáng điệu của Hoàng hậu như thế, đức vua CULANÌ phát động lòng thương yêu Hoàng hậu vô cùng.

Ðức Bồ tát tâu: Như vậy Ðại vương đành lòng để cho Hoàng hậu chết chăng? Ngài đại nộ dạy người giết tôi. Nếu đại vương giết tôi thì đứa vua VIDEHARÀJA chẳng dung tha Hoàng hậu của Ngài đâu. Bà xuống diêm vương, tôi cũng xuống diêm vương. Diêm chúa thấy tôi và bà bị giết như thế, sẽ đem bà gả cho tôi, tôi chết mà được vợ báu như vậy thì đâu có ân hận.

[Vấn: - Vì sao đức Bồ Tát chỉ mô tả dung nhan, hình dáng của hòang hậu mà chẳng nói đến ba vị hoàng tộc kia?

Ðáp: - Lệ thường, chúng sinh hay thương yêu và quyến luyến người vợ nhiều hơn kẻ khác, chỉ có vợ con là quan trọng hơn cả, cho nên đức Bồ Tát chỉ diễn tả dung nhan của Hoàng hậu NANDÀ]

Ðức Bồ Tát tâu về hình dung của bà NANDÀ như vậy, làm cho đức vua CULANÌ rất nhớ thương như thấy bà đứng trước mặt, rồi Ngài xét rằng: Ngoài MAHOSATHA ra, chẳng có ai đem Hoàng hậu yêu quí của ta về được, chỉ có một MAHOSATHA thôi. Nghĩ vậy, Ngài rất thê thảm xót xa, nhớ thương Hoàng hậu vô cùng, làm Ngài không ngồi vừng trên lưng voi.

Ðức Bồ Tát thấy thế, tỏ lời an ủi Ðức vua CULANÌ rằng: Tâu Ðại Vương chớ lo ngại, ba vị Hoàng gia là bà hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, và Hoàng Tử, khi tôi về đến thành MITHILÀ giờ nào, tôi sẽ cho người đưa về ngay. Xin Ðại Vương an lòng đừng phiền muộn.

Ðức vua CULANÌ nghe rồi không còn nghi ngờ lo sợ và nghĩ rằng: Kinh đô của ta đã cho người gìn giữ phòng thủ cẩn mật, có quân binh đông đúc,cớ sao MAHOSATHA lại bắt được cả bảy vị hoàng tộc, đi từ thành này đến thành nọ được và Ðức vua VIDEHARÀJA cùng quân binh trở về nước,mà chẳng có một ai hay biết. Như thế MAHOSATHA có phép che mắt người chăng?

Nghĩ rồi Ngài bèn phán hỏi đức Bồ Tát rằng: Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, người có học phép thần thông chăng? Hay là ngươi có phép che mắt người, nên ngươi mới giải nạn cho vua VIDEHARÀJA ra khỏi tay Trẫm?

- Tâu, tôi biết phép thần thông. Lệ thường bậc trí tuệ hằng có học phép thần thông ngừa khi tai nạn, đem dùng giải khổ cho mình và kẻ khác. Những quân lính trẻ trung của tôi, tôi đã tập luyện thuần thục và tinh nhuệ, nên sai họ tạo đường hầm, mới đem Ðức vua VIDEHARÀJA về đến xứ MITHILÀ theo đường hầm đó.

Ðức vua CULANÌ nghe rồi muốn xem đường hầm. Bồ Tát hiểu ý bèn tâu: Nếu Ðại Vương muốn xem đường hầm, hạ thần xin thỉnh Ðại Vương xem như ý nguyện. Ðường hầm này, tôi cho người trần thiết tốt đẹp bằng cách hoạ tranh, nhất là hình voi, ngựa, xe lính v.v... Ðường hầm này, sáng sủa như ban ngày và tốt đẹp như cõi trời, có tám mươi cửa lớn, 64 cửa nhỏ, 101 phòng ngủ và hằng nghìn ngọn đèn, nếu Ðại Vương thật lòng với tôi, không còn thù hận nhau nữa, tôi xin thỉnh Ngài vào xem sự cao sang của đường hầm. Ðây, tôi xin mở cửa rước Ðại Vương.

Ðức vua nghe theo lời, đức Bồ Tát bèn cho mở cửa. Ðức vua CULANÌ cùng 101 tiểu vương có quân binh hộ giá vào thành đường hầm. Ðức vua CULANÌ xem thấy sự trang hoàng trong đường hầm thật là mỹ thuật, đẹp đẻ, vinh hoa phú quý, Ngài rất hài lòng, khen ngợi tài năng của đức Bồ Tát rằng: Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, bậc trí tuệ thông minh như người, nếu ở trong xóm làng, quận châu, hay quốc độ nào, người người đều chung hưởng an vui hạnh phúc, Ðức vua càng nhìn xem càng tán tụng tài đức của Bồ Tát. Ðức vua CULANÌ ngự đi trước, kế đến Bồ Tát cùng các tiểu vương và quan quân đồng đi theo sau. Vừa đi vừa ngắm cảnh đường hầm trang trí thật là mỹ quan [7], chưa từng thấy. Khi Ðức vua CULANÌ ngự đi gần đến cửa đường hầm bên mé sông, vừa ra khỏi cửa, đức Bồ Tát theo bên cạnh liền giựt máy làm cho 80 cửa to và 64 cửa nhỏ đóng kín lại, nhiều ngọn đèn đều tắt một lượt.

Trong đường hầm tối đen, khiến tất cả những vị tiểu vương, quan quân đều sợ hãi, chỉ có đức Bồ Tát và vua CULANÌ ra khỏi cửa mà thôi. Ðức Bồ Tát liền rút gươm ra đưa lên, hỏi rằng: Tâu Ðại Vương, tài sản trong thế gian này là của ai?

Ðức vua kinh sợ đáp: Tất cả của cải trong đời là của ngươi, nên tha tội cho Trẫm đi.

- Tâu, Ðại Vương, tôi đưa kiếm lên đây không phải là mong hại sát Ðại Vương, chỉ cố ý trình bày cho thấy rõ uy thế của trí tuệ. Ðức Bồ Tát bèn trao kiếm cho Ðức vua CULANÌ và tâu rằng: Nếu Ðại Vương muốn giết tôi thì dùng kiếm này mà giết tôi đi, bằng Ðại Vương từ bi tha thứ cho tôi cũng được.

- Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, Trẫm xá tội cho người, ngươi chớ lo ngại.

Lúc ấy cả hai là đức Bồ Tát và Ðức vua CULANÌ đồng nhau thề nguyện không giết hại lẫn nhau và một lòng đoàn kết thương yêu nhau. Ðức vua CULANÌ phán hỏi rằng:

- Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, người gồm đủ trí tuệ như vầy, vì sao ngươi không mong đế vị?

- Tâu, nếu tôi muốn đế quyền thì đã hại tất cả vị vua trong hôm nay, rồi đoạt ngôi báu. Nhưng sự giết người và đoạt vị ấy, lấy của đó, không phải là điều đáng cho bậc trí tuệ ngợi khen.

- Này bậc trí tuệ MAHOSATHA, bây giờ đây tất cả vị vương và đại chúng còn ở trong đường hầm, chưa ra khỏi được đang kêu la cầu cứu. Xin bậc trí tuệ hãy cho sinh mệnh đến chúng đi.

Ðức Bồ Tát liền mở cửa đường hầm, lúc bầy giờ đường hầm trở nên sáng sủa. Ðại chúng hết lòng mừng rỡ, cả 101 vị tiểu vương ra khỏi đường hầm đến trước mặt Bồ Tát. Ðức Bồ Tát dẫn Ðức vua CULANÌ vào một phước xá rồi tâu: Tôi đã hành lễ thành hôn cho Ðức vua VIDEHARÀJA và Công chúa PANCÀLACANDÌ trên giường ngọc, tại nơi đây rồi mới đưa đi.

Tiếp theo 101 vị tiểu vương nói với Bồ Tát rằng: Ngài ôi! Chúng tôi chỉ nhờ một mình Ngài mới khỏi chết, nếu Ngài không từ bi mở cử đường hầm, trong chốc lát thì tất cả chúng tôi đều tử nạn.

- Tâu, chẳng phải quý Ngài chỉ nhờ ơn cứu tử của tôi trong kỳ này đâu, khi trước quý Ngài cũng nhờ tôi mà thoát khỏi chết.

- Này, bậc trí tuệ! Ngài nói rằng: Khi trước cũng nhờ Ngài, vậy trong lúc nào?

- Tâu, sau khi Ðức vua CULANÌ được làm bá chủ trong thế gian này chỉ trừ thành MITHILÀ. Ðức vua trở về thành UTTARAPANCÀ định tổ chức lễ ẩm tửu khải hoàn trong vườn thượng uyển, quí Ngài còn nhớ chăng?

- Chúng tôi còn nhớ.

- Tâu, Ðức vua CULANÌ và vị cố vấn KEVATA dạy bỏ thuốc độc vào rượu vào vật thực để đãi quý Ngài dùng cho tuyệt mạng hết. Rõ biết như thế tôi nghĩ rằng: Giờ nào còn tại tiền, tôi không nên lãnh đạm ngồi yên, đành để cho quí Ngài lại bị hại, nên tôi có sai quân lính đến tuỳ cơ mà tấn công đột nhập vào đập bể tất cả hủ rượu, đỗ đồ nấu ăn có độc dược không cho quý Ngài dùng, mới cứu thoát quí Ngài được.

Các vị tiểu vương nghe qua rùng mình rởn óc bèn tâu hỏi Ðức vua CULANÌ có phải thật như vậy không?

- Ðúng vậy, lúc đó tôi nghe lời của KEVATA mà hành động như vậy thật.

Tất cả 101 tiểu vương đồng nhau tạ ơn Bồ Tát rằng: Ngài ôi! Trí tuệ của Ngài là nơi nương tựa của chúng tôi, chúng tôi cậy vào Ngài mới được sinh tồn đến hôm nay. Các vị tiểu vương cúng dường đến đức Bồ Tát rất nhiều vật báu.

Ðức Bồ Tát bèn tâu vua CULANÌ xin tạ tội với các vị tiểu vương và quan quân trọng thể, có cả kịch vui chơi trong đường hầm đến 7 ngày đêm, mới trở về thành đô UTTARAPANCÀ. Ðức vua CULANÌ ban thưởng Bồ Tát rất nhiều của báu và yêu cầu Ngài ở lại trong nước rằng: Này bậc trí tuệ, ngươi đừng trở về với Ðức vua VIDEHARÀJA nữa, ở lại đây, Trẫm sẽ trọng đãi ngươi hơn Ðức vua VIDEHARÀJA, vậy ngươi hãy ở lại với Trẫm đi.

- Tâu, bỏ chủ mà ham danh lợi là điều không tốt, phải bị người chê trách để đời. Tâu, bao giờ Ðức vua VIDEHARÀJA còn thống trị tôi không thể bỏ Ngài mà đi thờ một vị Hoàng Ðế nào khác.

- Như vậy, ngươi nên hứa rằng: Ngày nào Ðức vua VIDEHARÀJA băng hà, ngươi sẽ trở qua ở với Trẫm đi.

Bồ Tát bèn hứa chịu, Ngài ở lại thêm 7 ngày, rồi vào tâu xin trở về thành MITHILÀ. Ðức vua CULANÌ ban thưởng đức Bồ Tát rất nhiều châu báu, cho thu thuế trong 7 quận gần biên thuỳ xứ MITHILÀ cấp cho bốn trăm tôi trai, tớ gái, một trăm người vợ ngoài ra còn nhiều vật quí không kể xiết

- Tâu, Ðại Vương đừng lo ngại đến các vị hoàng tộc của Ðại Vương. Khi Ðức vua VIDEHARÀJA trở về xứ, hạ thần có tâu gởi gấm rằng, phải trọng đãi đức Hoàng Hậu CANDÀDEVÌ như mẹ đẻ. Khi về đến thành MITHILÀ, tôi sẽ sai quân hộ giá đưa hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, Hoàng Tử trở về lập tức.

Ðức vua CULANÌ nói SÀDHU (tốt lắm) rồi sắp đặt các nữ trang báu vật gởi qua cho Công chúa. Tất cả 101 vị tiểu vương cũng sắp sữa lễ vật biết cho Bồ Tát rất nhiều vô số kể. Các thám tử cũng từ giã chư vương theo đức Bồ Tát trở về thành MITHILÀ

Khi về gần đến thành MITHILÀ, quân vào báo cho bốn vị giáo sư hay trước, để bốn vị vào tâu Ðức vua VIDEHARÀJA rõ. Vua tôi đều mừng rỡ. Ðồng nhau lên tầng lầu cao xem xét. Ðức vua thấy quân binh binh đông đảo bèn giựt mình lo sợ, nghĩ rằng có lẽ vua CULANÌ kéo quân đến báo thù nữa chăng? Ðức vua liền hỏi: Này các khanh voi, ngựa, xe và bộ binh sao mà quá nhiều như thếm đáng lo ngại lắm, vậy các khanh xem kỹ là quân binh của ai?

SENAKA tâu: - Xin Bệ Hạ hoan hỉ vui mừng đi. Ngài MAHOSATHA PANDITA dẫn quân binh thắng trận hồi trào đã có thám tử vào phi báo trước, Ngài sẽ đến đây bay giờ.

- Này SENAKA, quân binh của MAHOSATHA ít, đâu có quá nhiều vậy.

- Tâu, có Ðức vua CULANÌ phát tâm thỏa thích vui lòng cho quân binh hộ tống đưa Ngài MAHOSATHA về chớ không có chi lạ cả.

Ðức vua dạy quân đem chiên trống đán h rao cho chúng dân biết để trang hoàng trưng dọn, treo cờ kết hoa v.v... từ thành thị chí thôn quê để đón rước Bồ Tát.

Ðức Bồ Tát vào đền. Ðức vua VIDEHARÀJA bước xuống ngai vàng đến hôn đức Bồ Tát mà hỏi rằng: Con MAHOSATHA Ôi! Cha bỏ con ở lại trong xứ người, cha rất đau lòng nên đêm trông ngày đợi. Vậy con ở lại, con dùng phương pháp nào mới thoát nạn được mà về đây, con hãy tỏ cho Trẫm nghe.

Bồ Tát tường thuật lại đầu đuôi tự sự câu chuyện cho Ðức vua VIDEHARÀJA nghe. Ðức vua vô cùng mừng rỡ. Bồ Tát tâu tiếp về Ðức vua CULANÌ ban thưởng rất nhiều báu vật. Ðức vua VIDEHARÀJA càng nghe càng ưa thích, rồi tỏ lời tán tụng tài đức của Bồ Tát. Ðức vua VIDEHARÀJA liền bá cáo cho dân chúng hay, để làm lễ diễn kịch trọn 7 ngày đêm ăn mừng cho đức Bồ Tát thắng trận khải hoàn. Quốc dân diễn kịch vui chơi đờn ca xướng hát, trống kẻn vang rền trong thành MITHILÀ. Tất cả quân dân trang điểm y phục đem lễ vật đến cúng dường đức Bồ Tát vô số kể.

Cử hành xong đại lễ khải hoàn, đức Bồ Tát bèn vào tâu vua, cho phép đưa ba vị hoàng tộc của Ðức vua CULANÌ về nước. Ðức vua VIDEHARÀJA khen phải, rồi dạy đức Bồ Tát xếp đặt xe giá để tiễn đưa 3 vị hoàng tộc về.

Hoàng Hậu của Ðức vua CULANÌ và của Ðức vua VIDEHARÀJA (tức là Công chúa của Ðức vuaCULKANÌ), mẹ con than khóc lưu luyến nhau trước cảnh phân ly kẻ ở người đi thật là thảm thiết. Ðức Bồ Tát giao cho quân binh tất cả bốn trăm tôi trai tớ gái, 100 người vợ mà Ðức vua CULANÌ đã ban thưởng trước kia, theo hộ tống 3 vị hoàng tộc về đến xứ UTTARAPANCÀ. Ðức vua CULANÌ hay tin rất mừng ra tiếp rước 3 vị hoàng tộc là hoàng thái hậu, Hoàng Hậu và Hoàng Tử vào đền. Ðức vua CULANÌ phán hỏi: Lúc ở bên xứ MITHILÀ, Ðức vua VIDEHARÀJA tiếp đã thế nào?

Bà hoàng thái hậu đáp: Ðức vua VIDEHARÀJA trọng đãi bà như vị trời lớn, cung dưỡng Hoàng Hậu như mẹ ruột và Hoàng Tử như em ruột.

Ðức vua CULANÌ lấy làm vừa lòng đẹp dạ, càng ban thưởng cho quân binh của Ðức vua VIDEHARÀJA và gởi tặng nhiều vật báu đến Ðức vuaVIDEHARÀJA. Từ đây hai nước CULANÌ PANCÀ và MITHILÀ trở nên thân thiết bang giao, quốc thới dân an, người người lạc nghiệp.

Nói về nàng PANCÀLACANDÌ tức là Hoàng Hậu thành MITHILÀ, rất được lòng nhà vua VIDEHARÀJA thương yêu. Hai năm sau, Hoàng Hậu sanh được một trai và một gái. Ðến năm thứ 12, Hoàng Tử lên 10 tuổi, thì Ðức vua VIDEHARÀJA thăng hà. Ðức Bồ Tát làm lễ tôn vương có Hoàng Tử, rồi từ giã qua ở cùng với vua CULANÌ. Ấu chúa ngăn rằng: Ngài đừng từ bỏ tôi sớm, vì tôi còn trẻ lắm. Trẫm xin tôn trọng cúng dường Ngài như cha. Bà hoàng thái hậu PANCÀLACANDÌ cũng khẩn cầu rằng: xin Ngài từ bi ở lại, Ngài đi rồi còn ai là nơi nương tựa của ấu chúa.

- Tâu, tôi ở lại không được vì tôi đã hứa hẹn với Hoàng Tổ Phụ trước kia rồi.

Từ các quan cho đến dân gian ai ai cũng cảm mến ân đức, khóc than đưa đức Bồ Tát.

Qua đến xứ UTTARAPANCÀ vào chầu Ðức vua CULANÌ. Ðức vua tiếp rước trọng thể và ban cho đức Bồ Tát dinh thự xứng đáng. Từ đó đức Bồ Tát vào ra chầu Ðức vua CULANÌ.

Thuở đó, có một ni cô danh là PHERÌPARIBBÀJÌ có nhiều trí tuệ, hay vào thọ thực trong đền nội của vua CULANÌ. Ni cô này chưa từng gặp mặt đức Bồ Tát, nhưng có nghe danh MAHOSATHA PANDITA thường vào chầu Ðức vua CULANÌ. Ðức Bồ Tát cũng đã nghe nói về Ni cô PARIBBÀJÌ hay vào thọ thực trong đền nội, nhưng chưa từng giáp mặt.

Nói về bà Hoàng Hậu chỉ nhớ đến con là Công chúa PANCÀLACANDÌ chừng nào thì càng giận Bồ Tát chừng ấy, nên tìm dịp để báo thù. Bà dạy những cung nữ thân cận đáng tin cậy rình xem bắt tội Bồ Tát. Ngày kia ni cô PARIBBÀJÌ vào thọ thực trong cung nội, khi trở ra gặp Bồ Tát vào chầu vua. Bồ Tát đưa tay lên thi lễ ni cô rồi đứng nép một bên.

Ni cô PARIBBÀJÌ tin chắc rằng là MAHOSATHA. Ni cố muốn biết Bồ Tát có trí tuệ thực hay là thế nào, nên ni cô định ra câu đố, hỏi thử. Nghĩ rồi ni cô bèn xòe bàn tay ra trước mặt Bồ Tát cố ý hỏi rằng: Ðức vua mời Ngài sang đây, thường ngày Ðức vua có ban thưởng của cải chi thêm chăng?

Ðức Bồ Tát hiểu ý ni cô hỏi, nên đáp ngay, bằng nắm tay lại dụng ý nói rằng: Chưa ban thưởng vật chi thêm.

Ni cô đưa tay lên vuốt đầu là hỏi đố rằng: Như thế thì Ngài cực khổ lắm, vậy Ngài có thể xuất gia như ta, hay thế nào?

Ðức Bồ Tát bèn lấy tay vuốt bụng, cố ý đáp rằng: Tôi chưa xuất gia được , vì có vợ con nhiều phải cần nuôi nấng.

Chỉ nói với nhau bằng tâm chí như thế, rồi ni cô ra về chỗ ngụ, Bồ Tát vào chầu vua.

Phần các cung nữ mà Hoàng Hậu CANDÀ đã sai đi rình, tìm lỗi Bồ Tát đó. Khi thấy được điều như thế,bèn vào tâu cho đức Hoàng Hậu hay. Hoàng Hậu việc cớ tâu với vua rằng:

- Chúng tôi gặp ni cô PARIBBÀJÌ và Ngài MAHOSATHA ra câu đố nhau muốn đoạt ngai vàng của Hoàng Thượng. Sau khi thọ thực, ni cô vừa ra khỏi đền ngặp Ngài MAHOSATHA hỏi ý rằng: Ngài bắt Ðức vua rồi đoạt đế vị có được chăng? Ngài MAHOSATHA nắm bàn tay lại đáp, có nghĩa là: hai ngày nữa tôi sẽ bắt hạ sát Ðức vua để đoạt ngai vàng. Ni cô đưa tay lên vuốt đầu hỏi, có nghĩa rằng: Chặt đầu đi, đừng để lâu. MAHOSATHA đưa tay vuốt bụng đáp, có nghĩa là: Tôi chặt đầu không tiện, đễ tôi chém ngang mình. Tâu, lệnh Hoàng Thượng nên giết MAHOSATHA cho mau đừng chậm trễ, không nên dễ duôi mà lâm nạn.

Nghe tâu, Ðức vua CULANÌ bèn nghĩ: Có lẽ đâu MAHOSATHA lại dám hại ta? Vậy để ta hỏi lại ni cô cho rõ đã. Sáng ra, ni cô vào thọ thực, Ðức vua CULANÌ bèn hỏi: Bạch,bà với MAHOSATHA có gặp nhau chăng?

- Tâu, có được gặp nhau tại ngày hôm qua ngay trước đền.

- Bạch bà có nói chuyện chi với MAHOSATHA chăng?

- Tâu, không có nói lời chi cả, chỉ ra câu đó rằng: Tôi xoè bàn tay ra, có ý hỏi. Ðức vua mời Ngài qua đây có ban thưởng thêm chi chăng?

MAHOSATHA nắm tay lại đáp, có nghĩa là: Chưa ban thưởng chi thêm.

- Tôi đưa bàn tay kên vuốt đầu, có ý hỏi: Như thế Ngài khổ lắm, vậy nên xuất gia như tôi vậy Ngài nghĩ sao?

MAHOSATHA đưa tay vuốt bụng đáp, có nghĩa là: Tôi có vợ con nhiều cần phải nuôi nấng.

Chỉ có ra thai hỏi và đáp như thế thôi, rồi tôi ra về, MAHOSATHA vào chầu.

- Bạch, bà xem MAHOSATHA là bậc có trí tuệ nhiều thật chăng, hay thế nào?

- Tâu, trong đời này, không ai sánh bằng trí tuệ MAHOSATHA.

Tâu xong, ni cô từ tạ trở về am an nghĩ. Khi ni cô vừa ra về, Bồ Tát vào chầu, Ðức vua phán hỏi: Này MAHOSATHA! Khanh với ni cô PARIBBÀJÌ có gặp nhau lần nào chăng?

- Tâu, hôm qua hạ thần có gặp ni cô trước đền.

- Có trò chuyện cùng nhau chăng?

- Tâu, không có nói bằng lời mà chỉ trao đổi ý kiến bằng cử chỉ câu thai, để vấn đáp, Bồ Tát liền tâu rõ tự sự cho Ðức vua nghe.

Ðức vua CULANÌ rất hoan hỉ liền phong cho MAHOSATHA làm đại tướng, rồi giao phó cho tất cả công việc triều chính cho Bồ Tát. Từ đây uy quyền của đức Bồ Tát càng vẻ vang chói lọi. Sau khi đó, đức Bồ Tát nghĩ rằng: Tại sao Ðức vua giao phó công việc triều đình cho ta trọn quyền nắm giữ như vầy, thật là khó hiểu. Có khi Ngài mưu chước hại mình cũng có. Vậy để ta tìm xét thử coi, ngoài ni cô ra không ai hiểu được Ðức vua, để ta đến bạch hỏi xem?

Khi vào lễ bái cúng dường ni cô rồi, đức Bồ Tát bạch: Thưa bà từ ngày bà tán tụng đức tính của tôi, Ðức vua nghe được rồi ban thưởng tôi rất trọng hậu, nhưng không rõ Ðức vua có lòng tin tưởng tôi thật chăng? Cầu bà, tuỳ dịp hỏi Ðức vua, rồi cho tôi biết. Ni cô hứa chịu.

Sáng ra vào đền, ni cô mong tìm hỏi Ðức vua, nhưng lo ngại vó nhiều người sợ vua không nói thật, nên tâu rằng: Tôi có việc kín xin tâu với Ðại Vương.

Ðức vua liền bảo mọi người ra khỏi sân rồng chỉ còn Ngài và ni cô. Ni cô tâu: Tất cả 7 người là: hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, thứ vương, vị THÙSEKKHA, vị cố vấn SEVATA, bậc trí tuệ MAHOSATHA và Ðại Vương. Tất cả 7 vị đồng nhau xuống thuyền ra đến giữa biển, có một con quái vật nước to, lên tìm ăn thịt người. Quái vật nước ấy vệt nước ra nổi lên nắm chặt chiếc thuyền, hắn hỏi Ðại Vương rằng: Ngài phải cho ta ăn 6 người trong thuyền này,thì ta tha Ngài. Khi quái vật nói như thế, Ðại Vương cho hắn ăn người nào trước?

- Bạch, như thế thì tôi cho quái vật ăn mẹ tôi trước, thứ nhì là nàng NANDÀ (Hoàng Hậu) thứ ba là thứ vương, thứ bốn là THÙSEKKHA, thứ năm là KEVATA, còn thứ sáu, tôi biểu quái vật nước hả miệng tôi vén cẩm bào lên cho gọn, nhảy ngay và mồn quái vật cho nó ăn tôi. Còn bậc trí tuệ MAHOSATHA tôi không cho hắn ăn đâu!

Nghe Ðức vua đáp như vậy, bà ni cô hiểu rằng Ðức vua thương MAHOSATHA thật. Biết rõ lòng vua, bà ni cô mong làm cho tài đức của MAHOSATHA càng thêm rõ rệt. Bà yêu cầu cho mời tất cả mọi người trog cung nội hội hiệp lại rồi tâu hỏi Ðức vua về con quái vật nước. Ðức vua bằng lòng cho quái vật ăn mẹ trước v.v... Bà ni tâu: Mẹ của Ðại Vương có rất nhiều ân đức, nhất là công lao sanh thành dưỡng dục, nào là tắm rữa lau chùi những vật ô uế. Khi Ðại Vương còn thơ ấu, bà lo từng miếng ăn, tắm mặc, lúc khóc la, khi đau ốm, dạy bảo cho Ðại Vương được an vui cho đến lục căn thu thúc giới trưởng thành. Khi Ðại Vương bị CHÀBBIBRÀHMANA làm hại, đức mẹ của Ðại Vương tìm đủ phương cách để cứu vớt Ðại Vương, không có bà mẹ nào sánh bằng. thật là ân đức sâu dày. Tại sao Ðại Vương lại cho quái vật nước ăn bà mẹ trước, bà có lỗi chi?

Có lời hỏi rằng: Tại sao ni cô PARIBBÀJÌ lại tâu như vậy? Bởi thuở trước Ðức vua CULANÌ còn bé, bà hoàng thái hậu thương yêu CHÀBBIBRÀHMANA, rồi hại vua CULANÌ đem đế vị dâng đến CHÀBBIBRÀHMANA, bà trở thành Hoàng Hậu của CHÀBBIBRÀHMANA.

Ngày nọ Hoàng Nhi CULANÌ đến nói với mẹ rằng: Con đói bụng. Bà mẹ tức Hoàng Hậu đem nước mía đến cho dùng, nhưng ruồi bay lại đậu hút nước mía xung quanh mình trẻ CULANÌ. Hoàng Nhi CULANÌ rải một chút nước mía lên đất, rồi đuổi cho ruồi đậu hút nước mía ấy xong trở lại dùng nước tự do, khỏi phải đuổi ruồi nữa.

CHÀBBIBRÀHMANA thấy vậy bèn nghĩ rằng; Hoàng Nhi này rất khôn ngoan, khi trưởng thành đâu có để cho ta giữ an ngai vàng. Vậy ta hãy giết trẻ này cho được. CHÀBBIBRÀHMANA tính rồi nói với Hoàng Hậu. Hoàng Hậu tâu dối rằng: Bệ Hạ đừng lo ngại, chồng tôi trước kia tôi còn hại được, huống chi đức trẻ nhỏ này, giết giờ nào mà không được, song nếu hại nó thì đừng cho ai biết, Hoàng Hậu tâu dối như thế bởi bà có mưu. Bà gọi người đầu bếp vào rồi dạy kín rằng: Con trai ta và con trai của ngươi, sanh ra trùng ngày, trùng tháng và thường hay gần gủi thân thiết nhau lắm, nay CHÀBBIBRÀHMANA muốn giết con trai ta. Vậy ngươi nên cứu tử CULANÌ, con trai ta với đi.

- Tâu lệnh bà muốn tôi làm thế nào?

- Này đầu bếp, ngươi cùng con trai ta và con trai ngươi cả 3 bên thường ngủ trong nhà bếp, song chớ cho ai rõ được, rồi ngươi tìm lượm nhặt xương dê đem để tại chỗ mà 3 người thường hay ngủ đó. Ðêm khuya vào giờ ngọ ngủ mê, ngươi hãy đem lửa đốt nhà bếp và dẫn con ta, con ngươi chạy ra khỏi cửu thành, tìm ngụ nơi biên thuỳ,mà cũng chẳng nên cho ai biết CULANÌ là con của Ðức vua cả, hãy giữ cho kín miệng thì sẽ được hạnh phúc ngày sau. Hoàng Hậu lén lấy nhiều vật báu cho người đầu bếp. Một hôm vào lúc nữa đêm thanh vắng đầu bếp bèn nổi lửa đốt nhà bếp, dẫn hai trẻ chạy ra ngoài bang tìm ở với Ðức vua MADDHARÀJA tại kinh đô SÀKALA.

Ðức vua bèn thu nhận, cho làm đầu bếp. Mỗi khi đầu bếp vào chầu vua, hai trẻ là CULANÌ và THÙSENAKKHA cùng vào theo luôn. Ðức vua hỏi: Này đầu bếp, hai trẻ này là con của ai?

- Tâu, chúng là của hạ thần

- Tại sao lại không giống nhau?

- Tâu, vì khác mẹ nhau.

Hai trẻ thường vào ra trong đền nội nên quen. Một ngày nọ gặp Công chúa của Ðức vua MADDHARÀJA, cùng chơi với nhau. Trẻ CULANÌ dạy Công chúa đi bắt dế kiếm dây buộc dế mà Công chúa không đi, CULANÌ đánh Công chúa la khóc.

Ðức vua nghe, hỏi ai đánh con Trẫm?

- Các cung nữ chạy hỏi NANDÀ Công chúa. Ai đánh Công chúa? Trẻ NANDÀ nghe rồi nghĩ rằng nếu ta nói bị CULANÌ đánh thì, Phụ Vương ta bắt tội (vì thương trẻ CULANÌ) nên Công chúa NANDÀ đáp, không có ai đánh cả, rồi cũng giởn chơi với CULANÌ.

Một bữa nọ, chính Ðức vua MADDHARÀJA xem thấy con mình bị CULANÌ đánh. Ngài xét, đứa trẻ này mặt mày khôi ngô không giống người đầu bếp chút nào, nó không kiêng nể ai cả, khác hơn đứa trẻ của người đầu bếp. từ đó, Ðức vua MADDHARÀJA để ý phân biệt cử chỉ của trẻ CULANÌ.

Các cung nữ đem bánh dâng cho Công chúa, Công chúa đem chia cho những trẻ chơi cùng nhau, đứa nào đến lấy bánh cũng có ý kiêng dè cuối đầu mà thọ bánh. Trừ trẻ CULANÌ đi đến tự nhiên, rồi chen lấn giành lấy bánh. Ngày nọ các trẻ chơi cùng nhau, vào gần chỗ long sàn của Ðức vua, trẻ nào cũng chun dưới giừơng kiếm đồ chơi, còn trẻ CULANÌ chỉ lấy cây khều ra chớ không chịu chun dưới giừơng. Ðức vua MADDHARÀJA thấy khác thường hơn các trẻ nhiều lần như thế, quyết định rằng: Em CULANÌ không phải là con của thường dân, Ðức vua dạy cho đòi đầu bếp đến, rồi Ngài rút gươm ra, đưa lên mà nói rằng:

- Trẫm chắc trẻ CULANÌ này không phải là con đẻ của ngươi. Vậy ngươi nên khai thật,bằng không Trẫm sẽ chém đầu.

Anh đầu bếp kinh hồn bèn tâu ngay: Tâu, đây là Hoàng Tử của Ðức vua CULANÌ. Sau khi biết rõ nguồn cơn, Ðức vua MADDHARÀJA bèn gả Công chúa NANDÀ cho CULANÌ.

Ðây nói về bà hoàng thái hậu CHALAKÀDEVÌ thấy nhà bếp cháy hết, rồi dạy người đi nhặt xương dê đem trình cho CHÀBBIBRÀHMANA rằng: Ðây là hài cốt của trẻ CULANÌ, nó đi ngủ chung của đầu bếp bị cháy, nên nó phải bị chết thiêu như vậy. CHÀBBIBRÀHMANA nghe được rất hài lòng.

Bà ni cô PARIBBÀJÌ tâu: Khi CHÀBBIBRÀHMANA hại Ðại Vương đó, nhờ bà hoàng thái hậu cứu tử Ðại Vương. Như thế tại sao đại vương lại cho quái vật nước ăn trước?

- Bạch, thường ngày mẹ tôi đã già mà chưa chịu là già, làm như là gái tơ, dùng đồ nữ trang tô điểm khác thường, không xứng đáng với tuổi già. Một ngày nọ, Trẫm đang lâm triều chung lo việc nước cùng các đại thần, mẹ Trẫm mang dây lưng có đủ ngọc báu đi qua lại trước đền, tiếng ngọc của dây lưng khua động khắp cả thành nội. Lại nữa, mẹ Trẫm các lần gọi các trẻ lại mà đùa giỡn với chúng, thật không xứng đáng, ai ai cũng bất bình. Một hôm, mẹ Trẫm một mình tả chiếu chỉ giả rằng: Là lịnh của Trẫm cho chư hầu biết "Mẹ tôi còn trẻ tuổi cần ngũ dục. Ngài nào vừa lòng, thì đến lãnh về chung hưởng". Viết như vậy rồi gởi về chư hầu, các Ngài đáp rằng: Vì sao Hoàng Thượng dạy như thế?

Chư hầu đem chiếu chỉ ra đọc giữa hội, Trẫm lấy làm hổ thẹn muôn phần, và cảm thấy phẩn uất, như bị người áp chế. Vì mẹ Trẫm có lỗi như vậy, nên Trẫm cho quái vật nước ăn trước.

- Nếu Ðại Vương nói Hoàng thái hậu có lỗi nên cho quái vật nước ăn trước, còm bà NANDÀ Hoàng Hậu, thường thốt những lời tao nhã và là người đức hạnh, hết lòng phụng dưỡng gần gũi Ðại Vương từ thưở Ngài còn thiếu niên. Khi Ðại Vương đến ngự trong nước của bà, bị Ngài rầy la đánh đập thế nào, bà cũng không nói thật vì hết lòng yêu mến Ngài. Bà NANDÀ là phụ nữ có trí tuệ biết quan sát tìm điều lợi ích cho Ðại Vương, do nhân nào Ðại Vương lại cho quái vật nước ăn, bà có tội gì chăng?

- Bạch, nàng NANDÀ hay còn những của không nên xin, những đồ trang sức mà Trẫm cho vợ con đó, nàng NANDÀ chờ có dịp thì xin, thấy Trẫm mê say nàng giờ nào thì xin giờ ấy. Khi trẫn đã bị phiền não dục lôi cuốn, càng xin Trẫm càng cho, khiến Trẫm phải chạy theo thế lực của phiền não dục, sau rồi dầu xin mà Trẫm không cho mà cũng lấy, Trẫm quở trách cũng không kiêng nể, quyết lấy cho được. Do đó, nên Trẫm cho quái vật nước làm thực phẩm.

- Tâu, nếu Hoàng Hậu NANDÀ có tội, còn vị thứ vương rất thông minh, võ nghệ siêu quần, dẹp an giặc biên thuỳ làm cho các ngoại bang đều kiêng nể hằng phục Ðại Vương. Cớ sao Ðại Vương lại cho quái vật nước ăn, th? vương có tội gì?

[Vấn: Có lời hỏi, cớ sao bà ni cô PARIBBÀJÌ lại hỏi như thế?

Ðáp: Thuở bà Hoàng Hậu CHALÀKA thích khách Ðức vua CULANÌ (chồng bà) rồi dâng đế vị cho CHÀBBIBRÀHMANA, thì thứ vương TIKKHANAMANDI còn trong bào thai, nên tưởng CHÀBBIBRÀHMANA là cha ruột, không rõ rằng là cha nuôi. Sau rồi mới phân biệt chơn giả, do một vị đại thần tâu kín. Khi được biết rằng CHÀBBIBRÀHMANA không phải là cha ruột. Ngài bèn thịnh nộ mong giết CHÀBBIBRÀHMANA.

Hoàng Tử bày kế cho hai quan đại thần, rầy la đánh đập nhau trước ngọ môn, Hoàng Tử liền vào tâu với CHÀBBIBRÀHMANA rằng: Cây đao mà Hoàng Thượng ban cho tôi, nay có kẻ lại đòi nói là của họ.

- Tại sao thế? Ðao ấy của Trẫm, Trẫm nhận biết được, vậy con ra lấy đem vào đây cho Trẫm xem lại.

Hoàng Tử ra lấy đao vào, đem cho CHÀBBIBRÀHMANA nhìn, rồi thừa dịp thuận tiện chặt đầu CHÀBBIBRÀHMANA đứt lìa. Khi Hoàng Tử hạ sát CHÀBBIBRÀHMANA rồi, triều thần đồng tôn Ngài lên kế vị. Ðức Hoàng thái hậu CHÀLANÌ mới chịu khai rõ rằng: Này con TIKKHANAMANDI anh trai của con còn sinh tiền, hiện nay còn ngự tại thành Ðức vuaMADDHARÀJA. Hoàng Tử, khi được biết hoàng huynh còn sống liền đem binh đến thành của Ðức vua MADDHARÀJA thỉnh đức CULANÌ về tôn lên ngôi báu. ]

Sau khi được rỏ tự sự như thế, bà ni cô PARIBBÀJÌ tâu rằng: Thứ vương có đại ân với Ðại Vương đi thỉnh Ðại Vương từ ngoại quốc về, rồi đem đế vị dâng đến Ðại Vương, thì Thứ vương có tội gì mà Ðại Vương đành cho quái vật nước ăn?

- Bạch, mỗi ngày đây, ngự đệ TIKKHNAMANDI hằng nói rằng: Biên thuỳ nhờ ta mà được thái bình. Ðức vua này lên ngôi báu cũng nhờ ta rước về, nay mới được hạnh phúc như vầy. Thường nói như thế, thật rất khinh rẽ Trẫm. Vừa lòng thì hắn vào chầu, bằng trái ý thì hắn không đến. Vì lẽ đó Trẫm mới cho quái vật nước ăn ngự đệ TIKKHNAMANDI.

- Thôi thứ vương có lỗi đã đành, vậy THNÙSENAKKHA là bạn thiết của Ðại Vương, sanh đồng ngày, tháng, năm , cùng Ðại Vương quê hương. Lại nữa, Ngài hết lòng chăm lo việc triều chính quanh năm, mãn tháng, bạn lành chơn chánh như vậy, có tội gì mà Ðại Vương lại cho quái vật nước làm thực phẫm?

- Bạch, bạn THNÙSENAKKHA của tôi, từ bé ở chung, ngủ chung, đùa giởn cùng nhau, đến nay cũng vẫn còn như thế, tôi không bỏ rơi phụ bạc bạn xưa. Khi có lỗi, tôi cũng không bắt tội, vào đền sái giờ tôi cũng không cấm. Như vậy mà người không biết xét mình, có lúc tôi cùng Hoàng Hậu ở trong cung cấm mà hắn vẫn vào tự do. Vì vậy nên tôi mới cho bạn đến quái vật nước ăn.

- Tâu, thôi để đó, vậy vị cố vấn KEVATA, ông sáng suốt trong các công việc, biết rõ đây là nhân, kia là quả. Ông nghe được tiếng chim, tiếng quạ biết rõ điều hay lẽ phải, biết coi ngày tháng, xem sao bói quẻ khó mà tìm được một vị cố vấn như ông. Vậy do nhân nào mà Ðại Vương cho quái vật nước ăn thịt?

- Bạch, vị cố vấn KEVATA có khuynh hướng không tốt, là trước mặt hay khuất mặt người, giữa đại chúng mắt hắn liếc tôi trợn trắng như giận dữ đáng sợ. Vì KEVATA có thái độ không đoan trang với tôi như thế, nên tôi cho quái vật nước ăn.

- Tâu, tất cả 5 người trước nhất là hoàng thái hậu cuối cùng là vị cố vấn KEVATA, Ðại Vương cũng cho quái vật nước ăn liên tiếp. Cho đến người thứ 6 là Ðại Vương, Ngài cũng đành nhảy vào miệng của quái vật nước cho nó ăn, không mến tiết ngai vàng và sinh mệnh, để thế cho bậc trí tuệ MAHOSATHA, vậy bậc trí tuệ MAHOSATHA có đặc ân chi với Ðại Vương?

Tâu, đại vương là bậc quý nhân, sản nghiệp của Ðại Vương hằng ngày đây, biên giới chí đại hải, chẳng có một cường quốc nào sánh bằng sự vinh quanh xán lạn của đại vương. Ðại Vương có uy thế lẫy lừng, hơn cả 101 quốc vương trong Thiên hạ. Nước giàu dân mạnh, binh hùng, tướng giỏi. Ðại Vương là một vị Hoàng Ðế uy phong lẫm liệt, đường đường chính chính cao sang tột bậc. Lệ thường người giàu sang phú túc như Ðại Vương, ai ai cũng đều mong được trường thọ để hưởng hạnh phúc lâu dài.

Cớ sao Ðại Vương lại hành hạ mình đành chịu làm mồi cho quái vật nước, chết thế cho bậc trí tuệ MAHOSATHA. MAHOSATHA có ân đức gì với Ðại Vương?

- Bạch Ni cô! MAHOSATHA đây, từ khi qua ở bên kinh đô này, hằng tìm làm biết bao điều lợi ích cho Trẫm. Cả ngày lẫn đêm, MAHOSATHA hông làm đi?u gì quấy, dù là nhỏ nhen. Trước kia khi còn là thù nghịch, có thể giết Trẫm được mà không giết. MAHOSATHA đủ điều kiện hại vợ con Trẫm mà cũng dung tha. Vợ con Trẫm à được an vui, sum vầy chung hưởng hạnh phúc đây cũng nhờ MAHOSATHA. MAHOSATHA biết rõ nhân quả trong quá khứ, vị lai và hiện tại, ví như đấng Chánh đẳng Chánh Giác. MAHOSATHA có thân, khẩu, yù lành. Bậc trí tuệ MAHOSATHA gồm đủ các tính từ, bi, hỉ, xả. Vì thế, nên Trẫm ới chịu chết, để bảo vệ bậc trí tuệ MAHOSATHA

Ðức vua tường thuật tài đức của Ngài MAHOSATHA như vị trời có nhiều năng lực, cầm vầng trăng đưa lên giữa hư không vậy.

Bà ni cô PARIBBÀJÌ cố ý, mong cho tài đức của Ngài MAHOSATHA được truyền tụng trong đời, nên cầu xin Ðức vua ra trước đền, rồi bá cáo cho dân chúng hay, tựu hội lại để nghe lời cao quí. Bà hỏi Ðức vua về câu chuyện cho quái vật nước ăn thịt 6 người, để Ðức vua đáp lại cũng như đã giải trước. Bà ni cô PARIBBÀJÌ chọn những phần hay để thuyết pháp bà nêu cao đức trí tuệ của đức Bồ Tát MAHOSATHA, ví như người đã tạo xong nhà, rồi đem ngọc ma ni treo trên nóc, rằng: Cùng tất cả quốc dân đến hội họp trong nơi này, hãy chăm chú nghe thiện ngôn của Ðức vua CULANÌ, Ngài thuyết về câu chuyện mà Ngài từ bỏ hoàng thái hậu, Hoàng Hậu, thứ vương, bạn thiết, vị cố vấn KEVATA và sanh mệng của Ngài cho quái vật nước ăn để gìn giữ bảo vệ bậc trí tuệ MAHOSATHA. Ðây thật là chuyện hy hữu.

Này quí vị! Các Ngài nên lưu tâm quan sát cho thấy đức tính của trí tuệ. Ðức của trí tuệ thật là siêu nhiên [8]. Kẻ nào gồm có trí tuệ rộng lớn là chánh kiến, xét thấy chơn chánh rồi, làm những việc vô tội theo sự suy nghĩ đứng đắn, đem lợi ích cho mình và kẻ khác trong kiếp hiện tại và vị lai.

Bà ni cô PARIBBÀJÌ thuyết về đức tính siêu tuyệt [9] của trí tuệ như thế.

SATTHÀ IMAM DAMMADESANAMÀHARITVÀ: Ðức Thiên Nhơn Sư thuyết xong tích MAHOSATHA rồi bèn giải tiếp rằng: Này các thầy Tỳ khưu! Chẳng phải Như Lai chỉ có trí tuệ caqo siêu trong kiếp cuối cùng này đâu, thuở Như Lai thọ sanh làm MAHOSATHA, Như Lai cũng có trí tuệ vượt lên trên tất cả mọi người vậy. Xong đức Thế Tôn hợp các tiền kiếp lại rằng:

TADA KALE: trong thời đó, SENAKO giáo sư SENAKA nay là KASSOPO, thượng tọa Ca Diếp; PAKUTO giáo sư PAKUTA nay là AMBATTHO thượng tọa AMBATTHO; giáo sư KAMINDA nay là KUTADANDABRAHMANA; DEVINDA nay là SONADANTHERA; cố vấn KEVATA nay là DEVADATTA (Ðề Bà Ðạt Ða); CHALAKÀ, nàng CHALAKÀ (Hoàng Hậu) nay là Tỳ khưu ni THULANANDISUNDANI; PANCÀLACANDÌ (Công chúa) nay là Tỳ khưu ni MANGALIKA BHIKKHUNI; nàng UDUMABARA nay là DITTHAMANGALIKA BHIKKHUNI; Ðức vua VIDEHARÀJA nay là Tỳ khưu KALUDAYITHERA; nàng PARIBBÀJÌ nay là Tỳ khưu ni UPALAVANNA THERI BHIKKHUNI; Triệu phú SIRIVADDHANA nay là SUDDHANO đức Tịnh Phạn Vương; vợ Triệu phú nay là MAHAMÀYÀ Hoàng Hậu; nàng AMORA nay là BIMBA; thứ vương TIKKHANA nay là CHANDO Tỳ khưu; THNÙSEKKHA nay là RAHULO Tỳ khưu RAHULA; két SUVAPOTAKA nay là SARIPUTTO Ðại ÐứcXá Lợi Phất; MAHOSATHA đức MAHOSATHA nay là LOKANATHO Ðức đại bi Chánh đẳng Chánh Giác siêu nhiên như thế.

Chú thích:

[1] Trẻ MAHOSATHA

[2] Nín thinh

[3] Toán quân

[4] Không kể

[5] Gở ra khỏi vòng vây

[6] Soi rõ.

[7] Mỹ quan, vẻ trong đẹp

[8] Vượt lên trên cả.

[9] Vượt lên mực thường

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | Mục lục


Chân thành cám ơn anh NTH đã giúp đánh máy vi tính -- Bình Anson, tháng 6-2001


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-06-2001