BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Đại Tạng No. 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La
người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri
Quyển thứ hai mươi mốt
-ooOoo-
NÓI RÕ PHẦN THỨ
MƯỜI CỦA 92 PHÁP ÐƠN ÐỀ.
[394c]
87.
GIỚI: VÔ CỚ VU KHỐNG NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật
an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ðà-phiêu-ma-la-tử
được Tăng cử làm quản lý trông coi chín việc như trước đã nói, cho đến
Ðà-phiêu-ma-la-tử có ngón tay út bên phải phóng quang phát sáng, theo thành
phần mà giao phòng: A-luyện-nhã ở chung với A luyện nhã, khất thực ở chung với
khất thực, y phấn tảo ở chung với y phấn tảo, người ăn một lần ở chung với
người ăn một lần, thường ngồi ở chung với người thường ngồi, ngồi ở chỗ trống ở
chung với người ngồi ở chỗ trống, nệm cỏ ở chung với người nệm cỏ, đọc kinh ở
chung với người đọc kinh, pháp sư ở chung với pháp sư, học Luật ở chung với
người học Luật, A la hán ở chung với A la hán, Tam minh ở chung với Tam minh,
Lục thông ở chung với Lục thông, không oai nghi ở chung với không oai nghi. Khi
ấy, nhóm sáu Tỉ-kheo nói với Ðà Phiêu:
-
Thưa Trưởng lão! Cho sáu người chúng tôi ở chung một chỗ.
- Ðợi
vị Hạ tọa thấp nhất trong nhóm của các thầy đến lượt nhận phòng, rồi tùy ý mà ở
chung.
Khi
người bạn Hạ tọa của họ đến phiên được căn phòng xấu, giường nằm, giường ngồi,
gối nệm các vật đều xấu xí cũ kỹ, và phòng ăn riêng cũng thô sơ tồi tàn, họ bèn
bảo nhau:
-
Trưởng lão Ðà Phiêu như là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta, giao cho chúng ta
căn phòng xấu xí, thức ăn tồi tệ. Nếu vị trưởng lão này còn sống lâu trong đời
sống phạm hạnh thì chúng ta còn bị đau khổ vô cùng. Nhưng Thế Tôn chế giới
không cho phép vô cớ vu khống người
khác phạm tội Ba la di, nay ta hãy vu khống ông ấy phạm tội Tăng già bà thi sa.
Ðoạn,
họ đi đến chỗ Ðà Phiêu, nói như sau:
-
Trưởng lão, ông phạm tội Tăng già bà thi sa.
- Tôi
không phạm tội đó.
- Có ai ăn trộm mà lại tự bảo mình là kẻ trộm!
Thế nhưng, ông đã phạm tội Tăng già bà thi sa.
Ðoạn,
họ đi đến chỗ vắng, đi đến chỗ nhiều người, đi đến giữa chúng Tăng vu khống Tỉ-kheo
Ðà Phiêu phạm tội Tăng già bà thi sa. Khi ấy, Tỉ-kheo Ðà Phiêu bèn đem sự việc
đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền hỏi:
- Ông
có việc đó không?
-
Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Ông
không có tội ấy, Thế Tôn biết ông thanh tịnh.
-
Bạch Thế Tôn, tuy Thế Tôn biết con vô tội, nhưng mong Thế Tôn hãy khiến cho
những người kia cũng tin như vậy, chớ để họ vu khống mãi mà mất lợi ích.
-
[395a] Vậy hãy gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến đây.
Khi
họ đến rồi, Phật bèn hỏi lại sự kiện kể trên:
- Các
ông có việc đó thật chăng?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó
là việc ác. Các ông không từng nghe Ta dạy phải sinh lòng cung kính, dùng thân,
miệng, ý thương xót các vị đồng phạm hạnh hay sao? Nay vì sao các ông lại vô cớ
vu khống người khác phạm tội Tăng già bà thi sa? Ðó là việc phi pháp, phi Luật,
trái lời Ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
--
Nếu Tỉ-kheo vì giận dữ không vui mà vô cớ vu khống Tỉ-kheo khác phạm Tăng già
bà thi sa, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Giải
thích:
Giận
dữ: Gồm chín việc
não loạn và vô cớ nổi giận. Việc thứ mười là uất hận, thì kẻ phàm phu và người
đang học vẫn còn. Nhưng tâm không vui thì A la hán vẫn còn.
Vô
cớ: Việc đó vốn
không có, không thấy, không nghe, cũng không nghi.
Tăng
già bà thi sa: Nếu
vu khống một trong mười ba việc này, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
Khi
có sự tức giận nhau giữa hai Tỉ-kheo thanh tịnh và không thanh tịnh, rồi người
thanh tịnh hỏi người kia:
-
Thầy thấy tôi phạm tội nào trong mười ba việc, tội thứ nhất hay tội thứ hai?
Người
kia không thấy, không nghe, không nghi, không chắc chắn, mà ở chỗ vắng, chỗ
nhiều người, giữa chúng Tăng nói như sau:
- Tôi
thấy thầy phạm tội Tăng già bà thi sa, tôi nghe thầy phạm tội Tăng già bà thi
sa, tôi nghi thầy phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nhưng
nghe không đúng sự thật, căn cứ không đúng ;
nghi không đúng sự thật, căn cứ không đúng ; những điều đã thấy, nghe và
nghi đó đều hư dối ; thấy, nghe và nghi không phải như vậy, mà đối diện, bốn
mắt nhìn nhau, nói lời hủy báng, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu
người kia thanh tịnh mà mình tưởng là không thanh tịnh, rồi vu khống họ phạm tội
Thâu Lan giá, muốn xua đuổi họ, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu
người kia không thanh tịnh mà tưởng là thanh tịnh, rồi vu khống họ phạm tội
Việt-tì-ni, muốn xua đuổi họ, thì phạm tội Thâu Lan giá.
Nếu
người kia thanh tịnh mà tưởng là thanh tịnh, rồi vu khống họ phạm tội Thâu Lan
giá, muốn xua đuổi họ, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu
người kia không thanh tịnh, mà tưởng họ không thanh tịnh, rồi hủy báng, thì
phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu
vu khống Tỉ-kheo thì phạm tội Ba-dạ-đề ; vu khống Tỉ-kheo-ni thì phạm tội Thâu
Lan giá ; vu khống Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni thì phạm tội Việt-tì-ni ; vu
khống người thế tục, thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như
trên).
88.
GIỚI: XOAY VẬT CỦA TĂNG VỀ NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật
an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Khi ấy có vị Tỉ-kheo khất thực, đến
giờ, bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đến một nhà kia, có một
người đàn bà nói:
-
[395b] Thưa tôn giả, đến ngày mỗ, con sẽ cúng dường trai phạn và y phục cho
chúng Tăng.
-
Lành thay Ưu bà di, nên kíp thời vì thân mạng và tài sản mà tu ba pháp kiên cố,
thường siêng tu tập chớ nên trì hoãn.
Sau
khi khất thực xong, Tỉ-kheo trở về tinh xá, nói với các Tỉ-kheo khác:
- Này
các trưởng lão, tôi mách với các vị một việc tốt.
-
Việc tốt gì thế?
- Gia
đình kia đến ngày ấy sẽ cúng dường trai phạn và y phục cho chúng Tăng.
Lúc
ấy, Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà ở cách đó không xa, nghe nói thế, liền hỏi:
- Nhà
ấy ở đâu? Tên họ là gì? Cửa ngõ xoay về hướng nào?
Hỏi
đầy đủ và biết rõ các việc xong, sáng sớm hôm
sau, hai người đi đến nhà ấy, nói với Ưu bà di:
- Tôi
nghe có tin tốt lành.
- Tôn
giả nghe được tin gì vậy?
- Bà
định cúng dường trai phạn và y phục cho chúng tăng có đúng thế không?
- Lúc
đầu con có tâm nguyện ấy, nhưng e nửa chừng gặp những trở ngại, chẳng biết có
thành tựu được không!
Ưu-ba-nan-đà
liền bảo Ưu bà di:
- Bà
nên đem chiếc y ấy mà cúng dường cho Nan-đà.
- Nhà
con không có vật gì khác nữa, chỉ có chiếc y này thôi, nhưng con đã định cúng
dường cho Tăng, giờ không thể nào thay đổi được.
Ưu-ba-nan-đà
liền lên giọng mỉa mai:
- Thế
nào là Tăng? Con quạ già cũng là Tăng. Con cú già cũng là Tăng. Tăng như cái
cối lủng, cái bồn rỉ không thể đầy đặn. Tăng như vậy đối với bà có lợi ích gì?
Có thể nuôi sống con trai, con gái bà, có thể đến nhà vua để giải quyết những
việc liên quan đến quan quyền được không? Nan-đà có thể giúp bà làm được nhiều
việc lợi ích. Bà hãy đem chiếc y này mà cúng dường cho Nan-đà.
Ưu bà
di vẫn trả lời như trước.
Lúc
ấy, Nan-đà cũng khuyên bà cúng dường cho Ưu-ba-nan-đà như cách nói ở trên.
Nhưng Ưu bà di vẫn nói:
- Nhà
con không có vật gì khác nữa. Con cũng muốn dùng nó cúng dường cho tôn giả,
nhưng vì đã hứa cúng dường cho Tăng, nên không thể thay đổi được.
Ưu-ba-nan-đà
nói:
- Cúng
dường hay không cúng dường mặc ý bà.
Rồi
bỏ đi. Bấy giờ, Ưu bà di suy nghĩ: "Chiếc y này ta cũng muốn cúng dường
cho Nan-đà, nhưng Tăng là ruộng phước tốt lành, nên ta cũng muốn cúng dường cho
Tăng. Song, Nan-đà có thế lực lớn, sợ e ông có thể làm điều gì bất lợi cho
ta". Suy nghĩ thế rồi, bà quyết định không cúng dường nữa.
Các
Tỉ-kheo nghe thế, bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi
Ưu-ba-nan-đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc kể trên:
- Ông
có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Này
kẻ ngu si, ông đã gây nên ba việc xấu này: kẻ bố thí mất phước, người thọ nhận
mất lợi và khinh hủy chúng Tăng. Ông không từng nghe Ta dùng vô lượng phương tiện
khen ngợi ít muốn và chê trách muốn nhiều hay sao? Ðó là việc phi pháp, phi
luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
[395c]
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập
họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi
cũng phải nghe lại:
--
Nếu Tỉ-kheo biết vật ấy thí chủ định cúng cho Tăng mà vận động họ cúng cho
người khác, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Giải
thích:
Biết: Hoặc tự biết, hoặc do nghe người khác mà
biết.
Vật: Gồm có tám thứ kể cả thanh tịnh và không
thanh tịnh.
Ðịnh
cúng: Ðã quyết định
chỗ cúng dường vật đó.
Tăng: gồm có tám loại, như trên đã nói.
Vận
động: Chuyển vật đó
cho người khác.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
Nếu
người ta đem phẩm vật đến hỏi Tỉ kheo: "Thưa tôn giả, con muốn đem vật này
cúng dường, vậy nên cúng dường nơi nào?", thì nên đáp: "Tùy ý ông
(bà) thích nơi nào thì nên cúng dường nơi đó".
-
Vậy, cúng dường nơi nào được quả báo lớn?
-
Cúng dường cho Tăng được quả báo lớn.
-
Tăng ở đâu giữ giới, con định cúng dường họ?
-
Không có tăng nào lại phạm giới.
- Vị
Tỉ-kheo nào siêng năng tu tập, biết quí trọng giữ gìn các vật dụng, thường sống
tại đây, để con thường gặp mặt.
-
Tỉ-kheo mỗ giáp siêng năng tu tập, biết quí trọng giữ gìn các vật dụng, thường
sống tại đây, cúng dường cho Tỉ-kheo ấy thì có thể thường gặp mặt.
Nếu
thí chủ nói: "Con muốn cúng dường vật này cho tôn giả", thì nên đáp:
"Thí chủ nên cúng dường cho tăng".
Nếu
thí chủ lại nói: "Con đã cúng dường cho Tăng rồi, ý con muốn cúng dường
cho tôn giả, mong tôn giả vui lòng nhận cho", thì bấy giờ nhận lấy không
có tội.
Nếu
Tỉ-kheo biết vật đó thí chủ định cúng dường cho Tăng mà tìm cách xoay về cho
mình, thì phạm tội Ni tát Kì Ba-dạ-đề.
Nếu
xoay về cho người khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Nếu
Tỉ-kheo biết vật đó thí chủ định cúng dường cho Tăng này mà mình tìm cách xoay
về cho Tăng khác, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu
thí chủ định cúng dường vật đó cho nhóm người này mà mình tìm cách xoay về cho
nhóm người khác, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu...
cho súc sanh này mà xoay về cho súc sinh khác thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm
sám hối. Thế nên nói (như trên).
89.
GIỚI: CỐ Ý NÓI DỐI ÐỂ CHẠY TỘI.
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tăng chúng cứ mỗi nửa
tháng tụng giới, nhóm sáu Tỉ-kheo nghe tụng đến bốn việc thì im lặng, nghe tụng
đến mười ba việc thì nổi giận, nghe tụng đến ba mươi việc liền xầm xì, nghe đến
chín mươi hai việc bèn đứng dậy nói: - Trưởng lão, những điều đó do Thế Tôn nói
sao? Thế Tôn nói tại đâu vậy? Nếu tôi còn sống lâu ở đời thì sẽ phải nghe những
điều như thế này nhiều lắm. Ðây chính là mẹ của pháp phát sinh ra cấm giới như
thế này!
Các
Tỉ-kheo nghe những lời ấy, cảm thấy hổ thẹn, bèn đem sự việc đó đến bạch lên
Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi
lại đầy đủ sự việc kể trên:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó
là việc xấu. Vì Như Lai muốn cho các đệ tử được lợi ích, nên chế giới cứ nửa tháng
tụng một lần. Vì sao các ông lại chê bai, ngăn cản? [396a] Ðó là việc phi pháp,
phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
--
Nếu vào dịp nửa tháng tụng giới mà Tỉ-kheo nói như sau: "Nay tôi mới biết
những pháp này được đưa vào kinh để tụng vào dịp tụng giới của mỗi nửa
tháng". Nhưng các Tỉ-kheo biết Tỉ-kheo ấy đã từng ngồi nghe tụng giới hai,
ba lần, thậm chí còn nhiều hơn, nên không thể lấy lý do không biết để hòng chạy
tội. Vì thế Tăng phải căn cứ theo tội đã phạm mà quở trách rằng: "Trưởng
lão, thầy đã mất lợi ích, vào những dịp tụng giới mỗi nửa tháng thầy không tôn
trọng, không nhất tâm, không lắng tai nghe giới pháp". Quở trách xong,
(bảo sám hối) tội Ba-dạ-đề.
Giải
thích:
Nửa
tháng: 14 ngày hay
15 ngày.
Giới: 12 giới kinh.
Chạy
tội: Nghĩa là nói
rằng: "Nay tôi mới biết là pháp ấy được đưa vào giới bản để tụng mỗi nửa
tháng". Nhưng kỳ thực Tỉ-kheo tụng giới đã biết vị ấy từng ngồi nghe tụng
giới hai, ba lần, thậm chí còn nhiều hơn. Thế nên, Tỉ-kheo ấy không thể lấy lý
do không biết để mong thoát tội. Do vậy, tùy theo tội đã phạm, rồi căn cứ theo
pháp, luật mà quở trách như sau: "Trưởng lão, thầy đã mất lợi ích, vào dịp
tụng giới mỗi nửa tháng, thầy không tôn trọng, không nhất tâm, không lắng tai
nghe giới pháp". Quở trách như vậy rồi, bắt sám hối tội Ba-dạ-đề.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
Tỉ-kheo
sau khi thọ giới Cụ túc nên đọc hai bộ Luật (của Tỉ-kheo và Tỉ-kheo-ni). Nếu
không thể đọc cả hai bộ thì nên đọc một bộ. Nếu không thể đọc một bộ thì nên
đọc đủ năm chúng thiên giới. Nếu không thể đọc hết năm thiên thì nên đọc bốn
thiên giới. Nếu không thể đọc hết bốn thiên thì nên đọc ba thiên. Nếu không thể
đọc hết ba thiên thì nên đọc hai thiên. Nếu không thể đọc hết hai thiên thì nên
đọc một thiên và các bài kệ.
Khi
Bố tát nên tụng đủ năm thiên giới. Nếu không thể tụng cả năm thiên thì nên tụng
bốn thiên. Nếu không thể tụng cả bốn thiên thì nên tụng ba thiên. Nếu không thể
tụng cả ba thiên thì nên tụng hai thiên. Nếu không thể tụng cả hai thiên thì
nên tụng một thiên và các bài kệ. Ngoài ra, những việc khác như Tăng thường
nghe. Nếu không tụng thì phạm tội Việt-tì-ni. Tăng nên mời một vị tụng lưu loát
để tụng, còn những người khác chú tâm lắng nghe.
Phật
dạy:
- Khi
tụng giới, các Tỉ-kheo không được ngồi thiền hay làm những việc khác, mà tất cả
đều phải chú ý lắng nghe. Nếu bốn việc (bốn Ba la di) lắng nghe mà mười ba việc
không nghe, thì phạm tội Việt-tì-ni. [396b] Nếu mười ba việc lắng nghe mà hai
Bất định không nghe, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu hai giới Bất định nghe mà ba
mươi việc không nghe thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu ba mươi việc nghe mà chín
mươi hai việc không nghe thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu chín mươi hai việc nghe
mà bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni không nghe thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu bốn
Ba-la-đề-đề-xá-ni nghe mà pháp chúng
học không nghe thì phạm tội
Việt-tì-ni. Nếu pháp chúng học nghe
mà bảy Diệt tránh không nghe thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu giữa chừng không nghe
một Thiên nào thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu tất cả đều không nghe thì phạm tội
Ba-dạ-đề. Tội này không thể đến sám hối riêng với một người, mà phải sám hối
giữa Tăng chúng, trước một người giữ giới, có uy đức mà mình kính trọng. Rồi
người này nên khiển trách: "Này trưởng lão, thầy đã mất lợi ích. Vì khi
nửa tháng tụng giới thầy không tôn trọng, không nhất tâm, không chú ý lắng nghe
giới pháp". Khiển trách xong, bắt sám hối tội Ba-dạ-đề. Thế nên nói:
"Nhà
ăn, vào vương cung,
Ống đựng kim, giường, nệm.
Tọa cụ, y che ghẻ,
Y mưa, y Như Lai.
Vu khống là thứ mười.
Chuyển hướng vật kẻ khác
Ngăn chúng Tăng Bố tát
Hết Bạt cừ thứ mười".
BỐN PHÁP ÐỀ XÁ NI.
1.
GIỚI: NHẬN THỨC ĂN TẠI A-LUYỆN-NHÃ.
Khi
Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích ở Ca Duy La Vệ, nói rộng như trên.
Bấy giờ, các Tỉ-kheo ở A-luyện-nhã được cha mẹ, chị em, bà con thuộc dòng họ
Thích sai sứ giả đem các thức ẩm thực đến cho các thầy. Nhưng những kẻ đem thức
ăn hoặc ăn hết một nửa, hoặc ăn một phần ba, hoặc ăn hết sạch ở dọc đường. Thế
rồi, các Tỉ-kheo có người về thăm nhà, được thân nhân hỏi: "Trước đây tôi
có sai người đưa thức ăn, thầy có nhận được hết không?". Trong số ấy, ai
nhận được hết thì bảo là nhận hết ; nhận một nửa thì bảo là nhận một nửa ; nhận
một phần ba thì bảo là nhận một phần ba ; không nhận thì bảo là không nhận.
Thân nhân nghe vậy, nổi giận mắng sứ giả: "Quân tệ ác chết tiệt! Ta sai
ngươi đem thức ăn, vì sao ngươi dám ăn?", bèn lấy roi quất hắn. Bị đánh
đau, tên sứ giả khóc rống lên kêu than: "Vì ông Sa-môn bất nhân ấy mà ta
bị đánh".
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỉ-kheo
đó đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy
đủ sự kiện kể trên:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì
sao các ông ở A-luyện-nhã trước hết không nhắn với người bên ngoài, người ở
ngoài cũng không nhận được tin tức của người ở trong, mà tự tay lấy thức ăn
[396c] để ăn? Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ-kheo ở A luyện nhã, trước
không thông tin bên ngoài, bên ngoài cũng không nhận được tin bên trong, mà tự
tay nhận lấy (thức ăn).
Lại
nữa, khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích ở Ca Duy La Vệ, nói rộng như
trên. Vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đi
tuần tra phòng các Tỉ-kheo một lần ; Ngài thấy một Tỉ-kheo đang đau ốm, nhan sắc tiều tụy, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:
- Này
Tỉ kheo, khí lực ông có đầy đủ không?
- Con
bị bệnh rất khổ sở, bạch Thế Tôn.
- Ông
không thể uống thuốc hợp với bệnh, ăn thức ăn hợp với bệnh được sao?
- Vì
Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ-kheo ở A-luyện-nhã trước không thông tri cho
người ở ngoài, người ở ngoài cũng không nhận được tin bên trong mà tự tay nhận
lấy (vật thực). Bạch Thế Tôn, con bị bệnh không thể ra ngoài, nên mới tiều tụy
khổ sở thế này.
- Từ
nay Ta cho phép Tỉ-kheo bệnh được nhận (vật thực) ngay trong trú xứ.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
--
Nếu Tỉ-kheo ở A luyện nhã, trước không thông tri, không nói là Tỉ-kheo đang
bệnh ; người bên ngoài cũng không được tin bên trong, mà tự tay nhận lấy (vật thực),
hoặc nhai, hoặc ăn, thì Tỉ-kheo này phải đến bên Tỉ-kheo khác sám hối như sau:
Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng quở trách, xin hối lỗi với trưởng lão".
Ðây là giới Ba-la-đề-đề-xá-ni thứ nhất".
Giải
thích:
A-luyện-nhã: Như trên đã nói.
Trước
không thông tri:
Thông tri có hai cách, nói rõ số lượng và không nói rõ số lượng.
1/ Có
nói số lượng: Bảo phải gởi vào chừng ấy, chừng ấy thứ ẩm thực.
2/
Không nói số lượng: Chỉ nói đơn giản là gởi thức ăn vào mà không liệt kê số
lượng là bao nhiêu. Bên ngoài không nhận được tin bên trong. Người ở ngoài tinh
xá không nhận được tin của người ở trong tinh xá.
Bệnh: Bệnh tả, bệnh lạnh, bệnh phong. Những
người có các chứng bệnh như vậy không thể ra ngoài tinh xá để lấy thức ăn, nên
đức Thế Tôn bảo là (ăn ở trong tinh xá) không có tội.
Tự
tay nhận lấy: Dùng
tay mình nhận đồ từ tay người khác, dùng bát nhận đồ từ bát người khác.
Nhai: Khi ăn bánh, trái cây v.v...
Ăn: Khi ăn năm loại thức ăn chính. Nếu nhai
hoặc ăn thì Tỉ-kheo này phải đến Tỉ-kheo khác sám hối như sau: "Thưa
trưởng lão, tôi phạm phải tội đáng trách, xin hối lỗi với trưởng lão".
Người nhận sám hối nên hỏi:
-
Thầy có thấy tội không?
-
Thưa thấy.
- Cẩn
thận chớ có tái phạm.
- Xin
cúi đầu lãnh nhận.
Ba-la-đề-đề-xá-ni: Tội này phải hướng đến người khác phát
lồ, không được che giấu.
Nếu
vì Tỉ-kheo ấy đưa thức ăn, mình nói với Tỉ-kheo khác mà Tỉ-kheo khác nhận, thì
không có tội.
Nếu
vì Tỉ-kheo ấy đưa thức ăn, mình nói với Tỉ-kheo ấy mà Tỉ-kheo khác nhận, thì
không có tội.
Nếu
vì Tỉ-kheo ấy đưa thức ăn, mình nói với Tỉ-kheo ấy mà Tỉ-kheo ấy nhận thì không
có tội.
Nếu
vì Tỉ-kheo khác đưa thức ăn, mình [397a] nói với Tỉ-kheo khác mà Tỉ-kheo khác
nhận, thì không có tội.
Nếu
người đưa thức ăn trước đó đã cho biết số lượng (của thức ăn) mà Tỉ-kheo nhận
kiểm tra tương ưng với số lượng ấy thì được nhận ngay tại tinh xá. Nếu không
tương ứng thì nên bảo họ mang về. Nếu có thư gởi đến mà đọc thư thấy tương ưng,
thì nên nhận. Nếu không tương ứng thì bảo họ đem về. Nếu bì thư có đóng dấu mà
mở thư xem thấy đầy đủ, thì nhận ; nếu không đầy đủ, thì bảo họ đem về.
Nếu
người đưa thức ăn trước đó không nói rõ số lượng, thì khi thức ăn mang đến, nên
ra ngoài cổng tinh xá để nhận. Nếu bỗng dưng họ mang đến, vào khỏi cổng, thì
không nên nhận. Nếu có tịnh nhân thì nên bảo họ đưa cho tịnh nhân. Nếu không có
tịnh nhân thì nên bảo họ để dưới đất, đợi tịnh nhân đến, rồi sai tịnh nhân đem
thức ăn ấy ra khỏi cổng, bấy giờ Tỉ-kheo mới được nhận.
Nếu
Tỉ-kheo bị bệnh không thể ra ngoài, thì ở trong tinh xá nhận thức ăn, không có
tội.
Nếu
người bà con đem thức ăn đến những nơi du ngoạn như công viên, hồ ao thắng
cảnh, rồi họ lấy thức ăn đưa cho Tỉ kheo, thì Tỉ-kheo tùy ý nhận, không có tội.
Nếu
Tỉ-kheo khi đi đường suy nghĩ: "Ta đến tinh xá mỗ sẽ ăn", mà lại đến
nơi khác ăn, thì phải sám hối. Nhưng nếu đến tinh xá mỗ gặp lúc Tăng ở đây được
mời phó trái, thì mình bỏ đi, không có tội. Thế nên nói (như trên).
2.
GIỚI: NHẬN THỨC ĂN CỦA TỈ-KHEO-NI.
Khi
Phật an trú tại Tì-xá-li, nói rộng như trên. Nhân đây hãy nhắc lại nhân duyên
của Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma cho đến Phật nói với các Tỉ-kheo: "Phước đức bậc
nhất trong hàng Thanh Văn ni của Ta chính là Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma. Lúc ấy nạn
đói hoành hành, khất thực khó khăn, vào giờ khất thực Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma
khoác y, cầm bát vào thành Tì-xá-li tuần tự khất thực. Bỗng cô thấy một Tỉ
kheo, liền hỏi:
- Tôn
giả có được thức ăn không?
Vị
Tỉ-kheo ấy bèn đưa cái bát không cho cô xem. Thấy thế, cô suy nghĩ: "Thầy
là bậc tôn túc của ta mà khất thực không có", đoạn đem thức ăn trong bát
của mình sớt cho Tỉ-kheo ấy. Tỉ-kheo ấy được thức ăn bèn trở về tinh xá gọi các
Tỉ-kheo khác cùng ăn.
Các
Tỉ-kheo liền hỏi:
-
Trưởng lão, ở đâu mà được thức ăn ngon thế này?
Thầy
đáp:
- Tôi
được thức ăn này từ Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma đó.
Các
Tỉ-kheo nghe thế, ai nấy đều đến đó đòi, lần lượt nhau cho đến năm trăm Tỉ-kheo
(?) đều nhận được thức ăn. Lo cho các Tỉ-kheo xong, cô mới tìm thức ăn cho mình
thì mặt trời đã quá ngọ, nên mất bữa ăn, cô đành trở về tinh xá. Sáng sớm hôm
sau, các Tỉ-kheo lại khoác y, cầm bát đến đứng ngoài cửa tinh xá Tỉ-kheo-ni.
Tỉ-kheo-ni thấy vậy liền vào nói với Thi Lợi Ma:
- Các
Tỉ-kheo hôm nay đang đứng chờ ngoài cửa.
Thi
Lợi Ma nghe rồi, liền bảo đệ tử:
- Lấy
y bát ra đây để ta mặc đi khất thực giúp cho các vị tôn túc.
Thế
rồi, cô tuần tự lo cung cấp cho năm trăm người xong [397b] mới lo cho mình, thì
đã quá ngọ, đành nhịn đói trở về. Ðến ngày thứ ba cũng thế, cô lo cung cấp tuần
tự cho năm trăm người, nhưng chỉ còn một người chưa được thức ăn. Thế nên, vị
Tỉ-kheo này bèn đi theo sau Thi Lợi Ma vào một nhà kia. Do cô nhịn đói liên tục
ba ngày nên thân thể hao mòn, ngất xỉu té nằm trên đất. Lúc ấy, các bà thấy vậy
hãi kinh, định đỡ cô dậy, thì cô bảo:
-
Khoan, khoan đã! Ðể tôi nghĩ xem vì sao mà té xuống đất.
Rồi
cô nhớ lại là vì mình đã khất thực giúp cho các bậc tôn túc, còn mình thì không
được ăn cho nên bị hao mòn, ngất xỉu. Ðoạn, cô đứng dậy phủi đất cát, sửa lại y
phục chỉnh tề, suy nghĩ: "Người bố thí có lợi ích vô thượng, nhớ đến việc
bố thí khiến tâm sinh hoan hỉ, vì hoan hỉ nên được tam muội thanh tịnh, dùng
tam muội quán chiếu thấy rõ sự sinh diệt của năm ấm, việc bố thí có công dụng
trang nghiêm tự tâm, điều phục các căn". Nhờ vậy cô nhập được kim cương
định, dứt sạch mọi lậu hoặc (ô nhiễm), chứng được tam minh trong chánh pháp.
Sau khi Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma chứng ngộ, người phụ nữ kia bèn đưa cô vào trong
nhà tắm rửa, rồi trải tòa mời ngồi, đoạn đem thức ăn ra cúng dường. Lúc ấy, vị
Tỉ-kheo kia vẫn còn đứng đợi ngoài cửa. Người phụ nữ ấy sợ thầy lại đòi thức
ăn, bèn đứng án ngữ giữa cửa. Thi Lợi Ma thấy bà đứng chận trước cửa liền sinh
nghi, không hiểu vì sao bà lại đứng chận trước cửa, bèn nghiêng đầu nhìn ra,
thì thấy góc y của Tỉ kheo, liền nói:
- Ðó
là vị tôn sư của tôi, khất thực không được.
Rồi
mời:
- Xin
tôn giả vào lấy thức ăn.
Người
phụ nữ nói:
-
Thưa cô, cô cứ ăn. Con sẽ tìm thức ăn khác cúng dường cho thầy ấy.
Thi
Lợi Ma nói:
- Lúc
này đang bị nạn đói, tìm đâu ra thức ăn nữa.
Ðoạn,
đem thức ăn ra cúng dường.
Người
phụ nữ ấy oán trách:
-
Sa-môn Thích tử không có lòng từ. Vì sao người ta đã nhịn ăn cả ba hôm, đói xỉu
suýt mất mạng, mà còn theo đòi thức ăn?
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỉ-kheo
đến. Khi các thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc kể trên:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau, Ta không cho phép Tỉ-kheo tự tay nhận lấy thức ăn của Tỉ-kheo-ni
không phải bà con tại nhà bạch y.
Lại
nữa, khi Phật an trú tại Tì-xá-li, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả A Lợi
Tra thân thể lở loét bị người ta nhờm gớm, nên không cho thức ăn. Mỗi lần đi
khất thực, nếu thầy chưa vào cửa thì họ đóng cửa không cho vào, nếu đã vào rồi
thì họ đuổi ra, không cho. Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì năm điều lợi
ích nên cứ năm hôm đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần ; thấy thân thể A
Lợi Tra bị lở loét, Phật biết nhưng vẫn hỏi:
- Này
Tỉ kheo, sức khỏe của ông có điều hòa không?
-
Bạch Thế Tôn, con chỉ lo đói khát thôi.
- Này
Tỉ kheo, ông không thể đi khất thực sao?
-
[397c] Bạch Thế Tôn, con có thể đi khất thực, nhưng vì thân thể con bị lở loét,
khiến người ta nhờm gớm, nên cứ mỗi lần đi khất thực, nếu chưa vào cửa thì họ
đóng cửa không cho vào, nếu đã vào cửa thì họ đuổi ra không cho.
- Sao
ông không đến chỗ Tỉ-kheo-ni Thi Lợi Ma xin thức ăn?
- Vì
Thế Tôn chế giới không cho tự tay nhận thức ăn của Tỉ-kheo-ni không phải bà con
tại nhà bạch y ; mà cô ấy không phải bà con nên con không dám đến.
- Từ
nay về sau, Ta cho phép Tỉ-kheo bệnh được đến.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
--
Nếu Tỉ-kheo không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của Tỉ-kheo-ni không phải bà con
tại nhà bạch y, hoặc nhai, hoặc ăn, thì Tỉ-kheo ấy phải đến hối lỗi với Tỉ-kheo
khác như sau: Thưa trưởng lão, tôi phạm phải tội đáng trách, xin hối lỗi với
trưởng lão". Ðây gọi là Ba la đề đề xá ni".
Giải
thích:
Không
phải bà con: không
phải cha mình, không phải mẹ mình.
Bệnh: Ðức Thế Tôn bảo là không có tội. Nhưng
không phải là nói về những bệnh chút chút mà là nói về những bệnh như ghẻ chốc,
lở loét, ung thư khiến cho người ta nhờm gớm. Ðó gọi là bệnh.
Tại
nhà bạch y: Tại nhà
của người thế tục.
Tỉ-kheo-ni: Thọ Cụ túc giới giữa hai bộ Tăng.
Tự
tay nhận lấy: Hoặc
tay này nhận từ tay khác, hoặc bát này nhận từ bát khác.
Nhai: Như ăn các loại bánh, trái cây v.v...
Thức
ăn: Năm thức ăn
chính. (Nếu đã nhận thức ăn thì) Tỉ-kheo này phải đến hối lỗi với Tỉ-kheo khác
rằng: "Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng trách, xin hối lỗi với trưởng
lão". Tỉ-kheo nhận sám hối nên hỏi:
-
Thầy có thấy tội không?
- Dạ
thấy.
- Cẩn
thận chớ tái phạm.
- Xin
cuối đầu lãnh thọ.
Ba-la-đề-đề-xá-ni: Như trên đã nói.
Nếu
Tỉ-kheo không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của Tỉ-kheo-ni không phải bà con tại
nhà người thế tục, thì khi nhận phạm tội Việt-tì-ni, khi ăn phạm pháp hối quá.
Người
không phải bà con, mình tưởng là không phải bà con mà nhận thức ăn thì phạm tội
hối quá.
Người
không phải bà con, mình nghi ngại mà nhận thức ăn thì phạm tội hối quá.
Người
không phải bà con mà mình tưởng là người bà con rồi nhận thức ăn thì phạm tội
Việt-tì-ni.
Người
bà con mà mình tưởng là không phải bà con, rồi nhận thức ăn, thì phạm tội
Việt-tì-ni.
Người
bà con mà mình nghi, rồi nhận thức ăn thì phạm tội Việt-tì-ni.
Người
bà con mình tưởng là người bà con (rồi nhận thức ăn) thì không có tội.
Vì người
khác mà nhận thì phạm tội Việt-tì-ni. Nhưng nếu vì người bệnh mà nhận thì không
có tội. Hoặc ăn thức ăn còn lại của người bệnh cũng không có tội.
Khi
Thức xoa ma ni, Sa di ni đem thức ăn đến thì hãy bảo họ để xuống đất, rồi mình
nhận lại từ tay người khác thì không có tội.
Nếu
Tỉ-kheo-ni tự tay mang thức ăn đến để xuống đất rồi thưa: "Xin tôn giả
nhận gấp cho con", [398a] khi ấy mình nhận thì không có tội. Hoặc nhận
thức ăn tại chỗ ở của Tỉ-kheo-ni cũng không có tội. Thế nên nói (như trên).
3.
GIỚI: ĂN THỨC ĂN DO NI VẬN ÐỘNG.
Khi
Phật ở tinh xá Ca Lan Ðà Trúc Viên tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy
giờ, một gia đình quen biết của Tỉ-kheo-ni Thâu Lan Nan-đà mời chư tăng thọ
trai. Thâu Lan Nan-đà đứng trước nhóm sáu Tỉ-kheo chỉ bảo, nói với đàn việt: -
Ðưa cơm cho Tỉ-kheo này, đưa canh cho Tỉ-kheo kia, đưa thịt cá cho Tỉ-kheo nọ.
Ðàn
việt vâng lệnh dọn thức ăn đầy đủ cho nhóm sáu Tỉ kheo. Các Tỉ-kheo bèn chê
trách:
- Vì
sao nhóm sáu Tỉ-kheo để cho Tỉ-kheo-ni bảo đàn việt dọn nhiều thức ăn cho mình
mà không quở trách?
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật bèn hỏi lại sự việc trên:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì
sao các ông để cho Tỉ-kheo-ni bảo dọn thức ăn nhiều cho mình một cách thiên vị
mà không quở trách?
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Vương Xá phải tập họp lại
tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải
nghe lại:
--
Nếu nhà bạch y mời chư Tăng thọ trai, mà Tỉ-kheo-ni đứng trước Tỉ kheo, chỉ bảo
đàn việt: "Ðưa cơm cho vị này, đưa canh cá thịt cho vị kia", thì các
Tỉ-kheo nên nói với Tỉ-kheo-ni ấy: "Này chị em, hãy để yên đấy, đợi các
Tỉ-kheo ăn xong đã".
Nếu
như không có một người nào trong số các Tỉ-kheo nói với Tỉ-kheo-ni rằng:
"Này chị em, hãy để yên đấy, đợi các Tỉ-kheo ăn xong đã", thì các
Tỉ-kheo phải hướng đến Tỉ-kheo khác sám hối như sau: "Thưa trưởng lão, tôi
phạm tội đáng trách". Pháp sám hối này được gọi là Ba la đề đề xá ni.
Giải
thích:
Nhà
bạch y: Nhà người
thế tục.
Mời: Hoặc mời ngày nay, hoặc ngày mai.
Thức
ăn: Năm thức ăn
chính và năm thức ăn phụ.
Tỉ-kheo-ni: Người đã thọ giới Cụ túc giữa hai bộ
Tăng (Ni).
Ðưa: Như nói: "Sớt thêm cơm cho vị này,
múc thêm canh cho vị kia, đem cá thịt cho vị nọ".
Nên
nói với Tỉ-kheo-ni:
Qua sự thấy nghe hay biết, nên bảo rằng: "Này chị em, hãy để yên đấy, đợi
các Tỉ-kheo ăn xong đã".
Nếu
người ấy dừng lại thì tốt, nếu không dừng lại, thì nhắc nhở đến lần thứ hai,
thứ ba. Nếu không nói mà cứ nhận thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu
ăn thì phạm pháp Hối quá. Tỉ-kheo này phải hướng đến Tỉ-kheo khác tạ lỗi như
sau: "Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng trách". Pháp Hối quá này
người nhận sám hối nên hỏi:
-
Thầy có thấy tội ấy không?
- Dạ
thấy.
- Hãy
cẩn thận chớ tái phạm.
- Xin
cúi đầu lãnh thọ.
Ba-la-đề-đề-xá-ni: Như trên đã nói.
Nếu
chưa quở trách đủ ba lần mà ăn thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu đủ ba lần mà người ấy
không đình chỉ, thì ăn không có tội. [398b] Một người quở trách rồi, tất cả đều
ăn không có tội. Hoặc không thấy, không nghe thì ăn không có tội. Hoặc Ni tự
làm đàn việt thì không có tội. Nếu đàn việt chưa mời Tăng lần nào nên không
biết cách thức, thì khi ấy, Tỉ-kheo-ni có thể chỉ bảo họ tôn trí hình tượng,
dọn các thức ăn, rồi mới ngồi. Nếu không mời, không phải năm thức ăn chính, thì
chỉ bảo không có tội. Thế nên nói (như trên).
4.
GIỚI: NHẬN THỨC ĂN CỦA NHÀ HỌC GIA.
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Ở đây xin nói rộng về nhân
duyên của đại thần Tì Xà, cho đến chỗ Tiên Di Ni Sát Lợi, rồi Phật nói với các
Tỉ-kheo: "Ðại thần Tì Xà bố thí thái quá khiến cho tiền tài khánh tận,
Tăng nên làm yết ma học gia cho ông." Pháp yết ma này nên nói:
"Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Ðại thần Tì Xà bố thí thái quá khiến cho tiền tài khánh
tận, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hãy làm yết ma học gia cho đại
thần Tì Xà. Ðây là lời tác bạch.
Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Ðại thần Tì Xà bố thí thái quá khiến cho tiền tài khánh
tận. Tăng nay làm yết ma học gia cho đại thần Tì Xà. Các đại đức nào bằng lòng
làm yết ma học gia cho đại thần Tì Xà thì im lặng ; ai không bằng lòng hãy nói.
Ðây là lần yết ma thứ nhất (lần thứ hai, thứ ba cũng như vậy).
Tăng
đã làm yết ma học gia cho đại thần Tì Xà xong, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận
việc này như vậy."
Ðại
thần Tì Xà sau khi từ chỗ tiên Di Ni Sát Lợi trở về, mệt lả, thân thể đầy bụi
bặm, liền hỏi người nhà: "Các A-xà-lê có thường đến không?". Người
nhà đáp: "Có đến, nhưng khi bố thí vật gì thì tất cả đều không nhận".
Tì Xà nghe vậy, lòng không vui, cũng không kịp tắm rửa gì, tức tốc đi đến chỗ
Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, bạch với Phật:
-
Bạch Thế Tôn, vì sao các Tỉ-kheo không nhận vật cúng dường của nhà con?
- Vì
ông bố thí thái quá đến nỗi tiền tài khánh tận, Như Lai muốn lợi ích cho ông
nên đã làm yết ma học gia đối với ông. Vì lý do đó mà các Tỉ-kheo không nhận
phẩm vật bố thí của ông.
-
Bạch Thế Tôn, ngày nay gia đình con giàu có gấp ba lần trước kia, kính xin Thế
Tôn từ nay về sau cho phép các Tỉ-kheo nhận phẩm vật bố thí của gia đình con.
- Hôm
nay là ngày rằm, vậy ông hãy trở về nhà, tắm rửa thân thể, mặc y phục mới mẻ
sạch sẽ, rồi cùng với thân quyến đi đến xin chúng Tăng tùy hỉ nguyện vọng của
ông.
Sau
khi Tì Xà vâng theo lời dạy trở về, thì Phật bèn nói với các Tỉ-kheo:
"Trước đây Tì Xà vì bố thí thái quá, muốn cho ông được lợi ích, Tăng đã
làm yết ma học gia đối với ông. Nay Tì Xà tự đến nói rằng gia sản đã giàu có
hơn xưa [398c] gấp ba lần, nên muốn xin Tăng xả pháp yết ma học gia, vậy Tăng
nên xả cho ông".
Tì Xà
trở về nhà, tắm rửa thân thể, thay y phục mới, rồi cùng với quyến thuộc, đi đến
chỗ Tăng, trình bày đầy đủ việc kể trên. Lúc này, Tăng muốn giải yết ma học gia
phải làm yết ma cầu thính, nói như sau:
"Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Ðại thần Tì Xà bố thí thái quá đến nỗi tiền tài khánh
tận, Tăng muốn cho ông lợi ích đã làm yết ma học gia đối với ông. Nhưng nay sản
nghiệp đã sung túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, mong Tăng hãy cho
phép đại thần Tì Xà vào trước Tăng xin xả pháp yết ma học gia.
Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Ðại thần Tì Xà xin xả pháp yết ma học gia, Tăng đã bằng
lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy".
Lúc
ấy, đại thần Tì Xà phải vào trước chúng Tăng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, quỳ
gối, chắp tay, bạch như sau:
"Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Con là Tì Xà, trước giàu sau nghèo, Tăng thương tình
cho con pháp yết ma học gia. Nay gia nghiệp của con đã giàu có hơn xưa gấp ba
lần, nên con đến xin Tăng xả pháp yết ma học gia, kính mong Tăng xả pháp yết ma
học gia cho con". (Xin ba lần như vậy).
Bấy
giờ phải dẫn ông Tì Xà ra đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe, rồi người làm
yết ma bạch:
"Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Vị đại thần Tì Xà này do bố thí thái quá đến nỗi tiền
tài khánh tận, Tăng muốn cho ông được lợi ích nên đã làm pháp yết ma học gia
cho ông. Nay ông tự đến nói rằng gia sản giờ đây đã sung túc hơn xưa gấp ba
lần, nên xin Tăng xả pháp yết ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng,
Tăng nay hãy xả pháp yết ma học gia cho ông Tì Xà. Ðây là lời tác bạch.
Xin
đại đức Tăng lắng nghe. Ðại thần Tì Xà bố thí thái quá đến nỗi tiền tài khánh
tận. Vì muốn cho ông được lợi ích, Tăng đã làm yết ma học gia đối với ông. Nay
Tì Xà tự nói rằng gia sản đã sung túc gấp ba lần trước kia, nên đã xin Tăng xả
pháp yết ma học gia. Nay Tăng xả pháp yết ma học gia cho ông Tì Xà. Ðại đức nào
bằng lòng việc Tăng xả pháp yết ma học gia cho ông Tì Xà thì im lặng, ai không
bằng lòng hãy nói. Ðây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như
thế).
Tăng
đã xả pháp yết ma học gia cho ông Tì Xà xong, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận
việc này là như vậy".
Vấn
đề xả pháp yết ma học gia này phải có sự hiện diện của Tăng chúng chứ không
phải bằng sự hiện diện của đồ chúng. (Nghĩa là chỉ có thầy trò với nhau).
Thế
rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp
lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng
phải nghe lại:
--
Nếu Tỉ-kheo chưa được mời trước mà đến những gia đình Tăng đã làm pháp yết ma
học gia tự tay nhận thức ăn, [399a] hoặc nhai, hoặc ăn, thì Tỉ-kheo ấy phải đến
Tỉ-kheo khác tạ lỗi rằng: Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng trách". Pháp
hối quá này là pháp Ba la đề đề xá ni".
Giải
thích:
Học
gia: Gia đình mà cả
hai vợ chồng mỗi người đều đã chứng được một trong ba quả: Tu-đà-hoàn,
Tư-đà-hàm hoặc A-na-hàm.
Gia
đình: Gia đình của
bốn chủng tộc: Gia đình Sát lợi, Bà la môn, Tì Xà và Thủ đà la.
Tỉ-kheo
chưa được mời trước:
Trước đó chưa được thí chủ mời mà mình tưởng họ mời, hoặc mời người khác mà
tưởng họ mời mình, rồi mình đến nhà, vườn hay ruộng đồng của họ.
Tự
tay nhận lấy: Từ tay
đưa qua tay hay từ bát đưa qua bát để nhận.
Nhai: ăn các loại bánh, trái v.v...
Thức
ăn: Năm loại thức ăn
chính. Nếu Tỉ-kheo nhận năm loại thức ăn chính thì phải đến Tỉ-kheo khác sám
hối như sau: "Thưa trưởng lão, tôi phạm tội đáng quở trách, xin hối lỗi
với trưởng lão". Người nhận sám hối nên hỏi:
-
Thầy có tự thấy tội không?
- Dạ
thấy.
- Chớ
có tái phạm.
- Xin
cúi đầu lãnh nhận.
Ba-la-đề-đề-xá-ni: Như trên đã nói.
Nếu
gia đình nào Tăng đã làm yết ma học gia thì không được tuyệt nhiên không đến
nữa như chim quạ tránh tên, mà thỉnh thoảng nên đến thăm, thuyết pháp bàn luận
nghĩa lý. Nếu gia đình ấy bố thí thì hãy bảo họ hãy để đấy, tôi sẽ biết đúng
lúc. Nếu trước đó họ đã mời Tăng rồi mới làm yết ma sau, thì không được nhận
những vật có giá trị lớn mà nên nhận những vật có giá trị tầm thường. Nếu gia
đình ấy hỏi: "Vì sao tôn giả không nhận
vật bố thí này? Thầy cho rằng tôi nghèo sao?", thì khi ấy nên đáp:
"Ông (bà) không nghèo, như đức Thế Tôn đã dạy, người đắc quả Tu đà hoàn
thành tựu bốn pháp, là kẻ giàu nhất trong hàng Thanh Văn. Bốn pháp đó là:
1/ Có
niềm tin kiên cố đối với đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Sa-môn, Bà la
môn, Chư Thiên, người đời không thể phá vỡ được.
2/ Có
niềm tin kiên cố đối với chánh pháp.
3/ Có
niềm tin kiên cố đối với chúng Tăng.
4/ Có
niềm tin kiên cố đối với thánh giới, Sa-môn, Bà la môn, chư Thiên, người đời
không thể phá vỡ được niềm tin ấy.
Những
ai thành tựu bốn pháp này là người không nghèo mà là giàu có bậc nhất trong
hàng Thanh Văn của đức Như Lai".
Nếu
mình đến tinh xá nào đó [399b] gặp lúc cúng dường trai phạn và nước uống phi
thời cho Tăng chúng, thì không được bỏ đi mà nên giúp họ trải giường nệm, bày
vật cúng dường, rồi cùng thọ trai. Trai phạn xong, nên thuyết pháp cho họ nghe.
Thế nên nói:
"Ở
nơi A lan nhã,
Không bệnh nhận Ni cúng.
Tỉ-kheo-ni bảo dọn
Yết ma định học gia,
Hết bốn pháp hối quá".
NÓI RÕ PHẦN ÐẦU
CỦA PHÁP CHÚNG HỌC:
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ-kheo mặc
nội y hoặc thấp, hoặc cao, so le, bách điệp, như hoa Thạch lựu, như nắm cơm
vắt, như đuôi cá, như lá cây đa la, như vòi voi v.v...
Thấp:
Chấm gót chân.
Cao: Ngang đầu gối.
So le: Không tề chỉnh.
Bách điệp: Gấp lại nhiều lớp.
Hoa Thạch lựu: dồn về một bên.
Nắm cơm vắt: Túm trên đầu như nắm cơm vắt.
Ðuôi cá: Thòng xuống hai góc giống như đuôi cá.
Lá cây đa la: Lồi lên như lá cây đa la.
Vòi voi: Một góc thòng xuống.
Họ
mặc nội y lôi thôi như thế nên bị người đời chế nhạo:
- Xem
Sa-môn Thích tử mặc áo quần giống như Vương tử, đại thần, kẻ ăn chơi, hoặc cao,
thấp, so le cho đến giống như vòi voi. Ðó là những kẻ bại hoại, có đạo nào như
thế?
Các
Tỉ-kheo nghe vậy, liền đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi nhóm
sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì sao
các ông mặc nội y cao thấp, cho đến giống như vòi voi, khiến cho người đời chê
bai? Từ nay về sau Ta không cho phép mặc nội y như vậy.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, rồi Ngài mặc nội y ở trước chúng Tăng. Mặc xong, Phật bảo các Tỉ-kheo:
- Các
ông nên mặc nội y như thế này, như cách mặc nội y của trời Tịnh Cư, gấp bên
phải xếp về bên trái.
Thế
rồi, vì mười lợi ích mà Phật chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải
nghe lại:
1.
"Cần phải học: mặc nội y tề chỉnh".
Khi
mặc nội y phải mặc chỉnh tề, không được cuộn tròn như quấn vào trục, không được
làm như dâm nữ bán nhan sắc nhìn bên trái bên phải xem có đẹp hay không đẹp,
chỉ cần xem mặc có tề chỉnh đúng pháp hay không. Nếu buông lung các căn [399c]
không chú ý mặc tề chỉnh tức là coi thường pháp cần phải học. Nếu bị cuồng si
tâm loạn thì không có tội. Thế nên nói: -- "Cần phải học: mặc nội y tề
chỉnh".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ-kheo đắp y
khi thì thấp, lúc thì cao, hoặc giống như Bà la thiên, Bà tẩu thiên.
Ðắp y
thấp: xuống tới gót chân.
Ðắp y cao: Ngang đầu gối.
Ðắp y như Bà la thiên: Y lòi trên đầu, dưới hai nách lòi ra. Ðó gọi là đắp y
như Bà la thiên.
Ðắp y như Bà tẩu thiên: Y lồi trên lưng, từ dưới hai nách choàng lên hai vai.
Ðó gọi là đắp y như Bà tẩu thiên.
Họ
đắp y lôi thôi như thế nên bị người đời chế nhạo:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử đắp y khi cao khi thấp giống như nhà vua, đại thần, kẻ hào
phú! Ðó là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo nghe thế, bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi
nhóm sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau Ta không cho phép đắp y cao, thấp, cho đến giống như cách đắp y của
Bà tẩu thiên, mà phải đắp y tề chỉnh.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
2.
"Cần phải học: đắp y tề chỉnh".
Khi
đắp y phải đắp tề chỉnh, không được cuộn tròn giống như cuốn vào trục, mà phải
khắp trên vai trái, hai góc y phải bằng nhau. Khi đắp không được để cho góc y
trong tay lồi ra giống như tai dê ; không được làm như dâm nữ bán nhan sắc,
nhìn qua bên phải bên trái xem có đẹp hay không đẹp ; chỉ cần xem cho đúng
pháp, tề chỉnh, không cao không thấp là được. Khi y bị dính đất thì có thể dùng
tay dở lên, phủi đi. Nếu buông lung các căn đắp y không đúng pháp tức là coi
thường pháp cần phải học. Nếu bị cuồng si tâm loạn thì không có tội. Thế nên
nói: --"Cần phải học: đắp y tề chỉnh".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà mặc
áo trong thưa mỏng để lộ thân hình ; đồng thời nhóm sáu Tỉ-kheo cũng mặc y dơ
bẩn rách rưới để lộ cả hông, ức, lưng, cùi chỏ, rồi họ cùng nhau đi vào nhà đàn
việt, nên bị người đời châm biếm:
- Các
vị hãy xem kìa! Sa-môn Thích tử mà giống như vua, đại thần, mặc áo trong thưa
mỏng để lộ cả thân hình.
Còn
thấy mặc y rách rưới thì họ nói với nhau:
- Các
vị hãy xem kìa! Sa-môn Thích tử mặc y phục để lộ cả thân thể giống như những kẻ
tôi tớ, như người hạ tiện làm thuê đi vào nhà chúng ta. Ðó là những kẻ bại
hoại, có đạo nào như thế!
Các
Tỉ-kheo nghe họ nói, bèn đem [400a] sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền
bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau phải che thân kín đáo khi vào trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
3.
"Cần phải học: che kín thân thể khi vào trong nhà bạch y".
Nếu
may y An đà hội thì phải dùng vải dày để may. Nếu vải thưa thì phải may hai, ba
lớp. Nếu y An đà hội thưa thì y Uất đa la tăng phải may bằng vải dày. Nếu y Uất
đa la tăng thưa thì y Tăng già lê phải may bằng vải dày. Nếu buông lung các căn
không che thân thể kín đáo khi vào nhà bạch y tức là coi thường pháp cần phải
học. Nhưng nếu cuồng loạn điên khùng, thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: Che thân thể kín đáo khi vào trong nhà bạch y."
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo đi vào
nhà bạch y, họ ngó voi, ngựa, lạc đà, chim chóc, hoặc xem kỹ nữ ca múa, nên bị
người đời chê cười:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà nhìn ngó bên Ðông bên Tây giống như kẻ gián điệp?
Có
người cắc cớ hỏi:
- Tôn
giả mất vật gì mà nhìn ngó hai bên giống như đang tìm kiếm vậy? Người xuất gia
khi vào nhà ai thì phải ngó thẳng mà đi chứ! Ðó là những kẻ bại hoại, có đạo
nào như thế!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau phải ngó thẳng phía trước mà đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
4.
"Cần phải học: ngó thẳng phía trước mà đi vào nhà bạch y".
Ngó
thẳng: Khi đi không được cúi đầu xuống mà đi giống như ngựa, mà phải nhìn thẳng
đàng trước đề phòng voi, ngựa, bò dữ, phải đi giống như người khiêng kiệu,
không được nhìn ngó bên Ðông bên Tây. Khi muốn nhìn về phía nào, phải xoay cả
người về phía ấy mà nhìn. Nếu buông lung các căn, không ngó thẳng phía trước
khi vào nhà đàn việt tức là coi thường pháp cần phải học. Nhưng nếu như bị tâm
loạn điên cuồng thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: Ngó
thẳng phía trước mà đi vào nhà bạch y."
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo lớn
tiếng gọi nhau khi vào nhà bạch y, nên bị người ta chê cười nói:
- Tôn
giả giống như khách buôn bị mất bạn, như kẻ mục đồng lớn tiếng gọi nhau. Ông là
người xuất gia, khi vào nhà ai nên nói khẽ chứ.
Rồi
họ tiếp:
- Ðó
là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
[400b]
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau nên nói khẽ khi vào nhà người khác.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
5.
"Cần phải học: Nói khẽ khi vào nhà bạch y".
Không
được lớn tiếng gọi nhau khi đi vào nhà bạch y. Nếu muốn gọi nhau thì nên khảy
ngón tay. Nếu người trước không nghe thì nên nhờ người ngồi bên cạnh nói giùm.
Nếu buông lung các căn không học nói khẽ khi vào nhà bạch y, tức là coi thường
pháp cần phải học. Nhưng nếu tâm trí cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: nói khẽ khi vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo cười
nói đùa giỡn đi vào nhà bạch y, nên bị người đời cười chê:
- Vì sao
Sa-môn Thích tử mà giống như Vương tử đại thần, kẻ phóng dật dâm loạn, cùng
nhau cười nói đùa giỡn đi vào nhà bạch y.
Rồi
có người hỏi:
- Tôn
giả vì sao dơ cả lợi ra, muốn bán răng hả? Ở trong đó cũng không có kỹ nữ mà vì
sao lại cười? Ðây là những kẻ bại hoại chứ nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc ấy thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì
sao các ông sống trong giới luật của bậc Thánh mà lại cười nói đùa giỡn để hở
cả lợi? Từ nay về sau không được cười đùa khi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
6.
"Cần phải học: không được cười đùa khi vào nhà bạch y".
Không
được cười: Nếu có việc đáng cười thì không được cười ha hả để hở cả răng lợi,
mà phải kìm chế, phải quán tưởng về lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã, tư duy về
cái chết. Nếu không thể ngừng được thì phải cắn lưỡi lại. Nếu cũng không thể
ngừng được, thì nên dùng chéo y bịt miệng lại ức chế từ từ. Nếu phóng túng các
căn, cười lớn khi vào nhà bạch y tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ
tâm trí bị điên loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học:
không được cười đùa khi vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo trùm
đầu đi vào nhà bạch y, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử đi vào nhà bạch y mà phóng túng như bọn dâm nữ, như kẻ gián
điệp của giặc, như cô vợ mới cưới, như kẻ lấy mật?
[400c]
Rồi họ hỏi:
- Tôn
giả bị bệnh đau mắt sao? Sợ nắng cháy đầu sao? Vì sao lại trùm đầu? Ðây là
những kẻ bại hoại, có đạo nào như thế?
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được trùm đầu đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
7.
"Cần phải học: không được trùm đầu đi vào nhà bạch y".
Trùm
đầu: Trùm kín cả đầu và hai tai.
Không
được trùm đầu đi vào nhà bạch y. Nếu vì trời mưa tuyết quá lạnh, sợ bị đau đầu,
thì được trùm nửa đầu và một tai. Nếu phóng túng các căn trùm đầu đi vào nhà
bạch y, tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn
thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: không được trùm đầu đi
vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo vắt
trái y vào nhà bạch y, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử đi vào nhà bạch y mà vắt trái y để hở cả cùi chỏ, xương
sườn, giống như Vương tử, đại thần, như bọn dâm nữ bán nhan sắc?
Rồi
họ hỏi:
- Tôn
giả muốn đến đó đánh lộn sao? Vì sao lại vắt trái y để hở cả xương sườn? Ðây là
hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các Tỉ-kheo
bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo
đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được vắt trái y đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
8.
"Cần phải học: không được vắt trái y đi vào nhà bạch y".
Lật
trái: Hai bên lật trái vắt trên vai.
Không
được vắt trái y đi vào nhà bạch y. Nếu khi mưa gió thì được vắt lên một bên.
Nếu để trần vai bên phải thì được vắt qua bên trái. Nếu cả hai vai đều phủ kín
thì được vắt qua bên phải, nhưng không được để lộ cùi chỏ. Khi đi khất thực,
nếu sợ nhớp y, có thể vắt trái y lên vai mà không để lòi cùi chỏ, thì không có
tội. Nếu buông lung các căn, vắt trái y đi vào nhà bạch y tức là coi thường
pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên
nói: --"Cần phải học: không được vắt trái y đi vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo đi
nhón gót vào nhà bạch y, [401a] bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà đi giống như dâm nữ, kẻ trộm, rắn bò. Ðó là hạng người
bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo nghe thế, bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm
sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được đi nhón gót vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
9.
"Cần phải học: không được đi nhón gót vào nhà bạch y".
Khi
vào trong nhà nếu chân dính đất thì không được đặt các ngón chân xuống trước
rồi gót chân xuống sau, mà phải đặt gót chân xuống trước rồi các ngón chân
xuống sau. Nếu lòng bàn chân có mụt thì nên đi nghiêng bàn chân, và dùng vật gì
đắp mụt rồi buộc lại, đoạn đặt gót chân xuống trước rồi ngón chân xuống sau.
Nếu buông lung các căn, không học cách đi bàn chân bằng phẳng tức là coi thường
pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị điên loạn thì không có tội. Thế nên
nói: --"Cần phải học: không được đi nhón gót vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo chống
nạnh đi vào nhà bạch y, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn, Thích tử mà chống nạnh đi vào nhà bạch y giống như Vương tử, đại
thần, lực sĩ. Ðó là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
Ðây
là việc ác, từ nay về sau không được chống nạnh đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
10.
"Cần phải học: không được chống nạnh đi vào nhà bạch y".
Chống
nạnh: Hai tay ôm vào hai bên hông.
Không
được chống nạnh đi vào nhà bạch y. Nếu bị đau sống lưng, bị bệnh phong nhọt thì
được chống nạnh, không có tội. Hoặc bị ung thư, ghẻ lở phải dùng thuốc đắp, rồi
sợ dơ y nên chống nạnh thì không có tội. Nếu buông lung các căn chống nạnh đi
vào nhà bạch y tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ cuồng si tâm loạn
thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: không được chống nạnh
đi vào nhà bạch y"
Kệ
tóm tắt:
"Khoác
y nội, y ngoài,
Trùm kín, mắt nhìn thẳng,
Nói khẽ, không được cười.
Trùm đầu và lật y
[401b]Nhón gót và chống nạnh,
Hết phần đầu Bạt cừ".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo đi ẻo
lả vào nhà bạch y, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà đi ẻo lả vào nhà bạch y giống như Vương tử, đại thần,
dâm nữ. Ðây là những kẻ bại hoại, có đạo nào như thế!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được đi lắc lư vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
11.
"Cần phải học: không được đi ẻo lả vào nhà bạch y".
Nếu
thân già bệnh gặp trời mưa gió tuyết lạnh thì đi ẻo lả không có tội. Nhưng nếu
buông lung các căn đi ẻo lả vào nhà bạch y tức là coi thường pháp cần phải học.
Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: không được đi eỏ lả vào nhà bạch y."
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo đầu
lắc lư đi vào nhà bạch y, bị người đời chê cười:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử đi vào nhà bạch y mà lắc lư cái đầu giống như kẻ dâm loàn,
như chuột, chó sói. Ðó là những kẻ bại hoại, chứ nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được lắc lư cái đầu đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
12.
"Cần phải học: không được lắc lư cái đầu đi vào nhà bạch y".
Nếu
vì già yếu đau ốm, hoặc bị nhức đầu, hay trời mưa gió lạnh lẽo thì lắc lư cái
đầu không có tội. Nhưng nếu buông lung các căn, lắc lư cái đầu đi vào nhà bạch
y, tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì
không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: không được lắc lư cái đầu
đi vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo vẫy
tay đi vào nhà bạch y, đụng nhằm mặt đàn việt, khiến bình đựng dầu sữa trong
tay họ bị vỡ bể, nên bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà vẫy tay đi vào nhà bạch y giống như những kẻ lực sĩ hung
bạo! Ðó là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem [401c] sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm
sáu Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có thật
như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được vẫy tay đi vào nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
13.
"Cần phải học: không được vẫy tay đi vào nhà bạch y".
Nếu
người ấy trước kia vốn là Vương tử, đại thần, tập khí chưa trừ được, thì nên
dạy rằng:
- Nay
Thầy đã xuất gia, phải bỏ tập quán cũ mà theo phép tắc của Tỉ kheo. Nếu muốn
gọi ai thì không được đưa cả hai tay lên vẫy, mà chỉ cần đưa một tay lên vẫy mà
thôi. Nếu buông lung các căn, vẫy tay đi vào nhà bạch y, tức là coi thường pháp
cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: không được vẫy tay đi vào nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo mặc y
dơ bẩn rách rưới để lộ cả cùi chỏ, hông ngực, riêng Nan-đà Ưu-ba-nan-đà thì mặc
y thưa mỏng để lộ cả thân thể, cùng ngồi trong nhà bạch y, khiến cho người đời
chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà giống như Vương tử, đại thần, kẻ quí nhân, mặc y phục
thưa mỏng?
Khi
Thầy mặc y xấu xí thì họ lại chê:
-
Giống như những kẻ tôi tớ, người hạ tiện làm thuê, mặc y phục dơ bẩn rách rưới,
để lộ cả cùi chỏ, hông ngực, ngồi trong nhà bạch y. Sa-môn Thích tử lẽ ra phải
che kín thân khi ngồi trong nhà. Ðó là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau phải che kín thân khi ngồi trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
14.
"Cần phải học: che kín thân khi ngồi trong nhà bạch y".
Che
kín thân: Nên dùng vải dày làm nội y ; nếu may bằng vải thưa thì phải may hai,
ba lớp. Nếu nội y thưa thì y Uất đa la tăng phải may bằng vải dày. Nếu y Uất đa
la tăng thưa thì y Tăng già lê phải may bằng vải dày. Nếu y Tăng già lê thưa
thì y Uất đa la tăng phải may bằng vải dày. Khi ngồi không được ngồi trên y,
phải dùng một tay vén y, một tay vin tọa cụ, rồi ngồi một cách nhẹ nhàng. Nếu
ngồi thọ trai ở trong tinh xá trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng
lão, [402a] thì phải che thân kín đáo. Nếu buông lung các căn không che thân
kín đáo khi ngồi trong nhà, tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm
trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: che
thân kín đáo khi ngồi trong nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo vào
trong nhà bạch y, ngồi ngó các phụ nữ và trẻ em đang đi ra đi vào, lên gác
xuống gác, nên bị người đời chê bai:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà giống như kẻ dâm loàn, như quân trộm cắp, ngồi trong nhà
người ta nhìn ngó các phụ nữ?
Rồi
họ hỏi:
- Tôn
giả mất vật gì mà nhìn ngó Ðông Tây như vậy? Ðây là những kẻ bại hoại, nào có
đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau khi ngồi trong nhà bạch y phải ngó thẳng đàng trước.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
15.
"Cần phải học: ngó thẳng đàng trước khi ngồi trong nhà bạch y".
Nhìn
thẳng phía trước khi ngồi trong nhà nghĩa là không được làm như ngựa ngẩng cổ
lên hay cúi đầu xuống nhìn mà phải nhìn thẳng, để coi chừng đàn việt có bưng
những vật nóng như nước sôi đến, khỏi va nhằm vào tay họ. Khi ngồi ăn tại tinh
xá hay lúc ở trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão thì không được
nhìn ngó bên phải bên trái, mà phải ngồi nhìn thẳng phía trước. Nếu buông lung
các căn không nhìn đoan chính khi ngồi, tức là coi thường pháp cần phải học.
Ngoại trừ tâm trí cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải
học: nhìn ngó đoan chính khi ngồi trong nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo vào
ngồi trong nhà bạch y lớn tiếng gọi nhau nói năng ầm ĩ, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà lớn tiếng gọi nhau giống như người đi buôn bị mất bạn,
như kẻ mục đồng gọi nhau?
Rồi
họ vặn hỏi:
- Tôn
giả, vì cớ gì mà gọi lớn như thế? Người xuất gia lẽ ra phải nói năng nhỏ nhẹ,
chứ vì sao lại gọi nhau ầm ĩ? Ðó là những kẻ bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau phải nói năng nhỏ nhẹ khi ngồi trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, [402b] dù ai nghe rồi cũng
phải nghe lại:
16.
"Cần phải học: nói nhỏ nhẹ khi ngồi trong nhà bạch y".
Khi
ngồi trong nhà không được gọi nhau ầm ĩ. Nếu muốn gọi ai thì nên gảy móng tay,
nếu người ấy không nghe thì nên nhờ người ngồi gần bên nói giúp. Khi thọ trai
tại tinh xá hay ngồi trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão thì
không được lớn tiếng gọi nhau. Khi muốn nói chuyện với ai thì nên nói với người
ngồi gần rồi chuyển dần đến người thứ hai, thứ ba v.v... khiến cho người ấy
biết. Nếu buông lung các căn lớn tiếng gọi nhau khi ngồi trong nhà tức là coi
thường pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế
nên nói: --"Cần phải học: nói nhỏ nhẹ khi ngồi trong trong nhà bạch
y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo ngồi
trong nhà bạch y cười giỡn với nhau ầm ĩ, bị người đời chê trách:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử khi ngồi trong nhà bạch y mà cười giỡn tự do như Vương tử,
đại thần, bọn dâm nữ?
Rồi
họ hỏi:
- Tôn
giả, ở trong đây có việc gì đáng cười không?
Vì sao để bày cả lợi ra, muốn bán răng hả? Ðây là những kẻ bại hoại, chứ
nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Các
ông là những người xuất gia, vì sao sống trong giới luật của hiền Thánh mà lại
cười lớn để hở cả lợi ra? Từ nay về sau không được cười khi ngồi trong nhà bạch
y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
17.
"Cần phải học: không được cười khi ngồi trong nhà bạch y".
Khi
ngồi trong nhà bạch y không được cười. Khi Thọ trai tại tinh xá hay đang ngồi
trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão cũng không được cười. Nếu có
chuyện đáng cười cũng không được cười lớn để hở cả răng lợi ra ngoài. Nên quán
tưởng về sự vô thường, khổ, không, vô ngã, tư duy về sự chết, hoặc phải cắn
lưỡi lại. Nếu không ngừng được cũng không nên cười lớn để hở cả lợi, mà phải
lấy chéo y che miệng lại để kìm chế. Nếu buông lung các căn ngồi trong nhà bạch
y mà cười, tức là coi thường pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn
thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần phải học: không được cười khi
ngồi trong nhà bạch y".
Khi Phật
an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo trùm đầu
ngồi trong nhà bạch y, bị người đời chê cười:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà trùm đầu ngồi trong nhà bạch y giống như bọn dâm nữ, hay
người lấy mật?
Rồi
họ hỏi:
- Tôn
giả [402c] bị bệnh đau đầu, sợ ánh nắng chiếu vào đầu phải không? Vì sao lại
trùm đầu? Ðây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem việc đó bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo
đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được trùm đầu ngồi trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
18.
"Cần phải học: không được trùm đầu ngồi trong nhà bạch y".
Trùm
đầu: Trùm kín cả đầu và hai tai.
Không
được trùm đầu ngồi trong nhà. Khi Thọ trai tại tinh xá, hoặc ngồi trước các Hòa
Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão thì không được trùm đầu. Trong trường hợp
mưa gió lạnh lẽo, hoặc bị bệnh, bị đau đầu phong cũng không được trùm kín cả
đầu mà chỉ nên trùm nửa đầu để trống một bên tai. Nhưng khi thấy Tỉ-kheo trưởng
lão thì phải lấy đi. Nếu trùm đầu ngồi trong phòng riêng kín đáo thì không có
tội. Nếu buông lung các căn trùm đầu ngồi trong nhà tức là coi thường pháp cần
phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: không được trùm đầu ngồi trong nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo vắt y
(lên vai) ngồi trong nhà bạch y, bị người đời chê cười:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà vắt y (lên vai) ngồi trong nhà để lộ cả cùi chỏ, hông,
giống như vương tử, đại thần, bọn dâm nữ bán nhan sắc? Ðây là những kẻ bại
hoại, nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem việc đó bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu Tỉ-kheo
đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ
nay về sau không được vắt y ngồi trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
19.
"Cần phải học: không được vắt y (lên vai) ngồi trong nhà bạch y".
Vắt
y: Hoặc vắt lên một bên, hoặc vắt cả hai bên.
Không
được vắt y ngồi trong nhà. Khi khất thực hoặc lấy thức ăn, nếu sợ nhớp y, có
thể vắt y lên, nhưng không để lộ cùi chỏ, thì không có tội. Khi thọ trai tại
tinh xá hay ngồi trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão thì không
được vắt y lên. Nếu có vắt thì chỉ được vắt một bên, không được vắt cả hai bên.
Nếu vắt y thì nên vắt bên trái. Nếu cả hai vai đều đắp y kín thì được vắt bên
phải. Nhưng khi thấy Tỉ-kheo Trưởng lão thì phải buông xuống trở lại. Nếu buông
lung các căn, vắt y lên vai ngồi trong nhà, tức là coi thường pháp cần phải
học. [403a] Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn thì không có tội. Thế nên nói: --"Cần
phải học: không được vắt y lên vai ngồi trong nhà bạch y".
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo ôm đầu
gối ngồi trong nhà bạch y, bị người đời chê cười:
- Vì
sao Sa-môn Thích tử mà kiêu căng phóng dật, ôm gối ngồi trong nhà người thế tục
giống như Vương tử, đại thần? Ðây là những kẻ bại hoại, chứ nào có đạo hạnh gì!
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi nhóm sáu
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi:
- Các
ông có việc đó thật không?
- Có
thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ nay
về sau không được ôm gối ngồi trong nhà bạch y.
Ðoạn,
Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất
cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
20.
"Cần phải học: không được ngồi bó gối trong nhà bạch y".
Bó
gối: Có thể vòng tay, vén y nhưng không được bó gối mà ngồi trong nhà.
Khi
Thọ trai tại tinh xá hay ở trước các Hòa Thượng, A-xà-lê, Tỉ-kheo trưởng lão
thì không được ôm gối mà ngồi. Khi đầu gối bị đau thì được dùng vải bó lại,
nhưng khi thấy Tỉ-kheo Trưởng lão thì phải mở ra(?). Nếu trong phòng riêng ở
chỗ vắng thì được ngồi bó gối. Nhưng khi thấy Tỉ-kheo trưởng lão đến thì phải
ngồi ngay ngắn. Nếu buông lung các căm, ôm gối ngồi trong nhà tức là coi thường
pháp cần phải học. Ngoại trừ tâm trí bị cuồng loạn, thì không có tội. Thế nên
nói: --"Cần phải học: không được ôm gối ngồi trong nhà bạch y".
Kệ
tóm tắt:
"Uốn
mình, đầu lắc lư,
Vẫy tay, che kín thân.
Nhìn thẳng và nói khẽ,
Không cười, ngồi trùm đầu.
Vắt y, ngồi ôm gối,
Hết phần hai Bạt cừ".
LUẬT
MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ hai mươi mốt.
-ooOoo-
Đầu trang | 00
| 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
updated: 16-03-3002