BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Đại Tạng No. 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà
La
người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri
Quyển thứ mười hai
-ooOoo-
NÓI RÕ PHẦN THỨ NHẤT CỦA CHÍN MƯƠI HAI PHÁP ÐƠN ÐỀ
1. GIỚI: CỐ Ý VỌNG NGỮ.
[324b] Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ,
nói rộng như trên. Bấy giờ chúng Tăng đang tập họp tại một chỗ định làm Yết-ma,
nhưng trưởng lão Thi Lợi Da Bà không đến, họ bèn sai sứ giả đi gọi:
"Trưởng lão, chúng Tăng đang tập họp, định làm các pháp sự".
Thi Lợi Da Bà suy nghĩ: "Chính là họ
đang vì ta mà làm Yết-ma đó", liền sinh tâm sợ hãi, nhưng không trốn được
đành phải đến.
Khi thầy tới rồi, các Tỉ-kheo hỏi:
"Trưởng lão, thầy phạm Tăng-già-bà-thi-sa phải không?"
Ðáp: "Phạm".
Các Tỉ-kheo liền sinh tâm hoan hỉ. Nhưng
thầy suy nghĩ: "Các vị phạm hạnh ở trước ta nêu sự việc có thể sám hối,
chứ không phải việc không thể trị phạt", liền bạch với chúng Tăng:
"Cho phép tôi ra ngoài một lát".
Các Tỉ-kheo sau đó bàn nhau: "Vị
Tỉ-kheo này đa trá, bất định, đi ra ngoài rồi, lát nữa đây sẽ nói dối, vậy nên
hỏi lại 3 lần để xác định cho chắc".
Thi Lợi Da Bà ra ngoài rồi, suy nghĩ:
"Vì sao ta vô sự mà lại nhận tội? Các Tỉ-kheo này thường thường hay trị
tội ta. Nay ta không nên nhận tội ấy, mà nên nói dối, bất quá chúng Tăng sẽ trị
tội nói dối, dù có trị tội vẫn nhẹ".
Các Tỉ-kheo bèn gọi Thi Lợi Da Bà vào.
Khi thầy vào rồi, Tăng hỏi: "Có phải thầy phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa
không?"
- Không phạm.
-Vừa rồi, vì sao thầy nhận là có phạm?
- Vì vừa rồi chúng Tăng muốn nói tôi
phạm, nên tôi đáp là có phạm. Giờ đây tôi không nhớ là mình có tội.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy
đủ lên Thế tôn. Phật liền bảo gọi Thi Lợi Da Bà đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn
hỏi lại các việc trên: "Ông có thật như vậy không?"
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó là việc xấu. Ông không từng nghe ta
dùng vô số phương tiện chê trách sự nói dối, khen ngợi nói thật hay sao? Nay vì
sao ông biết mà nói dối? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không
thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo
sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các
Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo [325a] biết mà vọng
ngữ thì phạm Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Biết: Ðã nghĩ biết trước.
- Vọng: Sự việc không phải
như vậy.
- Ngữ: Dùng miệng nói ra.
- Ba-dạ-đề: Tên tội được
phân biệt chế định
Lại có các trường hợp: Tám cách nói của
hiền Thánh, nói thẳng, vọng ngữ, không vọng ngữ, nghi, không nghi, quyết đinh,
không quyết đinh, nói một chiều.
- Tám cách nói của hiền thánh:
Thấy nói là thấy, nghe nói là nghe, dối nói là dối, biết nói là biết, không
thấy nói là không thấy, không nghe nói là không nghe, không dối nói là không
dối, không biết nói là không biết. Ðó gọi là 8 cách nói của hiền thánh. Nói như
thế thì không có tội.
- Tám cách nói không phải hiền
thánh: Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, dối nói không dối,
biết nói không biết, không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không dối nói
dối, không biết nói biết. Ðó gọi là 8 cách nói không phải hiền thánh. Nói như
vậy thì phạm tội Ba-dạ-đề.
- Nói thẳng: Thấy nghe hay
biết (mà nói) không thấy, không nghe, không hay, không biết. Ðó gọi là nói
thẳng, phạm tội Ba-dạ-đề .
- Vọng: Thấy vọng mà nói là
không vọng, nghe vọng mà nói là không vọng, hay vọng mà nói là không vọng, biết
vọng mà nói là không vọng; không thấy, không nghe, không hay, không biết vọng
(sai lầm) mà nói là không vọng. Nói như vậy thì phạm tội Ba-dạ-đề.
- Không vọng: Thấy nghe hay
biết không vọng mà nói là vọng; không thấy, không nghe, không hay, không biết
không vọng mà nói là vọng. Nói như vậy thì phạm tội Ba-dạ-đề.
- Nghi: Thấy nghe hay biết
nghi nói không nghi; không thấy, không nghe, không hay, không biết nghi nói
không nghi, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
- Không nghi: Thấy nghe hay
biết không nghi ngờ mà nói là nghi ngờ. Không thấy không nghe, không hay không
biết không nghi ngờ mà nói là nghi ngờ, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
- Quyết định: Thấy nghe hay
biết quyết định (một cách chắc chắn) mà nói là không quyết định; không thấy
không nghe không hay không biết quyết định mà nói là không quyết định thì phạm
tội Ba-dạ-đề.
- Không quyết định: Thấy
nghe hay biết không quyết định (không chắc chắn) mà nói là quyết định; không
thấy không nghe không hay không biết không quyết định mà nói là quyết định, thì
phạm tội Ba-dạ-đề.
- Nói một chiều: Thấy nghe
hay biết mà nói là không thấy không nghe không hay biết thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Biết là có mà nói không, đó là biết mà
nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Biết là không mà nói là có, đó là biết mà
nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Thật có mà cho là không, rồi nói rằng có,
đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Thật không mà cho là có, rồi nói rằng
không, đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Thật có rồi tưởng là có, mà lại nói
không, đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Thật không rồi tưởng rằng không, mà lại
nói có, đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
[325b] Thật có rồi tưởng là không mà lại
nói có, đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Thật không rồi tưởng là có, mà lại nói
không, đó là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Có 5 pháp thành tựu biết mà nói dối phạm
tội Ba-dạ-đề. Năm pháp đó là gì? Ðó là thật có, tưởng là có, rồi đổi ý, tưởng
trái lại, nói khác đi, đó là 5 việc biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Có 4 pháp thành tựu, biết mà nói dối,
phạm tội Ba-dạ-đề. Bốn pháp đó là gì? Ðó là tưởng rằng có, mà đổi ý, tưởng trái
lại, rồi nói khác đi. Ðó gọi là 4 pháp, biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Có 3 pháp thành tựu, biết mà nói dối,
phạm tội Ba-dạ-đề. Ba pháp đó là gì? Ðó là đổi ý, tưởng trái lại, nói khác đi,
như vậy, là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Có 2 pháp thành tựu, biết mà nói dối,
phạm tội Ba-dạ-đề. Hai pháp đó là gì? Ðó là tưởng trái lại, nói khác đi, như
vậy, là biết mà nói dối, phạm tội Ba-dạ-đề.
Có một pháp thành tựu, biết mà nói dối,
phạm tội Ba-dạ-đề. Một pháp đó là gì? Ðó là nói khác đi, như vậy là biết mà nói
dối, phạm tội Ba-dạ-đề. Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng
như trên. Bấy giờ nhóm 6 Tỉ-kheo dùng lời lẽ nhã nhặn dụ dỗ hỏi các Tỉ-kheo trẻ
tuổi: "Ông tên là gì? Tộc họ ông là gì? Cha mẹ ông tên gì? Nhà ông trước
đây làm nghề gì?".
Các Tỉ-kheo trẻ tuổi, tính tình chất
trực, cứ thực mà đáp: "Nhà tôi như vậy. Tên họ như vậy, nghề nghiệp như
vậy".
Nhóm 6 Tỉ-kheo sau đó có việc hiềm khích,
liền nói như sau: "Ngươi thuộc dòng giống rất hạ tiện. Ngươi là loại
chiên-đà-la, là kẻ hớt tóc, là thợ dệt, là thợ làm đồ gốm, là thợ làm da".
Các Tỉ-kheo trẻ tuổi nghe những lời nói
ấy, rất lấy làm hổ thẹn. Các Tỉ-kheo nghe sự việc ấy, bèn đến bạch với Thế Tôn.
Phật liền bảo gọi nhóm 6 Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật bèn hỏi: "Có
thật các ông dùng những lời nhã nhặn, dụ dỗ hỏi các Tỉ-kheo trẻ tuổi, rồi sau
đó hiềm khích, liền nói.v.v., (cho đến) là thợ gốm, thợ da phải không?"
Họ đáp: "Có thật như vậy".
Phật liền khiển trách: "Ðó là việc
xấu. Này nhóm 6 Tỉ-kheo, vì sao đối với những người phạm hạnh mà lại phân biệt
nói về hình tướng chủng loại? (như trong kinh Nan-đề-bản-sinh đã nói rõ). Cho
đến Phật nó với các Tỉ-kheo: "Loài súc sinh còn ghét sự hủy báng, huống
chi là người".
Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống
tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo,
dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo nói về hình tướng
chủng loại, thì phạm Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Hủy báng về chủng loại:
Gồm có 7 thứ: [325c] Chủng tánh, nghiệp, tướng mạo, bệnh, tội, mắng, kiết sử.
1- Chủng tánh: Gồm có 3: Bậc hạ, trung, thượng.
- Bậc hạ: Như nói: "Người là hạng
ngưởi Chiên-đa-la, là thợ hớt tóc, thợ dệt, thợ đồ gốm, thợ làm da". Nếu
nói như vậy làm cho họ xấu hổ, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu nói: "Cha mẹ
ngươi là Chiên-đà-la, (cho đến) là thợ làm da", khiến cho người ấy hổ
thẹn, thì phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói: "Hoà thượng, A-xà-lê của ngươi là
Chiên-đà-la, (cho đến) là thợ làm da", khiến cho người ấy hổ thẹn thì phạm
tội Thâu-lan-giá. Nếu nói: "Bạn bè quen biết của ngươi là Chiên-đà-la,
(cho đến) là thợ làm da", khiến cho người ấy hổ thẹn, thì phạm tội
Việt-tì-ni. Ðó gọi là bậc hạ.
- Bậc trung: Như nói: "Các ngươi
thuộc chủng tánh trung lưu". Nói như vậy là muốn cho người ấy hổ thẹn, thì
phạm Thâu-lan-giá. Nếu nói: "Cha mẹ của ngươi thuộc dòng dõi trung lưu",
thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu nói: "Hòa thượng, A-xà-lê của ngươi thuộc
dòng dõi trung lưu", khiến cho người ấy xấu hổ, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu nói: "Bạn bè quen biết của ngươi thuộc dòng dõi trung lưu", khiến
cho người ấy xấu hổ, thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Ðó gọi là bậc
trung.
- Bậc thượng: Như nói với người kia rằng:
"Ngươi là dòng dõi Sát-lợi, Bà-la-môn", khiến cho họ xấu hổ thì phạm
tội Việt-tì-ni. Nếu nói: "Cha mẹ của ngươi là dòng dõi Sát-lợi,
Bà-la-môn", nói như vậy là muốn cho người ấy hổ thẹn, thì phạm tội
Việt-tì-ni. Nếu nói: "Hòa Thương, A-xà-lê của ngươi thuộc dòng dõi
Sát-lợi, Bà-la-môn", nói như vậy là muốn cho người ấy hổ thẹn, thì phạm
tội Việt-tì-ni. Nếu nói: "Bạn bè quen biết của ngươi thuộc dòng dõi
Sát-lợi, Bà-la-môn", khiến cho người ấy hổ thẹn, thì phạm tội Việt-tì-ni
tâm niệm sám hối. Ðó gọi là bậc thượng của chủng tánh.
2. Nghiệp: Gồm có 3 loại: Hạ, trung và thượng.
- Hạ nghiệp: Chẳng hạn nói: "Ngươi
là tên đồ tể, là kẻ bán heo, là kẻ chài lưới, săn bắn, là kẻ rập chim, là kẻ
giăng lưới, là quân giữ thành, là kẻ bán nem", nói như thế là muốn cho
người ấy xấu hổ, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nói về cha mẹ cũng thế. Hoặc nói:
"Hoà thượng, A-xà-lê của ngươi là quân đồ tể, (cho đến) là kẻ bán
nem", thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu nói: "Bạn bè quen biết của ngươi
là tên đồ tể, (cho đến) là kẻ bán nem", thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là
hạ nghiệp.
- Trung nghiệp: Chẳng hạn nói:
"Ngươi là kẻ bán hương, là kẻ ngồi quán xá, là kẻ làm ruộng, là kẻ trồng
rau, là người sứ giả", nói như vậy vì muốn làm cho người ta xấu hổ, thì
phạm tội Thâu-lan-giá; về cha mẹ cũng như vậy. Nếu nói: "Hòa thượng,
A-xà-lê của ngươi ...", thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu nói: "Bạn bè
quen biết của ngươi ..."[326a] khiến cho người ấy xấu hổ, thì phạm tội Việt-tì-ni
tâm niệm sám hối. Ðó gọi là trung nghiệp.
- Thượng nghiệp: Nếu nói: "Ngươi là
người ở nhà vàng, bạc, ma ni, nhà đồng", nói như thế là muốn cho người ấy
xấu hổ, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nói về cha mẹ, Hoà thượng, A-xà-lê, cũng như
vậy. Nếu nói về bạn hữu tri thức, thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Ðó
gọi là thượng nghiệp.
3- Tướng mạo: Gồm có hạ, trung, thượng.
- Bậc hạ: Nếu nói: "Ngươi là kẻ mắt
mù, lưng gù, chân tay cán giá giống như cánh chim, đầu ngoẹo, răng khểnh",
nói như thế khiến cho người ấy hổ thẹn, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha
mẹ, cũng như vậy. Nếu nói về Hòa thượng, A-xà-lê, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu nói về bạn bè quen biết thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là bậc hạ của tướng
mạo.
- Bậc trung: Chẳng hạn nói: "Ngươi
rất đen, rất trắng, rất vàng, rất đỏ", nói như vậy khiến cho người kia hổ
thẹn thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nói về cha mẹ cũng vậy. Nói về Hoà thượng
A-xà-lê thì phạm tội Việt-tì-ni. Nói về bạn bè quen biết thì phạm tội
Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Ðó gọi là tướng mạo bậc trung.
- Bậc thượng: Nếu nói: "Ngươi có 32
tướng viên mãn, sáng sủa, màu vàng", nói như vậy khiến cho người kia hổ
thẹn, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nói về cha mẹ, Hoà thượng, A-xà-lê cũng như vậy.
Nếu nói về bạn bè, quen biết thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Ðó gọi
là tướng mạo bậc thượng.
4- Bệnh: Không có hạ, trung, thượng mà tất cả đều
gọi là bậc hạ. Chẳng hạn nói: "Các ngươi bị bệnh ghẻ lở, bệnh hoàng đãng,
bệnh hủi, bệnh ung thư, bệnh trĩ, bệnh da vàng, bệnh sốt rét, bệnh còi, bệnh điên
cuồng"; nói các bệnh như thế khiến cho người kia hổ thẹn, thì phạm tội
Ba-dạ-đề. Nói về cha mẹ cũng vậy. Nói về Hòa thượng, A-xà-lê thì phạm tội
Thâu-lan-giá. Nói về bạn hữu quen biết, thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là bệnh.
5- Tội: Không có thượng, trung, hạ, mà tất cả
tội đều được gọi là hạ. Nếu như nói: "Ngươi phạm tội Ba-la-di,
Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dạ-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Việt-tì-ni", nói như vậy
khiến cho người kia hổ thẹn, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ cũng vậy.
Nếu nói về Hoà thượng, A-xà-lê, thì phạm tội Thâu-lan. Nói về bạn bè thì phạm
tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là tội.
6- Mắng: Không có hạ, trung, thượng, mà tất cả sự
mắng đều thuộc về hạ. Mắng nhiếc những lời ác độc theo kiểu thế tục như:
"Dâm dật, ô uế,....", khiến cho người kia xấu hổ, thì phạm tội
Ba-dạ-đề. Mắng cha mẹ cũng vậy. Mắng Hòa thượng, A-xà-lê phạm tội Thâu-lan-giá.
Mắng bạn bè quen biết phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là mắng.
7- Kiết sử: Không có hạ, trung, thượng, mà tất cả
kiết sử đều thuộc về loại hạ. Nếu nói: "Ngươi là kẻ ngu si, ám độn, vô
tri, giống như cục đất, như con dê, [326b] như ngỗng trắng, như chim cú",
nói những lời như vậy khiến cho người kia xấu hổ, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nói về
cha mẹ cũng như vậy. Nói về Hòa thượng, A-xà-lê thì phạm tội Thâu-lan. Nói về
bạn hữu tri thức, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu Tỉ-kheo dùng nhưng lời dèm pha hủy
báng về 7 phương diện trên thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu hủy báng Tỉ-kheo-ni thì
phạm tội Thâu-lan; hủy báng Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, Sa-di-ni thì phạm tội
Việt-tì-ni. Hủy báng người thế tục thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối.
Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng
như trên. Bấy giờ nhóm 6 Tỉ-kheo tìm cách dụ dỗ hỏi các Tỉ-kheo tuổi trẻ:
"Ngươi có biết nghề nghiệp, dòng dõi của cha mẹ Tỉ-kheo mỗ giáp kia
không?"
Các Tỉ-kheo trẻ tuổi ấy tính tình chất
trực, tùy việc mà đáp. Về sau, khi nổi giận, nhóm 6 Tỉ-kheo liền nói:
"Ngươi là Chiên-đà-la, là thợ hớt tóc, là thợ dệt, thợ đồ gốm, thợ làm
da".
Nói thế rồi, lại bảo: "Ta vốn không
biết mà do Tỉ-kheo mỗ giáp kia nói về ngươi như vậy".
Tỉ-kheo nghe lời nói ấy, rất lấy làm xấu
hổ. Các Tỉ-kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi nhóm 6
Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi: "Có thật các ông dụ dỗ hỏi các
Tỉ-kheo trẻ tuổi (cho đến) Tỉ-kheo kia xấu hổ không?"
Họ đáp: "Có thật như vậy, bạch Thế
Tôn".
- "Vì sao các ông lại làm như vậy?"
- Chúng con làm việc đó vì thấy thích thú.
- Này những kẻ ngu si! Ðó là việc xấu,
đối với bậc phạm hạnh mà nói 2 lưỡi. Ðấy là việc khổ mà bảo là vui.
Phật dùng vô số phương tiện khiển trách
rồi, bèn nói về nhân duyên, như trong kinh Bản-sinh 3 con thú đã nói rõ. Thế
rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất
cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe
lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo nói 2 lưỡi, thì phạm
Ba-dạ-đề".
Giải thích
- Nói 2 lưỡi: Gồm có 7
loại, đó là chủng tánh, nghề nghiệp, tướng mạo, bệnh, tội, mắng, kiết sử.
1- Chủng tánh: Gồm có hạ, trung, thượng.
- Bậc hạ: Như nói: "Ngươi là
Chiên-đà-la, (cho đến) là thợ làm da"lại nói: "Ai có biết ngươi đâu,
chính là mỗ giáp kia nói đó", với suy nghĩ là mong kẻ ấy lìa bỏ người kia
và thân thiện với mình. Dù họ rời nhau, hoặc không rời nhau đều phạm Ba-dạ-đề.
Nếu nói: "Cha mẹ của ngươi là Chiên-đà-la, (cho đến) là thợ làm da".
Lại nói: "Ai có biết ngươi đâu, chính là do Tỉ-kheo mỗ giáp kia nói
đó", với suy nghĩ là mong kẻ ấy rời bỏ người kia để thân thiện với mình.
Nếu họ rời nhau hay không rời nhau đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói: "Hòa
thượng,, A-xà-lê của ngươi là Chiên-đà-la [326c] (cho đến) là thợ làm da",
cũng phạm Ba-dạ-đề. Nói về bạn hữu tri thức, cũng như vậy. Ðó gọi là bậc hạ.
- Bậc trung: Chẳng hạn nói: "Trưởng
lão, Ngài thuộc dòng dõi trung lưu, thuộc dòng dõi binh sĩ, dòng dõi ca
kỹ", rồi bảo: "Tôi đâu có biết ông, chính là do mỗ giáp kia nói
đó", với suy nghĩ là muốn cho người này lìa bỏ người kia, để trở về với
mình. Dù họ chia lìa nhau hay không chia lìa đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha
mẹ, Hoà thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bậc
trung.
- Bậc thượng: Nếu nói: "Trưởng lão,
Ngài là dòng dõi Sát-lợi, Bà-la-môn". Lại nói: "Tôi đâu có biết thầy,
đó là do mỗ giáp kia nói", với suy nghĩ là muốn cho người ấy bỏ người kia
để về với mình. Dù họ lìa nhau hay không lìa nhau, đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói
về cha mẹ, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, cũng đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó
gọi là bậc thượng thuộc về chủng tánh.
2- Nghề nghiệp: Gồm có hạ, trung, thượng.
- Bậc hạ: Chẳng hạn nói: "Ngươi làm
nghề đồ tể, (cho đến), làm nghề bán nem", rồi bảo: "Tôi đâu có biết
ông mà do mỗ giáp kia nói". Nói như vậy với mong muốn người này lìa bỏ
người kia, trở về với mình. Dù họ lìa nhau hay không lìa nhau, đều phạm
Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, cũng đều
phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bậc hạ.
- Bậc trung: Chẳng hạn nói: "Ngươi
là kẻ bán hương, là người buôn bán, (cho đến) là người đưa tin", rồi bảo:
"Tôi đâu có biết ông, mà do mỗ giáp kia nói". Nói như vậy với hy vọng
người này lìa bỏ người kia, trở về với mình. Dù họ có lìa nhau hay không lìa
nhau, đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hoà thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri
thức, đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bậc trung.
- Bậc thượng: Chẳng hạn nói: "Ngươi
ở cửa hàng vàng, bạc, (cho đến) ở cửa hàng đồ đồng", lại bảo: "Tôi
đâu có biết ông mà do mỗ giáp kia nói". Nói như vậy với hy vọng người này
lìa bỏ người kia, trở về với mình. Dù họ lìa nhau hay không lìa nhau, đều phạm
Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, cũng đều
phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bậc thượng thuộc về nghề nghiệp.
3- Tướng mạo: Gồm có hạ, trung, thượng
- Bậc hạ:: Nếu nói: "Ông là kẻ mù
lòa (cho đến) là kẻ răng khểnh", rồi bảo: "Tôi đâu có biết ông mà do
mỗ giáp kia nói". Nói như vậy, với hy vọng người này lìa bỏ người kia, trở
về với mình. Dù họ có lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bậc
hạ.
- Bậc trung: Nếu nói: "Ông rất đen,
rất trắng, rất vàng, rất đỏ", rồi bảo: "Tôi đâu có biết ông, mà do mỗ
giáp kia nói". Nói như vậy với hy vọng người này lìa bỏ người kia hướng về
với mình. Dù họ có lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Nói về cha mẹ, Hòa
thượng,, A-xà-lê, bạn hữu quen biết, đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó là bậc trung.
- Bậc thượng: Chẳng hạn nói: "Ông có
32 tướng [327a] viên mãn, sáng rỡ sắc vàng", rồi bảo: "Tôi đâu có
biết ông, mà do mỗ giáp kia nói". Nói như vậy với hy vọng người này lìa bỏ
người kia hướng về mình. Dù họ có lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Nói
về cha mẹ, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là
bậc thượng thuộc về tướng mạo.
4- Bệnh: Không có hạ, trung, thượng mà tất cả
bệnh đều là hạ. Chẳng hạn nói: "Ông bị ghẻ lở, (cho đến) bị điên
cuồng", rồi bảo: "Tôi đâu có biết ông, mà do mỗ giáp kia nói".
Nói như vậy với hy vọng người này lìa bỏ người kia, hướng về với mình. Dù họ có
lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hòa thượng,
A-xà-lê, bạn hữu tri thức, cũng đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là bệnh.
5- Tội: Không có hạ, trung, thượng mà tất cả tội
đều thuộc về hạ. Chẳng hạn nói: "Ông phạm Ba-la-di, (cho đến) phạm tội
Việt-tì-ni", rồi bảo: "Tôi đâu có biết ông mà do mỗ giáp kia
nói". Nói như vậy với hy vọng người này lìa bỏ người kia, trở về với mình.
Dù họ có lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hòa
thượng, A-xà-lê, bạn hũu tri thức, cũng đều phạm Ba-dạ-đề.
6- Mắng: Không có hạ, trung, thượng mà tất cả sự
mắng đều gọi là hạ. Nếu mắng nhiếc những lời ác độc theo kiểu thế gian, như:
"Dâm dục, ô uế, xấu xa", thì dù họ có lìa nhau hay không, đều phạm
Ba-dạ-đề. Nếu mắng cha mẹ, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức của người ấy,
đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là mắng.
7- Kiết sử: Không có hạ, trung, thượng, mà tất cả
kiết sử đều gọi là hạ. Chẳng hạn nói: "Ngươi là kẻ ngu si, ám độn, vô tri,
giống như cục đất, như con dê, như ngỗng trắng, như chim cú", nói những
lời như vậy, rồi bảo: "Tôi đâu có biết ngươi mà do mỗ giáp kia nói
đó". Nói như vậy với hy vọng người này lìa bỏ người kia, hướng về với
mình. Dù họ có lìa bỏ nhau hay không, đều phạm Ba-dạ-đề. Nếu nói về cha mẹ, Hòa
thượng, A-xà-lê, bạn hữu tri thức, cũng đều phạm Ba-dạ-đề. Ðó gọi là kiết sử.
Nếu nói 2 lưỡi đối với Tỉ-kheo, thì phạm
Ba-dạ-đề; nói 2 lưỡi đối với Tỉ-kheo-ni, phạm tội Thâu-lan-giá; đối với
Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, Sa-di-ni, phạm tội Việt-tì-ni; đối với người thế tục,
phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng
như trên. Bấy giờ, nhóm sáu Tỉ-kheo biết chúng Tăng như pháp, như luật diệt trừ
sự tranh chấp rồi, liền nói:
- Việc ấy chưa xong, phải xử đoán lại.
Nhóm 6 Tỉ-kheo nói những lời ấy xong, sự tranh chấp liền khởi lên trở lại, chư
Tăng sống không hòa hợp. Các Tỉ-kheo liền đem việc ấy đến bạch với Thế Tôn.
Phật bảo gọi nhóm 6 Tỉ-kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi:
- Có thật các ông biết chúng Tăng như
pháp [327b], như luật dập tắt sự tranh chấp rồi, bèn làm cho phát sinh trở lại
phải không?
- Có thật như vậy.
-Vì sao như thế?
- Chúng con tạo ra sự việc ấy là vì thấy
thích thú.
- Này những kẻ ngu si, làm não loạn các
bậc phạm hạnh, đó là việc ác, vì sao lại cho là vui? Các ông không từng nghe ta
dùng vô số phương tiện khen ngợi những người phạm hạnh thường có tâm từ bi,
thân khẩu từ bi hay sao? Do đó, cần phải tôn kính họ. Nay vì sao các ông lại
làm việc ác như thế?. Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể
dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo
sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các
Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ-kheo biết Tăng đã như
pháp, như luật dập tắt sự tranh cãi rồi mà làm phát sinh trở lại, nói rằng:
Việc Yết-ma ấy chưa xong, phải làm lại, chỉ vì lý do như vậy, chứ không có gì
khác, thì phạm Ba-dạ-đề".
Giải thích
(Một số từ đã được giải thích ở trước)
Sự tranh cãi: Gồm có 4 việc: 1- sự tranh cãi về lời
nói; 2- sự tranh cãi do hủy báng; 3- sự tranh cãi về tội phạm; 4- sự tranh cãi
về những việc thường làm.
Dập tắt sự tranh cãi đúng pháp đúng luật: Trong 7 cách dập tắt sự tranh cãi nhất
nhất đều đã dập tắt đúng pháp, đúng luật, rồi làm phát sinh trở lại mà không có
lý do nào chính đáng, thì phạm Ba-dạ-đề.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói.
Bốn sự tranh cãi: 1- sự tranh cãi về lời nói; 2- sự tranh
cãi do hủy báng; 3- sự tranh cãi về tội phạm; 4- sự tranh cãi về những việc
thường làm.
Sự tranh cãi về lời nói, dùng 3 pháp
Tì-ni (nguyên tắc) mỗi mỗi diệt trừ. Ba pháp đó là gì? Ðó là: Dùng
Hiện-tiền-tì-ni để diệt trừ; dùng Ða-mích-tì-ni để diệt trừ; dùng Bố-thảo (rải
cỏ) Tì-ni để diệt trừ.
1- Hiện tiền Tì-ni: Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ
các Tỉ-kheo ở Câu Diệm Di đấu tranh nhau, những người cùng sống một chỗ không
hòa hợp. Pháp họ bảo là phi pháp; luật bảo là phi luật; tội bảo gọi là không
phải tội; tội nặng, tội nhẹ; có thể trị, không thể trị; đúng pháp Yết-ma, phi
pháp Yết-ma; Yết-ma có hòa hợp, Yết-ma không hòa hợp; nên làm, không nên làm.
Bấy giờ có một Tỉ-kheo ngồi trong ấy nói như sau: "Này các Ðại-đức, đó là
việc phi pháp, phi luật, không phù hợp với kinh, không phù hợp với luật, không
phù hợp với Ưu-ba-đề-xá (luận). Trái với kinh, luật, luận, sinh khởi các sự
nhiễm ô, lậu-hoặc; như tôi nói mới đúng là pháp, là luật, là lời Phật dạy,
tương ứng với kinh, luật, luận không sinh ra nhiễm ô, Lậu-hoặc. Này các
Ðại-đức, tôi không thể dập tắt sự tranh cãi này. Tôi phải đến thành Xá Vệ, chỗ
Thế Tôn, để hỏi về giải pháp dập tắt sự tranh cãi này".
Thế rồi, Tỉ-kheo này đi đến chỗ Thế Tôn
cúi đầu đảnh lễ [327c] chân Phật rồi đứng một bên, bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo ở Câu Diệm Di
đấu tranh nhau, cùng sống một chỗ mà không hòa hợp. Những việc như pháp mà họ
bảo là phi pháp, (cho đến) con không thể dập tắt sự tranh đấu ấy, nên đến chỗ
Thế Tôn hỏi về phương pháp dập tắt sự tranh đấu ấy. Cúi xin Thế Tôn, vì các
Tỉ-kheo mà dập tắt sự tranh đấu ấy.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Ưu Ba Li:
- Ông hãy đến nước Câu Diệm Di dập tắt sự
tranh đấu ấy như pháp, như luật, theo nguyên tắc hiện tiền Tì-ni. Này Ưu Ba Li,
sự tranh đấu có 3 chỗ khởi lên: Hoặc một người, hoặc nhiều người, hoặc chúng
Tăng. Do đó, cũng phải 3 chỗ xả, 3 chỗ thủ, 3 chỗ diệt. Này Ưu Ba Li, ông hãy
đến chỗ các Tỉ-kheo tại Câu Diệm Di, dập tắt sự tranh đấu ấy như pháp, như
luật, theo nguyên tắc hiện tiền Tì-ni.
Tôn-giả Ưu Ba Li bèn bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vị Tỉ-kheo thành tựu bao
nhiêu pháp thì có thể dập tắt được sự tranh đấu?
Phật nói với Ưu Ba Li:
- Vị Tỉ-kheo thành tựu năm pháp thì có
thể dập tắt sự tranh đấu. Năm pháp đó là: Biết việc đó là có thật chứ không
phải không có thật; làm vì lợi ích chứ chẳng phải không lợi ích; được mọi người
tán thành, chứ chẳng phải không được tán thành; làm một cách công bằng chứ
không phải không công bằng; hợp thời chứ chẳng phải không hợp thời.
Này Ưu Ba Li, nếu giải quyết sự việc
không hợp thời, thì Tăng hoặc bị phá (bị chia rẽ), hoặc Tăng tranh cãi, hoặc
Tăng ly tán. Trái lại, nếu dập tắt sự tranh đấu đúng lúc thì Tăng không bị phá,
không tranh cãi, không phân tán. Ðó gọi là vị Tỉ-kheo thành tựu năm pháp có thể
dập tắt sự tranh đấu, làm cho các vị phạm hạnh thương nhớ, ca ngợi. Nay ông hãy
đi đến chỗ các Tỉ-kheo ở Câu Diệm Di, giải quyết việc ấy như pháp, như luật,
theo nguyên tắc hiện tiền Tì-ni.
Bấy giờ Tôn-giả Ưu Ba Li bèn đảnh lễ chân
Thế Tôn, đi tới chỗ Tỉ-kheo (sứ giả) của Câu Diệm Di, nói:
- Này trưởng lão, hãy trở về lại chỗ có
sự tranh chấp, sinh khởi mà dập tắt ngay tại đó, chứ không giải quyết sự việc ở
đây. Vì sao vậy? Vì ở đây chúng Tăng hòa hợp, hoan hỉ, không tranh chấp, cùng
sống chung, không nên nhiễu loạn họ.
Khi ấy, Tỉ-kheo (sứ giả) của Câu Diệm Di
liền bạch với Tôn-giả Ưu Ba Li:
- Thưa Ðại-đức, nếu tôi có thể dập tắt sự
tranh chấp tại đó được thì đã không tới đây. Nguyện xin Tôn-giả vì tôi mà đến
đó dập tắt sự tranh chấp ấy.
Ưu Ba Li nói:
- Nếu tôi đến đó thì việc gì đáng làm
Yêt-ma, tôi sẽ làm Yết-ma, việc gì đáng trị phạt thì sẽ trị phạt, hoặc đáng làm
Yết-ma chiết phục, Yết-ma không nói, Yết-ma Ma-na-đỏa, Yết-ma A-phù-ha-na, có
những lỗi lầm như vậy, như vậy, tôi sẽ làm Yết-ma như vậy, để trị phạt. Khi ấy,
các Vị chớ nên sinh tâm không vui.
Vị Tỉ-kheo sứ giả ấy liền bạch với [328a]
Tôn-giả Ưu Ba Li:
- Nếu chúng tôi có những lỗi lầm như vậy,
thì sẽ chịu những sự trị phạt như vậy, trong lòng chẳng có gì là không vui.
Khi ấy Tôn-giả Ưu Ba Li bèn trở lại chỗ
Phật, bạch với Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Muốn dập tắt sự tranh
chấp của các Tỉ kheo ấy phải dụng tâm như thế nào?
Phật nói với Ưu Ba Li:
- Muốn dập tắt sự tranh chấp thì trước
hết phải trù tính năng lực của bản thân mình, năng lực phước đức, năng lực biện
tài và năng lực vô úy và biết rõ sự duyên sinh khởi. Tỉ-kheo trước hết phải tự
suy nghĩ xem mình có những khả năng như vậy không. Nếu thấy sự tranh chấp ấy
khởi lên chưa lâu; tâm người đó nhu nhuyến, sự tranh chấp có thể dễ dập tắt,
thì Tỉ-kheo này, lúc ấy mới dập tắt sự tranh chấp. Trái lại, nếu tự tư duy thấy
mình không có các khả năng trên, sự tranh chấp khởi lên đã lâu, người ấy cang
cường, không thể dập tắt nhanh được, thì nên tìm một Tỉ-kheo có đức vọng cùng với
mình dập tắt việc ấy. Nếu không có Tỉ-kheo có đức vọng, thì nên tìm một Tỉ-kheo
đa văn. Nếu không có Tỉ-kheo đa văn thì nên tìm một Tỉ-kheo ở A Luyện Nhã. Nếu
không có Tỉ-kheo ở A Luyện Nhã, thì nên tìm một Ưu-bà-tắc có thế lực lớn. Vị
Tỉ-kheo tranh chấp kia thấy Ưu-bà-tắc rồi, tâm sẽ sinh xấu hổ, thì sự tranh
chấp dễ dập tắt. Nếu không có Ưu-bà-tắc như vậy, thì nên nhờ nhà vua, hoặc vị
đại thần có thế lực. Khi ấy, Tỉ-kheo tranh chấp kia thấy người hào quí có thế
lực như vậy, thì tâm sinh kính sợ, do đó, sự tranh chấp dễ dập tắt. Nếu sự
tranh chấp được dập tắt vào mùa đông, thì nên đem đến chỗ không có giá lạnh,
khí hậu ấm áp, một nơi vắng vẻ. Khi Tỉ-kheo khách đến, nên cung cấp lò sưởi.
Nếu vào mùa xuân, nên đem đến một nơi mát mẻ, sắp giường ghế dưới gốc cây,
trang bị nước lạnh, nước giải khát, nên dùng quạt để quạt. Nếu vào mùa hạ nên
đem đến một nơi cao ráo mát mẻ, và cung cấp các thứ cần thiết theo thời. Bấy
giờ, nên cử một Tỉ-kheo có khả năng và có trí tuệ, biết rõ nhân duyên sự việc,
không khiếp sợ, không tìm lỗi người, không sợ số đông. Nếu có Ưu-bà-tắc đến,
nên tán thán công đức làm cho chúng Tăng hòa hợp, lại nói với Ưu-bà-tắc:
"Như đức Thế Tôn nói, một pháp xuất hiện ở đời khiến cho trời người khổ
não, trời người bất lợi. Một pháp đó là: Phá hoại, làm rối loạn chúng Tăng, đến
khi thân hoại mệnh chung sẽ rơi thẳng vào địa ngục".
Lại nữa, này Ưu-bà-tắc, như đức Thế Tôn
nói: "Một pháp xuất hiện ở đời khiến cho trời người an lạc, trời người
được lợi. Một pháp đó là: Làm cho chúng Tăng hòa hợp, thì sau khi thân hoại
mệnh chung sẽ sinh vào cõi Thiện, trên cõi trời, hoặc trong cõi người. Như vậy
đó Ưu-bà-tắc, muốn được công đức lớn, nên làm cho chúng Tăng hoà hợp".
Khi 2 nhóm trình bày, thầy Tỉ-kheo này
(người xử đoán) phải xem xét sự việc cặn kẽ, ghi nhớ từng lời nói, từng câu,
từng chữ, từng ý nghĩa. Bấy giờ trong hội chúng có một Tỉ-kheo không phải
Thất-lại-tra (?) mà giả bộ Thát-lại- tra, nói như sau:
- Tôi nghe các Ðại-đức trước kia nói:
[328b] Những lời như vậy mà giờ đây lại nói những lời như vậy là không ăn khớp
nhau.
Nếu thấy người này tính tình nhu nhuyến
có thể chiết phục được thì nên nói giữa chúng Tăng như thế này để ông ta hổ
thẹn: "Ông là kẻ bất thiện, gây nên việc bất hòa, làm cho chúng Tăng không
hòa hợp. Hôm nay vì việc đó mà phải tập trung tại đây". Trái lại, nếu đó
là người ác tính, tính cang cường cố chấp, có thể làm tăng thêm sự tranh đấu,
thì nên nói nhỏ nhẹ bằng những lời sau: "Trưởng lão, hôm nay chúng Tăng
tập họp là để dập tắt sự tranh đấu, vậy trưởng lão nên hợp tác với tôi để dập
tắt sự tranh đấu này". Nếu thấy tâm ý của Tỉ-kheo ấy đã nhu nhuyến rồi thì
bấy giờ vị Tăng đoán sự (người xử đoán) nói với thầy Tỉ-kheo hữu sự thế này:
"Giờ ông hãy trình bày sự việc đó".
Rồi Tỉ-kheo ấy nói như sau: "Nay tôi
trình bày sự việc này, mong chúng Tăng giải quyết cho tôi đúng pháp, đúng
luật".
Bấy giờ, Tỉ-kheo đoán sự nên khiển trách
người này bằng những lời sau, để cho ông hổ thẹn: "Ông là kẻ bất thiện, có
chúng Tăng nào lại dùng điều phi pháp, phi luật để giải quyết công việc!".
Nếu Tỉ-kheo ấy nói: "Tôi không định nói như thế với chúng Tăng, mong chúng
Tăng hãy dạy bảo tôi về những cách thức".
Bấy giờ người đoán sự nên dạy ông ta nói
thế này: "Nay tôi trình bày nguyên nhân của sự tranh chấp này, tùy theo
chúng Tăng chỉ dạy, tôi sẽ phụng hành".
Nếu Tỉ-kheo ấy không theo lời nói mà Tăng
chỉ dạy, thì nên nói với ông: "Nếu ông không vâng lời Tăng chỉ dạy, thì
tôi sẽ lấy biểu quyết giữa Tăng, đuổi ông ra khỏi chúng".
Nếu Tỉ-kheo ấy vẫn không chịu vâng lời,
thì bấy giờ nên bảo một Ưu-bà-tắc hỏi ông ta: "Ông có chịu nghe lời Tăng
dạy không? Nếu ông không chịu nghe lời, tôi sẽ áp dụng luật pháp của bạch y đối
với ông, đuổi ông ra khỏi thành ấp xóm làng".
Nếu biết sự tranh chấp của Tỉ-kheo ấy là
sự tranh chấp nhỏ nhặt, thì Tăng có thể dập tắt sự tranh chấp trước mặt
Ưu-bà-tắc. Nếu sự việc ấy bỉ ổi, xấu xa thì nên khuyên nhủ Ưu-bà-tắc ra khỏi
hội chúng, rồi Tăng mới tùy theo sự thật, áp dụng hiện tiền Tì-ni mà diệt trừ
sự việc ấy đúng pháp, đúng luật, đúng theo kinh giáo.
Bấy giờ, Tôn giả A Nan đi đến chỗ Phật,
cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi bạch với Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Thế nào
gọi là dùng hiện tiền Tì-ni để dập tắt tranh chấp?"
Phật nói với A Nan: "Này A Nan,
những sự tranh cãi của Tỉ-kheo gồm có: Như pháp, phi pháp; như luật, phi luật;
tội, chẳng phải tội; tội nhẹ, tội nặng; tội có thể trừng trị, tội không thể
trừng trị; như pháp Yết-ma, phi pháp Yết-ma; hòa hợp Yết-ma, không hòa hợp
Yết-ma; Yết-ma nên làm, Yết-ma không nên làm. Này A Nan, nếu có những việc như
thế phát sinh, thì nên nhanh chóng tập họp Tăng, tập họp Tăng rồi, kiểm điểm sự
việc, như pháp, như luật, như kinh giáo, tùy theo sự thật mà áp dụng hiện tiền
Tì-ni để diệt trừ. Nếu hội đủ 5 điều phi pháp (sau đây) thì không thành hiện
tiền Tì-ni. Thế nào là năm? Ðó là: Bất hiện tiền dữ (giải quyết sự việc không
có mặt đương sự); [328c] không hỏi; không nhận lỗi; không đúng pháp; giải quyết
việc không hòa hợp. Ðó gọi là 5 điều phi pháp, áp dụng hiện hiền Tì-ni nên
không thành. Nếu thành tựu 5 pháp thì mới thành áp dụng hiện tiền Tì-ni. Năm pháp
đó là: Có sự hiện diện của đương sự; hỏi; nhận lỗi; đúng pháp; giải quyết sự
việc trong sự hòa hợp.
Ðó gọi là 5 pháp thành tựu áp dụng hiện
tiền Tì-ni, như vậy đó A Nan, như pháp, như luật, như Phật dạy.
Khi áp dụng hiện tiền Tì-ni để dập tắt sự
tranh chấp rồi, nếu có khách Tỉ-kheo, hoặc Tỉ-kheo ra đi, hoặc Tỉ-kheo gởi dục,
hoặc Tỉ-kheo không gởi dục, hoặc Tỉ-kheo mới thọ giới, hoặc Tỉ-kheo đang ngồi
ngủ gục, những Tỉ-kheo này nói như sau: "Yết-ma như vậy là không tốt, trái
với Phật, pháp, Tăng giống như trâu dê, Yết-ma bất thiện, Yết-ma không thành
tựu". Này A Nan, do nói như thế mà sự tranh chấp khởi lên trở lại, thì
phạm tội Ba-dạ-đề. Ðó gọi là tướng ngôn tránh (sự tranh cãi do những lời bắt
bẻ).
Dùng hiện tiền Tì-ni để dập tắt sự tranh
cãi do hủy báng: Nếu Tỉ-kheo không thấy, không nghe, không nghi Tỉ-kheo khác
phạm 5 thiên tội: Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dạ-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni,
Việt-tì-ni mà dùng 5 thiên tội ấy hủy báng, đó gọi là sự tranh cãi do hủy báng.
Trong trường hợp này nên dùng 2 pháp Tì-ni là "Ức niệm Tì-ni"và
"Bất si Tì-ni"để dập tắt.
2- Ức niệm Tì-ni: Khi Phật an trú tại thành Vương Xá,
Tỉ-kheo-ni Từ Ðịa làm điều phi phạm hạnh, bị mang thai, bèn đến chỗ nhóm 6
Tỉ-kheo nói như sau: "Tôi làm việc phi phạm hạnh, nay bị mang thai, Tôn-giả
có hiềm thù với ai, tôi sẽ vu cáo họ giúp cho".
Nhóm 6 Tỉ-kheo nói: "Lành thay này
chị em, nay muốn làm việc lợi ích cho chúng tôi. Này chị em, Ðà-phiêu-ma-tử là
kẻ thù suốt đời của chúng tôi, đã cho chúng tôi phòng ở dột nát, cung cấp mền
gối không tốt, và thức ăn uống thô xấu. Nếu người này còn sống lâu trong nếp
sống phạm hạnh, thì chúng tôi còn chịu khổ dài dài. Cô hãy chờ ngày chay, khi
đại chúng thuyết pháp, rồi cô đến giữa đại chúng tố cáo Tỉ-kheo ấy đã làm điều
phi phạm hạnh (đã giao hợp) với cô".
Cô ấy đáp: "Tôi sẽ làm như lời
Tôn-giả dạy".
Thế rồi, Tỉ-kheo-ni ấy, vào các ngày mồng
8, 14, 15 lúc đại chúng thuyết pháp, bèn đến trước chúng, nói như sau:
"Này Tôn-giả (Ðà phiêu), hãy sắm các thức ẩm thực như sữa, dầu, nếp.v.v.,
và sửa chữa phòng ốc, tìm người hộ sinh giúp cho tôi, vì tôi sắp đến lúc sinh
nở".
Trưởng lão (Ðà Phiêu) đáp: "Này cô,
cô hãy tự biết, tôi không có việc ấy".
Tỉ-kheo-ni Từ Ðịa lại nói: "Kỳ quái!
Kỳ quái! Ông là kẻ trượng phu (nhân tình của tôi) sớm đi, tối đến, cùng với tôi
chăn gối, mà giờ đây lại nói: "Tôi không có việc ấy". Chớ có nhiều
lời, hãy sắm cho tôi các thứ sữa, dầu .v..v.., Vì giờ sinh nở của tôi đã
đến".
[329a] Trưởng lão lại nói: "Cô tự
biết lấy. Tôi không có việc đó", nói như thế 3 lần, rồi bỏ đi.
Khi ấy trong dân chúng, những người không
tin Tam bảo thì liền suy nghĩ: "Hai người này đều còn trẻ tuổi, ắt có việc
đó". Còn những người có ít lòng tin thì đều sinh nghi ngờ: Chẳng biết có
hay không. Trái lại, những người có lòng tin kiên cố, thì nói: "Tôn-giả
này đã diệt xong 3 độc, ác pháp đã đoạn tận vĩnh viễn, không thể có việc
ấy".
Bấy giờ, những tiếng xấu về Tôn-giả Ðà
Phiêu Ma La Tử làm điều phi phạm hạnh được truyền đi khắp nơi, ở chỗ kín đáo
cũng nghe, ở chỗ nhiều người cũng nghe, ở giữa chúng Tăng cũng nghe. Các
Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo:
- Này các Tỉ-kheo, những tiếng xấu đồn về
Ðà Phiêu Ma La tử làm điều phi phạm hạnh được truyền đi khắp nơi, vậy các ông phải
đến chỗ kín đáo hỏi 3 lần, ở chỗ đông người hỏi 3 lần, ở giữa chúng Tăng hỏi 3
lần. Tại chỗ kín đáo nên hỏi như sau: "Trưởng lão Ðà-phiêu-ma-la-tử,
Tỉ-kheo-ni Từ Ðiạ đã nói như thế đó, thầy có biết chăng?"Nếu lúc ấy,
trưởng lão nói: "Tôi không biết mình có làm hay không cũng không nhớ
nữa", thì phải hỏi như vậy đến lần thứ 2, thứ 3, rồi hỏi ở chỗ nhiều người
3 lần cũng như vậy, rồi lại hỏi ở giữa chúng Tăng: "Trưởng lão Ðà Phiêu Ma
La Tử, Tỉ-kheo-ni Từ Ðịa đã nói như thế, thầy có biết việc đó không?". Nếu
đáp: "Tôi không biết mình có làm hay không cũng không nhớ nữa", thì
lần thứ 2, thứ 3 cũng hỏi như vậy".
(Sau khi đã làm theo lời Phật dạy) Các
Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn! Trưởng lão
Ðà Phiêu Ma La Tử đã được hỏi ở chỗ kín đáo 3 lần, ở chỗ nhiều người 3 lần, ở
giữa chúng Tăng 3 lần, ông đều nói: "Tôi không biết có làm hay không cũng
không nhớ nữa".
Khi ấy, Phật nói với các Tỉ-kheo:
"Ông Ðà Phiêu Ma La Tử này thanh tịnh, không có tội. Còn Tỉ-kheo-ni Từ Ðịa
tự nói mình phạm tội thì phải khu xuất".
Bấy giờ, các Tỉ-kheo-ni ở tại thành Vương
Xá hiềm trách Thế Tôn như sau: "Xem ra việc xử đoán ấy không công bằng. Cả
2 người đều phạm tội, vì sao lại giữ Tỉ-kheo, đuổi Tỉ-kheo-ni! Nếu cùng có tội
thì cùng đuổi, nếu không có tội thì đều giữ lại. Vì sao Thế Tôn lại đuổi một,
giữ một?"
Các Tỉ-kheo liền đem sự kiện ấy đến bạch
đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bèn bảo A Nan: "Ông đi gọi các Tỉ-kheo-ni Tăng
đang sống tại thành Vương Xá đến cả đây".
Thế rồi, A Nan vâng lời Thế Tôn, đi đến
chỗ các Tỉ-kheo-ni Tăng nói như sau: "Này các chị em, đức Thế Tôn cho gọi
các vị!"
Lúc ấy, các Tỉ-kheo-ni nói với tôn giả A
Nan: "Chúng tôi chẳng có duyên sự gì ở chỗ Thế Tôn, vì sao lại gọi đến?
Nếu có sự duyên thì không gọi, chúng tôi cũng đến. Tôn-giả hãy trở về. Chúng
tôi không có duyên sự nên không thể đến".
Bấy giờ, A Nan bèn suy nghĩ: "Ðây
thật là điều lạ lùng! Nhờ ân đức của Thế Tôn mới được xuất gia [329b] hành đạo,
thế mà vì sao đối với Phật không khởi tâm kính trọng, không vâng theo mệnh lệnh?".
Thế rồi, A Nan trở về lại chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đem sự tình
ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền bảo A Nan: "Ông hãy đến nói với các
Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá rằng: Các ngươi có lỗi, Thế Tôn ra lệnh cho các
ngươi ra đi, không được ở đây".
A Nan vâng lời dạy, liền đến chỗ
Tỉ-kheo-ni nói như sau: "Này các chị em, các ngươi có lỗi, đức Thế Tôn ra
lệnh các ngươi phải đi, không được ở đây nữa".
Các Tỉ-kheo-ni trả lời tôn giả A Nan:
"Chúng tôi không có duyên sự gì ở ngoài thành nên không đi đâu hết; nếu có
duyên sự thì không cần ra lệnh cũng tự ra đi".
Bấy giờ A Nan suy nghĩ: "Thực là lạ
kì, nhờ ân đức của Thế Tôn mà được xuất gia tu hành, vì sao đối với Phật lại
không có tâm kính trọng, bảo đến không đến, khiến đi cũng không đi! "
Thế rồi, A Nan bèn trở về chỗ Phật cúi
đầu đảnh lễ dưới chân, đem sự tình ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật nói với A
Nan: "Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, nếu đối với các Tỉ-kheo, Tỉ-
kheo-ni Tăng ở các thành ấp thôn xóm mà bảo đến không đến, khiến đi cũng không
đi, thì Như Lai phải tự mình đi lánh (nạn). A Nan, ông hãy lấy y Tăng-già-lê
đưa đây".
Khi ấy, Tôn giả A Nan bèn trao y
Tăng-già-lê cho Thế Tôn. Thế rồi, vào giữa trưa, Thế Tôn không nói với các
Tỉ-kheo-tăng, chỉ đem theo A Nan, đi qua thôn xóm có cư sĩ Ngũ-Thông, hướng về
thành Xá Vệ. Bấy giờ, Vua A Xà Thế con bà Vi Ðề Hi, sau khi sát hại phụ vương,
ôm lòng ưu sầu cực độ, hằng ngày thường đến Thế Tôn sám hối 3 lần, vào bình
minh, giữa trưa và buổi chiều. Ông sám hối sớm mai rồi giữa trưa lại đến mà không
thấy Thế Tôn, bèn hỏi các Tỉ-kheo: "Thế Tôn đang ở đâu?".
Các Tỉ-kheo đáp: "Thế Tôn đã đi
rồi".
Nhà vua nói: "Ðức Thế Tôn mỗi lần đi
đâu một tháng, nửa tháng đều nói với tôi. Nay vì nhân duyên gì mà im lặng ra
đi?"
Khi ấy các Tỉ-kheo đã nghe được Phật nói,
bèn đáp: "Thưa đại Vương, các Tỉ-kheo-ni ở Thành Vương Xá không vâng theo
mệnh lệnh của Thế Tôn, gọi đến không đến, khiến đi cũng không đi, như thế đó
Ðại Vương có biết không, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, nếu đối với các
Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni Tăng đang sống tại các thành ấp xóm làng mà bảo đến không
đến, khiến đi cũng không đi, thì Như Lai bèn tự mình đi ẩn lánh. Ngày nay các
Tỉ-kheo-ni Tăng tại thành Vương Xá không vâng theo lời Phật dạy, vì vậy Thế Tôn
im lặng mà đi".
Nhà vua nghe lời trình bày, cực kỳ giận
dữ, bèn ra lệnh cho các quan: "Hiện giờ trong lãnh thổ của ta có bao nhiêu
Tỉ-kheo-ni Tăng phải đuổi đi tất cả".
Khi ấy, có vị quan trí tuệ liền can nhà
vua: "Không phải tất cả Tỉ-kheo-ni trong lãnh thổ đều có lỗi, mà chỉ có
Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá trái lời dạy của Thế Tôn mà thôi".
Nhà Vua bèn chấp nhận lời can của [329c]
vị đại thần, ra lệnh quan Hữu ty đuổi các Tỉ-kheo-ni tại thành Vương Xá đi. Lúc
ấy, quân lính bèn cầm cây gậy đất đá ngói gạch, đánh ném các Tỉ-kheo-ni, đuổi
ra khỏi kinh thành, dùng những lời trách cứ thế này: "Các ngươi là những
kẻ tệ ác, nhờ ân đức của Thế Tôn mới được xuất gia tu hành, thế mà không biết
cung kính, trái lời Phật dạy, hãy rời khỏi đây nhanh, hỡi những mụ già tệ ác.
Vì các ngươi mà chúng ta không gặp Thế Tôn, không nghe chánh pháp. Các ngươi
hãy đi nhanh, không được ở đây nữa".
Bấy giờ tại các thôn làng, dân chúng thấy
sự kiện như vậy, đều từ xa mắng rằng: "(cho đến) Khiến chúng ta không gặp
Thế Tôn, không nghe chánh pháp. Các ngươi hãy ra đi nhanh, không được ở đây
nữa".
Khi ấy, Ưu Ðà Di cũng cầm gậy xua đuổi
các Tỉ-kheo-ni, và cũng trách cứ những lời như trên. Nhà vua bèn ra lệnh cho
các quan: "Các ngươi thấy Tỉ-kheo-ni nào đi theo đức Thế Tôn thì phải tìm
cách bảo vệ họ, để cho họ được yên ổn. Nếu họ đi về hướng khác thì tùy ý họ,
không cần phải bảo vệ".
Khi các Tỉ-kheo-ni ra khỏi thành rồi,
người nào cũng đều nói: "Nếu chúng ta đi tới những phương khác thì ở đâu
cũng đều bị xua đuổi, không có chỗ nào ở được. Vậy, giờ đây chúng ta nên đi
theo sau đức Thế Tôn".
Do vậy, nơi nào đức Thế Tôn buổi sớm ra
đi, thì các Tỉ-kheo-ni buổi chiều tới đó. Như vậy ở trên đường đi thường cách
nhau một ngày.
Bấy giờ, Thế Tôn vì muốn hóa độ nên đi
qua xóm làng có cư sĩ Ngũ-thông hướng về thành Xá Vệ. Cư sĩ Ngũ-thông theo lệ thường
hễ nghe Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni tới thì đi cách một do tuần đón rước và dâng các
thức cúng dường. Bấy giờ, ông nghe các Tỉ-kheo-ni kia sắp đến, liền nhập định
quan sát xem các Tỉ-kheo-ni vì nhân duyên gì mà đến. Quán sát rồi, ông thấy
rằng các Tỉ-kheo-ni ấy tất cả đều có lỗi, đều bị trị phạt đuổi đi, chưa được
giải tội, chẳng phải là khí cụ thanh tịnh, không có phần nào thánh pháp. Quán
sát thấy thế nên ông không đến nghênh đón và dâng các thức cúng dường. Các
Tỉ-kheo-ni lần lượt hỏi thăm, bèn tìm đến được nhà ông, nói: "Các
Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá nay đang ở ngoài cửa, xin báo cho cư sĩ biết".
Cư sĩ bèn ra lệnh cho những người giúp
việc giao cho (các Tỉ-kheo-ni) nhà dột, mền gối rách nát, không cung cấp nước
nóng, nước rửa chân và dầu thoa chân, cũng không cho nước uống phi thời, cũng
không hỏi thăm, an ủi, ban đêm không thắp đèn, sáng sớm không cung cấp tăm xỉa
răng và nước sạch, và đưa cho các thứ ẩm thực thô sơ. Họ ăn rồi, liền bảo đi
nhanh.
Các Tỉ-kheo-ni rời khỏi nhà ông rồi liền
bảo nhau: "Tôi nghe nói ông cư sĩ này thường có tín tâm, cung kính cúng
dường chúng Tăng, nhưng nay xem ra thì không có lòng kính tín".
Trong số họ, có một Tỉ-kheo-ni bảo với
mọi người: "Thôi im đi các dì! [330a] Hãy tự quán sát chính mình. Chúng ta
đã trái lời dạy của Thế Tôn, được cúng dường như thế là quá lắm rồi".
Thế rồi, các Tỉ-kheo-ni dần dần đi tới,
đến thành Xá Vệ, tới chỗ A Nan, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên,
bạch vớiù A Nan: "Chúng tôi muốn được yết kiến Thế tôn để đảnh lễ thăm
hỏi, mong Tôn-giả hãy vì Tỉ-kheo-ni Tăng mà bạch giúp Thế Tôn, xin thương xót
hứa cho".
A Nan đáp: "Lành thay này các
chị!"Liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân đứng qua một bên,
bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá muốn đến hầu
Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép, con sẽ gọi đến".
Phật nói với A Nan: "Ông chớ bảo
Tỉ-kheo-ni Tăng ở Vương Xá đến gặp Ta".
A Nan nói: - Lành thay!
Rồi lễ Phật, trở lại chỗ các Tỉ-kheo-ni,
nói: "Này các chị, đức Thế Tôn dạy không cho các vị tới".
Rồi thầy xin đến lần thứ 2, thứ 3 cũng
như vậy.
Phật liền nói với A Nan: "Vì sao ông
tỏ ra ân cần đối với Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá đến như thế?"
A Nan liền bạch với Phật: "Bạch Thế
Tôn! Con không nghĩ họ là Tỉ-kheo-ni, mà Thế Tôn gọi đến không đến, khiến đi
không đi, nhưng vì Thế Tôn đã nhắc đến Tỉ-kheo-ni Tăng ở thành Vương Xá với một
lý do khác. Chính vì Tăng (đoàn) cho nên con mới ân cần".
Phật nói: "Ta cho phép Tỉ-kheo-ni
Tăng ở thành Vương Xá đến đây".
A Nan liền trở về chỗ các Tỉ-kheo-ni,
nói: "Các chị được lợi ích rất lớn! Vì Thế Tôn đã cho phép các vị tới
hầu".
Các Tỉ-kheo-ni nghe thế rồi, liền khen
ngợi: "Lành thay, lành thay A Nan!", rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Chúng
con bất thiện, dại dột như trẻ con, không biết ruộng phước, không biết ân tình,
chẳng vâng lời Thế Tôn dạy. Nay chúng con đã tự thấy biết tội lỗi. Kính xin Thế
Tôn nhận sự hối lỗi của chúng con".
Phật liền nói với các Tỉ-kheo-ni ở thành
Vương Xá: "Các ngươi bất thiện, dại dột như trẻ con, không biết ruộng
phước, chẳng biết ân tình, Thế Tôn (Ta) gọi đến không đến, khiến đi cũng không
đi. Nay các ngươi đã tự thấy lỗi lầm, Ta cho phép các ngươi sám hối. Trong giáo
pháp của bậc thánh, ai có thể hối lỗi thì căn lành tăng trưởng. Từ nay trở đi
chớ có phạm trở lại".
Nếu Tỉ-kheo-tăng như pháp gọi Tỉ-kheo-ni
Tăng, thì Tỉ-kheo-ni Tăng đúng pháp phải đến liền, nếu không đến, thì phạm tội
Việt-tì-ni. Do đó, Tỉ-kheo-tăng được phép ngăn Tỉ-kheo-ni Tăng này Bố tát, tự
tứ, hoặc khi họ đến thì không cho vào cửa.
Nếu Tỉ-kheo-tăng như pháp gọi nhiều
Tỉ-kheo-ni, hoặc gọi một Tỉ-kheo-ni thì cũng như vậy.
Nếu nhiều Tỉ-kheo như pháp gọi Tỉ-kheo-ni
Tăng, thì đúng pháp Tỉ-kheo-ni Tăng phải đến, nếu không đến thì phạm tội
Việt-tì-ni. Do đó, phải ngăn những Tỉ-kheo-ni này [330b] Bố tát, tự tứ, hoặc
khi họ đến, thì không cho vào cửa.
Nếu nhiều Tỉ-kheo như pháp gọi nhiều
Tỉ-kheo-ni, hoặc gọi một Tỉ-kheo-ni cũng như vậy.
Nếu một Tỉ-kheo như pháp gọi Tỉ-kheo-ni
Tăng, hoặc gọi nhiều Tỉ-kheo-ni, hoặc gọi một Tỉ-kheo-ni thì Tỉ-kheo-ni đúng
pháp phải đến, nếu không đến thì phạm tội Việt-tì-ni. Do đó, cần phải ngăn
Tỉ-kheo-ni này Bố tát, tự tứ, hoặc lúc họ đến thì không cho vào cửa.
Nếu Ni Tăng, hoặc nhiều Tỉ-kheo-ni, hoặc
một Tỉ-kheo-ni hướng về Tỉ-kheo-tăng, hướng về nhiều Tỉ-kheo, hướng về một
Tỉ-kheo sám hối lỗi lầm thì cũng như trong pháp hướng về Phật sám hối lỗi lầm
trước kia đã nói rõ.
Khi ấy, Thế Tôn vì các Tỉ-kheo-ni ở thành
Vương Xá tùy thuận thuyết pháp, chỉ dạy khiến họ được lợi ích, vui vẻ. Do thế
một Tỉ-kheo-ni đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Phật liền nói với các Tỉ-kheo-ni:
"Các ngươi hãy trở về men theo con đường cũ, nếu cư sĩ Ngũ-thông có chỉ
bảo điều chi thì hãy thọ trì".
Bấy giờ, các Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá
liền trở về ngang qua thôn Ngũ-thông. Lúc ấy, cư sĩ Ngũ-thông liền nhập định,
quán sát thấy các Tỉ-kheo-ni này đã hướng về Phật sám hối, đều được thanh tịnh,
thành tựu pháp khí. Thế nên, theo thường lệ, ông ngồi xe ngựa trắng đi một do
tuần nghênh đón, từ xa trông thấy các Tỉ-kheo-ni Tăng, bèn xuống xe, đi bộ,
trật vai áo bên phải, quỳ gối phải trên đất, chấp tay bạch rằng: "Lành
thay quí Ni-sư, đi đường không vất vả đấy chứ?".
Thế rồi, ông mời các Tỉ-kheo-ni đi trước,
ông đi theo sau mà trở về. Khi về đến nhà, ông cung cấp phòng ở và giường nệm
ngọa cụ mới đẹp, lại cung cấp nước nóng, nước rửa chân, dầu thoa chân, nước
giải khát, buổi tối thắp đèn, an ủi hỏi thăm rằng: "Quý Ni-sư hãy nghỉ
ngơi yên ổn".
Thế rồi, vào buổi sáng sớm, ông cung cấp
tăm xỉa răng, nước rửa mặt và cháo sáng, đến giờ ăn lại dâng các thức ẩm thực
thích hợp. Sau khi họ ăn xong, ông trật vai áo bên phải, quỳ gối phải trên đất,
chấp tay bạch rằng: "Nay con xin mời quý Ni-sư an cư mùa hạ, con sẽ cung
cấp các thứ cần thiết như y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc chữa bệnh, và sẽ
chỉ bảo cho các cô đọc tụng kinh kệ, chỉ trừ việc Bố- tát, Tự-tứ".
Bấy giờ các Tỉ-kheo-ni liền suy nghĩ:
"Nay đã đến ngày 12 tháng 4, việc Hạ-an cư đã gấp rút, hơn nữa, đức Thế
Tôn đã dạy chúng ta phải lãnh giáo Ngũ-thông cư sĩ". Suy nghĩ thế rồi, họ
liền chấp nhận an cư mùa Hạ tại đấy. Và hàng ngày cư sĩ thuyết giảng về
Tứ-niệm-xứ cho các Tỉ-kheo-ni. Các Tỉ-kheo-ni nghe được pháp đó rồi, thì đầu
đêm, cuối đêm tinh cần không biếng nhác, tụ tập thánh đạo, thành tựu quả chứng.
Sau khi thọ Tự-tứ xong, các Tỉ-kheo-ni suy nghĩ: "Chúng ta [330c] hãy đi
đến Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi và trình bày quả chứng". Nghĩ thế rồi, các
Tỉ-kheo-ni bèn hướng về thành Xá Vệ đi đến chỗ A Nan, cúi đầu đảnh lễ dưới
chân, đứng qua một bên, bạch với Tôn giả A Nan: "Ðức Như Lai Ứng Cúng
Chánh Biến Tri vì các Thanh-văn giảng Tứ Niệm Xứ, chúng tôi đầu đêm, cuối đêm
tinh tấn không lười biếng, tu tập thánh đạo, thành tựu quả chứng". Nói như
thế rồi họ bèn trở về trú xứ.
Sau khi các Tỉ-kheo-ni đi không bao lâu,
tôn giả A Nan bèn đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một
bên, đem những gì mà các Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá đã nói, trình bày đầy đủ
với Thế Tôn, cho đến việc tu đạo, chứng quả. Sau khi trình bày xong, thầy liền
bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Việc ấy như thế nào xin Thế Tôn-giải thích
rõ".
Phật liền nói với A Nan: "Ðúng như
các Tỉ-kheo-ni đã nói chân thật không khác. Tại vì sao? Là vì, nếu Tỉ-kheo,
Tỉ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, ai có khả năng tu tập Tứ Niệm Xứ một cách tinh
cần, thì tất cả đều thành tựu, chứng quả, như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã nói
rõ".
Khi ấy các Tỉ-kheo liền bạch với Phật:
"Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà các Tỉ-kheo-ni ở thành Vương Xá không
biết tri ân đối với Thế Tôn? Rồi khi tới thành Xá Vệ, lại đi thẳng đến chỗ A
Nan mà không hầu thăm Thế Tôn, khiến cho Ưu Ðà Di phải cầm gậy gộc xua đuổi,
rồi tôn giả A Nan ân cần giải cứu, xin Thế Tôn giải thích rõ việc ấy".
Phật liền nói với các Tỉ-kheo: "Các
Tỉ-kheo-ni không những ngày nay đối với Ta không biết tri ân, khiến Ưu Ðà Di
cầm gậy xua đuổi, rồi A Nan ân cần cầu xin Ta giải cứu mà trong đời quá khứ
cũng đã từng có như thế, như trong Kinh Bổn Sinh Tượng Vương đã nói rõ".
Hết quyển mười
hai.
-ooOoo-
Đầu trang
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
updated: 15-03-3002