BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode
Times font |
Đại
Tạng No. 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La
người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)
Thành
kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri
Quyển thứ mười ba
-ooOoo-
NÓI RÕ PHẦN THỨ
HAI CỦA CHÍN MƯƠI HAI PHÁP ÐƠN ÐỀ
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ trong thành có một dâm
nữ nhà rất giàu có, của cải thật nhiều, châu báu đủ loại, kho tàng đầy ắp, giữ
gìn kiên cố, [331a] kẻ trộm rình mò, không làm gì được. Lúc ấy, tên chúa đảng
cướp nghĩ được kế hay, bèn sai sứ giả đến nói với dâm nữ: "Bọn chúng tôi
muốn đến trên hồ kia, mời thêm nhiều cô gái làng chơi nữa, bày ra các thức ẩm
thực, rồi tha hồ hưởng lạc. Vậy cô nên trang sức thật đẹp, rồi đến hồ ấy chớ để
lượm thượm mà bọn họ chê cười".
Tâm
lý của phụ nữ là ưa ganh tỵ, háo thắng, nên cô ta khoác các loại danh y thượng
hạng, trang sức trên thân đủ các thứ chuỗi ngọc anh lạc, ánh sáng của chúng
chiếu ra chói mắt rồi đi tới chỗ mà họ đã mời. Lúc ấy, tên tướng cướp bèn khéo
léo dụ dỗ đưa cô ta đến một nơi vắng vẻ, kín đáo, rậm rạp. Dâm nữ liền hỏi:
"Trước đây nghe nói có mời các phụ nữ khác, giờ đây họ ở đâu?"
Tên
tướng cướp đáp: "Lát nữa họ sẽ đến, ta hãy cùng nhau hoan lạc đã".
Lúc
ấy, dâm nữ bèn suy nghĩ: "Giờ đây, xem người này chắc là tướng cướp chứ
không gì khác. Vì sao mà biết? Vì nơi này không phải là chỗ hẹn trước. Vả lại,
các phụ nữ kia chắc chắn là không đến, mà mặt trời đã về chiều". Thế rồi,
dâm nữ nói: "Tôi muốn trở về nhà".
Tên
tướng cướp nói: "Hãy cùng nhau vui chơi đã, có gì đâu mà gấp gáp thế!"
Khi
ấy dâm nữ suy nghĩ: "Thế này là hắn định ăn cướp rồi, chắc ta bị hắn làm
khốn đốn mất. Ta có 64 diệu thuật giờ chính là lúc phải áp dụng, nếu không áp
dụng thì làm sao thoát nạn!". Thế rồi, cô ta giả vờ hiện ra vẻ ủy mị yêu
thương, cùng chén tạc chén thù với tên tướng cướp, mình uống cầm chừng, mời hắn
cạn chén, bên ngoài ra vẻ ân cần thân thiết trìu mến, nhưng trong lòng giữ một
khoảng cách, khiến cho tâm hồn của tên cướp say đắm khoái lạc, không nghi ngờ
gì nữa.
Lúc
ấy, tên tướng cướp một mình dìu dâm nữ tới một chỗ kín đáo thì hơi men phát
tác, say túy lý không còn hay biết gì nữa. Dâm nữ bèn từ từ thoát ra khỏi vòng
tay của tướng cướp, lấy y phục mặc vào, rồi đi tới thành Xá-vệ, nhưng cửa thành
đã đóng. Cô bèn đi về phía tinh xá Kỳ Hoàn, thì cửa tu viện cũng đã đóng. Khi
ấy, ở bên ngoài cửa có một trưởng lão Tỉ-kheo tên Ca-lô đang trải giường dây mà
ngồi tại một chỗ khuất, cách cổng chùa không xa. Y của Thầy phủ xuống 4 phía
giường. Vì trong cơn sợ hãi, cần tìm chỗ an ổn nên dâm nữ này bèn chui vào dưới
giường trưởng lão. Nhưng Ca-lô lúc ấy đang nhập định không quan sát dưới
giường. Sau lúc nửa đêm, tên tướng cướp tỉnh rượu, định lột đồ của dâm nữ,
nhưng tìm cô ta không thấy. Hắn bèn hỏi chúng bạn: "Các ngươi có thấy cô
gái ấy không?". Bọn chúng đều đáp: "Không thấy". Thế rồi, cả bọn
đều cầm đuốc đi tìm, nhưng tuyệt nhiên không biết cô ta ở đâu. Chúng bèn bảo
nhau: "Nếu tìm không được thì hãy theo vết chân". Thế là chúng men
theo dấu chân tìm đến cửa thành Xá-vệ, thì thấy cửa thành đóng, bèn theo dấu
chân đến trước cửa Kỳ Hoàn, lại cũng mất dấu vết, không biết đi về phương nào.
Bọn cướp tuy thấy Tỉ-kheo nhưng không có bụng nghi ngờ. Bấy giờ trời sắp hừng
đông, trong thành Xá-vệ đã có tiếng trống đánh, lại nghe tiếng voi ngựa gà chó,
cho nên tên tướng cướp [331b] bèn bàn với đồng bọn: "Giờ đây đã mất cô ấy,
không biết ở đâu, trời lại sắp sáng, không nên ở lâu nơi đây mà phải trở lại
chỗ ẩn núp trong rừng". Bàn bạc thế rồi, chúng bèn trở lại trong rừng. Khi
ấy trời sáng, dân chúng, voi ngựa, xe cộ từ trong thành đi ra, lại có các
Ưu-bà-di cũng rời khỏi thành đi thăm viếng đảnh lễ Thế Tôn. Thế rồi, họ sang
đảnh lễ Tỉ-kheo Ca-lô, bỗng thấy dâm nữ kia từ dưới giường chui ra. Mọi người
thấy thế, liền chê trách, nói: "Ðây là nơi A-luyện-nhã, vì sao kẻ nạp y
khất thực lại ngủ chung với dâm nữ suốt đêm, đến sáng mới thả đi, mất hết phép
tắc Sa-môn, có đạo nào như thế!"
Lúc
ấy tiếng xấu về trưởng lão Ðà-phiêu-ma-la-tử Ca-lô Tỉ-kheo được loan truyền khắp
nơi. Các Tỉ-kheo nghe thế, bèn bạch lên Thế Tôn. Phật nói: "Này các
Tỉ-kheo, tiếng xấu về Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô làm điều phi phạm hạnh được loan
truyền khắp nơi, vậy các ông phải đến chỗ kín đáo hỏi ông 3 lần, đến chỗ đông
người hỏi 3 lần, rồi hỏi giữa chúng Tăng 3 lần. Khi ở chỗ kín đáo nên hỏi như
sau: "Trưởng lão Ðà-phiêu Ca-lô, các vị phạm hạnh nói như thế, việc đó
Thầy có biết không?". Nếu ông ta đáp: "Không biết tôi có làm hay
không cũng không nhớ nữa", thì phải hỏi như vậy đến lần thứ 2, thứ 3. Rồi
hỏi ở chỗ nhiều người 3 lần, hỏi giữa chúng Tăng 3 lần cũng như vậy".
Thế
rồi, các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô
ấy đã được hỏi ở chỗ vắng 3 lần, hỏi ở chỗ nhiều người 3 lần và hỏi giữa chúng
Tăng 3 lần. Nhưng Thầy tự nói: "Không biết tôi có làm hay không cũng không
nhớ nữa".
Bấy
giờ, Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: "Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô ấy thanh tịnh,
không có tội. Tăng nên cho pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai tiếng), cùng sống
thanh tịnh. Khi làm pháp Yết-ma cầu thính, người làm Yết-ma nên nói như sau:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ðà-phiêu-ca-lô này đã tự nói trước các bậc
phạm hạnh như sau: "Không biết có làm hay không tôi cũng không nhớ
nữa". Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho Trưởng lão
Ðà-phiêu-ca-lô đến trước Tăng xin pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt tai tiếng, mà
sống thanh tịnh. Các Ðại-đức nào bằng lòng cho Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô đến trước
Tăng xin pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai tiếng) mà sống thanh tịnh thì im
lặng; ai không bằng lòng thì hãy nói.
Vì
Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành".
Thế
rồi, người xin là Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô phải trật vai áo phải, cởi bỏ giày
dép, quỳ gối phải trên đất, nói như sau: "Tôi là Tỉ-kheo Ðà-phiêu-ca-lô đã
nói trước các bậc phạm hạnh như sau: "Tôi không biết có làm hay không cũng
không nhớ nữa". Tôi là Ðà-phiêu-ca-lô nay đến trước Tăng xin pháp Ức niệm
Tì-ni để dập tắt (tai tiếng), mà sống thanh tịnh, cúi xin Tăng cho tôi pháp Ức
niệm Tì-ni để dập tắt (tai tiếng), mà sống thanh tịnh" (xin như vậy đến
lần thứ 2, thứ 3). Rồi người làm Yết-ma nên nói thế này:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ðà-phiêu-ca-lô [331c] được các bậc phạm hạnh
nói như thế, rồi Thầy tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng không
nhớ nữa". Nay Thầy đến trước Tăng xin pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai
tiếng) mà sống thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho
trưởng lão Ðà-phiêu-ca-lô pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai tiếng) mà sống
thanh tịnh. Ðây là lời tác bạch.
Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ðà-phiêu-ca-lô này được các bậc phạm hạnh
hỏi như thế, rồi Thầy tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng không
nhớ nữa". Nay Thầy đến trước Tăng xin pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai
tiếng), mà sống thanh tịnh. Các Ðại-đức nào bằng lòng cho trưởng lão
Ðà-phiêu-ca-lô pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai tiếng), mà sống thanh tịnh,
thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Ðây là Yết-ma lần đầu (lần thứ 2, thứ
3 cũng nói như thế).
Tăng
đã bằng lòng cho trưởng lão Ðà-phiêu-ca-lô pháp ức niệm Tì-ni để dập tắt (tai
tiếng) mà sống thanh tịnh, vì Tăng đã im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi
hành".
Thế
rồi, Phật hỏi các Tỉ-kheo đã cho Ðà-phiêu-ca-lô pháp Ức niệm Tì-ni chưa. Các
Tỉ-kheo đáp: "Ðã cho".
Phật
nói: "Này các Tỉ-kheo, có 5 trường hợp cho pháp Ức niệm Tì-ni phi pháp.
Năm pháp đó là gì? Ðó là: 1 - Không thanh tịnh, tưởng là thanh tịnh mà cho. 2 -
Thanh tịnh, tưởng là không thanh tịnh mà cho. 3 - Không kiểm điểm trước. 4 -
Làm phi pháp. 5 - Không hòa hợp. Ðó gọi là 5 điều phi pháp khi cho Ức niệm
Tì-ni.
Trái
lại, có 5 đều như pháp khi cho Ức niệm Tì-ni. Năm pháp đó là gì? Ðó là: 1 -
Thanh tịnh, tưởng là thanh tịnh mà cho. 2 - Không thanh tịnh, tưởng là không
thanh tịnh mà cho. 3 - Có kiểm tra trước. 4 - Làm như pháp. 5 - Hòa hợp. Ðó gọi
là 5 điều như pháp khi cho Ức niệm Tì-ni".
Khi
ấy, các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao nàng dâm nữ ấy
bị bọn cướp truy đuổi? "
Phật
nói: "Không những ngày nay cô ta bị bọn cướp truy đuổi mà trong thời quá
khứ cũng đã từng bị bọn chúng truy đuổi, như trong kinh Oan Gia Bản Sinh đã nói
rõ".
Bấy
giờ, tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng qua một
bên, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Ức niệm Tì-ni?"
Phật
nói với A-nan: "Nếu Tỉ-kheo này vu cáo Tỉ-kheo khác phạm Ba-la-di,
Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dạ-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Việt-tì-ni, thì phải cấp tốc
tập họp Tăng. Khi tập họp Tăng rồi bèn hỏi Hòa-thượng A xà lê, bạn hữu tri thức
của Tỉ-kheo ấy rằng: "Trưởng lão, Thầy có biết Tỉ-kheo mỗ giáp kia từ
trước đến nay là người giới hạnh thế nào không? Ông quen biết với ai? Người
quen biết ấy thiện hay ác?"Nếu nói: "Ông ấy từ trước đến nay giữ giới
hạnh thanh tịnh, nhưng ông ta cùng với bạn bè quen biết có phạm vài lỗi nhỏ
nhặt, mà trong lòng thấy [332a] hổ thẹn, liền tức khắc sám hối để tiêu
trừ". Người như vậy thì Tăng nên trao cho pháp Ức niệm Tì-ni. Nếu nói:
"Tôi biết Tỉ-kheo ấy từ trước đến nay giới hạnh không thanh tịnh, lại cùng
kết bạn với kẻ ác, phạm tội mà không chịu sám hối như pháp". Này A-nan, nếu
Tỉ- kheo như vậy thì Tăng không nên trao cho pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt
(tiếng xấu). Như vậy đó A-nan, khi đã như pháp, như luật trao cho pháp Ức niệm
Tì-ni để dập tắt sự hủy báng gây ra tranh cãi xong rồi, mà có khách Tỉ-kheo
hoặc Tỉ kheo ra đi, hoặc Tỉ-kheo gởi dục, hoặc Tỉ-kheo không gởi dục, hoặc
Tỉ-kheo ngồi ngủ gục trong phòng họp, hoặc Tỉ-kheo mới thọ giới, trong các
Tỉ-kheo ấy, nếu ai nói: "Làm Yết-ma như vậy không thành tựu, không đúng
pháp, ngu si, vô trí, trái với Phật, Pháp, Tăng, giống như trâu dê, pháp Yết-ma
ấy bất thiện, không thành". Do nói như vậy khiến cho sự tranh cãi sinh
khởi trở lại, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Ðó gọi là sự tranh cãi do hủy báng dùng
pháp Ức niệm Tì-ni để dập tắt.
3-
Sự tranh cãi do hủy báng dùng pháp Bất si Tì-ni để dập tắt.
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Tôn-giả Kiếp Tân Na có 2 đệ tử
tùy tùng, một tên là Nan-đề, 2 tên là Bát Già Nan-đề. Hai Tỉ-kheo ấy trước kia
bị bệnh cuồng si. Khi bệnh, làm nhiều điều phi pháp. Giờ đây bệnh đã lành mà
các vị phạm hạnh còn nhắc lại những việc làm của 2 người trong lúc cuồng si,
khiến cho 2 Thầy khi nghe những lời ấy rất là xấu hổ. Vì thế, 2 Thầy bèn đem
việc ấy trình bày với các Tỉ-kheo. Các Tỉ-kheo liền đem việc ấy bạch đầy đủ với
Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn! Nan-đề và Bát-già-nan-đề trong khi mắc bệnh cuồng
si, làm nhiều điều phi pháp, nay bệnh đã lành mà các vị phạm hạnh còn nhắc lại
những việc làm trong lúc 2 người đang mắc bệnh cuồng si".
Phật
bèn nói với các Tỉ-kheo: "Các ông hãy hỏi họ ở chỗ vắng 3 lần, hỏi ở chỗ
nhiều người 3 lần và hỏi giữa chúng Tăng 3 lần. Khi hỏi ở chỗ vắng nên nói:
"Trưởng lão, các vị phạm hạnh nói như thế, Thầy có biết không?". Nếu
Họ đáp: "Không biết có làm hay không tôi cũng không nhớ nữa", thì
phải hỏi đến lần thứ 2, thứ 3, rồi hỏi ở chỗ nhiều người 3 lần, hỏi giữa chúng
Tăng 3 lần cũng như vậy".
(Sau
khi hỏi xong) Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế
Tôn! Chúng con đã hỏi họ ở chỗ vắng 3 lần, hỏi ở chỗ nhiều người 3 lần và hỏi ở
giữa chúng Tăng 3 lần, nhưng họ tự nói: không biết có làm hay không tôi cũng
không nhớ nữa".
Phật
liền nói với các Tỉ-kheo: "Hai Tỉ-kheo ấy trước kia cuồng si, giờ hết
cuồng si mà các vị phạm hạnh nhắc lại những việc làm trong lúc cuồng si, rồi họ
tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng không nhớ nữa", thì
Tăng nên cho họ pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Người chấp pháp nên làm
pháp Yết-ma cầu thính, xướng rằng:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Nan-đề, Bát-già-nan-đề trước kia cuồng si,
giờ hết cuồng si, mà các vị phạm hạnh còn nhắc lại những việc làm trong lúc
cuồng si, [332b], rồi họ tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng
không nhớ nữa". Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho phép 2
Tỉ-kheo Nan-đề, Bát-già-nan-đề đến giữa Tăng xin pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt
(việc ấy) ...Các Ðại-đức đã bằng lòng cho Nan-đề, Bát-già-nan-đề đến giữa Tăng
xin pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng.
Việc ấy cứ như thế mà thi hành".
Thế
rồi, Nan-đề, Bát-già-nan-đề phải đến giữa Tăng, trịch vai áo phải, quỳ gối chấp
tay xin như sau:
‘Tôi
là mỗ giáp, trước kia cuồng si, giờ hết cuồng si, nhưng các vị phạm hạnh nhắc
lại những việc cuồng si trước kia mà tôi không biết có làm hay không cũng không
nhớ. Nay tôi đến trước Tăng xin pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Kính
xin Tăng cho tôi pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy)". (Xin như vậy đến
lần thứ 2, thứ 3).
Bấy
giờ, Tăng nên nói với Tỉ-kheo ấy rằng: "Tăng không nói về việc của Thầy.
Ai nói về việc của Thầy thì hãy đến bảo họ chớ nói nữa".
Thế
rồi, Tỉ-kheo này (cuồng si) nên đến Tỉ-kheo kia (phạm hạnh), nói: "Thưa
trưởng lão, những việc làm trước đây của tôi trong lúc cuồng si, nay tôi không
biết là mình có làm hay không cũng không nhớ nữa, xin trưởng lão chớ nhắc lại
những việc làm của tôi trong lúc cuồng si".
Vị
Tỉ-kheo ấy nếu chấm dứt thì tốt, nếu không chấm dứt thì nên nói với Hòa-thượng,
A-xà-lê và bạn bè quen biết của ông ta như sau: "Thưa trưởng lão, đệ tử
của Ngài và bạn bè tri thức nói về những việc làm của tôi trong lúc cuồng si trước
đây. Tôi không biết mình có làm hay không cũng không nhớ nữa. Xin trưởng lão
hãy quở trách vị ấy, bảo chớ có nhắc lại nữa".
Hòa
thượng A-xà-lê của vị ấy nên quở trách rằng: "Ngươi bất thiện, không biết
giới luật, ngươi không nghe Thế Tôn nói rằng việc làm trong lúc cuồng si tâm
loạn không có tội hay sao?"
Người
lắm lời kia, nếu nhận (sự quở trách) thì tốt. Khi ấy, Tăng nên làm Yết-ma.
Người làm Yết-ma phải xướng như sau:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Nan-đề, Bát-già-nan-đề trước đây cuồng si,
giờ hết cuồng si, mà các vị phạm hạnh nhắc lại những việc làm trong lúc cuồng
si trước kia, rồi các Thầy tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng
không nhớ nữa". Nay họ đến trước Tăng xin Pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt
(việc ấy). Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho Nan-đề,
Bát-già-nan-đề pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Ðây là lời tác bạch.
Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Nan-đề và Bát-già-nan-đề trước đây cuồng si, giờ hết
cuồng si, mà các vị phạm hạnh nhắc lại những việc làm trong lúc cuồng si, rồi
họ tự nói: "Không biết có làm hay không tôi cũng không nhớ nữa". Nay
họ đến trước Tăng xin pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Nay Tăng cho các
vị ấy pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Các Ðại-đức nào bằng lòng cho
Nan-đề, Bát-già-nan-đề pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy) thì im lặng, ai
không bằng lòng hãy nói: "Ðây là lần Yết-ma thứ nhất. (lần thứ 2, thứ 3
cũng nói như vậy)".
Tăng
đã cho mỗ giáp, mỗ giáp pháp Bất Si Tì-ni để dập tắt (việc ấy) xong. Vì Tăng
bằng lòng nên im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành".
Thế
rồi, Phật hỏi các Tỉ-kheo: "Ðã [332c] cho Nan-đề, Bát-già-nan-đề pháp Bất
Si Tì-ni chưa?"
Họ
đáp: "Ðã cho rồi, bạch Thế Tôn".
Phật
nói: "Nếu hội đủ 5 phương diện thì thành ra cho pháp Bất Si Tì-ni phi
pháp. Năm phương diện đó là gì? Ðó là: 1 - Không si, tưởng là si mà cho; 2 -
Không thỉnh cầu người khơi lên sự việc khiến cho tâm họ nhu nhuyến; 3 - Không
đến trước Tăng xin pháp Bất Si Tì-ni; 4 - Làm phi pháp; 5 - Tăng không hòa hợp.
Ðó
gọi là hội đủ 5 điều phi pháp khi cho pháp Bất Si Tì-ni.
Ngoài
ra, còn có 5 điều như pháp thành tựu khi cho pháp Bất Si Tì-ni. năm điều đó là
gì? Ðó là: 1- Không si, tưởng là không si mà cho; 2 - Cầu xin người khơi lên sự
việc khiến cho tâm họ nhu nhuyến; 3 - Ðến trước Tăng xin pháp Bất Si Tì-ni; 4 -
Làm đúng pháp; 5 - Tăng hòa hợp.
Ðó
gọi là 5 điều như pháp thành tựu khi cho pháp Bất Si Tì-ni.
Bấy
giờ, tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi bạch:
"Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bất Si Tì-ni?"
Phật
nói với A-nan: "Có Tỉ-kheo trước cuồng si, nay hết cuồng si mà các vị phạm
hạnh nhắc lại việc làm cuồng si trước kia, thì lúc ấy phải gấp rút tập họp
Tăng. Khi tập họp Tăng rồi, căn cứ theo kinh, theo luật, tùy theo sự thực của
Tỉ- kheo ấy mà cho pháp Bất si tì ni. Như vậy đó A-nan, đó là như pháp, như
luật, như lời Thế Tôn dạy, mà cho pháp Bất Si Tì-ni để chấm dứt sự hủy báng gây
ra tranh cãi. Sau khi xong việc, nếu có Tỉ-kheo khách cho đến những kẻ ngu si
vô trí giống như trâu dê làm phát khởi lại sự tranh cãi, thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Ðó gọi là dùng Bất Si Tì-ni để dập tắt sự hủy báng gây ra tranh cãi".
* Sự
tranh cãi về tội (tội tránh): Nếu Tỉ-kheo và Tỉ- kheo tranh luận nhau về việc
phạm tội như Ba-la-di, cho đến Việt-tì-ni, thì trong trường hợp này nên dùng 2
loại Tì-ni để diệt trừ. Ðó là: Tự ngôn Tì-ni và Mích-tội-tướng Tì-ni.
4-
Tự-ngôn Tì-ni:
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Huệ mạng La-hầu-la đến giờ khất thực, liền
khoác y, cầm bát vào thành Xá-vệ, tuần tự khất thực, khất thực xong trở về tinh
xá. Rồi khi ăn xong, Thầy đem y, bát cất lại chỗ cũ, cầm tọa cụ định đến rừng
Ðắc Nhãn ngồi thiền, thì giữa đường, Thầy thấy một Tỉ-kheo làm điều phi phạm
hạnh với một phụ nữ. Sau khi bị trông thấy, ác Tỉ-kheo này bèn suy nghĩ:
"Con của Phật là La-hầu-la trông thấy ta làm điều phi phạm hạnh, chắc chắn
sẽ nói với Thế Tôn. Trong lúc y chưa nói, ta nên đến chỗ Thế Tôn, nói trước về
tội lỗi của hắn". Thế rồi, ác Tỉ-kheo ấy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ
chân Phật, bạch rằng: "Bạch Thế Tôn! Con trông thấy Tôn-giả La-hầu-la khi
đi đến rừng Ðắc Nhãn, đã làm điều phi pháp với một phụ nữ ở dọc đường".
Lúc ấy, Thế Tôn im lặng không trả lời. Thế còn Tôn-giả La-hầu-la , sau khi ngồi
thiền dưới một gốc cây, bèn xuất thiền, đi đến chỗ Thế Tôn, nhưng không nhớ sự
việc của ác Tỉ-kheo, theo thường lệ, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng hầu
một bên. [333a] Khi ấy, vì muốn cho La-hầu-la nhớ lại sự việc vừa rồi, Thế Tôn
bèn hóa ra ác Tỉ-kheo đứng ngay trước mặt. La-hầu-la thấy rồi, liền gợi lại ký
ức, bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn! Vừa rồi con đi vào rừng, thì trông
thấy Tỉ-kheo này đang làm điều phi phạm hạnh với một phụ nữ".
Phật
nói: "La-hầu-la, nếu Tỉ-kheo ấy cũng nói thế sí "Con thấy La-hầu-la
làm việc phi phạm hạnh ở giữa đường", thì phải tính sao?"
Tôn
giả La-hầu-la bèn bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Con không có việc đó".
- Nếu
Tỉ-kheo kia cũng nói thế này: "Con không có việc đó", thì phải tính
sao?
-
Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy, thì chỉ có Thế Tôn mới hiểu con.
- Nếu
Tỉ-kheo kia cũng nói thế này: "Chỉ có Thế Tôn mới hiểu được việc này của
con", thì phải làm sao?
-
Kính xin Thế Tôn cho con pháp Tự-ngôn-trị.
- Nếu
Tỉ-kheo kia cũng nói: "Kính xin Thế Tôn cho con pháp Tự-ngôn-trị",
thì phải tính sao đây?
- Nếu
như vậy thì xin Thế Tôn cho 2 chúng con pháp Tự-ngôn-trị.
Lúc
bấy giờ, Thế Tôn bèn đi đến chỗ có nhiều Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, rồi trình
bày rõ với các Tỉ-kheo về sự việc trên. Nói xong, Phật bảo các Tỉ-kheo:
"Cho Tỉ-kheo này pháp Tự-ngôn Tì-ni để dập tắt (việc ấy).Vì sao vậy? Vì
giá như đời sau có ác Tỉ-kheo hủy báng Tỉ-kheo thanh tịnh rồi Tỉ-kheo thanh
tịnh không được pháp Tự-ngôn-trị, liền bị đuổi đi". Thế rồi, Phật bảo với
các Tỉ-kheo: "Có 8 việc phi pháp khi cho pháp Tự-ngôn Tì-ni. Tám pháp đó
là gì? Ðó là: 1- Hỏi tội nặng (quan trọng) mà đáp tội nhẹ, song tội nhẹ ấy lại
không thật, đó gọi là cho pháp Tự-ngôn-trị phi pháp; 2- Hỏi tội nhẹ mà đáp tội
nặng; 3- Hỏi tội có dư tàn mà đáp không có dư tàn; 4- Hỏi tội không có dư tàn
mà đáp có dư tàn; 5- Hỏi tội nhẹ mà đáp tội nhẹ; 6- Hỏi tội nặng mà đáp tội
nặng; 7- Hỏi tội có dư tàn mà đáp có dư tàn; 8- Hỏi tội không có dư tàn mà đáp
tội không có dư tàn. Nhưng tất cả đều không nói thật tội, đó gọi là phi pháp
trao cho Tự-ngôn-trị.
Trái
lại có 8 điều như pháp khi trao cho Tự-ngôn-trị. Tám điều đó là gì? Ðó là: 1-
Hỏi tội nặng mà đáp tội nhẹ, nhưng thật có tội nhẹ nên đáp tội nhẹ; đó gọi là
như pháp trao cho Tự-ngôi-trị; 2- Hỏi tội nhẹ mà đáp tội nặng; 3- Hỏi tội có dư
tàn mà đáp tội không có dư tàn; 4- Hỏi tội không có dư tàn mà đáp tội có dư
tàn; 5- Hỏi tội nặng mà đáp tội nặng; 6- Hỏi tội nhẹ mà đáp tội nhẹ; 7- Hỏi tội
có dư tàn mà đáp tội có dư tàn; 8- Hỏi tội không có dư tàn mà đáp tội không có
dư tàn. Như vậy tất cả đều nói thật.
Ðó
gọi là 8 điều như pháp trao cho Tự-ngôn-trị.
Bấy
giờ, tôn giả A-nan đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi bạch với Phật:
"Bạch Thế Tôn! Trong luật gọi là Tự-ngôn Tì-ni để dập tắt tranh cãi, vậy
thế nào là Tự-ngôn Tì-ni để dập tắt tranh cãi?"
Phật
nói với A-nan: "Nếu Tỉ-kheo với Tỉ-kheo moi móc tội lỗi của nhau, hoặc
[333b] Ba-la-di cho đến tội Việt-tì-ni, này A-nan, lúc ấy nên cấp tốc tập họp
Tăng, khi tập họp Tăng rồi, phải căn cứ kinh, luật, lời Phật dạy, tùy theo sự
thực của Tỉ-kheo này mà cho pháp Tự-ngôn Tì-ni để dập tắt tranh cãi. Như vậy đó
A-nan, nếu sau khi như pháp, như luật, như lời Thế Tôn dạy, dùng Tự-ngôn Tì-ni
để dập tắt tranh cãi rồi mà có Tỉ-kheo khách cho đến (những người khác) làm
phát sinh (sự tranh cãi) trở lại, thì phạm tội Ba-dạ-đề. Ðó gọi là dùng Tự ngôn
tì ni để dập tắt sự tranh cãi.
5-
Mích-tội-tướng Tì-ni:
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, trưởng lão Thi-lợi-da-bà thường phạm tội
Tăng-già-bà-thi-sa, nên Tăng chúng tập họp định làm pháp Yết-ma thì
Thi-lợi-da-bà không đến. Tăng bèn sai sứ giả đi gọi. Sứ giả đến nói:
"Trưởng lão, Tăng chúng đang tập họp, định làm Yết-ma".
Thi-lợi-da-bà
suy nghĩ: "Chính là vì ta mà làm Yết-ma vậy", nên tâm sinh sợ hãi,
bất đắc dĩ phải đến.
Các
Tỉ-kheo hỏi: "Trưởng lão phạm Tăng-già-bà-thi-sa phải không?"
Thầy
đáp: "Phạm".
Thế
rồi, tâm Thầy sinh hoan hỉ, suy nghĩ: "Các vị phạm hạnh nêu tội mà có thể
sám hối, chứ không phải không thể sữa trị". Nghĩ thế, Thầy liền bạch với
chúng Tăng: "Cho phép tôi ra ngoài một lát".
Sau
đó, các Tỉ-kheo bàn nhau: "Tỉ-kheo này khinh suất, là người không quả
quyết, ra ngoài rồi, lát nữa thế nào cũng nói dối. Chúng ta phải hỏi ông 3 lần
để xác định cho thật chắc rồi mới làm Yết-ma".
Thi-lợi-da-bà
ra ngoài rồi, suy nghĩ: "Vì sao ta lại nhận tội này? Các Tỉ kheo thường
trị tội ta, nay ta không nên nhận tội".
Thế
rồi, các Tỉ-kheo liền gọi Thi-lợi-da-bà vào. Khi vào rồi họ hỏi Thầy: "Có
thật ông phạm Tăng-già-bà-thi-sa không?"
Thầy
đáp: "Không phạm".
Các
Tỉ-kheo hỏi: ‘Vì sao vừa rồi ở giữa Tăng ông nhận tội, giờ lại nói không phạm?"
Thi-lợi-da-bà
nói: "Tôi không nhớ việc ấy".
Các
Tỉ-kheo liền đem việc ấy đến bạch với Phật. Phật bèn bảo gọi Thi-lợi-da-bà đến.
Khi Thầy đến rồi, Phật liền đem việc đó hỏi kỹ Thi-lợi-da-bà: "Ông có việc
đó thật chăng?"
Thầy
đáp: "Có thật như vậy".
Phật
liền nói với các Tỉ-kheo: "Thi-lợi-da-bà này ở giữa chúng Tăng, thấy tội
lại nói không thấy, rồi bảo rằng: "Tôi không nhớ". Vậy Tăng phải trao
cho ông pháp Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Người làm Yết-ma nên
nói như sau:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo Thi-lợi-da-bà ở giữa Tăng, thấy tội thì nói là
không thấy, không thấy lại nói có thấy, rồi tự bảo: "Tôi không nhớ".
Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nên cho Thi-lợi-da-bà Tỉ- kheo pháp
Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt (việc ấy). Ðây là lời tác bạch.
[333c]
Ðại-đức Tăng xin lắng nghe! Tỉ-kheo Thi-lợi-da-bà ở giữa Tăng, thấy tội thì bảo
là không thấy, không thấy lại nói thấy, rồi tự nói: "Tôi không nhớ".
Nay Tăng cho Tỉ-kheo Thi-lợi-da-bà pháp Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt (việc
ấy). Các Ðại-đức nào bằng lòng cho Tỉ-kheo Thi-lợi-da-bà pháp Mích-tội-tướng
Tì-ni để dập tắt (việc ấy) thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Ðây là lần
Yết-ma thứ nhất. (lần thứ 2, thứ 3 cũng nói như thế).
Tăng
đã bằng lòng cho Tỉ-kheo Thi-lợi-da-bà pháp Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt
(việc ấy), vì Tăng im lặng. Vậy việc ấy cứ như thế mà thi hành".
Thế
rồi Phật nói với các Tỉ-kheo: "Khi Tăng đã cho pháp Yết-ma Mích-tội-tướng
Tì-ni cho Tỉ-kheo ấy xong rồi, thì Tỉ-kheo ấy phải chấp hành 8 pháp suốt đời.
Tám pháp đó là gì? Ðó là: 1- Không được độ người (xuất gia); 2- Không được cho người
thọ giới cụ túc; 3- Không được cho người y chỉ; 4- Không được nhận Tăng mời
theo thứ tự; 5- Không được làm sứ giả cho Tăng; 6- Không được làm người thuyết
pháp cho chúng Tăng; 7- Không được làm người tụng giới cho chúng Tăng; 8- không
được làm người Bố-tát Yết-ma cho chúng Tăng. Khi Tăng làm Yết-ma rồi, Tỉ-kheo
này suốt đời không được bỏ (pháp Yết-ma ấy). Ðó gọi là 8 pháp".
Bấy
giờ, tôn giả A-nan, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi bạch với
Phật: "Bạch Thế Tôn! Trong luật nói về pháp Mích-tội-tướng Tì-ni, vậy thế
nào gọi là Mích-tội-tướng Tì-ni?"
Phật
nói với A-nan: "Nếu có Tỉ-kheo nào ở giữa Tăng, thấy tội mà nói không
thấy, không thấy lại nói thấy, rồi tự nói: "Tôi không nhớ", tỏ thái
độ khinh mạn, thì phải tức tốc tập họp Tăng. Khi tập họp Tăng rồi, căn cứ vào
kinh, luật và tùy theo sự thật của Tỉ-kheo ấy mà cho pháp Mích-tội-tướng Tì-ni
để dập tắt (việc ấy). Sau khi xong việc, Tăng nên nói với Tỉ-kheo ấy:
"Trưởng lão, Ông chẳng được lợi ích gì! Vì sao ở giữa Tăng, thấy tội mà
nói không thấy, không thấy lại nói có thấy, rồi tự bảo: "Tôi không
nhớ?" Vì Ông đã nói những lời ấy ở giữa Tăng, nên Tăng cho ông pháp Yết-ma
Mích-tội-tướng". Như vậy đó A-nan, đó là như pháp, như luật, như lời Thế
Tôn dạy mà cho pháp Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt sự tranh cãi. Sau đó, nếu
Tỉ-kheo khách hay người nào làm phát sinh sự tranh cãi trở lại, thì phạm
Ba-dạ-đề. Ðó gọi là dùng Mích-tội-tướng Tì-ni để dập tắt sự tranh cãi về tội
phạm".
Sự
tranh cãi về lời nói phải dùng 3 pháp Tì-ni để dập tắt, trước đã nói về hiện
tiền Tì-ni rồi.
6-
Ða-mích Tì-ni diệt tướng ngôn tránh
Khi
Phật an trú tại Câu-diệm-di, thành Xá-vệ, bấy giờ có 2 hội chúng, mỗi hội chúng
đều có một Thầy (thủ lãnh). Vị lãnh tụ hội chúng thứ nhất tên Thanh Luận, vị
lãnh tụ hội chúng thứ 2 tên Thiện Thích. Thanh Luận có một đệ tử tùy tùng tên
Bạc Khẩu. Thiện Thích có một đệ tử tùy tùng tên Ðiếm Bạch. Vị Lãnh tụ thứ nhất
[334a] có đệ tử y chỉ tên Ðầu Ðầu Già. Vị Lãnh tụ thứ 2 có đệ tử y chỉ tên Trá
Già. Vị thứ nhất có đệ tử Ưu-bà-tắc tên Ðầu-ma. Vị thứ 2 có đệ tử Ưu-bà-tắc tên
Vô Yên. Vị thứ nhất có đàn việt là Ưu-đà-già. Vị thứ 2 có đàn việt là cư sĩ Cừ
Sư La. Vị thứ nhất có đệ tử Ưu-bà-di là phu nhân Xá-di. Vị thứ 2 có đệ tử
Ưu-bà-di là Ma-kiền-đề-nữ, tên A-nậu-ba-ma. Vị thứ nhất có đệ tử thanh y ở hậu
cung tên Tần-đầu-ma-ra. Vị thứ 2 có đệ tử thanh y ở hậu cung tên Ba-đà-ma-ra.
Mỗi người đều có 500 Tỉ-kheo, 500 Tỉ-kheo-ni, 500 Ưu-bà-tắc, 500 Ưu-bà-di.
Vị
lãnh tụ thứ nhất khi đi cầu xong, định dội nước, thì thấy trong nước có trùng,
liền lấy cỏ để trên thạp nước làm dấu. Người đệ tử y chỉ của vị lãnh tụ thứ 2,
sau đó vào cầu tiêu, trông thấy trên thạp nước có cỏ, liền nói: "Kẻ nào mà
không biết hổ thẹn, đem cỏ bỏ trên thạp đựng nước!"
Người
đệ tử tùy tùng của vị lãnh tụ thứ nhất nghe lời nói ấy, liền nói với người đó:
"Vì sao ngươi dám bêu rêu tên của Hòa-thượng ta, bảo là kẻ không biết hổ
thẹn?"
Do sự
kiện này mà 4 chúng đệ tử của 2 Hội chúng sinh ra tranh cãi dữ dội. Bấy giờ,
khắp thành phố Câu-diệm-di đều nghe có tiếng tranh cãi, cả trong ngoài thành
đều vang dội kinh động, chẳng khác gì vua chim cánh vàng vào biển bắt rồng,
khiến cho nước nổi sóng cuồn cuộn. Sự tranh cãi nổi lên ồn ào chỉ xung quanh
việc cỏ hay không phải cỏ. Vì các Tỉ-kheo đấu tranh nhau, nên cùng sống chung
một trú xứ mà không hòa hợp. Họ nói, nào là đúng pháp, phi pháp; đúng luật, phi
luật; tội nặng, tội nhẹ; tội có thể sữa trị, tội không thể sữa trị; Yết-ma đúng
pháp, Yết-ma phi pháp; Yết-ma có hòa hợp, Yết-ma không hòa hợp; việc nên làm,
việc không nên làm .v.v.
Lúc
bấy giờ, tại trú xứ có một Tỉ-kheo nói như sau: "Này các Ðại-đức, đó là
việc phi pháp, phi luật, không phù hợp với kinh, không phù hợp với luật, không
phù hợp với luận, trái với kinh, luật, luận, chỉ khởi lên những sự ô nhiễm,
phiền não. Những gì tôi biết mới là đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy,
phù hợp với kinh, luật, luận, như thế sẽ không sinh ra nhiễm ô, phiền
não". Rồi Thầy tiếp: "Này các Ðại-đức, tôi không thể dập tắt được sự
tranh cãi này, tôi sẽ đến thành Xá-vệ, tới chỗ Thế Tôn, hỏi về cách dập tắt sự
tranh cãi này". Thế rồi, Thầy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật,
đứng qua một bên, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo tại
Câu-diệm-di đấu tranh nhau, cãi vã nhau, cùng sống một trú xứ mà không hòa hợp,
... (cho đến) con không thể dập tắt được sự tranh cãi, nên con phải đến thưa
với Thế Tôn về việc dập tắt sự tranh cãi này. Kính xin [334b] Thế Tôn vì các
Tỉ-kheo mà dập tắt sự tranh cãi này".
Khi
ấy, Phật bảo Ưu-ba-li: "Ông hãy đến chỗ các Tỉ-kheo tại Câu-diệm-di, căn
cứ theo pháp, luật, theo lời Phật dạy mà cho họ pháp Mích-tội Tì-ni để dập tắt
sự tranh cãi ấy, như cách giải quyết sự việc mà các người họ Thích và các người
Ly Xa đã áp dụng. Nếu sự việc không thể giải quyết nhanh được thì cũng phải cho
pháp Ða-mích Tì-ni để dập tắt. Này Ưu-ba-li, sự tranh cãi khởi lên từ 3 chỗ:
"Hoặc một người, hoặc nhiều người, hoặc chúng Tăng". Do đó, cũng phải
xả tại 3 chỗ, lấy tại 3 chỗ và diệt tại 3 chỗ. Này Ưu-ba-li, ông hãy đến chỗ
các Tỉ-kheo tại Câu-diệm-di, như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà dập tắt sự
tranh cãi ấy theo nguyên tắc Ða-mích Tì-ni như trường hợp Hiện-tiền Tì-ni đã
nói rõ ở trên, (cho đến) nếu tâm Tỉ-kheo ấy nhu nhuyến thì Tăng nên biểu quyết
theo đa số. Tỉ-kheo nào hội đủ 5 pháp thì Tăng nên làm Yết-ma cử người ấy làm
người xử đoán. Thế nào là 5 pháp? Ðó là:
1-
không thiên vị; 2- Không sân hận; 3- Không sợ hãi; 4- Không si ám; 5- Biết ai
rút thẻ rồi, ai chưa rút thẻ.
Người
làm Yết-ma nên nói như sau:
"Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp có thể vì chúng Tăng làm
người đưa thẻ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hãy cử Tỉ-kheo mỗ
giáp làm người đưa thẻ. Ðây là lời tác bạch.
Xin
Ðại-đức Tăng lắng nghe! Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu 5 pháp, nay Tăng cử Tỉ-kheo
mỗ giáp làm người đưa thẻ. Các Ðại-đức nào bằng lòng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm
người đưa thẻ thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.
Tăng
đã bằng lòng cử Tỉ-kheo mỗ giáp làm người đưa thẻ xong. Vì Tăng bằng lòng nên
im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành".
Sau
khi Yết-ma xong, Tỉ-kheo này phải làm 2 loại thẻ: Một loại màu đen và một loại
màu trắng, không được xướng rằng: "Phi pháp lấy thẻ đen, như pháp lấy thẻ
trắng", mà nên xướng thế sí "Ai nói thế này thì lấy thẻ đen, ai nói
thế này thì lấy thẻ trắng".
Người
đưa thẻ khi đưa thẻ phải tập trung tâm ý vào 5 pháp kể trên rồi mới đưa thẻ;
không nên làm bạn với những kẻ không như pháp, mà nên làm bạn với những kẻ như
pháp. Khi đưa thẻ xong đem đếm, nếu thấy phe phi pháp nhiều hơn chừng một thẻ,
thì không nên xướng: "Những người phi pháp nhiều, những người như pháp
ít", mà nên tạo phương tiện giải tán. Nếu thời điểm bữa ăn trước đã đến
thì nên xướng lệnh: "Bữa ăn trước". Nếu thời điểm bữa ăn sau đã đến,
thì nên xướng lệnh: "Bữa ăn sau". Nếu thời điểm tắm rửa đến, thì nên
xướng lệnh: "Tắm rửa". Nếu thời điểm thuyết pháp đến, thì nên xướng
lệnh: "Thời điểm thuyết pháp đã đến". Nếu giờ tụng luật đã đến thì
nên xướng: "Giờ tụng luật đã đến".
Nếu
phe phi pháp biết được (sự tình) bèn nói rằng: "Chúng tôi thắng lợi mà vì
sao lại giải tán? Giờ đây chúng tôi không đứng dậy, phải giải quyết việc ấy dứt
khoát ngay tại chỗ ngồi này", thì lúc ấy nếu bên cạnh tinh xá có một ngôi
nhà nhỏ không có côn trùng, nên sai tịnh nhân phóng hỏa đốt, rồi hô hoán:
"Lửa cháy, lửa cháy", liền đứng dậy chạy đi chữa lửa. Hoặc biết tại
trú xứ gần đó có Tỉ kheo như pháp, thì nên đi kêu gọi: "Vừa rồi có phát
thẻ vừa xong, nhưng những người phi pháp thì nhiều mà những người như pháp thì
ít, trưởng lão hãy vì Phật pháp mà đến đó làm sao cho những người lấy thẻ như
pháp thì nhiều, để cho Phật pháp được tăng trưởng, về phần Trưởng lão cũng được
lợi ích, công đức".
Nếu
người ấy nghe lời yêu cầu này mà không đến, thì phạm tội Việt-tì-ni. Trái lại,
nếu Thầy ấy đến thì phải phát thẻ trở lại. Khi phát thẻ xong bèn đem đếm, nếu
thấy thẻ trắng nhiều hơn một cái, thì không nên xướng: "Nhiều hơn một
cái", mà nên xướng rằng: "Những người nói như thế này nhiều, những
người nói như thế kia ít". Xướng như thế rồi, nên theo phe đa số.
Nếu
hội đủ 5 pháp sau đây thì sự phát thẻ thành ra phi pháp. Năm pháp đó là gì? Ðó
là:
1-
Những người nói như pháp thì ít mà những người nói phi pháp thì nhiều; 2- Những
người nói như pháp không nhất trí, những người nói phi pháp nhất trí; 3- Phi
pháp nói là đúng pháp, đúng pháp nói là phi pháp; 4- Do việc phát thẻ này mà
gây ra phá Tăng.; 5- Tăng chia rẽ nhau.
Ðó
gọi là 5 điều phi phái. Trái lại 5 điều trên thì gọi là sự phát thẻ đúng pháp.
Bấy
giờ tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn! Trong luật dùng Ða-mích Tì-ni để dập tắt (tranh cãi). Vậy
thế nào gọi là dùng Ða-mích Tì-ni để dập tắt (tranh cãi)?"
Phật
nói với A-nan: "Nếu các Tỉ-kheo đối với kinh, luật, oai nghi mà nói rằng:
"Ðiều này là tội, là chẳng phải tội; là tội nhẹ, là tội nặng; là tội có
thể trị phạt, là tội không thể trị phạt; là tội có dư tàn, là tội không có dư
tàn; do đó mà sinh ra cãi vã lẫn nhau, thì lúc ấy phải cấp tốc tập họp Tăng,
căn cứ theo pháp, luật, lời Phật dạy và tùy theo sự thật mà dập tắt ngay việc
ấy. Nếu không thể giải quyết được, mà nghe ở một trú xứ nào đó có vị trưởng lão
Tỉ-kheo tụng kinh, tụng luật, tụng luận, hoặc một Tỉ kheo thiếu niên, tụng
kinh, tụng luật, tụng luận, thì phải nhanh chóng đến đó vấn kế, hoặc mời về,
rồi tùy theo Tỉ-kheo ấy chỉ vẽ mà trao cho pháp Ða-mích Tì-ni để dập tắt sự
tranh cãi. Này A-nan, nếu sau khi dập tắt việc ấy rồi mà có Tỉ-kheo khách ...,
cho đến Tỉ-kheo mới thọ giới, làm phát khởi (sự tranh cãi) trở lại, thì phạm
Ba-dạ-đề. Ðó gọi là Tướng-ngôn-tránh dùng Ða-mích Tì-ni để dập tắt.
7-
Như thảo bố địa Tì-ni diệt tướng ngôn tránh:
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ các Tỉ-kheo ở Câu-diệm-di tranh cãi nhau,
cùng sống một trú xứ mà không hòa hợp. Họ nói nào là pháp, phi pháp, luật phi
luật.... cho đến Tôn-giả Ưu-ba-ly nói với Tỉ-kheo ấy (vị sứ giả): "Này
Trưởng lão, tôi đến đó rồi, sẽ làm các pháp Yết-ma [335a] để trừng trị, trục
xuất các Ông. Khi ấy các Ông chớ có buồn".
Thế
rồi Tỉ-kheo sứ giả nói: "Tôi muốn ra ngoài một lát". Khi ra ngoài
rồi, ông ta suy nghĩ: "Nếu ta theo tôn giả Ưu-ba-li trở về, thì ông ấy có
thể trị tội chúng ta, chi bằng giờ đây ta trở về Câu-diệm-di một mình, cùng
nhau dập tắt sự tranh cãi ấy". Nghĩ thế rồi, Thầy trở về Câu-diệm-di,
nhưng chung cục vẫn không dập tắt được sự tranh cãi, bèn thưa (với vị Thượng
Tọa trong trú xứ): "Trưởng lão, bản thân tôi không thể dập tắt được sự
tranh cãi này, nay tôi phải trở lại thành Xá-vệ để cầu viện dập tắt sự tranh
cãi". Nói thế rồi, Thầy liền đi đến thành Xá-vệ, tới chỗ tôn giả Ưu-ba-li,
thưa như sau: ‘Lành thay Tôn-giả, hãy vì các Tỉ-kheo ở Câu-diệm-di mà dập tắt sự
tranh cãi".
Ưu-ba-li
bèn nói với Tỉ-kheo ấy: "Như tôi đã nói với Ông trước đây, tùy theo sự
việc ở đó mà tôi sẽ làm các pháp Yết-ma để trị phạt, lúc ấy Ông đừng buồn. Tôi
sẽ theo ông mà đi".
Tỉ-kheo
ấy đáp: "Tôi không dám trái lệnh nữa".
Ưu-ba-li
nói: "Hãy trở lại nơi ấy để dập tắt, chớ làm rối loạn Tăng chúng ở
đây".
Thế
rồi Tỉ-kheo sứ giả của Câu-diệm-di liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới
chân, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Các Tỉ-kheo ở Câu-diệm-di cùng sống
một trú xứ mà không hòa hợp, họ cãi vã nhau. Kính xin Thế Tôn hãy dập tắt sự
tranh cãi ấy".
Phật
liền nói với Tỉ-kheo Câu-diệm-di ấy: "Các Ông chớ có đấu tranh cãi vã với
nhau, cùng sống một trú xứ mà không hòa hợp. Vì sao vậy? Vì trong thời quá khứ
xa xưa có thành phố tên Ca-tì-la, nhà vua tên Bà-la-môn Ðạt-đa .v.v., như trong
kinh Bổn-sinh Trường Thọ Vương đã nói rõ.. Họ bị nước mất nhà tan như vậy, thế
mà Thái Tử Trường Sinh không trả thù cha, lại còn giải hòa với kẻ thù, không
sinh ác tâm. Nay vì sao các ông đã có lòng tin, xuất gia sống trong chánh pháp
mà còn phẫn nộ, tranh cãi, cùng sống một trú sứ mà bất hòa?". Thế rồi,
Phật bảo Ưu-ba-li: "Ông hãy đến chỗ các Tỉ-kheo ở Câu-diệm-di, căn cứ theo
pháp, theo luật, theo lời Phật dạy mà trao cho họ pháp Như-thảo-bố-địa Tì-ni để
dập tắt sự tranh cãi ấy. Này Ưu Ba Li, Sự tranh cãi do 3 chỗ khởi lên, 3 chỗ
thủ, 3 chỗ xả và 3 chỗ diệt. Giá như sự tranh cãi ấy có tính cách lặt vặt thì
cùng với Ưu-bà-tắc giải quyết. Trái lại, nếu sự tranh cãi có tính cách trầm
trọng, thì nên khuyên nhủ Ưu-bà-tắc ra khỏi giới trường, rồi tùy theo sự thật
của Tỉ-kheo ấy, căn cứ theo pháp, luật mà làm pháp Như thảo bố địa Tì-ni để dập
tắt".
Phật
lại nói với Ưu-ba-li: "Nếu Vị Hạ tọa có lỗi lầm, thì nên đến chỗ Thượng
Tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, nói như sau: "Thưa trưởng lão, tôi đã làm
điều phi pháp, xâm phạm trưởng lão, có lỗi. Nay tôi sám hối, không dám tái
phạm". Khi ấy Thượng Tọa nên dùng tay xoa đầu (vị đó), đưa tay đỡ dậy ôm
vào lòng và nói: "Tuệ mạng (hiền giả) tôi cũng có lỗi, xin Thầy hãy tha thứ".
[335b]
Trái lại, nếu Thượng Tọa có lỗi, thì nên đến chỗ Hạ tọa, cầm tay nói: "Tôi
đã làm điều phi pháp, có lỗi, nay xin sám hối với Thầy, không làm như vậy
nữa". Lúc ấy, Hạ tọa nên đứng dậy đảnh lễ chân thượng tọa, rồi cũng sám
hối như trên.
Bấy
giờ tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch:
"Bạch Thế Tôn! Trong luật gọi Bố thảo Tì-ni, thế nào là Bố thảo Tì-ni?"
Phật
nói với A-nan: "Nếu có sự tranh cãi khởi lên trong các Tỉ-kheo, khiến cho
cùng sống một trú xứ mà bất hòa, rồi 2 bộ chúng không chịu nhịn nhau, sinh ra
ác tâm, cãi nhau, bên nào cũng nói những lời không phù hợp với Phật pháp. Này
A-nan, lúc ấy phải cấp tốc tập họp Tăng, căn cứ vào pháp luật, rồi một vị có đủ
đức hạnh thuộc một bộ chúng, biết việc, hiểu rõ nhân duyên, có biện tài, thông
hiểu pháp, không khiếp nhược, tán thán công đức hòa hợp chúng Tăng. Rồi Vị này
rời khỏi chỗ ngồi, trật vai áo phải, quỳ gối, chấp tay, hướng về Bộ chúng thứ
2, nói như sau: "Này các Ðại-đức, vì sao chúng ta đã có lòng tin, xuất
gia, cùng sống trong một chánh pháp mà tranh cãi nhau, khiến cho cùng sống
chung mà bất hòa, hai bộ chúng không nhường nhịn nhau, người nào cũng sinh ra
ác tâm, lời qua tiếng lại, không tùy thuận pháp, việc không hay đã khởi lên.
Tất cả đều do không khéo tư duy mà đến như thế, khiến cho hiện đời này sống
khốn khổ, đời sau đọa vào ác đạo. Này các Ðại-đức, chúng ta ai nấy nên bỏ sự
tranh cãi này, như rải cỏ trên đất. Nay tôi hướng đến các Trưởng lão sám hối,
mỗi người nên nguôi giận, hòa hợp cùng sống chung".
Này
A-nan, nếu Bộ chúng thứ 2 tất cả đều im lặng, tỏ sự đồng ý, thì một vị có đức
hạnh, thông minh, biện tài thuộc bộ chúng này, liền đứng dậy sám hối. Cách sám
hối cũng như trên đã nói. Này A-nan, nếu có sự tranh cãi khởi lên trong Tăng
như vậy, thì phải cấp tốc tập họp Tăng, căn cứ vào pháp, luật mà dập tắt sự
tranh cãi ấy, như dùng cỏ rải trên đất. Này A-nan, tất cả mọi sự tranh cãi như
đánh nhau, tát nhau, lôi ra khỏi phòng, đại loại như vậy, hoặc nói 2 lưỡi, vu
khống vô căn cứ .v.v. Các tội như vậy, đều nên dùng nguyên tắc như rải cỏ trên
đất dập tắt . Khi đã dùng phương pháp như rải cỏ tên đất để dập tắt rồi, mà có
Tỉ-kheo khách, thậm chí Tỉ-kheo mới thọ giới làm phát sinh trở lại, thì phạm
Ba-dạ-đề.
Tóm
lại, những việc làm của chúng Tăng đều như pháp thực hiện, như pháp tập họp,
như pháp giải trừ, như pháp xả bỏ, như pháp ban cho, nói chung, những việc làm
của các Tỉ-kheo đệ tử Thế Tôn có vô lượng phương tiện như vậy, đều nên áp dụng
bảy diệt tránh để dập tắt mọi sự tranh cãi. Ðó gọi là những việc thường làm.
Thế nên nói (như trên).
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Tôn-giả Ưu-đà-di đến
giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, tới một nhà
kia [335c] Thầy bèn thuyết pháp cho nhiều phụ nữ. Lúc ấy, tôn giả A-nan cũng
tuần tự khất thực, đến gia đình ấy, thấy thế, liền hỏi: "Trưởng lão đang
làm gì đấy?"
Ưu-đà-di
đáp: "Tôi thuyết pháp cho các phụ nữ này".
Tôn
giả A-na liền nói với Ưu-đà-di: "Vì sao đã nhân danh là Tỉ-kheo, trong lúc
không có người nam hiểu biết, chỉ có một mình thuyết pháp cho phụ nữ?"
Sau
khi A-nan khất thực về, ăn xong, bèn đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ chân
Phật, rồi đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu-đà-di
đến. Sau khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi: "Ông có làm việc đó thật không?"
Thầy
đáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn".
Phật
khiển trách: "Ðó là việc xấu. Vì sao trong lúc không có đàn ông hiểu biết mà
ông thuyết pháp cho phụ nữ? Từ nay về sau, ta không cho phép (Tỉ-kheo), trong
lúc không có đàn ông hiểu biết, mà thuyết pháp cho phụ nữ".
Lại
nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ưu
-đà-di đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đến
một nhà kia, liền thuyết pháp cho nhiều phụ nữ nghe. Lúc ấy, tôn giả A-nan cũng
tuần tự khất thực, đến ngay nhà đó, trông thấy thế, bèn hỏi:
-
Trưởng lão đang làm gì đấy?
-
Ðang thuyết pháp cho các phụ nữ.
- Trưởng
lão không nghe Thế Tôn nói rằng không có đàn ông thì không được thuyết pháp cho
phụ nữ sao?
- Này
A-nan, ông không thấy người đá này, người gỗ này, người cỏ này, người họa này
sao? Một người cũng đủ, huống chi nhiều người?.
Tôn
giả A-nan sau khi khất thực trở về, ăn xong, bèn đem sự kiện ấy bạch đầy đủ lên
Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu-đà-di đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:
"Ông có thật như vậy chăng?"
Thầy
đáp: "Có thật như vậy"
Phật
nói: "Này Ưu-đà-di , vì sao ông lại tự xem mình như người đàn ông vô tâm,
trong sạch mà thuyết pháp cho phụ nữ? Từ nay về sau, ta không cho phép Tỉ-kheo
tự xem mình như người đàn ông vô tâm, trong sạch mà thuyết pháp cho phụ
nữ".
Lại
nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Lúc ấy Ưu-đà-di đến
giờ khất thực, liền khoác y, cầm bát đi vào thành Xá-vệ..., cho đến đáp tôn giả
A-nan: "Ông không thấy đứa trẻ được bồng trên tay kia, đứa trẻ đang bú,
đứa trẻ đang nằm hay sao? Một người cũng đủ, huống chi nhiều người".
Tôn
giả A-nan sau khi khất thực trở về, ăn xong, bèn đem sự kiện ấy bạch đầy đủ lên
Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu - đà- di đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:
"Ông có điều đó thật chăng?"
Thầy
đáp: "Có thật như vậy".
Phật
nói: "Này Ưu-đà-di , vì sao ông lại tự ví mình trong sạch như đứa trẻ con
mà thuyết pháp cho phụ nữ? Từ nay về sau, các Tỉ-kheo không được tự xem mình
như đứa bé đang bú mà thuyết pháp cho phụ nữ".
[336a]
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tì-xá-khư
Lộc-mẫu bị bệnh. Do đó, tôn giả A-nan sáng sớm khoác y đi đến đó thăm bệnh,
hỏi: "Ưu-bà-di, bệnh tình thế nào? Có khổ não lắm không?"
Bà
đáp: "Bệnh tình không thuyên giảm, không thể chịu nổi, xin Tôn-giả hãy
thuyết pháp cho con nghe".
A-nan
đáp: "Ðức Thế Tôn không cho phép Tỉ-kheo không có tịnh nhân mà thuyết pháp
cho phụ nữ".
- Nếu
không được nói nhiều, thì có thể nói cho con chừng 5, 6 lời được không?".
- Tôi
không biết có được hay không, nên không dám tự tiện nói.
- Xin
cảm ơn Thầy.
- Cầu
mong bệnh tật chóng hết.
Tôn
giả A-nan nói xong, bèn từ giã, trở về chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi
đứng hầu một bên. Phật biết mà vẫn hỏi: "A-nan, ông từ đâu trở về?"
A-nan
bèn đem sự kiện trên bạch đầy đủ với Phật, Phật liền nói với A-nan:
"Tì-xá-khư Lộc-mẫu là người trí tuệ. Nếu ông nói 5, 6 lời thì bệnh bà ấy
liền bớt, được sống an lạc. Từ nay về sau, ta cho phép (Tỉ-kheo) khi không có
đàn ông, được thuyết pháp cho phụ nữ 5, 6 lời".
Thế
rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp
lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải
nghe lại:
--
"Nếu Tỉ-kheo, không có tịnh nhân mà thuyết pháp cho phụ nữ quá 5, 6 lời
thì phạm Ba-dạ-đề, ngoại trừ trường hợp có đàn ông hiểu biết tham dự".
Giải
thích:
- Không
có đàn ông hiểu biết: Nếu người đó mù, hoặc điếc thì cũng được xem là
không có tịnh nhân. Nếu có 2 người mà một mù, một điếc, thì được xem là một
tịnh nhân. Nhưng có tịnh nhân đang nằm ngủ thì cũng được xem là không có đàn
ông.
- Phụ
nữ: Những người ấy hoặc là mẹ, chị em, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc tại
gia, xuất gia.
- Pháp:
Những điều Phật nói, hoặc được Phật ấn chứng. Những điều Phật nói nghĩa
là chính miệng Phật tự nói ra. Phật ấn chứng nghĩa là những điều do đệ tử Phật
hoặc người khác nói, rồi Phật chuẩn nhận.
- Nói:
Dạy, đọc tụng, hoặc giải thích.
- Năm,
sáu lời: Gồm có 2 loại câu dài và câu ngắn. Câu dài như "Tất cả
việc ác chớ làm". Câu ngắn như "Mắt là vô thường".
-
Ngoại trừ có người đàn ông hiểu biết: Nếu trẻ em dưới 7 tuổi không hiểu được ý nghĩa của lời nói
tốt, xấu thì không thể gọi là đàn ông hiểu biết. Nhưng nếu hơn 7 tuổi mà không
hiểu được ý nghĩa của lời nói tốt xấu thì cũng gọi là người đàn ông vô tri.
Trái lại, nếu 7 tuổi hoặc hơn 7 tuổi mà hiểu được ý nghĩa của lời nói tốt xấu,
thì gọi là người đàn ông hiểu biết.
Lại
nữa, nếu có phụ nữ sáng sớm đến lễ tháp, rồi sang đảnh lễ Tỉ-kheo, [336b] bạch
rằng: "Thưa Tôn-giả, tôi muốn nghe pháp, xin Tôn-giả thuyết pháp cho tôi
nghe", thì khi ấy, Tỉ-kheo được nói một câu rưỡi kệ. Thế rồi, Tỉ-kheo ấy
đi vào thôn xóm, nếu lại nói 5,6 lời nữa cho người phụ nữ ấy thì phạm Ba-dạ-đề.
Sở dĩ đức Thế Tôn chế ra giới nói 5,6 lời, là nói về số lượng lời nói trong một
ngày.
Nếu
Tỉ-kheo sống tại A-luyện-nhã mà có phụ nữ đến lễ tháp, rồi sang đảnh lễ
Tỉ-kheo, bạch rằng: "Thưa Tôn-giả, xin Tôn-giả thuyết pháp cho tôi
nghe", thì Tỉ-kheo nên nói với phụ nữ ấy rằng: "Ðức Thế Tôn chế giới,
không có tịnh nhân, thì không được thuyết pháp cho phụ nữ". Thế rồi, người
phụ nữ ấy bạch với Tỉ-kheo: "Tôi biết Phật pháp, vậy xin hãy nói cho tôi
nghe trong mức độ mà Thế Tôn cho phép", thì khi ấy Tỉ-kheo được nói với
phụ nữ ấy một câu kệ rưỡi. Nếu 2 người thì được nói 3 câu kệ, không có tội.
Nếu
Tỉ-kheo vào xóm làng để giáo hóa, rồi có nhiều phụ nữ đến muốn nghe pháp, thì
mỗi mỗi được nói 6 câu. Trước hết, nên nói với phụ nữ thứ nhất: "Tôi nói
cho cô 6 câu", rồi nói với phụ nữ thứ 2: "Tôi nói cho cô 6 câu".
Như vậy thì nói cho nhiều người vẫn không có tội. Thế rồi, Tỉ-kheo từ giã, các
phụ nữ liền đảnh lễ dưới chân Tỉ-kheo để tiễn biệt. Nếu khi ấy, Tỉ-kheo chú
nguyện: "Mong cho cô nhanh chóng chấm dứt khổ đau", thì phạm
Ba-dạ-đề. Nhưng nếu nói: "Mong cho cô không đau ốm, được sống an
lạc", thì không có tội.
Tỉ-kheo
rời khỏi nhà ấy liền đến nhà khác thuyết pháp, rồi người phụ nữ trước đó bèn đi
theo, đứng ở bên ngoài nghe, thấy thế, Tỉ-kheo hỏi: "Cô cũng đi theo nghe
sao?". Cô ta đáp: "Vâng". Nếu Tỉ-kheo nói: "Cô đã thâm tín,
ưa thích pháp như vậy, thì có thể nghe", thì phạm tội Ba-dạ-đề. Trái lại,
tuy thấy người phụ nữ ấy mà không hỏi chỉ lo thuyết pháp cho các phụ nữ khác,
thì dù phụ nữ ấy nghe pháp Tỉ-kheo cũng không có tội.
Nếu
Tỉ-kheo thuyết pháp cho phụ nữ trong khi không có tịnh nhân ngồi trong phòng
nghe pháp, nhưng có người giúp việc đi qua lại, vào ra, hoặc có người ở bên
ngoài , trên gác dưới gác nghe thấy được nhau, thì không có tội.
Nếu
nhà của người thế tục hướng về mặt đường, Tỉ-kheo ở trong đó thuyết pháp cho
phụ nữ, dù không có tịnh nhân, nhưng người đi trên đường không dứt, họ đều có
thể nghe thấy được, thì cũng không có tội. Trái lại, nếu người đi trên đường
gián đoạn, không nghe thấy được, thì không nên thuyết.
Nếu
có phụ nữ đến lễ tháp, rồi tới bạch với Tỉ-kheo: "Thưa Tôn-giả, đây là
tháp gì vậy? Xin nói cho tôi biết tên chỗ này". Khi ấy, Tỉ-kheo được phép
nói: "Ðó là tháp chỗ (Phật) đãn sinh, tháp chỗ Phật đắc đạo, tháp chỗ Phật
Chuyển pháp luân, tháp chỗ Phật Niết-bàn", tùy họ hỏi việc gì, đều được
phép trả lời, mà không có tội.
-
Có 4 loại tịnh nhân:
Hoặc thấy mà không nghe, hoặc nghe mà không thấy, hoặc vừa thấy vừa nghe, hoặc
chẳng thấy chẳng nghe.
[336c]
- Thấy mà không nghe: Mắt trông thấy Tỉ-kheo với phụ nữ mà không
nghe tiếng nói. (cũng tương tự như vậy đối với 3 trường hợp kia). Trong trường
hợp này (Tỉ-kheo) phạm tội Việt-tì-ni. Nghe mà không thấy cũng như vậy. Không
thấy, không nghe thì phạm Ba-dạ-đề. Vừa thấy vừa nghe thì không có tội. Thế nên
nói (như trên).
Khi
Phật an trú tại thành Khoáng Dã, nói rộng như trên. Bấy giờ có Thầy Tỉ-kheo
quản sự dạy nhiều đồng tử (nhi đồng) đọc từng câu, từng câu Ba-la-da-na (?).
Khi nghe thế, một Bà-la-môn suy nghĩ: "Nơi nào mà có pháp thuần thiện thù
thắng như thế! Ta nên đến đó xin xuất gia". Suy nghĩ thế rồi, ông bèn đi
đến tinh xá Khoáng dã, định xin xuất gia, nhưng thấy Tỉ-kheo dạy các đồng tử
đọc tụng, giống như âm thanh đọc tụng của các em học sinh trong các trường học,
nên ông suy nghĩ: "Nay ta muốn cầu pháp thù thắng, theo họ xuất gia, thế
mà nghe giọng đọc ê, a ở đây giống như giọng đọc của các em học sinh trong các
trường học, lại không thể nhận ra ai là Thầy, ai là học trò".
Thấy
vậy, nên ông sinh tâm không kính tín, do đó cũng không yết kiến Phật, mà trở về
nhà, không xuất gia nữa.
Các
Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi
Tỉ-kheo quản sự đến. Khi Thầy đến rồi, Phật hỏi: "Ông có thật như vậy
chăng?".
Thầy
đáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn".
Phật
liền khiển trách: "Ðó là việc xấu. Vì sao ông dạy người chưa thọ giới cụ
túc tụng cú pháp? Từ nay về sau ta không cho phép Tỉ-kheo dạy người chưa thọ
giới cụ túc tụng cú pháp". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang
sống tại thành khoáng Dã phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho
các Ðà-phiêu-ma-la-tử , dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--
"Nếu Tỉ-kheo dạy người chưa thọ giới cụ túc đọc cú pháp thì phạm
Ba-dạ-đề".
Giải
thích:
- Người
chưa thọ giới cụ túc: Chưa trở thành Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni; tuy
Tỉ-kheo-ni đã thọ giới cụ túc nhưng cũng không được dạy.
- Cú:
Cùng đọc tụng từng câu chữ, câu chữ.
- Pháp:
Những gì do Phật nói, do Phật ấn chứng. Những gì do Phật nói nghĩa là do Phật
tự nói ra. Những gì do Phật ấn chứng nghĩa là những điều do đệ tử thanh văn và
những người khác nói được Phật chuẩn nhận, chẳng hạn các pháp thiện cho đến
Niết-bàn. Ðó gọi là pháp.
- Dạy:
Vì họ mà nói, chỉ dạy bằng lời.
Nếu
Tỉ-kheo dạy người chưa thọ giới cụ túc đọc câu "Mắt là vô thường",
rồi một lần đọc lên, một lần lập lại và một lần gián đoạn, mà Thầy trò cùng đọc
vui vẻ, lưu loát, thì phạm Ba-dạ-đề. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, 18 giới,
5 ấm, 6 giới, cho đến các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã cũng như vậy.
[337a]
Nếu Tỉ-kheo dạy đệ tử đồng hành, đệ tử y chỉ các loại kinh như kinh
Ba-la-da-na, kinh Luận nạn, kinh A nậu đạt trì, kinh Duyên giác ..., mà đệ tử
cùng đọc lên, cùng lập lại, cùng gián đoạn, thì Thầy nên bảo đệ tử như sau:
"Ngươi đợi ta đọc dứt câu rồi ngươi mới đọc". Nếu dạy như vậy mà đệ
tử không vâng lời, thì không nên dạy nữa. Nếu đệ tử nói: "Xin Thầy dạy cho
con kinh khác", thì lúc ấy, Thầy nên bảo: "Nếu ngươi không đọc theo
ta, thì ta sẽ dạy ngươi tiếp". Ðối với các đệ tử như vậy, cho đến các
Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, gặp trường hợp như thế, cũng không được dạy.
Nếu
các Tỉ-kheo cùng tụng kinh, thì Thượng tọa nên tụng, còn Hạ tọa nên chú tâm im
lặng theo dõi. Nếu Thượng Tọa tụng không lưu loát, thì Hạ tọa nên tụng, còn
Thượng tọa, nên chú tâm âm thầm tụng theo, cho đến Ưu-bà-di cũng như vậy.
Khi
trong Tăng chúng cùng xướng đọc kệ, thì (mọi người) không được cùng đọc một bài
kệ, mà lúc ấy mỗi người nên đọc một bài kệ khác nhau (?). Thế nên nói (như
trên).
Khi
Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên, cũng như trong giới vọng ngữ
thứ tư đã nói rõ nhân duyên các sự việc, chỗ khác nhau là ở đây nói thật, cho
đến chỗ Phật nói với các Tỉ-kheo: "Ðó là việc xấu, ví như dâm nữ bán nhan
sắc để tự nuôi sống. Các ông cũng vậy, dùng pháp chân thật vi diệu để nói với
người, thì chẳng khác gì dâm nữ vì miệng, bụng mà bán nhan sắc để nuôi mạng
sống". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá-vệ
phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ- kheo, dù ai nghe
rồi cũng phải nghe lại:
--
"Nếu Tỉ-kheo tự xưng mình đã được pháp hơn người, rằng: "Tôi biết như
vậy, thấy như vậy", dù đó là nói thật, cũng phạm tội Ba-dạ-đề".
Giải
thích:
- Tự
xưng được pháp hơn người: Pháp hơn người như trước đã nói. Nếu tự nói:
"Tôi được pháp trí chăng?", thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối.
Nếu nói: "Tôi được pháp trí", thì phạm tội việt-tì-ni. Nếu nói:
"Tôi đã chứng đắc pháp trí", thì phạm Ba-dạ-đề, từng câu, từng câu
như trên đã nói rõ, cho đến nói thật về 10 pháp vô học, thì phạm Ba-da-đề.
Nếu
Tỉ-kheo nói với người nữ: "Các Tỉ-kheo an cư tại chỗ kia đều chẳng phải là
phàm phu", thì phạm tội Việt- tì-ni tâm niệm sám hối. Nếu họ hỏi:
"Tôn giả cũng ở trong đó chăng?", rồi đáp: "Cũng ở trong
đó", thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu Ưu-bà-di hỏi: "Tôn giả cũng được
pháp ấy chăng?", rồi đáp: "Ðược", thì dù là nói thật, cũng phạm
Ba-dạ-đề.
Nếu
Tỉ-kheo nói với Ưu-bà-di: "Tỉ-kheo tự tứ tại chỗ kia chẳng phải phàm phu,
đều là A-la-hán", thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Nếu Ưu-bà-di
hỏi: "[337b]Tôn giả cũng tự tứ tại đó chăng?", rồi đáp: "Ðúng
vậy", thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu lại hỏi: "Tôn giả cũng đắc quả
A-la-hán chăng?", mà đáp: "Ðắc", thì dù cho nói thật cũng phạm
tội Ba-dạ-đề.
Nếu
Tỉ-kheo nói: "Tỉ kheo Thắng-lí ở nơi kia thường đến nhà của vua, nhà của
Ðại thần, nhà của trưởng giả, nhà cư sĩ, nhà của ngươi và nhà bà con ngươi dạy
kinh, Thầy ấy đi, đứng, nằm, ngồi như vậy, ăn thức ăn như vậy(đắc quả
A-la-hán)"Thì cũng như vậy (tức là phạm Ba-dạ-đề).
Nếu
dùng lời nói ở trung tâm đất nước mà nói với người ở biên thùy, hoặc dùng lời
nói của biên thùy mà nói với người ở trung tâm đất nước, hoặc dùng lời nói ở
trung tâm đất nước nói với người ở trung tâm đất nước, hoặc dùng lời nói ở biên
thùy, nói với người ở biên thùy, nếu nói nghĩa mà không nói ẩn ý, thì phạm tội
Việt-tì-ni. Nếu nói ẩn ý mà không nói nghĩa, thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám
hối. Nếu nói nghĩa và nói cả ẩn ý thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu không nói nghĩa
cũng không nói ẩn ý thì không có tội. Nếu viết ra chữ, dùng tay ra dấu, biểu
thị nghĩa mà không biểu thị ẩn ý, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu biểu thị ẩn ý mà
không biểu thị nghĩa, thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Nếu biểu thị
nghĩa và biểu thị ẩn ý, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu không biểu thị nghĩa,
không biểu thị ẩn ý, thì không có tội. Cuối cùng cho đến hiện tướng A-la-hán,
thì phạm tội Việt-tì-ni tâm niệm sám hối. Thế nên nói (như trên).
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ mười ba.
-ooOoo-
Đầu
trang
| 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
updated: 15-03-3002