BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo

Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

 

Nội dung

Lời giới thiệu: Nhân sĩ Tống Hồ Cầm
Lời nói đầu: Tỳ kheo Thích Thiện Minh

01. Vì sao tôi theo Ðạo Phật
02. Nghệ nhân Kim Cúc
03. Thư gửi người nữ tu sĩ trẻ
04. Trao đổi mấy chuyện đời thường
05. Yên tử nơi dấu chân xưa
06. Người nông dân tinh khiết
07. Người pháp lữ nơi thiền viện
08. Hoa Phượng, cây bút tài hoa
09. Sân khấu dân tộc: Những yêu cầu bức xúc
10. Cảm bút cuối năm: Những người Thầy
11. Cho tròn chữ hiếu

12. Tản mạn về Ðạo
13. Lá thư bạn đạo
14. Trao đổi với các bạn trẻ
15. Miên man gió trời
16. Cư trần lạc đạo phú
17. Tinh thần Phật giáo trong sân khấu dân tộc và các nước Ðông Nam Á
18. Hạt bụi thiêng
19. Trái tim tình người
20. Hơi thở thiền trong nghệ thuật
21. Cảm nghĩ người xa quê khi xem "Những thước phim đời"
22. Tôi đi tìm tôi

-ooOoo-

Lời giới thiệu
Nghệ sĩ Bạch Tuyết với Ðạo Phật

Bạch Tuyết là một nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật cổ nhạc nói chung, và giao hưởng đến giai âm giai điệu ca ngâm với Phật giáo nói riêng. Tên tuổi của Bạch Tuyết đã thực thụ đi vào lòng khán giả, thính giả hâm mộ từ nhiều năm qua và mãi mãi đến nay.

Tuy nhiên đều đáng nói ở Bạch Tuyết là một nghệ sĩ cần mẫn, không ngừng trau luyện nghề nghiệp mình đã chọn. Mặc dù ở tuổi không còn trẻ, cô vẫn thiết tha về mặt học hỏi. Cô học đời, học đạo. Về mặt đạo đức, cô dành thời gian thực tập thiền định mỗi ngày. Có lẽ, chính vì thế, mà phong cách sống của cô vừa bình dị vừa sâu lắng, thanh thản.

Ngoài ra Bạch Tuyết còn là một cộng tác viên thân gần, tâm đắc của báo Giác Ngộ. Những bài viết của cô là chất xúc tác, làm cho nhiều người hâm mộ cô quay về với đời sống đạo đức theo tư tưởng ứng dụng của đạo Phật, gần gũi nhất với bạn đọc phụ nữ.

Chúng tôi không ngần ngại viết về Bạch Tuyết như một người Phật tử thuần thành, sống nỗ lực xây dựng tình người dưới ánh sáng diệu dụng của đạo Phật. Bạch Tuyết là một nghệ sĩ Phật tử chánh tín, mà với lòng mến mộ, chúng tôi tự thấy cần có đôi lời giới thiệu với bạn đọc gần xa.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30-3-2001
Nhân sĩ TỐNG HỒ CẦM
Phó Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ
Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM

-ooOoo-

Lời nói đầu

An Giang là một tỉnh thành của miền Nam Việt Nam có thiên nhiên và địa lý rất đẹp: sơn thủy hữu tình, vườn trái xanh tươi, cánh đồng bao la, sông ngòi, kinh rạch giàu cá tôm. Xưa kia từng là một trung tâm văn hóa Óc eo rực sáng trên bầu trời phương Ðông.

Có lẽ nhờ đất trời ưu đãi cho vùng đất này nên thời gian qua vùng đất Long Xuyên, Châu Ðốc đã xuất hiện nhiều tài năng văn nghệ có tầm cỡ trong nước lẫn ngoài nước đều biết đến. Về nhà văn có Anh Ðức, Nguyễn quang Sáng, Mai văn Tạo, Lê văn Thảo; về nhà thơ có Viễn Phương; về nhạc sĩ có Hoàng Hiệp, Phan Nhân và giáo sư âm nhạc Trần Tấn Lộc; về nghệ sĩ sân khấu có Ngọc Bạch, Thẩm Thúy Hoằng, Bạch Tuyết v.v... Quả thật đây là niềm hãnh diện của Thất Sơn và dòng sông Cửu Long, sơn thủy ở đây chắc chắn không hổ thẹn đã tạo nên hình hài của từng nghệ sĩ có phong cách sáng tạo vượt thời gian lẫn không gian.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết tuổi thơ mồ côi mẹ hiền. Năm 16 tuổi bắt đầu bước vào con đường sân khấu nghệ thuật. Từ trước năm 1975 và đến tận ngày hôm nay tên tuổi Bạch Tuyết mãi mãi đi vào lòng của dân tộc và thậm chí lan tỏa trên thế giới, bằng khả năng ca hát, đạo diễn, sáng tác, hội họa, từ thiện xã hội...

Có thể nói, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết là một con người tài sắc vẹn toàn. Nghệ thuật, tình yêu và danh vọng của cô đã đạt đến đỉnh cao.Về nghệ sĩ, cả vùng Ðông Nam Á này, cô là người duy nhất đổ Tiến sĩ Nghệ thuật học tại viện Hàn lâm Hoàng gia Anh Quốc. Mặc dù cuộc đời của cô có lúc thăng trầm theo sự biến thiên của dòng đời, nhưng bản chất của cô vẫn vui vẻ, hiền hòa, thảnh thơi, nhân từ, siêng năng, cầu tiến và có một trái tim rất tình người.

Ðiều đáng nói ở đây, cô đãâ đạt đến đỉnh cao con đường danh vọng nhưng cô đã khai phóng thêm một lối đi nữa mà những nghệ sĩ khác khó làm được. Ðó là con đường tìm đến một người cha tinh thần muôn thuở. Ai có ngờ một nghệ sĩ như vậy từng ngồi tụng kinh, tham thiền và nghiên cứu triết lý Phật giáo nhiều năm qua. Cô đã hai lần trở về cội nguồn thăm lại dấu vết người cha tinh thần đó trên vùng đất Ấn Ðộ, tuy những thánh địa đó bị thời gian và ngoại đạo tàn phá nhưng trái đất vẫn còn ôm ấp hình hài, bầu trời vẫn còn chở che linh khí những di tích ngàn năm lịch sử. Chuyến đi đó giúp ích niềm tin Phật pháp của cô rất nhiều, cô cảm nhận người cha đó là người cha lịch sử chứ không phải là người cha tôn giáo.

Cảm động về nghệ sĩ Bạch Tuyết là chúng tôi nhìn tận mắt và cảm nhận tận đáy lòng trong thời gian 360 giờ đồng hồ, cùng cô nghiên cứu và học thiền Quán Tứ niệm xứ trên vùng đất Phật giáo Miến Ðiện. Ðời nghệ sĩ bận rộn và dính mắc lắm sự nhưng cô thu xếp được thời gian quý báu đến Trung tâm Thiền Shee Oo Min học pháp hành, ở đây người phương Tây và phương Ðông đến học thiền rất đông. Ở Trung tâm Thiền, mỗi ngày cô vừa thiền tọa và thiền hành đúng 18 tiếng đồng hồ theo quy định của nội quy, ngày ăn một buổi ngọ, không ăn phi thời. Những ngày giờ cô thực tập thiền ở đây hoàn toàn giống như bậc xuất gia, không dính mắc công việc, gác bỏ chuyện đời thường, trọn vẹn sống trong hiện tại, tâm tư tỉnh thức và chánh niệm.

Ðiểm lôi cuốn là nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ món ăn tinh thần này đến chư Phật tử mà cô hơn hai mươi năm kinh nghiệm, bằng cách tham gia cộng tác với tòa soạn báo Giác Ngộ, phụ trách mục Lá Thư Bạn Ðạo, trả lời những thắc mắc về đạo Phật cho độc giả Phật tử, đồng thời giới thiệu nhiều bài viết về đạo Phật của mình cho Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

Ðược biết những bài viết của nghệ sĩ đã được giới Phật giáo rất ái mộ và trân trọng, đặc biệt nhiều Phật tử nhờ đó đã chuyển hóa đời sống nội tâm rất nhiều.

Nhận thấy lợi ích trên, chúng tôi xin phép cô để biên tập lại những bài viết của nghệ sĩ in thành sách để phổ biến trọn vẹn tư tưởng Phật giáo mà Bạch Tuyết đã thực hiện trong thời gian qua và được cô hoan hỷ.

Hy vọng những bài viết trong quyển sách nhỏ này sẽ là cam lộ thủy và là người bạn tâm linh cho những người con Phật đang bước vào ngưỡng cửa chánh pháp.

Kỳ Viên Tự, ngày 5-4-2001
Tỳ kheo Thiện Minh

-ooOoo-

Ðầu trang | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001