BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[09]

Sân khấu dân tộc: Những yêu cầu bức xúc

-ooOoo-

Gần đây sân khấu ta, nói đúng hơn là một số vở diễn của ta tỏ ra thích thú với cái xấu, cái ác, cái phi nhân bản ... có vở đã diễn tả con người như súc vật hoặc con vật muốn thành người thì trước hết hãy làm điều súc vật nhất trong con người, diễn tả hành động xấu, hành động ác, con người xấu, con người ác bất chấp cả sự thật, cả chân lý, cả sự hợp lý tối thiểu của chi tiết, tình tiết văn học, kịch... Tôn trọng sự thật mặc dù đó là sự thật đớn đau, kinh khủng, thậm chí tàn nhẫn và rùng rợn vẫn có khả năng giữ cho kịch, cho sân khấu không sa vào vũng bùn của một sân khấu phi nhân bản..." (Tạp chí Sân Khấu số 178/96 Hội NSSK VN). "... Sân khấu chạy theo hàng chợ đã vứt bỏ đi những giá trị đích thực của mình..." (Tạp chí Sân Khấu 191/3/98)...

Còn nhiều và rất nhiều những ý kiến, những nhận định khách quan, khoa học của người trong cũng như ngoài giới về sự khủng hoảng khán giả của sân khấu dân tộc trong hiện tại với các nguyên nhân khác nhau. Có nên chăng những người trong nghề cần được tạo những cơ hội để sân khấu tự nhìn lại mình.

Một vở diễn từ khi nằm trên bàn viết của tác giả cho đến ngày đầu tiên ra mắt khán giả phải tuần tự đi qua những khâu như đọc, cắt, sửa, duyệt, tập quanh bàn, tập trên sàn, y phục, trang trí mỹ thuật, âm thanh ánh sáng..v.v... Khi mọi việc tương đối hoàn chỉnh cho đêm ra mắt, còn qua một lần hoặc và ba lần xem lại với sự góp ý về nội dung chủ đề tư tưởng, về chuyên môn trước khi đêm trình làng. Tuy nhiên chịu khó xem từ đầu đến cuối những vở diễn gần dây chúng ta đễ dàng nhận ra những chệch choạc, non kém, tắc trách đúng ra không nên có ở những vở diễn mang tính chuyên nghiệp.

Về tác phẩm, chúng ta thấy sự thiếu vắng hơi thở nóng bỏng của thời đại trong thể hiện nội dung, chủ đề ... Sự lặp lại một cách lười biếng, cẩu thả trong cách viết ở một số vở, nghèo nàn chất văn học, ngôn từ cho mỗi tính cách nhân vật, người xem không thể phân biệt đâu là ngôn phong, cách xử sự của người bình thường, nhà lãnh đạo, vị anh hùng, người bán bia ôm, một nhà giáo... Sự thiếu thông hiểu âm nhạc truyền thống đưa đến cách xử lý lý thô triển những bài bản kinh điển của nhạc tài tử vốn là cái cốt tủy làm nên giá trị tuyệt vời cho sân khấu ca kịch, việc đặt bài ca không đúng tình huống khiến diễn viên ngượng ngùng trong diễn xuất, tiết tấu kịch bị chậm chạp, rời rã, người xem chán ngán mệt mỏi, bực mình như không thể tự lý giải. Vở diễn trở nên quê mùa, thô nhám, kém giá trị trước con mắt người xem, diễn viên xuất hiện trước công chúng mang dáng dấp của những con rối hành động và ca hát theo một số công thức quen thuộc mà chẳng để lại dấu ấn nào. Sự thiếu đầu tư của diễn viên dành cho mỗi nhân vật của mình đã chừng mực nào đó phơi bày ý nghĩa trần trụi của lòng tự trọng bị vơi đi trước cơn bão kinh tế thị trường - cụm từ rất quen thuộc được dùng trong nhiều trường hợp để biện minh cho những vở diễn mà báo SKTƯ gọi là hàng chợ. Nghệ thuật sân khấu dân tộc đã bị tổn thương trong con mắt của những thức giả, những khán giả chân chính từng yêu mến, trân trọng, nuôi dưỡng chăm sóc, nâng niu loại hình này, hàng chợ vẫn mãi mãi là những mảng đời thường không thể thiếu khi con người trong tất bật cuộc sống vì manh áo miếng cơm. Nhưng bên cạnh đó "... Ước mơ ngàn đời của con người về một xã hội, một thế giới không tồn tại cái ác, cái xấu, có thể là một ảo tưởng, nhưng vẫn là một tồn tại hiện thực trong dòng sống con người. Ít nhất mơ ước đó cũng làm cho con người muốn sống hơn, muốn đấu tranh hơn, một mặt làm cho con người càng người hơn, đẹp hơn..." (Tạp chí SKTƯ tháng 2/96).

Những người làm nghề chân chính bao giờ cũng mong muốn qua tác phẩm nghệ thuật, là tấm gương soi chân thật, trung thực mang đầy chất nhân văn, trình bày khát vọng tự thanh lọc để đi đến cái đẹp, cái hoàn thiện trong mỗi con người, điều mà Aristote đã từng nêu lên hai ngàn năm trước. Ðâu đây đã, đang có những tín hiệu mới cho sự hồi sinh cái đẹp, cái thiện, cái chân thật, trả về cho sân khấu những giá trị quý báu và cần thiết cho con người như nó đã từng. Ðiều đó không dễ nhưng không phải không làm được bằng tài năng và tấm lòng của người làm nghề cùng với quyết tâm nơi những người tự đặt cho mình trách nhiệm đối với công chúng đương thời, với nền văn hóa dân tộc trong quá khứ cũng như cho tương lai.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001