BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[01]

Vì sao tôi theo đạo Phật

-ooOoo-

Nhờ giáo lý đạo Phật tôi nhận ra cái nhân của sự khổ trước hết là do ái dục muốn thỏa mãn dục lạc, muốn mở rộng cái Ta, muốn phá hoại điều mình không thích. Sự hiện diện của ái dục diễn ra trong mọi sinh hoạt của con người trên trái đất, trải rộng ra nhiều phạm vi từ văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị cho đến cả tôn giáo. Khi đã nhận ra cái nhân thì việc tiêu diệt dần cái quả khổ không phải là điều không thể làm. Và tôi thường lấy bản thân minh để làm những cuộc thí nghiệm. Có lúc thành công, có khi thất bại; nhưng cho dù ở vào thời điểm thất bại thảm thê tôi vẫn nhận được những kinh nghiệm vô cùng quý báu, rằng cứ cho đi càng nhiều thì càng bớt tham, cứ vui và tha thứ khoan dung người thì sự giận hờn đương nhiên tan biến. Ðể diệt trừ si mê tôi thường ngồi hàng giờ quan sát một đóa hoa sắp tàn, một người đang trong cơn hấp hối, quang cảnh một ngôi làng, một căn nhà sau cơn bão lụt, tôi ngắm bức ảnh một ngôi làng, một căn nhà sau cơn bão lụt, tôi ngắm bức ảnh quảng cáo đứa bé bụ bẫm bên cạnh hộp sữa và cùng lúc tôi nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt của người già... Tôi thấy hết những hình ảnh đó trong tôi và đồng thời tôi thấy trong tôi tất cả những hình ảnh đó, cả một dòng sinh diệt đến đi, hiện ra rồi dần dần tan biến, có không, không có, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Tôi thấy luân hồi đang diễn ra trước mắt tôi, ngay trong tôi. Không cần phải đợi thấy ở kiếp nào...

Giáo lý của đức Phật còn chỉ cho tôi thấy những niềm vui ảo, gọi là ảo vì nó chỉ đến, ở lại trong chốc lát rồi ra đi thật bất ngờ không báo trước. Khiến người nhận được chưa vui trọn đã nước mắt ràn rụa vì đau khổ mất mát... Có thể lấy ví dụ chàng trai trẻ sinh lực dồi dào mừng rỡ khi vừa ra trường với điểm cao, nhưng lại buồn vì thân phận nghèo. Mấy ngày sau đó chàng trai này bỗng vui vẻ khi nhận được công việc làm với số thu nhập cao. Chàng trai tập trung làm việc thật siêng năng, thời gian sau chàng hớn hở thoải mái trên chiếc xe thật đẹp, thật mới và tiếp theo đó chàng được thăng tiến trong công việc, thay đổi cương vị quan trọng hơn, nhà cửa lớn đẹp, vợ con xinh xắn... Một hôm nào đó tình cờ gặp lại trên phố đông người, mất một lúc sau mới nhận ra người quen cũ. Chàng trai ngày nào giờ đang mang dáng hình tiều tụy, đôi mắt sâu quầng thâm sậm với vài nếp nhăn mờ chung quanh, đâu đó phảng phất cái nhìn mệt mỏi ẩn dưới hai hàng mi ... Hỏi ra mới biết rằng có sự thay bậc đổi ngôi ở chỗ làm biến anh thành người thất nghiệp, lần lượt tiếp theo khu nhà anh ở bị hỏa hoạn, người vợ vì quá lo sợ đã suy yếu thần kinh đang nằm bệnh viện, đứa con trai duy nhất không được chăm sóc, thiếu sự âu yếm nồng nàn đầm ấm của gia đình đã rơi vào bẫy rập cuộc đời trở thành đứa nghiện trắng! ... Câu chuyện là một ví dụ cho ta cảm nhận, rờ đụng, nhìn thấy sự luân hồi vẫn đang tuôn chảy triền miên trong ta, trong người, ngày đêm sáng tối... Khi chúng ta thấy chúng ta nhỏ, có nghĩa là chúng ta đang lớn; khi chúng ta thấy chúng ta lớn, có nghĩa là chúng ta đang già, đang đi đến sự hoại diệt. Sự đời cũng vậy, đến như mây, đi như gió. Mây tròn thì đẹp mây đục thì mưa, gió nhẹ cho mát ẻm gió mạnh gây bão tố cuồng phong... Dự báo thời tiết không kịp cho chúng ta biết để có thể đề phòng thiên tai bão lụt, sụp đất, hay núi lửa..., bộc phác bất thần. Bởi mọi hiểu biết đều có hạn định. Như vậy có phải đúng như lời đức Phật dạy, rằng cái sinh, già, bệnh, chết quấn quýt kiếp người, lôi kéo ta đi trong vòng trầm luân của sắc, thọ, tưởng, hành, thức; cái được gọi là quy luật của muôn đời. Chẳng khác nào như con trâu bị mắc sợi dây nơi lỗ mũi... cái còn, mất, được, thua, giàu, nghèo, vinh, nhục giống như hình ảnh con trâu luẩn quẩn trồi lên hụp xuống bởi sự ràng buộc của sợi dây quái ác mãi mãi u mê tăm tối lầm lũi đi trong sáu đường.

Bạn thân mến,

Tôi quyết tâm đến với đạo Phật là đến với ánh sáng tri thức, ánh sáng trí tuệ, truy tìm cái nhân khổ nào đưa đến quả khổ, học cách làm thế nào diệt khổ trên đường đi đến sự giác ngộ. Giải thoát chính mình ngay nỗi khổ của mình nơi giờ phút mình đang sống, đang còn hơi thở, nơi cái dòng sống đang chảy cuồn cuộn hết tối đến sáng, hết đêm tới ngày. Giáo lý của đức Phật dạy chúng ta sống và chuyển đổi nghiệp lực của chúng ta. Tự tạo cho chúng ta cuộc sống an lạc thanh bình ngay trong hiện tại bằng chính tri thức, trí tuệ mà chúng ta thu lượm, tích lũy từ nhiều nguồn tri thức của nhân loại trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Chúng ta cố gắng nhẫn nại kiên trì học theo tám cái chánh nơi giáo lý của đức Phật gồm : hiểu biết đúng đắn sự thật của cuộc đời, tấm lòng từ bi hỷ xả, nói lời chân thật hòa ái, hành động tốt lành ích lợi cho mình cho người, nuôi sống thân mạng với nghề nghiệp lương thiện, siêng năng trong chiều hướng tiến bộ tu dưỡng bản thân, nhắc nhở ta rằng con người cũng như sự vật không hề có cái ta biệt lập.

Bạn TÐT quý mến,

Ngày còn nhỏ, đạo Phật trong tôi thật vô cùng đơn giản, đó là việc đi chùa với hoa quả trà nhang, quỳ trước chánh điện cầu bình an gia đình, gia quyến, gia tộc... Cầu siêu tịnh độ cho Cữu huyền Thất tổ. Sau nầy khi có chút hiểu biết, có điều kiện tìm hiểu kinh sách, nghe quí Thầy giảng, đọc và tham khảo nhiều nguồn tri thức khác của nhân loại từ trong quá khứ cũng như hiện tại ... Tôi cảm thấy phần nào an tâm khi nương nhờ giáo lý của đức Phật trên con đường đi tìm sự thật nơi con người đang hiện hữu và vũ trụ đang hiện hữu. Ðạo Phật trong nhận biết của tôi không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường mà là phương pháp, là con đường đưa đến sự giác ngộ, sự thể nhập chơn lý qua tri thức và hành động thực tiển. Tôi kính thờ đức Phật, tập sống theo giáo lý vi diệu của đức Phật, tìm đến và nương theo sự hướng dẫn ở các bậc tu hành chân chính, quan sát, học hỏi nơi các vị Thiện tri thức, các bạn đạo, nơi các vị không cùng chung Chánh kiến, nơi những người thương tôi, những người mang nặng thành kiến với tôi ... hầu gom góp bổ sung cho vốn tri thức hạn hẹp của mình. Ðâu đâu tôi cũng nhận được những bài học quí báu khó tìm thấy trong sách vở nhà trường.

Bạn thân mến,

Tôi tin rằng mình đang nuôi lý tưởng giác ngộ và luôn cố gắng tu tập hàng ngay bằng cách tôn trọng sự sống của người và mọi vật. Tôn trọng mọi giá trị vật chất lẫn tinh thần của người khác, giữ gìn hạnh phúc gia đình mình và tôn trọng hạnh phúc mọi gia đình. Tôn trọng sự thật, nghĩ điều thật, nói lời thật và làm bằng khả năng, bằng tấm lòng những điều xét thấy thật sự hữu ích cho đời. Không dùng những thức ăn hoặc thức uống nào làm cho tâm trí say loạn để tránh gây ra những hành động đáng tiếc trong lúc mất bình tĩnh và không còn giữ được sự sáng suốt. Tôi quan niệm đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn và tượng Phật là biểu trưng lý tưởng đó với đầy đủ từ bi, trí tuệ, hùng lực của chân, thiện, mỹ. Tôi kính lạy tượng Phật với lòng xúc động, biết ơn người "Lấy ngón tay chỉ mặt trăng" cho con người nhiều thế hệ sau đó có chỗ nương theo đi tìm đạo để rồi trong giây phút nào đó đầy đủ phước duyên gặp gỡ, tiếp xúc học hỏi hành trì... và hòa nhập vào chân lý, nhìn rõ "Bản lai diện mục" của chính mình. Ðiều nầy khác xa với việc quy lụy, sợ sệt trước những hình tượng được chính con người nặn ra, đặt lên bệ thờ, được tôn vinh như những vị thần linh có đầy đủ quyền năng ban phước lành hoặc giáng phạt mọi loài.

Tôi luôn luôn cố gắng nương Thầy nương bạn để tìm hiểu một cách tương đối chính chắn và thận trọng trong nhận định sao cho rõ ràng phân minh từ nơi những lời dạy của đức Phật, lời giảng của Thầy, Tổ. Luôn dành thời gian nhìn lại mình, nhìn lại dòng sống chung quanh mình để rồi phân tích, so sánh, đối chiếu cho đến khi nào nhận ra tính hợp lý, tính thuyết phục của vấn đề trước khi chấp nhận và áp dụng vào đời sống của chính mình trong quá trình suy nghĩ và hành động. Ðiều nầy được đức Phật khuyến khích. Quan trọng hơn nữa, mỗi khi đặt chân đến bất cứ ngôi chùa nào tôi cũng bày tỏ lòng yêu mến, sự kính trọng và biết ơn các vị Tăng, Ni. Nhìn thấy nơi cácvị là những người Thầy gương mẫu trong giảng truyền đạo Pháp, dìu dắt Phật tử cùng với các vị đi trên con đường giải toát; chứ không hề có ý nghĩ xem các vị như những người thay mặt Thượng đế, thay mặt đức Phật để tha tội hay ban phước cho chúng sinh.

Ðức Phật ngự trị trong tôi không phải là một vị thần linh. Ngài là một người thức tĩnh "Người thông đạt chân lý". Trong kinh Pháp cú đức Phật dạy rằng : "Các ngươi hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là người chỉ đường". Nói như Hòa thượng Thích Thanh Từ đã từng giảng cho chúng ta nghe, rằng đức Phật chỉ ra cho chúng ta nhận biết, thấy rõ sự thật bằng lời nói thật. Từ các Kinh, Luật và sau nầy là Luận, những nhà nghiên cứu, những bậc tu hành nhận ra cốt lõi của đạo Phật là đạo lý Duyên khởi qua bài kệ :

"Cái này có thì cái kia có
Cái này sanh thì cái kia sanh
Cái này không thì cái kia không
Cái này diệt thì cái kia diệt."
(Mn. III, 63)

Ðạo lý Duyên khởi nói rõ tương quan tương duyên của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý. Sự hiện hữu của vạn Pháp chỉ là tương quan đồng thời của nhận thức chủ quan và đối tượng khách quan. Mọi sự vật ngoài và trong ta vốn sinh diệt biến chuyển theo quy luật nhân quả vốn không hề tiêu diệt hoàn toàn mà là tương quan khác thời. Hiện tượng nầy nhà Phật gọi là Vô ngã, Có nghĩa là mọi vật không có bản thể độc lập, mà là tổng hợp của nhiều điều kiện; còn lý Vô thường có nghĩa là mọi vật luôn luôn thay đổi từ trạng thái nầy sang trạng thái khác. Lý lẽ rất thật của đức Phật hiển bày cho chúng ta thấy cuộc sống loài người cùng toàn thể vũ trụ vốn không chắc thật, thường hay thay đổi và vì bản chất bất ổn định, không hoàn toàn nên gây cho con người nhiều đau khổ. Từ nhận thức nầy đức Phật nhắc nhở chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống khổ đau thành cuộc sống an lành. Bằng tri thức, chúng ta nhận ra bản chất cái tạo nên sự khổ; cũng bằng tri thức, đức Phật dạy chúng ta diệt khổ.

Giữ gìn thân, miệng, ý và nhớ rõ các pháp lành, nhờ vào đó mà tĩnh tâm, ổn định tư tưởng, trau dồi trí tuệ, phục vụ chúng sanh. Luôn luôn ý thức và kiểm soát mọi động tác của thân, tâm trong mọi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, ngủ, thức...

Bạn T.Ð.T. quý mến,

Ðời riêng của tôi cũng đủ vui đủ buồn, đủ hạnh phúc lẫn khổ đau như đám đông thầm lặng ... đủ vinh đủ nhục đủ cay đắng ngọt ngào như mọi sinh vật bình thường trên trái đất. Nhờ học hỏi nơi giáo lý của đức Phật mà tôi dẹp được lòng tự kiêu căng ngã mạn khi nhận về mình những gì thế gian cho là được, là vinh, và không quá não lòng bi ai thống thiết than trách trời đất khi bị coi là mất, là nhục. Tôi đón nhận và biết ơn tất cả. Tôi đến chùa lễ Phật, tụng kinh, tu thiền và góp phần nhỏ bé xây dựng Giáo hội, gần gũi minh sư, đạo hữu, Tăng Ni học hỏi giáo lý và kinh nghiệm tu dưỡng. Tôi thờ Phật trong nhà để tự nhắc nhở mình, hình ảnh đức Phật với tinh thần bi, trí, dũng giúp tôi cố gắng liên tục, kiên trì, vượt mọi trở ngại trên đường giác ngộ giải thoát. Tôi tụng kinh để tự mình huân tập chân lý ý đạo, đưa vào trí não mình tri thức kinh nghiệm giác ngộ của đức Phật. Trong kinh Pháp Cú có dạy rằng : "Tụng trăm bài kệ vô nghĩa chẳng bằng tụng một lời đúng chánh pháp mà khi nghe người ta được an lành". (P.C 102)

Tôi tự mình sám hối, niệm Phật, hành thiền tùy lúc, tùy nơi, tùy thời, tùy chỗ, giữ gìn các điều tu học căn bản, gần gũi thầy hiền bạn sáng, ăn cơm rau uống nước lạnh, mặc đơn giản, ngồi đúng cách, noi gương các bậc Thiền sư nhờ thiền định mà sanh trí tuệ. Không phải vô tình hay bất chợt mà cha đẻ của thuyết tương đối, nhà bác học Einstein cho rằng : "Nếu có một tôn giáo nào thỏa mãn khoa học, thì tôn giáo đó là đạo Phật". Theo thuyết tương đối của ông, không bao giờ có thể nói đến không gian mà không nói đến thời gian và ngược lại. Cả hai đều có liên hệ thân mật và tạo thành một liên thể không - thời gian. Ðiều cách đây hơn 2.500 năm đức Phật đã giảng nói qua giáo lý vô cùng khoa học của Ngài. Theo đạo lý vô ngã : " ... Xã hội và tập thể không phải là những cấu trúc cứng nhắc, không biến đổi, mà chỉ có những giả hợp của nhiều yếu tố như nhân sự, kinh tế, chính trị ...". Do đó muốn sống cao đẹp thì phải sống theo tinh thần vô ngã, lợi tha. Sống vì mọi người, cố gắng sửa mình, giúp người, sao cho cuộc sống chung quanh mình nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn.

Bạn T.Ð.T thân quý,

Thật đã quá dài cho một lá thư nhưng cũng thật sự quá ngắn, quá đơn sơ khi nói về tính khoa học cũng như ý nghĩa thâm sâu, chân lý vi diệu trong giáo lý của đạo Phật; nhưng biết làm sao tôi đang học Phật, bạn đang học Phật, triệu triệu người trên thế giới, đã đang và sẽ học Phật. Cái hôm qua non yếu, hôm nay đang vững vàng và ngày mai sẽ hoại diệt ... Và cứ thế ... Tôi xúc động ngập lòng mỗi khi nhớ lời dạy của đức Phật trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bắt Khinh Bồ Tát : " ... Tôi là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành....". Kính xin các Thầy, Tổ, các bậc thiện tri thức hoan hỷ bỏ qua những thiếu sót chắc chắn phải có trong quá trình tu tập để mong trở thành người hữu dụng cho mình cho đời./.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001