BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[07]

Người pháp lữ nơi thiền viện

-ooOoo-

Tôi đã được tin cậy, tôi đã đọc thư cô, tôi cùng chung ý nghĩ với cô, làm con người được sinh ra trong đời có đủ vui, đủ buồn, đủ mưa, đủ nắng; và điều bất hạnh là mồ côi cha lẫn mẹ. Không được lớn lên trong vòng tay che chở của mẹ cha, không được bày tỏ, sẻ chia hạnh phúc lẫn đắng cay khi thành công, lúc thất bại trong đời, và nhất là không có cơ hội để báo đáp thâm ân sâu nặng như Tổ tiên bao đời truyền tụng.

Cái ân nghĩa mà mỗi người chúng ta trong đời nhận được một lần cho toàn thể. Nói như đùa nhưng mãi mãi là sự thật, thật như đá tảng, thật như nước nguồn : "Ðây là thứ viện trợ không hoàn lại". Bởi người cho không bao giờ đòi và người nhận không hề được biết trước khi nhận - khi thấy "có" tức là xong - cái sắc tướng hiển hiện cùng âm thanh tiếng khóc đòi bên mẹ.

Tôi cũng đồng ý với cô, người tu sĩ chân chính là người nhận ra những yếu tố tạo nên cái thân của mình, quan sát bên ngoài mình, bên trong mình biết được duyên, hiểu được nghiệp, cẩn trọng giữ mình.

Phật tử, người thọ giới Bồ Tát hay Tỳ kheo, Sa di luôn phát lòng từ, thường người, thương vật, mọi việc chu toàn nhưng không chứa chấp trong tâm. Tự mình tránh xa những hoàn cảnh dễ dãi, thuận tiện dẫn đến danh lợi, sắc dục, quán rượu, quan trường..., hằng ngày tâm tâm, niệm niệm; quý trọng chăm chút những niềm vui thiên vị bên thầy, bên huynh đệ; siêng học giáo lý gội rửa thân tâm. Hộ trì sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý sao cho sáu trần không lung lạc, không chuyển lay, tâm bi trí dũng. Nương vào đức hạnh, trí huệ của thiện tri thức, của bậc chân tu. Một mực kính trọng Tam bảo, nuôi dưỡng thiện căn của mình, giữ lòng dạ ngay thẳng trong sạch.

Nghe, hiểu, tin và thực hành chánh pháp, thấy được nguồn gốc của mọi đau khổ, phiền não của đời người trước những biến đổi triền miên sinh sinh, diệt diệt của muôn vật. Thấy niềm vui của ta trong niềm vui của mọi người, nỗi buồn của mọi người chính là nỗi buồn của ta. Trong cái mất có cái còn, cái mãi tin tưởng là còn đang trên đường hoại diệt.

Khi chưa được gần thiện tri thức, hiểu biết còn nông cạn, đôi khi mắt ta lướt qua cuộc đời chỉ như người khác lạ; buồn tẻ, chán chường, mệt mỏi thiếu vắng niềm tin, thờ ơ với mọi việc xảy ra chung quanh, miệt mài ăn uống ngủ nghỉ, trách móc, hận hờn, thị phi hơn thiệt..., làm vệ sinh..., tranh nhau áo lụa quần, là nhà cao tường rộng, đêm ngày sáng tối quanh quẩn, quẩn quanh.

Lúc gặp được Chánh pháp, tu tập ngày càng tinh tấn siêng năng, không lơ là giải đãi. Nhận rõ ràng nguồn gốc và bản chất của trí giác, cảm thọ, thấy được tự tính vô thường và duyên sinh của sự vật. Giới, định, huệ đầy đủ, tự biết nên nói gì, nghe gì, làm gì là cần, mang từng hơi thở sinh diệt mỗi sát na tạo duyên lành, phương tiện giúp người, đem những điều đã hiểu, đã hành dìu dắt, lý giải những ai muốn tự mình tìm đường giải thoát không cảm thấy đơn độc, bơ vơ lạc hướng sai đường. Từ đây, nhìn vô thường không giận, không vui, không lo, không sợ. Tâm an lạc khi quán sát mình, nhìn muôn vật. Ôi! Thì ra đang có một cái thân, từ sinh ra lớn lên cho đến khi già chết, dù mỗi ngày làm việc cật lực để nuôi dưỡng giữ gìn mà vẫn não lòng chạy theo quy luật: mắt ngày một mờ, tai ngày một lãng, thân ngày một mỏi, da ngày một nhăn, mỗi ngày một khô, má ngày một hóp, tóc ngày một trắng, rụng rơi dần theo từng tờ lịch, hơi thở ngày càng ngắn, trí não ngày một mờ mịt, quên trước nhớ sau...; chẳng cứu nỗi mình, hòng cứu được ai. Sinh tử uổng đời, luân hồi càng lụy! Ha! Ha!

Ðem hai chữ sống chết gắn ngay trước trán. Ta thương thân, quý thân, giữ thân mạnh khỏe, dùng thân này tu nhân tích đức, trí tuệ sáng suốt, tâm an định, để cùng người tay nối tay, chí nối chí thực hành những điều tốt đẹp phục vụ cho đời; quyết không chìu chuộng, không nuôi thân mập mạnh để sinh lòng dục, khiến ham muốn nổi lên, làm điều càn quấy, ý ác trỗi dậy, che mắt bịt tai, hại người hại vật.

"Từ nơi Phật tánh, bổn nguyện của mỗi người tu tập lần lần các cấp bực của Bồ Tát, tập chủng tánh, trưởng dưỡng tánh ... tu hành các pháp môn mà ngày càng phát sanh những thiện căn ...." (Kinh Phạm Võng lược giảng).

Ðến lúc nào giới đức, phước đức và huệ đầy đủ, ta không còn buồn cho thân phận mồ côi, ta chẳng những mang đến niềm vui, hạnh an lạc cho trẻ bất hạnh, người cùng khổ mà còn giải được nghiệp chướng oan bao đời, báo đáp công đức sinh thành, nhờ công lao tu chứng mà cửu huyền thất tổ đều được an vị cõi Trời, siêu sinh Tịnh độ.

Giống bồ đề tự mọc
Trên mặt đất thiện lương
Trong chéo áo có ngọc
Ðạo là tâm bình thường.

Chữ nhiều, nghĩa lạt, đạo càng xa! Khều áo, kéo tay chỉ mặt trăng rọi sừng thỏ ... Chúng ta thu ngắn con đường đi đến giải thoát, giác ngộ bằng trí tuệ, từ bi. Buông xả hết, không chấp trí chấp ngu, chẳng chấp mê chấp ngộ. Thư gửi đến cô, lời tự nói cho mình. Có đi ắt đến.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001