BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Lá thư
bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001
[05] Yên tử, nơi dấu chânxưa -ooOoo- Mùng hai hát "Hoàng hậu của hai Vua", đến ngày mùng 6 hát nhạc nhẹ ở thành phố, rằm tháng Giêng có mặt ở Kiếp Bạc, Côn Sơn và Yên Tử - đã lâu lắm mới có một tháng Giêng rộn ràng, hạnh phúc, thanh thản của nghệ sĩ trong sáng tạo rong chơi. Thiền Trúc Lâm được sáng lập cách đây 700 năm, khi đức vua Trần Nhân Tông, người thoái vị nhường ngôi cho con, đi tu lúc 35 tuổi, để sau đó không lâu, Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo quốc gia. Yên Tử ở độ cao 1068 mét, là ngọn núi cao nhất có hình dáng cánh cung khu núi Ðông Bắc thuộc thị xã Uông Bí, phía Nam là sông Bạch Ðằng, phía Tây là Phả Lại có đền thờ đức Trần Hưng Ðạo, có chùa Côn Sơn thờ Nguyễn Trãi, và phía Ðông có vịnh Hạ Long. Ðường lên đỉnh Yên Tử khiến lòng ta lâng lâng nhớ xưa thương nay, ơn nguồn nghĩa cội; mỗi trạm dừng lại, vừa để thắp hương lễ lạy ở từng ngôi chùa, khiến cho người đi Yên Tử bao giờ cũng cảm nhận thật đúng lúc cần được nghỉ chân, để chuẩn bị cho đoạn tới. Yên Tử đã có chùa từ thời Lý. Thiền sư Hiện Quang thuộc thế hệ thứ 14 dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã trụ trì ở đây. Theo tương truyền, đức vua Trần Nhân Tông rời kinh đô đi đến đây, thấy suối trong cảnh đẹp, người đã nghỉ chân, tắm mát. Từ đó có tên gọi là Suối Tắm. Cũng theo truyền thuyết, khi vua tắm xong đi được một quãng, thấy cảnh đẹp Người dừng lại, mở lương khô ra dùng. Vua chia đồng đều cho những người đi theo, vì thực phẩm còn quá ít nên mỗi người chỉ đủ ăn lót dạ. Về sau, nơi đây được dựng lên ngôi chùa, gọi là Cầm Thực (ăn cầm hơi) để ghi nhớ. Từ đây đi vào là chùa Lân ở thôn Năm Mẫu, có trước khi đức vua Trần Nhân Tông về tu ở Yên Tử, phải trải qua 5 con suối. Suối Giải Oan là đoạn cuối cùng nằm sát chân núi Yên Tử, xưa gọi là Hố Khê. Tương truyền vua Anh Tông khi biết cha là đức Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu, Ngài sai gần 100 cung tần mỹ nữ từng hầu hạ vua chạy theo khuyên vua trở về. Không thuyết phục được vị Tổ tương lai của Thiền tông Việt Nam, nên các cô gieo mình xuống suối để tỏ lòng tiết hạnh với nhà vua. Xót thương những cung tần đã vì mình mà chết oan uổng, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông cho lập đàn tràng tại Hố Khê có tên là suối Giải Oan. Ði qua hàng xích tùng đã hiện diện trên dưới 700 năm (theo các nhà khảo cổ) sẽ đến Hòn Ngọc gió lộng bốn bề. Truyền rằng xưa kia, vua Anh Tông và các quan đại thần đã dừng kiệu nơi đây, đi bộ đến chùa Hoa Yên để bái yết vua cha. Từ gò Hòn Ngọc đi tới vài trăm mét là tháp Huệ Quang. Nằm giữa hàng trăm ngọn tháp là nơi đặt xá lợi của đức vua Trần Nhân Tông. Tháp gồm có 6 tầng với chiều cao hơn 10m, ở tầng hai có đặt tượng đức vua Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch, trước mặt tượng là bát hương khói tỏa nghi ngút. Chùa Hoa Yên nằm ở cổng vòm phía Bắc tháp Huệ Quang. Chùa được xây dựng trên vùng đất rộng, hình cánh sen, ở độ cao 700m, từ đó có thể nhìn rõ con đường dẫn vào chân núi. Ðây chính là ngôi chùa mà đức vua Trần Nhân Tông trụ trì, nên được xây dựng rất quy mô. Ðặc biệt hơn, cây đại 700 tuổi nằm nghiêng trước cửa chùa, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt qua bao tháng năm dâu bể thăng trầm cùng các triều đại. Ða số khách lên Yên Tử đều nghỉ lại đây để sáng hôm sau trực chỉ chùa Ðồng nằm trên đỉnh Yên Tử. Ghé am Thiền Ðịnh, thác Ngự Ðội, chùa Một Mái là những nơi vua ngồi tĩnh tọa, nơi vua tắm, nơi vua lưu lại sách vở kinh kệ cho con cháu đời sau. Và rồi chùa Bảo Sái mang tên vị Thiền sư thứ tư sau Trúc Lâm Tam Tổ là đức vua Trần Nhân Tông cùng Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang. Ðây cũng là nơi Tổ Trúc Lâm thường đến nói pháp. Ðường đi tới ta thấy am Ngọa Vân (Mây nằm) là nơi Tổ Trúc Lâm thị tịch, am được dựng dưới tán cây tùng lớn, trồng theo dòng thác Từ chảy trên sườn núi. Gió đưa hơi nước từ biển vào và giữ lại, thành những đám mây bồng bềnh lơ lửng, muốn dừng như chẳng muốn đi. Cách chùa Bảo Sái chừng 200 mét là chùa Vân Tiêu, chính giữa thờ Tam Tổ Trúc Lâm, cạnh bên là điện thờ đức Trần Hưng Ðạo. Trước chùa là một vườn tháp gồm 6 ngọn đề chữ Hán "Vọng tiêu cung" cao 9 tầng, đặt trên bệ hình con rùa. Tháp được xây dựng từ thời Nguyễn. Trước khi lên đến chùa Ðồng trên đỉnh Yên Tử, tôi ghé thăm và đốt hương trước tượng An Kỳ Sinh - một cột đá mang dáng dấp con người được dựng đứng theo chiều cao khoảng 3 mét. Từ An Kỳ Sinh tôi theo dòng người đông đảo đi giữa hai khối đá to, chỗ dành cho một người đi chui qua gọi là "Cổng Trời". Bia Phật là một khối đá tự nhiên hình vòm cuốn, mặt phía Nam có chữ "Phật", mặt phía Bắc có ba chữ Thiên Trúc Tự. Theo "Ðại Nam nhất thống chí", thì ngôi chùa do một phu nhân của chúa Trịnh xây cất, mái lợp ngói bằng đồng. Ở độ cao trên 1000 mét, bia Phật và chùa Ðồng nằm trên đỉnh Yên Tử, chợt nắng, chợt râm, gió thổi ào ào mây bay mù mịt. Trong tĩnh lặng mang sự biến đổi vô thường, khiến chúng ta nhớ tới lời đức vua Trần Nhân Tông: "Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang, sức mạnh oai hùng đâu chống được khi vô thường đã đến ..." -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).
update: 14-04-2001