BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Lá thư
bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001
[06] Người nông dân thanh khiết -ooOoo- "Lá thư bạn đạo" lúc có lúc không, lúc khoan lúc nhặt. Có người hỏi tôi vì sao không sắp xếp với tòa soạn để có bài hàng tuần. Tôi cảm động và biết ơn những lá tâm thư đầy ân cảm của bạn đạo dành cho báo GN, dành cho tôi. Nhạc hay nhờ bổng trầm khoan nhặt. Trời đất đã có triệu năm này sang triệu năm khác, nhưng mãi mãi mới với nhân loại, với từng người mỗi buổi sớm mai, bởi đất trời nhân từ chừa một khoảng cho ngươi làm thơ có mặt. Sự sáng tạo bao giờ cũng xuất hiện trong những tình huống bất ngờ. Yếu tố bí mật của trời đất làm giàu kho tàng tri thức của nhân loại, khiến thiên nhiên phong phú hơn. Mãi mãi con người không bao giờ biết đích xác sự xuất hiện hay biến mất, đo được dài hay ngắn của nắng, mưa, sương, gió, mây, giông, bão lụt, hạn hán ... Chúng tự đến tự đi không xin phép, không tạ ơn, không hối tiếc, không xót thương, không giận vui, không tha thứ. Và con người, qua cảm xúc trước những hiện tượng, đã sáng tạo, nói thay đất trời bằng những công trình, những phát minh khoa học, tôn giáo, tác phẩm nghệ thuật.. v.v... để chứng minh, để giải thích, để biện luận, để tự hào về sự tồn tại của cả dòng sống của nhân loại. Ðạo Phật dạy chúng ta biết đủ, còn chúng ta học hỏi lẫn nhau, trao đổi thông tin cho nhau để từ từ đến lúc nào đó giác ngộ, biết thế nào là đủ. Tôi có người bạn đạo thiết thân từ ngày còn trẻ, người bạn này làm nghề bán cơm rượu. Là Phật tử, chị thích đi chùa, nghe pháp, cùng các bạn đạo khác hợp lại, gặp khổ giúp khổ, gặp vui góp vui bằng khả năng của mỗi người. Mỗi ngày chị làm và bỏ mối ở chợ 2 vò cơm rượu. Tiền thu được đủ cho ba bữa ăn gia đình, còn lại là làm Phật sự. Chị không có của dư của để, không nhà cao cửa rộng, không vòng vàng đỏ tay. Nhưng ai cũng thương chị, cần chị, quý trọng chị từ người quyền cao chức trọng cho đến một đứa bé. Tôi hỏi chị, chị làm cơm rượu ngon, bán đắt, nhiều người đặt hàng, sao chị không làm mỗi ngày 10 hoặc 20 vò, chị sẽ có nhiều tiền hơn, vừa đi làm Phật sự được nhiều, vừa để dành hậu thân. Chị trả lời đối với chị như vậy là đủ, làm nhiều cực thân, trong khi chị chỉ cần ngày 3 bữa đơn sơ đạm bạc. Ăn để nuôi thân khỏe mạnh sống tốt với mình, với gia quyến với cuộc đời, chứ không cần phải nuôi phủ phê cái thân vật chất, để tạo điều kiện cho nó gây nghiệp! Còn làm Phật sự mỗi ngày theo khả năng của mình; không nhanh, không chậm, không nhiều, chẳng ít. Như một người lội nước ngược, "cố gắng quá sẽ có ngày bỏ cuộc, thong thả bơi, tới lúc nào không hay". Nếu mỗi ngày làm 10 vò sẽ có lúc ngã bệnh. Ðôi khi đồng tiền kiếm được cách đó không đủ trả tiền thuốc và thiệt hại khác nhiều hơn trong thời gian nằm bệnh. Ba mươi mấy năm, cuộc sống của chị thanh nhàn, bình thản, trong trẻo. Tâm đạo ngày càng lớn, nhân cách, tri thức ngày càng cao sâu, đời sống ngày càng đơn giản. Chị có mặt ở đâu nơi đó yên bình, mọi người hòa hợp. Nhà cửa sạch sẽ, vén khéo; chị vô tư đến, lặng lẽ đi; nhưng ở mọi nhà chị đến và đi, người đàn ông muốn sửa mình để trở thành người chồng tốt, người đàn bà học cách tu thân để xứng đáng bổn phận làm mẹ, làm vợ, đứa trẻ học hành giỏi giang, hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà..., những người làm công kính trọng và trung thành với chủ; người chủ thương và quý những người làm công còn hơn cật ruột của mình... Cách sống của chị khiến tôi nhớ đến thi sĩ Ðào Uyên Minh, đời Ðông Tấn (364-427), nổi tiếng về nhiều bài thơ, tản văn ngắn, lời bình dị, ý thâm trầm. Người đời tặng ông là Tĩnh Tiết tiên sinh vì cuộc sống của ông cao khiết. Không làm quan lớn, không có quyền uy, sự nghiệp nào ngoài một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn ... Ông sống cuộc sống như quy luật nắng, mưa, tối, sáng, có, không của đất trời. Không xa hoa, không khổ hạnh, điều hòa được thất tình và tâm linh; trọng vật chất nhưng không đắm say, rất yêu đời nhưng không quá độ; coi sự thành công và thất bại như nhau, là mây bay, là nắng mưa huyễn ảo. Ông khiêm tốn, độc lập, vô tư, giản đơn, chất phác. Là một thi sĩ hiểu rộng học cao, với cách sống chân thật, thông minh, nhân hậu của một người nông dân minh triết. Ông quyến luyến với người và vật bởi cái tình, "nơi sinh sống miên viễn của mọi loài trên thế gian". Tôi nhớ lời đức Phật đã từng dạy, rõ ràng, ông là người đã nhận ra bản chất của mọi sự vật! Và ông đã hành xử đúng như nó tự có, đã điều hòa cái muốn, cái cần giữ con người với thiên nhiên, đã đưa cái thần thái ấy vào tác phẩm nghệ thuật. Ông đã sử dụng cái thân vật chất đúng mực. Và nhờ nó mà tạo ra cái pháp thân thi ca sống mãi với thời gian, góp thêm một loài hoa quý, tạo cái đẹp thanh nhã cho vườn hoa nhân loại. Chúng ta noi gương người xưa, học người nay, để tự hiểu mình, sửa mình. Trao đổi thông tin, giúp nhau sống tốt hơn, hành xử hợp lý hơn mỗi khi gặp may mắn thành công hay thất bại, bất hạnh trong đời mình, đời bạn, đời người. Chúng ta học để biết thế nào là đủ trong từng trường hợp, từng sự việc để tránh cho người, cho mình những nỗi khổ tâm, hụt hẫng đáng tiếc. Học chưa chắc đã hiểu. Nói hay, biết nhiều chưa chắc làm được, làm đúng. Nhưng dù sao cũng phải lên đường bằng sự học hỏi khiêm cung. Riêng tôi, khi viết là tôi đang học. "Lá thư bạn đạo" có thể đến hàng tuần, có thể hàng tháng, có thể hàng năm. Nó tự đến tự đi như mai mùa Xuân, sen mùa Hạ, cúc mùa Thu hoặc sương giá mùa Ðông. Cái bất ngờ luôn mới trong trời đất cũng như trong chúng ta. Thân kính -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).
update: 14-04-2001